KINH THÁNH VÀ ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC NHÂN
THÁNH KINH GIẢI LUẬN
ĐẠI CƯƠNG BÀI GIẢNG
Kinh thánh: Thi thiên 119: 97-111
Câu gốc: THI THIÊN 119: 105 – Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.
Tất cả chúng ta đều biết rằng niềm tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ và nơi Đức Chúa Trời chỉ có dựa vào một mình quyển Kinh thánh mà thôi. Nhưng sự hiểu biết như vậy thường không được áp dụng một cách chính xác vào trong đời sống của Cơ-đốc-nhân, có nghĩa là lời của Chúa trong Kinh thánh thường bị Cơ-đốc-nhân quên lãng hoặc không sử dụng đến trong những trường hợp thức tế của đời sống.
Câu Kinh thánh trong Thi thiên 119: 105 là một trong những thí dụ điển hình. Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều thuộc lòng câu Kinh thánh nầy, nhưng nhiều khi lại ít suy nghĩ đến nội dung sâu xa của nó. Câu Kinh thánh nầy bày tỏ một trong những đặc điểm quan trọng về lời của Chúa đối với đời sống của Cơ-đốc-nhân trong trần gian. Nhưng nhiều khi Cơ-đốc-nhân thuộc lòng câu gốc nầy mà lại ít khi áp dụng nó vào trong thực tế của đời sống mình. Khi suy gẫm câu Kinh thánh nầy một cách cẩn thận thì chúng ta có thể thấy được điều đó.
Cơ-đốc-nhân chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu và là Đấng tuyệt đối khôn ngoan, như vậy có nghĩa là lời của Chúa trong Kinh thánh bày tỏ đặc điểm đó của Ngài và vì vậy mà cũng là những lời hoàn toàn khôn ngoan. Thế thì khi lời của Chúa phán rằng lời của Ngài là ngọn đèn cho chân của chúng ta thì điều đó có những ý nghĩa sau đây:
Thứ nhất, đó là chúng ta đang đi trong sự tối tăm cho nên cần ánh sáng trong lời của Chúa. Đi trong tối tăm của nghĩa là không có sự hiểu biết, mà cũng có nghĩa là đi không có mục tiêu. Ý nghĩa nầy thường bị nhiều người từ chối để chấp nhận. Lý do là vì nhiều người vẫn thường nghĩ rằng họ đã có sự hiểu biết và đã có mục tiêu trong cuộc đời nầy rồi.
Sự hiểu biết của họ có thể là từ học vấn, từ bằng cấp, từ kinh nghiệm của việc sống lâu năm trên đất. Còn mục tiêu của họ thì chắc chắn là đã có, chẳng hạn như là phải có được nhiều tiền, có được sức khỏe tốt, có danh tiếng, có địa vị cao trong xã hội, được mọi người trọng vọng và ngưỡng mộ, hoặc mục tiêu của họ là được hưởng thụ những niềm vui của trần gian.
Những mục tiêu được kể ra trên đây đều là những mục tiêu thông thường trong đời sống của con người và thường cũng là những mục tiêu của Cơ-đốc-nhân, mặc dầu ít khi nói ra thành lời.
Nhưng lời của Chúa trong Kinh thánh lại cho chúng ta thấy rằng quan điểm đó của con người là hoàn toàn sai. Chẳng hạn như khi nói đến việc con người thường hay nghĩ rằng cá nhân mình đã có sự hiểu biết hoặc đã được khôn ngoan thì lời của Chúa trong Kinh thánh lại cho biết điều hoàn toàn trái ngược với quan điểm đó.
Đối với những người chưa tin thì lời của Chúa cho biết rằng họ không có sự hiểu biết, cũng không có sự khôn ngoan, bởi vì tôn vinh và xem trọng những điều hư không trong thế gian, như đã có chép trong…
1CÔ-RINH-TÔ 1: 20 – Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không?
RÔ-MA 1: 22-23 – 22 Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại, 23 họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.
Còn đối với Cơ-đốc-nhân thì lời của Chúa phán dạy rằng chúng ta không nên kể chính mình là khôn ngoan, như đã được đề cập đến trong…
RÔ-MA 12: 16 – Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan.
Trong thực tế thì chúng ta có thể thấy rằng vì lời của Chúa phán dạy Cơ-đốc-nhân đừng nên kể mình là khôn ngoan, cho nên Cơ-đốc-nhân không bao giờ dám khoe mình, nhưng trong thâm tâm của nhiều người thì vẫn tưởng rằng họ đã khôn ngoan. Sự suy nghĩ bên trong tấm lòng của họ được bày tỏ ra bên ngoài bằng việc là họ ít khi nhờ sự soi dẫn của lời Chúa cho bước chân của họ trong trần gian.
Điều đó có thể thấy được qua việc Cơ-đốc-nhân quyết định hoặc chọn lựa nhiều điều trong đời sống nầy mà không hề nhờ cậy vào lời của Chúa mà chỉ căn cứ vào quan điểm của cá nhân hoặc lời mời gọi, cố vấn của người khác, thậm chí là còn bị những lời tuyên truyền của những kẻ gian ác và những tổ chức, đảng phái chống nghịch lại với Đức Chúa Trời dẫn dụ.
Còn đối với mục tiêu của cá nhân trong đời sống nầy thì tất cả những điều mà loài người tham muốn đều không phải là mục tiêu thật. Ấy là vì tiền bạc, danh vọng, địa vị, nhan sắc và quyền thế đều trở thành vô nghĩa khi con người đối diện với sự chết. Lời của Chúa đã có đề cập rõ ràng đến điều đó trong…
MA-THI-Ơ 16: 26 – Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?
LU-CA 12: 20 – Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?
1TI-MÔ-THÊ 6: 7 – Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được.
Chính bởi lẽ đó mà vua Sa-lô-môn, dầu rằng có địa vị, quyền thế, giàu có và nhiều vợ, nhiều nàng hầu thì vẫn thấy rằng mọi điều đó chỉ là hư không mà thôi.
TRUYỀN ĐẠO 1: 14 – Ta đã xem thấy mọi việc làm ra dưới mặt trời; kìa, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi.
TRUYỀN ĐẠO 2: 1 – Ta lại nói trong lòng rằng: Hè! Hãy thử điều vui sướng và nếm sự khoái lạc: kìa, điều đó cũng là sự hư không.
TRUYỀN ĐẠO 2: 21 – Vì có người làm công việc mình cách khôn ngoan, thông sáng, và tài giỏi, rồi phải để lại làm cơ nghiệp cho kẻ chẳng hề lao khổ làm đến. Điều đó cũng là một sự hư không và một sự tai nạn lớn.
TRUYỀN ĐẠO 4: 4 – Ta cũng thấy mọi công lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người nầy kẻ khác ganh ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi.
TRUYỀN ĐẠO 6: 2 – Kìa có một người mà Đức Chúa Trời đã ban cho sự giàu có, của cải, và sang trọng, đến đỗi mọi sự lòng người ước ao, chẳng thiếu gì hết; nhưng Đức Chúa Trời không cho người có thể ăn lấy, bèn là một người khác được ăn. Ấy là một sự hư không, một tai nạn cực khổ.
Mục tiêu của đời người đáng phải là Thiên đàng, nhất là đối với Cơ-đốc-nhân, bởi vì tất cả các thánh đồ từ xưa đến nay đều lấy Thiên đàng làm mục tiêu quan trọng nhất của đời sống họ, như đã được lời của Chúa đề cập đến trong…
HÊ-BƠ-RƠ 11: 16 – Nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.
Ý nghĩa thứ hai của việc đi trong tối tăm là Cơ-đốc-nhân chúng ta đang đi trong sự tối tăm của trần gian (khác với sự tối tăm của cá nhân). Trần gian nầy tối tăm là vì cớ tội lỗi của con người. Chúng ta có thể thấy được trong thực tế là thế giới ngày hôm nay đầy dẫy sự phạm tội. Thậm chí loài người còn hãnh diện về sự phạm tội của họ và khoe khoang điều mà họ thực hiện một cách trái tự nhiên trong phòng ngủ và khích lệ người khác cũng nên phạm tội giống như họ.
Người ta vẫn thường cho rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ làm cho xã hội tốt hơn và người ta không cần đến niềm tin nơi Đức Chúa Trời nữa. Nhưng thực tế cho thấy rằng hễ khoa học kỹ thuật phát triển chừng nào thì loài người càng phạm tội tinh vi chừng nấy. Bất cứ một phương tiện nào của khoa học kỹ thuật thì loài người cũng đều có cách để dùng chúng làm công cụ cho sự phạm tội.
Trong một thế giới đầy dẫy tội ác một cách tinh vi như vậy thì Cơ-đốc-nhân càng phải nương cậy vào lời của Chúa nhiều hơn để soi sáng cho bước chân của mình trong trần gian, tức là giúp cho chúng ta hiểu được điều cần phải làm và điều cần phải tránh, biết người nào nên làm bạn và người nào nên tránh xa, biết lắng nghe điều gì và không nên nghe điều gì.
Biết hết sức áp dụng lời của Chúa vào đời sống thực tế hàng ngày của chúng ta là cách để bày tỏ đức tin mạnh mẽ của mình nơi Chúa. Còn như ngược lại thì việc làm ngơ với lời của Chúa hoặc không chịu áp dụng vào đời sống thực tiễn của cá nhân thì điều đó chứng tỏ rằng đức tin của Cơ-đốc-nhân vẫn còn yếu kém và vì thế sẽ gặp nhiều thất bại tinh thần trong đời sống nầy, thậm chí còn bị thiệt hại về phương diện thuộc thể nữa.
(còn tiếp)