THÁNH KINH GIẢI LUẬN/Ca thương 3: 37-38

CÁC ƠN PHƯỚC CỦA CHÚA

Câu gốc: CA THƯƠNG 3: 37-38 – Nếu chẳng phải Chúa truyền lịnh, ai hay nói ra và sự ấy được thành? Há chẳng phải từ miệng Đấng Rất Cao ra tai họa và phước lành?

– Câu Kinh thánh nầy cho biết rằng tất cả những lời tiên tri đều là bởi Chúa truyền phán mà người ta mới nói được một cách đúng đắn và chính xác về điều sẽ xãy ra trong tương lai.
– Nếu không phải đến từ Chúa thì các lời dự đoán về tương lai của con người đều không trở thành sự thật. Nếu có thì cũng chỉ là sự cố tình trưng dẫn những lời ấy để làm sao cho giống với điều đã xãy ra. Người thế gian vẫn thường hay làm như vậy để tuyên bố rằng thần tượng của họ cũng có những lời sấm truyền.
– Phước lành và tai họa đều được quyết định bởi Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng tể trị mọi điều trong vũ trụ và quyết định điều nào sẽ xãy ra và điều nào không xãy ra.
– Ma quỉ và thần tượng đều không thể ban phước hoặc giáng họa cho loài người.

Tất cả chúng ta đều biết rằng mục tiêu hàng đầu của Cơ-đốc-nhân khi theo Chúa là để được phước, và phước lớn nhất mà con dân Chúa có thể nhận được là là sự sống đời đời trong Thiên đàng. Nhưng khi đang còn sống trong xác thịt nầy thì ai nấy trong chúng ta cũng đều mong được phước của Chúa trong trần gian. Đó là điều chắc chắn và không thể thiếu được trong những mơ ước của con dân Chúa, như lời của người xưa đã có bày tỏ trong

THI THIÊN 27: 13 – Ôi! Nếu tôi không tin chắc rằng sẽ thấy ơn của Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống, thì tôi hẳn đã ngã lòng rồi!

Câu gốc nầy là lời của chính Đa-vít đã thốt lên trước mặt Chúa. Nếu một người mạnh mẽ trong phương diện thuộc linh như Đa-vít mà còn ao ước được phước của Chúa để có thể đứng vững trong đức tin thì chúng ta là những Cơ-đốc-nhân bình thường còn ao ước gấp nhiều lần hơn để được khích lệ mà theo Chúa cho đến cuối cùng. Chính bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân rất thích nghe về phước hơn là về những điều khác. Nhưng xin thưa với quý Hội thánh là nghe về phước thì có thể là tốt cho tấm lòng mong đợi của chúng ta, nhưng biết rõ về các loại phước và làm cách nào để có thể nhận được các phước ấy thì lại tốt hơn nữa.

Có nhiều Cơ-đốc-nhân khi đi đến nhà thờ thì đều muốn nghe nói về những phước lành mà con dân Chúa có thể nhận được, nhưng khi trở về nhà và tiếp tục cuộc sống giữa trần gian thì lại không kinh nghiệm được các loại phước mà mình mong muốn. Hoặc có Cơ-đốc-nhân thì được phước nhưng dường như lại ít quá, không đủ để có một đời sống thỏa mãn hoàn toàn ở trong Chúa. Cũng có những trường hợp mà Cơ-đốc-nhân được phước trong phương diện nầy nhưng lại mất phước trong một phương diện khác và vì vậy mà niềm vui trong được trọn vẹn. Chính vì vậy mà việc chúng ta biết rõ về các loại phước mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho cho con cái Ngài là điều cần thiết và cần thiết hơn nữa là biết cách làm sao để có thể nhận được những ơn phước ấy từ nơi Chúa.

Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình, tức là Đấng thưởng phạt phân minh, cho nên con cái Chúa cần phải ý thức trước tiên rằng Chúa không bao giờ ban phước một cách hờ hững và thiếu chính xác. Và vì Đức Chúa Trời cũng là Đấng Khôn Ngoan tuyệt đối cho nên s¿ ban phước của Chúa là nhằm giúp cho Cơ-đốc-nhân được tăng trưởng và được khích lệ trong đức tin. Nói một cách rõ ràng hơn là những ơn phước mà Đức Chúa Trời ban cho con cái Ngài nều nhắm vào mục tiêu đời đời chớ chẳng phải chỉ là cho những ngày tháng ngắn ngủi trong trần gian nầy không mà thôi. Nếu Cơ-đốc-nhân không hểu rõ về các loại ơn phước trong Chúa thì có thể nhiều lúc sẽ cảm thấy thất vọng trong đức tin vì thấy lòng ao ước được phước của mình không được Chúa thỏa mãn cho. Vì vậy việc học biết các ơn phước trong Chúa là điều cần thiết và đây là một trong những chủ đề lớn mà chúng ta cần có nhiều thì giờ để suy gẫm đến.

Tất cả những điều mà chúng ta có thể suy gẫm cùng với nhau về các ơn phước trong Chúa gồm có những phần chính yếu như sau: Trước nhất là Cơ-đốc-nhân phải nhận biết rằng Đức Chúa Trời là Nguồn Ơn Phước của con người trong cả vũ trụ. Mọi ơn phước đều đến từ Đức Chúa Trời. Người ta có thể lầm lẫn về điều nầy và tưởng rằng ơn phước cũng có thể đến từ thần tượng, vì rõ ràng rằng người chưa tin cũng được may mắn, hanh thông, chớ chẳng phải chỉ có con cái Chúa được như vậy mà thôi. Nhưng quan điểm đó là chưa đúng với Kinh thánh và ấy là điều mà chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến để hiểu biết cho được tỏ tường hơn.

Thứ hai là khi Đức Chúa Trời ban cho một người nào đó được phước, thì phước ấy không chỉ là phần thưởng mà còn là sự thử thách trong đời thuộc linh nữa. Đây là một trong những phương diện quan trọng mà khi nghiên cứu về các ơn phước của Chúa thì chúng ta phải để ý hầu có thể tỉnh thức và ứng xử một cách đúng đắn mỗi một khi nhận được bất cứ ơn phước nào trong Chúa.

Thứ ba là các dạng ơn phước. Khi nói về phước thì có nhiều loại ơn khác nhau, cả trong phương diện thuộc linh lẫn trong phương diện thuộc thể. Thông thường thì con người thích được phước trong phương diện thuộc thể hơn, vì là điều dễ thấy và có thể giúp nâng cao giá trị cá nhân cũng như thỏa mãn được tánh kiêu hãnh thường có trong tâm lý của con người. Trong thời gian tới thì chúng ta sẽ suy gẫm lần lượt đến các dạng ơn phước trong Chúa để được khích lệ trong đức tin và để hiểu rõ tâm lý của con người hơn.

Thứ tư là cách thức thế nào để nhận được ơn phước của Chúa. Trong Kinh thánh có giải bày rất nhiều bí quyết để Cơ-đốc-nhân có thể nhận được ơn phước trong Chúa một cách mỹ mãn. Vấn đề quan trọng là chúng ta có đồng ý để thực hiện theo sự hướng dẫn của Kinh thánh hay không mà thôi. Vì theo như kinh nghiệm thực tế thì nhiều khi con người biết điều cần phải làm nhưng lại không bao giờ cố gắng để làm điều ấy một cách kiên trì và chuyên tâm hầu cho đạt được kết quả mong muốn, chẳng hản như việc tập thể dục thể thao để giữ sức khỏe, hoặc chuyện chạy xe cẩn thận để được an toàn. Trong phương diện thuộc linh có liên quan đến các ơn phước trong Chúa thì cũng giống như vậy, có nghĩa là Cơ-đốc-nhân cần phải học biết cách thế nào để có thể được phước và phải cố gắng làm theo thì mới có kết quả.

Thứ năm là học biết làm sao để sử dụng các ơn phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Việc sử dụng các ơn phước trong Chúa là một khía cạnh quan trong khác mà Cơ-đốc-nhân cần phải biết để có thể duy trì được ơn phước Chúa đã ban cho mình một cách lâu dài. Kinh thánh cho biết là Đức Chúa Trời có quyền ban cho nhưng Ngài cũng có toàn quyền để lấy lại nếu người ta không biết sử dụng các ơn phước một cách đúng đắn.

Có lẽ tôi nên dừng lại ở điểm thứ năm nầy để cho quý Hội thánh dễ nhớ. Thật ra thì chủ đề các ơn phước của Chúa không phải chỉ bao gồm có bấy nhiêu đó mà thôi, nhưng nếu ngay từ đầu mà tôi trình bày nhiều vấn đề quá cùng một lúc thì chắc sẽ làm cho quý Hội thánh lúng túng, nên tôi đành phải giới hạn trong năm phần như vậy mà thôi. Còn những vấn đề khác, chẳng hạn như việc phân biệt được đâu là ơn phước thật từ nơi Chúa và đâu là ơn phước giả mạo đến từ ma quỉ thì tôi sẽ trình bày xen lẫn vào với các điểm chính yếu của Chủ đề nầy để quý Hội thánh có thể dễ nhớ. Dầu vậy thì với những điều mà tôi vừa liệt kê qua thì cũng sẽ phải cần nhiều thì giờ và nhiều cơ hội như thế nầy để chúng ta có thể suy gẫm hết. Ngoài ra thì chúng ta vẫn còn có những Chủ đề khác mới chỉ suy gẫm qua vài phần mà thôi, vì vậy xin quý Hội thánh kiên nhẫn và nếu Chúa cho phép thì giờ hầu việc Chúa của tôi được lâu trên đất thì tôi sẽ cố gắng giải bày hết tất cả những điều mà tôi học hỏi được cùng với quý Hội thánh trong những ngày tháng tới. Kinh thánh có cho biết rằng người hầu việc Chúa đã nhận được mạng lệnh là phải giảng dạy cho con cái Chúa về các chân lý trong lời của Ngài, chớ không phải là diễn giải quan điểm riêng của mình về Kinh thánh, tức là vừa diễn xuất vừa giải thích những điều mà mình cho là thỏa mãn được tâm lý người nghe. Phận sự và trách nhiệm của người hầu việc Chúa về sự giảng dạy đã được ghi lại trong Công vụ 10: 42.

CÔNG VỤ 10: 42 – Lại Ngài đã biểu chúng ta khá giảng dạy cho dân chúng, và chứng quyết chính Ngài là Đấng Đức Chúa Trời đã lập lên để đoán xét kẻ sống và kẻ chết.

Như chúng ta có thể thấy được trong câu gốc nầy rằng sự giảng dạy của người hầu việc Chúa có liên quan đến sự sống và sự chết trong đời thuộc linh, có nghĩa là liên quan đến sự đời đời nên vì vậy mà sự giảng dạy phải được đặt trên lẽ thật và được tiến hành một cách nghiêm túc, như lời của Chúa đã chỉ định và đã có ghi lại trong 2Ti-mô-thê 2: 15.

2TI-MÔ-THÊ 2: 15 – Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.

Vì mạng lệnh của Chúa dành cho người hầu việc Ngài là nghiêm trọng như vậy nên tôi sẽ cố gắng cậy ơn Chúa để trình bày các chủ đề thật đầy đủ và chi tiết, mong ước rằng quý Hội thánh cùng kiên nhẫn với tôi để chúng ta có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và nhờ đó mà cứ kinh nghiệm được ơn phước mới của Ngài trong những tháng ngày trần gian nầy luôn luôn. Amen.

Bây giờ thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến phần thứ nhất của Chủ đề nầy, ấy là Đức Chúa Trời là Nguồn Ơn Phước của cả nhân loại. Ngoài Ngài ra thì không ai có thể ban phước được cho con người, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Ca thương 3: 37-38.

CA THƯƠNG 3: 37-38 – Nếu chẳng phải Chúa truyền lịnh, ai hay nói ra và sự ấy được thành? Há chẳng phải từ miệng Đấng Rất Cao ra tai họa và phước lành?

Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể nhớ lại rằng Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng vũ trụ bao la nầy chỉ bằng lời phán của Ngài mà thôi, vì vậy ơn phước hoặc tai họa mà con người nhận lấy đều cũng bởi lời phán của Chúa mà có. Cơ-đốc-nhân chúng ta nhận biết được như vậy là nhờ vào lời của Chúa trong câu gốc nầy và cũng nhờ vào đức tin của chúng ta nữa. Vì chắn chắn rằng người ngoại thì không bao giờ tin rằng ơn phước chỉ được ban cho bởi Đức Chúa Trời mà thôi. Đối với họ thì thì thần tượng cũng có thể ban phước. Nhưng điều đó thì đã được lời của Chúa cho biết là sai, bởi vì thần tượng là do con người suy nghĩ mà tạo nên, bởi lẽ đó thần tượng không có thể ban phước được cho con người, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Giê-rê-mi 10: 5.

GIÊ-RÊ-MI 10: 5 – Các thần ấy tiện như hình cây chà là, không biết nói; không biết đi, nên phải khiêng. Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước.

Mặc dầu Kinh thánh đã khẳng định như vậy nhưng trong thực tế thì vẫn có một số Cơ-đốc-nhân nghi ngờ về lẽ thật ấy, vì họ thấy người ngoại cũng được may mắn và hanh thông trong cuộc sống, nhiều khi còn trội hơn hẳn cả con dân Chúa về những phước thuộc thể chẳng hạn như tiền bạc, danh tiếng và địa vị. Chính vì nhìn thấy người chưa tin đạt được những điều ấy nên có nhiều Cơ-đốc-nhân theo Chúa mà trong lòng có sự hồ nghi và từ đó nãy sinh ra việc tiếp tục duy trì những quan điểm của người thế gian trong cuộc sống theo Chúa của mình, với hy vọng là có thể cũng sẽ được phước như họ. Bởi lẽ đó mà trong vòng Cơ-đốc-nhân cũng còn có những người kỵ tuổi, kỵ con số 13, kỵ ngày tháng và cũng nói chuyện tích đức theo kiểu người ngoại để được giàu có. Tất cả những điều kiêng kỵ còn tồn tại như vậy trong đời sống của Cơ-đốc-nhân thì chắc quý Hội thánh đã có biết trong những lần tiếp xúc với các anh chị em khác, bởi lẽ đó tôi mà tôi không nói thêm gì nữa tại đây vì quý Hội thánh đã biết hết rồi và có thể kể ra một danh sách khá dài những điều mà Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay vẫn còn kiêng kỵ như người ngoại.

Trở lại với câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn khi nãy trong Ca thương 3: 37-38 thì chúng ta biết rằng từ lời phán của Đức Chúa Trời mà con người nhận được phước hoặc gặp tai họa trong đời sống nầy. Điều đó có nghĩa là khi Chúa cho phép thì người ta sẽ được may mắn hoặc gặp những điều ruỉ ro. Nói một cách tổng quát hơn nữa thì mọi điều mà con người nhận được trong đời sống nầy đều là bởi ý muốn của Chúa và từ lời phán của Ngài mà có, bất kể rằng người đó là Cơ-đốc-nhân hay là người chưa tin. Lã thật nầy là chắc chắn, vì đã được Kinh thánh ghi lại, nhưng đối với Cơ-đốc-nhân thì có tin hay không tùy thuộc vào đức tin của người đó nơi Đức Chúa Trời. Nếu Cơ-đốc-nhân tin rằng Đức Chúa Trời đã sáng tạo cả vũ trụ bao la nầy chỉ bằng lời phán của Ngài mà thôi thì chắc chắn rằng con dân Chúa phải tin nơi lẽ thật về phước và họa đến từ lời phán của Ngài. Còn nếu Cơ-đốc-nhân nào không tin như vậy thì có nghĩa là người đó cũng không tin rằng chính Ngài đã sáng tạo ra trời đất và con người.

Như điều mà chúng ta đã cùng với nhau học qua trong những năm tháng trước thì sự tể trị của Đức Chúa Trời trên cả vũ trụ nầy là 100%. Dầu chuyện lớn hay chuyện nhỏ thì cũng đều phải nằm trong ý chỉ của Chúa hoặc được Chúa cho phép. Đây là vấn đề mà Cơ-đốc-nhân phải xác quyết hầu có thể hiểu được những lẽ thật khác trong Kinh thánh, vì vậy mà có lẽ tôi sẽ nhắc lại một lần nữa trong thời gian tới để giúp cho quý anh chị em nào chưa nghe qua được có dịp nhận biết về lẽ thật Đức Chúa Trời Tể Trị Hoàn Toàn là như thế nào.

Chính vì sự tể trị của Chúa là 100% nên tất cả những ơn phước, và ngay cả các tai họa nữa, cũng phải đến từ Ngài hoặc được phép của Ngài thì mới xãy ra. Cơ-đốc-nhân chúng ta phải nhận biết như vậy và tin một cách chắc chắn. Tôi biết là khi thưa trình với quý Hội thánh như vậy thì sẽ làm quý Hội thánh nhớ đến những thắc mắc của người nầy hoặc người kia, hoặc của chính cá nhân về việc tại sao điều nầy điều khác lại xãy ra cho con người. Tất cả những câu hỏi đó đều có lời giải thích của Chúa cũng như câu trả lời của Chúa trong Kinh thánh và tôi sẽ xin lần lượt trình bày với quý Hội thánh trong những dịp tới. Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta thì phải xác quyết niềm tin của mình rằng mọi điều xãy ra trong đời sống nầy, dầu là phước hay họa, thì cũng đều năm trong ý chỉ hoặc sự cho phép của Đức Chúa Trời. Chính Sa-tan, mặc dầu là kẻ chống đối Chúa, nhưng nó cũng phải nhìn nhận điều đó và phải có thái độ tương xứng, chớ không thể làm khác hơn được. Chính bởi lẽ đó mà khi nó muốn hãm hại Gióp thì Sa-tan cũng phải xin phép Chúa và chỉ khi nào Đức Chúa Trời cho phép thì nó mới thực hiện được ý định của nó mà thôi. Điều nầy đã được tường thuật lại trong Gióp 1: 11-12.

GIÓP 1: 11-12 – Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt. Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan rằng: Nầy, các vật người có đều phó trong tay ngươi; nhưng chớ tra tay vào mình nó. Sa-tan bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va.

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng dẫu Sa-tan muốn hại Gióp thì nó cũng không thể làm gì được cho đến khi gợi ý với Chúa như là một cách xin phép Ngài, và khi Chúa chỉ cho phép nó đụng đến các vật thuộc về Gióp mà không được làm hại đến bản thân ông thì Sa-tan cũng không thể giết được Gióp. Đây là một trong những lẽ thật quan trọng về sự tể trị hoàn toàn của Chúa trên cả vũ trụ, từ mọi điều mọi vật cho đến sinh mạng của từng con người trong trần gian. Vì vậy mà chúng ta hiểu rằng tất cả các ơn phước và tai họa đều là do ý chỉ của Chúa hoặc do sự cho phép của Ngài mà chúng mới có thể xãy ra. Sa-tan dẫu vẫn còn duy trì được khả năng cũ của thời gian nó còn là thiên sứ thì nó cũng không thể tự ý làm điều mà nó muốn, nhưng nó phải xin phép Đức Chúa Trời trước và chỉ khi nào bằng lòng thì nó mới làm được mà thôi. Lẽ thật về quyền tể trị của Chúa đã được các thánh nhân trong lịch sữ hiểu rõ và họ đã bày tỏ ra trong Kinh thánh, như điều đã được chép trong Gióp 12: 10.

GIÓP 12: 10 – Trong tay Ngài cầm hồn của mọi vật sống, và hơi thở của cả loài người.

Sự nhận thức như vậy đã truyền quan các đời và chính người xưa cũng đã phải công nhận điều đó, như câu thành ngữ của dân gian rằng Trời kêu ai nấy dạ, có ý muốn nói đến sự tể trị tuyệt đối của Đấng Tạo Hóa trên sự sống của cả loài người. Chính bởi lẽ đó mà ơn phước và tai họa cũng do ý muốn hoặc sự cho phép của Chúa mà có. Thế thì khi người ta nghĩ rằng thần tượng cũng có quyền ban phước và giáng họa thì đó là cả một sự lầm lẫn, bởi vì chỉ có một mình Đức Chúa Trời mới có quyền đó mà thôi.

Vì vậy mà khi Cơ-đốc-nhân nào còn kỵ ngày tháng năm để mong được may mắn, hoặc khi xem sao xem tuổi, đoán số tử vi hoặc xem phong thủy để được hanh thông khỏe mạnh thì người có chưa thật sự có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Quan điểm và sự kiêng ky như vậy đều xuất phát từ người chưa tin và những kẻ thờ lạy thần tượng. Đối với Cơ-đốc-nhân thì việc sống đẹp lòng là bí quyết đầu tiên và quan trọng nhất để có thể nhận được ơn phước từ nơi Chúa.

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

GIÊ-RÊ-MI 44: 27 – Nầy, ta sẽ tỉnh thức đặng xuống họa cho chúng nó mà không xuống phước; mọi người Giu-đa ở trong đất Ê-díp-tô sẽ đều bị vồ nuốt bởi gươm dao đói kém cho đến đã diệt hết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *