KHI NÀO ĐỨC CHÚA JÊSUS TRỞ LẠI 3

Kinh thánh: Khải huyền 1: 4-8

Câu gốc: KHẢI HUYỀN 1: 7 – Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men!

Theo nguyên tắc thông thường trong cuộc sống thì khi người ta muốn nhấn mạnh đến một điều gì hoặc muốn người khác ghi nhớ về điều mà mình đã nói thì người ta hay lập đi lập lại cho đến lúc nào thấy đủ thì thôi. Ai trong chúng ta cũng biết cách thức đó. Và trong Kinh thánh thì Đức Chúa Trời đã dùng phương pháp ấy để nhắc nhở và dạy dỗ con cái Chúa nhiều điều, mà một trong những điều ấy là sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus. Đó là một trong hai sự kiện quan trọng hơn hết trong lịch sử của con người từ ngày thế giới được tạo dựng cho đến nay. Sự kiện quan trọng thứ nhất là việc Đức Chúa Jêsus giáng sinh làm người để chịu đóng đinh vào thập tự giá để chuộc tội cho cả nhân loại và sự kiện quan trọng thứ hai là việc Đức Chúa Jêsus trở lại để ban cho con dân Chúa sự sống đời đời. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta biết về sự trở lại của Đức Chúa Jêsus bằng những sự kiện đặc biệt để Cơ-đốc-nhân có thể chuẩn bị sẳn sàng mà đón Chúa trong ngày vinh hiển ấy.

Trong hai bài giảng trước đây cũng trong Chủ đề nầy thì tôi đã có thưa trình với quý Hội thánh về việc Kinh thánh cho biết rằng khi con người đã đầy dẫy trên mặt Địa cầu và khi Tin Lành được giảng ra khắp đất thì Đức Chúa Jêsus sẽ trở lại. Hôm nay thì tôi xin được trình bày với quý Hội thánh yếu tố thứ ba mà lời của Chúa đã cho biết về ngày tái lâm của Đức Chúa Jêsus. Đó là việc mọi người trong thế gian sẽ tận mắt chứng kiến sự hiện đến của Ngài, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay mà tôi xin được đọc lại lần nữa để quý Hội thánh có thể ghi nhớ

KHẢI HUYỀN 1: 7 – Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men!

Trong câu gốc nầy thì quý Hội thánh có thể thấy được rằng lời của Chúa đã mô tả cho chúng ta biết về sự kiện xãy ra ngay lúc Đức Chúa Jêsus tái lâm. Hai yếu tố trước mà chúng ta đã cùng nhau suy nghĩ qua là những sự kiện báo trước rằng ngày trở lại của Chúa gần lắm rồi, nhưng điều mà Kinh thánh bày tỏ trong câu gốc nầy là điểm đặc biệt ngay trong ngày vinh hiển ấy. Thứ nhất là việc Đức Chúa Jêsus trở lại trong đám mây. Trước đây, khi nghiên cứu về thời kỳ cuối cùng trong các buổi học Kinh thánh thì tôi đã có trình bày với quý Hội thánh về việc Đức Chúa Jêsus trở lại bằng hai chặng: Thứ nhất là chặng Ngài tái lâm cách ẩn nhiên, nghĩa là việc Ngài đến trong đám mây ở nơi không trung và con dân Chúa sẽ được cất lên để gặp Đức Chúa Jêsus tại đó, như lời của chính Chúa đã phán và có ghi lại trong

MÁC 14: 62 – Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta chính phải đó; các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến.

Và 2 câu Kinh thánh khác được chép trong

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4: 16-17 – Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

Đó là chẵng thứ nhất khi Đức Chúa Jêsus tái lâm cách ẩn nhỉên giữa đám mây ở trên không trung. Còn chặng thứ hai là việc Chúa tái lâm cách hiển nhiên khi Ngài giáng xuống tại thành Giê-ru-sa-lem và khởi đầu cuộc trị vì 1,000 năm bình an ở trên đất, như lời Kinh thánh đã được chép trong

KHẢI HUYỀN 20: 6 – Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm.

Tôi hy vọng rằng trong những lần tới thì sẽ có cơ hội để trình bày chi tiết hơn với quý Hội thánh về trình tự của những điều sẽ xãy ra trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.

Nhưng điểm đặc biệt mà tôi muốn đề cập đến tại đây trong Chủ đề của ngày hôm nay là việc Kinh thánh cho biết rằng mọi mắt trong trần gian sẽ nhìn thấy sự kiện đặc biệt và vinh hiển của ngày Chúa trở lại. Từ khi lời tiên tri nầy được công bố và được Chúa cho ghi lại trong sách Khải huyền thì có nhiều người đã từng thắc mắc rằng với bề mặt của Trái đất rộng lớn như vậy thì làm sao tất cả mọi người có thể tận mắt chứng kiến sự tái lâm của Chúa. Những thế kỷ sau đó, khi người ta phát hiện ra rằng quả đất tròn thì thắc mắc nầy càng làm cho nhiều người suy nghĩ, thậm chí họ còn sinh ra hoài nghi là không biết Kinh thánh có được ghi lại chính xác hay không, vì nếu Đức Chúa Jêsus tái lâm trong đám mây ở trên bầu trời của thành Giê-ru-sa-lem thì những người ở phía bên kia quả Địa cầu, tức là vùng Châu Mỹ và Châu Á thì làm sao người ta có thể thấy được, nhất là tại vùng Nam bán cầu như Úc-đại-lợi và Tân-tây-lan thì chắc chắn là người ta không làm sao có thể tận mắt chứng kiến việc Chúa trở lại. Nhưng vào thời đại của chúng ta đang sống đây thì lời tiên tri ấy đã được ứng nghiệm một cách lạ lùng bởi việc thế giới đã có vệ tinh nhân tạo và cũng đã hệ thống trực tiếp truyền hình một cách phổ thông như việc chúng ta xem các trận đấu của các giải túc cầu thế giới hoặc các cuộc tranh tài của Thế vận hội Olympic. Ngày hôm nay thì việc xem trực tiếp các sự kiện xãy ra trên khắp thế giới không còn là điều khó khăn giống như các thế kỷ trước đây, nhất là khi người ta đã có mạng internet và wifi để phát sóng và thu hình một cách nhanh chóng. Chẳng những vậy thôi, hiện nay thì hầu như tất cả mọi người trên thế giới đều có điện thoại cầm tay để liên lạc và xem phim ảnh cũng như dò tìm tin tức, từ những người ở các thành phố lớn cho đên dân chúng ở tại thôn quê và các vùng hẻo lánh khác của địa cầu, chẳng hạn như dân du mục và các sắc tộc thiểu số vùng cao nguyên. Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã giúp cho việc thâu hình và tải lên mạng internet không còn khó khăn gì nữa, đến nỗi các em thiếu niên thiếu nhi cũng có thể làm được điều đó một cách rất thành thạo.

Như điều mà tôi đã từng thưa trình với quý Hội thánh trong các bài giảng trước đây, thì việc nền khoa học phát triển nhanh chóng vào thời đại mà chúng ta đang sống đây cũng nằm trong chương trình của Chúa. Có thể là số các khoa học gia tin Chúa thì không có bao nhiêu nhưng công việc nghiên cứu của họ đều trực tiếp hoặc gián tiếp giúp cho sự chứng thực về Kinh thánh là thật. Sự thành lập mạng internet cũng như sự phát triển về kỹ thuật của việc thu hình và phát sóng trực tiếp lên các dụng cụ điện tử như TV, computer, tablet và điện thoại đã giúp cho sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh thánh một cách lạ lùng và chính xác mặc dầu những lời tiên tri ấy đã được công bố từ nhiều ngàn năm trước.

Vì vậy trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm thì những người có mặt trong khu vực mà Chúa ngự đến trong đám mây sẽ chắc chắn thu hình được sự kiện vinh hiển ấy bằng đủ loại dụng cụ điện tử mà con người đang sử dụng một cách phổ thông ngày hôm nay chẳng hạn như máy quay phim, máy chụp hình, các loại tablet và nhất là bằng điện thoại cầm tay. Sau đó thì họ sẽ nhanh chóng tải lên mạng một cách trực tiếp để mọi người trên thế giới đều có thể thấy được sự kiện vinh hiển và chói sáng lạ thường của việc Đức Chúa Jêsus tái lâm. Như vậy thì lời Kinh thánh trong sách Khải huyền 1: 7 sẽ ứng nghiệm một cách chính xác như điều Chúa đã phán.

Bời lẽ đó khi Cơ-đốc-nhân chúng ta nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật như đang diễn ra ngày hôm nay thì có thể biết được rõ ràng rằng sự trở lại của Đức Chúa Jêsus đã gần lắm rồi, không còn xa nữa như các thời kỳ trước chúng ta. Vì vậy mà con dân Chúa phải tỉnh thức, giè giữ và phải sửa soạn sẳn sàng cho ngày vinh hiển ấy để mình không bị bỏ lại, như lời của Đức Chúa Jêsus đã cảnh cáo từ hai ngàn năm trước và đã được chép trong

MA-THI-Ơ 24: 40-41 – Lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đang xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại.

Theo như điều mà tất cả chúng ta đã biết thì chỉ những người có đức tin thật trong Chúa mới được cất lên trong ngày vinh hiển ấy, còn những người khác thì sẽ bị bỏ lại để phải đối diện với cơn đại nạn khủng khiếp sẽ xãy ra ngay sau đó. Vì như điều mà tôi đã trình bày trong phần thứ 2 của Chủ đề nầy thì Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng khi Ngài trở lại thì số những người được kể là có đức tin thật trên mặt quả Địa cầu nầy thì rất ít, ít đến nỗi dường như là không có ai, theo như lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán trong

LU-CA 18: 8 – Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?

Chính vì có quá ít người thật sự có đức tin nên lời của Chúa trong Khải huyền 1: 7 mới cho biết là mọi chi tộc, tức là gồm cả mọi người trong thế gian đều sẽ than khóc khi nhìn thấy Đức Chúa Jêsus hiện đến. Đây là sự tương phản mà chúng ta cần phải để ý. Đáng lẽ là trong ngày vinh hiển như vậy thì nhiều người phải vui mừng khi thấy Đức Chúa Jêsus tái lâm, nhưng trái lại thì lời của Chúa cho biết là mọi người đều sẽ đấm ngực mà than khóc. Sự than khóc như vậy bắt nguồn từ sự hối tiếc rằng mình đã không chịu tin Chúa khi còn có cơ hội, hoặc đối với Cơ-đốc-nhân thì đó là sự hối tiếc vì không chịu nghe theo lời của Chúa trong Kinh thánh, không chịu sống một đời vâng phục theo như ý muốn của Chúa và hối tiếc vì đã không có chuẩn bị gì hết để đón Chúa trở lại. Tôi xin được đọc lại câu gốc nền tảng của chúng ta ngày hôm nay để quý Hội thánh có thể ghi nhớ:

KHẢI HUYỀN 1: 7 – Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men!

Khi lời của Chúa cho biết là hết thảy các chi họ trong thế gian, tức là hầu hết nhân loại đang sống trên quả Địa cầu sẽ phải than khóc trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm, thì điều đó xãy ra là vì hai lý do. Lý do thứ nhất thì tôi đã vừa đề cập đến khi nãy, tức là sự hối tiếc vì mình không chịu vâng lời Chúa. Lý do thứ hai là vì không còn có cơ hội để bày tỏ đức tin nữa. Như tất cả các Cơ-đốc-nhân đều đã biết thì yếu tố quan trọng hàng đầu để cho một người có thể nhận được sự cứu rỗi là đức tin, tức là sự tin thật lòng nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá, chớ không phải là sự tin suông của một người theo tôn giáo. Chẳng những thế thôi, đức tin đó cũng phải bày tỏ ra bằng việc làm, tức là bằng một đời sống vâng phục theo các nguyên tắc và mẫu mực trong Kinh thánh mặc dầu không ai có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời nhưng chỉ có thể tin Ngài qua lời Kinh thánh mà thôi. Đức tin như vậy mới được xem là đức tin thật, như lời Đức Chúa Jêsus đã phán với các môn đồ, đặc biệt là với sứ đồ Thô-ma sau khi Ngài sống lại và đã được chép trong

GIĂNG 20: 29 – Đức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!

Việc không thấy mà tin thì mới được kể là đức tin thật, theo như định nghĩa về đức tin mà tất cả chúng ta đều đã biết, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong

HÊ-BƠ-RƠ 11: 1 – Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.

Nói một cách tóm gọn theo như lời Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì đức tin thật là sự tin chắc chắn được thể hiện ra bằng hành động bên ngoài về những điều mà mình chưa nhìn thấy bao giờ. Bởi lẽ đó nên Kinh thánh cũng cho biết thêm là khi người ta đã thấy rồi mới tin thì đó không được kể là đức tin nữa, theo như lời của Chúa đã soi dẫn để Phao-lô viết ra trong thư tín của ông, như có chép trong

RÔ-MA 8: 24=25 – Vì chúng ta được cứu trong sự trông cậy, nhưng khi người ta đã thấy điều mình trông rồi, ấy không phải là trông nữa: mình thấy rồi, sao còn trông làm chi? Song nếu chúng ta trông điều mình không thấy, ấy là chúng ta chờ đợi điều đó cách nhịn nhục.

Theo như lời của Chúa đã bày tỏ qua các câu Kinh thánh mà tôi vừa mới trưng dẫn cùng với quý Hội thánh thì đức tin thật của Cơ-đốc-nhân là sự trông cậy về điều mà mình chưa thấy, nhưng khi đã thấy rồi thì dẫu có tin cũng không được kể là đức tin thật. Và nếu không có đức tin thật thì người ta không thể nhận được sự cứu rỗi. Đó là lý do vì sao mà lời của Chúa đã báo trước rằng khi nhân loại nhìn thấy Đức Chúa Jêsus trở lại thì mọi người sẽ phải than khóc vì hối tiếc rằng mình đã không chịu thật lòng tin Chúa và sống một đời vâng phục lúc chưa nhìn thấy Ngài. Chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu như đã nhìn thấy Chúa tận mắt rồi mới tin và vẫn được kể là đức tin thật và được cứu, thì lúc bấy giờ cả nhân loại đều sẽ phải vui mừng hớn hở, vì tất cả mọi người đang sống thời bấy giờ sẽ được vào Thiên đàng hết, chớ lẽ nào lại đấm ngực mà than khóc bao giờ, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong

MA-THI-Ơ 24: 30 – Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống.

Khi Kinh thánh dùng chữ đấm ngực trong câu gốc vừa trưng dẫn thì điều đó có nghĩa là người ta đang bày tỏ sự hối tiếc lớn lao khi tận mắt thấy sự trở lại của Chúa. Chúng ta thử suy nghĩ theo chiều ngược lại như thế nầy thì sẽ thấy được vấn đề một cách rõ ràng hơn: Khi Đức Chúa Jêsus hiện đến lần thứ hai và mọi mắt đều thấy Ngài và tin rằng Ngài là Đấng có thật thì chắc chắn rằng tất cả mọi người đều sẽ tin Chúa và nếu vì vậy mà được cứu rỗi, thì cớ gì họ phải khóc lóc một cách cay đắng và đấm ngực mình như lời Kinh thánh đã bày tỏ? Và nếu cả thế gian đều được cứu cách như vậy thì lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán rằng khi Ngài đến thì sẽ không thấy có bao nhiêu người thật sự có đức tin trên mặt đất thì sẽ được giải thích làm sao?

Tại đây thì tôi xin được trình bày thêm về điều nầy. Ấy là vì những kẻ đã thấy Đức Chúa Jêsus là thật khi Ngài tái lâm nhưng lại không thể nhận được sự cứu rỗi mặc dầu đã tin sau đó, tức là khi Ngài đã giáng xuống cách hiển nhiên và trị vì tại Giê-ru-sa-lem, nên vì vậy mà khi 1,000 năm bình an đã mãn thì họ sẽ nghe theo lời của ma quỉ để kéo đến vây đánh thành Giê-ru-sa-lem, như lời Kinh thánh đã có báo trước trong

KHẢI HUYỀN 20: 7-9 – Khi hạn ngàn năm mãn rồi, quỉ Sa-tan sẽ được thả, và nó ra khỏi ngục mình đặng dỗ dành dân ở bốn phương trên đất, dân Gót và dân Ma-gót; nó nhóm chúng lại để chiến tranh, đông như cát bờ biển. Chúng nó lên khắp các vùng rộng trên mặt đất, vây dinh thánh đồ và thành yêu dấu. Nhưng có lửa từ trên trời rơi xuống thiêu diệt chúng nó.

Có nhiều người ít để ý đến sự lạ lùng trong câu gốc nầy, ấy là tại sao loài người lúc bấy giờ lại nghe theo lời của ma quỉ để kéo đến tấn công thành Giê-ru-sa-lem trong khi họ lại được tận mắt chứng kiến Đức Chúa Jêsus là thật và ở dưới sự cai trị công bằng và tốt đẹp của Ngài trong suốt một ngàn năm? Đây là điểm rất đặc biệt mà nhiều người đã bỏ qua khi tìm hiểu và giải thích về thời kỳ cuối cùng. Nhưng câu trả lời thì đã được bày tỏ trong các câu Kinh thánh mà tôi đã trưng dẫn khi nãy về đức tin. Vì theo nguyên tắc của Chúa thì đức tin của một người chỉ được kể là đức tin thật khi tin vào những điều mà mình chưa thấy, tức là tin Chúa khi chưa thấy Ngài. Nhưng khi đã thấy Ngài mà tin thì đó không được kể là đức tin thật, và như vậy thì trong suốt 1,000 bình an khi Chúa trị vì thì sẽ không có một người nào được cứu. Bởi cớ đó mà họ sẽ nghe theo lời của Sa-tan để chống nghịch Chúa và tấn công thành Giê-ru-sa-lem. Đó là hành động bướng bỉnh của những kẻ tuyệt vọng. Tôi sẽ trình bày về điều đó một cách chi tiết hơn vào một dịp khác khi cùng với quý Hội thánh suy gẫm về những sự kiện xãy ra trong thời kỳ 1,000 năm bình an.

Vì vậy khi Đức Chúa Trời bày tỏ cho Cơ-đốc-nhân biết về những dấu hiệu hay là những yếu tố đặc biệt để con dân Chúa nhờ đó mà nhận biết khi nào Đức Chúa Jêsus sẽ trở lại thì chúng ta phải tỉnh thức và chuẩn bị cá nhân mình cho thật sẳn sàng đúng theo tiêu chuẩn mà Chúa đã có chỉ định trong Kinh thánh, để nhờ đó mà được đón tiếp lên không trung để gặp Ngài trong sự vinh hiển.

Nhưng trong câu gốc nền tảng của chúng ta còn có một điểm khác cũng rất đáng chú ý, đó là việc lời của Chúa đề cập những kẻ đã đâm Ngài cũng có mặt vào thời điểm Đức Chúa Jêsus tái lâm. Đây là điều mà nhiều người thắc mắc, và bởi lẽ đó mà câu Kinh thánh nầy đã bị bỏ qua khi người ta suy nghĩ hoặc giải thích về sự trở lại của Đức Chúa Jêsus. Lý do làm cho nhiều người thắc mắc là vì sự đóng đinh của Đức Chúa Jêsus đã xãy ra cách nay khoảng 2,000 năm và một điều chắc chắn là người lính Ma-mã đã đâm Ngài không thể nào cứ sống mãi cho đến ngày Chúa tái lâm để có thể thấy Ngài và để lời Kinh thánh có thể úng nghiệm một cách chính xác. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể hiểu được rằng câu gốc nền tảng mà chúng ta đang suy gẫm ngày hôm nay được viết bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen là việc mọi mắt sẽ nhìn thấy sự trở lại của Chúa trong đám mây và họ sẽ đấm ngực khóc lóc vì hối tiếc. Còn nghĩa bóng là những kẻ đâm Ngài cũng sẽ thấy được sự kiện ấy.

Khi đọc lại câu gốc nền tảng thì chúng ta sẽ thấy rằng lời của Chúa đã đề cập đến việc những kẻ đã đâm Ngài, tức là gồm nhiều người, chớ không phải là nói về một người đã đâm Ngài, giống như trường hợp một người lính La-mã đã đâm vào hông Chúa lúc Ngài bị đóng đinh. Như vậy thì chúng ta có thể hiểu được rằng ngày Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh thì chỉ có một tên lính La-mã đâm vào hông Ngài mà thôi, còn trong ngày Chúa trở lại thì số người đã từng đâm Ngài lại nhiều. Về chữ đâm Ngài thì Kinh thánh cho biết là việc đóng đinh Đức Chúa Jêsus vào thập tự giá được xem là việc đã đâm Ngài, mặc dầu chúng ta vẫn hay dùng chữ đóng đinh chớ không phải là đâm cây đinh vào tay hoặc chân Ngài, giống như lời tiên tri đã đề cập đến và đã được chép trong

THI THIÊN 22: 16 – Vì những chó bao quanh tôi, một lũ hung ác vây phủ tôi. Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng việc đóng đinh Chúa vào thập tự giá được Kinh thánh kể như là đã đâm Ngài, và trong những thời kỳ sau khi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh thì vẫn có nhiều Cơ-đốc-nhân tiếp tục đóng đinh Ngài lần nữa vào thập tự giá theo nghĩa hình bòng bởi việc cứ cố tình phạm tội và không chịu sống theo mẫu mực của Kinh thánh, như lời của Chúa đã được chép trong

HÊ-BƠ-RƠ 6: 4-6 – Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài bị sỉ nhục tỏ tường.

Các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn cho biết rằng sự đóng đinh Đức Chúa Jêsus như vậy không phải là do người chưa tin thực hiện, mà là do chính các Cơ-đốc-nhân làm ra, bởi việc yếu đuối, bởi sự cố tình phạm tội và việc sống theo đường lối của thế gian. Chúng ta có thể nhớ lại rằng lúc Đức Chúa Jêsus dạy dỗ các môn đồ của Ngài về thời kỳ cuối cùng thì đã từng báo trước cho rằng trong ngày sau rốt sẽ có nhiều Cơ-đốc-nhân không cón kính yêu Chúa một cách sốt sắng nữa vì cớ bị ảnh hưởng bởi xu hướng phạm tội càng ngàycnàg nhiều của người thế gian, như có chép trong

MA-THI-Ơ 24: 12 – Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần.

Như chúng ta có thể thấy được trong thực tế ngày hôm nay thì nhiều dạng tội lỗi đã được thế gian xem là rất bình thường, thậm chí người ta còn dán cho chúng những cái nhãn hiệu rất đặc biệt và gọi đó là sự tự do, chẳng hạn như việc phá thai thì gọi là nhân quyền của người phụ nữ, việc chung sống ngoài hôn nhân thì gọi là có số đào hoa và việc ngoại tình thì được xem như là cách tự chứng tỏ mình là phong lưu thời thượng. Những tội lỗi đó xãy ra càng ngày càng nhiều trong xã hội đến nỗi người ta xem đó là chuyện bình thường, là trào lưu của thời đại và nhiều Cơ-đốc-nhân đã bắt chước làm theo, nhất là trong vòng các thanh niên trẻ.

Vì vậy mà con dân của Chúa phải cẩn thận và hễ chúng ta đã nhờ lời của Chúa để biết rằng ngày tái lâm của Đức Chúa Jêsus gần lắm rồi thì chúng ta càng phải hết sức giè giữ và sẳn sàng, phải nhờ cậy Đức-Thánh-Linh để từ bỏ những việc chết của thế gian để tấn tới trong sự nên thánh và trọn lành, theo như lời của Chúa đã khuyên dạy trong

HÊ-BƠ-RƠ 6: 1-2 – Ấy vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về Tin lành của Đấng Christ, mà tấn tới sự trọn lành, chớ nên lập lại nền nữa, tức là: từ bỏ các việc chết, tin Đức Chúa Trời, sự dạy về phép báp-têm, phép đặt tay, sự kẻ chết sống lại, sự phán xét đời đời.

Trong câu gốc vừa trưng dẫn thì chúng ta đã có thể thấy rằng điều mà Đức Chúa Trời muốn con dân của Ngài cần phải làm để chuẩn bị cho sự tái lâm của Chúa là từ bỏ các việc chết và phải tấn tới trong sự trọn lành, tức là phải càng cố gắng hơn nữa trong việc sống mẫu mực để làm sáng danh Chúa và làm chứng tốt cho người thế gian.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng tiếp tục nhắc nhở con dân Ngài về sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus bằng lời của Ngài trong Kinh thánh. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức và giúp đỡ để Cơ-đốc-nhân có thể sống xứng đáng với tiêu chuẩn thiện lành của Thiên đàng ngay khi còn ở giữa thế gian nầy, và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng cho con dân Chúa biết đường lối của Ngài một cách rõ ràng để Cơ-đốc-nhân có thể bước đi một cách trung tín bền đỗ cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *