LỜI CHÚA LÀ GƯƠM HAI LƯỠI

Kinh thánh: Hê-bơ-rơ 4: 11-13

Câu gốc: HÊ-BƠ-RƠ 4: 12 – Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.

*******

Kính thưa quý Hội thánh, trong lời của Chúa thì có những câu gốc mà Cơ-đốc-nhân chúng ta thường đọc đi đọc lại và rất quen thuộc. Câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay là một trong những câu gốc ấy và chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm về ý nghĩa được tiềm ẩn trong lời của Chúa. Như tất cả con dân của Chúa đều đã biết thì vì Kinh thánh đã được Đức Chúa Trời soi dẫn từ đầu đến cuối nên bởi lẽ đó mà Kinh thánh khác với các sách vở của trần gian. Các sách vở của con người, dầu hay đến đâu thì cũng chỉ có thể đọc qua một vài lần rồi thôi, nhưng quyển Kinh thánh vì là lời của Đức Chúa Trời nên được sử dụng không chỉ trong đời nầy mà suốt cả cõi đời, như đã được khẳng định trong

1PHI-E-RƠ 1: 25 – Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em.

Vì vậy Cơ-đốc-nhân cần phải hết sức trân trọng lời của Chúa và cố gắng tìm hiểu cũng như làm theo, để chúng ta được đẹp lòng Chúa và được hưởng những lời hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho những người biết vâng phục Ngài. Đây là điều mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết, nhưng mức độ cố gắng của mỗi người thì có khác nhau nên phần phước mà mỗi người nhận được từ nơi Chúa cũng khác nhau nữa. Nhưng trong câu gốc nền tảng của chúng ta ngày hôm nay còn có một ý nghĩa rất đặc biệt mà chúng ta nên để ý. Đó là lời của Chúa được ví như một thanh gươm nhọn hai lưỡi và rất sắc bén. Để có thể hiểu được sự ví von như vậy thì chúng ta có thể nhớ rằng tại nhà của chúng ta thì những con dao làm bếp thường là dao một lưỡi, nghĩa là có lưỡi dao và sống lưng của con dao. Lưỡi dao thì lúc nào cũng phải bén mà sống lưng thì dày và không thể dùng để cắt gọt được. Còn những thanh đao của các chiến sĩ ngày xưa cũng có một lưỡi mà thôi vì khi chém chặt thì người ta chỉ cần một lưỡi là được rồi. Nhưng gươm thì thường có hai lưỡi, nghĩa là bề nào của nó cũng đều bén cả, nhất là có đầư nhọn để nhờ đó mà có thể vừa chém vừa đâm và khi đâm thì sẽ hiệu quả hơn vì nó cắt được cả hai bề.

Khi lời của Chúa được ví von như là thanh gươm sắc bén hai lưỡi thì chúng ta có thể hiểu được điều đó trong hai khía cạnh đặc biệt của phương diện thuộc linh. Thứ nhất là dùng để chiến cự với ma quỉ và thứ hai là để xét nghiệm tấm lòng của Cơ-đốc-nhân. Về phương diện chiến cự với ma quỉ thì chúng ta đã có gương của Đức Chúa Jêsus khi Ngài bị ma quỉ cám dỗ trong đồng vắng, như lời Kinh thánh có chép trong

MA-THI-Ơ 4: 1 – Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ.

Câu chuyện về việc Đức Chúa Jêsus chịu ma quỉ cám dỗ thì Cơ-đốc-nhân nào cũng biết và phương pháp mà Ngài đã dùng để thắng hơn ma quỉ là dùng lời Kinh thánh để đuổi nó chạy xa. Ngài không hề dùng một loại vũ khí nào khác, ngay cả quyền năng đuổi quỉ của Ngài thì Chúa cũng không dùng đến, nhưng chỉ dùng có lời Kinh thánh mà thôi, và điều đó giúp cho chúng ta hiểu được vì sao mà lời của Chúa được ví như thanh gươm sắc bén hai lưỡi, vì là vũ khí hữu hiệu nhất để thắng hơn ma quỉ và các cám dỗ của nó.

Khía cạnh thứ hai của lời Chúa như là thanh gươm hai lưỡi là dùng để xét nghiệm tấm lòng của mỗi một Cơ-đốc-nhân. Khi nói đến điều nầy thì con dân Chúa có thể liên tưởng đến việc bị gươm nhọn đâm thấu vào lòng. Dầu là trong phương diện thuộc linh thì chúng ta cũng có thể hiểu được rằng điều đó rất là đau đớn, hay nói một cách khác thì rất là khó chịu. Và đó chính là hiệu ứng của việc bị gươm đâm mà Đức Chúa Trời muốn dùng hình ảnh ấy để dạy dỗ Cơ-đốc-nhân về lời của Ngài trong Kinh thánh.

Theo như tâm lý thông thường của con người thì không ai muốn nghe điều làm cho lòng mình khó chịu. Vì vậy mà trong mối giao tiếp hàng ngày người ta thường thích chuyện trò với những người nhã nhặn khéo léo và tránh xa những người ăn nói thẳng thừng bất kể đến cảm giác của người khác. Cũng chính vì khuynh hướng đó nên người ta chịu tốn kém mua vé để đi xem hài kịch hầu cho cá nhân có được những giờ phút thoải mái vui tươi và được nghe điều mà họ thích nghe. Khuynh hướng không thích nghe điều trái ý mình là khuynh hướng chung của tất cả mọi người trong trong mọi bình diện của cuộc sống, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Chúng ta có thể thấy được rằng trong gia đình thì dầu là người thân cùng huyết thống nhưng người ta vẫn không muốn nghe những lời mà mình không thích. Ra đến ngoài xã hội thì người cũng chỉ muốn nghe những lời làm êm tai mình mà thôi. Và ngay cả trên bình diện quốc gia thì các kẻ cầm quyền cai trị củng không thích nghe điều trái ý họ hoặc có ảnh hưởng đến chiếc ghế quyền lực của họ, như điều mà chúng ta có thể thấy được tại các nước độc tài.

Với khuynh hướng chung của con người như vậy thì Cơ-đốc-nhân cũng nhiều lúc bị sa vào tình trạng ấy, là không muốn nghe những lời làm mình khó chịu. Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết rằng sau khi đã tin Chúa thì con dân của Chúa phải chịu khó lắng nghe lời của Đức Chúa Trời, nhưng trong thực tế cho thấy thì nhiều người chỉ muốn nghe những điều mà mình thích nghe mà thôi, còn những sự cáo trách, lời thẳng thắng và nhất là những lời nhắc nhở về việc phải sống mẫu mực theo như tiêu chuẩn của Kinh thánh thì ít có Cơ-đốc-nhân nào muốn nghe.

Thường thì Cơ-đốc-nhân dùng lý do là đừng nên đoán xét kẻ khác để không bao giờ nói đến tội lỗi hoặc là không bao giờ nói đến những điều làm mích lòng người khác. Nhưng chúng ta thử nghĩ mà xem trong thời đại ân điển nầy, khi Đức Chúa Jêsus đã về trời và khi Đức-Thánh-Linh không trực tiếp công bố lời của Đức Chúa Trời cho thế gian, thì ai sẽ là người làm công việc đó, nếu không phải là Cơ-đốc-nhân và là những người đang hầu việc Chúa? Nếu Cơ-đốc-nhân khi nghe lời cáo trách của Kinh thánh mà còn khó chịu thì làm sao người chưa tin có thể nghe được mà ăn năn để trở về với Chúa? Lời của Chúa cho biết là mọi người đều phải thay đổi để có thể xứng đáng với nước Thiên đàng trong tương lai, nhưng nếu ai nấy không nghe không biết về điều đúng điều sai, điều cần phải làm và điều cần phải tránh thì lấy gì làm chuẩn mực để cá nhân có thể theo đó mà thay đổi? Về sự thay đổi mà Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện thì đã được lời của Chúa nhấn mạnh trong

RÔ-MA 12: 2 – Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Qua câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rõ ràng là lời của Chúa muốn con cái Ngài phải đổi mới trong tâm thần. Đây là mạng lệnh của Chúa vì có chữ đừng đứng đầu câu. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân không biết điều nào đúng điều nào sai thì làm sao để thay đổi, và nếu không có ai nói về mẫu mực của Đức Chúa Trời thì Cơ-đốc-nhân làm sao biết được những điều đó là điều nào? Vì vậy mà con dân của Chúa phải cầu nguyện để có thêm nhiều người rao báo về mẫu mực trong sự sống đạo của Cơ-đốc-nhân và cũng phải cầu nguyện cho chính cá nhân mình được kể vào trong số những người ấy.

Khi Kinh thánh cho biết là Cơ-đốc-nhân cần phải thay đổi tấm lòng thì chỉ có 2 con đường mà lời của Chúa có thể vào trong đời sống của Cơ-đốc-nhân, đó là con đường qua mắt nhìn và con đường qua lỗ tai nghe. Con đường qua mắt nhìn là khi chúng ta đọc Kinh thánh. Thế thì khi Cơ-đốc-nhân đọc lời của Đức Chúa Trời thì có lúc nào thấy tấm lòng của mình bị cáo trách đến nỗi khó chịu và đau đớn như bị gươm đâm chưa? Nếu có thì chúng ta phải tạ ơn Chúa là đã được Đức-Thánh-Linh thương xót và nhắc nhở. Kinh thánh cho biết đó là một trong những ơn phước lớn mà Cơ-đốc-nhân có thể nhận được từ nơi Chúa, vì khi bị cáo trách thì Cơ-đốc-nhân sẽ thay đổi và sẽ trưởng thành hơn trong đức tin. Đó là sự ích lợi thiết thực của lời của Chúa như là một thanh gươm hai lưỡi. Nhưng có một điều mà Cơ-đốc-nhân cũng cần phải biết là khi tấm lòng bị cáo trách lúc đọc Kinh thánh thì người ta chỉ có hai phản ứng mà thôi. Một là chấp nhận rằng mình cần phải sửa đổi để không còn bị cáo trách nữa. Hai là không đọc Kinh thánh nữa để khỏi bị cáo trách. Tôi ước ao rằng chúng ta cứ siêng năng đọc Kinh thánh suốt cả đời hầu cho nhờ lời của Chúa mà được sửa đổi, được thanh tẩy luôn cho đến ngày gặp mặt Cha yêu dấu của chúng ta trong Thiên đàng. Ích lợi như vậy của Kinh thánh đã được xác nhận từ xưa như có chép trong

2TI-MÔ-THÊ 3: 16-17 – Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.

Chữ bẻ trách trong hai câu Kinh thánh vừa trưng dẫn đồng nghĩa với chữ cáo trách, và vì lẽ đó mà khi lời Kinh thánh được rao giảng một cách trung thực và đúng đắn thì thường làm người ta khó chịu và không thích nghe. Đó là điều mà tôi xin trình bày kế tiếp sau đây.

Lời Kinh thánh đi vào lòng người qua con đường lỗ tai thì khó khăn hơn so với con đường bằng mắt thấy, tức là việc đọc Kinh thánh như tôi vừa mới trình bày qua. Sự nghe lời của Chúa khó khăn hơn việc đọc Kinh thánh là vì sự tập trung và sự quan tâm của mỗi người có khác nhau. Chúng ta cứ nhớ đến những ngày còn đi học thì sẽ hiểu được điều đó. Cùng là học sinh trong một lớp nhưng sự tập trung của em đều khác nhau, có em thậm chí còn mơ mộng cả trong giờ mà thầy cô đang giảng bài và vì vậy mà ảnh hưởng đến kết quả học tập. Việc Cơ-đốc-nhân nghe lời của Chúa cũng tương tự như vậy, vì có thể Cơ-đốc-nhân nghe mà không tập trung hoặc không chú ý bao nhiêu. Nhưng điều mà tôi muốn đề cập đến tại đây là Cơ-đốc-nhân chúng ta cần tránh khuynh hướng chỉ muốn nghe điều mà mình thích. Ấy là bởi vì bản ngã và xác thịt của con người luôn luôn chống nghịch lại với các ước muốn thuộc linh trong đời sống của Cơ-đốc-nhân, như lời Kinh thánh có chép trong

GA-LA-TI 5: 17 – Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm.

Theo như ý tưởng của câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể hiểu rằng Đức-Thánh-Linh muốn chúng ta nghe lời của Ngài để được cáo trách mà thay đổi, nhưng xác thịt và bản ngã lại chỉ muốn nghe điều êm tai theo ý thích của cá nhân mà thôi, và nếu không cẩn thận thì con dân Chúa sẽ để cho bản ngã dẫn dụ mình đi đến chỗ chỉ muốn nghe điều vừa lòng của mình chớ không nghe lời của Chúa theo ý muốn của Đức-Thánh-Linh. Đó là tình trạng đang xãy ra trong thời kỳ sau rốt mà chúng ta đang sống đây, như lời Kinh thánh có chép trong

2TI-MÔ-THÊ 4: 3-4 – Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.

Khi đọc đến chữ đạo lành trong câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì có một số người tưởng lầm rằng đó phải là những lời ngọt ngào, dễ nghe hoặc là những lời làm cho người nghe được được thoải mái, vui vẻ, thậm chí có thể cười một cách khoái trá như là đang đi xem hài kịch. Nhưng thật ra chữ đạo lành ở đây có nghĩa là đạo làm cho người ta trở nên thiện lành, tức là đạo chỉ cho người ta biết điều gì là tội để tránh xa, để loại bỏ khỏi đời sống họ. Bởi lẽ đó mà chữ đạo lành được nhắc đến như là điều khác biệt và tương phản với việc nghe những lời êm tai. Hay nói một cách khác thì những lời rao giảng êm tai, hợp sở thích của người nghe không phải là đạo lành, và ngược lại đạo lành không phải là những lời êm tai mà bản ngã và xác thịt mong muốn được nghe.

Theo thuật đắc nhân tâm của thế gian thì nguyên tắc đầu tiên để có thể lấy lòng người khác là đừng bao giờ nói điều mà người ta không thích nghe, và tất cả mọi người đều biết nguyên tắc ấy. Vì vậy mà công nhân khi đến sở làm thì phải nói thế nào để vừa lòng chủ, con dâu muốn được lòng mẹ chồng thì phải nói những điều mà mẹ chồng thích nghe. Các chính trị gia khi muốn người ta ủng hộ và bỏ phiếu cho họ thì cũng phải nói điều mà cử tri thích nghe. Ngay cả các kẻ độc tài mặc dầu họ có thể dùng quyền thế và bạo lực để trấn áp người dân thì họ cũng phải tuyên truyền điều mà người dân thích nghe. Nhưng đối với Cơ-đốc-nhân thì chúng ta phải hành động ngược lại, tức là cả người rao giảng lời của Chúa và người lắng nghe đều phải nói và nghe điều mà Đức Chúa Trời đẹp lòng theo như gương của Phao-lô trong chức vụ của ông, như đã có chép trong

GA-LA-TI 1: 10 – Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng có mặt ở khắp mọi nơi thì khi Cơ-đốc-nhân bước vào trong nhà của Ngài để nhóm lại thì lúc bấy giờ Đức Chúa Trời sẽ lắng nghe điều chúng ta nói và nhìn cách chúng ta lắng nghe. Vì nhận biết được điều đó mà Phao-lô đã rao giảng lời của Chúa một cách trung thực theo đúng như ý muốn của Chúa, vì ông biết rằng Ngài đang dò xét tấm lòng của cả người giảng lẫn người nghe, như lời Kinh thánh có chép trong

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2: 4 – Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi.

Khi Phao-lô cho biết là ông rao giảng không phải là để làm đẹp lòng loài người thì chúng ta có thể biết được rằng những lời ấy làm cho người nghe khó chịu như là bị gươm đâm vào lòng. Nhưng chính những lời như vậy mới có thể làm cho con người bừng tỉnh khỏi sự ru ngủ của những tính lý giả mạo trong ngày sau rốt. Nhờ những lời thẳng thắn trung thực làm cho đau xót như vậy mà Cơ-đốc-nhân mới có thể thấy được sự yếu đuối trong đời sống mình để sửa sai và trưởng thành hơn trong đức tin. Đó là tác dụng như thanh gươm hai lưỡi của lẽ thật trong lời Đức Chúa Trời.

Khi lời của Chúa được ví như một thanh gươm nhọn hay lưỡi đâm thấu vào tấm lòng của Cơ-đốc-nhân thì phản ứng tất nhiên của điều đó là sự đau đớn của tấm lòng bị cáo trách, vì không ai trong chúng ta dám tuyên bố rằng mình đã trọn lành trong mọi phương diện theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *