ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ CHIẾN CỰ CHO

Tất cả các Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết về câu chuyện Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên vượt qua biển Đỏ và phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm, là rẽ nước biển ra hai bên để dân Y-sơ-ra-ên có thể đi qua trên đất khô. Nhưng sáng hôm nay thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về lời phán của Đức Chúa Trời khi Ngài hứa rằng Ngài sẽ chiến cự thay cho dân Y-sơ-ra-ên để họ không bị thiệt hại gì bởi đạo quân đông đúc của Pha-ra-ôn đang rượt đuổi theo phía sau. Trước đây thì tôi đã có thưa trình với quý Hội thánh rằng câu gốc nầy là một trong hai câu gốc nền tảng của đời sống tôi mà tôi rất thích từ những ngày còn là thanh niên, khi vừa mới trở lại với Chúa. Tôi ao ước được cùng với quý Hội thánh suy gẫm thêm một lần nữa câu gốc nầy vì thấy rằng trong thời điểm cuối năm, khi năm 2020 sắp sửa trôi qua và thế giới chuẩn bị đón một năm mới với đầy những viễn tượng sóng gió, xao động trong xã hội và trong chính trường, khi nhiều người hoang mang lo lắng vì không biết tương lai rồi đây sẽ ra sao, thì tôi thấy rằng chúng ta cần phải được khích lệ bởi lời hứa tuyệt diệu của Chúa trong Xuất Ê-díp-tô ký 14: 14 để tấm lòng chúng ta có thể trở lại với sự bình yên trước khi bước vào tuần lễ mừng Thiên Chúa giáng sinh.

Như tất cả chúng ta đều đã biết, rằng khi dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi xứ Ê-díp-tô thì họ dầu đông đảo nhưng chỉ là một đoàn dân ô hợp không vũ khí, không quen với trận mạc. Suốt hơn 400 năm tại Ai-cập thì họ chỉ biết làm việc vất vã để nuôi thân và sau đó thì trở thành nô lệ của các Pha-ra-ôn. Vì vậy mà khi họ biết rằng đạo quân đông đảo và thiện chiến của Ê-díp-tô đang rượt đuổi và theo gấp ở phía sau thì việc họ hoảng kinh là chuyện đương nhiên. Lịch sử cho biết là lúc bấy giờ thì Ai-cập là một trong những vương quốc hùng mạnh của thời cổ đại và quân đội Ai-cập đã từng mở rộng đế quốc của họ đến tận biên giới của Ca-na-an ở phía Đông và đất Ê-thi-ô-pi ở phía Nam. Vì vậy mà quân đội của họ rất thiện chiến vì đã từng thắng trận trong những lần chiến với các quốc gia trong khu vực. Nếu so sánh theo thực lực của cả hai bên thì dân Y-sơ-ra-ên không là một trở ngại gì hết đối với các chiến binh nhà nghề của Ê-díp-tô. Thêm vào đó thì Pha-ra-ôn đã định ý rằng sẽ tàn sát một phần dân Y-sơ-ra-ên để báo thù cho việc các con đầu lòng của họ đã bị Đức Giê-hô-va hành hại mà chết. Ý định đó của Pha-ra-ôn được đồn đến tai dân Y-sơ-ra-ên, vì vậy mà họ đã hoảng kinh và trách móc Môi-se rằng đã đem họ vào nơi đồng vắng để bị giết chết tại đó, như lời Kinh thánh đã tường thuật lại trong (Xuất Ê-díp-tô ký 14: 12).

Theo như lời của dân Y-sơ-ra-ên nói cùng với Môi-se thì rõ ràng là họ đang trở mặt với Đức Chúa Trời và với ông, vì Đức Chúa Trời đã thực hiện mười phép lạ để họ được giải thoát khỏi vòng nô lệ và khi Môi-se ra lệnh cho họ ra đi thì họ đã đi một cách tự nguyện. Không những vậy thôi, bởi phép lạ mà Chúa đã thực hiện thì dân Y-sơ-ra-ên đã được lợi khi họ xin những vàng bạc và đồ quý giá của dân Ê-díp-tô, đến nỗi gần như đã lột trần dân tộc đã từng áp bức họ, như lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong (Xuất Ê-díp-tô ký 12: 35-36).

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 12: 35-36 – Vả, dân Y-sơ-ra-ên có làm y theo lời Môi-se đã dặn, xin người Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống. Đức Giê-hô-va làm cho dân sự được ơn trước mắt người Ê-díp-tô, nên họ bằng lòng cho; và dân Y-sơ-ra-ên lột trần người Ê-díp-tô vậy.

Nhờ các phép lạ của Đức Chúa Trời và nhờ sự hy sinh của Môi-se mà dân Y-sơ-ra-ên được tự do và trở nên những người giàu có, nhưng nay khi nghe đạo binh thiện chiến và hung bạo của Pha-ra-ôn rượt đến gần thì họ quên hết và còn trở mặt để ta thán với Chúa và trách móc Môi-se. Đó là phản ứng thường thấy khi người ta bị sợ hãi, kinh hoảng. Ít có người thường dân nào có thể bình tĩnh được trước những binh sĩ hung ác với gươm giáo súng đạn cho nên nỗi sợ hãi của dân Y-sơ-ra-ên là điều dễ hiểu.

Trong cuộc đời của chúng ta thì những lần sợ hãi như vậy có thể là ít hơn người Y-sơ-ra-ên ngày xưa, vì họ từng là nô lệ mà chúng ta thì khi sinh ra đã là người tự do. Dầu vậy thì trong những năm tháng trước 75 thì có thể nhiều người trong chúng ta đã từng sợ hãi vì binh biến, vì những cuộc pháo kích vào khu dân cư và những lần đặt mìn xe đò chạy trên các tỉnh lộ. Lần pháo kích vào trường tiểu học tại Cai Lậy làm chết các học sinh là một trong những bằng chứng điển hình mà nhiều người trong chúng ta chắc chắn là còn nhớ. Ngay cả những năm ngay 75 thì cũng có thể là nhiều người trong chúng ta đã từng bị hăm dọa và áp bức đến nỗi sợ hãi. Nhưng câu gốc nền tảng sáng hôm nay có thể giúp cho chúng ta được khích lệ nhiều trong hoàn cảnh rối bời của xã hội ngày hôm nay, khi mà những kẻ gian ác và lừa đảo ngày càng táo tợn trong việc phạm tội của họ và trong mục tiêu muốn tiệt diệt niềm tin nơi Đức Chúa Jêsus.

Thông thường thì Cơ-đốc-nhân chúng ta không dám nói về những kẻ thù của mình trong đời nầy, vì sợ bị chụp mũ là thiếu tình yêu thương. Nhưng trong khi đó thì kẻ thù của chúng ta lại lợi dụng tín lý tình yêu thương của Cơ-đốc-giáo mà tấn công triệt để Hội thánh, áp bức giết hại Cơ-đốc-nhân mà không hề sợ bị phản kháng hoặc trả thù. Ngay cả trong vòng Cơ-đốc-nhân cũng nhiều khi trách móc nhau nếu có người dám nói bất cứ điều gì về sự trả đủa hoặc phản kháng lại kẻ thù nghịch của chúng ta trong đời nầy, cả trong cõi thuộc linh và thuộc thể. Những người làm ra vẽ đầy lòng yêu thương có thể chất vấn chúng ta rằng trong mùa Giáng Sinh mà dám nói đến chuyện chống đối trả đủa kẻ thù nghịch, hoặc là trưng dẫn lời của Đức Chúa Jêsus đã phán với Cơ-đốc-nhân về việc đừng chống trả kẻ thù nghịch, như lời của Ngài đã phán và đã có ghi lại trong (Ma-thi-ơ 5: 44).

Với câu Kinh thánh nầy thì Cơ-đốc-nhân có thể bị anh chị em cùng đức tin chụp mũ mình là người thiếu tình yêu thương hoặc là người xác thịt nếu chúng ta dám để cập đến việc trả đủa kẻ thù nghịch. Và ma quỉ và những kẻ thù nghịch chúng ta cũng dùng câu gốc nầy để bắt bớ con dân Chúa mà không hề sợ bị chống đối, chẳng hạn như việc người đạo Hồi đã gần như triệt tiêu Cơ-đốc-giáo tại các nước Trung Đông và như việc các chính trị gia cánh tả đang thực hiện ngay tại đất nước Hoa-kỳ. Vấn đề lầm lẫn của Cơ-đốc-nhân là không hiểu rõ chữ kẻ thù trong lời phán của Chúa. Có lẽ trong một dịp khác thì tôi sẽ trình bày hơi chi tiết hơn về vấn đề nầy với Hội thánh trong Chủ đề Cơ-đốc-nhân và Những Kẻ Thù Nghịch, nhưng sáng hôm nay thì tôi chỉ xin trình bày qua một chút mà thôi.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì chữ kẻ thù hoặc kẻ thù nghịch có nhiều ý tưởng lắm chớ không đơn giản như nhiều Cơ-đốc-nhân thường nghĩ. Chúng ta thấy rằng mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nhưng Ngài vẫn cho biết là Ngài vẫn có những kẻ thù nghịch mà chắc chắn là họ sẽ bị hình phạt trong tương lai, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong (Thi thiên 92: 11).

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy rằng Đấng Yêu Thương vẫn có kẻ thù nghịch và đó là những kẻ cứ làm điều ác trong mắt Đức Chúa Trời. Kẻ lớn hơn hết trong số họ là Sa-tan. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân cứ suy nghĩ một cách đơn giản theo bề mặt của chữ trong lời phán của Đức Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 5: 44 vừa mới được trưng dẫn thì chẳng lẽ Cơ-đốc-nhân ngày nay phải yêu thương ma quỉ và cầu nguyện cho Sa-tan? Hỏi như vậy là để giúp cho Cơ-đốc-nhân thấy rằng khi nghiên cứu và suy gẫm Kinh thánh thì phải so sánh với lời của Chúa chớ không phải đọc đến đâu rồi suy diễn đến đó theo tư tưởng của cá nhân và theo ý nghĩa bề mặt của chữ. Làm như vậy là tự giết chết đức tin của mình như lời của Chúa đã có cảnh cáo và đã được ghi lại trong (2Cô-rinh-tô 3: 6).

Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cho biết rõ ràng rằng nếu Cơ-đốc-nhân suy gẫm Kinh thánh chỉ theo ý nghĩa bề mặt của chữ không mà thôi thì đức tin lần hồi sẽ chết, còn khi nhờ cậy nơi Đức-Thánh-Linh là Thần Lẽ Thật để hiểu các chân lý trong Kinh thánh một cách sâu sa và đầy đủ thì Cơ-đốc-nhân sẽ có đức tin mạnh mẽ và một đời sống sung mãn đẹp lòng Chúa. Chữ giao ước trong câu nầy có ý nói về mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và con cái của Ngài, rằng nếu chúng ta vâng giữ điều răn và mẫu mực trong Kinh thánh thì Đức Chúa Trời sẽ là Chúa của chúng ta và chúng ta sẽ làm con cái Ngài, như lời khẳng định của Đức Chúa Jêsus đã có chép trong (Giăng 14: 23-24).

Cũng bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã cho biết rằng khi chúng ta là con cái Ngài thì kẻ thù nghịch với chúng ta cũng là kẻ thù nghịch của Ngài, theo như cách mà cha mẹ thương con vẫn thường làm, như lời của Chúa đã tuyên phán và đã được ghi lại trong (Xuất Ê-díp-tô ký 23: 22).

Vì vậy mà khi các anh hùng đức tin hết lòng vâng giữ điều răn của Chúa và hiểu rõ về ý nghĩa của chữ kẻ thù nghịch thì họ đã cầu nguyện với Chúa một cách dạn dĩ để xin Ngài trừng phạt kẻ thù của họ. Vì hiểu được Lẽ thật nên họ không hề ngần ngại mà cầu nguyện như vậy. Họ không sợ bị kẻ khác chụp mũ là thiếu tình yêu thương hoặc là người xác thịt. Một trong những anh hùng đức tin đó là Đa-vít. Các Thi thiên của ông đã cho thấy rằng ông cầu nguyện xin Đức Chúa Trời trừng phạt kẻ thù nghịch của ông một cách dạn dĩ và mạnh mẽ, chớ không e dè như một số Cơ-đốc-nhân ngày nay. Một trong những lời cầu nguyện mạnh mẽ cách như vậy của vua Đa-vít đã được ghi lại trong (Thi thiên 54: 5).

Các tôi tớ thánh của Chúa ngày xưa đều có những kẻ thù nghịch với họ, và ngay cả hai người tiên tri của Đức Chúa Trời trong thời kỳ sau rốt cũng có kẻ thù nghịch, thì chẳng lẽ Cơ-đốc-nhân ngày nay không hề có một người nào thù nghịch mình? Nhưng có một số người thì không bao giờ muốn đề cập đến các kẻ thù nghịch của Cơ-đốc-nhân để làm ra vẻ như là có tình yêu thương. Chúng ta đều biết rằng tình yêu thương là đức tính cần có trong đời sống của mỗi một Cơ-đốc-nhân, nhưng làm ra vẻ có tình yêu thương mà lại sai trật với lẽ thật trong Kinh thánh thì điều đó chỉ làm thiệt hại cho cá nhân mình và tổn thương đến danh tiếng của Hội thánh mà thôi. Kẻ thù nghịch cùng hai tiên tri của Chúa đã được đề cập đến trong (Khải huyền 11: 3-5).

Trong một lần khác thì tôi sẽ trình bày chi tiết hơn với quý Hội thánh về hai người làm chứng trong thời kỳ cuối cùng có ý nghĩa gì, nhưng sáng hôm nay thì tôi chỉ muốn đề cập một chút đến các kẻ thù nghịch của Cơ-đốc-nhân để chúng ta có thể học biết lời hứa của Chúa cho con cái Ngài trong Xuất Ê-díp-tô ký 14: 14. Tại đây thì tôi không có ý phản đối lời phán dạy của Đức Chúa Jêsus về việc yêu kẻ thù nghịch mình và cầu nguyện cho họ. Nhưng chữ kẻ thù mà Chúa đã đề cập đến là những kẻ ghét chúng ta vì những điều sai mà Cơ-đốc-nhân đã làm trong quá khứ, tức là đã thực hiện trong thời gian trước khi tin nhận Chúa. Việc họ thù nghịch chúng ta là hậu quả của việc mà chúng ta đã làm khi còn là kẻ có tội, vì vậy mà Chúa đã ngăn cấm chúng ta không được trả thù những người đó. Trái lại phải yêu thương họ để bày tỏ tấm lòng ăn năn của chính mình vì đã làm tổn thương họ trong quá khứ. Ngoài ra Cơ-đốc-nhân còn phải cầu nguyện cho họ để họ có thể tin nhận Chúa và trở thành anh chị em của chúng ta trong đức tin. Đó là cách phục thiện và làm hòa với người khác theo sự dạy dỗ của Chúa, chớ không phải yêu thương ma quỉ và cầu nguyện cho Sa-tan cũng như tay sai của nó giống như nhiều người đã hiểu lầm về mạng lệnh của Đức Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 5: 44.

Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải hiểu rằng kẻ thù nghịch của chúng ta là những kẻ chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Vì kính yêu Chúa và tôn trọng Ngài nên hễ kẻ thù của Chúa thì cũng là kẻ thù của chúng ta. Cơ-đốc-nhân không thể nào dửng dưng và xem như không có chuyện gì xãy ra khi người ta nhục mạ Đức Chúa Trời và nói những lời phạm thượng đối với Ngài. Nhưng thật đáng tiếc vì đó lại là phản ứng và thái độ của một số Cơ-đốc-nhân. Chỉ khi nào người ta nói đụng tới họ thì họ mới nổi nóng, mới tức giận, còn khi người ta phạm thượng với Đức Chúa Trời và chống nghịch Ngài thì họ lại hết sức dửng dưng, thậm chí còn làm ra vẻ có lòng yêu thương để cho người khác thấy là họ thuộc linh trong khi đó thì sự vinh hiển của Chúa có bị tổn hại như thế nào cũng là chuyện nhỏ đối họ. Cơ-đốc-nhân chúng ta không nên hành xử như vậy, bởi vì chỉ có con ngoại tình và người dưng mới không xót xa và tức giận khi cha mẹ của mình bị người ta nhục mạ. Nhưng trong phương diện thuộc linh thì có nhiều Cơ-đốc-nhân hành xử giống như vậy, miệng thì nói là Cơ-đốc-nhân mà lại không hề bận tâm đến việc danh của Chúa bị nói phạm bởi những người thế gian, nhất là những người có chủ trương triệt phá Cơ-đốc-giáo và bắt bớ, giết hại anh chị em của mình trong đức tin.

Như ý tưởng của câu gốc trong Xuất Ê-díp-tô ký 23: 22 đã được trưng dẫn khi nãy thì khi Đức Chúa Trời xem kẻ thù nghịch của chúng ta cũng là kẻ thù nghịch của Ngài thì đối lại với tình yêu đó của Chúa thì chúng ta cũng phải xem những kẻ đối nghịch lại với Đức Chúa Trời là những kẻ thù nghịch của chúng ta. Đó là những kẻ muốn tiêu diệt Hội thánh của Chúa và muốn triệt tiêu niềm tin trong Đức Chúa Jêsus. Tất cả những kẻ đó đều là kẻ thù nghịch của chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ nhường bước cho họ, cũng không sợ sự hung hăng tàn bạo của họ, như lời của Phao-lô đã nhắc nhở các Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên và đã có ghi lại trong (Phi-líp 1: 27).

Trong thời đại ngày hôm nay thì Cơ-đốc-giáo đang bị tấn công khắp mọi nơi, ngay cả tại Hoa-kỳ nầy thì Hội thánh của Chúa cũng đang bị bắt bớ bằng nhiều cách rất tinh vi của các chính trị gia và giới báo chí cũng như các loại phim ảnh theo kiểu tuyên truyền nhồi sọ như tại các nước độc tài, độc đảng. Trong một thời kỳ như vậy mà Cơ-đốc-nhân nói rằng mình không có kẻ thù nghịch hoặc là cần phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ thì chẳng khác gì đang ngủ mê, đang tự lừa dối, giống như hành động bắt thang cho trộm leo, hoặc chẳng khác gì tuyên bố rằng Hội thánh của Chúa đáng bị hủy diệt. Vậy mà những kẻ đó còn làm ra bộ rằng họ có tình yêu thương. Danh Chúa bị nói phạm, Hội thánh Chúa bị bắt bớ mà họ chẳng xót, chẳng thương, nhưng chỉ biết kiêu hãnh với cá nhân bằng loại tình yêu thương mù quáng mà thôi.

Nhưng đối với chúng ta là những Cơ-đốc-nhân có lòng với Chúa và Hội thánh của Ngài thì chúng ta phải làm sao? Tất cả chúng ta đều nhận biết rằng kẻ thù của Cơ-đốc-giáo rất đông và rất quỉ quyệt. Không có một thủ đoạn nham hiểm gian trá nào mà họ không dám làm. Đối với họ thì lương tâm, sự chân thật thẳng thắn đều là thứ trừu tượng. Đối với họ thì chỉ có tiền và quyền lực là trên hết nên họ sẳn sàng làm tất cả mọi điều bất kể thủ đoạn để có thể đạt được sự tham muốn của họ. Vụ bầu cử vừa qua là một thí dụ điển hình. Sự hung bạo, tàn nhẫn và nham hiểm của họ chẳng khác gì đạo binh của Pha-ra-ôn đang tràn tới gần và sắp sửa làm tổn thương con dân của Chúa. Vậy thì chúng ta phải làm sao trong hoàn cảnh như hiện nay?

Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời là chúng ta đã có câu trả lời của Chúa từ ngàn xưa cho sự hiểm nguy mà chúng ta đang đối diện. Tất cả Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời đã dùng những câu chuyện ngày xưa để làm hình bóng dạy dỗ con dân Ngài trong thời hiện tại và cho những thời kỳ trong tương lai. Vì vậy hình ảnh của dân Y-sơ-ra-ên bất lực trước đạo quân của Pha-ra-ôn là hình ảnh của Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay. Chúng ta chỉ là những người dân bình thường trong cuộc sống, mỗi ngày cặm cụi hai buổi đi về để làm việc mà nuôi sống bản thân và gia đình, thì trước những kẻ hung tàn và nham hiểm của cuộc đời nầy thì chúng ta phải làm sao? Họ có quyền lực, có tiền bạc dồi dào, họ có xe tăng, có súng đạn và có những binh lính, những kẻ tay sai vì đồng lương và quyền lợi sẳn sàng bán đứng lương tâm để hãm hại đồng bào quần chúng trong cùng một quốc gia, cùng một dân tộc, không hề thương xót đến người già, trẻ em, phụ nữ, thì trong hoàn cảnh như vậy chúng ta phải làm sao?

Đó là hoàn cảnh của dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa. Họ hoàn toàn bất lực trước kẻ thù, không phương chống đỡ. Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày nay cũng vậy. Cất tiếng lên nói về kẻ thù mà còn bị kẻ khác chụp mũ là thiếu tình yêu thương thì huống chi là nói chuyện phản kháng để bảo vệ gia đình và anh chị em cùng một đức tin. Mà muốn chống đối lại thì chúng ta có vũ khí gì ngoài hai bàn tay không. Như trong cuộc bầu cử gian lận vừa qua thì chúng ta đã thấy rồi đó. Ngay cả khi người ta đưa ra được những bằng chứng bằng hình ảnh và các đoạn thu âm về sự lừa đảo và gian lận của những kẻ quỉ quyệt đó, thì các chánh án tán tận lương tâm, bán rẻ nhân cách cũng đã không thèm xem qua một chữ mà đã bãi bỏ vụ án ngay lập tức để tiếp tay cho kẻ lừa đảo được thắng thế. Các nhân viên điều tra liên bang cũng giả tảng làm ngơ như không có chuyện gì xãy ra. Thậm chí có chánh án còn tuyên bố như là chuyện trẻ con rằng sao không thưa kiện trước khi bầu cử để bây giờ quá muộn rồi mới thưa kiện, nhưng thật ra thì trước ngày bầu cử thì lấy chứng cớ đâu để thưa? Họ nói một cách lươn lẹo như là kẻ diễn tuồng chớ không phải là thẩm phán của toàn án tối cao tiểu bang. Đứng trước những kẻ quỉ quyệt, lừa dối và vô lương tâm như vậy thì chúng ta phải làm sao?

Lời của Chúa trong Xuất Ê-díp-tô ký 14: 14 đã cho biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ chiến cự cho còn chúng ta cứ yên lặng. Chữ yên lặng ở đây không có nghĩa là Cơ-đốc-nhân bỏ mặc những điều ấy, không thèm quan tâm tới nữa, để xoay sang coi phim bộ hoặc coi ca nhạc mà quên thời gian và nan đề hiện tại. Chữ yên lặng mà Chúa phán ở đây có ý muốn bảo chúng ta bình tĩnh, giữ tấm lòng bình an để trông cậy nơi Ngài. Cơ-đốc-nhân chúng ta không có sức lực và khả năng để đương cự kẻ thù, tức là quỉ Sa-tan và các tay sai của nó, nhưng chúng ta có một Đức Chúa Trời quyền năng sẳn sàng chiến cự thay cho chúng ta. Thử hỏi trong cả vũ trụ nầy ai có thể đứng nổi trước cơn giận của Đức Chúa Trời? Ngay từ thời thanh niên thì tôi đã thấy cây gốc nầy tuyệt diệu lắm cho cuộc đời của mình. Được Đức Chúa Trời toàn năng chiến cự cho là một ân điển lớn lao lắm mà không bút mực nào tả nỗi. Đạo quân của Pha-ra-ôn ngày xưa và những kẻ hung tàn lừa đảo ngày nay chỉ là một mảy bụi trước mắt Chúa mà thôi, chẳng có giá trị gì. Đức Chúa Trời sẽ diệt họ trong nháy mắt mà thôi và trong tương lai thì họ sẽ bị hình phạt khủng khiếp suốt cả cõi đời đời. Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để Cơ-đốc-nhân chúng ta được Đức Giê-hô-va chiến cự cho. Lời của Chúa trong câu gốc nầy cho chúng ta biết là con dân Ngài phải yên lặng. Chữ yên lặng nầy mang ý nghĩa hiện tại và tương lai, vì cho biết rằng chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời chiến cự cho khi biết yên lặng, đừng kinh hoảng, và sau đó, khi đã được Ngài chiến cự cho rồi thì chúng ta sẽ được bình an để tiếp tục yên lặng nữa.

Nhưng khi đối diện với hoàn cảnh đáng kinh hoảng, bối rối thì Cơ-đốc-nhân chỉ có thể yên lặng được bằng sự cầu nguyện mà thôi. Vì nhờ sự cầu nguyện và đến gần với Chúa mà chúng ta được bình tĩnh lại, không còn lo lắng hoang mang nữa, để có thể trông cậy nơi Chúa hoàn toàn. Tôi đã đến với Chúa và thưa với Ngài rằng Chúa biết con là người không có khả năng, yếu đuối, hèn mọn, không có sức lực để tranh đấu, con không thể thay đổi được hoàn cảnh và sự kiện đã và đang xãy ra. Con là kẻ bất năng nhưng Đức Chúa Trời mà con đang thờ phượng là Đấng Toàn Năng. Con tin nơi quyền năng và sự nhơn từ của Chúa. Xin chiến cự cho con dân Ngài để Chúa được vinh hiển, để chúng con được bình an mà theo Chúa và thờ phượng Cha.

Lời Kinh thánh cho biết rằng khi chúng ta làm bất cứ điều gì thì cũng phải vì sự vinh hiển của Chúa mà làm, vì vậy chúng ta cần phải cầu nguyện xin Chúa trừng phạt những kẻ hung tàn, gian lận và lừa đảo trong đời sống nầy. Vì nếu họ được thắng thì họ sẽ nghĩ rằng không có Đức Chúa Trời, nên vì vậy mà họ mới được thành công trong sự quỉ quyệt của họ. Khi Chúa trừng phạt họ và họ bị sa bại thì lúc đó nhiều người mới biết rằng Đức Chúa Trời vẫn đang theo dõi hành động của loài người trong trần gian nầy. Sự cầu nguyện phải lẽ của chúng ta để xin Chúa trừng phạt những kẻ gian ác cũng là cách chúng ta bày tỏ tình yêu thương nữa. Vì chỉ có sự sửa phạt của Chúa mới làm cho kẻ có tội ăn năn mà thôi, còn nếu họ cứ thành công mãi thì không khi nào kẻ gian ác biết hối cải để đầu phục Ngài, như lời của Chúa đã khẳng định trong (Truyền đạo 8: 11).

Vì vậy mà sự cầu nguyện của chúng ta để xin Đức Chúa Trời trừng phạt kẻ gian ác là điều đáng nên làm. Không những vì vinh hiển của Đức Chúa Trời mà cũng vì muốn kẻ có tội biết phục thiện và ăn năn. Bởi lẽ đó mà qua câu gốc nền tảng sáng hôm nay chúng ta ao ước rằng sẽ được Đức Giê-hô-va chiến cự cho và chúng ta hứa nguyện với Ngài rằng sẽ yên lặng bằng sự cầu nguyện hết lòng để vinh hiển của Chúa được bày tỏ qua sự can thiệp của Ngài.

Nhưng trước khi tạm kết thúc phần suy gẫm Kinh thánh của chúng ta sáng hôm nay thì tôi thấy cần nên nhắc lại một trong những điều quan trọng mà tôi vẫn thưa trình cùng với quý Hội thánh trong suốt những năm tháng chức vụ của tôi, ấy là Cơ-đốc-nhân chúng ta phải cố gắng sống đẹp lòng Chúa để khi Ngài trừng trị những kẻ gian ác thì chúng ta không bị vạ lây. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình nên Ngài không thể trừng phạt kẻ gian ác trong khi con dân Ngài sống giống như người thế gian. Chúng ta cần phải biện biệt chính mình ra khỏi họ bằng việc cố gắng sống theo mẫu mực mà Đức Chúa Trời đã chỉ định, bằng không thì khi Chúa trừng phạt họ thì Ngài cũng phạt luôn chúng ta, giống như tình trạng bị đạn lạc theo cách nói thông thường trong cuộc sống. Chúng ta nhớ lại câu chuyện của Lót thì sẽ hiểu được điều ấy. Các thiên sứ của Đức Chúa Trời đã cho Lót biết rằng họ không thể trừng phạt được hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ nếu Lót và gia đình ông còn ở tại đấy, như lời Kinh thánh đã tường thuật lại trong (Sáng thế ký 19: 15).

Bởi lẽ ấy thì chỉ khi nào Lót và gia đình được an toàn thì hai thiên sứ mới giáng sự trừng phạt xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ, như lời đã chép trong (Sáng thế ký 19: 21-22).

Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, vì lòng yêu thương của Chúa đối với Lót mà các thiên sứ phải chờ cho đến khi ông và gia đình được an toàn rồi mới hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Nhưng nếu Lót cứ ở mãi trong Sô-đôm không chịu dời đi thì hoặc là Đức Chúa Trời trừng phạt họ để vạ lây tới Lót, hoặc là Ngài đành phải trì hoãn để Lót được an toàn và dân hai thành đó sẽ tiếp tục phạm tội thêm nhiều năm tháng nữa. Bởi vậy khi Cơ-đốc-nhân chưa chịu sống theo mẫu mực của Kinh thánh thì điều đó có nghĩa là con dân Chúa cứ tiếp tục che chắn cho những kẻ gian ác trong đời nầy để họ phạm tội ngày một nhiều hơn mà không bị trừng phạt. Đó là một trong những lý do mà thế giới ngày nay càng ngày càng đầy dẫy tội lỗi như lời của chính Đức Chúa Jêsus đã phán và đã có ghi lại trong (Ma-thi-ơ 24: 12).

Chúng ta có thể thấy rằng hai vế trong câu Kinh thánh nầy có mối liên hệ mật thiết với nhau và tôi sẽ trình bày thêm cùng với quý Hội thánh trong một dịp khác. Nhưng tại đây thì chúng ta có thể ghi nhớ như thế nầy: Ấy là Đức Giê-hô-va sẽ chiến cự với những kẻ gian ác và lừa đảo trong đời sống nầy thay cho chúng ta, miễn là con dân Chúa cứ bền lòng trong sự cầu nguyện để có được lòng yên tĩnh trầm lặng luôn luôn trước mặt Ngài.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời xem xét nỗi khó khăn nguy hiểm mà Hội thánh Ngài và con dân Chúa đang đối diện ngày hôm nay để mau đến tiếp cứu và chiến cự thay cho chúng ta. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức cho Cơ-đốc-nhân trong sự cầu nguyện để chúng ta có thể yên lặng trong đức tin mà chờ đợi sự can thiệp của Chúa. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh nâng đỡ đức tin của con dân Ngài để trong mọi hoàn cảnh Chúa cho phép xãy ra thì Cơ-đốc-nhân được thức tỉnh, được dạy dỗ để tìm cách đến gần Chúa càng ngày càng hơn cho đến khi Đức Chúa Jêsus trở lại. Amen.

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ ĐƯỢC TRƯNG DẪN:

SÁNG THẾ KÝ 19: 15 – Đến sáng, hai thiên sứ hối Lót và phán rằng: Hãy thức dậy, dẫn vợ và hai con gái ngươi đang ở đây ra, e khi ngươi cũng chết lây về việc hình phạt của thành nữa chăng.

SÁNG THẾ KÝ 19: 21-22 – Thiên sứ phán rằng: Đây, ta ban ơn nầy cho ngươi nữa, sẽ không hủy diệt thành của ngươi đã nói đó đâu. Mau mau hãy lại ẩn đó, vì ta không làm chi được khi ngươi chưa vào đến nơi. Bởi cớ ấy, nên người ta gọi tên thành nầy là Xoa.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 12: 35-36 – Vả, dân Y-sơ-ra-ên có làm y theo lời Môi-se đã dặn, xin người Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống. Đức Giê-hô-va làm cho dân sự được ơn trước mắt người Ê-díp-tô, nên họ bằng lòng cho; và dân Y-sơ-ra-ên lột trần người Ê-díp-tô vậy.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 14: 10-12 – Vả, khi Pha-ra-ôn đến gần, dân Y-sơ-ra-ên ngước mắt lên, thấy dân Ê-díp-tô đuổi theo, bèn lấy làm hãi hùng, kêu van Đức Giê-hô-va. Chúng lại nói cùng Môi-se rằng: Xứ Ê-díp-tô há chẳng có nơi mộ phần, nên nỗi người mới dẫn chúng tôi vào đồng vắng đặng chết sao? Người đưa chúng tôi ra xứ Ê-díp-tô để làm chi? Chúng tôi há chẳng có nói cùng người tại xứ Ê-díp-tô rằng: Để mặc chúng tôi phục dịch dân Ê-díp-tô, vì thà rằng phục dịch họ còn hơn phải chết nơi đồng vắng?

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ KÝ 23: 22 – Nhưng nếu ngươi chăm chỉ nghe lời người, cùng làm theo mọi lời ta sẽ phán, ta sẽ thù nghịch cùng kẻ thù nghịch ngươi, và đối địch với kẻ đối địch ngươi.

THI THIÊN 54: 5 – Ngài sẽ báo ác cho những kẻ thù nghịch tôi: Xin hãy diệt chúng nó đi, tùy sự chân thật Chúa.

THI THIÊN 68: 21 – Nhưng Đức Chúa Trời sẽ đạp nát đầu kẻ thù nghịch Ngài, đỉnh tóc của kẻ cứ phạm sự gian ác.

THI THIÊN 92: 11 – Vì, hỡi Đức Giê-hô-va, kìa, kẻ thù nghịch Ngài, kìa, kẻ thù nghịch Ngài sẽ hư mất; Hết thảy kẻ làm ác đều sẽ bị tản lạc.

TRUYỀN ĐẠO 8: 11 – Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác.

MA-THI-Ơ 5: 44 – Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.

MA-THI-Ơ 24: 12 – Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần.

GIĂNG 14: 23-24 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người. Còn kẻ nào chẳng yêu mến ta, thì không vâng giữ lời ta; và lời các ngươi nghe đó, chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Cha, là Đấng đã sai ta đến.

2CÔ-RINH-TÔ 3: 6 – Ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống.

PHI-LÍP 1: 27 – Duy anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin lành của Đấng Christ, để hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em một lòng đứng vững, đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin lành, phàm sự chẳng để cho kẻ thù nghịch ngăm dọa mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *