KHI NÀO ĐỨC CHÚA JÊSUS TRỞ LẠI 2

KHI NÀO ĐỨC CHÚA JÊSUS TRỞ LẠI 2

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 24: 3-14

Câu gốc: MA-THI-Ơ 24: 14 – Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.

*******

Trước đây thì chúng ta đã có suy gẫm qua về phần thứ nhất của Chủ đề nầy, và biết được rằng khi nào con người đã trở nên đầy dẫy trên mặt đất thì lúc bấy giờ Đức Chúa Jêsus sẽ trở lại. Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất của sự tái lâm của Ngài. Như điều mà tôi đã từng trình bày cùng với quý Hội thánh thì Đức Chúa Trời yêu con dân của Ngài lắm cho nên Chúa không muốn để cho Cơ-đốc-nhân phải hoang mang về ngày trở lại của Đức Chúa Jêsus Christ. Vì nếu chỉ có một yếu tố mà thôi thì con dân Chúa có thể trở nên ỷ y hoặc lầm lẫn về ngày tối quan trọng ấy, vì vậy mà Đức Chúa Trời còn bày tỏ thêm nhiều yếu tố khác nữa để Cơ-đốc-nhân có thể vững tin và biết trước được một cách tương đối về thời kỳ mà Đức Chúa Jêsus sắp sửa trở lại. Bởi lẽ đó mà ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng suy nghĩ thêm đến yếu tố thứ hai mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong lời của Ngài về ngày tái lâm của Đức Chúa Jêsus.

Lời của Chúa cho biết là khi Tin lành về sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus được giảng ra khắp đất thì ngày của Chúa sẽ đến, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong câu gốc nền tảng của chúng ta ngày hôm nay mà tôi xin được đọc lại lần nữa để quý Hội thánh có thể ghi nhớ

MA-THI-Ơ 24: 14 – Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.

Chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương và cũng là Đấng Công Bằng cho nên Chúa muốn tất cả nhân loại đều biết được về chương trình cứu rỗi của Ngài hầu cho nhiều người nhờ đó mà được cứu và cũng để không có một ai có thể than phiền trong ngày phán xét rằng họ chưa từng nghe biết về Tin lành. Như điều mà tôi đã trình bày trong các bài giảng trước đây thì Đức Chúa Trời đã ban cho các thiên sứ và loài người có được sự tự do để lựa chọn điều mình muốn làm. Vì vậy mặc dầu Đức Chúa Trời muốn con người được cứu rỗi và tránh được việc bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục thì Chúa vẫn để cho con người được tự do chọn lựa con đường mà họ muốn đi trong trần gian nầy, hay nói một cách khác là được tự do chọn lựa cho mình một tín ngưỡng để tin theo. Đức Chúa Trời không hề muốn ép buộc ai phải làm bất cứ điều gì mà họ không muốn. Bởi lẽ đó mà trong câu Kinh thánh nền tảng mà chúng ta đã đọc qua 2 lần thì quý Hội thánh có thể thấy rằng lời của Chúa chỉ đề cập đến việc Tin lành được rao giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân chớ không hề đề cập đến việc sẽ có bao nhiêu người tin.

Có một số người đã lầm lẫn về ý nghĩa của câu Kinh thánh nầy và cho rằng Đức Chúa Jêsus sẽ trở lại khi niềm tin trong Chúa được phát triển mạnh mẽ và trở nên tôn giáo chính trong các quốc gia. Vì vậy mà vào thời kỳ Trung cổ tại Châu Âu người ta đã ép buộc dân chúng phải tin Chúa, bằng không thì sẽ phải chịu hình phạt, có khi phải chịu án tử hình vì không chịu theo đạo. Vì vậy mà đã có những cuộc chiến tranh tôn giáo tại Châu Âu, chẳng hạn như cuộc chiến tranh 30 năm, kéo dài từ năm 1618 cho đến năm 1648, làm cho hàng triệu người thiệt mạng.

Khi đọc lại câu gốc nền tảng của chúng ta ngày hôm nay thì quý Hội thánh có thể thấy rằng Đức Chúa Trời muốn Tin lành về sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus được giảng ra khắp đất để mọi người có thể biết được về chương trình của Chúa, mà lời Kinh thánh đã ghi rằng để làm chứng cho muôn dân. Còn việc người ta có tin theo hay không là tùy sự tự do lựa chọn của mỗi người. Nhưng như điều mà tôi đã trình bày trong bài giảng Tự Do Trong Khuôn Khổ thì khi con người sử dụng sự tự do chọn lựa của mình thì cũng phải chấp nhận hậu quả của sự chọn lựa đó, vì vậy mà Kinh thánh mới cho biết là vào ngày phán xét thì mọi đầu gối đều phải quỳ xuống và mọi miệng đều phải ngậm lại trước mặt Đức Chúa Trời, vì không một ai có thể than phiền hoặc oán trách về hậu quả của những điều mà họ đã chọn lựa, như lời Kinh thánh đã báo trước và đã có ghi lại trong

RÔ-MA 3: 19 – Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời.

Nhưng vào thời kỳ mà chúng ta đang sống đây thì cũng có một số anh chị em cứ nghĩ rằng hễ truyền giảng thì phải có người tin Chúa và đặt điều đó như một tiêu chuẩn cần phải đạt được, hơn là nội dung của điều mình đang truyền giảng. Thật ra thì Cơ-đốc-nhân nào cũng muốn có thêm người tin Chúa gia nhập vào Hội thánh, nhưng đôi khi mục tiêu lại hoàn toàn khác nhau dầu bề mặt thì có vẻ giống nhau. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều biết rằng mục tiêu chính yếu và quan trọng hàng đầu của việc rao giảng Tin lành là để người khác được cứu rỗi, chớ không phải là để giáo hội được đông, nhà thờ được giàu và cá nhân được nổi tiếng. Vì vậy nội dung của việc rao giảng lời của Chúa cũng phải chính xác với điều đó, tức là phải nhắm vào trọng tâm của việc giới thiệu với người khác về sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus, về sự tin thật lòng chớ không phải tin suông như việc thay đổi một tôn giáo, về tầm quan trọng của sự tái sanh và về tính cách cần thiết của sự nên thánh.

Vì vậy, khi chúng ta suy nghĩ về những ý nghĩa quan trọng trong câu gốc nền tảng của chúng ta ngày hôm nay, thì chúng ta có thể thấy được rằng ngoài ý nghĩa quan trọng của việc Tin lành được rao giảng ra khắp đất, thì còn có một ý nghĩa khác quan trọng ngang bằng với điều đó, ấy là rao giảng để làm chứng, chớ không phải rao giảng để thu hút. Có thể khi nghe đến đây thì một vài anh chị em trong vòng quý Hội thánh sẽ ngạc nhiên và thắc mắc rằng nếu rao giảng không phải để thu hút người ta đến với Chúa thì rao giảng làm chi. Tôi hiểu được vì sao quý anh chị em thắc mắc như vậy, vì khi nãy tôi vừa đề cập đến việc tất cả các Cơ-đốc-nhân đều ao ước có nhiều người tin Chúa, chính cá nhân tôi cũng ao ước điều đó. Nhưng chúng ta phải biết rằng lòng ao ước của cá nhân và trách nhiệm bổn phận trước mặt Chúa nhiều khi không đi đôi với nhau được. Vì vậy xin quý Hội thánh kiên nhẫn nghe lời tôi giải thích sau đây.

Khi Đức Chúa Jêsus còn đang thi hành chức vụ của Ngài trong thế gian thì chính Chúa đã từng phán rằng con đường theo Chúa là con đường hẹp, khó khăn, gian khổ, vì phải tranh đấu với chính bản ngã của mình, như lời của Chúa đã được ghi lại trong

MA-THI-Ơ 7: 13-14 – Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.

Theo như câu Kinh thánh mà tôi vừa trưng dẫn thì quý Hội thánh đã có thể thấy được rằng tỷ lệ của người theo Chúa và của người theo thế gian đã được chính Đức Chúa Jêsus báo trước rồi, rằng người tìm được con đường hẹp của sự cứu rỗi thì ít mà người chọn đi con đường dễ dàng theo sự tham muốn của trần gian thì nhiều. Điều đó xãy ra là vì việc tin Chúa là khởi điểm của việc phải từ bỏ bản ngã, phải sống theo mẫu mực của Kinh thánh và chắc chắn sẽ bị thiên hạ ghen ghét, chê cười, như lời của Đức Chúa Jêsus đã cảnh báo trước về điều đó và đã được ghi lại trong

MA-THI-Ơ 24: 9 – Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh ta.

Chữ bấy giờ có nghĩa là thời kỳ sau rốt mà chúng ta đang sống đây. Theo như lời của chính Đức Chúa Jêsus thì người tin Chúa có thể bị giết vì cớ niềm tin của mình nơi Ngài, như thực tế đã xãy ra trong lịch sử của Hội thánh từ ngày thành lập cho đến nay, và cũng đang xãy ra trong thế kỷ 21 nầy. Vậy thì thử hỏi có bao nhiêu người sẳn sàng để trả giá như vậy mà tin Chúa và theo Ngài? Để có thể hiểu được điều nầy thì chúng ta thử nhìn vào mạng xã hội online thì sẽ thấy được khuynh hướng chung của nhiều người. Để có thể được người ta thích và bấm like vào trang xã hội của mình thì người ta đã làm nhiều cách, ngay cả những cách rất mạo hiểm để có thể được nhiều người thích, được nhiều cái like giống như vậy. Ngoài ra cũng có những trường hợp bị buồn rầu, mất ăn mất ngủ vì bị người ta chê bai trên mạng, thậm chí có người chịu không nổi điều đó mà phải đi đến chỗ tự tử. Vậy thì thử hỏi có bao nhiêu người thật sự muốn đi con đường hẹp của Chúa, có bao nhiêu người thật sự chấp nhận việc bị người ta ghét bỏ để tin Chúa, và bao nhiêu người chấp nhận nguy cơ có thể bị giết chết nếu dám tuyên xưng đức tin của mình nơi Đức Chúa Jêsus?

Chính vì tâm lý muốn có nhiều người tin Chúa và không muốn làm phật lòng người nghe mà sự rao truyền lời của Chúa bị ảnh hưởng nhiều trong thời kỳ chúng ta đang sống đây. Thậm chí có người còn trưng dẫn lời Kinh thánh rằng chớ đoán xét ai để không bao giờ nói về tội lỗi mà chỉ nói đến phước không mà thôi, và làm cho người khác xem sự tin Chúa như là việc đổi một tôn giáo chớ không phải là tin Chúa để thay đổi đời sống họ hầu để được cứu sau nầy. Nhưng nếu con dân của Chúa không rao giảng về tội lỗi thì làm sao người ta biết được điều gì đúng điều gì sai để có thể thực hiện sự tự do chọn lựa của họ trong phương diện thuộc linh? Bởi lẽ đó mà lời của Chúa trong câu gốc nền tảng đã nhấn mạnh đến việc rao truyền Tin lành để làm chứng, chớ không hề nhắc đến số người tin là bao nhiêu.

Theo nguyên tắc của Chúa từ xưa đến nay thì người rao giảng lời của Ngài phải trung tín rao giảng đúng theo tiêu chuẩn mà Chúa đã định, là rao báo về tội lỗi để người ta biết mà ăn năn, theo như sự làm việc của Đức-Thánh-Linh khi Ngài giáng vào trong tấm lòng của con dân Chúa, như lời Kinh thánh có chép trong

GIĂNG 16: 8 – Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét.

Chúng ta biết rằng Đức-Thánh-Linh đã đến rồi 40 ngày sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên và chúng ta cần phải tự hỏi là Ngài đã rao báo như thế nào cho thế gian về tội lỗi? Đức-Thánh-Linh đã rao báo cho thế gian bằng chính môi miệng của Cơ-đốc-nhân, bằng chính ngôn ngữ của mỗi một con dân Chúa. Như vậy thì lời của Chúa trong câu gốc vừa được trưng dẫn cho thấy rằng khi Cơ-đốc-nhân có Đức-Thánh-Linh ngự trong đời sống mình thì người đó sẽ được Ngài sử dụng để rao báo cho thế gian về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. Nếu một người tuyên bố rằng mình có Đức-Thánh-Linh trong lòng mà lại không rao báo về tội lỗi vì sợ mích lòng người nghe, thì người đó hoặc là đang chống nghịch lại sự làm việc của Đức-Thánh-Linh, hoặc là chưa thật sự được Ngài thăm viếng.

Nguyên tắc rao giảng Tin lành là truyền lại lời của Chúa một cách trung tín theo như ý muốn của Đức Chúa Trời chớ không phải là theo việc loài người có thích nghe những lời ấy hay không, như lời Kinh thánh đã có chép trong

GIÊ-RÊ-MI 23: 28 – Khi tiên tri nào có chiêm bao, hãy thuật chiêm bao ấy đi; còn kẻ nào đã lãnh lời ta, hãy truyền lại lời ta cách trung tín! Đức Giê-hô-va phán: Rơm rạ há xen vào với lúa mì sao?

Bởi lẽ đó nếu Cơ-đốc-nhân không nói về tội lỗi khi rao giảng Tin lành thì làm sao người ta nhận biết rằng họ có tội để ăn năn. Và nếu một người không thật sự ăn năn thì việc mà họ tin Chúa chỉ là hình thức thay đổi một tôn giáo mà thôi, chớ không phải là thay đổi tấm lòng để được cứu.

Vì vậy, theo như lời của Chúa cho biết thì chúng ta có thể hiểu rằng chi khi nào con dân Ngài rao truyền Tin lành một cách trung tín theo các mẫu mực của Kinh thánh bất kể đến việc người ta có thích nghe hay không thì lúc bấy giờ sự rao giảng như vậy mới được gọi là sự làm chứng cho muôn dân. Lời của Đức Chúa Trời cho biết là chỉ có sự làm chứng chân thật như vậy mới giúp cho người nghe có cơ hội tìm được sự cứu rỗi trong Chúa, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong

CHÂM NGÔN 14: 25 – Kẻ làm chứng chân thật giải cứu linh hồn người ta; Song kẻ nào nói dối gây sự phỉnh gạt.

Như vậy theo như lời của Chúa thì chúng ta có thể thấy được rằng sự rao giảng Tin lành một cách trung tín và chân thật sẽ giúp cho người nghe đến với Chúa thật lòng và nhờ đó có thể tìm được sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus Christ. Ngoài ra thì sự rao giảng bằng cách khác chỉ có thể làm cho người ta thay đổi tôn giáo chớ không thay đổi được tấm lòng.

Ngày hôm nay thì Tin lành của Đức Chúa Jêsus thì đã được rao truyền ra khắp thế giới nhờ vào hệ thống internet. Khi thử xem xét các mạng thông tin online thì nhiều người cho biết là Tin lành đang được rao giảng bằng tất cả các thứ tiếng trên thế giới. Ngay cả các thổ dân sống sâu trong vùng rừng rậm Amazon ở tại Nam Mỹ cũng đã nghe được về Tin lành Đức Chúa Jêsus. Còn ở tại Phi châu và các vùng Thượng du Á châu thì số người tin Chúa cũng rất đông và đã có nhiều Hội thánh Tin lành được thành lập. Như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng lời báo trước của Đức Chúa Jêsus đang được ứng nghiệm vào thời kỳ mà chúng ta đang sống đây. Điều đó cho thấy là ngày trở lại của Chúa gần lắm rồi, không còn xa nữa như các thời đại trước chúng ta.

Trong phần thứ nhất của Chủ đề nầy và trong các phần Kinh thánh mà chúng ta vừa suy gẫm qua thì bây giờ quý Hội thánh đã có thể biết được hai yếu tố quan trọng báo trước về sự trở lại của Đức Chúa Jêsus, đó là việc loài người trở nên đông đúc trên quả Địa cầu và việc Tin lành về nước Đức Chúa Trời được giảng ra khắp đất. Lời của Chúa trong Kinh thánh còn bày tỏ thêm một số các yếu tố khác nữa để con dân Chúa có thể tổng hợp lại và biết được một cách tương đối khoảng thời gian nào mà Đức Chúa Jêsus tái lâm. Trong những dịp tới tôi sẽ trình bày thêm để quý Hội thánh được biết về các điều đó, nhưng hôm nay tôi chỉ thưa trình yếu tố thứ hai mà thôi, là sự rao giảng Tin lành ra khắp đất, để chúng ta dễ nhớ.

Nhưng đến đây thì có một điểm hết sức quan trọng mà Cơ-đốc-nhân phải chú ý khi nghiên cứu về thời kỳ cuối cùng và tôi cũng muốn đề cập đến, đó là việc chuẩn bị đời sống mình như thế nào để ngày Đức Chúa Jêsus trở lại thì đó là ngày vui mừng hơn hết của Cơ-đốc-nhân chớ không phải là ngày hối tiếc đời đời. Chắc nói đến đây thì sẽ có người ngạc nhiên và thắc mắc, nhưng xin quý Hội thánh kiên nhẫn một chút để tôi có thể trình bày thêm.

Trong Kinh thánh thì có những câu gốc dài và những câu gốc ngắn dễ nhớ, và cũng có những câu gốc có những phần rất quan trọng mà Cơ-đốc-nhân khi đọc đến thì có thể lướt qua, không hề để ý gì hết vì dường như nó không có điểm nào quan trọng để tập trung sự chú ý của mình. Nhưng hôm nay, khi suy gẫm về sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus thì tôi muốn đề câp đến một câu gốc, hay đúng hơn là một phần của câu gốc trong

LU-CA 18: 8 – Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con Người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?

Đây là câu gốc không có gì lạ đối với những người thường đọc Kinh thánh, nhưng tôi xin được đề cập đến phần thứ hai của câu gốc nầy, đó là: Khi Con Người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng? Đây là câu hỏi mà Đức Chúa Jêsus, nhơn khi kể một thí dụ về sự cầu nguyện, thì đã nêu ra cho các môn đồ và cũng được ghi lại để thức tỉnh Cơ-đốc-nhân trong các thời đại sau nầy, nhất là vào thời kỳ trước khi Ngài trở lại. Nhiều người đã tưởng rằng Đức Chúa Jêsus đang đề cập đến thời kỳ trước khi Ngài giáng sanh, và chữ Con Người là danh hiệu mà Ngài vẫn thường dùng cho chính Ngài. Nhưng thật ra thì đây là lời cảnh cáo của Đức Chúa Jêsus dành cho Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ mà Ngài sắp sửa trở lại, vì trong câu gốc nầy có chữ sẽ của thì tương lai và trong tất cả các bản dịch thì đều xác nhận về chữ đó. Đây không phải là chữ sẽ của thì giả định của những sự kiện đã xãy ra trong quá khứ mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Vì lẽ đó thì câu nầy có nghĩa là Đức Chúa Jêsus muốn Cơ-đốc-nhân biết rằng khi Ngài tái lâm thì trên mặt đất nầy hầu như không có bao nhiêu người thật sự có đức tin.

Chữ Há thấy đức tin trên mặt đất chăng mà Đức Chúa Jêsus đã dùng không có nghĩa là hoàn toàn không có một người nào có đức tin, mà câu nầy có nghĩa là vì số người thật sự có đức tin thì ít quá, ít đến nỗi dường như là cả thế gian không ai có đức tin. Tôi muốn nhấn mạnh đến chữ dường như, vì đó là lý do mà bản Kinh thánh tiếng Việt đã dùng chữ Há để có thể bộc lộ hết ý nghĩa trong lời phán của Chúa. Nói một cách khác thì lời phán của Chúa cho biết là trong tổng số hơn hai tỷ người nói rằng mình tin Chúa, theo Chúa hay theo đạo thì số người thật sự có đức tin trong Chúa quá ít, ít đến nỗi, nếu so sánh với con số hơn 2 tỷ người thì không đáng kể là bao nhiêu. Vì vậy mà câu gốc nầy đã ở trong tâm trí của tôi gần suốt 30 năm hầu việc Chúa và tôi đã dùng câu gốc nầy để thức tỉnh mình mỗi ngày, không lúc nào dám quên.

Có người giải thích rằng vì khi Đức Chúa Jêsus tái lâm thì tất cả những người có đức tin đều đã được rước hết về trời nên những người còn lại không ai có đức tin gì hết, vì vậy Đức Chúa Jêsus mới phán lời ấy. Nhưng giải thích như vậy thì vẫn chưa chính xác. Vì nếu đó là điều sẽ xãy ra thì Đức Chúa Jêsus chắc chắn sẽ cho biết bằng một lời khẳng định chớ không phải bằng một câu hỏi. Chúng ta cần phải nhớ rằng Đức Chúa Jêsus đặt ra câu hỏi ấy khi phán dạy về sự cầu nguyện và bởi lẽ đó mà theo sự dạy dỗ của Chúa thì sự cầu nguyện hết lòng bày tỏ về đức tin thật của một người nơi Đức Chúa Trời, còn sự cầu nguyện lơ là hoặc rập khuôn như là một hình thức tôn giáo thì không được kể là có đức tin thật.

Trong phần thứ nhất của Chủ đề Khi Nào Đức Chúa Jêsus Trở Lại thì tôi đã có thưa trình cùng quý Hội thánh là thế giới ngày nay có khoảng 7 tỷ 800 triệu người, và theo các số liệu chưa được chính thức của một số các tổ chức thống kê thì số người tuyên bố rằng mình theo Thiên Chúa giáo, nghĩa là tính tổng cộng cả tín đồ Công giáo và của các hệ phái Tin lành, thì có khoảng hơn 2 tỷ người, nhưng số người thật sự sống theo tiêu chuẩn của Chúa trong Kinh thánh thì ít lắm. Đó là một trong những lý do vì sao mà tôi lại đề cập đến vấn đề nầy khi cùng quý Hội thánh suy gẫm về yếu tố thứ hai báo hiệu ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Chúng ta nhớ lại rằng lời của Chúa đã cho biết là khi Tin lành về nước Đức Chúa Trời được giảng ra khắp đất thì Đức Chúa Jêsus sẽ trở lại, nhưng lúc đó thì Chúa lại cho biết là số người thật sự có đức tin thì không có bao nhiêu. Khi so sánh hai lời phán của Chúa thì chúng ta sẽ thấy được sự tương phản như thế nầy: Ấy là khi Tin lành được giảng ra khắp đất, tức là đồng nghĩa với số người tin Chúa đông hơn, nhiều hơn, như tôi đã thưa trình khi nãy là hơn 2 tỷ người, thì Đức Chúa Jêsus lại cho biết lúc đó thì số người có đức tin thật lại rất ít, ít đến nỗi khi so với số lượng hơn 2 tỷ người nói rằng mình theo Chúa thì không đáng là bao nhiêu. Đây là điều mà Cơ-đốc-nhân chúng ta phải để ý và phải nhớ cảnh tỉnh chính mình.

Chúng ta đều biết rằng đức tin là yếu tố hết sức quan trọng để giúp cho một người có thể nhận được sự cứu rỗi, hay nói một cách khác, là yếu tố tối quan trọng để giúp cho một người được chọn vào Thiên đàng và sống với Chúa đời đời. Nhưng số người được chọn như vậy sẽ rất và chính Đức Chúa Jêsus đã cho biết về điều đó như lời Ngài đã phán và có ghi lại trong

MA-THI-Ơ 22: 14 – Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn.

Lý do mà có nhiều người được gọi đến với Tin lành nhưng lại ít có người được chọn vào Thiên đàng là vì có nhiều người thích theo Chúa bằng con đường rộng rãi của thế gian chớ không chịu cố gắng đi bằng con đường hẹp của những mẫu mực tin kính trong Kinh thánh. Đó cũng là lý do mà Đức Chúa Jêsus đã phán hỏi các môn đồ và đoàn dân đông về việc họ không làm theo lời phán của Đức Chúa Trời, như có chép trong

LU-CA 6: 46 – Sao các ngươi gọi ta: Chúa, Chúa, mà không làm theo lời ta phán?

Tất cả những điều mà tôi vừa đề cập qua đều đã được Kinh thánh nhắc nhở nhiều lần khi tuyên phán về thời kỳ cuối cùng và mức độ đức tin của Cơ-đốc-nhân, như có chép trong

2TI-MÔ-THÊ 3: 1-5 – Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi.

Nhiều người đã tưởng lầm rằng câu gốc nầy nói về dân ngoại và về những người chưa tin, nhưng khi chúng ta để ý đến câu thứ 4 thì sẽ nhận biết rằng những lời ấy đang nói về đời sống của Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ cuối cùng. Vì người chưa tin thì vẫn cứ phạm tội như từ xưa đến nay, và lời Kinh thánh đã xác nhận rằng cả thế gian đều phạm tội, thì có đề cập đến tội lỗi của họ cũng bằng thừa mà thôi. Nhưng trong câu thứ 4 của phần Kinh thánh nầy thì lời của Chúa cho biết là những người phạm tội thế ấy ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời thì điều đó có nghĩa là Kinh thánh đang nói về Cơ-đốc-nhân. Vì người ngoại và người chưa tin thì có biết gì đâu về Đức Chúa Trời để mà chọn lựa giữa việc yêu Ngài và ưa thích sự vui chơi của thế gian. Chưa hề biết gì về Ngài thì lấy gì làm chuẩn mực để phê phán rằng họ yêu sự vui chơi hơn yêu mến Đức Chúa Trời? Thực tế cho thấy rằng người đã tin còn chưa yêu Đức Chúa Trời hết lòng, thì huống chi là người chưa biết gì về Ngài thì làm sao biết thế nào là yêu Đức Chúa Trời để chọn lựa giữa Ngài và thế gian?

Chính vì Cơ-đốc-nhân có thể gặp nguy cơ như vậy mà sa ngã và phạm tội trong thời kỳ cuối cùng nên Đức Chúa Jêsus đã cảnh cáo con dân Ngài bằng lời phán đã có ghi trong

MA-THI-Ơ 24: 12 – Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần.

Trong thời kỳ cuối cùng trước khi Đức Chúa Jêsus Christ trở lại thì chắc chắn là tội ác trong thế gian sẽ tăng cao, và khi lòng yêu mến Chúa của phần nhiều Cơ-đốc-nhân bị nguội lần thì sự sa ngã và phạm tội trong vòng con dân Chúa cũng theo đó mà tăng lên. Đây là điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải nhắc nhở chính mình để được tỉnh thức và giè giữ luôn trong thờ kỳ Đức Chúa Jêsus sắp sửa trở lại..

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho con dân Ngài có được tấm lòng cương quyết và sự can đảm để sẳn sàng trả giá mà đi con đường hẹp của một đời sống mẫu mực thánh khiết theo như sự dạy dỗ của Kinh thánh trong thời kỳ cuối cùng nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời ở cùng và thêm sức cho con dân Ngài luôn luôn để Cơ-đốc-nhân có thể duy trì và được tăng trưởng trong đức tin thật cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh hướng dẫn dạy dỗ để Cơ-đốc-nhân có thể tránh xa khỏi những cạm bẫy và cám dỗ của thế gian để giữ mình cho được trọn vẹn, xứng đáng với Thiên đàng mai sau. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *