CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ THIÊN SỨ

Tất cả chúng ta đều biết đến một trong những mạng lệnh quan trọng mà Đức Chúa Jêsus đã có phán dạy trong Bài giảng trên núi của Ngài, đó là phải tìm kiếm cho được sự đời sống đời trong Thiên đàng của Chúa (Ma-thi-ơ 6: 33).

Theo ý nghĩa của câu Kinh thánh nầy thì việc nhận được sự sống đời đời phải là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của cuộc đời Cơ-đốc-nhân khi còn sống giữa trần gian. Chính bởi lẽ đó mà tôi vẫn thường trình bày về mục tiêu ấy với lòng mong ước rằng bởi việc cứ nhắc nhở liên tục về ý muốn đó của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài thì Cơ-đốc-nhân sẽ lần hồi tập trung được mọi cố gắng của mình để đạt cho được mục tiêu ấy đúng theo như sự chỉ định của Chúa trong Kinh thánh. Nhưng hôm nay thì tôi xin trình bày về một đề tài khác cũng có liên quan đến Thiên đàng. Đó là những bậc đàn anh không thấy được của chúng ta trong cõi thuộc linh mà Kinh thánh gọi là các thiên sứ của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng khi con dân của Chúa được cứu và được sống lại thì ai nấy đều sẽ giống như các thiên sứ trên trời (Mác 12: 25, Ma-thi-ơ 22: 30). Sự so sánh của Chúa như vậy giữa những người được cứu và các thiên sứ là điều mà chúng ta đáng phải để ý, vì điều đó có nghĩa là những người được cứu không những giống với các thiên sứ về hình dạng bên ngoài mà còn giống về những đặc điểm bên trong nữa.

Nhưng trước khi chúng ta cùng nhau học biết về các đặc điểm và đặc tánh của các thiên sứ thì tôi xin được giải bày về một số điều đã làm cho nhiều người hiểu lầm vai trò của các thiên sứ trong cõi vô hình. Ấy là từ trước đến nay thì đã có nhiều người lầm tưởng rằng thiên sứ chỉ là những linh thần phục vụ chớ không phải là con của Đức Chúa Trời và thậm chí họ còn tưởng lầm rằng sau nầy thì các thiên sứ cũng sẽ là những linh thần phục vụ những người được cứu rỗi. Nói một cách dễ hiểu thì những người đó quan niệm rằng trong Thiên đàng có ba vị trí: Thứ nhất là Đức Chúa Trời, vì đó là điều đương nhiên. Thứ hai là những người được cứu rỗi, là những người sẽ được gọi là con của Đức Chúa Trời, và thứ ba là các thiên sứ hầu việc Đức Chúa Trời và hầu việc những người được cứu. Hay nói một cách khác thì những người đó cho rằng các thiên sứ là các gia đinh phục dịch Đức Chúa Trời và con người trong Thiên đàng. Quan điểm ấy bắt nguồn từ việc diễn dịch sai một số các câu Kinh thánh mà tôi xin được lần lượt trình bày trong Chủ đề nầy.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì các thiên sứ đã được Đức Chúa Trời tạo dựng để hầu việc Ngài (Hê-bơ-rơ 1: 14). Nhưng cũng từ câu gốc nầy mà có một số người cho rằng vì Kinh thánh dùng chữ các thiên giúp việc những người sẽ được cứu rỗi nên họ giải thích rằng vai trò của các thiên sứ còn thấp kém hơn những người được cứu nữa, vì chữ giúp việc khiến họ nghĩ ngay đến vai trò của các thiên sứ như là làm đầy tớ cho con người. Đây là sự lầm lẫn trong việc đọc Kinh thánh mà chỉ hiểu nghĩa ở trên bề mặt của chữ mà thôi chớ không chịu so sánh với toàn bộ sự dạy dỗ của Kinh thánh về vấn đề ấy. Chúng ta đều biết những lời mà Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ về tâm tình khiêm nhường trong khi hầu việc và phục vụ mà con dân Ngài cần phải có (Lu-ca 22: 26).

Đây là nguyên tắc phục vụ xuất phát từ tấm lòng nhu mì và hạ mình. Khi Đức Chúa Jêsus dạy dỗ điều nầy cho các môn đồ thì điều đó có nghĩa là họ chưa biết nguyên tắc ấy hoặc đã biết mà chưa làm được. Chính vì vậy mà Ngài đã nhắc nhở họ về gương hạ mình của chính Ngài trong việc phục vụ con người (Ma-thi-ơ 20: 28, Mác 10: 45, Lu-ca 22: 27).

Tâm tình hạ mình xuống để phục vụ loài người của Đức Chúa Jêsus là tấm gương sáng cho tất cả các con dân Ngài, chính vì vậy mà lời của Chúa trong Kinh thánh mới khuyên Cơ-đốc-nhân rằng chúng ta phải có tâm tình giống như vậy (Phi-líp 2: 5-8). Rõ ràng là lời của Chúa trong các câu Kinh thánh nầy đã cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Jêsus đã lấy hình của tôi tớ để đến trần gian mà phục vụ và chịu chết cho con người. Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa đã khuyên con dân Ngài rằng không những tập tành để có tâm tình giống như Đấng Christ mà còn phải bắt chước hành động của Đức Chúa Jêsus nữa (1Cô-rinh-tô 11: 1).

Qua các câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta đều có thể thấy rằng Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài bắt chước Đấng Christ trong tâm tình hầu việc và phục vụ như là một kẻ tôi tớ, vì ấy là điều mà chính Đức Chúa Jêsus đã thường nhắc nhở với các môn đồ của Ngài khi xưa và nhắc nhở Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày hôm nay (Ma-thi-ơ 23: 11).

Như vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng khi Đức Chúa Jêsus dạy dỗ bất cứ nguyên tắc nào thì chính Ngài cũng làm gương cho con dân Ngài về nguyên tắc ấy. Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã hiện thân thành người, và Đức Chúa Jêsus đã lấy hình tôi tớ để phục vụ nhân loại bằng sự chết của Ngài trên thập tự giá. Ngài là Đấng lớn hơn hết trong cả vũ trụ nầy nhưng đã mang lấy vai trò đầy tớ vì con người (Ê-sai 42: 1-3, Xa-cha-ri 3: 8).

Như vậy thì qua các câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta đã có thể thấy được tâm tình và sự phục vụ của Đức Chúa Jêsus khi Ngài vào trong trần gian nầy là thế nào. Có thể rằng Cơ-đốc-nhân chưa có thể làm theo được như gương của Đức Chúa Jêsus về tâm tình phục vụ và hạ mình giống như vậy, nhưng chắc chắn rằng các thiên sứ đều làm được, vì họ đã ở trong Thiên đàng với Đức Chúa Trời kể từ ngày Chúa tạo dựng nên họ, có nghĩa là họ đều xứng đáng với tiêu chuẩn đòi hỏi của nơi ấy. Chính bởi lẽ đó mà Kinh thánh đã cho biết rằng các thiên sứ vào trong trần gian để giúp đỡ những người được cứu với tâm tình của đấng giúp việc, như lời Kinh thánh đã trưng dẫn trong Hê-bơ-rơ 1: 14. Chữ giúp việc mà Kinh thánh đã dùng để nói về các thiên sứ là muốn bày tỏ cho chúng ta thấy rằng họ cũng mang tâm tình của Đấng Christ để đến thế gian mà phục vụ con người, nhưng những người kia thì lại không chịu tra cứu Kinh thánh để tìm hiểu thêm về chữ ấy nên mới suy diễn một cách sai lầm rằng các thiên sứ chỉ là những kẻ đầy tớ trong Thiên đàng mà thôi, làm như Thiên đàng của Chúa cũng có sự phân chia giai cấp như là ở thế gian nầy vậy.

Nhưng quan điểm sai lầm của những người kia về các thiên sứ thì không dừng lại tại đấy. Khi Kinh thánh cho biết là các con trai của Đức Chúa Trời ra mắt Ngài tại Thiên đàng trong Gióp 1: 6 và 2: 1 thì họ cũng cho rằng đó không phải là các thiên sứ mà là những người đã được cứu rỗi. Sự lầm lẫn của họ là cứ suy diễn theo bề mặt của chữ nên cho rằng chỉ có những người được cứu mới được gọi là con cái của Đức Chúa Trời, còn các thiên sứ chỉ là đầy tớ mà thôi.

Kinh thánh cho biết là khi Cơ-đốc-nhân nhận được sự cứu rỗi và được vào Thiên đàng sau khi Đức Chúa Trời phán xét chung thẩm cả thế gian thì Sa-tan và các quỉ sứ của nó cùng những người không được cứu đều sẽ bị giam cầm đời đời trong hỏa ngục, nên hình ảnh con cái của Đức Chúa Trời ra mắt Ngài mà lại có Sa-tan hiện diện tại đó không phải là hình ảnh của sự cứu rỗi đời sau. Vì vậy mà chữ các con trai của Đức Chúa Trời đã được dùng để gọi các thiên sứ. Vì Sa-tan cũng từng là thiên sứ nhưng nó phản nghịch Chúa và bởi đó mà trở thành ma quỉ. Dầu vậy vì Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nên Ngài vẫn cho nó thời gian để ăn năn và vì vậy mà nó có cơ hội trở lại Thiên đàng để tìm cách cáo buột Gióp.

Nhưng những người kia thì lại biện bác rằng chữ con trai của Đức Chúa Trời không phải nói về các thiên sứ mà là nói về những người được cứu trong những thời kỳ xa xưa, chẳng hạn như Hê-nóc. Nhưng giải thích Kinh thánh như vậy lại là một sai lầm khác nữa, vì lời của Chúa cho biết là những người được cứu không được Thiên đàng trước khi Đức Chúa Trời phán xét cả nhân loại (Ma-thi-ơ 25: 32, 46).

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được rõ ràng là những người được cứu sẽ vào Thiên đàng cùng một thời gian khi mà những kẻ bị hư mất phải vào hỏa ngục đời đời. Vả lại, lời của Đức Chúa Jêsus còn cho biết là muôn dân sẽ phải nhóm lại trước mặt Chúa vào thời điểm ấy thì lý thuyết cho rằng có những người được cứu vào Thiên đàng trong những thời kỳ xa xưa là hoàn toàn mâu thuẫn với Kinh thánh. Không có chỗ nào trong lời của Chúa cho biết rằng Hê-nóc được vào Thiên đàng trước những người sẽ được cứu khi Đức Chúa Jêsus tái lâm. Kinh thánh chỉ cho biết là Hê-nóc được Chúa cất lên và không thấy sự chết mà thôi (Hê-bơ-rơ 11: 5).

Nhiều người lầm tưởng rằng sau khi qua đời thì những thánh nhân như Hê-nóc hoặc Áp-ra-ham hoặc Phao-lô và Phi-e-rơ sẽ vào thẳng Thiên đàng ngay, nhưng lý thuyết đó cũng không có sự hậu thuẫn nào trong Kinh thánh. Ngoài ra thì cũng có những người khác nữa lý luận rằng thiên sứ không phải là con của Đức Chúa Trời và họ đã dùng câu Kinh thánh trong Hê-bơ-rơ 1: 5 để ủng hộ cho sự diễn giải của họ. Những người kia dùng câu Kinh thánh nầy để biện minh cho quan điểm của họ rằng các thiên sứ không phải là con của Đức Chúa Trời, nhưng lại quên rằng đây là phần Kinh thánh so sánh giữa Đức Chúa Jêsus Christ và các thiên sứ của Ngài. Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời hiện thân thành người nên Ngài là Đấng Cao Cả mà không có một tạo vật nào có thể so sánh được với Ngài, vì vậy mà khi so sánh với Đức Chúa Jêsus thì các thiên sứ chỉ là đầy tớ của Ngài mà thôi (Hê-bơ-rơ 1: 6-7).

Sự so sánh như vậy là dễ hiểu, vì loài thọ tạo không thể nào được kể ngang hàng với Đấng Tạo Hóa, cũng như khi Kinh thánh so sánh Cơ-đốc-nhân với Đức Chúa Jêsus thì con dân Chúa cũng chỉ được xem là tôi mọi của Ngài và của Đức Chúa Trời mà thôi, hay còn gọi là nô lệ, tức là còn thấp hơn một bậc so với địa vị tôi tớ của các thiên sứ nữa (Rô-ma 6: 22, 1Cô-rinh-tô 7: 22).

Qua hai câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được rõ ràng rằng khi so sánh với sự cao cả của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ thì cả thiên sứ và những người được cứu rỗi đều là tôi mọi của Ngài. Nhưng vì những người kia chỉ suy diễn Kinh thánh theo bề mặt của chữ mà thôi nên mới có sự lầm lẫn như vậy, và đó cũng là một trong những lý do mà tôi đã phải trình bày hơi chi tiết một chút để chúng ta có thể nắm vững được những lẽ thật căn bản trong lời của Đức Chúa Trời, vì nếu không hiểu rõ hoặc không nắm vững thì không thể nào tấn tới được trong đời thuộc linh và không thể nào trưởng thành trong đức tin, trái lại còn nguy hiểm cho linh hồn của những người giải thích sai lạc các câu gốc trong Kinh thánh (2Phi-e-rơ 3: 16).

Để có thể hiểu được Kinh thánh một cách rõ ràng thì Cơ-đốc-nhân phải so sánh lời của Chúa với tất cả những lẽ thật khác trong Kinh thánh chớ không thể cứ suy diễn Kinh thánh theo ý nghĩa bề mặt của chữ được, nhất là chỉ dùng có một câu Kinh thánh để diễn giải chân lý trong lời của Đức Chúa Trời.

Bây giờ thì chúng ta có thể thấy được rằng việc được giống như thiên sứ là phần thưởng của những người được cứu như lời của chính Đức Chúa Jêsus đã phán trong Ma-thi-ơ 22: 30. Nếu Cơ-đốc-nhân chịu khó suy nghĩ một chút thì sẽ hiểu được lời của Chúa khi Ngài phán câu ấy. Nhưng những người kia, khi lý giải rằng các thiên sứ chỉ là đầy tớ trong Thiên đàng thì họ đã hạ thấp giá trị của phần thưởng mà Đức Chúa Trời đã hứa dành cho những người được cứu. Chúng ta thử nghĩ mà xem, lời của Chúa cho biết là phần thưởng dành cho những người có đức tin và biết sống đẹp lòng Chúa là lớn lắm (Hê-bơ-rơ 10: 35-36).

Nhưng nếu lý luận như những kẻ kia rằng thiên sứ chỉ là các đầy tớ trong Thiên đàng mà thôi thì chẳng lẽ đó là phần thưởng lớn lao mà Chúa dành cho những người được cứu, tức là trở nên những đầy tớ giống như các thiên sứ? Nếu nói theo cách lý luận của những người kia rằng những người được cứu là con cái của Chúa còn các thiên sứ chỉ là đầy tớ trong Thiên đàng mà thôi thì tại sao Đức Chúa Jêsus lại không ví sánh những người được cứu với địa vị nào khác cao trọng hơn mà lại ví sánh họ với địa vị của đầy tớ trong Thiên đàng? Khi chúng ta thử đặt những câu hỏi như vậy thì mới thấy được rằng sự diễn giải theo bề mặt của chữ, nhất là khi không chịu so sánh với các lẽ thật khác trong Kinh thánh thì sẽ dẫn đến những lý thuyết rất mâu thuẫn với các chân lý trong lời của Đức Chúa Trời.

Nhưng khi chúng ta chịu khó tra cứu Kinh thánh cách kỹ lưỡng hơn thì sẽ thấy rằng các thiên sứ có những địa vị rất cao trọng trong Thiên đàng và họ chính là mẫu mực mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải đạt đến và tôi sẽ trình bày thêm về những đặc tánh, khả năng của các thiên sứ cũng như mối quan hệ của Cơ-đốc-nhân đối với họ trong đời nầy và đời sau. Tại đây thì tôi có thể nói trước rằng các thiên sứ là những bậc đàn anh của chúng ta trong cõi thuộc linh và Cơ-đốc-nhân nên tìm hiểu về họ nhiều hơn để sau nầy có thể tay bắt mặt mừng với từng thiên sứ một trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm và cùng họ hầu việc Đức Chúa Trời suốt cả cõi đời đời.

Khi Cơ-đốc-nhân nhận biết rằng những tháng ngày trần gian sau khi tin nhận Chúa là thời gian được Chúa dùng để thử thách và tôi luyện con dân Chúa để có thể đạt đến tiêu chuẩn đòi hỏi của Thiên đàng thì chúng ta cũng biết chắc chắn rằng các thiên sứ đều có những đức tánh phù hợp với các tiêu chuẩn ấy, vì họ đã được ở trong Thiên đàng cùng với Đức Chúa Trời từ khi họ được Ngài tạo dựng nên. Điều đó có nghĩa là họ đều xứng đáng và đều thỏa mãn được các tiêu chuẩn đòi hỏi của Chúa. Vì vậy khi lời của Chúa phán dạy rằng con dân Chúa cần phải có đức tánh hiền lành mềm mại, và mặc dầu nhiều khi Cơ-đốc-nhân còn chưa đạt được đến mức độ hiền lành mà Chúa muốn thì chính các thiên sứ đã có những đức tính ấy rồi (Giăng 10: 14). Vì Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng Hiền Lành nên lời của Chúa trong Kinh thánh cũng khuyên Cơ-đốc-nhân phải bắt chước Ngài để cũng có đức tánh hiền lành trong đời sống mình (Ga-la-ti 5: 22).

Có thể là từ ngày tin Chúa đến hôm nay thì tất cả các Cơ-đốc-nhân đều cố gắng sống một đời hiền lành mềm mại và mức độ hiền lành trong mỗi một con dân Chúa chắc chắn có sự khác nhau, nhưng đối với các thiên sứ thì sự hiền lành ở trong đời sống họ thể hiện ra rất rõ ràng, ngay cả khi họ chiến đấu với ma quỉ (Giu-đe 1: 9).

Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy được rõ ràng rằng ngay cả trong khi chiến đấu kịch liệt với ma quỉ mà thiên sứ Mi-chen vẫn có thể bày tỏ được sự hiền lành qua câu nói đơn giản như vậy. Vì thế đức tánh nầy cần phải có trong mỗi một Cơ-đốc-nhân để chúng ta có thể được đẹp lòng Chúa và xứng đáng sánh vai với các thiên sứ trong tương lai tại Thiên đàng để tôn vinh, thờ phượng và hầu việc Chúa. Trong những lần tới thì tôi sẽ trình bày thêm về mối liên hệ giữa Cơ-đốc-nhân và các thiên sứ theo như lời Kinh thánh đã có bày tỏ.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng tiếp tục dùng lời của Ngài để nhắc nhở Cơ-đốc-nhân chúng ta luôn luôn về những đức tánh mà con dân Chúa cần phải có để chuẩn bị cho ngày được sống trong Thiên đàng. Cầu xin Đức Chúa Trời giải bày cho Cơ-đốc-nhân chúng ta nhiều hơn về những sự sâu nhiệm của cõi vô hình để con dân Chúa có thể tăng trưởng được đức tin trong những ngày tháng theo Chúa giữa trần gian. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh thêm sức cho mỗi một Cơ-đốc-nhân trong cố gắng sống xứng đáng với mẫu mực của Kinh thánh để Cơ-đốc-nhân không hổ thẹn với các bậc đàn anh trong Thiên đàng trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.

CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:

GIÓP 1: 6 – Vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng.

GIÓP 2: 1 – Xảy ra một ngày kia, các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, Sa-tan cũng có đến trong vòng chúng đặng ra mắt Đức Giê-hô-va.

Ê-SAI 42: 1-3 – Nầy, Đầy tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ, là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại. Người sẽ chẳng kêu la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình. Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy. Người sẽ lấy lẽ thật mà tỏ ra sự công bình.

XA-CHA-RI 3: 8 – Hỡi Giê-hô-sua, thầy tế lễ cả, ngươi cùng bạn hữu ngươi ngồi trước mặt ngươi, hãy nghe, vì những kẻ nầy làm dấu: nầy, quả thật ta sẽ làm cho Đầy tớ ta là Chồi mống dấy lên.

MA-THI-Ơ 6: 33 – Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.

MA-THI-Ơ 20: 28 – Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.

MA-THI-Ơ 22: 30 – Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.

MA-THI-Ơ 23: 11 – Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.

MA-THI-Ơ 25: 32, 46 – Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra… Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời.

MÁC 10: 45 – Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.

MÁC 12: 25 – Vì đến lúc người ta từ kẻ chết sống lại, thì chẳng cưới vợ, chẳng lấy chồng; nhưng các người sống lại đó ở như thiên sứ trên trời vậy.

LU-CA 22: 26 – Về phần các ngươi, đừng làm như vậy; song ai lớn hơn trong các ngươi phải như kẻ rất nhỏ, và ai cai trị phải như kẻ hầu việc.

LU-CA 22: 27 – Vì một người ngồi ăn với một người hầu việc, ai là lớn hơn? Có phải là kẻ ngồi ăn không? Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy.

GIĂNG 10: 14 – Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta.

RÔ-MA 6: 22 – Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.

1CÔ-RINH-TÔ 7: 22 – Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đang tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ.

1CÔ-RINH-TÔ 11: 1 – Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.

GA-LA-TI 5: 22 – Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.

PHI-LÍP 2: 5-8 – Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.

HÊ-BƠ-RƠ 1: 5 – Vả, Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên sứ nào rằng: Ngươi là Con ta, ngày nay ta đã sanh ngươi? Lại há có khi nào phán: Ta sẽ làm Cha người, người sẽ làm Con ta?

HÊ-BƠ-RƠ 1: 6-7 – Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con. Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió, và tôi tớ Ngài như ngọn lửa.

HÊ-BƠ-RƠ 1: 14 – Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?

HÊ-BƠ-RƠ 10: 35-36 – Vậy chớ bỏ lòng dạn dĩ mình, vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho. Vì anh em cần phải nhịn nhục, hầu cho khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình.

HÊ-BƠ-RƠ 11: 5 – Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết; người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi.

2PHI-E-RƠ 3: 16 – Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

GIU-ĐE 1: 9 – Vả, khi chính mình thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỉ giành xác Môi-se, còn chẳng dám lấy lời nhiếc móc mà đoán phạt. Người chỉ nói rằng: Cầu Chúa phạt ngươi!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *