THÁNH KINH GIẢI LUẬN/Hê-bơ-rơ 11: 16

CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ THIÊN ĐÀNG

HÊ-BƠ-RƠ 11: 16 – Nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

Cơ-đốc-nhân là những người may mắn nhất trong trần gian nầy vì đã được Đức Chúa Trời lựa chọn để ban cho chúng ta ân điển được làm con cái Ngài. Ân điển ấy thật lớn lao và tuyệt diệu lắm mà không có một điều nào trong trần gian nầy có thể so sánh được. Vì cớ ân điển đó mà Đức Chúa Trời đã giáng thế làm người để chết cho nhân loại, để con người có cơ hội được trở nên con cái của Ngài và được sống tại Thiên đàng trong tương lai. Khi nói đến Thiên đàng thì tất cả Cơ-đốc-nhân chúng ta đều có thể hình dung được sự đẹp đẽ tuyệt đối của nơi vinh hiển ấy, vì vậy mà con cái Chúa không nên thờ ơ với mục tiêu đó. Chính bởi thế mà Hê-bơ-rơ 11: 16 đã dùng chữ ham mến một quê hương tốt hơn để mô tả về tấm lòng và ước muốn của những anh hùng đức tin trong lịch sử. Nhưng có một thực tế đáng để ý, là nhiều khi Cơ-đốc-nhân lại thiếu sự quan tâm đúng mức đến Thiên đàng, mà lại chú ý quá nhiều đến trần gian nầy. Tình trạng ít quan tâm đến Thiên đàng trong vòng Cơ-đốc-nhân đã dẫn đến việc Đức Chúa Trời phải nhắc nhở con cái Ngài về điều đó (Cô-lô-se 3: 2).

CÔ-LÔ-SE 3: 2 – Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất.

Nếu sau khi đã tin Chúa mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều ham mến Thiên đàng và hướng tấm lòng của chúng ta về nơi vinh hiển ấy thì chắc có lẽ Kinh thánh đã không nhắc nhở Cơ-đốc-nhân về việc tập trung sự chú ý của chúng ta đến Thiên đàng. Thậm chí lời phán của Chúa trong câu gốc nầy còn trở thành một mạng lệnh nữa, vì có chữ Hãy, hầu giúp cho Cơ-đốc-nhân được thức tỉnh và thực hiện sự chú ý ấy như là một sự vâng lời Chúa chớ không phải là sự tự do chọn lựa của cá nhân. Bằng nếu cứ để tùy vào sự chọn lựa của cá nhân thì có lẽ nhiều người sẽ thích tập trung vào thế gian nầy hơn, vì là điều dễ thấy và gần gũi với con người mỗi ngày hơn là Thiên đàng trong tương lai. Đức Chúa Trời chắc chắn là biết rõ tâm lý đó của con người như vậy, nhất là của Cơ-đốc-nhân, nên bởi thế mà Ngài đã làm cho việc ham mến Thiên đàng trở nên một mạng lệnh không thể chối từ. Vì vậy hễ Cơ-đốc-nhân nào thật lòng kính sợ Chúa thì phải vâng phục theo mạng lệnh nầy. Nhưng muốn vâng phục theo thì Cơ-đốc-nhân cần phải có đức tin mạnh đủ để sự tập trung chú ý của chúng ta vào Thiên đàng được thường xuyên và bền bĩ, bằng không thì sự chú ý của chúng ta có thể là chỉ duy trì được trong giai đoạn mà thôi và sau đó hướng tâm trí mình đến một vấn đề khác hoặc một nơi nào đó thuận theo ý thích cá nhân hơn.

Để Cơ-đốc-nhân có thể vâng lời mà làm theo mạng lệnh nầy của Chúa thì trước hết chúng ta cần phải biết rõ đến những lý do làm cho Cơ-đốc-nhân ít quan tâm đến Thiên đàng. Khi biết được rõ ràng các lý do ấy thì chúng ta sẽ có thể đối phó hoặc loại trừ những điều đó để sự quan tâm của chúng ta đến Thiên đàng được xứng đáng hơn.

Tất cả chúng ta đều biết rằng Thiên đàng là nơi ngự của Đức Chúa Trời và mắt thường của chúng ta không thể nhìn thấy được đang khi còn sống trong xác thịt nầy. Bởi vì việc không thấy được nơi ấy nên Cơ-đốc-nhân có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lời phê bình của người thế gian, nhất là lời phê bình của những kẻ không tin nơi sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Họ thường chê cười rằng người có tôn giáo là những người ăn cơm dưới đất mà nói chuyện trên trời. Dầu rằng lời chê cười như vậy là bình thường, nhưng cũng có một số Cơ-đốc-nhân vì vậy mà che dấu niềm tin của mình khi giao tiếp hoặc ở giữa vòng những kẻ không tin. Thái độ nhút nhát và sợ sệt như vậy nếu duy trì lâu ngày có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lòng quan tâm đến Thiên đàng hoặc không còn xem nơi đó là mục tiêu của chính mình nữa. Bởi vì tình trạng ấy mà lời của Chúa đã khuyên dạy rằng Cơ-đốc-nhân phải can đảm và phải sẳn sàng trong mọi lúc để trả lời hoặc đối đáp với những câu hỏi của người chưa tin về đức tin của mình (1Phi-e-rơ 3: 15).

1PHI-E-RƠ 3: 15 – Nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ.

Lý do thứ hai làm cho Cơ-đốc-nhân có thể quên Thiên đàng hoặc không chú tâm lắm về nơi đó là tâm lý rằng mình đã có một quê hương trên đất nầy rồi. Nói như vậy không có nghĩa là bảo Cơ-đốc-nhân chúng ta đừng nhớ đến quê quán và nơi chốn sinh thành của mình ở trên đất nầy. Đối với những người đã trưởng thành và có tuổi như chúng ta thì quê hương trên đất nầy có nhiều kỷ niệm và hồi ức quý báu lắm, khó có thể nào quên. Đó là nơi chúng ta đã được sinh ra, có một thời trẻ thơ đáng nhớ và những hoài niệm buồn vui không thể bị xóa mờ. Phải ở trong trường hợp bất khả kháng, quá đáng lắm nên chúng ta mới rời bỏ quê hươgn để đi tìm tự do, chớ chẳng có ai muốn rời khỏi nơi chôn nhau cắt rún của mình bao giờ. Chắc chắn ai nấy trong chúng ta đều có những lần thức giấc lúc giữa khuya và nhớ quê hương đến quặn thắt trong gan ruột nhưng đành nhớ mà không làm gì được. Chúng ta nhớ từng con phố, từng ngõ hẽm, từng tên đường nhưng những điều đó đã mất hết rồi, chỉ còn trong kỷ niệm mà thôi. Đối với các anh hùng đức tin trong Kinh thánh thì họ cũng có quê hương trên đất, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn ở trên trời.

Thật ra thì đối với những người có đức tin thì Thiên đàng không phải là một chỗ mới mẽ mà Cơ-đốc-nhân tự nhận làm quê hương, mà nơi đó chính là quê hương thật của chúng ta, vì Đức Chúa Trời ngự tại nơi đó. Ngài là Đấng tạo dựng nên loài người, là tổ phụ, là Cha Thiên Thượng của loài người. Chỉ tại con người không chịu trở lại với Ngài mà thôi, chớ không phải là vì Đức Chúa Trời từ bỏ con cái Ngài. Bởi lẽ đó mà chỉ có những người có đức tin thật mới nhận biết rằng Thiên đàng là quê hương thật của họ, còn quê hương trên đất nầy chỉ là tạm thời mà thôi. Đó là một thực tế không thể chối cãi được của đời sống con người, nhưng ít có người chấp nhận điều đó, mà thường chỉ chú trọng đến quê hương tạm thời trên đất mà bỏ quên quê hương thật trên trời. Thái độ và hành động như vậy thậm chí còn thấy có cả trong vòng một số Cơ-đốc-nhân.

Chúng ta thử nghĩ thì sẽ thấy được sự khác nhau giữa quê hương đời đời tại Thiên đàng và quê hương tạm thời trên đất nầy. Lời của Chúa cho biết rằng chính Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, nhưng loài người thì chỉ nhớ đến cha mẹ phần xác mà thôi chớ không nhớ đến Cha Thiên Thượng phần hồn của mình. Cha mẹ phần xác thì có lúc phải rời bỏ chúng ta, và dẫu con cái có cần người cha người mẹ lắm thì cũng có ngày bị bỏ lại. Thậm chí có người còn bỏ con từ lúc con mới chào đời, còn là một hài nhi quấn trong khăn tả mà họ đành lòng bỏ mặc tại cửa nhà người lạ hoặc tại cửa các trại mồ côi. Nhưng Đức Chúa Trời thì từ khi tạo dựng nên con người cho đến ngày hôm nay thì không lúc nào quên loài người, cả khi con người cứ cố tình phạm tội và chống đối Chúa. Ngay cả trong trường hợp như vậy mà Chúa vẫn yêu và Ngài đã giáng thế thành người để chịu sỉ nhục và chịu chết trên thập tự giá để con người có cơ hội tìm lại được địa vị là con cái của Đấng Tạo Hóa. Tình yêu tuyệt diệu như vậy của Chúa dành cho con cái Ngài đã được bày tỏ ra trong các câu Kinh thánh sau:

RÔ-MA 5: 8 – Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.

THI THIÊN 121: 3 – Ngài không để cho chân ngươi xiêu tó; Đấng gìn giữ ngươi không hề buồn ngủ.

THI THIÊN 27: 10 – Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi.

Ê-SAI 46: 4 – Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng ẳm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng ẳm và giải cứu các ngươi.

Qua các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người, nhất là đối với con dân Ngài, là người Y-sơ-ra-ên và Cơ-đốc-nhân, là tuyệt diệu như thế nào. Đức Chúa Trời đã chết vì cớ tội lỗi của con người và khi chúng ta biết trở lại cùng Ngài thì Chúa sẽ gìn giữ con dân Chúa một cách cẩn thận đến nỗi mà Kinh thánh đã mô tả là không hề buồn ngủ. Cha mẹ phần xác nầy khi chăm sóc cho con còn có thể buồn ngủ hoặc lơ đãng, nhưng Đức Chúa Trời thì không, vì cớ Ngài là Đấng Toàn Năng. Chẳng những thế thôi khi cha mẹ phần xác của chúng ta lớn tuổi và qua đời thì Đức Chúa Trời vẫn còn đời đời để chăm sóc và bồng ẳm con dân Ngài, ngay cả khi chúng ta đã già yếu, đầu râu tóc bạc. Đối với tình yêu lớn lao bao la như vậy của Đức Chúa Trời thì việc Cơ-đốc-nhân chúng ta xem Thiên đàng là quê hương thật và vĩnh cửu của mình thì không có gì là lạ. Chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân lãng quên nơi đó hoặc không chú tâm đến thì đó mới là điều lạ mà thôi.

Việc Cơ-đốc-nhân chúng ta nghĩ đến Thiên đàng và mơ ước được về sống tại nơi đó đời đời thì người chưa tin có thể chê cười và cho rằng chúng ta quên quê hương, cội nguồn ở trên đất nầy. Nhưng nếu đã gọi nơi chúng ta sinh ra về phần xác là quê hương, thì Thiên đàng còn xứng đáng triệu triệu lần hơn để được gọi là quê hương thật của chúng ta hơn nữa, vì nơi đó chính là cội nguồn của con người, là nơi mà Đấng Tạo Hóa đang ngự trị. Chúng ta thử suy nghĩ như thế nầy để có thể thấy được sự khác nhau giữa quê hương trên đất và quê hương tại Thiên đàng, và cũng để có thể hiểu được tại sao mà các anh hùng đức tin đã gọi Thiên đàng là quê hương tốt hơn của họ.

Nhiều người cho rằng quê hương trên đất nầy thì thật hơn là quê hương trên trời, vì là nơi chúng ta đã sinh ra và lớn lên, là nơi mà chúng ta có thể thấy được hoặc thăm viếng được. Nhưng thật ra thì quê hương trên đất nầy chỉ là ảo tưởng do những kẻ tham mê quyền lực đặt ra mà thôi, hầu có thể kêu gọi người dân chết cho tham vọng của họ, mà họ tuyên truyền là chết cho quê hương. Ấy là vì khi những kẻ cầm quyền thấy có lợi cho họ, thì họ sẳn sàng bán đứng cái mà họ gọi là quê hương, là dân tộc, là quê cha đất tổ cho ngoại bang một cách dễ dàng không hề đắn đo suy nghĩ. Đó là điều mà chúng ta đã thấy xãy ra khắp nơi, ngay cả tại Việt Nam cũng như tại Hoa-kỳ nầy. Khi những kẻ cầm quyền hô hào chết cho quê hương thì họ đâu có chết, chỉ có người dân thường chết mà thôi, còn họ thì ngồi mát mà ăn bát vàng, ngồi đó mà nắm quyền lực để rồi sau khi hàng triệu thanh niên con nhà thường dân chết cho cái mà họ tuyên truyền là quê hương thì những kẻ cầm quyền cũng tước đoạt luôn cả sự tự do của những người đã hy sinh. Thậm chí họ còn không hề biết đến những kẻ hy sinh đó là ai. Chẳng hạn như tại Việt Nam thì có một người phụ nữ tại An Sương, Hóc Môn, có chồng và 5 đứa con trai chết trong cuộc chiến trước 75 nhưng rốt lại bà chỉ được mấy tờ giấy ban khen, còn đến cái nhà cũng không có, mà phải che nhờ mái nylong để sống bên hông nhà người ta. Còn như tại Mỹ đây thì cũng đã có hàng triệu binh sĩ chết cho cái mà các kẻ cầm quyền gọi là quê hương, nhưng đến một lá phiếu bầu cử họ cũng không cho phép được ngay thẳng nữa. Họ âm mưu với nhau để chủ động gian dối mà đưa người của họ lên cầm quyền chớ đâu cần biết đến nguyện vọng của người dân là như thế nào. Đối với những kẻ hô hào yêu quê hương đất nước thì luật pháp chỉ dành cho thường dân mà thôi, còn kẻ cầm quyền thì được miễn. Một quê hương như vậy thì chúng ta thấy có đáng lưu luyến hay không? Thực tế cho thấy thì trong bất cứ chính thể nào thì người dân cũng là người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất mà chẳng được điều gì, còn những kẻ hô hào người khác yêu quê hương, yêu dân tộc, yêu quốc gia yêu đồng bào thì lại là những kẻ không hề bị tổn hại gì hết mà lại được giàu sang quyền thế để chèn ép bắt bớ người khác. Nếu vì một quê hương như vậy mà lãng quên Thiên đàng tuyệt diệu của Đức Chúa Trời thì há chẳng phải là hư không sao?

Chính vì những kẻ cầm quyền dùng chữ quê hương để mỵ dân và lừa gạt người khác chết cho tham vọng quyền lực của họ mà lời của Chúa đã phán quyết rằng chẳng một người nào trong số họ sẽ được cứu (1Cô-rinh-tô 2: 6).

1CÔ-RINH-TÔ 2: 6 – Dầu vậy, chúng tôi giảng sự khôn ngoan cho những kẻ trọn vẹn, song chẳng phải sự khôn ngoan thuộc về đời nầy, cũng không phải của các người cai quản đời nầy, là kẻ sẽ bị hư mất.

Chính vì biết tham vọng của con người là như vậy, có nghĩa là dùng hai chữ quê hương dân tộc để dụ dỗ người khác chết cho đam mê quyền lực của họ, nên những anh hùng đức tin đã hướng tầm nhìn và tấm lòng của họ đến Thiên đàng, là quê hương tốt hơn ở trên trời, là nơi ngự trị của Đức Chúa Trời công bình, thánh khiết, ngay thẳng, chân thật tuyệt đối. Đó là nơi quê hương đáng để chúng ta sống đời đời không hề than tiếc. Vì vậy đối với những sự kiện đã xãy ra tại Việt Nam, tại Hoa-kỳ cũng như tại khắp nơi trên thế giới thì Cơ-đốc-nhân cần phải biết rằng tất cả những điều đó đều nằm trong chương trình của Chúa để con dân Ngài có tấm lòng dứt khoát mà không còn lưu luyến gì nữa với quê hương trên đất nầy. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ xuống cho quê hương trên đất nhưng chúng ta đã được gì từ những hy sinh đó? Kẻ quyền lực thì vẫn giàu sang phóng túng, còn người nghèo thì vẫn bần cùng thiếu thốn, người ăn xin thì vẫn thấy đầy trên đường phố mặc dầu các kẻ cầm quyền thì lúc nào cũng nói rằng yêu nước thương dân và phục vụ quần chúng. Trong số họ ai là người đã từng chịu hy sinh như Đức Chúa Trời đã hy sinh cho cả nhân loại? Khi suy nghĩ về tình yêu cao cả như vậy của Đức Chúa Trời thì con cái Ngài chọn Thiên đàng làm quê hương tốt hơn cho mình là điều đương nhiên.

Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta là những người mai mắn nhất trong trần gian nầy vì có một quê hương thứ hai tuyệt diệu như vậy tại Thiên đàng. Thử hỏi nếu Đức Chúa Trời không thương xót và ban cho chúng ta cơ hội được làm con cái Ngài thì khi chúng ta biết được, thấy được bộ mặt thật của cái gọi là quê hương mà những kẻ cầm quyền đã tuyên truyền thì chúng ta sẽ tìm đâu ra một quê hương khác xứng đáng hơn để thay thế, để hy sinh, để ước mong và để tìm về? Quê hương trên đất nầy đều đã bị những kẻ cầm quyền thao túng và điều khiển hết rồi thì đó đâu còn là quê hương của chúng ta nữa. Nếu thật sự là quê hương thì người dân phải có tiếng nói, phải có sự tự do, có quyền phủ quyết và phải có quyền đề cử người đại diện cho mình. Nhưng tại những quê hương trên đất nầy thì các kẻ quyền thế đã tự cho họ địa vị được đại diện người dân, tự cho họ có quyền sinh sát, tự cho họ có quyền chụp mũ người dân là chống đối, là bán nước, để bỏ tù, để lưu đày biệt xứ, để giết chết. Lá phiếu bầu cử chỉ là trò hề chính trị để bịt mắt người dân mà thôi, để ru ngủ người dân rằng họ đang có quyền tự do, nhưng thật sự thì các kẻ cầm quyền đã quyết định hết rồi. Nếu cần thì họ dùng cả mưu chước gian dối để tước đoạt quyền tự do phủ quyết của người dân. Nếu quê hương trên đất nầy thật sự là quê hương thì tại sao người dân bị cướp nhà, bị cướp đất, bị tịch thu tài sản một cách mờ ám bởi các kẻ cầm quyền? Hy sinh và lưu luyến cho một quê hương như vậy thì có đáng không? Loài người chỉ có một cuộc đời để quyết định mà thôi nên vì vậy mà các anh hùng đức tin đã ham mến một quê hương tốt hơn ở trên trời và tự xem họ chỉ là bộ hành, là người qua đường tại trần gian nầy mà thôi (Hê-bơ-rơ 11: 13-16).

HÊ-BƠ-RƠ 11: 13-16 – Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đang đi tìm nơi quê hương. Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

Những anh hùng đức tin đã có lòng ham mến Thiên đàng như vậy thì chúng ta cũng cố gắng theo gương của họ để được đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì ý muốn của Ngài là Chúa ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Ngài, như lời Đức Chúa Jêsus đã phán với các môn đồ khi xưa.

GIĂNG 14: 3 – Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.

GIĂNG 17: 24 – Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu Con trước khi sáng thế.

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được rõ ràng lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài, rằng Chúa muốn chúng ta được ở với Chúa đời đời. Chúa biết tâm lý của những người con hiếu thảo là lúc nào cũng muốn giữ hình ảnh của cha mẹ mình bên cạnh luôn luôn, cho nên Chúa đã cho biết rằng Ngài muốn chúng ta được ở đời đời nơi Thiên đàng để có thể ngắm nhìn sự vinh hiển chói sáng của Chúa và cũng là sự chói sáng của chúng ta nữa sau khi Cơ-đốc-nhân được cứu vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Thế thì việc ham mến một quê hương tốt hơn ở trên trời là điều đáng phải có trong tâm trí và tấm lòng của Cơ-đốc-nhân, vì bày tỏ được lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Cha Thiên Thượng của mình.

Có thể đã có một vài Cơ-đốc-nhân thất vọng khi thấy những điều đã xãy ra trên quê hương mình, nhất là khi biết rằng mình không thể làm gì được để thay đổi hoàn cảnh, nhưng chúng ta sẽ được an ủi nhiều khi biết rằng Đức Chúa Trời luôn dùng mọi sự, ngay cả những điều bất như ý, để làm ích lợi cho con dân Chúa (Rô-ma 8: 28).

RÔ-MA 8: 28 – Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.

Đối với Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình thì chắc chắn là Ngài đã có sẳn hình phạt dành cho những kẻ gian ác trong thế gian nầy, nhưng mối quan tâm lớn hơn của Chúa là chăm sóc cho con cái Ngài được bình an, vui mừng và thỏa lòng. Bởi lẽ đó mà với câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể hiểu rằng những điều bất như ý đã xãy ra sẽ có lợi cho chúng ta nếu Cơ-đốc-nhân cứ hết lòng yêu mến Chúa luôn luôn. Vì vậy mà khi phần Kinh thánh nền tảng trong Hê-bơ-rơ đoạn 11 cho biết rằng Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Chúa của các anh hùng đức tin ngày xưa, thì ngày hôm nay cũng vậy, Chúa sẽ rất đẹp lòng để xưng Ngài là Đấng Bảo Hộ của chúng ta khi Cơ-đốc-nhân biết thưa với Chúa rằng con ham mến quê hương ở trên trời, vì nơi ấy tốt đẹp triệu triệu lần hơn quê hương tại đất nầy. Lời thưa trình như vậy sẽ giúp cho chúng ta nhận được phước từ nơi Chúa nhiều hơn đang khi hoàn cảnh trong thế gian càng ngày càng trở nên bất lợi cho Cơ-đốc-nhân.

Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng cần phải chú ý rằng khi thưa với Chúa lời ấy thì tấm lòng của chúng ta cũng phải thật sự ham mến quê hương tại trên trời, chớ không phải chỉ là lời nói suông không mà thôi. Điều đó có nghĩa là lòng ham mến Thiên đàng của chúng ta phải được bày tỏ ra bằng hành động (Ma-thi-ơ 6: 33).

MA-THI-Ơ 6: 33 – Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.

Sự ham mến nước Thiên đàng của chúng ta cần phải đặt căn bản trên Kinh thánh, tức là quyền phép của Đức Chúa Trời để bày tỏ sự công bình của Ngài, chớ không nên đặt nền tảng trên lời kêu gọi của con người. Ấy là con người dễ sai lầm và dễ bị ma quỉ cám dỗ để dẫn dụ con dân Chúa đi sai lạc khỏi đường về Thiên đàng. Cũng như trong phương diện chính trị, thì trong phương diện tâm linh cũng có những người lợi dụng tấm lòng của người tìm đến với Chúa mà làm lợi cho sự tham muốn của họ. Trong thực tế đã có nhiều người kêu gọi người khác đến với Chúa mà thực ra là đến với họ để họ được lợi nhuận. Đây là điều mà lời của Chúa đã có cảnh cáo từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên (1Ti-mô-thê 6: 3-5).

1TI-MÔ-THÊ 6: 3-5 – Ví thử có người dạy dỗ đạo khác, không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và đạo lý theo sự tin kính, thì người đó là lên mình kiêu ngạo, không biết chi hết; nhưng có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa, cùng những lời cãi lẽ hư không của kẻ có lòng hư xấu, thiếu mất lẽ thật, coi sự tin kính như là nguồn lợi vậy.

Chữ dạy dỗ đạo khác trong phần Kinh thánh nầy được giải thích chi tiết hơn khi lời của Chúa cho biết rằng đó là sự diễn giải Kinh thánh thiếu lẽ thật, hoặc nói một cách chính xác hơn, là diễn giải Kinh thánh một cách mâu thuẫn với các chân lý trong lời của Chúa

Bởi vậy cho nên Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải hiểu rõ về Kinh thánh để có thể tự mình tra cứu mà biết xem là những lời mình nghe có thật sự giúp mình đi theo đúng đường lối của Chúa để đến Thiên đàng trong tương lai hay không. Bằng nếu không dùng Kinh thánh để tra xét giống như các Cơ-đốc-nhân của Hội thánh đầu tiên đã từng làm thì con dân Chúa ngày hôm nay có thể dễ lắm mà bị dẫn dụ để đi theo đường lối của kẻ xấu và bị họ lợi dụng, cũng như người ta bị các kẻ tham quyền lợi dụng trong phương diện chính trị mà tưởng rằng họ đang hy sinh cho quê hương. Như điều mà chúng ta đã cùng suy gẫm qua trong tuần lễ trước thì chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân cần phải đứng trên chân của mình để giữ vững đức tin cho đến khi Chúa trở lại, chớ không phải là dựa vào hoặc tùy thuộc vào sự diễn thuyết khéo léo của người ta.

Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã phán dạy rằng Cơ-đốc-nhân phải tìm sự công bình của Chúa cùng một lúc với việc tìm kiếm nước Đức Chúa Trời. Bằng cách như vậy thì con dân Chúa mới có thể bày tỏ được lòng ham muốn thật về một quê hương tốt hơn ở trên trời và vì quê hương đó mà chúng ta cố gắng làm đẹp lòng Chúa đang khi còn sống những ngày tháng trên trần gian. Hy vọng rằng khi Cơ-đốc-nhân chúng ta thấy không còn có một nơi nào khác nữa trên đất nầy xứng đáng để được chọn làm quê hương thứ hai của mình, thì con dân Chúa sẽ ham mến Thiên đàng nhiều hơn và sốt sắng hơn trong việc tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời qua những câu gốc trong Kinh thánh và qua các sinh hoạt đời thường mỗi ngày. Chẳng hạn như trong Hê-bơ-rơ 11: 16 thì sự công bình của Chúa đã bày tỏ ra rõ ràng trong hai vế, tức là về yêu cầu và về phần thưởng, rằng hễ khi Cơ-đốc-nhân thật lòng ham mến quê hương ở trên trời thì lúc bấy giờ Đức Chúa Trời mới thật sự chọn chúng ta và phần thưởng của Ngài là ban cho chúng ta Thiên đàng trong tương lai. Bởi đức tin mạnh mẽ mà chúng ta sáng hôm nay có thể tạ ơn Chúa rằng vì Ngài đã cho chúng ta thấy bộ mặt thật của những kẻ cầm quyền tại các quê hương trên đất mà con dân Chúa có thể nhờ đó để ham mến nhiều hơn về quê hương ở trên trời. Điều đó cũng là trong chương trình của Chúa và bày tỏ tình yêu Ngài đối với chúng ta. Bởi vì quê hương trên đất nầy nhiều lắm cũng chỉ là một đời người mà thôi, còn quê hương trên trời mới là vĩnh cữu và bất diệt.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời thấy được nỗi đau buồn sầu muộn của con dân Chúa trong việc mất quê hương trên đất mà an ủi và thêm sức mới cho. Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để từ nay trở đi Cơ-đốc-nhân biết quan tâm đến việc tìm kiếm quê hương ở trên trời nhiều hơn, không những bằng lời nói, mà cũng bằng tư tưởng và hành động nữa. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng con đường đi tới Thiên đàng của chúng ta bằng lời của Ngài để trong tương lai chúng ta được diện kiến Đức Chúa Trời trong sự vinh hiển của Ngài, để ngắm xem dung nhan tuyệt mỹ của Chúa và để được nhìn thấy nhau luôn luôn. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *