CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CÔNG BÌNH 1

Kinh thánh: 1Phi-e-rơ 3: 8-17

Câu gốc: 1PHI-E-RƠ 3: 14 – Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí.

********

– Luật pháp của Kinh thánh
– Sự công bình

*******

Luật pháp của Kinh thánh:

– Luật cho dân Y-sơ-ra-ên/Luật cho Cơ-đốc-nhân,
– Luật tổng quát/Luật địa phương,
– Luật thuộc thể/Luật thuộc linh,
– Luật hình bóng/Luật hiện hành,
– Luật cho con dân Chúa/Luật cho người hầu việc Chúa.

Câu gốc nầy là mạng lệnh thuộc linh cho tất cả mọi người. Người nào làm theo sẽ được Chúa ban phước. Người nào không làm theo sẽ phải chịu sự phán xét của Chúa trong đời nầy và đời sau.

*******

CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CÔNG BÌNH

Cơ-đốc-nhân cần phải sống đời công bình và làm sự công bình vì đã được kể là con cái Đức Chúa Trời. Kinh thánh cho biết Ngài là Đấng Công Bình:

KHẢI HUYỀN 15: 3 – Chúng hát bài ca Môi-se, là tôi tớ Đức Chúa Trời, và bài ca Chiên Con, mà rằng: Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn năng, công việc Chúa lớn lao và lạ lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường lối Ngài là công bình và chân thật!

Đức Chúa Jêsus Christ đã phán rằng con dân Chúa phải có đời sống trọn vẹn như Cha của chúng ta trên trời:

MA-THI-Ơ 5: 48 – Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.

Sự trọn vẹn của Ngài bao gồm cả sự công bình, vì vậy con dân Chúa phải học tập sống công bình và làm điều công bình, để có thể xứng đáng được gọi là những người đang bắt chước Đức Chúa Trời:

Ê-PHÊ-SÔ 5: 1 – Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài.

Câu Kinh thánh trên còn cho chúng ta thấy rằng Chúa chỉ kể những người biết chịu khổ, chịu khó để bắt chước Ngài là con yêu dấu mà thôi. Đức Chúa Jêsus là gương mẫu của Cơ-đốc-nhân về phương diện nầy. Vì vậy khi Cơ-đốc-nhân nói rằng mình là con cái Đức Chúa Trời mà không chịu sống theo các mẫu mực trong Kinh thánh thì đó chỉ là sự lừa dối cá nhân mình mà thôi.

Trở lại với vấn đề công bình thì ngay cả dân ngoại cũng công nhận rằng Đức Chúa Trời (mà họ gọi là Đấng Tạo Hóa) là Đấng Công Bình:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 9: 27 – Pha-ra-ôn bèn truyền đòi Môi-se và A-rôn mà phán rằng: Lần nầy trẫm đã phạm tội; Đức Giê-hô-va là công bình; trẫm cùng dân sự trẫm là kẻ phạm tội.

THỰC HIỆN SỰ CÔNG BÌNH

Lời của Chúa trong Kinh thánh đã dạy chúng ta rất chi tiết về việc làm theo sự công bình, mà chúng tôi sẽ lần lượt trình bày sau đây. Trước nhất, làm sự công bình có nghĩa là không theo đám đông để làm điều sai quấy, nhất là trong việc kiện cáo:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 23: 2 – Ngươi chớ hùa đảng đông đặng làm quấy; khi ngươi làm chứng trong việc kiện cáo, chớ nên trở theo bên phe đông mà phạm sự công bình.

Nói dối tức là không làm sự công bình. Đức Chúa Trời đã chỉ định rằng nói thật là điều đúng, là điều Cơ-đốc-nhân cần phải làm; và nói dối là điều sai, Cơ-đốc-nhân cần phải tránh. Ngoài ra, vì chính cá nhân mỗi người đều muốn kẻ khác nói thật với mình, vì vậy khi mình nói dối với kẻ khác tức là không công bình.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 23: 7 – Ngươi phải tránh xa các lời giả dối; chớ giết kẻ vô tội và kẻ công bình, vì ta chẳng hề tha kẻ gian ác đâu.

Ngay cả trong những trường hợp mà một người muốn kẻ khác nói dối để chính mình họ được vui lòng hoặc được thêm một chút tự tin, thì điều đó cũng là thiếu sự công bình, vì cuối cùng sự thật cũng phải phô bày và cả hai đều thành người dối trá. Bởi thế cho nên Chúa muốn con dân Ngài phải tránh xa việc nói dối với kẻ khác hoặc nghe lời dối trá của họ, dẫu là với chính mình hay là với bất cứ ai.

Nhưng câu gốc vừa trưng dẫn ở trên cũng liên quan đến vấn đề kiện cáo, nghĩa là những người có trách nhiệm phân xử không được nghe lời tố cáo dối trá và đừng để những lời ấy làm ảnh hưởng đến án phạt dành cho những kẻ liên quan. Cũng trong câu gốc trên Đức Chúa Trời đã cảnh cáo nghiêm khắc rằng bất cứ kẻ nào căn cứ vào lời dối trá để xử phạt kẻ vô tội thì sẽ bị kể là kẻ gian ác và chắc chắn sẽ bị Đức Chúa Trời hình phạt nặng nề.

Theo như mạng lệnh của Chúa truyền phán qua Môi-se thì việc một người không nhận của hối lộ tức là đang làm sự công bình:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 23: 8 – Ngươi chớ nhận của hối lộ, vì của hối lộ làm mờ mắt người thượng trí, và làm mất duyên do của kẻ công bình.

Trong câu gốc trên Đức Chúa Trời đã giải thích cho con dân Ngài biết rằng nhận hối lộ là một điều rất nguy hiểm, vì làm cho người khôn ngoan (thượng trí) cũng trở thành kẻ mù quáng vì món lợi đó và đối xử bất công với người vô tội (người công bình).

Ngoài ra chúng ta cũng nhờ câu gốc trên để biết rằng khi một món quà được tặng để làm điều đúng thì gọi là phần thưởng; nhưng khi quà được tặng để làm điều sai thì gọi là của hối lộ.

Làm sự công bình còn có nghĩa là đối xử bình đẳng với mọi người, không phân biệt nghèo giàu, trí thức hay bình dân:

LÊ VI KÝ 19: 15 – Các ngươi chớ phạm sự bất nghĩa trong việc xét đoán, chớ thiên vị người nghèo, chớ nể kẻ quyền thế; hãy cứ theo công bình mà xét đoán kẻ lân cận ngươi.

Câu Kinh thánh nầy được truyền phán cho những người ở vào địa vị phân xử (chẳng hạn như chánh án, quan tòa) nhưng cũng có thể áp dụng cho con dân Chúa trong việc cư xử và liên hệ với mọi người trong cuộc sống (vì là luật pháp tổng quát và trong phương diện thuộc linh).

Với tinh thần của câu gốc nầy, con dân Chúa không được đối xử thiên vị với bất cứ ai, mặc dầu họ ở trong địa vị nào trong xã hội. Nhưng đáng buồn thay, Cơ-đốc-nhân và trong Hội thánh Chúa ngày nay vẫn còn tệ nạn nầy, là trọng nể những kẻ quyền cao chức trọng, giàu có trong xã hội và khinh dễ những người nghèo khó, bình dân. Làm như vậy là không đẹp lòng Đức Chúa Trời và chắc chắn sẽ mất phước của Chúa.

TRẢ GIÁ ĐỂ LÀM ĐIỀU CÔNG BÌNH

Lời của Đức Chúa Trời dạy con dân Ngài rằng nếu cần phải hy sinh (chịu khổ) để làm sự công bình thì cứ dạn dĩ thực hiện, đừng từ nan, vì đó là điều đẹp lòng Chúa:

1PHI-E-RƠ 3: 14 – Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí.

Con dân Chúa phải có sự cương quyết để sống theo các tiêu chuẩn và mẫu mực mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ qua Kinh thánh, dầu có phải thiệt thòi, bị chê cười hoặc có khi phải nguy hiểm đến tính mạng thì con dân Chúa cũng nên cậy ơn Đức Chúa Trời mà thực hiện cho bằng được. Có thể Ngài đang dùng những điều đó để thử xem chúng ta có thật sự mạnh mẽ trong đức tin để làm và sống theo những điều mà Chúa đã chỉ định hay không.

Ngày hôm nay trong thế gian có rất nhiều điều đang đe dọa Hội thánh và Cơ-đốc-nhân để buột chúng ta phải đi sai khỏi con đường mà Chúa đã vạch ra trong Kinh thánh. Đáng buồn là có rất nhiều Hội thánh và nhiều Cơ-đốc-nhân đã chọn việc làm vừa lòng thế gian để khỏi bị nguy hiểm, chớ không chịu chấp nhận khó khăn, thiệt hại để sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.

Thí dụ điển hình thứ nhất là việc Hội thánh chấp nhận người đồng tính luyến ái mà không nhắc nhở họ phải thay đổi lối sống ấy để đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Thí dụ điển hình thứ hai là việc Hội thánh từ chối các tiêu chuẩn nên thánh để có thể được thế gian nhấp chận, chẳng hạn như trong vấn đề hôn nhân, ly dị, ăn của cúng thần tượng, thờ lạy người chết và các lối sống khác của người chưa tin.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *