TẠI SAO CUỘC ĐỜI ĐẦY ĐAU KHỔ?

Kinh thánh: Truyền đạo 1: 1-11

Câu gốc: RÔ-MA 5: 12 – Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.

Mỗi một khi tôi có dịp nói chuyện với các thân hữu thì một trong những vấn đề thường được nhắc nhở đến là tại sao cuộc đời của con người lại có quá nhiều đau khổ, nào là bệnh tật, bất hạnh, tai ương, chiến tranh và và nhất là sự chết. Đó chỉ là mới đề cập đến một cách tổng quát mà thôi, còn nếu nói đến chi tiết thì nỗi đau khổ của con người không có bút mực nào mô tả hết được. Chính vì cuộc đời có quá nhiều đau khổ mà người ta mới nói vui vui là không có một em bé nào mới chào đời mà lại cười bao giờ, và dùng điều đó như là hình ảnh để minh chứng cho lời của nhân gian hay nói là cuộc đời nầy là bể khổ. Đối với thắc mắc về sự đau khổ triền miên trong đời sống con người thì thật ra không một ai có câu trả lời đầy đủ, nhưng theo như lời của Chúa trong Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân có thể biết được nguyên nhân vì sao mà nhân loại cứ chìm đắm trong khổ đau. từ đó chúng ta có thể thấy được phương pháp vốn dựa trên lời của Chúa để tìm được cho chính mình một đời sống vui mừng, hạnh phúc và thỏa lòng.

Nhưng trước khi nói đến sự đau khổ trong đời sống con người thì chúng ta nên suy nghĩ một chút về mục tiêu của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng con người trong thế gian nầy. Lời Kinh thánh cho biết là Đấng Tạo Hóa muốn con người được hạnh phúc khi Ngài tạo dựng nên ông A-đam và Ê-va trong vườn Địa đàng. Chúa tạo dựng họ để cai quản mọi điều, mọi vật mà Ngài đã dựng nên

SÁNG THẾ KÝ 1: 26 – Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.

Theo như lời Kinh thánh mà tôi vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên con người đẹp đẽ và Ngài đã đặt con người làm kẻ cai quản, hay nói một cách khác cho dễ hiểu hơn, là làm chủ mọi điều mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng, từ đất đai, đồi núi, đồng cỏ cho đến các loài động vật. Vì thế mà chúng ta thấy con người đẹp đẽ hơn tất cả các loài sinh vật khác và mặc dầu sức lực của con người có thể thua kém một số các loài động vật nhưng Chúa đã ban cho con người có bộ não tuyệt vời để cai trị chúng và bắt chúng phải phục tùng như chúng ta có thể được trong thực tế.

Đức Chúa Trời không hề định cho con người phải chịu đau khổ. Ngài cũng không định cho con người phải chết khi dựng nên A-đam và Ê-va. Chính vì lẽ đó mà Đức Chúa Trời không hề cấm hai người ăn trái cây của sự sống, là loại trái cây mà khi ăn vào thì con người được sống đời đời

SÁNG THẾ KÝ 2: 9 – Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác.

SÁNG THẾ KÝ 2: 16-17 – Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.

Qua hai câu Kinh thánh mà tôi vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời đã cho trồng hai thứ cây đặc biệt ở giữa vườn Ê-đen, là cây sự sống và cây biết điều thiện và điều ác, hay nói một cách khác thì một cây có trái mà khi ăn vào thì sẽ được sống đời đời và một cây có trái mà khi ăn vào sẽ phải chịu già lão, bệnh tật và sự chết, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong

SÁNG THẾ KÝ 3: 22 – Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.

Qua câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng trái của cây sự sống khi ăn vào thì sẽ được sống đời đời. Trước khi A-đam phạm tội thì Chúa không cấm A-đam ăn trái cây ấy, có nghĩa là ông đã được Chúa tạo dựng để sống đời đời nên ăn trái cây của sự sống là điều hết sức tự nhiên, không cần phải ngăn cấm. Nhưng sau khi A-đam và Ê-va phạm tội bất tuân mạng lệnh của Chúa thì họ phải chết. Vì thế mà Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Ngài ngăn cản không cho ông bà được ăn trái cây của sự sống nữa, như lời Kinh thánh có chép trong

SÁNG THẾ KÝ 3: 24 – Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bin với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống.

Có nhiều người cho rằng sự chết mà Đức Chúa Trời đã phạt A-đam và Ê-va sau khi phạm tội bất tuân là sự chết thuộc linh, tức là xa cách với Đức Chúa Trời và không còn tương giao với Ngài như trước nữa. Nhưng điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với Kinh thánh. Vì sau khi A-đam phạm tội thì Đức Chúa Trời vẫn phán bảo với A-đam trực tiếp chớ không cần phải thông qua trung gian của bất cứ người nào khác giống như các thế hệ sau nầy và giống như chúng ta ngày hôm nay, như lời Kinh thánh đã có chép trong

SÁNG THẾ KÝ 3: 8 – Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Chữ tránh mặt mà Kinh thánh đã dùng trong câu gốc tôi vừa trưng dẫn cho thấy rằng sau khi phạm tội thì A-đam vẫn có thể gặp được Đức Chúa Trời như trước, vì vậy mà ông đi ẩn trốn trong bụi cây để tránh gặp Ngài. Ngoài ra thì Đức Chúa Trời vẫn phán bảo với A-đam và ông vẫn thưa trình lại với Ngài như trong một cuộc đối thoại trực tiếp

SÁNG THẾ KÝ 3: 11-12 – Đức Chúa Trời phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lõa lồ? Ngươi có ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn đó chăng? Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.

Thêm nữa, lời của Chúa đã khẳng định rằng một người phạm tội vẫn có thể được tha thứ khi biết thật lòng ăn năn, và dầu Đức Chúa Trời tuyên phán người đó phải chết vì cớ phạm tội nhưng khi biết ăn năn thì người đó vẫn được tha, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong

Ê-XÊ-CHI-ÊN 33: 14-15 – Khi ta nói cùng kẻ dữ rằng: Mầy chắc chết! Nếu kẻ dữ ấy xây bỏ tội lỗi mình, theo luật pháp và hiệp với lẽ thật; nếu nó trả lại của cầm, đền bồi vật nó đã cướp lấy, bước theo lệ luật của sự sống, và không phạm sự gian ác nữa, thì chắc nó sẽ sống và không chết đâu.

Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nên dầu Ngài có tuyên phán rằng kẻ phạm tội phải chết, nhưng vì người ấy vẫn còn có cơ hội để ăn năn và được tha thứ, nên án phạt phải chết sẽ không xãy ra. Nguyên tắc nầy được áp dụng cho mọi người, kể cả A-đam, vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng. Vì vậy sự chết mà Đức Chúa Trời cảnh cáo A-đam về việc ăn trái cấm là sự chết thuộc thể chớ không phải là sự chết thuộc linh. Thêm nữa, lời của Chúa đã xác định rằng sự chết thuộc linh chỉ xãy ra sau khi loài người bị xét đoán chung thẩm và đó là hình phạt đời đời trong hỏa ngục, theo như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong

KHẢI HUYỀN 20: 14 – Đoạn, Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai.

KHẢI HUYỀN 21: 6 – Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai.

Như vậy thì bây giờ chúng ta có thể biết được rằng Đức Chúa Trời không dựng nên A-đam để bị chết về thuộc thể nên vì vậy mà ông được phép ăn trái cây của sự sống, tức là loại trái cây giúp cho người ta sống đời đời. Nhưng sau khi A-đam phạm tội bất tuân và ăn trái cấm, thì lúc đó sự chết mới bắt đầu xuất hiện trong cơ thể của A-đam khiến cho ông bị già lão và 930 năm sau thì qua đời. Điều đó đã được lời của Chúa xác định trong

RÔ-MA 5: 12 – Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.

Vì vậy chúng ta có thể hiểu được rằng sự chết và nguyên nhân của tất cả những sự đau khổ khác trong đời sống con người đều bắt nguồn từ việc A-đam phạm tội, hay nói một cách khác để cho dễ hiểu, thì đó là vì sự chọn lựa sai lầm của loài người. Trong hai bài giảng trước đây của tôi với Chủ đề Tự Do Trong Khuôn Khổ và Chúa Ngăn Cản Việc Xây Tháp Ba-bên thì tôi đã có trình bày với Hội thánh về lý do mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người sự tự do. Đức Chúa Trời không muốn tạo dựng con người như một người máy, nhưng mà là những người có quyền tự do để lựa chọn mọi điều mà mình muốn thực hiện. Dầu vậy, theo nguyên tắc đời đời của Đức Chúa Trời thì sự tự do lựa chọn bao giờ cũng đi kèm với hậu quả của nó. Bởi lẽ đó mà khi con người lựa chọn sai lầm rồi dẫn đến sự phạm tội thì chính người ấy phải chịu lấy hậu quả của điều đó. Vì A-đam đã chọn lựa nghe theo lời của Ê-va để ăn trái cấm chớ không nghe theo lời của Đức Chúa Trời nên ông phải lãnh lấy hậu quả là mất sự sống đời đời và phải chịu già lão bệnh tật rồi chịu chết.

Bởi lẽ đó khi chúng ta nhận biết rằng sự tự do là quan trọng đối với con người thì cũng phải nhận biết rằng sự lựa chọn cũng có tầm quan trọng tương tự như vậy trong việc quyết định đời sống của một người được hạnh phúc hay đau khổ. Sự phạm tội của A-đam là một thí dụ thực tế điển hình để cảnh giác Cơ-đốc-nhân về những chọn lựa mà mình cần phải thực hiện trong đời sống nầy. Nếu chúng ta có thì giờ ngồi lại và suy nghĩ một cách cẩn thận về mọi sự đau khổ của con người thì chúng ta có thể thấy rằng chúng đều bắt nguồn từ sự chọn lựa của cá nhân trong mọi phương diện của đời sống.

Nhưng trước khi trình bày chi tiết hơn về những chọn lựa dẫn đến đau khổ thì tôi xin được đề cập đến một trong những quan điểm thường thấy trong nhân gian. Đó là có nhiều người cho rằng sự đau khổ trong đời sống của con người là do số mệnh chớ không phải là vì sự chọn lựa của cá nhân. Họ đưa ra những thí dụ sau đây để làm bằng chứng, chẳng hạn như việc các em bé sinh ra trong những gia đình nghèo thiếu và lớn lên trong sự khó khăn, cực nhọc, không có cơ hội đến trường, thậm chí phải khất thực để sống. Cũng có những em sinh ra đã tật nguyền, cứ ốm đau mãi cho đến chết. Những người đưa ra các thí dụ ấy cho rằng đó là tại số mệnh đã định trước, khôngn phải là lỗi của cá nhân. Thậm chí còn đổ thừa là Đấng Tạo Hóa không công bằng.

Nhưng tôi xin thưa cùng quý Hội thánh là sự đau khổ của mỗi người thì phần lớn là liên quan đến sự nhận thức của người đó, chớ không phải là sự nhận định của người ngoài cuộc. Điều nầy đã được Kinh thánh bày tỏ và đã được giới tâm lý học ngày nay xác nhận. Chúng ta có thể biết được điều đó qua tâm tình của Phao-lô về cuộc đời của ông, như đã được chép trong

PHI-LÍP 4: 11-12 – Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được.

Chúng ta thử lấy trường hợp của những trẻ em tại các nước chậm tiến và trẻ em tại Âu Mỹ. Theo nhận xét của nhiều người thì tỷ lệ trẻ em tự tử trong các gia đình nghèo khổ thì rất thấp so với mức độ tử tử của các em thiếu niên Âu Mỹ trong các gia đình giàu có. Tôi chưa nghe qua tin tức nào đề cập đến người nghèo tự tử, nhưng trường hợp tỷ phú tử tự tại Âu Mỹ thì tôi có đã có đọc qua, mà không phải là chỉ một vài người. Chúng ta thử nghĩ đến sự giàu có của họ một chút thì mới thấy được sự đau khổ là tùy thuộc quan điểm của cá nhân, vì đối với một tỷ phú thì tài sản của họ là vài ngàn triệu đô-la, một đời người tiêu xài đâu có hết, nhưng họ vẫn có những đau khổ dẫn đến việc phải tự tử.

Còn trong trường hợp của những em bé sinh ra bị tật nguyền, mất trí, đau bệnh mãi rồi chết thì xin thưa với quý Hội thánh là các em bé như vậy không nhận biết đó là sự đau khổ. Đây là điều mà các bác sĩ tâm lý đã xác định chớ không phải tôi. Nói như vậy thì tôi không có ý nói là chúng ta không cần thương xót các em hoặc không cần phải giúp đỡ các em nữa. Trái lại chúng ta cần phải giúp đỡ các em nhiều hơn, nhưng tại đây tôi chỉ muốn nói về sự nhận thức của cá nhân đối với sự đau khổ mà thôi. Tại các nước Âu Mỹ thì trẻ em như vậy được chính phủ chăm sóc suốt đời, ngay cả cha mẹ của các em cũng được giúp đỡ tài chánh và nhà cửa một cách đầy đủ để có thể yên tâm chăm sóc cho con. Nhưng các chuyên gia tâm lý cho biết là vì các em không có cơ hội so sánh được tình trạng của người bình thường và người có tật bẩm sinh là như thế nào, nên sự nhận biết đau khổ của các em khác với người mạnh khỏe như chúng ta.

Tôi xin được đưa ra thí dụ thế nầy để minh họa cho điều đó. Trong dân gian Việt Nam có bài hát về em bé chăn trâu mà nhiều người trong chúng ta đã biết, chẳng hạn như câu: Ai bảo chăn trâu là khổ. Đó là một sự thật của đời sống bình yêu ngày xưa tại nông thôn Việt Nam. Nhưng chúng ta thử nghĩ về trường hợp của một người nào đó đã từng đi xe hơi máy lạnh, ngồi ghế có bộ phận điều chỉnh nhiệt độ, hoặc từng đi du thuyền vòng quanh thế giới, thì việc đi chăn trâu hoàn toàn khác hẳn đối với họ. Đó là sự đau khổ mà họ có thể không chịu nỗi.

Vì vậy khi tôi trình bày về nguyên nhân của sự đau khổ trong đời sống con người thì tôi muốn nói đến nhận thức của những người đang đau khổ một cách tổng quát, chớ không phải là dành cho những người có thấy người khác đau khổ hay không. Hai điều ấy hoàn toàn khác nhau.

Trở lại với nguyên nhân của sự đau khổ thì như những điều tôi vừa trình bày qua, quý Hội thánh đã có thể biết được nguyên tắc chung mà Đức Chúa Trời đã định cho nhân loại, là việc lựa chọn của chúng ta trong mọi phương diện của cuộc sống quyết định việc chúng ta được hạnh phúc hay đau khổ, chớ không thể đổ thừa cho định mệnh. Tôi xin đưa ra một thí dụ nữa để giải thích về nguyên tắc vừa được đề cập qua. Thời tôi còn là sinh viên tại Úc đại lợi thì tôi đã học biết được điều nầy, ấy là nếu chúng ta chọn một niềm vui đơn giản cho mình thì hạnh phúc từ niềm vui ấy sẽ kéo dài, hay nói một cách ngắn gọn là hễ niềm vui đơn giản thì hạnh phúc lâu dài. Khi còn là sinh viên thì tài chánh eo hẹp lắm. Đây là tình trạng chung của nhiều người. Lúc đó vào những ngày cuối tuần thì tôi chọn việc đọc sách làm vui, và những quyển sách nổi tiếng trên thế giới bán tại các tiệm sách cũ chỉ có 50 cent mà thôi. Vậy là chỉ với một đồng Úc đại lợi tôi có thể tìm được niềm vui và sự giải trí hữu ích trong những ngày cuối tuần, nhiều khi còn lưu lại trong tôi vài tuần sau đó khi mình tâm đắc với những điều đọc được được trong sách vở.

Trong thế gian nầy có rất nhiều cuộc vui, sự đa dạng của các cuộc vui thì không sao nói hết được. Có những cuộc vui rất là tốn kém, có hại sức khỏe, nhiều khi còn sinh ra cãi cọ, ẩu đã với nhau, hoặc làm nguy hiểm đến tính mạng của mình và của người khác. Và sau cuộc vui thì bị nhức đầu, mệt mõi, ẻu oải trong người. Đó là tôi chỉ muốn thí dụ mà thôi, để chúng ta có thể thấy rằng sự đau khổ trong đời sống nầy xãy ra là vì sự chọn lựa của mỗi cá nhân về điều mình muốn làm hoặc điều mà mình thấy thích. Những sự chọn lựa đó có khi còn để lại hậu quả không tốt cho các thế hệ con cháu sau nầy. Cho nên muốn có hạnh phúc và tránh được đau khổ thì mỗi cá nhân phải cẩn thận trong việc chọn lựa của mình trong mọi phương diện của cuộc sống.

Vì vậy chúng ta có thể hiểu được rằng việc chọn bạn, chọn người phối ngẫu, chọn công việc làm, chọn nghề nghiệp, chọn chỗ ở, chọn cách ăn mậc, y phục, chọn cách giải trí, chọn tin tức, phim ảnh để xem, chọn món ăn, chọn cách dạy con, chọn hành trình đều quyết định rằng đời sống cá nhân mình được hạnh phúc hay đau khổ. Và điều quan trọng hơn hết là chọn mục tiêu cho đời sống mình như thế nào để trong tương lai hoặc là được ở với Đấng Tạo Hóa đời đời trong Thiên đàng vinh hiển của Ngài hoặc là chịu đau khổ trong tăm tối cả cõi đời đời. Đức Chúa Trời đã cho con người được quyền tự do chọn lựa điều mình muốn làm, muốn thực hiện trong đời sống nầy. Vì vậy Cơ-đốc-nhân phải hết sức cẩn thận mà chọn lựa.

Trong cuộc đời nầy thì chắc chúng ta đã thấy có những người cay đắng vì chọn bạn không tốt, có những người không được hạnh phúc vì cớ chọn người phối ngẫu theo mắt nhìn, có người bị lợi dụng vì chọn nghề nghiệp không thích hợp, có người bị tức bực mỗi ngày vì chọn chỗ ở không thich hợp, có người bị chê cười vì chọn y phục không xứng hiệp, có người bị khủng hoảng vì xem phim ảnh và tin tức không tốt, có người bị thất thoát của cải vì chọn loại giải trí tốn kém, có người bị đau bệnh vì thích món ăn không lành mạnh, có người buồn khổ con cái vì chọn cách dạy con theo quan điểm của đám dông, có người bị nguy hiểm vì chọn hành trình thiếu an toàn hoặc vì chọn đi đến những nơi không đáng để bước chân tới.

Khi chúng ta đã biết nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ trong đời sống của con người là sự chọn lựa của cá nhân thì Cơ-đốc-nhân cũng phải nhớ một điểm rất quan trọng khác, là có những lựa chọn sai lầm làm cho đau khổ thì có thể thay đổi được, nhưng có những chọn lựa sau khi đã thực hiện rồi thì không thể thay đổi được. Khi lựa chọn sai lầm một người bạn thì người ta có thể thay đổi để có một người bnạ khác, nhưng khi đã lựa chọn để bước vào hôn nhân thì dẫu là sau đó biết là sai lầm và làm cho đau khổ thì Cơ-đốc-nhân không thể thay đổi giống như người đời được, vì luật pháp của Đức Chúa Trời không cho phép, như lời Kinh thánh đã ngăn cấm và có chép trong

RÔ-MA 7: 2 – Cho nên, đàn bà có chồng, hễ chồng còn sống bao lâu, thì luật pháp buộc phải theo chồng bấy lâu; nhưng nếu chồng chết, thì người vợ được thoát khỏi luật pháp đã buộc mình với chồng.

Chữ luật pháp trong câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn có ý nói đến luật pháp của Đức Chúa Trời, chớ không phải là luật pháp của loài người. Và điều răn nầy áp dụng cho cả người chồng lẫn người vợ, chớ không phải chỉ áp dụng cho người vợ không mà thôi, vì trước mặt Chúa người nam và người nữ đều phải chịu cùng một luật pháp như nhau theo như nguyên tắc của Chúa đã có chép trong

1CÔ-RINH-TÔ 11: 11 – Song trong Chúa thì chẳng phải đàn bà ngoại đàn ông, cũng chẳng phải đàn ông ngoại đàn bà.

Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân phải hết sức cẩn thận trong sự chọn lựa người phối ngẫu trong cuộc hôn nhân của mình để được hạnh phúc ở trong Chúa. Trong một dịp khác tôi sẽ trình bày thêm với quý Hội thánh về luật pháp của Đức Chúa Trời liên quan đến sự hôn nhân để chúng ta có thể biết được cần phải làm và điều phải tránh hầu cho gia đình và con cái chúng ta được phước trong Chúa luôn luôn.

Trở lại với nguyên nhân của sự đau khổ trong đời sống con người là việc thực hiện những chọn lựa sai lầm, giống như trường hợp mà A-đam đã làm từ thời kỳ đầu tiên của lịch sử nhân loại, thì Đức Chúa Trời đã có phán dạy những phương pháp quan trọng để giúp cho con người có thể tìm được hạnh phúc trong đời sống mình sau những năm tháng đau khổ và những bí quyết ấy đã được ghi lại đầy đủ trong Kinh thánh và tôi sẽ lần lượt thưa trình với quý Hội thánh trong những dịp tới.

Khi đã biết nguyên nhân làm cho đời sống con người bị đầy dẫy những khổ đau thì Cơ-đốc-nhân cần phải hết sức cẩn thận trước khi thực hiện những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời mình để khỏi phải lọt vào vết xe đổ của người đi trước. Và khi Cơ-đốc-nhân biết cẩn thận nghiên cứu những lời phán dạy của Chúa trong Kinh thánh và hết lòng làm theo thì chúng ta sẽ thay đổi được đời sống mình, tránh được nhiều đau khổ và tìm thấy được hạnh phúc thật, vui mừng thật trong những ngày còn sống giữa trần gian.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời yêu thương an ủi con cái Ngài trong những lần gặp khó khăn, đau khổ và giúp Cơ-đốc-nhân thoát khỏi những tình trạng ưu sầu, buồn bã đang phải đối diện. Cầu xin Đức Chúa Trời thương xót mở mắt tâm linh của con dân Ngài để mỗi người có thể thấy được luật pháp và điều răn của Chúa là hữu ích như thế nào đang khi Cơ-đốc-nhân tìm kiếm hạnh phúc cho mình và cho tha nhân. Và cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức cho để Cơ-đốc-nhân có đủ sự thận trọng mà thực hiện các chọn lựa của mình trong tương lai đúng theo ý của Chúa để được đẹp lòng Ngài và để chúng ta có thể được phước một cách mỹ mãn luôn luôn. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *