THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Ma-thi-ơ 7: 1

CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ ĐOÁN XÉT 1

MA-THI-Ơ 7: 1 – Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét.

– Đây là mạng lệnh Đức Chúa Jêsus truyền phán cho Cơ-đốc-nhân cần phải làm.
– Nhưng con dân Chúa cần phải phân biệt được sự khác nhau giữa việc đoán xét người khác và việc nhận định đúng sai trong mọi phương diện của đời sống để cảnh tỉnh chính mình và giúp đỡ người khác tìm đến với Chúa.
– Sự đoán xét là có hình phạt cặp theo. Còn sự nhận định là để giúp người khác có yếu tố để lựa chọn.
– Ngay cả khi Cơ-đốc-nhân không đoán xét ai thì vẫn bị loài người đoán xét vì cớ niềm tin của chúng ta nơi Chúa. Chính vì vậy mà Cơ-đốc-nhân mới bị sự bắt bớ từ ban đầu cho đến ngày nay.
– Khi vâng phục mạng lệnh đừng đoán xét mà Chúa đã phán truyền thì Cơ-đốc-nhân vẫn phải thực tập làm sự đoán xét để sau nầy có thể đồng trị với Chúa trên thế gian trong 1,000 năm bình yên.

Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều nhận biết rằng con dân Chúa đã được dạy dỗ rằng chớ có đoán xét ai để chính mình khỏi bị đoán xét. Đó là lời phán dạy của Đức Chúa Jêsus mà đã được ghi lại trong (Ma-thi-ơ 7: 1, Lu-ca 6: 37).

Khi một điều nào đã được Chúa truyền phán và trở thành mạng lệnh thì con dân Chúa nhất định phải tuân thủ để làm theo. Nhưng vấn đề mà chúng ta cần nên chú ý đến là đã có nhiều người lầm lẫn về mạng lệnh nầy vì không phân biệt được sự khác nhau giữa việc đoán xét và việc nhận định điều đúng sai. Chẳng những thế thôi mà nhiều người lại đã áp dụng câu gốc nầy một cách hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Sự mâu thuẫn mà tôi muốn đề cập đến ở đây là việc không muốn người khác làm công việc đoán xét, nhưng chính cá nhân những người không muốn người ta làm như vậy lại là người lên án người khác là kẻ đoán xét. Để cho dễ hiểu thì tôi xin được thí dụ như thế nầy: Chẳng hạn như anh A nói rằng anh B là người sai lầm, thì anh C lại lên án anh A là sai vì đã đoán xét người khác. Như vậy thì khi anh C không muốn anh A đoán xét anh B thì chính anh C lại là người lên án anh A rằng làm như vậy là sai. Như vậy thì theo ý chúng ta thì giữa anh A và anh C thì ai đúng ai sai? Có thể là trong vòng quý Hội thánh sẽ có người không dám bày tỏ ý kiến vì sợ rằng đến lượt mình sẽ bị lên án là đang đoán xét anh A hoặc anh C. Rốt lại thì sẽ không còn có ai dám nói đến việc đúng sai nữa và sẽ cho rằng tất cả mọi người đều đúng hầu cho cá nhân mình không bị mang tiếng là kẻ đoán xét người khác. Chính vì vậy Cơ-đốc-nhân rất ít khi dám nói về tội lỗi hoặc sai lầm của người khác, vì sợ trái ngược với lời dạy của Chúa, hoặc cũng sợ người khác chê bai mình là người kiêu ngạo, thiếu tình yêu thương, nhất là bị người khác lên án rằng mình là kẻ nhìn thấy cái rác trong mắt anh em mà không thấy cây đà trong mắt mình, như lời phán của Chúa có chép trong (Ma-thi-ơ 7: 3).

Theo như trong thực tế cho thấy thì đã có những trường hợp mà một người khi nghe người khác nói về điều lầm lỗi mà họ đã phạm, thì đã không biết sửa sai mà còn chất vấn ngược lại về tư cách của người kia trong cố gắng biện minh rằng không có ai xứng đáng đoán xét họ, hoặc ít nữa cũng còn nhiều người phạm tội giống như mình. Bởi những trường hợp và cách hành xử như vậy, hoặc vì quan điểm sai lầm đối với mạng lệnh đừng đoán xét ai của Ðức Chúa Jêsus mà Cơ-đốc-nhân cứ nín lặng về tội lỗi, về những thiếu sót, sai phạm, đến nỗi lâu dần trở những người nín lặng trở thành những người gián tiếp dung túng cho đủ mọi lầm lỗi trong đời sống của Cơ-đốc-nhân. Tình trạng nầy dần dần dẫn đến sự sa sút trong đời sống đạo, sự thiếu mẫu mực trong đời sống thường ngày và làm cho Hội thánh của Chúa mất dần ảnh hưởng đạo đức trong xã hội. Trái lại, thì cũng có những người rất thích lên án, chỉ trích người khác bằng cách trưng dẫn Kinh thánh theo ý riêng của cá nhân. Cả hai thái cực nầy đều không xứng hiệp với những điều mà Ðức Chúa Trời đã cho ghi lại trong lời của Ngài về vấn đề đoán xét. Nếu chúng ta đọc kỹ Kinh thánh và nghiên cứu một cách cẩn thận thì sẽ thấy lời Chúa phán dạy hoàn toàn khác hẳn với quan điểm từng có bấy lâu nay.

Sự lầm lẫn và bối rối về vấn đề đừng đoán xét ai đã tồn tại rất lâu trong vòng con dân Chúa và được đề cập đến một cách thường xuyên mỗi một lần ai đó không thích người khác nói ngược lại quan điểm của mình. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân vẫn thường bị người khác chụp mũ là kẻ đoán xét nếu dám nhận xét về cái sai, cái dở của người khác. Ngược lại thì chính những người lên án người khác là kẻ đoán xét thì lại là người đoán xét người ta một cách thoải mái. Tình trạng chụp mũ qua lại như thế đã xãy ra trong vòng Cơ-đốc-nhân không biết là bao nhiêu lần và cho đến ngày hôm nay thì nhiều người không bao giờ dám đã động gì đến chuyện đúng sai nữa, nhất là những vấn đề liên quan đến tội lỗi.

Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta phải hiểu rằng con dân của Chúa đã được giao cho những trách nhiệm trọng đại trong đời sống nầy để thay mặt Chúa mà rao báo cho thế gian về chương trình của Ngài. Chúng ta đều biết rằng trách nhiệm lớn nhất mà Đức Chúa Jêsus đã giao phó cho các sứ đồ, môn đồ và cho Cơ-đốc-nhân là rao giảng Tin lành cho người chưa tin. Như trong phần thứ 2 của Chủ đề là KHI NÀO ĐỨC CHÚA JÊSUS TRỞ LẠI thì khi giới thiệu với người khác về niềm tin trong Chúa thì chúng ta phải nói đến tội lỗi trong đời sống của người chưa tin. Bởi đề cập đến điều ấy thì khi họ đến với Chúa mới có sự ăn năn thật lòng. Còn nếu con dân Chúa không nói về tội lỗi trong đời sống họ thì dầu sau đó họ có cầu nguyện tin Chúa thì điều ấy cũng như là một hình thức gia nhập vào một tôn giáo mới mà thôi. Chúng ta đều biết nguyên tắc của Chúa là nếu không thật lòng ăn năn thì không có sự tha thứ. Thế thì nếu người ta không thấy rằng họ có tội thì làm sao có lòng ăn năn thật để nhận được ân điển tha thứ nhưng không của Chúa? Nếu không thật lòng ăn năn thì sau khi cầu nguyện tin Chúa rồi thì người ta vẫn bị kể là kẻ có tội ở trong mắt Chúa. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân hiểu sai về ý nghĩa của mạng lệnh đừng đoán xét người khác thì làm sao con dân Chúa dám nói về tội lỗi của người ta.

Ngoài ra thì Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng cần phải đế ý một vấn đề khác có liên quan đến sự cần phải hiểu biết rõ ràng về mạng lệnh đừng đoán xét ai. Khi chúng ta đọc về cuộc đời chức vụ của Đức Chúa Jêsus Christ ở trên đất tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết rằng phương pháp chính yếu mà ma quỉ đã dùng để cám dỗ Đức Chúa Jêsus là dùng các câu Kinh thánh một cách sai lầm. Nếu nó đã dám dùng Kinh thánh để cám dỗ Đức Chúa Jêsus thì nó cũng sẽ không ngần ngại gì để dùng cùng một cách như vậy để cám dỗ hoặc lừa dối Cơ-đốc-nhân. Đối với mạng lệnh đừng đoán xét ai thì ma quỉ đã dùng câu gốc ấy như một loại vũ khí đắc lực trong việc bịt miệng con dân Chúa để không ai dám nói về tội lỗi hoặc dám chỉ ra điều đúng điều sai, vì sợ là bị mang tiếng là kẻ đoán xét người khác. Bằng cách nham hiểm như vậy thì nó đã có thể làm cho Hội thánh trở thành nơi dung túng tội lỗi và làm cho Cơ-đốc-nhân trở thành những người ba phải, cái gì cũng đúng và không có cái gì sai, hay nói cách khác theo như lời Kinh thánh thì nó đã làm cho Cơ-đốc-nhân trở thành những kẻ hâm hẩm, không nóng không lạnh, không có một chuẩn mực sống đạo nào chính xác cả và xem tất cả mọi điều đều tốt như nhau.

Chính bởi lẽ đó mà khi Đức Chúa Jêsus phán dạy rằng Cơ-đốc-nhân đừng để cho ai lừa dối mình thì lời của Chúa cũng nhấn mạnh đến việc cần phải hiểu biết lẽ thật, như đã được ghi lại trong (1Ti-mô-thê 2: 4).

Vì khi con dân Chúa đã nắm vững các lẽ thật trong Kinh thánh thì ma quỉ không thể nào dùng các câu gốc một cách sai trật để lừa dối chúng ta, vì lẽ thật là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho con dân Chúa có thể đắc thắng ma quỉ trong phương diện thuôc linh, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong (Ê-phê-sô 6: 14).

Chính vì tầnm quan trọng trong việc thông hiểu lẽ thật để có thể thắng hơn mưu kế của ma quỉ mà sứ đồ Phao-lô đã xem việc giải bày lẽ thật cho con cái Chúa là một trong hai trách nhiệm quan trọng nhất của cức vụ ông, như lời đã được chép trong (1Ti-mô-thê 2: 7).

Vì vậy chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm qua một số các câu Kinh thánh có dạy dỗ về sự đoán xét để nhờ lời của Chúa mà có thể phân biệt được sự khác nhau giữa việc đoán xét và việc nhận định sự vật hoặc con người trong đời sống nầy. Trước tiên thì chúng ta cùng nhau suy gẫm đến định nghĩa của sự đoán xét. Theo lời của Chúa thì sự đoán xét là việc quyết định phần thưởng hoặc hình phạt cho người khác, hoặc nói một cách chi tiết hơn thì sự đoán xét có nghĩa là hành động chỉ ra sự đúng sai nơi người khác và được cặp theo bởi sự dự phần một cách trực tiếp để giải quyết cái sai đó, chẳng hạn như câu Kinh thánh trong (Xuất Ê-díp-tô ký 12: 2).

Câu Kinh thánh trên cho biết là khi Ðức Giê-hô-va thi hành sự đoán xét các thần của xứ Ai-cập thì Ngài sẽ trừng phạt họ bằng việc hành hại tất cả các con đầu lòng trong cả nước, bất luận là người hay súc vật. Nguyên tắc nầy về sự đoán xét cũng được bày tỏ qua một số các câu Kinh thánh khác, chẳng hạn như các câu sau:

Theo như lời Chúa cho biết thì khi đoán xét bao giờ cũng có sự trừng phạt cặp theo hoặc có một hành động trực tiếp can dự vào để giải quyết sự sai trái đó, và như câu Kinh thánh trong 1Các Vua 8: 32 thì có cả sự ban thưởng nữa. Chúng ta cần ghi nhớ về định nghĩa nầy để có thể tìm hiểu thêm về sự đoán xét một cách chi tiết hơn hầu nhờ đó có thể trừ bỏ được những hoang mang, hoài nghi, hoặc những quan điểm sai lầm về mạng lệnh đừng đoán xét ai mà Chúa đã dạy.

Như vậy với định nghĩa về sự đoán xét thì chúng ta đã có thể thấy được sự khác biệt giữa việc đoán xét và sự nhận định. Chúng ta có thể hiểu như thế nầy: Sự nhận định là bày tỏ quan điểm của mình về một sự vật hoặc một người nào đó, hoặc bằng sự suy nghĩ, hoặc bằng hành động, hoặc bằng lời nói nhưng không hề can dự vào một cách trực tiếp để sửa đổi điều mà mình thấy là sai lầm.

Tôi xin đưa ra một thí thế dụ nầy để giúp quý Hội thánh có thể thấy được sự khác nhau giữa việc đoán xét và sự nhận định là như thế nào. Thí dụ như có một người đi ăn phở ở một tiệm kia. Sau khi ăn xong thì anh trở về nhà và khi chuyện trò với bằng hữu thì cho biết là phở ở tiệm đó không được ngon lắm. Đó là sự nhận định của anh. Người ta không thể chụp mũ anh và cho rằng anh đang đoán xét tiệm phở đó, bởi vì sau khi biết là phở ăn không ngon thì anh không có đi xuống bếp để chỉ người ta phải nấu nồi phở như thế nào. Anh chỉ nhận xét về phẩm chất của tô phở mà thôi, còn người chủ tiệm thì vẫn có quyền nấu phở theo cách mà người đó cho là đúng. Ngoài ra thì anh cũng không bảo các bạn đừng ăn phở tại tiệm đó. Việc họ nghe lời nhận định của anh mà có hành động tùy theo nhận định đó hay không vẫn là quyền tự do của những người bạn. Biết đâu quan điểm của họ về một tô phở ngon khác với quan điểm của anh thì sao? Chúng ta biết là mỗi người thì đều có những khẩu vị khác nhau, nên việc chọn món ăn vẫn là quyền tự do của mỗi người, nhưng không phải vì thế mà anh anh A không được quyền nhận định về sự ngon dở của tô phở, vì đó cũng là quyền tự do của anh nữa, mà chúng ta gọi là sự tự do ngôn luận hoặc sự tự do trong quan điểm.

Khi đã hiểu được sự khác nhau giữa việc đoán xét và sự nhận định thì chúng ta có thể đọc đến những câu Kinh thánh khác để thấy lời của Chúa đã dạy dỗ rõ ràng về cả hai điều đó, chẳng hạn như lời Kinh thánh đã được ghi trong (Thi thiên 138: 6).

Mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng Đoán Xét con người nhưng không phải lúc nào Ngài cũng thực hiện sự đoán xét đối với kẻ có tội. Như trong câu Kinh thánh nầy cho biết thì có lúc Đức Chúa Trời chỉ nhận biết, hay nhận xét về tội lỗi trong đời sống một người nhưng Ngài vẫn cho họ có cơ hội để ăn năn, vì vậy mà Ngài không đoán xét hoặc trừng phạt ngay, như lời Kinh thánh có chép trong (Truyền đạo 8: 11).

Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời cho con người được tự do chọn lựa điều mình muốn làm dẫu rằng Ngài biết là cả thế gian đều phạm tội. Sự đoán xét của Chúa chỉ xãy ra theo như ngày giờ mà chương trình của Ngài đã định sẳn mà thôi, chớ không phải xãy ra luôn, như lời Kinh thánh đã có chép trong (Truyền đạo 11: 9).

Như vậy thì đến đây quý Hội thánh đã có thể thấy được sự khác nhau giữa việc đoán xét và sự nhận định. Như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy thì việc nhận định về một sự vật hoặc một người nào đó là quyền tự do mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người. Không ai có thể đoạt lấy quyền tự do của cá nhân về việc nhận định mọi điều trong đời sống nầy. Con người vẫn thường thực hiện quyền tự do đó mỗi một ngày tại gia đình, tại công sở trường học, giữa xã hội trước mặt người khác một cách rất bình thường tự nhiên. Nhưng trong Hội thánh thì nếu không hiểu rõ được sự khác nhau giữa quyền được nhận định và sự đoán xét thì sẽ dễ lắm làm cho Cơ-đốc-nhân trở thành những người dung túng cho tội lỗi hoặc đồng lõa với những kẻ phạm tội vì sự im lặng của mình do sợ người khác chụp mũ mình là kẻ đoán xét người khác nếu mình dám lên tiếng.

Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân nên cẩn thận khi sử dụng quyền tự do nhận đinh của mình, để không làm như người thế gian là cứ phê bình theo quan điểm của cá nhân. Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời thì đã có những mẫu mực trong Kinh thánh để làm căn bản cho quan điểm và những nhận định của chúng ta. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ Cơ-đốc-nhân một nguyên tắc quan trọng trong việc nhận định những sự việc trong cuộc đời nầy, nhất là nhận định về những người mà mình có liên hệ trong cuộc sống. Nguyên tắc quan trọng đó đã được ghi lại trong (Ma-thi-ơ 12: 33, Lu-ca 6: 44).

Qua hai câu Kinh thánh nầy thí chúng ta có thể thấy rằng sự đoán xét và sự nhận định là hai điều khác nhau, vì nếu chúng giống nhau thì sau khi đã dạy dỗ con dân Ngài đừng đoán xét ai thì chắc Đức Chúa Jêsus đã không ban cho chúng ta nguyên tắc nầy. Nhưng khi Chúa đã dạy dỗ cho chúng ta nguyên tắc để dùng trong sự nhận biết người khác như thế nào thì điều đó có nghĩa là Chúa cho phép con dân Ngài được nhận định về người khác hầu nhờ đó có thể được cảnh giác mà không bị ai lừa dối trong đời sống nầy. Bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân nhận định về bất cứ một điều gì hay một người nào, thì đó là vì chúng ta chỉ đang sữ dụng quyền tự do mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người mà thôi, và tốt hơn hết là Cơ-đốc-nhân nên dùng các nguyên tắc trong Kinh thánh để nhận định chớ đừng dùng quan điểm riêng của mình.

Theo như luật pháp và nguyên tắc của Chúa đã có ghi trong Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân có quyền nhận định nhưng không có quyền can dự vào công việc hoặc đời sống của người khác nếu không được mời. Những người tự cho mình là có quyền can dự vào công việc hoặc đời sống của người khác bị Kinh thánh kể là những kẻ phạm luật pháp, vì lời của Chúa đã có phán dạy về điều đó, như có chép trong (Rô-ma 14: 4).

Tôi thấy cần phải đề cập đến những điểm nầy vì dẫu biết rằng khi chúng ta đã phân biệt được sự khác nhau giữa việc đoán xét và sự nhận định thì cũng có thể có một vài người sa vào tình trạng cực đoan, nghĩa là lạm dụng quyền tự do nhận định của mình hoặc cứ im lặng ngay cả đối với những điều cần phải nói. Ấy là vì trong thực tế đã có những trường hợp mà người ta nhận định một cách không ngay thẳng hoặc lợi dụng phương tiện truyền thông để tuyên truyền những điều dối trá về người nầy hoặc ngườì kia, chẳng hạn như trong phương diện chính trị. Cơ-đốc-nhân phải cố gắng tránh sự lạm quyền quyền tự do nhận định cách như vậy, vì điều đó là thiếu ngay thẳng, bị kể là một tội trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng trái lại, khi Cơ-đốc-nhân cứ im lặng về điều đáng phải nói, chẳng hạn như việc cảnh giác người khác để họ được thức tỉnh thì đó cũng bị kể là một tội khác nữa, như lời của Chúa đã có ghi lại trong (Gia-cơ 4: 17).

Nguyên tắc cần phải cảnh giác người khác về những sai lầm, tội lỗi và sự nguy hiểm trong phương diện thuộc linh đã được Đức Chúa Trời phán dạy rõ ràng trong (Ê-xê-chi-ên 33: 1-6).

Các câu Kinh thánh nầy rất là quan trọng đối với Cơ-đốc-nhân, nhất là có liên quan đến quyền tự do nhận định của con dân Chúa. Như tất cả chúng ta có thể nhớ lại thì Đức Chúa Jêsus đã cho biết là Cơ-đốc-nhân được chọn lựa giữa muôn triệu người trong trần gian nầy để làm muối của đất, để làm ánh sáng cho thế gian, để rao bảo cho thế gian về tội lỗi, về những sự sai lầm trong đời người và về ân điển tha thứ của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. Điều đó không chỉ liên quan đến việc chúng ta truyền giảng chứng đạo cho người chưa tin, mà còn liên quan đến việc bày tỏ nhận định của mình về những lầm lỗi khác trong vòng con dân Chúa theo như tiêu chuẩn trong Kinh thánh. Chúng ta làm điều đó như là một lời rao báo, một nhận định chớ không phải là đoán xét kẻ khác, bởi vì chúng ta không can dự trực tiếp vào công việc của họ. Việc những người sai lầm có nghe hay không, có sửa đổi hay không vẫn là quyền tự do của họ. Mỗi người sẽ phải nhận lấy phần thưởng hoặc hậu quả của những quyết định của chính cá nhân mình trong đời sống nầy. Nhưng chúng ta nhận định sự sai lầm một cách tỏ tưòng thì sẽ cứu mình khỏi máu của người khác.

Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã cho biết là sự sáng của chúng ta phải soi ra trước mặt thiên hạ, thì sự nhận định đúng sai phải được bày tỏ rõ ràng cho nhiều người được biết, giống như việc phải rao giảng ra trên mái nhà theo như sự dạy dỗ của Chúa.

Lời Chúa phán cho chúng ta trong nơi tối tăm kín dấu là hình bóng của việc được Chúa soi dẫn về những lẽ thật của Ngài trong Kinh thánh và chúng ta phải bày tỏ những điều đó ra với sự nhận định của mình theo các mẫu mực đã có ghi lại trong lời của Chúa. Nhưng tôi thấy cũng cần nên đề cập thêm một chút về việc nghe lời những nhận định dầu là bên trong Hội thánh hoặc ngoài xã hội. Vì chúng ta đã biết rằng mọi người đều có quyền nhận định và bày tỏ quan điểm cá nhân nên chúng ta cũng có quyền lắng nghe hay không những nhận định đó. Như điều mà tôi đã có trình bày qua trong phần thứ 2 của Bài giảng với Chủ đề TẠI SAO CUỘC ĐỜI ĐẦY ĐAU KHỔ thì quý Hội thánh đã biết rằng một trong những lý do khiến cho người ta đau khổ trong đời sống nầy là nghe những lời đàm tiếu vô lý về mình. Luật công bằng của Chúa là người ta có quyền nói mà mình cũng có quyền không nghe. Không ai có quyền bắt người khác phải nghe điều mình nói. Chính Đức Chúa Trời cũng không bắt buộc con người phải lắng nghe lời của Ngài, nhưng vì Đức Chúa Trời là Đấng sẽ đoán xét cả nhân loại nên khi một người không chịu nghe lời thẳng thắn và lẽ thật của Kinh thánh thì người đó sẽ phải lãnh lấy hậu quả của việc không nghe của mình, như lời của Đức Chúa Jêsus đã có ghi lại trong (Giăng 12: 48).

Để tóm tắt lại thì chúng ta đã có thể thấy được sự khác biệt giữa sự đoán xét người khác và việc bày tỏ nhận định của cá nhân là như thế nào và điều nầy sẽ giúp cho chúng ta được bình an trong tấm lòng để sống những ngày trong trần gian khi biết điều cần phải làm và điều cần nên tránh.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời ban phước càng hơn cho chúng ta trong việc suy gẫm và tìm hiểu lời của Chúa một cách cẩn thận để làm theo. Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta biết nói điều cần phải nói và biết nghe những điều cần phải nghe để đời đời sống tâm linh của con dân Chúa được trưởng thành lên mãi. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục thêm sức cho con dân Ngài trong cố gắng sống đúng đắn theo các tiêu chuẩn và mẫu mực của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh. Amen.

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 12: 12 – Đêm đó ta sẽ đi qua xứ Ê-díp-tô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Ê-díp-tô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Ê-díp-tô; ta là Đức Giê-hô-va.

PHỤC TRUYỀN 32: 41 – Khi ta mài lưỡi sáng của gươm ta, và tay ta cầm sự đoán xét, thì ta sẽ báo thù kẻ cừu địch ta, cùng đối trả những kẻ nào ghét ta.

1CÁC VUA 8: 32 – Xin Chúa ở trên trời hãy nghe, đối đãi và xét đoán tôi tớ Chúa, mà lên án cho kẻ dữ, khiến đường lối nó đổ lại trên đầu nó, và xưng công bình cho người công bình, và thưởng người tùy theo sự công bình của người.

THI THIÊN 138: 6 – Dầu Đức Giê-hô-va cao cả, thì cũng đoái đến những người hèn hạ; Còn kẻ kiêu ngạo, Ngài nhận biết từ xa.

TRUYỀN ĐẠO 8: 11 – Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác.

TRUYỀN ĐẠO 11: 9 – Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét.

Ê-XÊ-CHI-ÊN 33: 1-6 – Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hỡi con người, hãy nói cùng con cái dân ngươi mà rằng: Khi ta sai gươm đến trên một đất nào, và dân đất ấy chọn một người trong chúng nó để đặt làm kẻ canh giữ, nếu người nầy thấy gươm đến trong đất, thì thổi kèn để rao bảo dân sự. Bấy giờ, hễ ai nghe tiếng kèn mà không chịu răn bảo, và nếu gươm đến bắt lấy nó, thì máu của người ấy sẽ đổ lại trên đầu nó; vì nó có nghe tiếng kèn mà không chịu răn bảo, vậy máu nó sẽ đổ lại trên nó; nhưng nếu nó chịu răn bảo thì cứu được mạng sống mình. Nhưng nếu kẻ canh giữ thấy gươm đến mà không thổi kèn, đến nỗi dân sự chẳng được răn bảo, và gươm đến mà cất sự sống của người nầy hoặc người kia đi, thì người đó sẽ chết trong sự gian ác mình; song ta sẽ đòi lại máu nó nơi người canh giữ.

MA-THI-Ơ 7: 1 – Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét.

MA-THI-Ơ 7: 3 – Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?

MA-THI-Ơ 7: 16 – Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê?

MA-THI-Ơ 12: 33 – Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.

LU-CA 6: 37 – Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình.

LU-CA 6: 43-44 – Cây sanh trái xấu không phải là cây tốt, cây sanh trái tốt không phải là cây xấu; Vì hễ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả nơi bụi gai, hay là hái trái nho nơi chòm kinh cước.

GIĂNG 12: 48 – Người nào bỏ ta ra và không nhận lãnh lời ta, đã có kẻ xét đoán rồi; lời ta đã rao giảng, chính lời đó sẽ xét đoán họ nơi ngày sau cùng.

RÔ-MA 14: 4 – Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó;–song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng.

Ê-PHÊ-SÔ 6: 14 – Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình.

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

1TI-MÔ-THÊ 2: 7 – Vì lời chứng ấy, ta đã được cử làm thầy giảng, làm sứ đồ và giáo sư cho dân ngoại, để dạy họ về đức tin và về lẽ thật.

GIA-CƠ 4: 17 – Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *