ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI DÀNH CHO NHÂN LOẠI

Theo tâm lý thông thường của con người thì khi có một tai ương nào xãy ra thì người ta hay tìm cách đổ lỗi cho nhau và thậm chí trách móc cả Đấng Tạo Hóa về những điều bất như ý xãy ra cho cá nhân mình hoặc thấy xãy ra đối với người khác. Ấy là vì người ta không hiểu được chương trình của Thượng Đế dành cho nhân loại là như thế nào. Vì vậy trong bài viết lần nầy chúng tôi xin được trình bày một chút về cách mà Đức Chúa Trời làm việc trên đời sống của con người.

Trong những tuần lễ gần đây, khi trận dịch cúm cấp tính xãy ra nhiều nơi trên khắp thế giới thì có rất nhiều người hoang mang, lo lắng và khi chính quyền Nam Triều Tiên thông báo về sự lây nhiễm bệnh dịch xãy ra trong vòng các thành viên của một giáo phái theo đạo Thiên Chúa tại thành phố Daegu thì có một số người thắc mắc về việc tại sao Chúa không bảo vệ những tín đồ trong giáo phái ấy mà lại để lây nhiễm cho nhiều người khác nữa.

Trước khi đề cập đến tín lý của giáo phái kia thì chúng tôi xin được trình bày về hai cách chính yếu mà Đức Chúa Trời thường dùng khi cho phép hoạn nạn hoặc thử thách xãy ra trên đời sống con người, ngay cả đối với con dân của Chúa ở khắp nơi trên thế giới.

Cách thứ nhất là việc Đức Chúa Trời dùng tai ương để rèn luyện cho con dân Chúa được trở nên tốt hơn. Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình nên Ngài cho phép những khó khăn thử thách xãy ra với mọi người, không miễn trừ một ai. Ngay cả Cơ-đốc-nhân cũng phải chịu chung một hoàn cảnh như bao nhiêu người khác. Không phải vì là con cái của Chúa mà Cơ-đốc-nhân được miễn trừ khỏi những thử thách của đời sống con người. Tất cả các bậc cha mẹ đều biết câu nói thông thường trong việc dạy dỗ con cái tại trong gia đình, ấy là hễ cưng chìu con cái quá lố thì sẽ làm cho con hư. Cũng một thể ấy, nếu Cơ-đốc-nhân muốn gì được nấy với Đức Chúa Trời thì chắc chắn lâu dần con cái Chúa sẽ sinh ra thờ ơ với mẫu mực đạo đức mà Chúa đã dạy dỗ. Tâm lý chung của tất cả mọi người là muốn có một đời sống thuận lợi trong mọi phương diện, hay nói cách khác là muốn mọi sự xãy ra theo ý mình. Con cái của Chúa cũng có cùng một tâm lý đó, vì vậy mà thỉnh thoảng Đức Chúa Trời vẫn cho phép những điều bất như ý xãy ra, chẳng hạn như bệnh hoạn, khó khăn, tai ương để Cơ-đốc-nhân biết thức tỉnh mà nhờ cậy nơi Chúa và cẩn thận sống theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh để được phước và được bình an.

Bởi lẽ ấy mà Kinh thánh có ghi lại lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời cho con dân của Chúa rằng: Than ôi! Ước gì ngươi đã để ý đến các điều răn ta! Thì sự bình an ngươi như sông, và sự công bình ngươi như sóng biển (Ê-sai 48: 18). Vì vậy mà bệnh dịch hiện tại là một trong những cách mà Đấng Tạo Hóa cho phép xãy ra để thức tỉnh con người khỏi tội lỗi và cũng để thức tỉnh con dân Chúa khỏi sự lơ là thờ ơ đối với những tiêu chuẩn đạo đức mà Chúa muốn mọi người cần phải có.

Khi con người biết sống tốt theo tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa thì điều đó sẽ ích lợi cho nhau, cho xã hội và cho thế giới, vì sẽ bớt được tội ác và những đau khổ trong trần gian. Theo thực tế cho thấy thì chỉ khi nào con người gặp khó khăn hoạn nạn thì mới nhớ đến Đấng Tạo Hóa để kêu cầu, còn khi được thới thạnh thuận lợi thì ai nấy đều chỉ để ý đến việc thỏa mãn ý muốn của cá nhân mình mà thôi. Căn bệnh dịch nầy xãy đến để cho nhân loại thấy rằng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và y tế cũng có sự giới hạn của nó. Và những lúc như thế nầy thì con người cần tìm đến với Đấng Tạo Hóa nhiều hơn để được giúp đỡ.

Giáo phái mà trong đó có những thành viên bị bệnh và lây nhiễm cho người khác đã sử dụng sai Kinh thánh hoàn toàn khi người lãnh đạo của họ tuyên bố rằng ông ta là đấng cứu thế và sẽ đưa 144,000 người lên Thiên đàng trong tương lai. Theo lời Kinh thánh cho biết thì chỉ có một mình Đức Chúa Jêsus mới là Đấng Cứu Thế của nhân loại, ngoài ra bất cứ người nào lạm dụng danh xưng đó thì chỉ là kẻ giả mạo mà thôi.

Cách thứ hai mà Đức Chúa Trời sử dụng là quyết định giới hạn sự sống của mỗi một người trong trần gian. Cuộc sống của con người đều phải có lúc chấm dứt và việc kết thúc như thế nào không quan trọng. Việc đã sống như thế nào, thiện lành hay gian ác thì điều đó mới đáng chú ý, và mỗi người sẽ phải trả lời trước mặt Đấng Tạo Hóa về những điều mà mình đã làm hoặc đã nói lúc còn sống trong xác thịt.

Đối với Cơ-đốc-nhân chân thật thì việc chấm dứt đời sống nầy để về với Chúa được xem là sự nghỉ ngơi khỏi những lao khổ của đời người, như lời Kinh thánh đã ghi lại trong Khải huyền 14: 13 rằng: Tôi nghe có tiếng đến từ trên trời rằng: Hãy viết lấy: Từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.

Người Việt đều nhận biết rằng Đời là bể khổ, vì vậy mà người xưa mới có câu Trời kêu ai nấy dạ, ý muốn nói đến việc khi Đấng Tạo Hóa đã quyết định gọi một người nào về nghỉ ngơi thì kẻ ấy phải chấp nhận, không thể từ chối được. Chỉ có người còn sống là còn tiếp tục đau khổ mà thôi. Bởi lẽ đó việc trách móc Đấng Tạo Hóa về những điều bất như ý xãy ra hoặc là về sự qua đời của một người nào đó là điều không nên làm.

Trái lại, khi những hoạn nạn, thử thách xãy ra, thì con người đáng phải dùng những điều đó để xét lại chính mình hơn là trách móc Đấng Tạo Hóa. Không ai thật sự biết được về tấm lòng của người khác thiện lành như thế nào, chỉ có Đức Chúa Trời và chính người đó biết mà thôi. Vì vậy việc dùng quan điểm cá nhân để đoán định chương trình của Thượng Đế thì không khi nào đúng đắn được. Vả lại, bệnh dịch có thể là cơ hội làm cho con người xem xét lại các thói quen của mình đã có bấy lâu nay, vì nhiều khi những thói quen ấy làm cho chính bản thân bị mất sức khỏe, mất sức đề kháng và dễ bị vi trùng tấn công. Lúc bình thường thì ít người nghĩ đến việc trau dồi sức khỏe của mình, chỉ khi có đau bệnh thì mới thấy sức khỏe là quý.

Ngoài ra khi hoạn nạn xãy đến thì lúc đó mỗi người mới bày tỏ được bản lãnh của cá nhân, là đối diện với điều ấy một cách bình tĩnh, can đảm để tìm ra phương pháp giúp đỡ hữu hiệu cho mình và cho người khác, hay là than thở, trách móc và làm cho tinh thần sa sút nhiều hơn. Thực tế cho thấy rằng cũng cùng một khó khăn thử thách hoặc đau khổ, nhưng có người thì dùng điều đó để phát triển tấm lòng cảm thông, hiểu biết; còn người khác thì vì những điều đó mà trở thành kẻ yếm thế, bi quan, hận đời. Đó là tùy theo bản lãnh và sức chịu đựng của mỗi một cá nhân. Người xưa có câu: Gian nan mới rõ mặt anh hùng, thì cũng một thể ấy, cơn bệnh dịch hiện tại là cơ hội để nhân loại trên thế giới biết đoàn kết, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Đó cũng là cách mà Đấng Tạo Hóa đang dùng để giúp con người xích lại gần nhau trong sự hòa bình và phát triển tinh thần tương thân tương ái.

Hy vọng là những điều mà chúng tôi vừa trình bày có thể giúp đỡ quý đồng hương biết được ít nhiều về cách mà Đức Chúa Trời đang thực hiện trong trần gian để giúp cho nhân loại được tốt hơn, hiểu biết và cảm thông nhau nhiều hơn hầu có thể cùng vượt qua tai nạn nầy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *