THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Ê-phê-sô 5: 20

CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ CÁC ƠN PHƯỚC CHÚA

Ê-PHÊ-SÔ 5: 20 – Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.

– Sự tạ ơn Chúa phải là việc làm thường xuyên của Cơ-đốc-nhân, hoặc là mỗi ngày, hoặc là trong lời cầu nguyện mỗi một lần đến với Chúa.
– Sự tạ ơn Đức Chúa Trời phải được làm trong danh của Đức Chúa Jêsus Christ, có nghĩa là phải đặt nền tảng trên lời Kinh thánh, chớ không phải tạ ơn theo ý riêng.
– Phải tạ ơn Chúa trong mọi sự chớ không phải chỉ những sự làm vừa ý mình mà thôi. Vì vậy ngay cả khi gặp phải những điều bất như ý thì cũng phải tạ ơn Chúa, vì xem đó như là những điều Chúa cho phép xãy ra để dạy dỗ con dân Ngài.
– Vì Chúa là Cha thiên thượng của chúng ta nên Ngài dạy dỗ con dân Ngài trong mọi honà cảnh, bằng mọi điều mà Ngài cho phép xãy ra. NHờ nhận biết như vậy mà Cơ-đốc-nhân có thể tạ ơn Chúa trong mọi sự.

Theo tâm lý chung của con người thì ai cũng thích mình được phước. Cơ-đốc-nhân cũng có cùng tâm lý đó, vì một trong những nguyên nhân mà chúng ta tìm đến với Chúa và trung tín theo Ngài cho đến ngày hôm nay là vì chúng ta muốn được phước. Và phước lớn nhất mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho Cơ-đốc-nhân là được gọi Đấng Tạo Hóa là Cha và sẽ được ở cùng Ngài trong Thiên đàng vinh hiển trong tương lai. Nhưng thực tế mà nói thì Cơ-đốc-nhân vẫn thường chú ý đến những ơn phước trong trần gian nầy hơn. Hôm nay nhân ngày Chúa nhật đầu năm của năm mới Âm lịch 2021 tôi xin được cùng quý Hội thánh suy gẫm về các ơn phước mà Đức Chúa Trời vẫn thường ban xuống cho con người, đặc biệt là cho Cơ-đốc-nhân.

Khi thật sự muốn nghiên cứu về các ơn phước trong Chúa một cách chi tiết và cẩn trọng thì Chủ đề nầy rất bao quát và phải cần nhiều thời gian để có thể suy gẫm một cách đầy đủ về tất cả các ơn phước. Vì như điều mà tôi vẫn thường thưa trình với quý Hội thánh thì Đức Chúa Trời đã dùng Kinh thánh để dạy dỗ con dân Ngài rất nhiều vấn đề trong đời sống nầy. Khi người trong thế gian cho biết rằng đối với những người cha người mẹ cẩn thận và có quy tắt thì họ thường dạy con một cách kỹ lưỡng, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, để con có thể nên người, giống như kiểu học ăn học nói học gói học mở, thì Đức Chúa Trời dạy dỗ con cái Ngài càng kỹ lưỡng trăm lần hơn, để chúng ta có thể xứng đáng với Thiên đàng và đồng trị với Chúa trong cả cõi vũ trụ nầy. Vì vậy mà tất cả những chủ đề cần thiết trong Kinh thánh đều được Chúa dạy dỗ một cách cho tiết, bao gồm luôn cả những điều có liên quan đến các ơn phước và tôi xin cậy ơn Chúa để cùng với quý Hội thánh suy gẫm về chủ đề nầy. Dầu vậy thì cũng giống như các chủ đề khác tôi sẽ thay đổi đề tài xen kẻ với nhau để chúng ta cùng suy gẫm được nhiều phương diện có cần và có liên quan đến con đường theo Chúa của chúng ta trong trần gian nầy.

Khi nói về phước thì chúng ta cần phải biết rằng có 2 loại phước chính yếu, đó là phước thuộc linh và phước thuộc thể. Các ơn phước về phương diện thuộc linh là những ân điển và sự ban cho của Đức Chúa Trời có liên quan đến đức tin để giúp cho Cơ-đốc-nhân có thể theo Chúa bền đỗ cho đến cuối cùng. Còn các ơn phước thuộc thể là những sự ban cho có liên quan đến đời sống của con người những ngày còn ở trên thế gian. Khi mở rộng hơn nữa về 2 loại phước ấy thì lời của Chúa trong Kinh thánh cho biết là có sự khác nhau giữa các ơn phước mà Đức Chúa Trời ban cho con người. Đó là phước về tinh thần, phước về tài năng, phước về sức khỏe, phước về tài chánh vật chất và phước về gia đình. Mặc dầu có sự khác nhau những những ơn phước nầy cũng có thể hòa trộn và đem lại kết quả như nhau hoặc bồ sung cho nhau. Vì vậy mà khi chúng ta nghiên cứu về các ơn phước trong Chúa thì sẽ có nhiều điều để học hỏi và chúng ta sẽ được khích lệ nhiều lắm khi hiểu được rằng tại sao Đức Chúa Trời lại ban phước cho người nầy hay người kia một cách khác nhau, hoặc là chỉ một cá nhân mà lại nhận được nhiều ơn phước trong Chúa. Bởi lẽ đó mà chúng ta cần phải biết rằng tất cả các ơn phước mà Đức Chúa Trời ban cho con người thì đều bắt nguồn từ ba nguyên nhân chính: Thứ nhất là để khích lệ, thứ hai là để tưởng thưởng và thứ ba là để thử thách.

Để tóm tắt lại hầu cho quý Hội thánh có thể nhớ được dể dàng thì các ơn phước của Chúa có 2 loại, là phước thuộc linh và phước thuộc thể. Phước thuộc thể thì có 5 dạng, là phước về tinh thần, phước về tài năng, phước về sức khỏe, phước về tài chánh vật chất và phước về gia đình. Tất cả các ơn phước ấy đều bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: Ấy là để khích lệ, tưởng thưởng hoặc để thử thách. Trong chủ đề nầy thì tôi sẽ có dịp nhắc nhắc đi nhắc lại các loại ơn phước ở trong Chúa và quý Hội thánh sẽ có thể ghi nhớ mà không bị lầm lẫm.

Để bắt đầu thì tất cả Cơ-đốc-nhân chúng ta đều phải nhận biết rằng trong cả vũ trụ nầy chỉ có một mình Đức Chúa Trời là Đấng ban phước cho con người mà thôi, ngoài Chúa ra thì không còn có ai khác có thể ban phước được cho con người. Những người chưa tin thì vẫn tưởng rằng thần tượng có khả năng ban phước, nhưng theo lời Kinh thánh cho biết thì thần tượng chỉ là sáng tác của trí não con người mà thôi nên không thể làm gì được, nhất là không thể ban phước cho con người, như lời Kinh thánh có ghi lại trong Giê-rê-mi 10: 2-5.

GIÊ-RÊ-MI 10: 2-5 – Đức Giê-hô-va phán như vầy: Chớ tập theo tục của các dân ngoại, chớ sợ các dấu trên trời, mặc dầu dân ngoại nghi sợ các dấu ấy. Vì thói quen của các dân ấy chỉ là hư không. Người ta đốn cây trong rừng, tay thợ lấy búa mà đẽo, rồi lấy bạc vàng mà trang sức, dùng búa mà đóng đinh vào, đặng khỏi lung lay. Các thần ấy tiện như hình cây chà là, không biết nói, không biết đi, nên phải khiêng. Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước.

Ý tưởng của Chúa trong các câu Kinh thánh nầy mà muốn dạy dỗ con dân Ngài về tất cả các loại thần tượng trong thế gian, vốn là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Họ tưởng rằng những thần tượng như vậy có thể ban phước được cho họ, nhưng thực ra thì chỉ có một mình Đức Chúa Trời là Đấng có quyền ấy mà thôi, vì Ngài tể trị cả vụ trụ nầy một cách hoàn toàn. Chính Ngài là Đấng đã dựng nên vũ trụ và nếu không bởi sự cho phép và ý muốn của Ngài thì không có một điều nào tự nhiên mà xãy đến, nhất là về phương diện ơn phước. Ấy cũng bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân cần phải biết sống đẹp lòng Chúa để được Ngài ban phước cho, vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình, là Đấng thưởng phạt phân minh nên những người đẹp lòng Ngài đều được ban phước.

Nhưng trước khi trình bày xa hơn thì tôi xin được giải đáp một trong những thắc mắc về ơn phước, đó là tại sao người chưa tin, dầu rằng không có thờ phượng Đức Chúa Trời và sống đẹp lòng Ngài, nhưng lại được phước và thậm chó nhiều khi có phước còn hơn là Cơ-đốc-nhân nữa. Đây là thắc mắc mà có nhiều Cơ-đốc-nhân đã nêu lên, và cũng có nhiều người không hề hỏi tới, chỉ giữ trong lòng mà thôi, nhưng lại làm cho các anh chị em ấy sinh ra hoài nghi, hoang mang, thối lui đức tin vì nghĩ rằng theo Chúa bao nhiêu năm mà được phước thì lại ít hơn là người ngoại nữa.

Sự thắc mắc như vậy xuất phát từ việc có nhiều Cơ-đốc-nhân chưa hiểu về sự khác nhau giữa các loại ơn phước ở trong Chúa và cũng vì trong Hội thánh chung ít khi nói về chủ để nầy một cách chi tiết. Mặc dầu khuynh hướng của thời đại ngày hôm nay là Cơ-đốc-nhân chỉ muốn nghe về ơn phước không mà thôi và người rao giảng chỉ muốn đề cập đến ơn phước nhằm để thu hút nhiều người đi nhà thờ, nhưng những ơn phước thường được đề cập đến đều chỉ giới hạn trong các loại ơn phước thuộc thể, nhất là trong hai phương diện của tiền bạc và sức khỏe. Ơn phước về hạnh phúc gia đình cũng có khi được đề cập đến nhưng bao giờ thì cũng ít thường xuyên hơn là hai ơn phước kia. Còn về phương diện thuộc linh thì người ta chỉ nhắc đến ơn nói tiếng lạ và chữa bệnh mà thôi, còn những ơn phước khác thì hầu như không bao giờ nói đến. Chính bởi lẽ đó mà có nhiều Cơ-đốc-nhân cứ hoang mang và thắc mắc là tại sao có nhiều người chưa tin lại được phước nhiều hơn là con dân Chúa, hoặc nói cho chính xác hơn là người ngoại thường giàu sang, có tài năng và nổi tiếng hơn Cơ-đốc-nhân. Sự thắc mắc và hoang mang như vậy là một trong những lý do mà lời của Chúa cho biết phải cố gắng suy gẫm và nghiên cứu lời của Chúa để học biết nhiều hơn về lẽ thật và để đức tin của chúng ta được mạnh mẽ và vững vàng trong khi theo Chúa cho đến cuối cùng. Ý muốn đó của Đức Chúa Trời đã được Kinh thánh ghi lại trong 1Ti-mô-thê 2: 4.

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Vì muốn ấy mà chúng tôi cố gắng hết sức để giải bày những lẽ thật trong Kinh thánh cho con dân Chúa để chúng ta cùng nhau có thể được đẹp lòng Đức Chúa Trời khi biết làm theo ý muốn của Ngài và nhờ đó mà được phước luôn trong những tháng ngày trần gian. Đối với thắc mắc vừa được nêu đến khi nãy thì chúng ta có hai lời giải thích thế nầy từ trong Kinh thánh. Thứ nhất thì những phước mà chúng ta thấy người ngoại có được đều là những ơn phước phiến diện, không toàn hảo, vì họ được phước mặt nầy mà lại mất phước ở phương diện khác, chẳng hạn như như việc được giàu có mà con cái hư hỏng, nghiện ngập, hoặc trường hợp được của cải nhiều mà đau bệnh và qua đời sớm. Ngoài ra thì còn nhiều thí dụ điển hình khác nữa mà chúng ta vẫn thường thấy xãy ra trong thực tế. Còn những ơn phước mà Đức Chúa Trời ban cho thì lại hoàn hảo, trọn vẹn và đem lại được sự thỏa lòng lớn cho con dân Ngài, như lời Kinh thánh đã mô tả trong Châm ngôn 10: 22.

CHÂM NGÔN 10: 22 – Phước lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào.

Chữ giàu có trong câu Kinh thánh nầy bao gồm cả ý nghĩa thuộc linh và thuộc thể, chớ không phải chỉ có ý nói đến ơn phước vật chất không mà thôi. Và khi một người được Đức Chúa Trời ban phước thì niềm vui của người ấy sẽ được trọn vẹn trong mọi mặt.

Còn lời giải thích thứ hai về việc người ngoại được nhiều ơn phước hơn Cơ-đốc-nhân thì đó là vì các ơn phước ấy được Chúa dùng để thử thách họ. Khi chúng ta học nhiều hơn về chủ đề nầy thì sẽ biết được rằng Đức Chúa Trời dùng các ơn phước để dạy dỗ hoặc để thử thách loài người, luôn cả Cơ-đốc-nhân, trong việc sử dụng những ơn phước ấy như thế nào. Đối với Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết và Công Bằng thì ơn phước mà Chúa ban cho loài người không phải là để phung phí đâu hoặc muốn sử dụng thế nào cũng được. Mỗi người đến ngày phán xét đều phải trả lời trước mặt Chúa về cách mà mình đã sử dụng những ơn phước có được khi còn sống trong trần gian. Chúng ta đều đã biết rằng trong ngày phán xét thì mọi đầu gối đều quỳ xuống và mọi miệng đều phải ngậm lại trước mặt Đức Chúa Trời. Điều đó xãy ra là vì con người phải đối diện với sự vinh hiển chói sáng đáng sợ đáng kính của Chúa và cũng vì Đấng ban phước cho loài người một cách công bằng, không thiên vị người đã tin Chúa hoặc chưa tin Chúa, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong

GIÓP 37: 13 – Ngài sai mây hoặc để giáng họa, hoặc để tưới đất, hoặc để làm ơn cho loài người.

MA-THI-Ơ 5: 44-45 – Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.

Khi chúng ta để ý phần cuối của hai câu Kinh thánh nầy thì sẽ thấy rằng khi Đức Chúa Trời ban ơn thì Ngài ban ơn cho cả thế gian, chớ chẳng phải chỉ cho người công bình và người thuộc về Chúa không mà thôi. Bởi lẽ đó mà trong ngày phán xét thì mọi miệng mới phải ngậm lại vì không ai có thể nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thiên Vị chỉ có ban phước cho những người thuộc về Ngài. Vì vậy mà lời của Chúa mới cho biết thêm là mọi người đều phải trả lời với Chúa về mọi hành động mà họ đã thực hiện khi còn sống trong xác thịt, nhất là trong việc sử dụng ơn phước của Chúa như thế nào

2CÔ-RINH-TÔ 5: 10 – Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.

Khi lời của Chúa đề cập đến điều ác thì đó không chỉ có nghĩa về sự phạm tội của con người, mà còn bao gồm luôn cả việc sử dụng các ơn phước mà Chúa đã ban. Nguyên tắc nầy đã được Đức Chúa Jêsus khẳng định khi Ngài kể thí dụ về các ta-lâng trong. Khi người đầy tớ có một ta-lâng đem dấu đi sự ban cho của Chúa mà không làm lợi ra cho Ngài thì bị kể là kẻ ác, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 25: 26-27.

MA-THI-Ơ 25: 26-27 – Song chủ đáp rằng: Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia, ngươi biết ta gặt trong chỗ ta không gieo, và lượm lặt trong chỗ ta không rải ra; vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời.

Nhiều người tưởng lầm rằng thí dụ nầy chỉ được áp dụng cho Cơ-đốc-nhân mà thôi, nhưng thật ra thì nó cũng được áp dụng cho người chưa tin nữa, vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng không bao giờ thay đổi. Dầu người ngoại chưa biết luật pháp của Chúa, nhưng họ vẫn có một lương tâm để nhận biết điều đúng, điều sai, điều cần phải làm và điều cần nên tránh. Vì vậy việc sử dụng sai ơn phước của Chúa là một cái tội mà sau nầy chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến một cách chi tiết hơn. Nhưng tại đây thì tôi chỉ xin đưa ra một thí dụ điển hình trong thực tế để quý Hội thánh có thể hiểu được vì sao mà nguyên tắc phải sử dụng ơn phước của Chúa một cách đúng đắn cũng được áp dụng cả cho người ngoại nữa.

Thí dụ ấy là như thế nầy: Khi các bậc cha mẹ cho con tiền bỏ túi để đi học thì điều đó có thể được xem là một ơn phước mà đứa con nhận được từ cha mẹ. Nhưng nếu đứa con không dùng số tiền ấy để mua đồ ăn trưa mà lại trốn học để đi theo bạn bè xấu mà cờ bạc hoặc lắc bầu cua thì cha mẹ của em đó sẽ buồn giận lắm. Buồn vì con hư hỏng và giận vì con không sử dụng số tiền ấy một cách có ích lợi cho bản thân và sự học tập của nó. Trong cõi thuộc linh thì Đức Chúa Trời cũng sẽ không đẹp lòng khi thấy con người sử dụng sai các ơn phước mà Ngài đã ban cho. Bởi lẽ đó khi chúng ta hiểu được thí dụ về tình yêu của người cha người mẹ thương con và cho con tiền để bỏ túi đi học thì chúng ta cũng sẽ hiểu được tại sao Đức Chúa Trời sẽ xét đoán con người về cách sử dụng các ơn phước mà họ đã nhận được khi còn sống trong trần gian. Để nhấn mạnh hơn về việc sử dụng các ơn phước của Chúa thì chúng ta có thể thấy rằng ngay cả khi tiền bạc do người cha người mẹ kiếm được vì làm lụng vất vã thì họ cũng không thể vì cớ đó mà nghĩ rằng nó thuộc riêng về họ và họ muốn sử dụng sao cũng được. Nếu họ làm lụng vất vả mà không đem tiền về để nuôi con, nhưng lại đem đi để cờ bạc, cá độ hoặc tửu sắc thì điều đó cũng bị người đời chê trách, thậm chí còn bị nguyền rủa nữa chớ đừng nói đến việc con cái dùng tiền của cha mẹ cho mà đi phung phí với bạn bè xấu. Ấy cũng là vì cha mẹ và con cái đều phải có trách nhiệm và bổn phận đối với nhau. Điều đó thì chắc chắn rằng ai nấy trong chúng ta đều biết. Bởi lẽ đó mà những thí dụ như vậy cho chúng ta hiểu được vì sao mà loài người phải trả lời với Chúa về việc mình sử dụng ơn phước của Ngài ban cho như thế nào, đúng hay sai, bất kể rằng người đó đã là Cơ-đốc-nhân hay là người chưa tin, bởi vì Đức Chúa Trời là tổ phụ của cả loài người.

Ngoài ra thì còn một thắc mắc khác liên quan đến việc Cơ-đốc-nhân suy nghĩ sai lầm rằng ma quỉ hay Sa-tan có thể ban phước cho con người. Sự suy nghĩ như vậy của một số Cơ-đốc-nhân là bắt nguồn từ việc họ nhớ đến câu chuyện ma quỉ cám dỗ Đức Chúa Jêsus trong đồng vắng. Lúc ấy thì ma quỉ đã có nói rằng nếu Đức Chúa Jêsus thờ lạy nó thì nó sẽ ban cho Ngài sự giàu có và vinh hiển của các nước trong thế gian, như lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong Ma-thi-ơ 4: 8-9.

MA-THI-Ơ 4: 8-9 – Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy.

Vì lúc bấy giờ Đức Chúa Jêsus chỉ đề cập đến việc cần phải thờ lạy Đức Chúa Trời mà thôi, chớ không cho biết rằng Sa-tan có quyền ban cho kẻ thờ lạy nó sự giàu có vinh hiển của thế gian hay không, nên có một số Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng ma quỉ có thể ban cho con người được sự giàu có và vinh hiển trong thế gian. Nhưng thật ra thì một chỗ khác trong Kinh thánh thì lời của Chúa đã cho biết rằng Đức Chúa Jêsus là Chủ của cả thế gian nầy chớ không phải là ma quỉ, và vì vậy sự hứa hẹn của Sa-tan để ban sự giàu có cho người thờ lạy nó chỉ là lời nói dối mà thôi. Khi chúng ta nhớ lại câu chuyện về lúa mì và cỏ lùng được gieo vào đồng ruộng, tức là gieo vào trong thế gian nầy, thì chính Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng Ngài là Chủ của thế gian nầy, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 13: 37-38.

MA-THI-Ơ 13: 37-38 – Ngài đáp rằng: Kẻ gieo giống tốt, là Con người; ruộng là thế gian; giống tốt, là con cái nước thiên đàng; cỏ lùng, là con cái quỉ dữ.

Như vậy thì lời phán nầy của Đức Chúa Jêsus phù hợp với lời của Đức Chúa Trời đã được ghi lại trong Giê-rê-mi 10: 5 và cho biết rằng thần tượng cũng như ma quỉ đều không thể ban phước được cho loài người, mà chỉ có một mình Đức Chúa Trời là Đấng có quyền ấy mà thôi. Ngài chính là Nguồn Ơn Phước đời đời cho cả nhân loại và vũ trụ bao la nầy. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải biết sống đẹp lòng Chúa để được Ngài ban phước cho một cách thường xuyên.

Nãy giờ thì chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua về việc phân biệt các loại phước khác nhau và nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất ban phước giáng họa cho loài người. Bây giờ thì chúng ta cùng nhau xem xét sơ qua một chút về việc làm thế nào để nhận biết đâu là ơn phước mà Chúa đã ban. Chỉ khi nào chúng ta học biết được nguyên tắc nầy thì trong những lần sau, khi chúng ta suy gẫm đến các dạng ơn phước khác nhau của Chúa thì Cơ-đốc-nhân chúng ta mới có thể hiểu được cách thức mà Đức Chúa Trời ban ơn phước cho loài người, nhất là giải đáp được thắc mắc rằng tại sao Cơ-đốc-nhân cầu xin ơn phước nầy mà Đức Chúa Trời lại ban cho ơn phước kia, là ơn phước khác hẳn với điều con dân Ngài cầu xin.

Sự nhận biết các ơn phước mà Chúa đã ban cho mình là một trong những bí quyết quan trọng giúp cho Cơ-đốc-nhân có được tấm lòng bình yên, vui vẽ và thỏa mãn trong Chúa. Còn nếu không biết được bí quyết nầy thì Cơ-đốc-nhân sẽ bị hồ nghi, hoang mang và thậm chí có khi bị ảnh hưởng nặng nề đến đức tin nữa vì nghĩ rằng Đức Chúa Trời cứ yên lặng về điều mà mình đã cầu xin bấy lấu nây.

Thông thường thì Cơ-đốc-nhân chỉ chú ý đến việc lời cầu xin của mình được nhậm mà quên không kiểm tra lại để có thể nhìn thấy các ơn phước mà Chúa đã ban cho. Tôi xin được đưa ra một thí dụ như thế nầy để giúp chúng ta có thể thấy được điều đó. Chẳng hạn như có một số bậc cha mẹ than thở rằng nuôi con lúc còn bé cực khổ quá và mong cho nó mau lớn để mình đỡ bận rộn được phần nào. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng việc con lần hồi lớn lên là điều phải xãy ra. Vì vậy mà khi các con bắt đầu tự lo được cho chúng thì nhiều bậc cha mẹ lại tiếc nuối và nhớ những ngày mình còn bồng ẳm con trên tay. Bây giờ con đã lớn rồi muốn bồng ẳm nựng nịu nó như ngày xưa cũng không được, mà đôi khi muốn ngồi lại nói chuyện với nó cũng khó, vì nó đã có bạn bè và những mối quan tâm khác với chúng ta. Sự mâu thuẫn như trong thí dụ nầy cho thấy rằng nhiều khi con người không ý thức được những ơn phước mà Chúa đang ban cho mình, chẳng hạn như lúc còn được bồng bế con. Ngày mà nó lớn khôn trưởng thành rồi thì ngay cả khi mình muốn trở lại thời gian cũ cũng không được. Bởi lẽ đó mà nhiều bậc cha mẹ khi thấy con đã trưởng thành rồi thì lại trông mong mau có cháu để bồng ẳm hầu có thể nhớ lại quá khứ xưa khi bồng ẳn chính con của mình.

Trong thực tế thì có nhiều thí dụ giống như vậy để giúp cho chúng ta thấy được rằng con người thường chỉ muốn được những ơn phước mà mình mơ ước trong khi đó thì lại không nhận thức được những ơn phước ngay trước mặt mà Chúa đang ban cho mình. Chẳng hạn như có những bậc cha mẹ bực mình vì con cứ làm ồn ào trong gia đình và mong rằng chúng mau trưởng thành để rời khỏi nhà, chẳng hạn như vào nội trú trong đại học. Nhưng trong khi đó thi lại có những bậc cha mẹ than thở và tiếc nuối vì mình không có mặt cùng với con ở tại nhà, nhất là trong những dịp đặc biệt như sinh nhật của chúng và những ngày Tết đầu năm. Đó là trường hợp của những binh sĩ đi đồn trú ơ nơi xa, những công nhân viên chức phải xa nhà vì cớ công vụ, và đặc biệt là những người rời xa gia đình và quê hương để đi tìm tự do như chúng ta. Sự mâu thuẫn trong nhận thức về các ơn phước đang có trong tầm tay là điều mà tất cả chúng ta đều có thể thây được, hiểu được. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể an ủi mình như thế nầy để cảm tạ về mọi ơn phước mà Đức Chúa Trời đang ban cho chúng ta ngày hôm nay. Chẳng hạn như người cha người mẹ bận rộn với con nhỏ thì phải nhận thức rằng mình là người có phước hơn những bậc cha mẹ có con đã trưởng thành, vì vẫn còn được bồng bế con trên tay. Ơn phước đó rồi sẽ chấm dứt nên chúng ta cần yêu quý những giây phút như vậy khi được ở bên con. Đối với người cha người mẹ có con đã trưởng thành thì có thể ý thức được rằng công lao nuôi dưỡng của mình đã thành công và ngày hôm nay con có thể đỡ đần phụ giúp mình trong những lúc có cần. Nói tóm lại là mỗi một người phải biết nhìn vào những điều xãy ra đối với mình ngày hôm nay để có thể ý thức từng giây phút là Đức Chúa Trời ban ban ơn cho loài người nhiều lắm. Chẳng hạn như việc chúng ta được đón thêm một cái Tết nữa cùng với gia đình thì đó là một ơn phước lớn lao nếu so sánh với những người đón Tết xa nhà không được gần gũi với người thân. Còn những người đón Tết nơi xứ xa thì có thể nhận biết rằng đó là một ơn phước lớn so với những người phải đón Tết trong ngục tù vì nhiều lý do khác nhau. Giống như điều mà tôi vừa đề cập đến khi nãy thì trong mọi hoàn cảnh mỗi một người cần phải ý thức được các ơn phước mà Đức Chúa Trời đang ban cho mình hơn hẳn những người khác. Với tấm lòng và sự nhận biết như vậy thì Cơ-đốc-nhân chúng ta sẽ không bao giờ đếm hết được các ơn phước mà Chúa đã và đang ban cho mình, và nhờ đó mà lời tạ ơn Ngài sẽ luôn luôn ở trên môi miệng chúng ta, giống như lời Kinh thánh có nhắc nhở và đã được ghi lại trong Ê-phê-sô 5: 20. cũng là câu gốc nền tảng của Hội thánh chúng ta sáng hôm nay.

Ê-PHÊ-SÔ 5: 20 – Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng, là Đấng thưởng phạt phân minh cho nên khi Cơ-đốc-nhân sống đẹp lòng Ngài thì chắc chắn sẽ được ban phước, được tưởng thưởng. Nếu chúng ta cứ cậy đức tin mà bước đi bền đỗ, trung thành với Chúa thì ngay cả những hoàn cảnh bất như ý xãy ra cho chúng ta thì cũng mang lại lợi ích quý báu theo như nguyên tắc mà lời của Chúa đã bày tỏ ra trong Rô-ma 8: 28.

RÔ-MA 8: 28 – Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.

Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cho biết rằng dẫu thuận lợi hay nghịch cảnh thì tất cả mọi điều ấy đều có thể trở thành những ơn phước hữu ích cho những người yêu mến Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như trong năm vừa qua, khi cơn bệnh dịch buộc nhiều người phải nghỉ làm để ở tại nhà thì có Cơ-đốc-nhân cho biết đó là cơ hội để học chuyên chú đọc Kinh thánh và dành nhiều thì giờ ở riêng với Chúa trong sự cầu nguyện. Trước đó thì vì công việc làm và những bận rộn khác mà họ chỉ có thể đọc Kinh thánh hàng ngày được vài đoạn và cầu nguyện với Chúa một cách ngắn ngủi. Sự thực hành tin kính rút ngắn kiểu đó đã làm cho đời thuộc linh của họ dường như thiếu sự nóng cháy của tấm lòng phục vụ. Nhưng trong thời gian bị buộc ở tại nhà thì họ nhờ cơ hội ấy mà hâm nóng lại mối tương giao giữa họ với Đức Chúa Trời. Vì vậy việc nhận biết cơ hội và các ơn phước mà Đức Chúa Trời đã và đang ban cho loài người rất là quan trọng. Nhờ khả năng nhận biết ấy mà Cơ-đốc-nhân có thể được tự tin, có được tấm lòng vui mừng, sự thỏa lòng và giúp ích rất nhiều cho sự tăng trưởng đức tin của cá nhân mình. Trong thời gian tới, cũng với chủ đề nầy thì tôi sẽ xin được cùng với quý Hội thánh nghiên cứu chi tiết hơn ba vấn đề quan trọng liên quan đến các ơn phước Chúa mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm sơ lược qua sáng hôm nay. Đó là nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất ban phước cho loài người, phân biệt các loại ơn phước khác nhau trong phương diện thuộc linh và thuộc thể, và thứ ba là nhận biết các ơn phước Cơ-đốc-nhân đang có ngày hôm nay.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục ở cùng và ban phước cho con dân Chúa dư dật càng hơn trong năm mới Âm lịch 2021. Cầu xin Đức Chúa Trời soi sáng cho Cơ-đốc-nhân để có thể nhận biết được một cách rõ ràng rằng chúng ta đang được Đức Chúa Trời ban phước cho nhiều lắm giữa những thử thách khó khăn đang phải đối diện ngày hôm nay. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục dẫn dắt con dân Chúa trong ánh sáng lẽ thật của Ngài trong suốt năm mới nầy cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Amen.

THI THIÊN 96 : 7 – Hỡi các họ hàng của muôn dân, đáng tôn vinh hiển và năng lực cho Đức Giê-hô-va.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *