CHỨC VỤ RAO BẢO CHO THẾ GIAN 1

CHỨC VỤ RAO BẢO CHO THẾ GIAN 1

Kinh thánh: Hê-bơ-rơ 3: 7-15

Câu gốc: HÊ-BƠ-RƠ 3: 13 – Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là “Ngày nay,” hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng.

Kính thưa quý Hội thánh, trong Chủ đề Con Đường Theo Chúa của Cơ-đốc-nhân thì chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua hai bước đầu tiên của tiến trình theo Chúa của một người, là nhận biết rằng mình có tội và có lòng ăn năn thật khi đến với Chúa. Hai bước đầu tiên nầy rất là quan trọng để một người có thể bắt đầu con đường đi đến Thiên đàng. Nhưng trước khi suy gẫm đến bước thứ ba thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến Chủ đề có liên quan về chức vụ của người rao bảo cho thế gian biết về tội lỗi. Đây là một chức vụ quan trọng mà Đức Chúa Jêsus đã giao phó lại cho các sứ đồ và môn đồ của Ngài trước khi thăng thiên về trời, và chức vụ ấy đã được tiếp nối luôn cho đến ngày hôm nay bởi các thế hệ Cơ-đốc-nhân sau thời kỳ Hội thánh đầu tiên và sẽ cứ còn tiếp tục cho đến khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.

Vì như chúng ta đã cùng nhau học qua trong các lớp học Kinh thánh thì để người ta có thể nhận biết được rằng họ có tội và cần phải có sự ăn năn khi đến với Đức Chúa Trời thì phải có người rao bảo cho họ biết về tội lỗi và sự nguy hiểm của tội lỗi, tức là hậu quả của nó trong đời nầy và đời sau. Nếu không có người rao bảo cho thế gian biết về tội lỗi thì con người sẽ cứ tiếp tục sống theo quan điểm của họ và không bao giờ đến được với Đức Chúa Trời để được tha thứ và hưởng được sự sống đời đời. Như chúng ta có thể thấy được qua các thực tế của đời sống thì nhiều điều ngày xưa bị xem là tội lỗi thì ngày hôm nay lại là chuyện rất bình thường trong xã hội, mà người ta hay gọi là trào lưu của thời đại mới, đến nỗi nếu có ai phản đối hoặc không chấp nhận những trào lưu đó thì sẽ bị xem là lỗi thời, lạc hậu, bất bình thường hoặc bị chụp mũ là kẻ chống đối, thậm chí còn bị kể chung với những kẻ khủng bố nữa, giống như việc các chính quyền độc tài đối với Hội thánh chung trên khắp thế giới và điều đó cũng đang bắt đầu xãy ra tại Hoa-kỳ. Khuynh hướng và trào lưu kiểu đó của xã hội bắt nguồn từ sự cám dỗ của ma quỉ. Một trong những âm mưu nham hiểm của nó là cám dỗ cho người ta phạm tội ngày càng nhiều, vì khi số lượng những người phạm một tội nào đó đã đủ đông thì nó không còn bị xem là tội lỗi nữa, mà trở thành xu hướng chung của thời đại, chẳng hạn như tội sống chung ngoài hôn nhân và tội ngoại tình. Ngày xưa thì những tội lỗi như vậy không được xã hội chấp nhận, nhưng ngày hôm nay thì trên thế giới đã có những câu lại bộ nổi tiếng trên mạng internet để giúp cho người ta ngoại tình và người muốn gia nhập phải đóng tiền để trở nên thành viên và để được luật pháp bảo vệ.

Chính vì xu hướng của xã hội ngày càng đi xuống trong phương diện đạo đức là như vậy cho nên Cơ-đốc-nhân càng ngày càng phải chói sáng và mặn mà trong đời sống để làm mẫu mực cho thế gian, vì chúng ta được Đức Chúa Jêsus gọi là muối của đất, là ánh sáng của thế gian. Trong một thế giới tối tăm vì cớ tội lỗi và nhạt nhẽo vì cớ sự vô tâm của con người thì Cơ-đốc-nhân càng phải hết sức cố gắng soi sáng và nêm mặn trần gian nầy bằng những tấm gương sống theo lời Kinh thánh. Phẩm chất của Cơ-đốc-nhân không những chói sáng về mẫu mực và mặn mòi trong đời sống tin kính mà chúng ta còn phải đảm nhận chức vụ làm người rao bảo cho thế gian biết về tội lỗi theo sự chỉ định của Đức Chúa Trời để làm chứng cho họ hầu cho một số người có thể được cảm động và được nhắc nhở để ăn năn mà đến với Đức Chúa Trời. Nếu không có người rao bảo cho thế gian về tội lỗi thì người ta không thể nào bắt đầu bước thứ nhất trong tiến trình theo Chúa được. Vì vậy mà trong Chủ đề nầy thì chúng ta sẽ có năm phần để cùng nhau suy gẫm theo sự dạy dỗ của Kinh thánh, đó là Người rao bảo, Lý do phải rao bảo, Phẩm chất của người rao bảo, Cách rao bảo và Phần thưởng của người rao bảo. Dầu chỉ có năm phần nhưng chúng ta sẽ cần phải dành nhiều thời gian cho Chủ đề nầy chớ không phải chỉ một hai tuần là đủ. Nhưng tôi sẽ trình bày xen kẻ với các Chủ đề khác để quý Hội thánh có thể suy gẫm một cách thong thả và cũng để học biết thêm về những vấn đề quan trọng khác trong phương diện thuộc linh.

Phần thứ nhất về việc nhận biết ai là người sẽ nhận lấy chức vụ rao giảng thì chúng ta sẽ suy gẫm đến trước tiên. Ngay thì giờ nầy đây nếu đặt câu hỏi với Hội thánh rằng ai sẽ là người rao bảo tội lỗi cho thế gian thì lập tức quý Hội thánh có thể trả lời được ngay lập tức là các mục sư, truyền đạo, giáo sĩ, giáo sư thần học. Câu trả lời đó là đúng và chắc quý Hội thánh còn nhớ là trong lớp học Kinh thánh về Chủ đề nầy thì đã có người cho biết thêm là chức vụ rao bảo cho người khác về tội lỗi cũng thuộc về các thành viên trong ban trị sự, chấp sự của các Hội thánh và các trưởng lão trong vòng Cơ-đốc-nhân nữa. Câu trả lời như vậy cũng đúng, vì theo lời của Chúa trong Kinh thánh thì các trưởng lão cũng là người được giao phó cho chức vụ rao giảng, như lời đã được chép trong 1Ti-mô-thê 5: 17.

1TI-MÔ-THÊ 5: 17 – Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ.

Một điều mà chúng ta cần phải để ý về việc rao bảo cho thế gian về tội lỗi là chức vụ nầy không chỉ giới hạn trong việc đứng trên bục giảng mà giảng dạy vào ngày Chúa nhật tại Hội thánh, mà còn là việc làm chứng và nói cho người khác biết về tội lỗi trong những thì giờ khác, chẳng hạn như lúc giao tiếp ngoài xã hội, chuyện trò trên điện thoại, gặp gỡ tại gia đình hay trong mọi hoàn cảnh mà Chúa ban cho có cơ hội để có thể nói về tiêu chuẩn của Ngài trong Kinh thánh. Nghe đến đây thì chắc có một số anh chị em sẽ cảm thấy là chức vụ nầy quá là nghiêm túc và đòi hỏi quá nhiều, bởi vì phải nói cho người ta biết về tội lỗi trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Nhưng xin quý anh chị em kiên nhẫn một chút, vì một khi chúng ta suy gẫm đến lý do vì sao mà Cơ-đốc-nhân cần phải rao bảo cho người khác về tội lỗi thì quý anh chị em sẽ hiểu được vì sao chức vụ nầy lại đòi hỏi nhiều như vậy.

Trở lại với vấn đề ai sẽ là người rao bảo thì chắc quý Hội thánh còn nhớ là trong các lớp học Kinh thánh thì đã có anh chị em cho biết là những người trưởng bối trong gia đình, chẳng hạn như ông bà, cha mẹ hay anh chị cũng có thể là người rao bảo về tội lỗi cho các thành viên khác trong nhà để họ biết mà thức tỉnh. Câu trả lời như vậy cũng rất đúng, vì lời của Chúa trong Kinh thánh đã chỉ định về vai trò đó, như đã được chép trong

Ê-PHÊ-SÔ 6: 4 – Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.

Khi lời của Chúa cho biết là người làm cha làm mẹ nên lấy sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi dạy con thì điều đó có nghĩa là người cha người mẹ trong gia đình phải cho con cái biết điều cần phải làm và điều cần nên tránh theo tiêu chuẩn của Kinh thánh, như Đức Chúa Trời đã dùng các điều răn để dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên khi xưa và Đức Chúa Jêsus đã dùng các mẫu mực thuộc linh để dạy dỗ Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển. Đó chính là sự rao bảo cho con cháu biết về tội lỗi và cũng là chức vụ của các bậc trưởng bối trong gia đình. Còn trong vai trò rao bảo mà những người anh người chị cần phải làm đối với các em trong nhà thì lời của Chúa cũng đã có đề cập đến điều đó trong 1Ti-mô-thê 5: 1 và 2.

1TI-MÔ-THÊ 5: 1-2 – Chớ quở nặng người già cả, nhưng hãy khuyên dỗ họ như cha, còn kẻ trẻ thì như anh em, đàn bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh sạch trọn vẹn.

Khi Phao-lô được Đức-Thánh-Linh cảm động để viết những lời nầy thì chúng ta có thể hiểu rằng Ngài đang dùng ông để dạy dỗ về chức vụ rao bảo tội lỗi mà Ti-mô-thê đã được giao phó trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên. Chẳng những vậy thôi mà lời của Chúa còn giúp cho chúng ta thấy được rằng chức vụ ấy không giới hạn ở vị trí của người lớn tuổi đối với kẻ nhỏ tuổi, mà đó cũng là chức vụ của người nhỏ tuổi có đời sống tin kính đối với những người lớn tuổi mà chưa thật sự biết sống theo mẫu mực của Đức Chúa Trời. Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới cho phép Ti-mô-thê được quở trách những người già cả nhưng không được quở trách nặng lời. Điều đó cũng giúp cho chúng ta hiểu được rằng trong cách rao bảo về tội lỗi cho người khác thì Cơ-đốc-nhân phải khéo léo, tế nhị và nghiêm trang, nhất là khi một người nhỏ tuổi thấy cần phải nhắc nhở những người lớn tuổi hơn về các dạng tội lỗi và hậu quả của chúng. Trong Kinh thánh đã có ghi lại nhiều trường hợp mà trong đó những người nhỏ tuổi lại biết sống đẹp lòng Chúa hơn là những người lớn tuổi, nhất là người trong gia đình, chẳng hạn như Gia-cốp được đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn là Ê-sau, hoặc như Môi-se thì được Đức Chúa Trời sử dụng nhiều hơn là anh chị của ông, tức là A-rôn và Mi-ri-am, hoặc như Đa-vít là em út trong gia đình mà lại được Đức Chúa Trời chọn trong khi đó thì các người anh của ông lại bị Chúa bỏ rồi, hoặc như Phao-lô, mặc dầu là một sứ đồ muộn màng của Chúa, nhưng lại có thể dạn dĩ quở trách Phi-e-rơ khi ông lầm lẫn phạm tội giả hình lúc đang ở tại thành An-ti-ốt. Bởi thế cho nên chức vụ rao báo về tội lỗi không giới hạn ở tuổi tác hoặc địa vị trong gia đình, tại Hội thánh hay ngoài xã hội, mà vấn đề trọng tâm là người đó có hết lòng kính sợ Chúa và chấp nhận chức vụ ấy như một trách nhiệm đã chỉ định cho chính cá nhân mình hay không mà thôi. Tôi vẫn hằng ao ước Chúa cho những người như vậy được thêm nhiều lên trong các Hội thánh của Ngài trên cả thế giới và nhất là trong vòng các Hội thánh Việt Nam.

Thế thì đến đây chúng ta có thể thấy được rằng chức vụ rao báo về tội lỗi cho người khác không chỉ giới hạn trong phạm vi trách nhiệm của những người đã dâng mình hầu việc Chúa, hoặc của các trưởng lão và những người có chức vụ trong Hội thánh, nhưng đó cũng là công tác mà Đức Chúa Jêsus đã giao phó cho tất cả các Cơ-đốc-nhân của mọi thời đại, như ý tưởng của Chúa đã bày tỏ ra trong Hê-bơ-rơ 3: 13.

HÊ-BƠ-RƠ 3: 13 – Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là “Ngày nay,” hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng.

Theo như câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng trách nhiệm của Cơ-đốc-nhân là khuyên bảo lẫn nhau về tội lỗi để không có một con dân Chúa nào bị cứng lòng. Nhưng Cơ-đốc-nhân không chỉ thực hiện trách nhiệm nầy đối với nhau trong phạm vi của Hội thánh không mà thôi, mà còn phải làm như vậy đối với người nhà mình, bà con mình, với bạn bè thân hữu và mọi người khác trong xã hội, như lời của Chúa đã có chỉ định về điều đó trong 1Phi-e-rơ 2: 9.

1PHI-E-RƠ 2: 9 – Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.

Chữ rao giảng nhân đức của Đức Chúa Trời trong câu Kinh thánh nầy có ý muốn nói đến việc rao bảo cho người khác biết về sự thương xót của Chúa khi người ta biết ăn năn về tội lỗi của họ. Và người ta chỉ có thể được cảm động để ăn năn khi họ nhận biết rằng họ có tội theo tiêu chuẩn của Chúa. Và loài người chỉ có thể nhận biết rằng họ có tội khi có người rao bảo cho họ biết về điều đó. Vì vậy chúng ta có thể thấy rằng chức vụ rao bảo cho thế gian về tội lỗi là một chức vụ quan trọng không thể bỏ qua, không thể chối từ và cần phải làm thường xuyên, sốt sắng và trung tín, bởi vì trên hết mọi sự thì chức vụ ấy liên quan đến ý muốn của Đức Chúa Trời và liên quan đến linh hồn quý báu của con người, như lời Kinh thánh đã bày tỏ ra trong các câu Kinh thánh sau đây:

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

2PHI-E-RƠ 3: 9 – Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.

RÔ-MA 10: 13-15 – Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? Như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền tin lành là tốt đẹp biết bao!

Như vậy thì qua các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là mọi người cần được cứu và người ta chỉ nhận được sự tha thứ của Chúa khi họ biết ăn năn về tội lỗi mà thôi. Chính bởi lẽ đó mà cần phải có nhiều người rao bảo cho thế gian về tội lỗi để họ có thể nhận biết rằng họ có tội mà sinh ra lòng ăn năn. Thông thường thì Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng chức vụ rao giảng Tin lành và rao báo về tội lỗi là thuộc về những người dâng mình hầu việc Chúa, nhưng lời Kinh thánh đã cho thấy rằng đó là chức vụ trọng đại dành cho tất cả con dân Ngài, không miễn trừ một ai. Nếu sự rao báo về tội lỗi chỉ dành riêng cho những người hầu việc Chúa thì số lượng người nghe sẽ không có là bao nhiêu, bởi vì người ngoại khi nghe về chức vụ mục sư là người ta đã ý phòng thủ rồi, vì biết chắc là sẽ được nghe nói về tội lỗi và được khuyên mời để tin nhận Chúa. Nhưng nếu tất cả các Cơ-đốc-nhân đều rao báo về tội lỗi tại trong gia đình, công sở, hãng xưởng, trường học, tức là ở khắp mọi nơi mọi chỗ, thì dầu muốn dầu không thì họ cũng phải nghe và số lượng người nghe sẽ tăng lên ở cấp số nhân, từ đó số người nhận biết rằng họ có tội theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cũng sẽ tăng lên. Như vậy thì sẽ có nhiều người được cảm động mà ăn năn và đến với Chúa.

Chính vì nhận biết triển vọng cao như vậy nếu tất cả các con dân Chúa đều nhận lấy trách nhiệm rao bảo về tội lỗi cho thế gian, nên ma quỉ đã dùng mọi mưu mô xảo quyệt để ngăn cản điều đó, và khiến cho Cơ-đốc-nhân lãng quên trách nhiệm trọng đại nầy hoặc nghĩ rằng đó là trách nhiệm của ai khác chớ chẳng phải là của mình. Nó làm như vậy để khiến cho số người nghe biết về tội lỗi cứ ít dần đi và từ đó ngăn cản người ta thực hiện bước đầu tiên và quan trọng trong tiến trình theo Chúa là nhận biết rằng mình có tội. Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, nếu hơn 2 tỷ người nói rằng mình tin Chúa hoặc theo Đạo đều cố gắng trung tín trong việc rao bảo cho người khác về tội lỗi thì thế giới nầy chắc đã khác biệt nhiều lắm về mức độ đạo đức. Nhưng có lẽ là âm mưu của ma quỉ trong việc ngăn cản chức vụ rao báo đã có kết quả vì hiện nay nhiều Cơ-đốc-nhân không những ít rao báo hoặc không rao báo về tội lỗi cho người trong thế gian mà thậm chí còn làm ngược lại là không thích nghe nói về tội lỗi nữa để họ có thể sống theo xu hướng của thời đại mà lương tâm của họ không bị cắn rứt.

Đối với người thế gian thì khi nghe người khác nói về tội lỗi mà họ đã phạm thì họ sẽ rất là bực mình, khó chịu. Nhưng nhiều Cơ-đốc-nhân ngày nay thì cũng phản ứng giống như họ, là không muốn được nhắc nhở về tội lỗi. Tâm lý của con dân Chúa đã như vậy thì làm sao rao báo được cho người thế gian về tội lỗi? Trong những năm chức vụ của tôi thì đã có một số Cơ-đốc-nhân hỏi tôi một cách gay gắt rằng tại sao họ lại không được sống giống như người thế gian. Các anh chị em ấy muốn tôi đồng ý với quan điểm của họ rằng Cơ-đốc-nhân phải được tự do làm điều người thế gian thích làm, sống theo cách của người thế gian đang sống. Đối với các anh chị em ấy thì như vậy mới là phù hợp với đám đông, hòa mình với xã hội. Tôi nghĩ là câu trả lời đúng đắn nhất thì quý Hội thánh ở đây đều đã biết rồi cho nên tôi không nói thêm. Nhưng có một điều đáng để ý là ngày hôm nay trong Hội thánh chung cũng ít khi nói về tội lỗi. Đối với Cơ-đốc-nhân và nhiều người rao giảng thì hai chữ tội lỗi không nên được nhắc đến, dầu là bên trong nhà thờ hay sau khi đã rời khỏi nhà thờ. Vì vậy mà khi truyền giảng thì Cơ-đốc-nhân chỉ nói đến phước để mời thân hữu đến với Chúa, còn vấn đề tội lỗi thì không đả động gì đến hoặc chỉ nói đến một cách chiếu lệ mà thôi. Bởi thế cho nên đối với một số chi hội thì hễ càng có nhiều người tin Chúa chừng nào thì tội lỗi trong Hội thánh địa phương lại càng nhiều chừng nấy, vì vấn đề ấy vẫn chưa được giải quyết trong đời sống của những người đã tin Chúa lẫn người mới tin Chúa.

Theo như câu Kinh thánh đã được trưng dẫn trong Hê-bơ-rơ 3: 13 thì nhiệm vụ của các Cơ-đốc-nhân trong Hội thánh chung là khuyên bảo lẫn nhau về tội lỗi để tránh tình trạng cứng lòng. Nhưng có lẽ vì Hội thánh chung ngày hôm nay ít khi nói đến tội lỗi một cách nghiêm trang và đúng đắn nên sự cứng lòng trong vòng một số Cơ-đốc-nhân đã trở nên rõ ràng đến nỗi con dân Chúa ít khi gây được ấn tượng tốt cho người thế gian để họ có thể biết về một đời sống thánh khiết và mẫu mực trong Đức Chúa Jêsus Christ là thế nào. Bởi lẽ đó mà chúng ta thấy có một tình trạng trái ngược vẫn đang xãy ra bấy lâu nay trong cộng đồng Cơ-đốc-nhân, đó là con cái Chúa bắt chước lối sống của người thế gian nhiều hơn là người thế gian bắt chước theo đời sống của con cái Chúa. Xu hướng trái ngược như vậy đã được lời của Chúa nhắc nhở là phải thay đổi kể từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên, nhưng cho đến nay thì Cơ-đốc-nhân vẫn chưa làm được. Chúng ta cần phải biết rằng theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì việc đừng sống giống như người thế gian là một mạng lệnh quan trọng dành cho toàn thể con dân Chúa, tức là bao gồm cả dân Y-sơ-ra-ên và Cơ-đốc-nhân của mọi thời đại, và mạng lệnh ấy đã được ghi lại trong các câu Kinh thánh sau đây:

LÊ-VI KÝ 18: 30 – Thế thì, các ngươi phải giữ điều ta phán dặn, để đừng làm theo một trong các thói tục gớm ghiếc nào đã làm trước các ngươi, và các ngươi chớ vì các thói tục đó mà gây cho mình ô uế. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.

RÔ-MA 12: 2 – Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Mạng lệnh của Chúa là rõ ràng lắm trong hai câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn, nhưng Cơ-đốc-nhân ngày nay vẫn thường hay quên, là vì ít khi nhắc nhở nhau về tội lỗi mà chỉ thích nói về phước không mà thôi. Nguyên nhân có lẽ là vì đa số Cơ-đốc-nhân thường nghĩ rằng vì mình đã tin Chúa rồi nên tất cả tội lỗi của cá nhân đều đã được xóa sạch, từ tội lỗi đã phạm trong quá khứ cho đến tội lỗi có thể phạm trong tương lai. Như điều mà tôi vẫn thường đề cập đến trong những lần suy gẫm Kinh thánh với quý Hội thánh thì việc tin nhận Chúa của một người chỉ giúp cho người ấy được xóa sạch tội lỗi trong quá khứ mà thôi, còn về tương lai thì khi một người đã tin Chúa rồi thì người ấy bắt buộc phải vâng giữ mọi điều mà lời của Chúa đã dạy dỗ. Đó là mạng lệnh mà Đức Chúa Jêsus đã phán dạy cách dặc biệt cho mọi Cơ-đốc-nhân khi Ngài giao phó công tác truyền giảng cho các sứ đồ và môn đồ của Ngài, như có chép trong Ma-thi-ơ 28: 19-20.

MA-THI-Ơ 28: 19-20 – Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.

Như vậy theo như lời của Chúa thì Cơ-đốc-nhân có bổn phận phải vâng giữ tất cả mọi điều mà lời của Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh, có nghĩa là phải sống theo điều răn, khuôn mẫu và mực thước mà Đức Chúa Trời đã chỉ định. Nếu chúng ta để ý trong cả Kinh thánh thì Đức Chúa Trời đã truyền phán rất nhiều mạng lệnh và Cơ-đốc-nhân cần phải cố hết sức để làm theo, chẳng hạn như các mạng lệnh có những chữ Phải, Đừng, Hãy, Chớ như trong Rô-ma 12: 2 mà chúng ta đã đọc khi nãy.

Một trong những lý do chính yếu khiến cho Cơ-đốc-nhân không muốn nói đến vấn đề tội lỗi và về một đời sống gương mẫu theo lời Kinh thánh là vì sự lừa dối của ma quỉ đã làm cho nhiều người tưởng rằng sau khi đã cầu nguyện tin Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân không còn bị ràng buột bởi luật pháp nữa, hoặc nói một cách khác là Cơ-đốc-nhân đã đứng trên luật pháp rồi nên không cần phải quan tâm đến mẫu mực và điều răn làm chi. Ý tưởng ấy xuất phát từ việc có nhiều người đã hiểu sai các câu gốc trong Kinh thánh và tưởng rằng trong thời kỳ ân điển thì Cơ-đốc-nhân không cần phải vâng giữ luật pháp nữa. Một trong những câu gốc điển hình là Ga-la-ti 5: 18.

GA-LA-TI 5: 18 – Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp.

Vấn đề Cơ-đốc-nhân và luật pháp trong Kinh thánh thì tôi sẽ xin được trình bày trong một Chủ đề khác nhưng tại đây thì các chữ Chẳng hề ở dưới luật pháp có nghĩa là sau khi tin Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân phải ở trên luật pháp. Đó là điều đương nhiên rồi, vì hễ không ở dưới thì phải ở trên. Nhưng có nhiều Cơ-đốc-nhân lại hiểu chữ dưới trên nầy theo cách của người đời, rằng người ở trên luật pháp là người không cần phải vâng giữ luật pháp, chẳng hạn như những kẻ quyền thế, giàu có, hay là những kẻ ở trong những vị trí ưu tiên. Nhưng trong xã hội của con người thì những kẻ ở trên luật pháp chính là những kẻ tham nhũng, vì họ không tuân thủ theo luật pháp như những công dân bình thường khác trong xã hội. Chỉ có tại các quốc gia độc tài thì những kẻ cầm quyền mới có thái độ đó mà thôi. Điều ấy giúp cho chúng ta thấy rằng khi Cơ-đốc-nhân không còn ở dưới luật pháp nữa thì con dân Chúa phải tự nguyện sống gương mẫu càng hơn để làm chứng tốt cho người thế gian về tiêu chuẩn thiện lành của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh. Sự nhận biết như vậy đã được đề cập đến trong Rô-ma 3: 31.

RÔ-MA 3: 31 – Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.

Sự làm vững bền luật pháp trong câu Kinh thánh nầy có ý nói đến việc Cơ-đốc-nhân phải cố hết sức vâng giữ luật pháp của Chúa để làm gương tốt cho người chưa tin. Chúng ta cần phải hiểu rằng khi một người ở dưới luật pháp thì người đó bị bắt buộc phải vâng giữ luật ấy vì sợ hình phạt. Nhưng khi một người đã ở trên luật pháp rồi thì người đó phải nên tự nguyện vâng giữ luật pháp càng hơn để làm gương cho người khác. Hiện nay Cơ-đốc-nhân chúng ta đã là con cái của Chúa và trong tương lai thì chúng ta sẽ trở nên hoàng tử và công chúa của Thiên đàng thì con dân Chúa đáng phải vâng giữ luật pháp càng hơn để làm gương cho thế gian về mẫu mực thiện lành mà Cha Thiên Thượng của chúng ta đã định sẳn cho nhân loại. Nguyên tắc nầy đã được bày tỏ ra trong 1Phi-e-rơ 2: 15 và được giải thích thêm trong Rô-ma 7: 12.

1PHI-E-RƠ 2: 15 – Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời.

RÔ-MA 7: 12 – Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.

Nhiều Cơ-đốc-nhân cứ hiểu một cách đơn giản rằng làm điều lành theo ý muốn của Đức Chúa Trời là giúp đỡ người khó khăn và làm các việc từ thiện phước đức khác. Nhưng lời của Chúa trong Rô-ma 7: 12 cho thấy rằng việc sống theo luật pháp và điều răn là cách làm việc thiện lành tốt nhất theo ý muốn của Đức Chúa Trời, vì một đời sống như vậy bao gồm cả việc làm thiện và làm gương cho người ở trong thế gian. Vấn đề ấy thì tôi sẽ giải thích thêm trong Chủ đề Cơ-đốc-nhân và Luật Pháp của Kinh thánh. Nhưng tại đây trong phạm vi của Chủ đề nầy thì tôi chỉ ao ước quý Hội thánh hiểu rằng việc sống mẫu mực theo luật pháp của Chúa và rao báo về tội lỗi cho người khác được biết là trách nhiệm và chức vụ của Cơ-đốc-nhân khi còn sống giữa thế gian. Trong hoàn cảnh đạo đức càng ngày càng suy đồi trong xã hội loài người thì Đức Chúa Trời đang cần hơn bao giờ hết những người biết vâng phục Ngài và nhận lấy chức vụ rao bảo về tội lỗi một cách trung tín, can đảm và tận tâm, để người ta có thể nhận biết về tội lỗi của họ hầu có thể có được lòng ăn năn mà đến với Chúa để được tha thứ thứ và nhận được sự sống đời đời trong tương lai. Trong thời kỳ tăm tối nầy trước ngày Đức Chúa Jêsus trở lại thì số đông những người rao bảo là nhu cầu cần có hơn bao giờ hết. Bao nhiêu người trong vòng con dân Chúa có thể dạn dĩ thưa trình trước mặt Chúa là mình sẳn sàng đảm nhận và thực hiện chức vụ quan trọng ấy cho đến cuối cùng? Tôi thật ước ao được đồng công cùng với những anh chị em khác để rao báo về tội tội lỗi cho người chưa tin cho đến ngày được phép của Chúa để an nghỉ khỏi những lao khổ của đời sống nầy.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời dức dấy và cảm động tấm lòng của con dân Chúa để có nhiều người can đảm bước ra mà nhận lấy chức vụ rao báo về tội lỗi cho mọi người ở trong thế gian. Cầu xin Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng vâng phục của những người như vậy để trang bị và thêm sức cho hầu cho họ có thể thực hiện được chức vụ quan trọng hàng đầu nầy một cách bền bĩ và trung tín luôn cho đến cuối cùng. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng càng hơn nữa để những người sẽ và đang ở trong chức vụ được tiếp tục rao báo về tội lỗi một cách trung thực và chính xác theo ý muốn của Đức Chúa Trời cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *