THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Thi thiên 51: 17

GƯƠNG ĂN NĂN CỦA ĐA-VÍT 2

THI THIÊN 51: 17 – Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương. Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.

– Của lễ dâng cho Chúa bao gồm cả phần vật chất và phần tâm linh, nhưng phần tâm linh là quan trọng hơn.
– Đức Chúa Trời đẹp lòng về của lễ bằng tấm lòng hơn là của lễ vật chất mang hình thức bên ngoài.
– Tâm thần đau thương thống hối của sự ăn năn là một trong những của lễ đẹp lòng Chúa.

Lời của Chúa trong Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Trật Tự, vì vậy mà mọi điều trong vũ trụ nầy cũng như mọi khía cạnh trong đời sống của con người đều đã được Chúa quy định hẳn hoi trong những nguyên tắc rất rõ ràng. Và vì Đức Chúa Trời cũng là Đấng không bao giờ thay đổi, nên đối với những nguyên tắc của Ngài dành cho vũ trụ và con người thì cũng không bao giờ thay đổi. Bởi lẽ đó mà sự ăn năn thật cũng được quy định bởi ba điều cần thiết mà con người cần phải thực hiện để có thể bày tỏ tấm lòng chân thành hối lỗi của mình trước mặt Đức Chúa Trời và nhờ đó mà nhận được sự tha thứ của Ngài. Ba điều ấy là nhận biết rằng mình có tội, có tấm lòng muốn thay đổi điều đã phạm và phải kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Đời sống của Đa-vít là một thí dụ điển hình về sự ăn năn thật theo ba yếu tố ấy.

Chúng ta đã cùng nhau suy nghĩ qua trong tuần vừa rồi về tội phạm của vua Đa-vít và biết rằng ông đã phạm tội một cách tình cờ chớ không hề có chủ định trước. Và vì lời Kinh thánh cho biết là Đức Chúa Trời đã tha tội cho ông nên từ đó chúng ta biết rằng Đa-vít đã có lòng ăn năn thật. Bởi lẽ đó mà chúng ta cùng nhau suy gẫm đến cách thức ăn năn của Đa-vít để có thể học biết về sự ăn năn thật là như thế nào.

Yêu cầu đầu tiên cần phải có của sự ăn năn thật là nhận biết rằng mình có tội. Yêu cầu nầy phù hợp và cũng là bước đầu tiên trên con đường theo Chúa của Cơ-đốc-nhân mà chúng ta đã học qua. Điểm khác biệt mà chúng ta cần để ý là sự nhận biết rằng mình có tội một cách tổng quát và nhận biết rằng mình có tội một cách chi tiết. Khi một thân hữu đến với Chúa để tin nhận Ngài thì việc nhận biết rằng mình có tội của người đó là sự nhận biết tổng quát về mọi tội lỗi mà họ đã phạm trong quá khứ cho đến thời điểm ấy. Còn sự nhận biết rằng mình có tội sau khi đã trở thành Cơ-đốc-nhân rồi là sự nhận biết chính xác về mỗi một tội mà mình mới phạm phải, chẳng hạn như việc vua Đa-vít nhận biết rằng ông đã phạm tội tà dâm với bà Bát-sê-ba. Sự nhận biết như vậy là dành cho từng tội một, chớ không phải kiểu nhận biết một cách tổng quát và chung chung của thân hữu khi đến cầu nguyện tin nhận Chúa.

Vì sự khác biệt như vậy nên khi Cơ-đốc-nhân tình cờ phạm tội thì phải thú nhận và ăn năn từng tội một với Chúa. Bởi thế cho nên trong thư tín của ông thì sứ đồ Giăng đã cho biết về lẽ thật nầy, là sau khi tin Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân vẫn còn là người có tội vì những lầm lỡ và sai phạm mà mỗi một con dân Chúa đã làm trong suốt những tháng ngày theo Chúa giữa trần gian. Câu Kinh thánh ấy đã được trưng dẫn nhiều lần trong những tuần trước nhưng chúng ta vẫn có thể đọc lại lần nữa để ghi nhớ lời của Chúa, đó là câu gốc trong 1Giăng 1: 8.

1GIĂNG 1: 8 – Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.

Vì lời của Chúa đã dạy dỗ như vậy nên mỗi một khi Cơ-đốc-nhân đến với Chúa thì lời cầu nguyện của chúng ta phải có sự tạ ơn, xưng tội và nài xin. Đây là thể thức của sự cầu nguyện đầy đủ mà những anh hùng đức tin đã thực hiện trong lịch sử, chẳng hạn như Đa-ni-ên, theo như lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong các câu Kinh thánh sau đây:

ĐA-NI-ÊN 6: 10 – Khi Đa-ni-ên nghe rằng chỉ dụ đó đã ký tên rồi, thì về nhà mình (những cửa sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quì gối xuống, cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước.

ĐA-NI-ÊN 9: 4 – Vậy, ta cầu nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta, và ta xưng tội cùng Ngài mà rằng: Ôi! Chúa là Đức Chúa Trời cao cả và đáng khiếp sợ! Ngài giữ lời giao ước và sự nhân từ đối với những kẻ yêu Ngài và giữ các điều răn Ngài.

ĐA-NI-ÊN 9: 20 – Ta còn đang nói và cầu nguyện, xưng tội lỗi ta và tội lỗi dân Y-sơ-ra-ên ta, và ta dâng lời nài xin trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta, vì núi thánh Đức Chúa Trời ta.

Một người như Đa-ni-ên, là người mà thiên sứ cho biết là được Đức Chúa Trời yêu quý lắm, mà còn phải xưng tội lỗi của ông trước mặt Chúa trong những lần cầu nguyện, thì huống chi là chúng ta. Sự xưng tội một cách rõ ràng và chi tiết như vậy làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì bày tỏ được yêu cầu đầu tiên của một tấm lòng ăn năn thật trước mặt Ngài, và nhờ đó mà sẽ được tha thứ, như lời Kinh thánh đã cho biết trong 1Giăng 1: 9.

1GIĂNG 1: 9 – Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.

Nhưng lẽ thật nầy về sự cầu nguyện đầy đủ lại ít khi được Cơ-đốc-nhân thực hiện một cách cẩn trọng và thường xuyên. Theo như thực tế cho thấy thì Cơ-đốc-nhân thường phạm lầm lỗi nhiều lắm trong một ngày, chẳng hạn như có tư tưởng sai, lời nói sai, thái độ và hành động sai so với mẫu mực của Kinh thánh, nhưng khi đến với Chúa bằng lời cầu nguyện thì Cơ-đốc-nhân lại không nhớ để tạ ơn, xưng tội, mà chỉ nhớ đến việc xin Chúa điều nầy điều kia, sau đó thì A-men rồi kết thúc. Cầu nguyện với Chúa một cách thiếu sót như vậy thì làm sao Cơ-đốc-nhân có thể được đẹp lòng Chúa. Chính bởi lẽ đó mà con dân Chúa cầu xin thì nhiều mà thường chẳng nhận được bao nhiêu. Ấy là vì tội lỗi đã phạm vẫn còn đó, chưa chịu xưng ra và chưa được tha thứ thì làm sao có thể nhận được ơn phước dư dật từ nơi Chúa được. Sự cầu nguyện thiếu sót như vậy bắt nguồn từ việc có nhiều Cơ-đốc-nhân chưa biết nguyên tắc cũng như cách thức của sự cầu nguyện, hoặc là quên hoặc là chưa bao giờ học biết một cách đầy đủ về sự cầu nguyện đúng đắn. Như tôi đã trình bày lúc ban đầu thì Đức Chúa Trời vừa là Đấng Yêu Thương vừa là Đấng Nguyên Tắc Trật Tự nữa, cho nên muốn đẹp lòng Chúa thì Cơ-đốc-nhân phải biết điều mình cần phải làm trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong sự cầu nguyện hằng ngày. Đối với chủ đề ấy, tức là Chủ đề Cơ-đốc-nhân và Sự Cầu Nguyện, thì tôi hy vọng sẽ có dịp suy gẫm lần nữa với quý Hội thánh trong những ngày tháng tới, nhằm để nhắc lại cho chúng ta nhớ điều đã học qua trong những năm trước và đồng thời cũng để chia xẻ Chủ đề ấy với các anh chị em khác của chúng ta trong đức tin qua mạng Internet.

Trở lại với tấm gương trong sự ăn năn của Đa-vít thì chúng ta có thể thấy rằng sự nhận biết rằng ông là người có tội một cách chi tiết như vậy đã được vua Đa-vít thực hiện trước mặt tiên tri Na-than và đã được Kinh thánh ghi lại trong 2Sa-mu-ên 12: 9 và 13.

2SA-MU-ÊN 12: 9, 13 – Cớ sao ngươi đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va, mà làm điều không đẹp lòng Ngài? Ngươi đã dùng gươm giết U-ri, người Hê-tít, lấy vợ nó làm vợ ngươi, còn nó thì ngươi đã giết bởi gươm của dân Am-môn… Đa-vít bèn nói cùng Na-than rằng: Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va. Na-than đáp cùng Đa-vít rằng: Đức Giê-hô-va cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu.

Theo như gương của vua Đa-vít thì Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay cũng phải nhận biết rằng mình có tội một cách chi tiết với Đức Chúa Trời như vậy, nghĩa là xưng ra trước mặt Ngài trong mỗi một lần cầu nguyện về những yếu đuối và lầm lỗi mà mình đã phạm, chớ không phải là nói một cách tổng quát chung chung theo kiếu chiếu lệ để rồi mau chóng chuyển sang điều mình muốn cầu xin. Lời của Chúa trong Kinh thánh cho biết là Ngài không nhậm lời kẻ có tội, cho nên Cơ-đốc-nhân phải xưng tội ra một cách đầy đủ chi tiết để được Chúa tha thứ cho trước khi nài xin Ngài ban phước cho mình về điều nầy hoặc điều kia. Đó là một trong những bí quyết để giúp cho con dân Chúa được phước một cách dồi dào luôn luôn. Nhưng tại đây đối với sự ăn năn thật thì việc nhận biết rằng mình có tội chỉ mới là yếu tố đầu tiên và Cơ-đốc-nhân còn cần phải có yếu tố thứ hai nữa, đó là có tấm lòng muốn sửa đổi điều mình đã phạm, hoặc nói một cách khác là có ý muốn bù đắp lại những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người khác. Yếu tố nầy đã được bày tỏ ra trong sách Công vụ 3: 19.

CÔNG VỤ 3: 19 – Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi.

Chữ trở lại trong câu Kinh thánh nầy có nghĩa là muốn làm làm lại một cách khác hơn hoặc muốn bù đắp điều thiệt hại mà tội lỗi của mình đã gây ra cho người khác. Đó là điều mà Kinh thánh đã bày tỏ ra trong gương ăn năn của Đa-vít, như có chép trong 2Sa-mu-ên 12: 5 và 6:

1SA-MU-ÊN 12: 5-6 – Đa-vít bèn nổi giận lắm cùng người ấy, và nói cùng Na-than rằng: Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết! Hắn phải thường bốn lần giá chiên con, vì đã làm như vậy, và vì không có lòng thương xót.

Hai câu Kinh thánh nầy bày tỏ tư tưởng của Đa-vít về thí dụ mà tiên tri Na-than đã kể để làm hình bóng về sự phạm tội của Đa-vít. Như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng trong tư tưởng của ông thì một người phạm tội phải bồi thường gấp bốn lần sự thiệt hại mà họ đã gây ra cho người khác. Với sự suy nghĩ như vậy thì khi Đa-vít ăn năn về tội lỗi của ông thì chắc rằng ông cũng muốn bù đắp lại một cách tương xứng theo mức độ ấy. Kinh thánh không chỉ cho biết là Đa-vít có sự suy nghĩ như vậy, mà chính Xa-chê cũng có nữa, vì sự bù đắp ở mức độ đó là luật pháp của Đức Chúa Trời, như có chép trong các câu gốc sau đây:

LU-CA 19: 8 – Song Xa-chê đứng trước mặt Chúa, thưa rằng: Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 22: 1 – Ví ai bắt trộm bò hay chiên, rồi giết hoặc bán đi, thì phải thường năm con bò cho một con, và bốn con chiên cho một con.

Chính nhờ bởi tấm lòng muốn bù đắp lại tội lỗi của họ theo mức độ mà Đức Chúa Trời đã quy định cho nên cả Đa-vít và Xa-chê đều được Đức Chúa Trời thương xót mà tha thứ cho. Vì vậy mà ngày hôm nay khi Cơ-đốc-nhân muốn bày tỏ tấm lòng ăn năn thật của mình trước mặt Chúa thì mỗi một người cũng phải có ý tưởng muốn bù đắp lại điều thiệt hại mà tội lỗi của mình đã gây ra cho người khác. Nhưng như chúng ta có thể thấy qua câu chuyện của Đa-vít thì ông không thể đi ngược lại thời gian để khỏi phạm tội ngoại tình với bà Bát-sê-ba và cũng không thể cứu sống lại U-ri sau khi đã bị chết rồi. Nói như vậy không có nghĩa chuyện đã qua thì cho qua luôn như một số người vẫn lầm tưởng, nhưng tấm lòng muốn bù đắp vẫn phải tồn tại trong tư tưởng của người đã phạm tội mặc dầu không thể cứu vãn, thay đổi hoặc sửa chữa lại điều đã làm rồi. Chính vì có tấm lòng như vậy mà lại không thể thay đổi được hoàn cảnh hoặc đi ngược lại thời gian nên những người có sự ăn thật đều cảm thấy sầu khổ, đau buồn. Lời Kinh thánh cho biết là đối với một tấm lòng đau thương thống hối như thế thì Đức Chúa Trời sẽ thương xót và tha thứ cho, như lời Kinh thánh có chép trong Ê-sai 57: 15.

Ê-SAI 57: 15 – Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn.

Một tấm lòng ăn năn đau đớn như vậy là yếu tố mà Đức Chúa Trời đòi hỏi người có tội đến với Ngài cần phải có hầu cho được tha thứ. Nguyên tắc của Chúa là như vậy, không bao giờ thay đổi. Chính bởi lẽ đó mà Đa-vít mới tỏ bày lẽ thật ấy trong Thi thiên của ông để làm gương cho mọi thế hệ sau nầy về những yếu tố cần thiết của một tấm lòng ăn năn thật, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Thi thiên 51: 17.

THI THIÊN 51: 17 – Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương. Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.

Sự dạy dỗ của Chúa về sự ăn năn thật là như vậy, để nhờ đó con dân Chúa có thể làm theo hầu cho được thương xót và được tha thứ. Nhưng có một số Cơ-đốc-nhân thì lại không biết những yêu cầu nầy, hoặc là có người thì lại tự lừa dối chính mình bằng việc nghĩ rằng tội lỗi nào mà họ đã phạm cũng sẽ được tha thứ cho mà chính họ thì chưa bao giờ thật sự có tấm lòng ăn năn trước mặt Đức Chúa Trời. Trong trào lưu chung của Hội thánh ngày nay thì nhiều người cứ cho rằng Đức Chúa Trời có bổn phận phải luôn luôn tha thứ cho Cơ-đốc-nhân về mọi tội lỗi mà họ đã phạm, còn con dân Chúa thì chẳng thèm biết đến những nguyên tắc và yêu cầu mà Chúa đòi hỏi người muốn được tha thứ cần phải có. Đối với tội tà dâm và tội ngoại tình thì lại còn nghiêm trọng hơn. Ấy là nhiều người đã không hề nhận tội trước mặt Chúa mà trái lại còn biện minh rằng họ phạm tội vì cớ lý do nầy hoặc vì lý do khác, mà đa số trong các trường hợp là đổ lỗi cho người phối ngẫu để biện minh cho việc họ cần phải ngoại tình, chẳng hạn như câu nói thường nghe của những người đang muốn ve vãn người mới rằng: Vợ anh không thương anh, không chăm sóc cho anh, hoặc vợ anh không hiểu anh, không cảm thông với anh. Một điều lạ lùng là nhiều người phụ nữ lại dễ dàng nghe theo những lời nói như vậy mà không thấy được trong các câu nói ấy sự ích kỷ của người đàn ông. Những lời nói như thế tỏ lộ ra rằng tất cả mọi điều mà họ muốn đều là để thỏa mãn cá nhân họ, chớ không hề nghe rằng họ thương vợ bao nhiêu, chăm sóc cho vợ bao nhiêu, hoặc cảm thông và hiểu được người vợ của họ tại nhà bao nhiêu. Những lời nói như vậy cũng thường là lời biện minh của những kẻ phạm tội ngoại tình trước mặt Chúa. Nhưng chúng ta có thể thấy là vua Đa-vít không hề có một lời nào biện minh nào cho sự phạm tội của ông. Dầu là với bất cứ lý do nào thì Đa-vít cũng biết rằng tội lỗi đó không đẹp lòng Đức Chúa Trời và ông nhận tội ngay lập tức trước mặt Chúa. Đối với những người phạm tội trong vòng Cơ-đốc-nhân thì cũng nên theo gương của Đa-vít như vậy hầu có thể nhận được sự thương xót của Chúa.

Ngoài ra thì kẻ ngoại tình cũng phải suy nghĩ đến sự bù đắp cho những thiệt hại do tội lỗi của mình gây ra, theo như gương của Đa-vít mà chúng ta vừa suy gẫm qua khi nãy. Có tấm lòng như vậy thì mới được kể là có sự ăn năn thật, bằng không thì việc ăn năn của kẻ có tội chỉ là đầu môi chót lưỡi mà thôi và có thể là trong tương lai họ sẽ phạm tội tiếp tục, giống như câu ngạn ngữ mà dân gian thường nói là ăn cắp quen tay mà ngủ ngày thì quen mắt. Nhưng như điều mà Kinh thánh cho biết thì loài người không thể đi ngược lại thời gian để sửa chữa điều lầm lỗi của mình, cũng giống như lời Kinh thánh đã cho biết trong Truyền đạo 3: 22.

TRUYỀN ĐẠO 3: 22 – Thế thì, ta thấy chẳng chi tốt cho loài người hơn là vui vẻ trong công việc mình; ấy là kỷ phần mình; vì ai sẽ đem mình trở lại đặng xem thấy điều sẽ xảy ra sau mình?

Đối với sự phạm tội tà dâm và tội ngoại tình thì cũng như vậy. Đa-vít không thể đi ngược lại thời gian để không phạm tội với Bát-sê-ba và khỏi phải giết U-ri. Cũng một thể ấy, người đã phạm tội ngoại tình không thể đi ngược lại thời gian để không phải làm điều mình đã thực hiện rồi. Bởi lẽ đó mà Kinh thánh mới cho biết là Đức Chúa Trời muốn thấy tấm lòng đau thương của những kẻ ăn năn khi muốn sửa lại tội lỗi của mình mà không thể làm được. Tấm lòng ấy là điều cần phải có chớ không phải là kiểu suy nghĩ của nhiều người đã phạm tội là lỡ làm rồi thì cho qua luôn, coi như chưa từng bao giờ xãy ra. Đáng tiếc là nhiều người trong Hội thánh lại suy nghĩ như vậy và giúp đỡ những người phạm tội cũng như hàn gắn các gia đình đã đổ vỡ bởi tội ngoại tình bằng câu nói: Thôi chuyện cũ bỏ qua đi, coi như không có gì xãy ra để sống trở lại với nhau bình thường. Làm như vậy chẳng khác gì dung túng cho kẻ phạm tội để họ có thể dễ dàng phạm thêm nhiều lần nữa. Luật pháp trong Kinh thánh cho biết là đối với tội ngoài tình thì không thể bỏ qua được và khi đã một lần phạm tội thì bị kể như là ghi dấu suốt đời, như lời của Chúa đã truyền phán trong Giê-rê-mi 3: 1.

GIÊ-RÊ-MI 3: 1 – Người ta nói rằng: Nếu người kia bỏ vợ mình, và nếu khi ly dị rồi vợ lấy chồng khác, thì người chồng trước có lẽ nào còn trở lại cùng đàn bà đó sao? Nếu vậy thì trong đất há chẳng bị ô uế lắm sao? Vả, ngươi đã hành dâm với nhiều người yêu, còn toan trở lại cùng ta sao? Đức Giê-hô-va phán vậy.

Chính bởi nguyên tắc một lần là suốt đời đối với sự luyến ái cho nên Đức Chúa Jêsus mới cho biết là ngoại trừ tội ngoại tình ra thì vợ chồng không được phép ly dị nhau với bất cứ lý do nào, như lời của Ngài đã phán trong Ma-thi-ơ 19: 9.

MA-THI-Ơ 19: 9 – Vả, ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình.

Theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus trong câu gốc nầy thì nếu một người nam ly dị vợ mình vì lý do là không hiểu nhau, không cảm thông nhau hoặc vì bất cứ một lý do nào khác mà không phải vì cớ tội ngoại tình, rồi sau đó đi lấy vợ khác, thì người ấy đã phạm tội tà dâm. Đó là vì luật pháp của Chúa không cho phép người nam hay người nữ lấy vợ lấy chồng lần thứ hai nếu người phối ngẫu trước kia của họ vẫn còn đang sống. Đó là luật pháp của Chúa đã được ghi lại trong Rô-ma 7: 3.

RÔ-MA 7: 3 – Vậy nếu đang lúc chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì phải bị kêu là đàn bà ngoại tình; nhưng nếu chồng chết, thì vợ được buông tha khỏi luật pháp, dầu lấy người khác cũng chẳng phải là đàn bà ngoại tình vậy.

Luật pháp của Chúa là rõ ràng như thế nhưng nhiều người rao giảng lại dẫn dắt con dân Chúa một cách sai lầm bằng cách lý giải rằng nếu sau khi ly dị rồi thì người không có phạm tội ngoại tình được phép đi lấy người khác. Rao giảng như vậy là theo quan điểm của con người, vì khi đọc kỹ lại câu gốc nầy thì chúng ta có thể thấy rằng lời của Chúa không hề đề cập gì đến việc có lỗi hay không có lỗi, mà chỉ đề cập đến việc người phối ngẫu trước đó của họ đang sống hay đã qua đời mà thôi. Chính bởi lẽ ấy mà Đức Chúa Jêsus mới phán rằng những người không phạm tội ngoại tình mà ly dị nhau để đi lấy người khác thì đều là người phạm tội tà dâm hết thảy, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5: 32.

MA-THI-Ơ 5: 32 – Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm; lại nếu người nào cưới đàn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.

Khi suy nghĩ cẩn thận lời phán nầy của Chúa thì chúng ta có thể thấy rằng người phụ nữ bị ly dị đâu có lỗi gì, vì người ấy bị chồng ly dị không phải vì cớ ngoại tình. Mặc dầu không có lỗi gì nhưng nếu người phụ nữ ấy đi lấy chồng khác thì cả hai, tức là người nữ bị ly dị và người chồng mới, đều phạm tội tà dâm hết thảy. Luật pháp nầy cũng được áp dụng cho người nam, vì khi một người ly dị vợ vì cớ vợ đã ngoại tình thì dầu cho người nam đó không có lỗi gì hết nhưng khi đi lấy vợ khác thì cả hai cũng đều bị kể là phạm tội tà dâm. Về việc luật pháp của Chúa được áp dụng một cách bình đẳng và đồng đều cho người nam và người nữ thì Kinh thánh đã có đề cập đến trong 1Cô-rinh-tô 11: 11-12 mà chúng ta đã có suy gẫm đến trong tuần lễ trước. Cũng theo luật pháp của Chúa trong câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn, thì về phần người chồng khi ly dị vợ không phải vì cớ ngoại tình và bởi điều đó mà làm cho vợ mình phạm tội tà dâm thì chẳng lẽ người ấy lại được kể là vô tội để đi lấy người vợ thứ hai hay sao? Đối với Đức Chúa Trời thì người làm cho người khác phạm tội thì người đó còn phạm tội lớn hơn nữa, theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 18: 7.

MA-THI-Ơ 18: 7 – Khốn nạn cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có; song khốn nạn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội!

Theo như lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy và trong Ma-thi-ơ 5: 32 vừa được trưng dẫn khi nãy thì kẻ ly dị vợ hoặc chồng mà không phải vì tội ngoại tình thì kẻ ấy phạm tội nặng hơn nữa vì đã làm cho người phối ngẫu trước đó của họ phạm tội tà dâm. Vì vậy họ không thể nào được kể là người không có lỗi để từ đó được đi lấy người khác theo cách lý giải của một số người rao giảng không hiểu biết lẽ thật. Kẻ làm cho người khác phạm tội tà dâm mà tự kể mình là vô tội thì đó chỉ là lý thuyết của ma quỉ mà thôi. Bởi lẽ đó thì đối với kẻ không phạm tội ngoại tình mà sau khi ly dị rồi đi lấy người khác thì họ vẫn bị kể là người phạm tội, ấy là vì người phối ngẫu trước đó của họ vẫn còn sống trên mặt đất. Như vậy, để tóm tắt lại thì kẻ ly dị vợ hoặc chồng mà tự nghĩ rằng mình không có lỗi theo quan điểm của một số người rao giảng để từ đó đi lấy người khác thì bị lời của Chúa kể là kẻ phạm tội lớn hơn, vì đã làm cho người phối ngẫu trước đó của họ phạm tội tà dâm và chính họ thì phạm tội ngoại tình.

Bởi vì luật pháp của Chúa là không cho phép người ta được lập gia đình lần thứ hai khi người phối ngẫu trước đó của họ còn sống cho nên lời Kinh thánh đã cho biết là sau khi ly dị rồi thì cả hai người nên ở vậy cho đến suốt đời hoặc là trở lại với nhau nếu họ chưa ăn ở với người nào khác, như lời của Phao-lô đã ghi lại trong 1Cô-rinh-tô 7: 10-11.

1CÔ-RINH-TÔ 7: 10-11 – Về những kẻ đã cưới gả rồi, thì tôi, nhưng chẳng phải tôi, bèn là Chúa, truyền rằng vợ không nên lìa bỏ chồng. Ví bằng đã phân rẽ nhau, thì nên ở vậy đừng lấy chồng khác; hay là phải lại hòa thuận với chồng mình. Còn chồng cũng không nên để vợ.

Như vậy thì luật pháp của Chúa cho biết là vợ chồng không nên ly dị nhau vì bất cứ lý do gì ngoại trừ một trong hai người phạm tội ngoại tình. Ngay cả trong trường hợp một trong hai người phạm tội thì người kia cũng không được lập gia đình lần thứ hai cho đến khi nào người phối ngẫu trước đó của họ qua đời. Lời Kinh thánh là rõ ràng như vậy nhưng vì tham muốn xác thịt mà nhiều Cơ-đốc-nhân đã làm ngơ để lý giải theo ý riêng và đi lấy người khác, bất kể lời của Chúa đã cảnh cáo về điều đó là phạm tội tà dâm. Nhưng đối với vua Đa-vít thì ông không hề biện minh, cũng không hề đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc bất cứ một lý do nào khác. Ông đã nhận biết ngay lập tức rằng ông là kẻ phạm tội trước mặt Chúa và bởi đó mà được thương xót và được Chúa tha thứ cho. Còn sự biện minh là lý giải của Cơ-đốc-nhân ngày nay chỉ làm cho vấn đề gút mắc thêm mà thôi và làm ảnh hưởng xấu đến các thế hệ trẻ cũng như làm cớ vấp phạm cho nhiều người. Theo như thực tế cho thấy thì việc người ta có phạm tội hay không là tùy thuộc nơi quyết định của cá nhân chớ không phải là bởi hoàn cảnh ở bên ngoài hoặc là do người khác. Sự lý giải và biện minh của nhiều người đối với luật pháp của Chúa cho thấy rằng sự phạm tội của họ là cố ý chớ không phải là vô tình. Sự phạm tội như vậy hoàn toàn khác với sự phạm tội của Đa-vít, nhưng nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng nhờ biện minh như vậy mà họ sẽ được Chúa tha thứ. Đức Chúa Trời biết rõ tấm lòng của con người là như thế nào khi họ quyết định làm bất cứ việc nhỏ hay lớn và lời Kinh thánh sẽ làm mẫu mực cho sự phán xét ngày sau của Chúa. Bởi lẽ đó mà việc nhận biết rằng mình có tội là yếu tố đầu tiên rất quan trọng của sự ăn thật và vua Đa-vít đã thực hiện điều đó ngay lập tức khi được lời của Chúa nhắc nhở đến. Ngoài ra thì ông cũng bày tỏ được lòng thống hối theo như lời tự thuật của ông trong Thi thiên thứ 51. Còn về yếu tố thứ ba là kết quả xứng đáng với sự ăn năn thì chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ đến trong những lần tới.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời mở mắt thuộc linh của con dân Chúa để mỗi Cơ-đốc-nhân có thể hiểu được điều mình cần phải làm hầu nhận được sự thương xót của Chúa luôn luôn. Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân tránh được việc cố tình phạm tội hầu cho con dân Chúa được kể là người trọn vẹn đang khi còn sống giữa thế gian. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh thêm sức cho để Cơ-đốc-nhân có lòng can đảm mà nhận biết mỗi một lầm lỗi mà mình đã phạm hầu cho có thể sửa đổi và tiếp tục làm gương sáng cho người chưa tin cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *