THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Ê-sai 58: 1

KINH THÁNH VÀ THẬP TỰ GIÁ

Ê-SAI 58: 1 – Hãy kêu to lên, đừng dứt; hãy cất tiếng lên như cái loa; rao bảo tội lỗi dân ta cho nó, và rao bảo sự gian ác nhà Gia-cốp cho nhà ấy!

– Đây là mạng lệnh của Chúa để cho thấy rằng sự rao bảo về tội lỗi là cần thiết và là điều mà Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài phải làm, nhất là đối với những người được kêu gọi vào chức vụ rao bảo.
– Hai chữ đừng dứt cho thấy là sự rao bảo về tội lỗi phải được liên tục, thường xuyên, không được ngưng nghỉ cho đến ngày Đức Chúa Jêsus trở lại.
– Sự rao bảo nầy là rao bảo vệ những tội lỗi mà con dân Chúa đang thực hiện. Tội lỗi quá khứ đã được Chúa tha nhưng không phải vì thế mà tội lỗi hiện tại có thể làm ngơ.

Đặc điểm đầu tiên mà chúng ta có thể nhận thấy được nơi Kinh thánh là sự độc nhất, có một không hai. Trong cả thế gian nầy thì quyển Kinh thánh là nền tảng căn bản duy nhất để con người có thể nhờ đó mà học biết về Đức Chúa Trời và về chương trình của Ngài dành cho cả nhân loại. Trước khi Môi-se viết ra 5 sách của ông để dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên về Đức Chúa Trời và về luật pháp của Ngài thì Chúa đã dùng loài người và các khải thị để bày tỏ chính Ngài cho họ, chẳng hạn như trong trường hợp của các tổ phụ từ thời A-đam trở đi. Nhưng đó chỉ là những trường hợp của cá nhân mà thôi. Chỉ đến khi Môi-se viết ra 5 sách của ông thì lúc bấy giờ Đức Chúa Trời mới bày tỏ chính mình Ngài cho nhiều người, tức là cho một đoàn thể, một dân tộc, chẳng hạn như cho dân Y-sơ-ra-ên, và sau nầy thì Chúa chỉ dùng có một quyển Kinh thánh mà thôi để bày tỏ chính mình Ngài ra cho cả thế gian. Chính bởi lẽ đó mà quyển Kinh thánh mới trở nên rất đặc biệt và đáng để cho Cơ-đốc-nhân lưu tâm một cách cẩn thận.

Nếu Đức Chúa Trời ban cho loài người nhiều điều khác nữa cùng với quyển Kinh thánh thì đối với mỗi điều ấy Cơ-đốc-nhân có thể lưu tâm vài chục phần trăm, nhưng vì Ngài chỉ ban cho có một quyển Kinh thánh mà thôi nên sự chú ý của chúng ta đến lời của Chúa phải là 100%. Đó là ý muốn của Chúa để con dân Ngài không bị phân tâm vì bất cứ một nguồn dạy dỗ nào khác đang khi theo Chúa giữa thế gian nầy. Bởi lẽ đó mà khi chúng ta nói rằng niềm tin của Cơ-đốc-nhân hoàn toàn đặt căn bản trên quyển Kinh thánh thì điều đó rất phù hợp và chính xác. Nhưng vì Đức Chúa Trời là Đấng Khôn Ngoan vô cùng mà sự hiểu biết của con người thì lại giới hạn nên lời của Ngài trong Kinh thánh không phải là dễ dàng để cho tất cả mọi người có thể hiểu được. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân phải nhờ cậy nơi quyền năng giải bày của Đức-Thánh-Linh thì chúng ta mới thấu suốt được những lẽ thật cao sâu mầu nhiệm trong Kinh thánh. Trong mùa Thương khó Phục sinh năm nay, khi chúng ta lại cùng nhau một lần nữa kỷ niệm sự chết của Đức Chúa Jêsus để chuộc tội cho cả loài người thì chúng ta cũng nhân cơ hội nầy để học biết một trong những chủ đề chính yếu của quyển Kinh thánh mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải đặc biệt lưu ý tới.

Lời Kinh thánh đã cho chúng ta biết rằng mục tiêu của Đức Chúa Jêsus khi đến thế gian nầy là để cất bỏ tội lỗi trong đời sống của con người, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong các câu gốc sau đây:

GIĂNG 1: 29 – Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.

1GIĂNG 3: 5 – Vả, các con biết rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi.

Qua hai câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng đối với Đức Chúa Trời thì tội lỗi là một sự ngăn trở lớn lao giữa Đấng Tạo Hóa và con người. Sự ngăn trở đó lớn lao đến nỗi chính Đức Chúa Trời đã phải hiện thân thành người, chịu sỉ nhục và chịu chết để giải quyết nan đề tội lỗi hầu cho con người có thể đến gần với Ngài. Nếu không bởi tội tội lỗi thì mối tương giao của Đức Chúa Trời và con người đã không bị gián đoạn và Đức Chúa Jêsus Christ không cần phải đến thế gian để chịu chết. Nếu Cơ-đốc-nhân chỉ hiểu về nan đề tội lỗi một cách đơn giản và hiểu hai câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn theo bề mặt của chữ thì sẽ có nhiều người lầm lẫn mà tưởng rằng nan đề tội lỗi đã được giải quyết xong rồi vì Đức Chúa Jêsus đã hy sinh thế cho nhân loại trên thập tự giá. Nhưng khi chúng ta nhìn vào thực tế đời sống thì sẽ thấy rằng tội lỗi vẫn còn đó và mức độ trầm trọng càng ngày càng tăng, như hiện trạng của thế giới ngày hôm nay. Thậm chí ngay cả trong Hội thánh và trong đời sống của Cơ-đốc-nhân thì tội lỗi vẫn còn hiện diện và vẫn còn đang hoạt động một cách rõ ràng không cần phải che đậy. Vấn đề nghiêm trọng đến nỗi nhiều khi Cơ-đốc-nhân lại xem đó là chuyện bình thường và chấp nhận mức độ ấy một cách thản nhiên. Như vậy thì những chữ Đấng vào trong thế gian để cất tội lỗi đi có nghĩa như thế nào mà thế giới con người ngày càng phạm tội mỗi lúc một nhiều và Cơ-đốc-nhân càng ngày càng dửng dưng với tội lỗi đến độ không còn muốn nghe bất cứ điều gì có liên quan đến chữ tội.

Trong Kinh thánh thì đã có lời giải thích của Đức Chúa Trời rằng việc Đức Chúa Jêsus vào trong trần gian để cất tội lỗi đi là giúp cho một số người được thoát khỏi sự ảnh hưởng và ràng buộc của nó. Đó là những người biết thành tâm kính sợ và vâng phục Chúa. Lời giải thích ấy đã được ghi lại trong Hê-bơ-rơ 9: 28.

HÊ-BƠ-RƠ 9: 28 – Cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài.

Chúng ta có thể thấy được rằng lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cho biết là sự dâng mình của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá là để cất bỏ tội lỗi trong đời sống của nhiều người, tức là chỉ cho những người có đức tin thật nơi Ngài mà thôi. Bởi lẽ đó mà trong vòng Cơ-đốc-nhân vẫn còn có những tội lỗi như bè đảng, nói hành, tham lam, ganh tỵ, ghen ghét, ganh gỗ, say sưa, mê ăn uống, tham quyền cố vị, hống hách, kiêu hãnh, gian dâm và nhiều tội lỗi khác nữa. Những điều đó đã có và tồn tại từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên cho mãi đến ngày hôm nay, như lời Kinh thánh đã có chép trong các câu gốc sau đây:

1CÔ-RINH-TÔ 3: 3 – Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?

GA-LA-TI 5: 19-21 – Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.

Như vậy thì qua các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể biết rằng tội lỗi vẫn còn hiện diện trong vòng các Cơ-đốc-nhân của Hội thánh Cô-rinh-tô và Hội thánh Ga-la-ti. Vì nếu những điều ấy không có trong đời sống của họ thì Phao-lô đã không cần phải đề cập đến làm gì. Nhưng khi Phao-lô đề cập đến các tội lỗi ấy thì đó là vì ông được Đức-Thánh-Linh cảm động để quở trách và tỉnh thức con dân Chúa, không phải chỉ riêng tại hai Hội thánh Cô-rinh-tô và Ga-la-ti không mà thôi, mà là cho tất cả các Cơ-đốc-nhân trong các thời đại sau nầy nữa về những nguy hiểm của các tội lỗi ấy.

Bởi lẽ đó cho nên sự dâng mình hy sinh của Đức Chúa Jêsus Christ trên thập tự giá là bằng chứng rằng về phía Đức Chúa Trời thì Ngài đã làm xong phần của Ngài trong việc giải quyết nan đề tội lỗi trong đời sống của nhân loại. Phần còn lại là của con người, nhất là của Cơ-đốc-nhân, là có chịu đồng ý làm theo những điều Ngài đã quy định và dạy dỗ hay không. Chính vì vậy mà trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá thì Đức Chúa Jêsus đã cho biết là Ngài đã làm xong phần thuộc về Đức Chúa Trời rồi, như lời Kinh thánh có chép trong Giăng 19: 30.

GIĂNG 19: 30 – Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn. Rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.

Nếu các chữ đã được trọn mà Đức Chúa Jêsus đã thốt ra trên thập tự giá là có ý muốn nói đến việc cất bỏ hoàn toàn tội lỗi khỏi thế gian thì chắc rằng sau đó con người không còn sống trong tội lỗi nữa. Nhưng thật ra thì sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus là bày tỏ phần của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu rỗi nhân loại của Ngài, còn phần còn lại là thuộc về con người, là có chịu tin Ngài, tiếp nhận Ngài và sống theo mẫu mực của Đức Chúa Trời đã chỉ định hay không. Bởi vì trong thực tế thì chúng ta có thể thấy rằng việc đến với Chúa vẫn là quyết định của mỗi một cá nhân, không ai có thể ép buộc họ được và chính Đức Chúa Trời cũng không ép buộc người ta phải đến với Ngài. Đó là hai nguyên tắc chính yếu mà Cơ-đốc-nhân cần phải chú ý khi suy gẫm đến chương trình của Chúa. Hai nguyên tắc ấy là ý chí tự do mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người kể từ khi Ngài dựng nên A-đam và thứ hai là tình yêu thương của Chúa khi cho phép con người được dự phần quản trị với Ngài trong cả vũ trụ. Hai nguyên tắc ấy đã được bày tỏ trong chương trình cứu rỗi của Chúa khi cho phép người ta được tự do lựa chọn rằng trong đời sống nầy thì họ có muốn theo Chúa hay không. Vì vậy mà mỗi một cá nhân phải tự thực hiện phần riêng của mình để có thể nhận được sự sống đời đời. Hai nguyên tắc ấy đã được bày tỏ ra trong Phi-líp 2: 12.

PHI-LÍP 2: 12 – Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.

Cũng chính vì hai nguyên tắc ấy mà mỗi Cơ-đốc-nhân phải quyết định rằng tội lỗi có còn ảnh hưởng trên chính mình hay không. Bởi vì theo nguyên tắc tự do mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người thì Ngài sẽ không bao thay đổi tấm lòng của cá nhân nếu chính người đó không có ý muốn tin Chúa hoặc sống theo Ngài. Vì vậy mà lời của Chúa mới cho biết là Cơ-đốc-nhân trước hết phải có ý muốn vâng phục Chúa thì rồi sau đó mới được Chúa cảm động và thêm sức cho để có thể sống theo tiêu chuẩn mà Ngài đã chỉ định, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong Phi-líp 2: 13.

PHI-LÍP 2: 13 – Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.

Bởi vì nếu Đức Chúa Trời muốn cho thế giới nầy không còn tội lỗi nữa bất kể ý muốn của con người là thế nào thì chắc Ngài đã dùng quyền năng của Ngài mà làm cho con người không có thể phạm tội được. Nhưng sự không phạm tội như vậy của cả thế gian sẽ không phải là sự tự nguyện hoàn toàn 100%. Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã cho phép con người có quyền tự do để lựa chọn cho chính cá nhân họ là có muốn đến với Ngài và theo Ngài hay không. Đối với Cơ-đốc-nhân thì Chúa cũng dùng cùng một nguyên tắc như vậy, là con dân Chúa có thật sự muốn thay đổi chính mình hoàn toàn hay không, hay là chỉ muốn theo Chúa cách hâm hẩm, nghĩa là vừa theo Chúa vừa theo thế gian, hoặc là chỉ theo Chúa bề mặt mà thôi, tức là có danh hiệu là Cơ-đốc-nhân mà đời sống thì hoàn toàn giống như người chưa tin. Điều đó cho thấy rằng Đức Chúa Trời tôn trọng con người và cho phép con người quyết định rằng nan đề tội lỗi trong đời sống họ có được giải quyết hay không. Còn riêng đối với Đức Chúa Trời thì tội lỗi là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì nó tạo nên hố sâu ngăn cách giữa Đức Chúa Trời thánh khiết và tạo vật thương quý nhất của Ngài, là con người. Bởi lẽ đó mà mục tiêu của Đức Chúa Jêsus khi đến thế gian là để giải quyết nan đề tội lỗi và lời của Chúa trong Kinh thánh cũng chú ý đặc biệt đến tội lỗi.

Thông thường thì Cơ-đốc-nhân rất thích nghe về phước và cố tránh hết sức để không nghe về tội lỗi, nhưng trong cả quyển Kinh thánh thì có đến 1187 chữ tội mà chỉ có 471 chữ phước mà thôi, nghĩa là lời của Chúa đề cập đến vấn đề tội lỗi nhiều gần gấp 3 lần so với những điều liên quan đến sự được phước. Ấy là vì đối với Đức Chúa Trời Công Bình, là Đấng thưởng phạt phân minh, thì con người phải giải quyết vấn đề tội lỗi trong đời sống mình trước đã rồi sau đó mới thật sự được phước của Chúa. Nhưng theo thực tế chung trong phương diện thuộc linh thì Cơ-đốc-nhân ít khi suy nghĩ đến sự công bằng và sự thưởng phạt phân minh của Chúa, mà chỉ chú ý đến mỹ đức yêu thương của Ngài mà thôi, để từ đó dễ bị ru ngủ bởi lý thuyết giả dối rằng Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục ban phước cho con cái Ngài bất kể đến việc Cơ-đốc-nhân có muốn giải quyết nan đề tội lỗi trong đời sống mình hay không.

Khi chúng ta đã học qua hai bước đầu tiên trên tiến trình theo Chúa của Cơ-đốc-nhân thì đã biết rằng việc nhận biết rằng mình có tội để từ đó có lòng ăn năn thật là rất quan trọng, nhất là nhận biết rằng mình có tội một cách cụ thể. Việc nhận biết rằng mình có tội một cách chung chung thì rất dễ mà việc nhận biết rằng mình có tội một cách cụ thể thì rất khó, vì vậy mà thân hữu đến với Chúa vẫn dễ dàng hơn là Cơ-đốc-nhân tự nhận rằng mình vẫn còn có tội. Nhưng theo lời Kinh thánh mà chúng ta đã suy gẫm qua trong 1Giăng 1: 8 thì lẽ thật trong lời của Chúa là con dân Ngài vẫn còn có tội. Chính vua Đa-vít đã từng phạm tội khi đã được kể là người của Đức Chúa Trời rồi. Chính Đa-ni-ên cũng phải xưng ra tội lỗi của cá nhân ông với Chúa mỗi một lần ông đến trước mặt Ngài trong sự cầu nguyện, trong khi đó thì nhiều Cơ-đốc-nhân vẫn tự ru ngủ rằng mình không còn có tội gì nữa hoặc đã được Chúa tha thứ hết rồi. Cơ-đốc-nhân cần phải hiểu rằng sự nhắc nhở về tội lỗi là điều cần phải làm, là hành động của tình yêu thương, chớ không phải là nói về điều đó để Cơ-đốc-nhân bị mặc cảm, tự ti và nản lòng. Nếu những anh hùng đức tin ngày xưa còn phạm tội, ngay cả chính Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin mà còn phạm tội nói nửa sự thật mà thôi, thì Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày nay là ai mà nghỉ rằng mình không còn có tội lỗi nữa? Cơ-đốc-nhân cần phải nghe về tội lỗi để được tỉnh thức, để biết trước mà tránh, để có thể ăn năn, chớ không phải để buồn giận rồi thối lui. Cơ-đốc-nhân phải học theo gương của vua Đa-vít như ông đã bày tỏ trong Thi thiên 51: 3 rằng:

THI THIÊN 51: 3 – Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi. Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi.

Nhưng để con dân Chúa được nhắc nhở và tỉnh thức về tội lỗi thì phải có người thường xuyên rao báo về điều đó. Ngày xưa thì Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri của Ngài để rao báo cho dân sự, còn ngày nay thì những người rao báo đó ở đâu? Ai sẽ là người kêu to lên, cất tiếng lên như cái loa để rao báo cho Cơ-đốc-nhân trong thế kỷ thứ 21 nầy sự nguy hiểm của tội lỗi? Lời của Chúa đã ghi lại trách nhiệm rao báo đó trong Ê-sai 58: 1.

Ê-SAI 58: 1 – Hãy kêu to lên, đừng dứt. Hãy cất tiếng lên như cái loa, rao bảo tội lỗi dân ta cho nó, và rao bảo sự gian ác của nhà Gia-cốp cho nhà ấy!

Nếu tất cả những người rao giảng ngày nay đều nói về phước thì con dân Chúa làm sao sẽ được tỉnh thức về tội lỗi? Trong 5 sách của Môi-se thì ông đã nhắc đến chữ tội 281 lần, nếu kể luôn cả sách Gióp mà có người cho biết là do Môi-se viết ra thì ông nhắc đến chữ tội tổng cộng là 325 lần. Còn chữ phước thì trong 6 sách Môi-se chỉ nhắc đến có 154 lần mà thôi.

Đến thời của Phao-lô thì vấn đề tội lỗi đã trở nên nghiêm trọng hơn nên ông chỉ nhắc đến chữ phước trong hai thư tín 1Cô-rinh-tô và 2Cô-rinh-tô có 3 lần, còn chữ tội thì ông lại nhắc đến những 20 lần, như vậy là nhiều gấp 6 lần hơn.

Nếu từ thời Môi-se đến thời Phao-lô mà tội lỗi đã tăng nhiều như vậy, thì đến thời đại của chúng ta thì mức độ tội lỗi cần phải tăng đến bao nhiêu nữa để Cơ-đốc-nhân mới cần được thường xuyên nhắc nhở về tội lỗi?

Tôi xin được đưa ra đây cách tính toán về mức độ tội lỗi của cả thế gian mà Kinh thánh đã bày tỏ để chúng ta có thể thấy là nhu cầu của Cơ-đốc-nhân về việc cần phải được nghe về tội lỗi là cấp thiết và quan trọng là như thế nào. Khi Đức Chúa Jêsus đã hoàn tất chức vụ của Ngài ở trên đất và thăng thiên về trời thì tổng số các môn đồ và những người tin theo Ngài chỉ có khoảng hơn 500 người mà thôi, như lời Kinh thánh đãvcó ghi lại trong 1Cô-rinh-tô 15: 6.

1CÔ-RINH-TÔ 15: 6 – Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi.

Nếu chúng ta dùng cách gọi các môn đồ của Đức Chúa Jêsus như có chép trong Ma-thi-ơ 5: 13 thì hơn 500 người ấy chắc chắn phải là năm trăm hạt muối của đất, vì họ được phần phước đặc biệt là nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus sau khi Ngài đã sống lại. Dầu là chỉ có hơn 500 hạt muối mà thôi, nhưng mức độ phạm tội của thế giới lúc bấy giờ còn rất thấp so với ngày hôm nay. Dân số thế giới lúc bấy giờ là khoảng 200 triệu người, tức là ở vào tỷ lệ 1/400, tức là hễ có 400 người thì có 1 người tin Chúa. Còn ngày hôm nay, khi số người tuyên bố rằng mình tin Chúa hoặc theo Đạo là hơn hai tỷ người thì so với dân số của cả thế giới là hơn 7 tỷ thì tỷ lệ đó là 1/3, tức là cứ 3 người thì có một người nói rnằg mình tin Chúa hay theo Đạo. Với một tỷ lệ lớn như vậy, tức là với hơn 2 tỷ hạt muối thì đáng lẽ mức độ tội lỗi của cả nhân loại phải giảm, nhưng vì sao sự phạm tội của con người lại lan tràn mạnh mẽ như chúng ta thấy đang xãy ra trên khắp thế giới ngày hôm nay? Đó là vì lý do gì? Có phải là do muối đã mất mặn hay không, nên hơn 2 tỷ hạt muối cũng không đủ để làm mặn cả thế gian theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Có người lý giải rằng vì cớ ngày xưa thông tin ít nên người ta tưởng rằng thế giới ít phạm tội. Nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ thì chúng ta thấy rằng người xưa mặc dầu có nướng con nít trên lửa để cúng thần tượng, như các dân tộc tại vùng Ca-na-an đã làm trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào chiếm lấy xứ, nhưng đó chỉ là thỉnh thoảng một vài lần trong một năm và họ thiêu sống khoảng vài chục trẻ em mà thôi. Còn ngày hôm nay thì người ta giết trẻ em ngay khi còn trong bụng mẹ và con số hài nhi bị giết chết cách như vậy đã lên đến hàng trăm triệu. Riêng tại Hoa-kỳ nầy mà thôi thì từ khi tòa án Thượng thẩm cho phép người ta phá thai tự do vào năm 1973 thì đã có đến gần 70 triệu trẻ em bị giết cách như vậy. Còn ở tại Trung quốc thì từ khi có sắc lệnh mỗi gia đình chỉ có một con thì đã có đến hàng trăm triệu trẻ em bị giết từ lúc còn trong bào thai hoặc ngay cả khi vừa mới được sinh ra đời. Thậm chí ngày hôm nay tại Mỹ và trên cả thế giới người ta còn buôn bán các bộ phận trẻ sơ sinh như là bán cá bán thịt ngoài chợ. Thử hỏi với mức độ phạm tội khủng khiếp như vậy thì hơn 2 tỷ hạt muối kia đã làm gì để thay đổi tình trạng đó? Thêm nữa mặc dầu ngày xưa người ta có phạm tội, nhưng sự luyến ái giữa nam và nữ vẫn được xem là chuyện kín đáo của phòng the, còn ngày hôm nay thì đầy những điều ấy lại thấy đầy dẫy trên báo chí, phim ảnh, ca nhạc và mạng internet. Tại Nhật bản thì các loại sách báo như vậy bán đầy tại các phi trường và trẻ em Nhật có thể cầm lên để coi mà không cần phải dấu giếm, che đậy hoặc xấu hổ. Ngay cả trong các chương trình ca nhạc của tất cả các nước, trong đó có cả Việt Nam thì trong cách ăn mặc của các ca sĩ thì cũng cho thấy là người ta đang trình bày một điều gì khác chớ không phải lời ca nốt nhạc. Sự thưởng thức văn nghệ của người đời là như vậy và họ có quyền tự do để làm điều họ thích, nhưng riêng đối với Cơ-đốc-nhân thì chúng ta cảm thấy như thế nào mới là quan trọng. Chúng ta có cảm thấy đó là điều bất bình thường hay không và chúng ta có được thức tỉnh để quay về với Kinh thánh mà nhận biết sự cám dỗ của ma quỉ là tinh vi như thế nào hay không? Với những câu hỏi nầy thì tôi tin rằng chúng ta đều có câu trả lời cho riêng mình, nhưng điều đáng nói ở đây là đa số Cơ-đốc-nhân đều không muốn nghe về tội lỗi, hoặc nếu có nghe thì thích nghe người ta bàn tán về tội lỗi của người nầy người khác hơn là nhờ Kinh thánh để thức tỉnh về những lầm lỗi trong chính đời sống mình.

Một thực tế trong đời sống của Cơ-đốc-nhân là tất cả chúng ta đều có những sai phạm và lầm lỗi kể từ ngày tin nhận Chúa, chính sứ đồ Giăng cũng đã nhận biết như vậy trong 1Giăng 1: 8, tức là sau khi ông đã trở thành sứ đồ của Đức Chúa Jêsus rồi. Nhưng sự không nhận biết rằng mình có tội của Cơ-đốc-nhân bắt nguồn từ việc hiểu chưa rõ lời Kinh thánh trong các câu gốc sau đây:

RÔ-MA 4: 5 – Còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình.

RÔ-MA 5: 6 – Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội.

Cả hai câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn đều là đề cập đến sự tha tội trong quá khứ chớ không phải là sự tha tội trong tương lai. Sự hiểu sai của một số con dân Chúa đối với hai câu Kinh thánh nầy cũng như những câu Kinh thánh tương tự là họ áp dụng lời của Chúa vào đời sống họ khi đã trở thành Cơ-đốc-nhân rồi, nhưng thật ra thì đây là những lời của Chúa cho biết về ân điển tha thứ cách nhưng không trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với những người đến tin nhận Chúa, vì các chữ Kẻ chẳng làm việc chi hết chỉ có thể áp dụng cho thân hữu mà thôi, và các chữ khi chúng ta còn yếu đuối có nghĩa là Đấng Christ đã chết cho con người khi họ còn là người chưa tin. Nhưng khi người ta lý giải và áp dụng hai câu Kinh thánh trên vào đời sống của Cơ-đốc-nhân sau khi đã tin nhận Chúa rồi thì các chữ chẳng làm việc chi hết hoàn toàn vô nghĩa, vì khi đã là Cơ-đốc-nhân rồi thì những việc như đi nhà thờ, đọc Kinh thánh, cầu nguyện, dâng hiến, tham gia vào ca đoàn, phụ giúp công việc trong Hội thánh và dâng mình hầu việc Chúa ở đâu mà lại có thể nói rằng chẳng làm việc chi hết. Vì hiểu sai như vậy nên nhiều Cơ-đốc-nhân cho rằng chỉ cần tin Chúa là đã đủ, còn đời sống họ có phạm tội như thế nào thì cũng được Chúa tha. Hiểu và tin như vậy nguy hiểm biết bao nhiêu. Trong khi đó thì sứ đồ Giăng lại được Đức-Thánh-Linh sử dụng để rao báo rằng ngay cả sau khi đã tin nhận Chúa rồi, cũng như khi Giăng đã là sứ đồ rồi, thì Cơ-đốc-nhân cũng phải nhận biết tội lỗi trong đời sống mình một cách cụ thể mà xưng ra trước mặt Chúa trong những lần cầu nguyện để nhờ đó mà được tha thứ, như lời Kinh thánh đã có chép trong 1Giăng 1: 9.

1GIĂNG 1: 9 – Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.

Chữ chúng ta cho thấy rằng ngay cả sứ đồ Giăng cũng từng thực hiện sự xưng tội như vậy mỗi khi ông có lầm lỗi. Còn đối với Phi-e-rơ thì mặc dầu đã được thay đổi và trở thành trụ cột của các Hội thánh thời bấy giờ nhưng ông cũng đã phạm phải tội giả hình, như lời Phao-lô đã quở trách ông trong Ga-la-ti 2: 11-13.

GA-LA-TI 2: 11-13 – Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có can ngăn trước mặt người, vì là đáng trách lắm. Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi vì sợ những kẻ chịu phép cắt bì. Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ.

Qua các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng ngay cả Ba-na-ba là người mà được Kinh thánh kể là một người lành, đầy dẫy Đức-Thánh-Linh và đức tin, mà còn vô tình phạm phải tội giả hình thì Cơ-đốc-nhân bình thường như chúng ta là ai để có thể nói rằng mình không hề phạm tội chi hết nên không cần phải ăn năn mà vẫn được Đức Chúa Trời ban phước cho. Nhưng nếu con dân muốn thực hiện được hai bước quan trọng đầu tiên trên con đường theo Chúa thì Cơ-đốc-nhân phải được nhắc nhở về tội lỗi để có thể tỉnh thức và xét lại đời sống mình. Vậy thì ai sẽ là người kêu to lên không ngừng nghỉ, như một cái loa để rao báo cho con dân Chúa biết về các dạng tội lỗi và sự nguy hiểm của chúng, cũng như các cách thức mà ma quỉ vẫn dùng để cám dỗ loài người. Xin chúng ta cùng đọc lại câu gốc trong Ê-sai 58: 1 để được khích lệ trong chức vụ đặc biệt và trọng đại nầy.

Ê-SAI 58: 1 – Hãy kêu to lên, đừng dứt; hãy cất tiếng lên như cái loa; rao bảo tội lỗi dân ta cho nó, và rao bảo sự gian ác nhà Gia-cốp cho nhà ấy!

Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để rao báo cho con người về tội lỗi, nhưng Ngài đã thăng thiên về trời rồi. Chức vụ đó Ngài đã giao lại cho chúng ta và trong vòng Cơ-đốc-nhân cần phải có nhiều người bước ra một cách can đảm để thực hiện chức vụ ấy hầu cho không hổ thẹn với lời kêu gọi của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh, cũng để không hổ thẹn với Đức Chúa Jêsus và với thập tự giá mà Ngài đã gánh thay cho chúng ta.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho con dân Ngài để trong vòng Cơ-đốc-nhân sẽ có nhiều người dâng mình vào chức vụ rao báo tội lỗi cho thế gian, nhất là cho anh chị em của mình trong đức tin để họ được tỉnh thức luôn luôn. Cầu xin Chúa thêm sức cho mỗi một tấm lòng can đảm biết vâng theo lời của Chúa để rao báo điều ngược lại với tâm lý và sở thích của con người. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục mở mắt cho những người của Chúa được hiểu biết càng thêm về các lẽ thật trong Kinh thánh hầu có thể giúp đỡ thiết thực hơn cho con dân Ngài từ nay cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *