CON ĐƯỜNG THEO CHÚA CỦA CƠ-ĐỐC NHÂN 2

CON ĐƯỜNG THEO CHÚA CỦA CƠ-ĐỐC NHÂN 2

Kinh thánh: 1Giăng 1: 5-10

Câu gốc: 1GIĂNG 1: 8 – Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.

Chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua về phần thứ nhất của Chủ đề nầy cách nay mấy tuần và đã biết rằng bước thứ nhất trên con đường theo Chúa của Cơ-đốc-nhân là phải nhận biết rằng mình là người có tội. Nhờ sự nhận biết như vậy mà chúng ta mới có thể nghe được tiếng kêu gọi của Chúa, vì Ngài đến thế gian là để kêu kẻ có tội, chớ không phải đến để kêu kẻ tự xem mình là vô tội hoặc kiêu hãnh cho rằng mình là người công bình. Đó là điều mà tôi đã từng trình bày với quý Hội thánh trước đây và hôm nay thì xin một lần nữa trưng dẫn lại câu gốc ấy ở trong Ma-thi-ơ 9: 13 để chúng ta cùng nhau có thể nhớ lại lời phán của Chúa về bước đầu tiên nầy trên con đường theo Ngài.

MA-THI-Ơ 9: 13 – Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.

Theo như lời phán của Chúa trong câu Kinh thánh nầy thì chỉ những người nhận biết rằng mình có tội mới có thể nghe được tiếng kêu gọi của Chúa mà đến với Ngài. Còn những người khác thì có thể đến và gia nhập vào Hội thánh bởi nhiều lý do khác nhau mà chưa hề nghe được tiếng gọi của Chúa cho đến khi nào họ ý thức được rằng họ là kẻ có tội. Bởi thế cho nên trong Hội thánh thì Cơ-đốc-nhân cần phải được nhắc nhở thường xuyên về tội lỗi để nhờ đó mà thức tỉnh và cũng để cho những người đã gia nhập vào Hội thánh mà chưa từng thật lòng nhận biết trước mặt Chúa rằng mình là kẻ có tội thì những người đó có thể được Chúa cảm động mà thực hiện bước đầu tiên nầy, là bước cần phải có trong tiến trình theo Chúa. Vì vậy mà việc Cơ-đốc-nhân biết nhắc nhở nhau một cách thường xuyên về tội lỗi, nhất là người rao giảng biết cảnh giác con dân Chúa về những nguy hiểm của tội lỗi thì đó là một trong những hành động yêu thương đối với anh chị em của mình trong đức tin, để có thể cùng nhau được thức tỉnh mà bước theo Chúa một cách đúng đắn hầu cho có thể nhận được sự cứu rỗi sau nầy.

Hội thánh của chúng ta tại đây thì đã học biết được điều đó trong những lần học Kinh thánh tối thứ Ba, nhưng nếu có anh chị em nào trên mạng internet mà kiên nhẫn nghe được đến đây thì có lẽ sẽ có thắc mắc để hỏi rằng chẳng phải là Cơ-đốc-nhân đã được Đức Chúa Trời tha thứ hết tội lỗi rồi đó sao kể từ khi mình gia nhập vào một Hội thánh địa phương? Đối với câu hỏi ấy thì tôi tin rằng tất cả chúng ta là những người có mặt sáng hôm nay tại đây đều có thể trả lời được một cách dễ dàng nhưng dầu vậy thì tôi cũng xin thay mặt quý Hội thánh để trả lời cho các anh chị em khác rằng một người chỉ nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời khi đã có lòng ăn năn thật mà thôi. Và một tấm lòng ăn năn thật chỉ có thể xuất phát từ sự nhận biết rằng mình có tội. Ngoài điều ấy ra thì sự gia nhập vào một Hội thánh địa phương không thể giúp cho một người nhận được sự tha tội từ nơi Chúa. Bởi vì nếu một người không tự nhận biết rằng mình có tội thì đâu cần có sự tha thứ. Trong Kinh thánh không có một chỗ nào cho biết rằng Đức Chúa Trời tha thứ cho kẻ tự kể rằng mình là vô tội hoặc là những kẻ không có lòng ăn năn thật.

Ngoài ra thì chúng ta cũng phải nhận biết rằng sự tha thứ của Chúa đối với một người có lòng ăn năn thật là tha thứ hết mọi tội lỗi mà người đó đã phạm trong quá khứ, cả tội lớn và nhỏ, và điều đó được gọi là ân điển nhưng không, bởi vì vào ngay thời điểm quỳ gối xưng tội và cầu nguyện tin nhận Chúa thì người tân tín hữu chưa từng làm một điều gì xứng đáng trước mặt Chúa. Nhưng sau khi đã tin nhận Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân vẫn còn có những lúc yếu đuối và còn có lúc phạm tội. Đó là một thực tế không thể chối cãi được trong đời sống của tất cả các Cơ-đốc-nhân trên đất. Chính vì vậy mà lời của Chúa cho biết là nếu Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng, hoặc bất cứ ai rao giảng rằng, sau ngày tin Chúa thì Cơ-đốc-nhân đã được kể là hoàn toàn vô tội, thì người đó là đang nói dối với chính mình, nói dối với anh chị em trong đức tin và nói dối với chính Đức-Thánh-Linh, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong 1Giăng 1: 8.

1GIĂNG 1: 8 – Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.

Đây là lời thư mà sứ đồ Giăng đã viết cho các Cơ-đốc-nhân thuộc thời kỳ Hội thánh đầu tiên, là những người đã cầu nguyện tin nhận Chúa rồi và là thành viên của các Hội thánh địa phương lúc bấy giờ. Quý Hội thánh cũng nên để ý đến chữ chúng ta mà sứ đồ Giăng đã dùng trong câu gốc nầy. Chữ ấy có nghĩa là bao gồm luôn cả chính ông nữa, và ông cho biết rằng ngay cả sau khi đã ăn năn tin nhận Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân vẫn có những lúc yếu đuối và phạm tội, chớ không phải là tất cả đều được kể là hoàn toàn vô tội trong ân điển tha thứ của Chúa.

Chúng ta cần phải nhớ rằng sự tha thứ của Chúa vào thời điểm của một người quỳ gối xưng tội và cầu nguyện tin nhận Chúa là tha thứ hết mọi tội lỗi mà người đó đã phạm trong quá khứ. Không có chỗ nào trong Kinh thánh ghi lại rằng vào thời điểm ấy Chúa cũng hứa là sẽ tha luôn tội lỗi mà họ sẽ phạm trong tương lai. Đây là điểm mà có rất nhiều Cơ-đốc-nhân bị lầm lẫn. Vì vậy mà chúng ta cũng cần phải nhận biết rằng sự cầu thay của Đức Chúa Jêsus cho những kẻ phạm tội không phải là lời hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ hết mọi tội lỗi mà Cơ-đốc-nhân sẽ phạm trong tương lai. Nói như vậy thì không có nghĩa là lời cầu thay của Đức Chúa Jêsus không có linh nghiệm, nhưng sự cầu thay của Chúa là chỉ dành cho những kẻ phạm tội mà có lòng ăn năn thật và sự cầu thay của Ngài chỉ dành cho những tội lỗi mà Cơ-đốc-nhân đã phạm không phải vì sự cố ý. Xin chúng ta cùng đọc lại một số câu Kinh thánh có liên quan đến lẽ thật nầy, vì đây là một trong những điểm rất quan trọng trong bước đầu tiên trên con đường theo Chúa của Cơ-đốc-nhân. Câu thứ nhất là ở trong 1Giăng 2: 1.

1GIĂNG 2: 1 – Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình.

Trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được rằng sứ đồ Giăng đang khuyên con dân đừng phạm tội. Liền ngay sau đó thì ông lại viết rằng nếu có ai phạm tội thì sẽ được Đức Chúa Jêsus cầu thay cho. Điểm đặc biệt đáng để ý tại đây là chữ nếu trong câu Kinh thánh nầy. Chữ ấy giúp cho chúng ta hiểu được rằng sứ đồ Giăng đang đề cập đến sự phạm tội một cách vô tình hoặc sự phạm tội mà không có chủ ý trước. Nói một cách khác thì chúng ta phải hiểu ý nghĩa trong lời của Chúa là như thế nầy: Sứ đồ Giăng viết cho các con dân Chúa những điều ấy, hầu cho Cơ-đốc-nhân khỏi phạm tội. Nhưng nếu lỡ có ai vô tình phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ. Đó là ý nghĩa chính xác trong lời của Chúa, bởi vì sự nhắc nhở đừng phạm tội không thể nào đi đôi với sự cố ý phạm tội. Mạng lệnh đừng phạm tội chỉ có thể đi đôi với sự vô tình phạm tội mà thôi. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa trong Kinh thánh đã phân biệt ra hai sự phạm tội khác nhau theo phương diện tổng quát, đó là sự vô tình phạm tội và sự cố ý phạm tội. Bởi sự khác nhau như vậy mà lời của Chúa cũng có cách đối xử khác nhau với cả hai trường hợp, như đã được bày tỏ qua các câu gốc sau đây:

GA-LA-TI 6: 1 – Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại. Chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng.

Đối với sự vô tình phạm tội mà ở đây Kinh thánh đã dùng chữ là tình cờ, thì lời của Chúa đã dạy dỗ rằng Cơ-đốc-nhân phải lấy lòng mềm mại mà sửa người phạm tội lại, tức là nhắc nhở cho người đó biết sự phạm tội của họ và đồng thời cũng sẳn sàng tha thứ khi người đó biết ăn năn. Đây là sự phạm tội mà Đức Chúa Jêsus sẽ cầu thay cho kẻ có tội trước mặt Đức Chúa Trời để họ được tha thứ. Nhưng đối với sự phạm tội cố ý hay có chủ định trước, thì sẽ chẳng bao giờ được tha, như lời của Chúa đã khẳng định trong Hê-bơ-rơ 10: 26-27.

HÊ-BƠ-RƠ 10: 26-27 – Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.

Các câu Kinh thánh nầy được viết ra để dành riêng cho Cơ-đốc-nhân, vì việc theo Chúa được kể như là đã nhận biết lẽ thật rồi theo như chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho con người. Ngoài ra thì chúng ta cũng phải nhận biết rằng đây là lời của Chúa được viết ra sau khi Đức Chúa Jêsus đã chịu đóng đinh trên thập tự giá để làm của lễ chuộc tội cho cả nhân loại. Điều nầy có nghĩa rằng trong thời kỳ ân điển thì đối với các Cơ-đốc-nhân đã nhận biết lẽ thật về sự cứu rỗi trong Đấng Christ mà còn cố tình phạm tội thì không còn có của lễ nào nữa để chuộc tội cho họ và những kẻ ấy phải chịu hình phạt của sự hư mất mà thôi.

Lý do khiến cho những người đã trở thành Cơ-đốc-nhân rồi mà không nhận được sự tha thứ là vì họ cứ cố tình phạm tội mãi và điều đó được xem như là tiếp tục đóng đinh Đức Chúa Jêsus lên thập tự giá và sỉ nhục danh Ngài giữa vòng người ngoại bởi sự phạm tội của họ, như lời Kinh thánh đã cho biết trong Hê-bơ-rơ 6: 4-6.

HÊ-BƠ-RƠ 6: 4-6 – Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể nào khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đã đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài bị sỉ nhục tỏ tường.

Các câu Kinh thánh nầy cho thấy rằng nếu Cơ-đốc-nhân cứ cố tình phạm tội và bởi điều đó mà sỉ nhục Đấng đã chịu chết cho mình trước mặt người ngoại, làm cho danh Ngài bị người ta chê cười, thì làm sao Đấng Christ có thể cầu thay cho những kẻ cứ tiếp tục đóng đinh Ngài lần nầy sang lần khác và coi thường Ngài bởi sự sỉ nhục giống như vậy? Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương, nhưng sự yêu thương của Ngài là yêu thương theo lẽ thật, chớ không phải là yêu thương một cách mù quáng, tức là sự yêu thương mà cứ tiếp tục tha thứ cho kẻ nhiều lần sỉ nhục Ngài bởi sự cố tình phạm tội của họ, là kẻ cứ cố tình làm lu mờ và làm ô nhơ danh vinh hiển của Ngài trước mặt người ngoại.

Chính bởi lẽ ấy mà lời của Chúa cũng cho biết thêm là đối với sự cầu thay thì Cơ-đốc-nhân phải nhận biết rằng tội lỗi nào thì mình nên cầu thay cho người phạm tội và tội lỗi nào thì chúng ta không cần phải cầu thay cho, mà dẫu có cầu thay thì cũng sẽ không linh nghiệm, như lời của Chúa đã có đề cập đến trong 1Giăng 5: 16.

1GIĂNG 5: 16 – Ví có kẻ thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết. Ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.

Rõ ràng là trong 2 câu Kinh thánh nầy thì sứ đồ Giăng đã được Đức-Thánh-Linh cảm động để cho con dân Chúa biết rằng tội lỗi nào thì nên cầu thay và tội lỗi nào thì không cần cầu thay, bởi vì có cầu thay cho người phạm tội thì cũng vô ích. Điều nầy giúp cho chúng ta hiểu được rằng những tội không thể cầu thay được là tội cố ý, vì Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ tha thứ cho người cứ sỉ nhục Ngài bằng việc cố tình phạm tội. Bởi vì nếu con dân Chúa cứ tiếp tục cầu thay cho kẻ cố ý phạm tội thì điều đó chẳng khác gì bảo họ rằng cứ tiếp tục đóng đinh Đức Chúa Jêsus và sỉ nhục Ngài đi, không sao đâu, chúng tôi sẽ cầu thay cho. Sự cầu thay như vậy là đồng lõa với kẻ phạm tội để sỉ nhục Chúa và làm cho Cơ-đốc-giáo trở thành trò cười của người thế gian. Ma quỉ là kẻ cứ cố tình phạm tội cho đến ngày nay, vì vậy mà hình phạt của nó đã dành sẳn nơi hỏa ngục. Cũng một thể ấy, kẻ cứ cố tình phạm tội để sỉ nhục Chúa là những kẻ đang đi trên con đường của ma quỉ chớ không phải là đang đi trên con đường của Đức Chúa Jêsus.

Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng những lời mà Chúa đã dạy dỗ về sự cố ý phạm tội là dành cho Cơ-đốc-nhân, tức là những người đã biết lẽ thật trong Kinh thánh, dầu nhiều hay ít. Sự cố tình phạm tội không áp dụng cho người chưa tin, vì họ chưa biết gì về các lẽ thật ấy. Đó là điều mà lời của Chúa đã khẳng định trong Rô-ma 4: 15.

RÔ-MA 4: 15- Vì luật pháp sanh ra sự giận. Song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp.

Luật pháp và lương tâm là một chủ đề lớn mà tôi sẽ xin được cùng suy gẫm với quý Hội thánh trong một dịp khác, nhưng hôm nay với câu gốc nầy thì chúng ta có thể hiểu rằng hễ người nào chưa biết luật pháp thì chưa bị kể là kẻ có tội. Cũng một thể ấy khi người ngoại chưa biết lẽ thật về sự cố tình phạm tội thì chúng ta không thể nói rằng việc họ miệt mài trong tội lỗi sẽ không được tha thứ. Chính bởi lẽ đó mà tất cả những thân hữu có lòng ăn năn thật đến xưng tội và tin nhận Chúa đều được tha thứ, bao gồm luôn cả những tội lỗi mà họ đã cố tình phạm phải trong quá khứ. Nhưng khi đã trở thành Cơ-đốc-nhân rồi thì sự cố tình phạm tội sẽ không được tha. Đó là một trong những lý do mà Đức Chúa Jêsus đã cho biết là con đường theo Chúa để đến Thiên đàng là con đường hẹp rất khó đi, ít người có thể đi được cho đến cuối cùng.

Như vậy đến đây thì chúng ta có thể hiểu được rằng bước thứ nhất trên con đường theo Chúa của Cơ-đốc-nhân là nhận biết rằng mình có tội. Sự nhận biết nầy không chỉ cần thiết khi đến với Chúa lúc ban đầu, mà cũng cần thiết sau khi đã tin nhận Chúa rồi, theo như lời của sứ đồ Giăng đã bày tỏ trong thư 1Giăng 1: 8. Như điều mà tôi đã trình bày cùng với quý Hội thánh khi nãy thì lời của Giăng trong câu gốc nầy cho thấy rằng ông đang viết cho Cơ-đốc-nhân, tức là cho những người đã tin Chúa rồi. Giăng cho biết là dầu họ đang theo Chúa nhưng tội lỗi vẫn còn có ở trong họ, và đó là một thực tế của đời sống cũng như là một lẽ thật trong Kinh thánh. Cho nên nếu ai rao giảng rằng Cơ-đốc-nhân sau khi tin Chúa rồi không còn bị kể là kẻ có tội nữa thì người đó là đang nói dối với chính mình, nói dối với người nghe và nói dối với Đức-Thánh-Linh, tức là Thần Lẽ Thật. Theo lời của sứ đồ Giăng trong câu gốc nền tảng thì một người như vậy là người không hiểu lẽ thật trong Kinh thánh và không có sự hướng dẫn của Đức-Thánh-Linh. Chúng ta cùng nhau đọc lại câu gốc nền tảng sáng hôm nay một lần nữa thì sẽ thấy rõ được điều đó.

1GIĂNG 1: 8 – Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.

Cơ-đốc-nhân chúng ta thử trả lời câu hỏi nầy thì sẽ hiểu được tại sao sứ đồ Giăng đã viết những lời vừa được trưng dẫn. Câu hỏi ấy là: Từ sau khi tin Chúa cho đến nay thì con dân Chúa có còn phạm tội không? Chắc chắn là mọi người đều nói rằng có và cũng chắc chắn rằng nhiều Cơ-đốc-nhân sẽ có những lúc yếu đuối trong đời sống mình cho đến khi qua đời. Đó là một thực tế không thể chối cãi. Vì vậy khi một người nói rằng mình không còn có tội chi hết sau khi tin nhận Chúa, hoặc một người nào đó rao giảng rằng Cơ-đốc-nhân không còn bị kể là người có tội nữa, thì những người như vậy là đang nói dối, không có lẽ thật và không có Đức-Thánh-Linh, vì chữ lẽ thật trong câu gốc nầy cũng có ý bao gồm luôn cả sự hiện diện của Đức-Thánh-Linh, tức là Thần Lẽ Thật, như lời của Đức Chúa Jêsus đã cho biết trong Giăng 16: 13.

GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Trong câu gốc nầy thì chính Đức Chúa Jêsus đã khẳng định rằng khi nào Đức-Thánh-Linh ngự vào đời sống của một người, thì Ngài sẽ giúp cho người đó hiểu được mọi lẽ thật trong Kinh thánh, bao gồm cả lẽ thật về sự nhận biết rằng mình vẫn còn yếu đuối và phạm tội sau khi đã tin nhận Chúa. Nhưng sự nhận biết như vậy không phải là cái cớ để làm cho Cơ-đốc-nhân cứ miệt mài ở trong tội lỗi, mà là một sự cảnh giác để giúp cho con dân Chúa biết sẳn lòng ăn năn mỗi một khi được Đức-Thánh-Linh cáo trách, giống như trường hợp vua Đa-vít đã làm khi bị tiên tri Na-than cáo trách về sự phạm tội tà dâm của ông với bà Bát-sê-ba. Nhưng khi một người không nhận biết lẽ thật nầy, tức là không được Đức-Thánh-Linh dạy dỗ và nhắc nhở để nhận biết rằng mình có tội, thì người đó sẽ cứ lầm tưởng rằng mình đã được kể là vô tội rồi kể từ sau ngày tin nhận Chúa, và cũng lầm tưởng rằng bất kể là sau đó mình có phạm tội gì đi nữa thì cũng sẽ được Chúa cầu thay và tha thứ cho. Sự lầm lẫn như vậy sẽ làm cho người đó cứ phạm tội một cách cố ý, tức là cứ tiếp tục miệt mài trong tội lỗi cho đến ngày qua đời mà không bao giờ ăn năn, để rồi hậu quả cuối cùng sẽ là sự trừng phạt đời đời chớ không phải là sự sống đời đời đâu.

Chính tại điểm nầy mà chúng ta cần phải để ý đến mưu chước lừa dối của ma quỉ đối với những người đã cầu nguyện tin Chúa rồi và đã trở thành Cơ-đốc-nhân. Ấy là ma quỉ luôn luôn cám dỗ Cơ-đốc-nhân để phạm tội, nhất là phạm tội một cách cố ý, nhưng bề mặt thì nó lại nói nho nhỏ vào trong lỗ tai của Cơ-đốc-nhân rằng cứ phạm tội đi nhưng sẽ không bị kể là kẻ có tội đâu. Sự lừa dối của Sa-tan trong vấn đề nầy đã được nó thực hiện từ ban đầu khi nó lừa dối bà Ê-va trong vườn Địa đàng. Lúc ấy nó bảo bà Ê-va rằng cứ ăn trái cấm đi vì không có chết đâu, tức là không bị kể là kẻ có tội và bởi đó sẽ không phải chịu hậu quả của sự phạm tội theo như lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời. Cách thức của ma quỉ là luôn luôn cám dỗ loài người để hiểu ngược và làm ngược lại với lời phán của Chúa. Xin chúng ta cùng đọc lại các câu Kinh thánh trong Sáng thế ký thì sẽ thấy được điều đó.

SÁNG THẾ KÝ 2: 15-17 – Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn. Rồi Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả của các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.

SÁNG THẾ KÝ 3: 4-5 – Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, thì sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.

Chúng ta biết rằng ma quỉ vẫn thường sử dụng Kinh thánh một cách sai lầm để lừa dối con dân Chúa, bởi vì chính nó cũng đã từng dùng lời Kinh thánh để cám dỗ Đức Chúa Jêsus. Chính bởi lẽ đó mà khi lời của Chúa cho biết là Đấng Christ hiện nay đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời để cầu thay cho những kẻ phạm tội thì nó liền dùng câu Kinh thánh ấy một cách sai lầm để lừa dối Cơ-đốc-nhân rằng con dân Chúa cứ tiếp tục phạm tội đi, ngay cả việc phạm tội một cách cố tình, thì vẫn không bị kể là kẻ có tội vì đã có Đức Chúa Jêsus cầu thay cho rồi.

Như tôi đã vừa trình bày khi nãy thì chúng ta cần phải nhận biết rằng sự cầu thay của Đức Chúa Jêsus cho Cơ-đốc-nhân là cầu thay về những tội lỗi vô tình phạm phải, chớ không phải là cầu thay cho những tội cố ý. Nhưng ma quỉ thì lại chỉ dùng có phần Kinh thánh nói về sự được Đức Chúa Jêsus cầu thay mà cám dỗ Cơ-đốc-nhân cứ tiếp tục sống trong tội lỗi, nhất là cứ cố tình phạm tội không ngừng. Nó làm cho Cơ-đốc-nhân ngủ mê trên sự được Đức Chúa Jêsus cầu thay để con dân Chúa không còn chú ý đến việc cố gắng đừng phạm tội nữa sau khi đã ăn năn và đã được Chúa tha thứ cho. Chính vì vậy mà đã có nhiều người cứ rao giảng rằng Cơ-đốc-nhân không cần phải lo lắng về tội lỗi nữa, vì đã được kể là công bình rồi kể từ ngày tin nhận Chúa. Sự giảng thuyết của họ là bảo con dân Chúa cứ sống thoải mái vô tư chờ ngày vào Thiên đàng. Bởi lẽ đó mà đa số các Cơ-đốc-nhân ngày nay thích nghe về phước và chuyện phiếm trong thế gian hơn là chú ý đến tội lỗi, chú ý đến những điều đúng điều sai, điều cần phải làm và điều cần nên tránh. Trong khi đó thì lời của Chúa trong Kinh thánh thì phán dạy khác hẳn, như các câu Kinh thánh mà chúng ta đã từng suy gẫm qua và sẽ còn tiếp tục được nhắc lại nữa để chúng ta được thức tỉnh luôn luôn theo mạng lệnh mà Đức Chúa Jêsus đã phán. Những câu gốc ấy là trong Phi-líp 2: 12.

PHI-LÍP 2: 12 – Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.

Mặc dầu Cơ-đốc-nhân chúng ta theo Chúa với tâm tình vui vẽ tạ ơn Ngài vì đã biết Chúa, được tha thứ và được làm con cái của Ngài, nhưng một tinh thần tỉnh thức trong sự sợ sệt và run rẫy vẫn là yếu tố cần thiết để con dân Chúa có thể nhận biết sự cám dỗ và lừa dối của ma quỉ trong việc sử dụng sai lời Kinh thánh. Nó như là một con sư tử hung bạo đang dạo quanh con dân Chúa, nhưng nếu Cơ-đốc-nhân cứ ung dung, thoải mái như đang đi dạo trên một con đường rộng rãi và khoảng khoát của sự thờ ơ với các lẽ thật trong Kinh thánh thì chẳng sớm thì muộn Cơ-đốc-nhân cũng sẽ gặp nguy hiểm cho linh hồn mình. Khi chính một thánh đồ như Phao-lô mà còn phải có tâm tình sơ sệt run rẩy vì hiểm họa của sự bị ma quỉ dẫn dụ mà phạm tội, thì những Cơ-đốc-nhân bình thường như chúng ta cần phải sợ sệt và run rẩy hơn biết chừng nào. Lời của Phao-lô đã viết ra trong Kinh thánh đáng phải là lời nhắc nhở chúng ta về bước đầu tiên nầy trên con đường theo Chúa, là nhận biết rằng mình có tội trước và ngay cả sau khi đã tin nhận Ngài.

1CÔ-RINH-TÔ 9: 27 – Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.

Sự Phao-lô đãi thân thể của ông một cách nghiêm khắc là có ý muốn nói đến việc từ chối sự tham muốn của bản ngã và xác thịt để khỏi phải phạm tội một cách cố ý. Trong khi tâm tình của Phao-lô là như vậy và đáng cho Cơ-đốc-nhân chúng ta noi theo, thì trong Hội thánh chung lại có những kẻ làm công cụ cho ma quỉ khi tuyên bố với con dân Chúa là Cơ-đốc-nhân đã được kể là hoàn toàn vô tội rồi kể từ sau khi tin nhận Chúa. Từ đó họ suy diễn và lừa dối Cơ-đốc-nhân bằng cách rao giảng rằng bất cứ tội lỗi nào mà con dân Chúa phạm phải sau ngày tin nhận Chúa đều sẽ được tha, ngay cả tội cố tình. Rao giảng như vậy là thông đồng với mưu chước của ma quỉ, với cách mà nó đã cám dỗ bà Ê-va từ buổi đầu tiên. Đây là điều đáng lo ngại đã xãy ra trong Hội thánh chung kể từ thời của các sứ đồ, như câu Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay đã bày tỏ. Đối với những kẻ rao giảng như vậy thì họ nghĩ rằng Cơ-đốc-nhân phải được Đức Chúa Trời tha thứ hết mọi tội, ngay cả tội phạm một cách cố ý, thì như vậy mới được kể là trọn vẹn và xứng đáng cho Thiên đàng. Nhưng thật ra thì đối với nguyên tắc và tiêu chuẩn của Chúa thì khi con dân Ngài không cố ý phạm tội thì đã được kể là người trọn vẹn rồi, như lời Kinh thánh đã có khẳng định trong Thi thiên 19: 13.

THI THIÊN 19: 13 – Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; Nguyện tội ấy không cai trị tôi, thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng.

Theo như lời của vua Đa-vít được Đức-Thánh-Linh soi dẫn để viết ra trong câu gốc nầy thì khi con dân Chúa không cố tình phạm tội thì đã được kể là người không chỗ trách được, tức là người được kể là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời. Cũng theo ý nghĩa của câu gốc nầy thì sự phạm tội một cách cố ý bị kể là tội trọng, là tội đến nỗi chết, là tội sẽ không bao giờ được tha thứ, như đã được đề cập đến trong 1Giăng 5: 16. Bởi lẽ ấy đối với bước thứ nhất nầy trên con đường theo Chúa của Cơ-đốc-nhân thì khi con dân Chúa nhận biết rằng mình có tội thì điều đó sẽ giúp cho chúng ta được thức tỉnh về tội phạm một cách vô tình để mau chóng ăn năn, vì đó là bước cần thiết thứ hai trên con đường theo Chúa. Sự nhận biết rằng mình có tội đồng thời cũng giúp cho Cơ-đốc-nhân có thể ý thức được về mối nguy hiểm của việc cố ý phạm tội để chúng ta không bao giờ phạm phải tội ấy hầu cho chính mình có thể được kể là người trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời đang khi còn sống giữa thế gian nầy.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục soi sáng cho Cơ-đốc-nhân trên con đường theo Chúa hầu cho chúng ta có thể nhận biết được mỗi một bước đi là cần thiết và quan trọng như thế nào. Cầu xin Đức Chúa Trời dùng lời của Ngài để giúp cho chúng ta càng ngày càng vững bước và tự tin hơn nữa đang khi theo Ngài giữa trần gian. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục giải bày các lẽ thật trong Kinh thánh một cách rõ ràng và chi tiết để chúng ta có thể thông hiểu, để chúng ta có thể làm theo hầu cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời từ nay cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *