THEO GƯƠNG ĐỨC CHÚA JÊSUS 2

THEO GƯƠNG ĐỨC CHÚA JÊSUS 2

Kinh thánh: 2Ti-mô-thê 1: 1-5

Câu gốc: MA-THI-Ơ 11: 28-29 – Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của ta và học theo ta thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

Kính thưa quý Hội thánh, chúng ta tạ ơn Chúa là mỗi năm thì cả nhân loại có dành riêng ra một ngày gọi là ngày Mother’s Day để vinh danh và tri ân những bà mẹ hiền, và Cơ-đốc-nhân chúng ta thì cũng dùng ngày nầy để biết ơn những bà mẹ có đầy dẫy đức tin đã hướng dẫn cho con cái của mình kính yêu Chúa và bước theo Ngài một cách trung tín cho đến cuối cùng. Trong một thế giới càng ngày càng phức tạp và đầy dẫy tội lỗi thì Hội thánh Chúa cần có những bà mẹ như vậy hơn bao giờ hết để gây dựng và khích lệ những thế hệ nối tiếp sau nầy cho đến ngày Đức Chúa Jêsus trở lại. Những bà mẹ tin kính là tấm gương sáng cho con cháu và cho mọi người, giống như trường hợp của những bậc thánh mẫu đã được Kinh thánh ghi lại như mẹ của Môi-se và mẹ của Ti-mô-thê, là những người đã nuôi dưỡng con cái của họ trong ơn của Đức Chúa Trời để trở thành những thánh nhân và vĩ nhân trong lịch sử của Hội thánh. Lời Kinh thánh cho chúng ta biết là bà Giô-kê-bết mặc dầu chỉ được nuôi dạy con của bà như một bảo mẫu nuôi dạy dùm con của người khác thì bà vẫn gây dựng được cho Môi-se một đức tin mạnh mẽ để ông trở thành một người biết nhớ đến dân tộc và dầu khi đã lớn khôn rồi, dầu được sống trong vinh hoa phú quý thì ông vẫn không quên dân tộc Hê-bơ-rơ. Môi-se không hề cảm thấy tự ái khi biết dân tộc của ông là những kẻ nô lệ và ông vẫn sẳn sàng hy sinh để bênh vực người Hê-bơ-rơ mặc dầu điều đó là trái lệnh vua và có thể nguy hiểm đến tính mạng, như lời Kinh thánh đã được chép trong Hê-bơ-rơ 11: 23-27.

HÊ-BƠ-RƠ 11: 23-27 – Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt, không sợ chiếu mạng của vua. Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi. Người coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vì người ngửa trông sự ban thưởng.

Bà Giô-kê-bết phải là một phụ nữ tin kính hết lòng và kiên định mới có thể nuôi dưỡng thành người một đứa con trai có đầy dẫy đức tin như Môi-se. Câu chuyện về cuộc đời của Ti-mô-thê thì cũng giống như vậy. Nhờ Kinh thánh mà chúng ta biết được rằng ông có một người bà và một người mẹ đầy dẫy đức tin. Chính nhờ điều đó mà sau nầy Ti-mô-thê được Đức Chúa Trời sử dụng vào việc rao giảng lời của Ngài cho các Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên. Đức tin của người bà và người mẹ của Ti-mô-thê đã được Phao-lô nhắc nhở đến như là một tấm gương sáng để nhờ đó mà Ti-mô-thê có thể dạn dĩ tiếp tục chức vụ của ông một cách can đảm, tận tâm và trung tín cho đến cuối cùng. Lời nhắc nhở của Phao-lô về hai người phụ nữ đặc biệt ấy là một vinh dự lớn cho gia đình của Ti-mô-thê, vì danh tánh của hai bà sẽ cứ còn mãi mãi trong Kinh thánh. Họ được vinh dự lớn lao như vậy là vì đã có đức tin mạnh mẽ nơi Chúa và đã dùng đức tin ấy mà nuôi dưỡng Ti-mô-thê trở nên một người hữu dụng cho công việc Chúa, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong 2Ti-mô-thê 1: 5.

2TI-MÔ-THÊ 1: 5 – Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà nội con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa.

Lời Kinh thánh cho thấy rằng việc các bà mẹ Cơ-đốc có đức tin lớn nơi Chúa là yếu tố quan trọng để giúp cho con cháu của họ được trở nên những thánh nhân. Theo tâm lý thông thường mà người ta đã ghi nhận được thì con cái trong gia đình thường nhận được ảnh hưởng nhiều từ các bà mẹ hơn là những người cha, ấy là vì người mẹ thì có thời gian gần gũi với con nhiều hơn là người cha, nhất là trong thời gian mang thai và suốt trong những năm tháng từ lúc b1 thơ cho đến tuổi trưởng thành. Vì vậy mà việc mỗi một gia đình Cơ-đốc có những người bà người mẹ như vậy là rất quan trọng và cần thiết để cho con cháu có thể theo gương của quý bà mà trở nên người kính yêu Chúa và hữu dụng cho Hội thánh khi còn trên đất nầy. Bởi lẽ đó mà chúng ta cần cầu nguyện nhiều cho quý bà quý cô trong Hội thánh để những phụ nữ Cơ-đốc sẽ là những tấm gương tốt cho con cháu noi theo, giống như trường hợp của các bà thánh Giô-kê-bết, Lô-nít và Ơ-nít trong cuộc đời của Môi-se và của Ti-mô-thê.

Nhưng vì bài giảng ngày Chúa nhật là một trong những thời điểm cần phải dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời chớ không phải chỉ dành riêng cho con người, cho nên khi chúng ta nhắc nhở và vinh danh những tấm gương tin kính của các bà mẹ trong Kinh thánh để khích lệ quý bà quý cô thì chúng ta không thể nào không nhắc đến tấm gương của Đức Chúa Jêsus đã để lại cho thế gian và nhất là cho Cơ-đốc-nhân. Khi chúng ta nhắc nhở các thế hệ trẻ phải biết noi theo tấm gương của các người bà và người mẹ đầy dẫy đức tin để từ đó mà kính yêu Chúa và trung tín bước theo Ngài cho đến cuối cùng thì chúng cũng phải nhắc nhở nhau sống theo gương của Đức Chúa Jêsus, vì đó là điều mà Đức Chúa Trời muốn tất cả các con dân Ngài đều phải thực hiện. Chúng ta đều đã biết lời phán dạy của Chúa là trong mọi sự thì phải vì vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm thì trong ngày Mother’s Day đang khi chúng ta tri ân các bà mẹ thì chúng ta cũng phải biết vinh danh Chúa bằng cách nhắc nhở đến việc Cơ-đốc-nhân cần phải theo gương của Đức Chúa Jêsus để sống giữa thế gian nầy. Gương tin kính của các bà mẹ là quý trọng và đáng noi theo, nhưng gương của Đức Chúa Jêsus thì lại càng quý trọng trăm ngàn lần hơn và càng đáng để noi theo một cách triệt để hơn nữa.

Vì nếu Cơ-đốc-nhân biết noi theo gương của các bà mẹ mà lại thờ ơ với việc sống theo gương của Đức Chúa Jêsus thì đó là điều hết sức mâu thuẫn. Con người thì dầu trọn vẹn cách mấy cũng có khuyết điểm, nhưng Đức Chúa Jêsus thì không hề có một khuyết điểm nào, vì Ngài chính là Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng khi con dân Chúa biết nhắc nhở nhau để noi theo gương của các bà mẹ tin kính trong Kinh thánh thì chắc chắc là chúng ta càng phải nhắc nhở nhau để noi theo gương của Đức Chúa Jêsus Christ nhiều hơn nữa, vì đó là điều tốt hơn hết và cũng là ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì vậy mặc dầu là trong ngày Mother’s Day thì chúng ta cũng phải dâng vinh hiển cho Chúa bằng cách nhắc đến gương của Đức Chúa Jêsus. Đây là điều mà chắc quý Hội thánh đều có thể hiểu được. Bởi lẽ đó mà các bà mẹ trong các gia đình Cơ-đốc-nhân cũng cần phải học theo gương của Đức Chúa Jêsus để làm mực thước cho con cháu mình noi theo. Sự noi theo cách như vậy là mẫu mực của sự làm gương mà Phao-lô đã có đề cập đến trong 1Cô-rinh-tô 11: 1.

1CÔ-RINH-TÔ 11: 1 – Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.

Áp dụng mẫu mực nầy vào trong các gia đình Cơ-đốc thì các bậc trưởng bối như ông bà cha mẹ phải noi theo gương của Đấng Christ để từ đó con cháu có thể noi gương mình mà sống một đời đẹp lòng Đức Chúa Trời hầu cho cả gia đình có thể được phước dồi dào trong Chúa. Vì thế đây chính là lý do mà chúng ta cùng nhau suy gẫm đến phần thứ hai của Chủ đề Theo Gương Đức Chúa Jêsus trong ngày Mother’s Day năm nay.

Kính thưa quý Hội thánh, trong thời gian qua thì chúng ta đã cùng nhau suy gẫm đến những chủ đề có liên quan mật thiết với nhau. Sự suy gẫm như vậy là ao ước của tôi trong cố gắng giúp đỡ quý Hội thánh yêu mến càng hơn lời của Chúa để được tăng trưởng trong đức tin. Vì vậy mà sáng hôm nay tôi xin tổng kết sơ lược lại những điều mà chúng ta đã học để có thể tiếp tục với chủ đề Theo Gương Dức Chúa Jêsus phần thứ hai. Tất cả chúng ta đều biết rằng con người sinh vào đời sống nầy đều bị cám dỗ bởi tội lỗi để phạm tội và sau khi qua đời rồi thì người ta chỉ có hai chỗ để đi đến mà thôi, đó là sự trầm luân đời đời trong hỏa ngục và được sống vinh hiển đời đời trong Thiên đàng với Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Đấng Yêu Thương nên đã giáng thế thành người để trực tiếp dạy dỗ và chỉ dẫn cho nhân loại về con đường được đến Thiên đàng. Đó là ý muốn của Chúa. Bởi lẽ đó khi một người muốn được vào Thiên đàng của Đức Chúa Trời trong tương lai thì phải đi theo con đường mà Ngài đã thiết lập. Bước đầu tiên trên con đường ấy là phải nhận biết rằng mình có tội và bước thứ hai là phải ăn năn. Sau khi suy gẫm đến bước thứ hai nầy thì tôi phải tạm dừng lại để trình bày thêm với quý Hội thánh về những chủ đề có liên quan đến hai bước ấy. Như chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua thì yếu tố quan trọng để có thể giúp cho một người nhận biết rằng mình có tội là đức tánh nhu mì. Thiếu đức tánh nầy thì người ta khó mà nhận biết rằng họ có tội và khó có thể đến với Chúa một cách thật lòng để nhờ đó được tha thứ và nhận được sự sống đời đời trong tương lai. Như chúng ta đã biết thì việc thú nhận rằng mình có tội và ăn năn là hai hành động quan trọng bày tỏ đức tin của một người nơi Đức Chúa Trời và nhờ đức tin đó mà con người được cứu chuộc khỏi tội lỗi. Như vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng đức tánh nhu mì là yếu tố dẫn người ta đến đức tin nơi Đức Chúa Trời và nơi Đức Chúa Jêsus Christ, hay nói một cách khác thì đức tánh nhu mì là bước đầu tiên giúp cho một người trở thành thánh nhân trong tương lai. Bởi vì sự quan trọng của đức tánh nhu mì là như vậy nên chính Đức Chúa Jêsus đã phán dạy rằng loài người hãy đến với Ngài để học tập theo gương của Ngài mà xây dựng và phát triển tánh nhu mình trong đời sống mình, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 11: 28 và 29 và cũng là câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay:

MA-THI-Ơ 11: 28-29 – Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

Hai câu gốc nầy rất là quen thuộc với mọi Cơ-đốc-nhân vì thường được dùng trong các buổi truyền giảng hoặc dùng để an ủi khích lệ những người gặp thử thách. Nhưng chúng ta đã biết rằng tánh nhu mì cũng cần phải có trong đời sống của Cơ-đốc-nhân sau khi đã tin nhận Chúa rồi để tiếp tục nhận biết rằng mình có tội mỗi một lần vô tình phạm lầm lỗi. Bởi thế cho nên hai câu gốc nầy cũng rất là quan trọng đối với Cơ-đốc-nhân. NMặc dầu tất cả chúng ta đều đã quen thuộc với 2 câu gốc nầy nhưng trong chủ đề của buổi sáng hôm nay thì chúng ta sẽ suy gẫm lời của Chúa một cách chi tiết và sâu xa hơn để có thể thấy được rằng việc xây dựng và phát triển tánh nhu mì trong đời sống mình là một phần trọng yếu trong việc theo gương Đức Chúa Jêsus đang khi chúng ta còn sống trong trần gian nầy.

Theo lời của Đức Chúa Jêsus đã phán thì yếu tố quan trọng để một người có thể đến với Chúa mà học tập và xây dựng tánh nhu mì cho mình là việc cảm thấy gánh nặng làm cho đời sống của mình trở nên mệt mõi. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus chỉ kêu gọi những người có tâm trạng ấy mà thôi. Còn người nào chưa có tâm tạng như vậy thì sẽ không nghe được tiếng kêu gọi của Chúa hoặc sẽ không bao giờ đến với Ngài và không bao giờ xây dựng được cho họ tánh nhu mì thật sự. Bởi vì nếu một người không cảm thấy gánh nặng trên đời sống của họ mà vẫn nghe được tiếng kêu gọi của Chúa và đến được với Chúa một cách thật lòng thì lời kêu gọi những kẻ mệt mõi và gánh nặng của Đức Chúa Jêsus sẽ trở nên dư thừa, mà chúng ta biết rằng Chúa là Đấng Khôn Ngoan tuyệt đối nên Ngài chẳng bao giờ làm một điều dư thừa nào hoặc một điều thiếu kém nào cả. Tất cả mọi công việc và lời nói của Chúa đều chính xác và đúng đắn. Nếu Chúa đã gọi những kẻ mệt mõi và gánh nặng để đến với Ngài thì chỉ những kẻ ấy mới nghe được tiếng của Ngài mà thôi. Cho nên bởi lẽ đó mà chức vụ của những người hầu việc Chúa là phải giúp cho mọi người, nhất là những Cơ-đốc-nhân chưa được tái sanh cảm thấy gáng nặng bên trên và bên trong đời sống của họ để họ có thể nghe được tiếng kêu gọi nầy của Chúa mà đến với Ngài để học theo gương của Đấng Christ hầu có thể xây dựng được cho chính họ đức tánh nhu mì để dẫn đến đức tin thật.

Nhưng khi đã nhận biết rằng hai câu gốc nầy là lời kêu gọi của Chúa dành cho những kẻ mệt mõi và gánh nặng thì chúng ta cần phải biết rằng gánh nặng đó là gánh nặng gì. Chắc chắn đó không phải là gánh nặng tiền bạc mà các Hội thánh thường kêu gọi con dân Chúa đóng góp vào để xây dựng điều nầy hoặc mua sắm điều kia. Đó cũng không phải là gánh nặng của việc ủng hộ các chương trình của Hội thánh hoặc ủng hộ công tác truyền giảng, bởi vì việc ủng hộ các công tác ấy là bổn phận của lòng yêu thương nên không thể khiến cho Cơ-đốc-nhân mệt mõi được, mà càng phải sốt sắng hơn. Nhiều người trong chúng ta đã biết rằng chữ gánh nặng mà Đức Chúa Jêsus đã phán trong hai câu gốc nầy có nghĩa là gánh nặng tội lỗi, vì hai câu gốc nầy vẫn thường được sử dụng trong những buổi truyền giảng, nhưng để giúp cho quý Hội thánh có thể thấy được điều đó một cách chắn chắn thì chúng ta cần trưng dẫn một số câu Kinh thánh để biết được trọng tâm chức vụ của Đức Chúa Jêsus hầu từ đó có thể hiểu được ý nghĩa của chữ gánh nặng trong lời kêu gọi của Ngài. Câu thứ nhất là ở trong Giăng 1: 29.

GIĂNG 1: 29 – Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.

HÊ-BƠ-RƠ 9: 26 – Bằng chẳng vậy, thì từ buổi sáng thế đến nay, Ngài đã phải chịu khổ nhiều lần rồi. Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi.

Như vậy qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta đã có thể thấy được rằng trọng tâm chức vụ của Đức Chúa Jêsus khi Ngài đến thế gian là để cứu chuộc con người khỏi gánh nặng tội lỗi. Đó chính là điều mà Đức Chúa Jêsus đã tuyên bố với mọi người, như lời của Ngài đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 9: 13.

MA-THI-Ơ 9: 13 – Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.

Như vậy thì qua các câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta đều có thể biết rằng gánh nặng mà Đức Chúa Jêsus đã kêu gọi người ta đến với Ngài là gánh nặng tội lỗi làm cho cho họ mệt mõi. Có lẽ nghe đến đây thì nhiều người sẽ nghĩ rằng nhắc lại điều nầy là dư thừa vì tất cả các Cơ-đốc-nhân đều đã biết đến điều ấy rồi, nhưng điểm khác biệt mà tôi muốn nhấn mạng ở đây là sự mệt mõi mà những người đang mang gánh nặng tội lỗi phải nhận biết. Đa số các Cơ-đốc-nhân sau khi đã cầu nguyện tin Chúa rồi thì đều được khuyến khích là đừng mang gánh nặng tội lỗi nữa vì mọi tội lỗi đã được Chúa tha thứ hết rồi. Chính vì vậy mà đa số Cơ-đốc-nhân thường không muốn nghe hoặc không muốn được nhắc nhở về tội lỗi, tưởng rằng nhờ làm như vậy thì sẽ được yên nghỉ trong tâm trí của mình giống như lời Đức Chúa Jêsus đã hứa. Nhưng trong thực tế thì Cơ-đốc-nhân có thật sự yên nghỉ chưa, hay chỉ là cảm giác giả tạo tự mình dùng để dối lòng mình? Nếu Cơ-đốc-nhân đã thật sự yên nghỉ thì tại sao vẫn còn những sự cay đắng, hờn giận, tranh đấu, bè đảng trong Hội thánh chung? Nếu thật sự yên nghỉ thì tại sao ngày hôm nay Cơ-đốc-nhân vẫn còn cố tình phạm tội? Nếu sự phạm tội trong đời sống Cơ-đốc-nhân vẫn còn thì chỗ nào trong Kinh thánh ghi lại lời Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ tha thứ cho Cơ-đốc-nhân những tội lỗi sẽ phạm trong tương lai? Không có chỗ nào trong Kinh thánh ghi lại một lời hứa giống như vậy, mà lời phán của Đức Chúa Trời về việc việc đừng phạm tội nữa thì đầy dẫy trong Kinh thánh. Bởi thế cho nên việc Cơ-đốc-nhân tự ru ngủ nhau về việc không còn gánh nặng tội lỗi trên đời sống mình chỉ là ảo tưởng mà thôi và điều đó đến bởi sự lừa dối của ma quỉ.

Vì muốn chống nghịch với Đức Chúa Trời nên Sa-tan đã cám dỗ con người phạm tội để khi số người phạm một tội nào đó đã đù đông thì tội lỗi đó không còn bị xem là tội lỗi nữa. Cũng chính vì thế mà ngày hôm nay khi nói về một tội lỗi nào đó trong Hội thánh thì Cơ-đốc-nhân không còn muốn nghe nhắc đến hoặc nhúng vai một cách dửng dưng để nói rằng đó là chuyện bình thường, chớ không hề có một chút ưu tư nào để tự hỏi rằng tại sao trong Hội của những người được biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời lại còn tồn tại những tội lỗi ấy. Nếu tội lỗi trong Hội thánh vẫn còn mà con dân Chúa không còn cảm thấy gánh nặng của tội lỗi làm cho mình mệt mõi nữa, thì chẳng lẽ là ma quỉ đã thắng thế rồi sao? Và nếu tội lỗi vẫn còn tồn tại trong Hội thánh mà Cơ-đốc-nhân không cảm thấy gáng nặng của tội lỗi làm cho mình mệt mõi thì làm sao con dân Chúa nghe được lời kêu gọi của Đấng Christ vẫn còn vang vọng trong từng trang Kinh thánh? Nếu tội lỗi vẫn còn trong Hội thánh thì bổn phận của người hầu việc Chúa là phải tiếp tục rao bảo về tội lỗi để cho con dân Chúa được thức tỉnh mà cảm thấy gánh nặng về tội lỗi hầu cho họ có thể nghe được tiếng kêu gọi của Chúa mà đến với Ngài để học biết và xây dựng cho mình tánh nhu mì thật. Nếu tội lỗi vẫn còn trong Hội thánh mà những người rao giảng không thức tỉnh con dân Chúa bằng sự rao bảo về tội lỗi thì họ đã ngăn trở người ta đến với Chúa và tiếp tay cho ma quỉ để ru ngủ Cơ-đốc-nhân. Sự rao giảng êm tai, hài hước và vui nhộn sẽ không làm cho người ta thức tỉnh về tội lỗi. Sự rao giảng như vậy chỉ làm cho Cơ-đốc-nhân đến với con người chớ không bao giờ đến được với Đức Chúa Trời.

Như vậy chúng ta có thể thấy được mối liên hệ mật thiết giữa các vấn đề mà chúng ta đã suy nghĩ qua: Ấy là để bắt đầu tiến trình theo Chúa thì một người phải nhận biết tội lỗi để tin nhận Đức Chúa Jêsus và cũng phải nhận biết như vậy sau khi đã trở nên Cơ-đốc-nhân rồi. Và để nhận biết tội lỗi thì một người phải có tánh nhu mì, mà tánh nhu mì thật chỉ được xây dựng và phát triển khi người ta đến với Đức Chúa Jêsus mà thôi. Nhưng để có thể đến được với Ngài thì người ta phải nhận biết gánh nặng tội lỗi đang làm cho mình mệt nhọc, thậm chí tuyệt vọng nữa, giống như trường hợp của Phao-lô trước ngày được gặp Chúa trên đường đi Đa-mách và ông đã phải thốt lên những lời nầy, là lời được ghi lại trong Rô-ma 7: 21-24.

RÔ-MA 7: 21-24 – Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?

Lời ta thán của Phao-lô là bằng chứng cho thấy rằng ông đã hết sức mệt mõi vì gánh nặng tội lỗi cứ đè trĩu trên cuộc đời của ông. Vì vậy trường hợp của Phao-lô là bằng chứng điển hình mà lời của Chúa muốn cho chúng ta thấy rằng chỉ những người có tâm trạng như vậy mới nghe được tiếng kêu gọi của Đức Chúa Jêsus mà thôi. Chỉ những người kinh nghiệm được sự mệt mõi về gánh nặng tội lỗi mới có thể đến được với Ngài. Bởi thế cho nên Cơ-đốc-nhân phải giúp đỡ lẫn nhau bằng cách nhắc nhở về tội lỗi để cho những người chưa được tái sanh cảm thấy gánh nặng ấy mà nghe được tiếng kêu gọi của Chúa. Còn đối với những người đã được tái sanh rồi thì sự nhắc nhở như vậy sẽ giúp cho họ cứ tỉnh thức và giữ mình. Những người ấy cũng sẽ nhờ sự nhắc nhở như vậy mà vui mừng để tạ ơn Chúa rằng hai bước đầu tiên trên tiến trình theo Chúa đã thực hiện xong rồi và họ sẽ mạnh mẽ, tự tin mà thực hiện các bước tiếp theo cho đến ngày vào được Thiên đàng.

Điểm khác biệt giữa một người đã đến với Chúa và một người chưa nghe được tiếng kêu gọi của Ngài là sự yên nghỉ trong tâm linh. Theo như lời của Đức Chúa Jêsus đã phán trong hai câu Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay thì chỉ những người đến với Ngài và học biết được sự nhu mì thật là thế nào và làm theo thì lúc đó mới thật sự kinh nghiệm được sự yên nghỉ mà Đức Chúa Jêsus đã hứa. Đó là sự yên nghỉ thật sự trong tâm linh chớ không phải là sự yên nghỉ giả tạo của việc tự ru ngủ chính mình bằng quan điểm riêng của con người hoặc của người rao giảng. Bởi thế mà lời phán của Đức Chúa Jêsus mới chỉ ra cho chúng ta thấy trình tự của việc một người đến với Chúa: Thứ nhất là cảm giác mệt mõi vì gánh nặng của tội lỗi, thứ hai là nhờ đó mà nghe được tiếng kêu gọi của Chúa, thứ ba là quyết định đến với Ngài, thứ tư là học biết tánh nhu mì thật, khiêm nhường thật là thế nào để rồi có quyết định làm theo hay không, tức là có muốn học theo theo gương của Đức Chúa Jêsus hay không và cuối cùng thì mới được kết quả là sự yên nghỉ trong tâm linh. Hôm nay thì chúng ta chỉ mới cùng nhau suy gẫm đến phần thứ nhất của hai câu gốc nầy, là cảm biết gánh nặng tội lỗi trên đời sống cá nhân. Những lần tới thì chúng ta sẽ học biết thêm những phần kế tiếp trong lời phán của Chúa theo thứ tự mà tôi vừa mới đề cập qua. Sự học theo gương của Đức Chúa Jêsus có liên quan đến bước đầu tiên trên con đường theo Chúa của Cơ-đốc-nhân. Hy vọng rằng mối liên hệ nầy sẽ giúp chúng ta hiểu được về các lẽ thật trong Kinh thánh rõ ràng hơn .

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục mở mắt tâm linh của con dân Chúa để chúng ta có thể thấy được trình tự của những điều cần phải làm trên tiến trình theo Chúa mỗi một ngày đang khi còn ở giữa trần gian nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm cho mỗi chúng ta lòng kiên nhẫn để học biết về Lẽ thật trong Kinh thánh nhiều hơn và rõ ràng hơn hầu có thể làm đẹp lòng Chúa theo ý muốn của Ngài. Và cầu xin Đức Chúa Trời ban thưởng từng hồi từng lúc cho sự kiên nhẫn và cố gắng của chúng ta để con dân Chúa được khích lệ mà chú ý tìm biết về Lẽ thật trong Kinh thánh nhiều hơn cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *