THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Công vụ 2: 38

LÀM SAO NHẬN BIẾT ĐỨC THÁNH LINH 2

Kinh thánh: Công vụ 2: 32-41

Câu gốc: CÔNG VỤ 2: 38 – Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

*******

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì Đức-Thánh-Linh là Ngôi Ba trong ba Ngôi của Đức Chúa Trời. Ngài được Kinh thánh gọi là Thần Linh của Chúa, là Sự Khôn Ngoan của Đức Giê-hô-va, và vì Đức-Thánh-Linh cũng chính là Đức Chúa Trời nên Ngài đã hiện hữu từ lúc ban đầu, như đã có chép trong các câu Kinh thánh sau đây:

NÊ-HÊ-MI 9: 20 – Chúa cũng ban cho chúng Thần linh lương thiện của Chúa, để dạy dỗ cho chúng, không từ chối cho miệng chúng ăn ma-na, và ban cho chúng nước đặng uống khát.

CHÂM NGÔN 8: 22 – Trong buổi Đức Giê-hô-va khởi cuộc tạo hóa, về thời thái cổ, trước khi chưa dựng nên muôn vật, thì Ngài đã có ta.

Cũng theo lời Kinh thánh cho biết thì trong thời kỳ ân điển thì Đức-Thánh-Linh đã được ban xuống để hành động trong tấm lòng của con người để cảm động họ đến với đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ, và đồng thời cũng để giải bày những sự sâu nhiệm trong Lẽ thật của Đức Chúa Trời cho những người được chọn, như chính lời Đức Chúa Jêsus đã báo trước về điều đó và đã được ghi lại trong

GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Vì vậy, theo như lời của Đức Chúa Jêsus trong câu gốc nầy thì chỉ có một mình Đức-Thánh-Linh mới có thể bày tỏ cho con cái Ngài biết về những lẽ thật trong Kinh thánh và những sự bí ẩn của chương trình mà Đức Chúa Trời đã dự định cho tương lai, nhất là về ngày cuối cùng. Bởi lẽ đó thì câu Kinh thánh nầy cũng là một trong những phần Kinh thánh mà Cơ-đốc-nhân có thể dùng để nhận biết Đức-Thánh-Linh có đang hành động trong đời sống của mình hay không. Trong một lần khác thì tôi sẽ trình bày về câu gốc vừa được trưng dẫn một cách chi tiết hơn.

Thông thường thì khi nói về Đức-Thánh-Linh thì Cơ-đốc-nhân đều nghiễm nhiên cho rằng mình đã có Đức-Thánh-Linh rồi và nhiều người còn nghĩ rằng mình đang được đầy dẫy Ngài. Nhưng những suy nghĩ và cảm xúc của con người cần phải được xem xét theo mẫu mực của Kinh thánh chớ không phải chỉ nghĩ về điều đó là đã đủ. Chúng ta biết rằng nhân gian thường có câu nói là 9 người 10 ý, vì vậy mà nếu chỉ căn cứ vào lời nói của cá nhân không mà thôi thì khó có thể nào kiểm chứng một cách chính xác được về sự hiện diện của Đức-Thánh-Linh trong đời sống của một người. Như điều mà tôi đã từng thưa trình cùng với quý Hội thánh nhiều lần trước đây thì Đức Chúa Trời không bao giờ để cho con cái Ngài phải hoang mang hoặc nghi ngờ về bất cứ một vấn đề nào trong phương diện thuộc linh, vì điều đó rất nguy hiểm cho linh hồn, như lời Kinh thánh đã cho biết trong

GIA-CƠ 1: 6 – Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.

Theo như ý tưởng trong câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì khi Cơ-đốc-nhân theo Chúa mà có lòng hồ nghi hoặc ngờ vực về bất cứ một điều nào có liên quan đến đức tin thì người ấy sẽ không thể nào đứng vững được trong Chúa, mà cứ như sóng biển hoặc thủy triều lúc trồi lúc sụt, lúc mạnh lúc yếu và bởi lẽ đó mà dễ bị cuộc đời lôi kéo hoặc dễ bị các lý thuyết của con người dẫn dụ đi xa khỏi con đường đúng đắn của Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà Chúa đã có cho ghi lại trong Kinh thánh tất cả các mẫu mực tin kính trong cả phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể để con dân Chúa có thể dùng những điều ấy mà xem xét về đời sống cá nhân mình khi theo Chúa hầu cho Cơ-đốc-nhân không phải hoang mang về bất cứ điều gì khi còn đang sống giữa trần gian nầy. Phương pháp tự kiểm điểm chính mình và nhận biết về con người đã được chính Đức Chúa Jêsus bày tỏ trong lời phán của Ngài và đã được ghi lại trong

MA-THI-Ơ 12: 33 – Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.

Theo như lời của Chúa đã dạy dỗ trong câu gốc nầy thì để có thể kiểm điểm lại chính đời sống mình thì Cơ-đốc-nhân cần phải so sánh mọi phương diện của cuộc sống cá nhân với các mẫu mực trong Kinh thánh thì sẽ nhận biết được là mình đang ở trong tình trạng nào. Thông thường thì người ta có thể che dấu con người thật của mình đối với người khác, nhưng không ai có thể che dấu chính mình với lương tâm của mình, đặc biệt là khi đem so sánh với các mẫu mực mà Đức Chúa Trời đã có dạy dỗ trong Kinh thánh. Riêng với Chủ đề Làm Sao Nhận Diện Đức Thánh Linh thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến những mực thước có liên quan đến sự làm việc của Đức-Thánh-Linh để biết nhiều hơn về Ngài, ngõ hầu cho mỗi một cá nhân có thể thức tỉnh để hy vọng rằng Ngài đến để thăm viếng và đầy dẫy đời sống chúng ta.

Vấn đề đầu tiên có liên quan đến Đức-Thánh-Linh mà tôi muốn trình bày sáng hôm nay với quý Hội thánh là việc cần phải biết phân biệt được sự khác nhau giữa việc được Đức-Thánh-Linh cảm động và được Ngài ở cùng. Rất nhiều Cơ-đốc-nhân tưởng rằng được Đức-Thánh-Linh cảm động và được Ngài ở cùng đều mang chung một ý nghĩa và con dân Chúa cũng tưởng rằng hễ người nào đã có Đức-Thánh-Linh thì Ngài sẽ ở với người ấy luôn cho đến khi qua đời. Nhưng suy nghĩ như vậy là chưa chính xác với lời của Chúa trong Kinh thánh.

Chúng ta cần phải biết rằng sự cảm động của Đức-Thánh-Linh trên đời sống của một người chỉ là tạm thời và trong một giai đoạn nào đó mà thôi, còn việc được Đức-Thánh-Linh ở cùng thì lâu dài hơn, có thể là suốt đời sống của người ấy. Dầu vậy thì Kinh thánh vẫn có cho biết là ngay cả trong trường hợp được Đức-Thánh-Linh ở cùng thì Ngài vẫn có thể từ bỏ người đó nếu người đó không tiếp tục cố gắng sống đẹp lòng Ngài. Tất cả những điều mà tôi vừa đề cập đến đều đã có ghi lại trong Kinh thánh và tôi sẽ xin lần lượt trình bày với quý Hội thánh một cách chi tiết hơn trong những lần tới.

Về việc được Đức-Thánh-Linh cảm động tạm thời hoặc ngắn hạn thì chúng ta có thể lấy trường hợp của Sau-lơ để làm thí dụ. Trong thời gian Sau-lơ còn trẻ thì ông đã từng được Đức-Thánh-Linh cảm động để nói tiên tri chung với những tiên tri khác thời bấy giờ, như lời Kinh thánh đã có chép trong

1SA-MU-ÊN 10: 10 – Khi Sau-lơ đến Ghi-bê-a, có một đoàn tiên tri đến đón người. Thần của Đức Giê-hô-va cảm động người, người nói tiên tri giữa chúng.

Nhưng sự Sau-lơ được Đức-Thánh-Linh cảm động như vậy chỉ là giai đoạn mà thôi, chớ không lâu dài suốt cả cuộc đời của ông và ông cũng không được Chúa kêu gọi vào trong chức vụ tiên tri. Mặc dầu sau đó ông còn được Đức-Thánh-Linh cảm động thêm hai lần nữa, một là khi nổi giận với sự tàn bạo của dân Am-môn, và lần khác là khi ông đi tìm bắt Đa-vít, nhưng cả hai lần ấy thì sự cảm động của Đức-Thánh-Linh cũng chỉ ngắn hạn và tạm thời mà thôi, như lời Kinh thánh có cho biết trong

1SA-MU-ÊN 11: 6 – Vừa nghe tin nầy, Sau-lơ được Thần của Đức Chúa Trời cảm động, và cơn giận người nổi phừng phừng.

1SA-MU-ÊN 19: 23 – Vậy, người đi đến Na-giốt trong Ra-ma; Thần của Đức Chúa Trời cảm động đến phiên người, người cứ đi dọc đường nói tiên tri cho đến khi tới Na-giốt trong Ra-ma.

Vì sự cảm động của Đức-Thánh-Linh chỉ tạm thời trong đời sống của Sau-lơ mà thôi và vì tánh tình của ông thay đổi khi lên làm vua nên sau nầy thì Kinh thánh đã cho biết thêm là Sau-lơ bị ác thần nhập vào và trở nên một người hung tợn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến Sau-lơ đã nhiều lần tìm cách giết Đa-vít, như lời Kinh thánh có chép trong

1SA-MU-ÊN 18: 10-11 – Ngày mai, ác thần bởi Đức Chúa Trời khiến nhập vào Sau-lơ; người có cơn sốt hoảng trong đền mình, thì Đa-vít gảy đờn như những ngày khác. Sau-lơ cầm một cây giáo nơi tay, bèn phóng Đa-vít, mà rằng: Ta sẽ đóng đinh nó nơi vách. Nhưng Đa-vít tránh hai lần khỏi mũi giáo.

Khi lời Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Sau-lơ thì điều đó có nghĩa là Ngài cho phép sự việc ấy xãy ra, như điều mà tôi đã có lần thưa trình với quý Hội thánh rằng Đức Chúa Trời tể trị mọi điều trong vũ trụ nầy một cách hoàn toàn và không có điều nào xãy ra mà không bởi ý muốn của Chúa hoặc không bởi sự cho phép của Ngài. Một lần khác thì tôi sẽ xin được trình bày về sự tể trị của Chúa một cách chi tiết hơn để quý Hội thánh có thể hiểu được lẽ thật của Kinh thánh về Chủ đề ấy.

Nhưng trở lại với Chủ đề của chúng ta ngày hôm nay thì quý Hội thánh cần phải để ý đến việc Sau-lơ cũng được Đức-Thánh-Linh cảm động để nói tiên tri mặc dầu ông đã từng bị ác thần nhập vào. Đó là lần ông nói tiên tri khi đi tìm bắt Đa-vít mà tôi đã có trưng dẫn trong 1Sa-mu-ên 19: 23. Tại đây thì chúng ta cần phải hiểu rằng Đức Chúa Trời có quyền để hành động trong mọi đời sống của con người, kể cả người đã tin và người chưa tin, nên mặc dầu Sau-lơ đã bị Chúa từ bỏ và từng bị ác thần nhập vào nhưng ông vẫn còn có thể được Đức-Thánh-Linh cảm động mà nói tiên tri. Nhưng lời tiên tri của ông thì không được ghi vào Kinh thánh vì chắc không có liên quan gì đến chương trình cứu rỗi nhân loại của Đấng Christ. Nhưng điều đó cũng giúp cho chúng ta thấy được sự khác biệt giữa việc được Đức-Thánh-Linh cảm động và việc Đức-Thánh-Linh ở cùng. Kinh thánh cho biết là Đức-Thánh-Linh chỉ ngự vào tấm lòng của những người biết vâng phục Đức Chúa Trời mà thôi, như lời Kinh thánh đã có chép trong

CÔNG VỤ 5: 32 – Còn chúng ta đây là kẻ làm chứng mọi việc đó, cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời Ngài vậy.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng yếu tố được Đức-Thánh-Linh ở cùng là biết vâng phục Đức Chúa Trời, nghĩa là biết sống theo sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh. Còn việc được Đức-Thánh-Linh cảm động thì có thể xãy ra đối với những người không có đời sống đẹp lòng Ngài hoặc ngay cả những người chưa tin. Như điều mà tôi đã trình bày khi nãy thì Đức Chúa Trời là Đấng Tể Trị vũ trụ hoàn toàn nên Ngài có quyền để dùng Đức-Thánh-Linh cảm động bất cứ người nào cần được sử dụng cho chương trình của Chúa trong trần gian, chẳng hạn như trường hợp Đức-Thánh-Linh đã cảm động lòng vua Si-ru để vua cho phép và giúp đỡ việc xây sửa lại vách thành Giê-ru-sa-lem và Đền thờ của Chúa tại đó, như lời Kinh thánh có chép trong

E-XƠ-RA 1: 1-2 – Năm thứ nhất đời Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ trị vì, Đức Giê-hô-va muốn làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra, nên Ngài cảm động lòng Si-ru, vua Phe-rơ-sơ tuyên truyền trong khắp nước mình, và cũng ra sắc chỉ rằng: Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa.

Qua lời Kinh thánh trong 2 câu gốc nầy và nếu chúng ta đọc thêm về lịch sử cổ đại thì sẽ thấy rằng vua Si-ru không phải là người thuộc tuyển dân Y-sơ-ra-ên và cũng không phải là người thật sự thờ phượng Chúa, nhưng ông vẫn được Đức-Thánh-Linh cảm động để thực hiện chương trình mà Đức Chúa Trời đã định cho dân Y-sơ-ra-ên và thành Giê-ru-sa-lem.

Ngoài ta thì Kinh thánh cũng cho biết thêm là Đức-Thánh-Linh còn cảm động tấm lòng của dân ngoại để họ có thể đầu phục và tin nhận Chúa để trở thành Cơ-đốc-nhân trong Hội thánh của Ngài trên đất, như lời Kinh thánh đã có tường thuật trong

CÔNG VỤ 2: 37-38 – Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

Sự cảm động mà dân thành Giê-ru-sa-lem cùng với người ngoại bang nhận được sau khi nghe bài giảng của Phi-e-rơ không phải là sự cảm động bình thường của tình cảm con người, mà là sự cảm động của Đức-Thánh-Linh, vì Kinh thánh cho biết rằng ngay sau đó thì có khoảng 3,000 người đã tin nhận Chúa, như đã có chép trong phần Kinh thánh sau đó

CÔNG VỤ 2: 41 – Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong này ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.

Nhưng có một điểm đặc biệt mà chúng ta cần phải để ý, đó là lời Kinh thánh trong Công vụ 2: 38 mà tôi đã vừa trưng dẫn khi nãy cho biết rằng sau khi những người ấy hối cải và nhân danh Đức Chúa Jêsus để chịu phép báp-têm và được tha thứ tội lỗi, thì họ sẽ nhận được sự ban cho của Đức-Thánh-Linh, có nghĩa là được Ngài ngự vào trong đời sống họ. Điều nầy khác với sự được Đức-Thánh-Linh cảm động mà tôi đã có trình bày qua khi nãy như trong trường hợp của Sau-lơ. Nhưng cũng vì câu gốc trong Công vụ 2: 38 mà nhiều người cứ tưởng rằng sau khi tin nhận Chúa thì tất cả các Cơ-đốc-nhân đều có Đức-Thánh-Linh. Tại đây thì tôi không có ý muốn bình phẩm rằng người nào có Đức-Thánh-Linh ở cùng hoặc người nào không có Đức-Thánh-Linh, mà tôi chỉ muốn trình bày những yếu tố quan trọng mà Kinh thánh đã cho biết trong việc được Đức-Thánh-Linh ngự vào đời sống mình để Cơ-đốc-nhân có thể tránh khỏi tâm lý ỷ y trong phương diện thuộc linh mà thôi. Vì nếu chúng ta biết dùng lời của Chúa để kiểm nghiệm chính đời sống mình thì sẽ nhờ đó mà tỉnh thức và sửa soạn sẳn sàng cho ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm một cách đúng đắn hơn hết theo như sự hướng dẫn của Kinh thánh. Còn nếu không tỉnh thức và cứ ỷ y rằng mình đã có Đức-Thánh-Linh rồi mà lại không dựa vào lời Kinh thánh để biết cho thật chắc chắn về điều đó thì sau nầy Cơ-đốc-nhân có thể sẽ phải hối tiếc đời đời, không phương cứu chữa.

Trở lại với câu gốc trong Công vụ 2: 38 thì chúng ta có thể thấy được rằng 3 yếu tố quan trọng mà lời của Chúa đã cho biết để một người có thể nhận được sự ban cho của Đức-Thánh-Linh, tức là được Đức-Thánh-Linh ngự cùng, ấy là phải hối cải, phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm và phải được tha thứ tội lỗi mà người ấy đã phạm trong quá khứ. Khi cả 3 yếu tố nầy được thỏa mãn đầy đủ thì sự ban cho của Đức-Thánh-Linh mới thật sự xãy ra trong đời sống người ấy, bằng không thì Ngài sẽ không ngự vào tấm lòng của người không thật lòng hối cải ăn năn hoặc không ngự vào tấm lòng của người chưa được tha thứ tội lỗi.

Khi nói đến đây thì nếu quý Hội thánh đã có nghe qua bài giảng mà tôi đã trình bày trước đây với Chủ để Ba Yếu Tố Để Được Cứu Rỗi thì quý Hội thánh sẽ có thể nhớ lại rằng chỉ khi nào một người thật lòng tin nhận Chúa thì người đó mới được tha thứ tội lỗi trong quá khứ một cách nhưng không mà thôi. Bởi vì sự cầu nguyện tin nhận Chúa có hai phương diện và 2 phương diện ấy phải đi song song với nhau, đó là hình thức quỳ gối cầu nguyện tuyên xưng đức tin ở bên ngoài và tấm lòng thật sự tin nhận Chúa ở bên trong. Như điều mà tôi đã từng trình bày qua trong Bài giảng Ba Yếu Tố Để Được Cứu Rỗi thì trong thực tế có một số người cầu nguyện tin Chúa chỉ vì những lý do thuộc thể mà thôi, chẳng hạn như muốn được chấp nhận cho làm lễ cưới trong nhà thờ, hoặc vì bị bạn bè thôi thúc quá nên lên cầu nguyện tin Chúa cho xong, hoặc vì thấy niềm tin trong Chúa hay hay và có nhiều bạn bè tin Chúa nên họ cũng tin theo để cho cả nhóm bằng hữu được hòa đồng với nhau, hoặc cầu nguyện tin Chúa vì muốn giấy tờ định cư của mình được có Hội thánh bảo trợ, hoặc nhiều lý do khác nữa. Vì vậy việc tin nhận Chúa của một người chỉ với hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng thật sự ăn năn hối cải bên trong thì sự cầu nguyện tin Chúa như vậy vẫn không hội đủ yêu cầu để được Đức-Thánh-Linh ngự vào đời sống của người ấy.

Chúng ta nhớ lại rằng trong Hội thánh đầu tiên thì mặc dầu tất cả các Cơ-đốc-nhân đều cầu nguyện tin nhận Chúa, nhưng không phải tất cả mọi người đều thật lòng thay đổi và biết kính sợ Chúa. Chúng ta có thể dùng trường hợp của hai vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra như là một thí dụ điển hình cho sự cầu nguyện tin Chúa cách không thật lòng, vì sau đó mặc dầu họ đã là Cơ-đốc-nhân và là người trong Hội thánh, nhưng vẫn đồng mưu với nhau để lừa gạt các sứ đồ và nói dối với Đức-Thánh-Linh, như lời Kinh thánh đã có chép trong

CÔNG VỤ 5: 3 – Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia, sao quỉ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó?

Bởi lẽ ấy chúng ta không thể nghĩ rằng tất cả mọi người đã cầu nguyện tin nhận Chúa đều nhận được sự ban cho của Đức-Thánh-Linh, nghĩa là được Ngài ngự cùng trong tấm lòng của mình. Như tôi đã đề cập đến khi nãy thì 3 yếu tố quan trọng để một người có thể được Đức-Thánh-Linh ngự cùng là thật lòng hối cải, thật lòng tin nhận Chúa và nhân danh Đức Chúa Jêsus mà chịu phép báp-têm và thật sự được tha thứ tội lỗi trong quá khứ. Khi dùng ba yếu tố ấy để xét lại lòng mình thì Cơ-đốc-nhân sẽ biết được rõ ràng rằng đức tin của mình đang ở mức độ nào và nhờ đó mà tỉnh thức để có thể tìm kiếm cho bằng được sự hiện diện của Ngài hầu cho bởi sự giúp đỡ của Đức-Thánh-Linh mà con cái Chúa có thể trau dồi, tăng cường đức tin của chính mình hơn nữa để được trưởng thành trong đời thuộc linh trước ngày Đức Chúa Jêsus Christ trở lại.

Vì vậy trong Chủ đề của sáng hôm nay là Làm Sao Nhận Biết Đức Thánh Linh đang có trong đời sống mình thì chúng ta trước hết sẽ cùng nhau suy gẫm qua về sự hối cải, vì theo như lời của Chúa trong Công vụ 2: 38 thì hối cải là yếu tố đầu tiên cần phải có trước khi được Đức-Thánh-Linh ngự vào trong đời sống của một người. Nếu Cơ-đốc-nhân tra cứu Kinh thánh cách cẩn thận thì sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời đã dạy dỗ rất chi tiết về sự hối cải, hay còn gọi là ăn năn, để con dân Chúa có thể phân biệt được đâu là sự hối cải thật lòng và đâu là sự hối cải bề ngoài mà thôi. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tri và Ngài nhìn thấy được mọi tư tưởng hoặc suy nghĩ trong tấm lòng của con người nên chỉ có sự hối cải thật mới có thể giúp cho một người nhận được sự tha thứ của Chúa cho những tội lỗi mà mình đã phạm trong quá khứ. Một điều đáng đề cập đến ở đây là có một số người chỉ thực hiện sự hối cải bề ngoài mà thôi khi cầu nguyện tin nhận Chúa nhưng sau đó thì tiếp tục sống như những ngày chưa tin mà lại nghĩ rằng mình đã được tha tội rồi và được Đức-Thánh-Linh ở cùng. Suy nghĩ chủ quan như vậy là điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải tránh vì chúng ta đều biết rằng không một ai trong vòng loài người có thể che dấu hoặc qua mặt được Đức Chúa Trời về con người thật bề trong của mình. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân cần phải thật sự hối cải thì mới có thể nhận được sự tha tội theo như lời hứa của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh.

Nhưng một trong những nan đề lớn cần phải giải quyết trước khi thật sự có lòng hối cải là việc Cơ-đốc-nhân nghe lời của Chúa trong thời kỳ sau rốt. Theo thực tế cho thấy thì có rất ít Cơ-đốc-nhân muốn nghe về tội lỗi nhưng lại chỉ muốn nghe những lời êm tai, vui vẻ, hợp sở thích của cá nhân mình mà thôi. Đã có nhiều người tuyên bố rằng cuộc đời nầy đã có quá nhiều khó khăn đau khổ rồi nên khi đến thờ phượng Chúa thì chỉ muốn nghe điều gì đó vui vui để có thể sảng khoái vui cười được một chút rồi trở về tiếp tục đối diện với những nan đề trong cuộc sống. Cũng có những người khác thì cho biết rằng chỉ muốn nghe những lời khích lệ mà thôi, chẳng hạn như những loại phước mà Cơ-đốc-nhân có thể nhận được để nhờ đó mà giữ vững được tinh thần khi theo Chúa. Đây là tình trạng đáng quan tâm trong vòng Cơ-đốc-nhân, vì lời của Chúa đã báo trước về điều đó từ hàng ngàn năm trước, như có chép trong

2TI-MÔ-THÊ 4: 3-4 – Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.

Nhưng ngược lại thì cũng có những trường hợp mà khi người ta nghe về tội lỗi thì lại là những điều cấm kỵ tựa như chuyện mê tín dị đoan chớ không hề có căn bản nào trong lời Kinh thánh. Điều đó cũng đã được lời của Chúa báo trước và có cho ghi lại trong

1TI-MÔ-THÊ 4: 1-3 – Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối và đạo lý của quỉ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì. Họ sẽ cấm cưới gả và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy.

Chính bởi lẽ đó mà có rất ít Cơ-đốc-nhân muốn nghe về lẽ thật và tội lỗi. Nhưng lời của Chúa thì lại phán dạy rằng việc nghe theo và hiểu biết về lẽ thật là ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài khi chúng ta còn sống trong trần gian nầy, tức là tôi con của Chúa cần phải giảng về lẽ thật và cần nghe về lẽ thật hầu cho có thể bày tỏ tấm lòng vâng phục theo ý muốn của Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh đã có chép trong

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Theo như lời của Chúa cho biết thì lẽ thật và luật pháp là một, vì dạy cho người ta biết phân biệt giữa điều thiện lành và điều gian ác, để cho con dân Chúa biết điều nào cần phải làm và điều nào cần phải tránh, và nhờ đó mà được kể là có đời sống vâng phục theo tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời đòi hỏi, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong

Ê-XÊ-CHI-ÊN 18: 27 – Nếu kẻ dữ xây bỏ sự dữ mình đã phạm, nếu nó làm theo luật pháp và hiệp với lẽ thật, thì nó sẽ cứu linh hồn mình cho được sống.

Chính vì luật pháp và lẽ thật là một, nên khi nghe về lẽ thật thì Cơ-đốc-nhân có thể cảm thấy khó chịu, thậm chí buồn rầu vì tội lỗi kín dấu trong đời sống mình bị lời của Chúa chỉ ra. Sự khó chịu như vậy là nguyên nhân làm cho nhiều người không thích nghe lẽ thật mà chỉ muốn nghe chuyện vui cười khi đến thờ phượng Chúa mà thôi. Nhưng sự vui cười không làm cho người nghe thật lòng ăn năn, mà chỉ có sự buồn rầu vì được nhắc nhở bởi Lẽ thật của Chúa mới khiến cho người nghe sanh lòng hối cải thật sự và nhờ đó mà có thể thay đổi, để được tha tội, để được tái sanh và được nên thánh mà nhận được sự sống đời đời trong tương lai, như lời tâm tình yêu thương của Phao-lô đã được Đức-Thánh-Linh soi dẫn để viết ra trong

2CÔ-RINH-TÔ 7: 9-10 – Nay tôi lại mừng, không phải mừng về sự anh em đã phải buồn rầu, song mừng về sự buồn rầu làm cho anh em sanh lòng hối cải. Thật, anh em đã buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, đến nỗi chưa chịu thiệt hại bởi chúng tôi chút nào. Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết.

Thế thì theo như lời của Chúa trong những câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể hiểu rằng Đức Chúa Trời muốn tôi con Ngài vừa giảng vừa nghe theo lẽ thật, và dẫu lẽ thật có làm cho Cơ-đốc-nhân buồn rầu thì sự buồn rầu như vậy là theo ý muốn của Chúa. Điều đó có nghĩa rằng chỉ khi nào một người được nhắc nhở bằng lẽ thật và luật pháp trong Kinh thánh thì mới có thể biết rõ về những tội lỗi mà mình đã phạm trong quá khứ và những tội lỗi hiện nay đang còn tồn tại trong đời sống mình, và chỉ khi nào người đó thật sự buồn rầu ăn năn về những tội lỗi ấy thì lúc bấy giờ mới có sự hối cải thật mà thôi. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời vừa là Đấng Yêu Thương mà cũng là Đấng Công Bình nữa cho nên chỉ khi nào một người thật lòng đau buồn trong sự hối cải thì người ấy mới được Đức Chúa Trời tha thứ mà thôi. Thật lòng hối cải và được tha thứ là hai yếu tố cần phải có và khi được cộng chung với sự thật lòng nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ để làm lễ báp-têm thì người ấy sẽ nhận được sự ban cho của Đức-Thánh-Linh, có nghĩa là được Ngài đến và ngự vào trong tấm lòng mình.

Nhưng đó chỉ mới là sự khởi đầu để nhận biết sự hiện diện của Đức-Thánh-Linh đang ngự trong đời sống của cá nhân mà thôi. Trong những dịp tới thì tôi sẽ trình bày thêm về những nguyên tắc khác để chúng ta có thể nhận biết sự có mặt của Ngài và cách mà Đức-Thánh-Linh hành động trong đời sống của Cơ-đốc-nhân.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng tiếp tục cảm động Cơ-đốc-nhân để chịu nghe Lẽ thật của Ngài trong Kinh thánh một cách chăm chú hầu cho có thể thấu hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời nhiều hơn nữa. Cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ và thêm sức mới cho những người thật lòng hối cải khi được Lẽ thật của Chúa nhắc nhở về những tội lỗi kín dấu trong đời sống mình. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tỏ bày càng hơn nữa trong lời của Ngài để con dân Chúa có thể nhận biết chắc chắn sự hiện diện của Đức-Thánh-Linh trong chính đời sống mình luôn luôn cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm và tiếp tục được Ngài ở cùng suốt cả cõi đời đời. Amen.

CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:

1SA-MU-ÊN 10: 10 – Khi Sau-lơ đến Ghi-bê-a, có một đoàn tiên tri đến đón người. Thần của Đức Giê-hô-va cảm động người, người nói tiên tri giữa chúng.

1SA-MU-ÊN 11: 6 – Vừa nghe tin nầy, Sau-lơ được Thần của Đức Chúa Trời cảm động, và cơn giận người nổi phừng phừng.

1SA-MU-ÊN 18: 10-11 – Ngày mai, ác thần bởi Đức Chúa Trời khiến nhập vào Sau-lơ; người có cơn sốt hoảng trong đền mình, thì Đa-vít gảy đờn như những ngày khác. Sau-lơ cầm một cây giáo nơi tay, bèn phóng Đa-vít, mà rằng: Ta sẽ đóng đinh nó nơi vách. Nhưng Đa-vít tránh hai lần khỏi mũi giáo.

1SA-MU-ÊN 19: 23 – Vậy, người đi đến Na-giốt trong Ra-ma; Thần của Đức Chúa Trời cảm động đến phiên người, người cứ đi dọc đường nói tiên tri cho đến khi tới Na-giốt trong Ra-ma.

E-XƠ-RA 1: 1-2 – Năm thứ nhất đời Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ trị vì, Đức Giê-hô-va muốn làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra, nên Ngài cảm động lòng Si-ru, vua Phe-rơ-sơ tuyên truyền trong khắp nước mình, và cũng ra sắc chỉ rằng: Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa.

NÊ-HÊ-MI 9: 20 – Chúa cũng ban cho chúng Thần linh lương thiện của Chúa, để dạy dỗ cho chúng, không từ chối cho miệng chúng ăn ma-na, và ban cho chúng nước đặng uống khát.

CHÂM NGÔN 8: 22 – Trong buổi Đức Giê-hô-va khởi cuộc tạo hóa, về thời thái cổ, trước khi chưa dựng nên muôn vật thì Ngài đã có ta.

GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

CÔNG VỤ 2: 37-38 – Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

CÔNG VỤ 2: 41 – Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.

CÔNG VỤ 5: 32 – Còn chúng ta đây là kẻ làm chứng mọi việc đó, cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời Ngài vậy.

1TI-MÔ-THÊ 4: 1-3 – Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì, họ sẽ cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy.

2TI-MÔ-THÊ 4: 3-4 – Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.

GIA-CƠ 1: 6 – Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.

KHẢI HUYỀN 2: 29 – Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *