THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Lê-vi ký 7: 12

CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CẢM TẠ

LÊ-VI KÝ 7: 12 – Nếu ai dâng của lễ đó đặng cảm tạ, thì phải dâng chung với của lễ thù ân những bánh nhỏ không pha men, chế dầu, bánh tráng không pha men thoa dầu, bột lọc trộn làm bánh nhỏ chế dầu.

– Có nhiều dạng của lễ để dâng cho Đức Chúa Trời, chẳng hạn như của lễ chuộc tội, của lễ lạc hiến, của lễ thù ân hoặc của lễ cảm tạ.
– Của lễ dâng cho Chúa phải đúng với ý muốn của Ngài thì Chúa mới đẹp lòng và vui nhậm, và bởi đó mà người dâng mới được ban thưởng hoặc tiếp tục được Ngài ban phước cho.
– Vì Đức Chúa Trời là Đấng Khôn Ngoan và Thánh Khiết nên con dân của Chúa phải làm đúng theo điều Ngài đã chỉ định, ngay cả trong việc dâng của lễ cũng vậy. Nếu con dân Chúa dâng của lễ theo ý riêng hoặc theo xu hướng của thế gian thì không những không làm vừa lòng Chúa mà còn bị Ngài trách phạt nữa.
– Mỗi một điều mà Chúa đã qui định trong các của lễ dâng cho Ngài đều mang ý nghĩa thuộc linh nhằm dạy dỗ cho con dân Chúa biết điều cần phải làm trong đức tin đang khi còn sống giữa thế gian.

Sự cảm tạ là một trong những điều thiết yếu nhất đối với Cơ-đốc-nhân. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và hứa ban cho chúng ta sự sống đời đời mai sau trong Thiên đàng vinh hiển của Ngài. Sự cảm tạ phải là điều mà con dân Chúa thực hiện thường xuyên, không phải chỉ trong những ngày thánh còn sống giữa trần gian, nhưng chúng ta cũng sẽ tiếp tục cảm tạ Chúa suốt cả cõi đời đời (Thi thiên 30: 12).

Không những sự cảm tạ của con dân Chúa là cần thiết để tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với tình yêu của Cha Thiên Thượng, mà Đức Chúa Trời cũng đẹp lòng về điều ấy nữa vì sự cảm tạ là cách thức loài người tôn cao sự vinh hiển tuyệt đối của Chúa. Vì sự quan trọng của việc cảm tạ là như vậy cho nên Kinh thánh đã có ghi lại rất nhiều sự dạy dỗ của Chúa về tất cả các khía cạnh của sự cảm tạ để Cơ-đốc-nhân có thể thực hiện một cách đúng đắn. Vì vậy sáng hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ về một trong những sự dạy dỗ ấy.

Một trong những mạng lệnh đầu tiên mà Chúa đã có truyền phán cho dân Y-sơ-ra-ên về sự cảm tạ là những lễ nghi trong việc dâng của lễ thù ân cho Chúa (Lê-vi ký 7: 12-13).

Đây là nghi thức cảm tạ mà dân Y-sơ-ra-ên đã thực hiện ngày xưa nhưng ngày hôm nay thì Cơ-đốc-nhân không cần phải làm điều ấy. Như điều mà tôi đã có thưa trình trước đây với quý Hội thánh thì tất cả những lễ nghi thờ phượng mà Đức Chúa Trời đã truyền phán cho dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa đều có ý nghĩa hình bóng về những điều sẽ xãy ra trong tương lai hoặc là được dùng làm hình bóng để dạy dỗ Cơ-đốc-nhân về phương diện thuộc linh (Hê-bơ-rơ 10: 1).

Một trong những thí dụ điển hình về luật pháp làm hình bóng cho cõi tương lai là luật về ngày sa-bát (Cô-lô-se 2: 16-17). Bởi lẽ đó mà khi Đức Chúa Trời truyền phán cho dân Y-sơ-ra-ên về việc dâng của lễ thù ân thì điều đó cũng được dùng làm hình bóng để dạy dỗ Cơ-đốc-nhân về sự cảm tạ cách thế nào để được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Có một số người trong thế gian vì không hiểu Kinh thánh nên đã chỉ trích niềm tin trong Đức Chúa Jêsus một cách sai lầm rằng luật pháp của Kinh thánh rườm rà quá nên Cơ-đốc-giáo ngày hôm nay đã bỏ bớt để có thể thích ứng với hoàn cảnh xã hội. Nhưng không phải chỉ có người ngoại tưởng lầm như vậy mà ngay cả một số người Do-thái theo Chính thống giáo cũng chê trách Cơ-đốc-nhân là chỉ chú trọng đến Tân ước mà thôi chớ không chịu làm theo mọi điều trong luật pháp của Môi-se. Thậm chí ngay cả một số Cơ-đốc-nhân trong các hệ phái Tin lành cũng tưởng lầm rằng Đức Chúa Trời thấy các luật pháp mà Ngài đã truyền phán ngày xưa rườm ra quá cho nên đến thời kỳ ân điển thì Ngài cho phép Cơ-đốc-nhân bỏ bớt. Những người có quan điểm như vậy đã dùng điều đó để biện minh lối sống phóng túng vì cho rằng Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển không còn bị ràng buột dưới luật pháp nữa. Tất cả các quan điểm và lý lẽ như vậy đều sai lầm cả.

Tất cả chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Khôn Ngoan và là Đấng Không Bao Giờ Thay Đổi, vì vậy khi Chúa truyền phán luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên thì Ngài đã có chủ ý là muốn dùng điều đó để dạy dỗ hậu thế về cách thế nào để cảm tạ Chúa cho được đẹp lòng Ngài. Bởi lẽ đó khi lời của Chúa căn dặn một cách chi tiết về những điều cần phải làm trong của lễ thù ân thì tất cả những điều đó đều mang ý nghĩa hình bóng cho tương lai. Ấy cũng là lý do mà chính Đức Chúa Jêsus đã tuyên bố rằng một trong những lý do chính yếu mà Ngài đã phải giáng thế là làm cho luật pháp của Đức Chúa Trời được trở nên trọn vẹn, đầy đủ hơn (Ma-thi-ơ 5: 17).

Sự làm trọn luật pháp của Đức Chúa Jêsus là dạy cho mọi người biết rằng từ lúc bấy giờ trở về sau thì Đức Chúa Trời sẽ định một người có tội hay không là bởi tư tưởng ở bên trong, chớ không còn là căn cứ vào hành động bên ngoài giống như cách mà luật pháp đã được áp dụng trong thời kỳ Cựu ước nữa, như lời của Đức Chúa Jêsus đã phán về tội giết người, tội tà dâm và tội ly dị (Ma-thi-ơ 5: 21-22, 27-28, 31-32).

Qua các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta đã có thể thấy rằng luật pháp và mẫu mực của Chúa dành cho Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển còn khó gấp mấy lần hơn so với luật pháp dành cho người Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ Cựu ước nữa. Đó là lý do vì sao mà tất cả các quan điểm cho rằng luật pháp của thời kỳ Môi-se là rườm rà hoặc cho rằng Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển không còn bị ràng buột bởi luật pháp nữa đều là sai lầm cả. Bởi vì người ta không đọc Kinh thánh hoặc có đọc mà không hiểu nên mới có những quan điểm sai lầm như vậy.

Trở lại với các nghi thức trong việc dâng của lễ thù ân thì chúng ta thấy rằng loại của lễ ấy là dành cho sự cảm tạ Chúa và vì vậy mà mang các ý nghĩa có liên quan đến sự cảm tạ Chúa của Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay. Trước hết thì chúng ta có thể để ý rằng lời của Chúa có truyền phán là các bánh nhỏ trong của lễ thù ân thì không được phép có men nhưng phải chế dầu. Đây là hình bóng cho biết rằng khi cảm tạ Chúa thì Cơ-đốc-nhân không nên dùng các hình thức giống như người thế gian, nhưng phải được Đức-Thánh-Linh cảm động và thực hiện bởi quyền năng Ngài. Theo như sự giải bày của Kinh thánh thì chữ bánh hay chữ bột là chữ được dùng để nói về đời sống của con dân Chúa (Ma-thi-ơ 13: 3).

Chính vì bột và bánh là sản phẩm được làm ra bởi lúa mì, nên trong một thí dụ khác thì Đức Chúa Jêsus đã gọi lúa mì là con cái Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 13: 26, 38).

Khi Đức Chúa Jêsus giáng thế làm người thì chính Chúa cũng đã tuyên bố rằng Ngài là bánh từ trời, tức là ma-ma thiên thượng mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại, cũng giống như ma-na thuộc thể mà Ngài đã từng ban cho dân Y-sơ-ra-ên (Giăng 6: 51).

Vì vậy mà khi Cơ-đốc-nhân dâng sự cảm tạ lên cho Đức Chúa Trời thì không được dùng men của thế gian, tức là không nên dùng những hình thức giống như người đời để mà cảm tạ Chúa. Vì theo sự giải bày của Kinh thánh thì chữ men mang hai ý nghĩa khác nhau, một là sự cảm động của Đức-Thánh-Linh, tức là men tốt, và hai là sự giả hình hoặc hình thức của người thế gian, tức là men cũ hoặc men xấu (Lu-ca 12: 1, 1Cô-rinh-tô 5: 8).

Khi Kinh thánh dùng chữ men cũ thì tức là cũng có men mới. Men cũ là quan điểm của con người hoặc hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng bên trong, giống như sự giả hình của người Pha-ri-si. Còn men mới là sự cảm động của Đức-Thánh-Linh, như lời của Đức Chúa Jêsus đã phán trong Ma-thi-ơ 13: 3. Chính vì lẽ đó mà trong Lê-vi ký 7: 12-13 thì Đức Chúa Trời đã phán dặn rằng các bánh nhỏ thì không pha men nhưng những bánh khác, có nghĩa là loại bánh lớn hơn thì phải có men (Lê-vi ký 7: 12-13).

Hễ có chữ bánh nhỏ thì những loại bánh còn lại phải là bánh lớn và chúng ta có thể hiểu rằng đó là điều mà Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ Cơ-đốc-nhân về sự hát đơn ca và hợp ca của con dân Chúa khi dâng tiếng hát của mình làm của lễ cảm tạ Đức Chúa Trời. Khi nói đến đây thì có thể có vài anh chị em trong vòng quý Hội thánh sẽ thắc mắc rằng làm sao biết được các bánh khác là bánh lớn thì tôi xin thưa rằng đó là nhờ vào nguyên tắc công bằng của Chúa. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình nên trong sự sáng tạo của Ngài cũng như trong ngôn từ mà Kinh thánh đã xử dụng đều bày tỏ sự quân bình của Chúa, tức là có sự đối chiếu lẫn nhau. Chẳng hạn khi Chúa tạo dựng nên mặt trời, mặt trăng, núi cao biển sâu, trời và đất, nóng và lạnh, mặn và ngọt, có người nam và người nữ, thì khi Chúa dùng chữ bánh nhỏ thì chắc rằng những bánh còn lại phải là bánh lớn.

Khi liên hệ đến thực tế thì chúng ta có thể thấy được điều nầy, rằng khi hát hợp ca thì người hướng dẫn chương trình có thể giới thiệu rằng sau đây ca đoàn sẽ ngợi khen Chúa bài thánh ca số mấy, nhưng khi giới thiệu một anh chị em nào đó lên hát đơn ca thì có nhiều người lại giới thiệu rằng sau đây cô A hay anh B sẽ gởi đến Hội thánh một bài hát với tựa đề như thế như thế. Giới thiệu như vậy thì chẳng khác gì cách mà các MC người ngoại thường giới thiệu với khán thính giả về một ca sĩ trong các buổi trình diễn của họ. Chúng ta cần phải nhớ rằng việc ca hát trong Hội thánh là để ngợi khen Đức Chúa Trời chớ không phải là một buổi biểu diễn văn nghệ và những Cơ-đốc-nhân ngồi trên các hàng băng ghế không phải là khán thính giả trong một chương trình ca nhạc. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất nhận lấy sự cảm tạ của chúng ta và các anh chị em khác phải hòa lòng với người đang ngợi khen Chúa để cùng dâng sự cảm tạ cho Ngài, chớ không phải ngồi đó mà thưởng thức và rồi vỗ tay như bài hát đó là biểu diễn để cho mình xem. Rất nhiều Hội thánh đã không ý thức được điều nầy, thậm chí có nơi, sau khi một người hát xong thì ở phía dưới vỗ tay rần rộ và hú hú lên để tán thưởng cứ như là trong một buổi trình diễn vân nghệ của người thế gian.

Chính vì muốn con cái Chúa có thể dâng sự cảm tạ lên cho Ngài một cách đúng đắn để Chúa được đẹp lòng và được Ngài ban thưởng cho nên Đức Chúa Trời đã dạy dỗ một cách chi tiết về việc dâng của lễ thù ân. Sự sâu nhiệm trong lời của Chúa là con dân Ngài phải chịu khó suy gẫm và cậy nhờ sự giúp đỡ của Đức-Thánh-Linh mà đào bới sâu xa vào trong lời của Chúa, chớ không phải chỉ đọc sơ qua và chỉ hiểu ý nghĩa theo bề mặt của chữ không mà thôi. Những nghi thức thờ phượng Chúa đúng đắn từ hình thức bên ngoài cho đến tấm lòng bên trong phải là những điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải tìm tòi học hỏi, chớ không phải chỉ đến nhà thờ để nghe giảng về những chuyện vui cười, tiếu lâm rồi ra về. Chính vì vẫn còn tính trạng ấy nên Cơ-đốc-nhân thường sa vào những thái cực trái ngược nhau mà không chú ý đến trọng tâm của sự cảm tạ Chúa.

Chúng ta cần phải liên hệ đến một vài trường hợp khác nữa để thấy việc có men và không men trong các loại bánh dâng cho Đức Chúa Trời trong của lễ thù ân là như thế nào. Lời của Chúa cho biết là các bánh nhỏ dâng lên thì không được có men, tức là phải tránh hình thức của người thế gian khi cảm tạ Chúa, nhưng Cơ-đốc-nhân thì nhiều khi làm trái lại điều đó. Chẳng hạn như đối với người thế gian thì người ta chỉ muốn nghe những ca sĩ hát hay mà thôi, thì Cơ-đốc-nhân cũng làm theo xu hướng đó, có nghĩa là nghĩ rằng nếu mình hát không hay thì không bao giờ muốn lên ngợi khen Chúa vì sợ bị người khác cười, nhưng không hề nghĩ rằng mình hát ngợi khen Chúa là bổn phận cần phải làm. Cơ-đốc-nhân cần phải nhận biết rằng mai sau khi đã được vào Thiên đàng rồi thì chúng ta sẽ cùng với các thiên sứ ngợi khen Chúa suốt cả cõi đời. Tại đó không có một người nào ngồi nghe để vỗ tay thưởng thức cả. Chỉ có một mình Đức Chúa Trời là Đấng nhận sự ngợi khen mà thôi và tất cả các con cái của Chúa, tức là cả thiên sứ và Cơ-đốc-nhân đều được cảm động để hát ngợi khen Ngài (Khải huyền 19: 4-6).

Khi đã nhận biết như vậy thì ngay khi còn trên đất nầy Cơ-đốc-nhân phải cố gắng tập hát để có thể ngợi khen Chúa. Đó là việc làm đời đời của chúng ta. Nhiều người nghĩ rằng mình không có khả năng hát, nhưng Phao-lô đã cho biết là tài năng của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời (1Cô-rinh-tô 3: 5).

Khi lời của Chúa cho biết rằng tài năng của Cơ-đốc-nhân đến từ Đức Chúa Trời, bao gồm cả khả năng ca hát, thì chẳng lẽ chúng ta nghĩ rằng vì cớ tuổi tác hoặc hoặc vì bất cứ một lý do nào khác mà Đức-Thánh-Linh không thể giúp cho mình hát tốt hơn được mỗi một ngày hay sao? Nếu nghĩ như vậy thì đức tin của chúng ta ở đâu? Chính Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ làm cho đá có thể hát được, thế thì tại sao Cơ-đốc-nhân lại hồ nghi rằng Chúa không thể làm được điều đó cho mình (Lu-ca 19: 37-40)?

Qua các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được rõ ràng rằng nếu con dân Chúa không chịu hát ngợi khen Ngài thì Chúa vẫn có thể khiến đá cất tiếng lên mà hát. Thế thì Cơ-đốc-nhân muốn được phần thưởng từ nơi Chúa khi biết cảm tạ Ngài hay là muốn nhường phần thưởng đó lại cho đá? Chúng ta hát ngợi khen Chúa vì kính yêu Ngài, vì biết ơn Ngài, vì cớ đã hưởng được sự tha thứ của Chúa. Chúng ta hát là vì Chúa chớ không phải vì người ta, cho nên không cần phải để ý là người khác bình phẩm về lời hát của chúng ta như thế nào. Chúng ta đừng làm như người thế gian để nghĩ rằng chỉ những người hát hay mới nên hát mà thôi, còn những người khác thì ngồi nghe. Vì vậy mà Hội thánh nên hát hợp ca nhiều hơn để tất cả con dân Chúa có thể cùng hát với nhau, người nầy nương người kia mà cùng hát ngợi khen Chúa.

Nhưng vì Đức Chúa Trời muốn chúng ta tìm kiếm sự công bằng của Ngài, nên khi nói đến việc không dám ngợi khen Chúa thì chúng ta cũng phải đề cập đến trường hợp của những người lợi dụng sự cảm tạ Chúa để khoe mình. Thực tế cho thấy thì có một số người thường dùng sự ca hát để đánh bóng cá nhân họ và mỗi một khi lên hát thì thường hành xử như là một ca sĩ trình diễn trước quần chúng chớ không có thái độ cung kính của việc dâng của lễ cảm tạ lên cho Đức Chúa Trời. Ngay cả trong trang phục của họ cũng không bày tỏ được sự gương mẫu của một đời sống thánh khiết trước mặt con người nữa, chớ đừng nói là trước mặt Đức Chúa Trời. Thay vì dùng sự ca hát để cảm tạ Chúa và làm chứng về niềm tin trong Đấng Christ cho người chưa tin thì họ lại dùng sự cảm tạ như một tấm bình phong để phô diễn cá nhân và du nhập mọi hình thức của thế gian vào trong Hội thánh của Đức Chúa Trời, từ cung cách, lời nói, đầu tóc cho đến trang phục. Vậy mà nhiều khi các Cơ-đốc-nhân ngồi phía dưới còn vỗ tay tán thưởng nữa, làm cho đền thờ trang nghiêm của Đức Chúa Trời, là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc, trở thành tụ điểm ca nhạc của thế gian.

Ngoài ra cũng còn những trường hợp khác là cứ lấy danh nghĩa rằng mình có tấm lòng mà lên hát ngợi khen Chúa không cần phải thông báo trước, không tập dợt và không chuẩn bị gì cả, nhất là những khi thấy Hội thánh có khách mới đến tham dự. Thái độ đó không phải là được Chúa cảm động, mà là vì sự khoe mình của cá nhân mà thôi. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Trật Tự và luôn luôn có sự chuẩn bị trước. Khi Ngài muốn tạo dựng nên con người thì Chúa đã tạo dựng mọi điều cần thiết trước, từ thiên nhiên cho đến cảnh vườn Ê-đen, rồi sau đó mới tạo dựng nên A-đam. Những người cha người mẹ cẩn thận thì cũng biết làm như vậy, là lo sắm nôi tả cho con trước khi sanh. Và khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên vũ trụ thì cũng đã chuẩn bị cho ngày cuối cùng của nó (Ê-sai 46: 10).

Đức Chúa Trời là Đấng biết chuẩn bị như vậy thì khi một người nói rằng mình được Chúa cảm động để lên hát mà lại không có sự chuẩn bị gì cả thì lời đó chưa phải là thật, vì sự cảm tạ Chúa cũng như tất cả mọi điều khác làm trong danh Ngài không phải là những điều làm trong sự bộc phát nhất thời, khi thì thế nầy, khi thì thế khác đâu (2Cô-rinh-tô 1: 19).

Chẳng những thế thôi, lời Chúa còn phán dạy rằng tất cả mọi điều mà Cơ-đốc-nhân làm hàng ngày thì phải hết lòng mà làm, huống chi là sự cảm tạ dâng lên cho Ngài (Cô-lô-se 3: 23).

Vì vậy mà sự cảm tạ Chúa phải có sự hết lòng, có sự sốt sắng để chuẩn bị, tập dợt, chớ không phải tùy theo ý thích riêng, lúc làm lúc không, đã vậy lại còn mượn Đức-Thánh-Linh để làm bình phong cho tư dục của cá nhân mình như một số người đã làm. Sự hát ngợi khen hết lòng theo sự dạy dỗ của Chúa (Ê-phê-sô 5: 19).

Bởi lẽ đó Cơ-đốc-nhân cần phải nên học biết về sự cảm tạ Chúa cách thế nào để được Ngài đẹp lòng và nhờ đó mà chúng ta mới được ban phước một cách dồi dào mỹ mãn trong những ngày còn sống giữa trần gian nầy.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục soi sáng cho con dân Ngài được hiểu biết càng hơn về những cách cảm tạ đẹp lòng Chúa để có thể thực hiện một cách đúng đắn trên đất nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng của những con dân Chúa hết lòng cảm tạ Ngài trong việc chuẩn bị và tập dợt là như thế nào để ban phước cho tùy theo nhu cầu của mỗi người. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục nhắc nhở cho con dân Chúa có được tấm lòng cung kính kỉnh kiền hết mực mỗi một khi đứng tôn vinh Chúa trong đền thánh của Ngài để dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời chí cao và làm gương tốt cho người thế gian cho đến khi Đức Chúa Jêsus Christ trở lại. A-men.

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

LÊ-VI KÝ 7: 12-13 – Nếu ai dâng của lễ đó đặng cảm tạ, thì phải dâng chung với của lễ thù ân những bánh nhỏ không pha men, chế dầu, bánh tráng không pha men thoa dầu, bột lọc trộn làm bánh nhỏ chế dầu; lại phải thêm bánh có pha men mà dâng với của lễ thù ân cảm tạ.

THI THIÊN 30: 12 – Hầu cho linh hồn tôi hát ngợi khen Chúa không nín lặng. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ cảm tạ Chúa đến đời đời.

Ê-SAI 46: 10 – Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.

MA-THI-Ơ 5: 17 – Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.

MA-THI-Ơ 5: 21-22 – Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca, thì đáng bị tòa công luận xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hành phạt.

MA-THI-Ơ 5: 27-28 – Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.

MA-THI-Ơ 5: 31-32 – Lại có nói rằng: Nếu người nào để vợ mình, thì hãy cho vợ cái tờ để. Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm; lại nếu người nào cưới đàn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.

MA-THI-Ơ 13: 26, 38 – Đến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra… Ruộng là thế gian; giống tốt, là con cái nước thiên đàng; cỏ lùng, là con cái quỉ dữ.

LU-CA 12: 1 – Khi ấy, dân chúng nhóm lại kể hàng ngàn người, đến nỗi giày đạp nhau, Đức Chúa Jêsus mới trước hết phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả hình.

GIĂNG 6: 51 – Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta.

1CÔ-RINH-TÔ 5: 8 – Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.

2CÔ-RINH-TÔ 1: 19 – Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jêsus Christ, mà chúng tôi, tức là tôi với Sin-vanh và Ti-mô-thê, đã giảng ra trong anh em, chẳng phải là vừa phải vừa chăng đâu; nhưng trong Ngài chỉ có phải mà thôi.

2CÔ-RINH-TÔ 3: 5 – Không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời.

CÔ-LÔ-SE 3: 23 – Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta.

HÊ-BƠ-RƠ 10: 1 – Vả, luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, không có hình thật của các vật, nên không bao giờ cậy tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy, mà khiến kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành được.

KHẢI HUYỀN 19: 4-6 – Hai mươi bốn trưởng lão cùng bốn con sanh vật bèn mọp xuống thờ lạy Đức Chúa Trời, là Đấng ngồi trên ngôi, mà rằng: A-men, Ha-lê-lu-gia! Lại có tiếng từ ngôi đến rằng: Hết thảy các ngươi là tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta, vẫn kính sợ Ngài, nhỏ hay lớn, đều hãy ngợi khen Ngài! Đoạn, tôi lại nghe có tiếng như một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: Ha-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *