CƠ-ĐỐC NHÂN CÓ ĐƯỢC ĂN HUYẾT HAY KHÔNG?

Vấn đề có ăn huyết được hay không là điều làm cho nhiều Cơ-đốc-nhân hoang mang, vì có quan điểm cho là được và cũng có ý kiến cho là không. Vậy thì vấn đề nầy sẽ giải quyết như thế nào? Trong bài viết sau đây chúng tôi xin được dùng lời Kinh thánh để giải đáp thắc mắc bấy lâu nay của Cơ-đốc-nhân có liên quan đến vấn đề ăn huyết, chẳng hạn như tiết canh vịt hoặc huyết heo ăn chung với cháo lòng hay bún riêu.

Theo luật pháp của Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên thì người Do-thái không được phép ăn huyết, như điều đã được chép trong Lê-vi ký 17: 14

LÊ-VI KÝ 17: 14 – Vì sanh mạng của mọi xác thịt, ấy là huyết nó, trong huyết có sanh mạng. Bởi cớ ấy, ta đã phán cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi không nên ăn huyết của xác thịt nào; vì sanh mạng của mọi xác thịt, ấy là huyết nó; ai ăn sẽ bị truất diệt.

Cũng vì luật pháp ấy mà trong vòng Cơ-đốc-nhân Việt Nam có quan điểm là những người đã tin Chúa rồi thì không nên ăn huyết.

Trước khi xem xét sâu xa hơn về vấn đề nầy thì chúng ta cần nên biết thêm về luật pháp của Đức Chúa Trời có ghi trong Kinh thánh. Những luật pháp mà Chúa ban hành cho con dân Ngài để làm theo gồm có 4 loại: Luật pháp tổng quát, luật pháp địa phương, luật pháp giai đoạn và luật pháp tuyển chọn.

Luật pháp tổng quát là luật pháp dành cho mọi người trong cả thế giới, bất kể chủng tộc, văn hóa và bất kể thời gian nào trong lịch sử của con người, chẳng hạn như luật về sự hiếu thảo và luật cấm trộm cắp. Cả người tin Chúa lẫn người chưa tin đều phải chịu dưới luật pháp nầy, không miễn trừ một ai.

Luật pháp địa phương là luật pháp chỉ dành cho một khu vực riêng biệt hoặc một đoàn thể, nhưng lại không áp dụng cho mọi người ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như luật trùm đầu và luật cấm người phụ nữ không được giảng dạy. Hai đạo luật đó chỉ áp dụng cho phụ nữ của các Hội thánh tại thành phố Cô-rinh-tô và Ê-phê-sô mà thôi, vì trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên và của Cơ-đốc giáo thì vẫn có những người phụ nữ được Chúa dùng vào vai trò lãnh đạo và giảng dạy cho dân sự của Ngài, như trường hợp của bà tiên tri Đê-bô-ra trong thời kỳ Cựu ước (Các quan xét 4: 4-5) và của bà tiên tri An-ne vào thời Đức Chúa Jêsus được sinh ra (Lu-ca 2: 36-38).

Luật pháp giai đoạn là loại luật pháp chỉ áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định trong lịch sử mà thôi, chớ không áp dụng luôn luôn cho mọi thời đại trong lịch sử của con người, chẳng hạn như luật giết con sinh để làm lễ chuộc tội vào thời kỳ Cựu ước. Sau khi Đức Chúa Jêsus chịu bị đóng đinh để chết thế cho tội lỗi của con người thì từ đó trở đi nhân loại không cần phải giết bất cứ con sinh nào nữa để làm tế lễ chuộc tội cho mình trước mặt Thượng Đế mà chỉ cần tin nhận sự chết thế của Đức Chúa Jêsus cho mình thì có thể đến gần và hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.

Luật pháp tuyển chọn là luật pháp chỉ dành riêng cho con dân của Chúa, tức là chỉ cho người Do-thái và Cơ-đốc-nhân mà thôi, còn người chưa tin thì được miễn. Dầu vậy nếu họ tự nguyện làm theo thì vẫn được Chúa thương xót và ban phước cho, chẳng hạn như luật pháp phải có ngày nghỉ sau 6 ngày làm việc để thờ phượng Chúa. Luật nầy chỉ áp dụng cho những người thuộc về Chúa, nhưng theo lịch sử của nhân loại cho thấy thì khi mọi người nhận biết được sự lợi ích của việc cần phải cho cơ thể nghỉ ngơi sau 6 ngày làm việc khó nhọc thì cả thế giới đã đồng ý là cần phải có một ngày nghỉ chung, được gọi là ngày Chúa nhật cho đến ngày nay.

Vì vậy, luật cấm ăn huyết thuộc về loại luật pháp giai đoạn và cũng là luật pháp tuyển chọn dành riêng cho người Do-thái nên không còn áp dụng cho Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển, nhất là trong các thế kỷ sau nầy, bởi đó Cơ-đốc-nhân Việt Nam có thể ăn huyết chín, nhưng chớ nên ăn huyết sống. Chúng tôi sẽ giải thích thêm trong những phần sau đây.

Luật cấm ăn huyết là luật dành cho người Do-thái trong thời kỳ Cựu ước và chỉ được ban hành khi dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị vào sống trong Đất Hứa. Lúc bấy giờ dân cư Ca-na-an có tục lệ là giết người để tế thần, thậm chí còn uống huyết sống nữa. Đó là hủ tục tôn giáo có từ thời cổ đại của các dân tộc mà lịch sử vẫn còn ghi lại cho đến ngày nay. Ngay cả dân Trung hoa và Việt Nam cũng có làm điều đó, chẳng hạn như việc Chu Du chém đầu tướng Thái Hòa của Tào Tháo để tế cờ trước khi đánh trận Xích Bích trên sông Trường Giang.

Vì việc giết người tế thần của dân ngoại nên khi Đức Chúa Trời ban luật pháp giết con sinh để làm của lễ chuộc tội thì Ngài có phán truyền rằng dân Y-sơ-ra-ên không nên ăn huyết mà phải đổ huyết đó xuống đất, như có chép trong Lê-vi ký 4: 34.

LÊ-VI KÝ 4: 34 – Đoạn, thầy tế lễ sẽ nhúng ngón tay mình trong huyết, bôi trên các sừng bàn thờ về của lễ thiêu, và đổ hết huyết dưới chân bàn thờ.

Việc Đức Chúa Trời cấm dân Y-sơ-ra-ên không được ăn huyết còn có một lý do khác. Đó là vì trong huyết sống có vi khuẩn gây bệnh, thậm chí gây tử vong, mà ngày hôm nay khoa học đã chứng minh được điều đó. Vì vậy mà trong Kinh thánh có ghi lại việc huyết làm chết các sinh vật sống trong sông ngòi hồ ao của xứ Ê-díp-tô và trong biển cả (Xuất Ê-díp-tô ký 7: 20-21, Khải huyền 16: 3).

Bởi những lý do đó mà Đức Chúa Trời đã cấm dân Y-sơ-ra-ên không được ăn huyết để có thể giữ được sức khỏe, để tránh bệnh tật và để tự phân biệt sự tế lễ của họ với sự tế lễ của dân ngoại bang trong xứ Ca-na-an. Nhưng đó chỉ là luật pháp giai đoạn và luật pháp tuyển chọn mà thôi, vì ngày hôm nay không còn có một dân tộc nào hay một tôn giáo nào dùng việc giết người để tế thần và cũng không còn ăn huyết sống của sự tế lễ thần tượng nữa.

Chúng ta cũng cần nên biết thêm là luật pháp mà Giáo hội nghị tại thành Giê-ru-sa-lem (Công vụ 15: 1-29) công bố về vấn đề cấm ăn huyết là nhằm để duy trì sự thống nhất trong các Hội thánh đương thời giữa những người ngoại vừa mới trở lại tin nhận Chúa và người Giu-đa với luật pháp truyền thống của họ có từ thời Môi-se. Theo lời Kinh thánh cho biết thì một số người Pha-ri-si, sau khi chính họ tin Chúa rồi, thì cố tình làm khó cho những người ngoại mới trở lại với Chúa (Công vụ 15: 1, 5). Chính bởi lẽ đó mà các sứ đồ đã quyết định rằng người ngoại không cần phải cắt bì sau khi đã tin Chúa (mặc dầu luật ấy là giao ước đời đời dành cho tuyển dân của Chúa, Sáng thế ký 17: 13 và 1Cô-rinh-tô 7: 19) và chớ ăn huyết (vì họ vốn trước đó là những kẻ thờ lạy thần tượng, chẳng hạn như thần Cybel, mẫu thần của người Hy-lạp và một số dân tộc thuộc đế quốc La-mã thời bấy giờ).

Nhưng chúng ta cần phải để ý là lúc đó Phao-lô đã được kêu gọi để làm việc riêng với người ngoại, nghĩa là thi hành chức vụ sứ đồ của ông tại các Hội thánh hoàn toàn không có người Giu-đa (Công vụ 13: 46, 18: 6, Ga-la-ti 2: 7-9) nên ông đã dạy họ rằng bất cứ điều gì mà người ta bán ở hàng thịt thì cứ ăn tự do (1Cô-rinh-tô 10: 25-27). Điều đó có nghĩa là thịt có huyết và sản phẩm của huyết.

Bởi lẽ đó chúng ta hiểu rằng luật về việc cấm ăn huyết là luật giai đoạn và cũng là luật tuyển chọn. Luật giai đoạn là vì thời bấy giờ dân chúng trong cả đế quốc La-mã còn thờ lạy thần tượng và hiến tế bằng cả sinh mạng con người lẫn thú vật (giống như việc sử sách ghi lại các cuộc giết người trong quản trường giác đấu và sau nầy việc họ bắt Cơ-đốc-nhân đem cho thú dữ xé xác như là một cách để tế thần Cybel mà hình ảnh tượng trưng là một con sư tử cái). Luật nầy cũng là luật tuyển chọn vì dành cho người Giu-đa trở lại tin Chúa (để tiếp tục giữ luật pháp Cựu ước) và người ngoại trong các Hội thánh hổn hợp như vậy (để có sự hòa đồng và thống nhất với người Giu-đa). Còn trong các Hội thánh chỉ có người ngoại trở lại tin Chúa không mà thôi chớ không có người Giu-đa thì Phao-lô lại dạy dỗ khác hơn trong sự ăn uống, như đã trưng dẫn ở trên, trong 1Cô-rinh-tô 10: 25-27.

Để minh chứng cho điều mà Phao-lô đã dạy dỗ người ngoại, là việc được ăn tự do mọi điều người ta bán ở hàng thịt, thì chúng ta thấy rằng sau đó Chúa vẫn ban phước cho chức vụ của ông và ông vẫn tiếp tục làm được nhiều phép lạ (Công vụ 19: 11). Bởi đó chúng tôi mới quả quyết rằng luật về sự ăn huyết chỉ là luật giai đoạn và là luật tuyển chọn so với những luật lệ khác.

Đối với dân Việt Nam thì việc ăn huyết chỉ là sử dụng những thành phần của súc vật và gia cầm để làm thực phẩm mà thôi. Mặc dầu người Việt có dùng thịt heo, thịt vịt trong việc cúng bái, nhưng không ai dùng huyết như là một của lễ tế thần tượng, cho nên Cơ-đốc-nhân không cần phải áp dụng luật cấm ăn huyết cho mình để phân biệt với người chưa tin. Thêm nữa, việc ăn huyết của người Việt là ăn huyết đã nấu chín, vốn là phương pháp cần thiết trong việc bảo đảm thực phẩm khỏi các mầm bệnh. Vì vậy trong thời kỳ ân điển thì việc ăn huyết heo đã nấu chín với cháo lòng hoặc bún riêu đều không phải là tội, theo tinh thần và ý nghĩa của câu Kinh thánh trong 1Cô-rinh-tô 10: 30.

1CÔ-RINH-TÔ 10: 30 – Nếu tôi tạ ơn rồi ăn, cớ nào vì một bữa ăn đã cảm ơn mà lại bị chê bai?

Dầu vậy, để bảo đảm cho sức khỏe cá nhân và để ít nữa giữ được tinh thần của luật pháp trong việc cấm ăn huyết sống thì Cơ-đốc-nhân nên tránh ăn tiết canh vịt là hơn, vì món ăn ấy dễ mang theo mầm bệnh và vẫn thường liên quan đến việc nhậu nhẹt, là điều không nên có trong cuộc sống của Cơ-đốc-nhân.

Mong ước rằng Cơ-đốc-nhân có thể cân bằng đời sống bình thường của mình và việc tuân thủ theo luật pháp của Kinh thánh để làm chứng tốt cho mọi người. Cầu xin Chúa tiếp tục soi sáng chúng ta để có thể bước đi cách đúng đắn và vui mừng trên con đường tin kính mà theo Chúa cho đến cuối cùng. Amen.

NHỮNG CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

SÁNG THẾ KÝ 17: 13 – Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy.

XUẤT 7: 2-21 – Vậy, Môi-se và A-rôn bèn làm y như lời Đức Giê-hô-va đã dặn mình. Trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, A-rôn giơ gậy lên, đập nước sông, hết thảy nước sông bèn hóa thành huyết. Cá dưới sông chết, nước sông hôi-thúi, người Ê-díp-tô không thể uống được; vậy, huyết lan khắp cả xứ Ê-díp-tô.

CÁC QUAN XÉT 4: 4-5 – Trong lúc đó, Đê-bô-ra, là nữ tiên tri, vợ của Láp-bi-đốt, đoán xét dân Y-sơ-ra-ên. Bà ở trên núi Ép-ra-im, giữa khoảng Ra-ma và Bê-tên, dưới cây chà là Đê-bô-ra, và dân Y-sơ-ra-ên lên đến cùng người, đặng nghe sự xét đoán.

LU-CA 2: 36-38 – Lại có bà tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện. Một lúc ấy, người cũng thình lình đến đó, ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem.

CÔNG VỤ 15: 1 – Vả, có mấy người từ xứ Giu-đê đến, dạy các anh em rằng: Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt bì theo lễ Môi-se, thì không thể được cứu rỗi.

CÔNG VỤ 15: 5 – Nhưng có mấy kẻ về đảng Pha-ri-si đã tin đạo, đứng dậy nói rằng phải làm phép cắt bì cho những người ngoại, và truyền họ phải tuân theo luật pháp Môi-se.

CÔNG VỤ 13: 46 – Phao-lô và Ba-na-ba bèn nói cùng họ cách dạn dĩ rằng: Ấy cần phải truyền đạo Đức Chúa Trời trước nhất cho các ngươi; nhưng vì các ngươi đã từ chối, và tự xét mình không xứng đáng nhận sự sống đời đời, nên đây nầy, chúng ta mới xây qua người ngoại.

CÔNG VỤ 18: 6 – Nhưng, vì chúng chống cự và khinh dể người, nên người giũ áo mình mà nói rằng: Ước gì máu các ngươi đổ lại trên đầu các ngươi! Còn ta thì tinh sạch; từ đây, ta sẽ đi đến cùng người ngoại.

CÔNG VỤ 19: 11 – Đức Chúa Trời lại dùng tay Phao-lô làm các phép lạ khác thường.

1CÔ-RINH-TÔ 7: 19 – Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.

1CÔ-RINH-TÔ 10: 25-27 – Phàm vật gì bán ở hàng thịt, hãy ăn, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi về việc đó; bởi chưng đất và mọi vật chứa trong đất đều thuộc về Chúa. Nếu có người chẳng tin mời anh em, và anh em muốn đi, thì không cứ họ dọn ra đồ gì, hãy ăn đi hết thảy, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi hết.

GA-LA-TI 2: 7-9 – Trái lại, họ thấy sự giảng Tin lành cho kẻ không chịu phép cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin lành cho người chịu phép cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ vậy, vì Đấng đã cảm động trong Phi-e-rơ để sai người làm sứ đồ cho những kẻ chịu cắt bì, cũng cảm động trong tôi để sai tôi làm sứ đồ cho dân ngoại, và nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì Gia-cơ, Sê-pha, Giăng, là những người được tôn như cột trụ, trao tay hữu giao kết với chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại, còn các người ấy thì đến cùng những kẻ chịu phép cắt bì.

KHẢI HUYỀN 16: 3 – Vị thiên sứ thứ hai, trút bát mình xuống biển, thì biển biến ra huyết, như huyết người chết; phàm sanh vật ở trong biển đều chết hết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *