THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Phục truyền 32: 39

SỰ TỂ TRỊ TUYỆT ĐỐI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Kinh thánh: Phục truyền 32: 1-4 và 36-39.

Câu gốc: PHỤC TRUYỀN 32: 39 – Bây giờ, hãy xem ta là Đức Chúa Trời. Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác. Ta khiến cho chết và cho sống lại, làm cho bị thương và chữa cho lành. Chẳng có ai giải cứu khỏi tay ta được.

Tất cả các Cơ-đốc-nhân chúng ta đều tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên cả vũ trụ và cũng là Đấng tạo dựng nên con người. Mặc dầu tin là như vậy, nhưng vẫn có một số Cơ-đốc-nhân tưởng rằng còn có một quyền lực khác hành động trong thế giới loài người mà không cần có sự chấp thuận của Đức Chúa Trời. Đặc biệt là khi có những điều bất như ý xãy ra cho con người, chẳng hạn như chết chóc, bệnh tật, hoạn nạn, chiến tranh, thì có một số Cơ-đốc-nhân bị hoang mang và tìm cách bênh vực cho hình ảnh của một Đức Chúa Trời yêu thương bằng cách giải thích rằng những sự kiện đó xãy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của Ngài. Những người đó làm như vậy để có thể tiếp tục giới thiệu với người chưa tin về hình ảnh của một Đức Chúa Trời thiện mỹ, nhưng rốt lại thì hành động đó chỉ làm cho người khác hoang mang càng thêm và làm cho họ nghi ngờ về sự thực hữu của một Đức Chúa Trời toàn năng. Nguyên nhân cũng là vì có một số người chưa hoàn toàn hiểu được về sự tể trị tuyệt đối của Chúa trong cả vũ trụ nầy. Chính vì vậy mà ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau cậy ơn Chúa và dùng các lời của Ngài trong Kinh thánh để suy gẫm về sự tể trị Chúa.

Các lẽ thật trong Kinh thánh đều cho biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, nhưng tình yêu và đường lối của Ngài dành cho nhân loại thì hoàn toàn vượt cao hơn sự suy tưởng của con người. Đa số mọi người, ngay cả nhiều Cơ-đốc-nhân cũng vậy, thì đều cho rằng nếu Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương thì Ngài phải hành động và ban phước cho con người theo quan điểm của họ. Chính bởi lẽ đó mà khi có những điều xãy ra trái với sự suy nghĩ của con người, chẳng hạn như khi kẻ ác được thạnh vượng và sống lâu mà người hiền lại chết sớm thì người trong thế gian thường tuyên bố một cách phạm thượng là ông trời không có mắt. Đối với những kẻ tuyên bố giống như vậy thì Thượng Đế phải suy nghĩ, hành động và xét xử theo quan điểm của con người. Hễ họ muốn người gian ác phải bị phạt thì Thượng Đế bắt buộc phải phạt người đó theo ý muốn của họ, bằng không thì họ không tin là có một Đấng cao cả đang tể trị trên đời sống của con người.

Một điều đáng ngạc nhiên là nhiều khi Cơ-đốc-nhân cũng có thái độ và quan điểm đó. Vì vậy mà trong suốt chiều dài của lịch sử Hội thánh thì đều có những người từ bỏ đức tin, chối bỏ Chúa mà trở lại với thế gian, vì thấy rằng Đức Chúa Trời không hành động và phản ứng theo điều mà họ suy nghĩ hoặc mong muốn. Trong những trường hợp khác thì lại có người không bỏ đạo, nhưng lại hoàn toàn theo Chúa bằng quan điểm xác thịt của cá nhân họ, nhất là khi thấy rằng tiếp tục giữ lấy danh hiệu là Cơ-đốc-nhân hoặc giữ lấy địa vị của họ trong Hội thánh thì có lợi hơn là bỏ Chúa, mặc dầu trong lòng họ thì không còn tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu nữa. Nếu quan sát kỹ thì chúng ta có thể thấy rằng những người như vậy không phải là ít trong Hội thánh chung. Họ lợi dụng danh nghĩa Cơ-đốc-nhân, họ lợi dụng địa vị trong Hội thánh, họ lợi dụng Kinh thánh để làm giàu cho chính họ, để làm kẻ cai trị trong vòng con dân Chúa như một tiểu vương hoặc lợi dụng đoàn thể Cơ-đốc-nhân để tìm kiếm và duy trì quyền lực chính trị của họ trong xã hội. Tất cả những điều đó và những điều tương tự đã xãy ra đều bắt nguồn từ việc Cơ-đốc-nhân ít khi hiểu được hoặc hoàn toàn tin rằng quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong cả vũ trụ và trên đời sống của con người là tuyệt đối 100%.

Khi nói đến chữ tuyệt đối thì điều đó có ý nghĩa là không có một sự việc lớn nhỏ nào xãy ra trong cả vũ trụ nầy mà không được phép của Đức Chúa Trời. Chắc chắn rằng khi nói đến đây thì đã có một số Cơ-đốc-nhân hoàn toàn không đồng ý. Bởi vì theo quan điểm của các anh chị em ấy thì nếu sự tể trị của Đức Chúa Trời là như vậy thì chẳng lẽ những bất hạnh, đau thương, chết chóc và bệnh tật đều là do Đức Chúa Trời gây ra cho con người. Thắc mắc như vậy là điều dễ hiểu. Ấy là vì Lẽ thật về sự tể trị tuyệt đối của Chúa hoàn toàn không phù hợp với quan điểm của nhiều Cơ-đốc-nhân, chứ đừng nói chi là quan điểm của người chưa tin. Ấy cũng là vì nhiều người hiểu về Đức Chúa Trời bằng tư tưởng và sự nhận thức của cá nhân họ hơn là tra cứu cẩn thận các lẽ thật trong Kinh thánh. Bởi lẽ đó mà sự nhận biết thiếu sót và sai lầm như vậy về Đức Chúa Trời là một trong những lý do đòi hỏi Cơ-đốc-nhân phải nghiên cứu Kinh thánh một cách cẩn thận hơn nữa, chớ không phải là cách thức tìm hiểu ý nghĩa bề mặt của chữ như nhiều người vẫn thực hiện từ trước đến nay đối với việc học Kinh thánh hoặc nghiên cứu lời của Chúa.

Trước khi đi vào chi tiết của Chủ đề nầy thì chúng ta cần phải hiểu rằng sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trong vũ trụ và trên đời sống của con người gồm có 2 hình thức chính yếu: Thứ nhất là Chúa muốn điều đó xãy và thứ hai là Chúa cho phép điều đó được xãy ra để dùng nó vào chương trình chung của Ngài. Nói một cách khác thì sự tể trị của Chúa gồm có phần trực tiếp và phần gián tiếp, hay có thể gọi là phần chủ động và phần thụ động. Tôi dùng những từ ngữ như vậy là để giúp cho quý Hội thánh có thể hiểu được và phân biệt được hai hình thức tể trị của Chúa, chớ không hề có ý nói rằng Đức Chúa Trời ngồi yên để cho sự việc xãy ra ngoài ý muốn của Ngài. Để cho quý Hội thánh có thể thấy được hai hình thức tể trị ấy của Chúa thì chúng ta có thể suy gẫm đến những câu Kinh thánh sau đây.

Khi đề cập đến vấn đề bị bệnh tật, bị tai nạn hoặc bị thương tích trong đời sống của con người thì lời của Chúa cho biết là có những trường hợp thì điều đó xãy ra là do Đức Chúa Trời trực tiếp thực hiện, còn trong những trường hợp khác thì Đức Chúa Trời lại cho phép xãy ra chớ không trực tiếp dự phần vào. Chẳng hạn như trong trường hợp của vua A-xa-ria thì Đức Chúa Trời đã khiến cho ông bị bệnh phung, như lời Kinh thánh có tường thuật lại trong 2Các Vua 15: 5.

2CÁC VUA 15: 5 – Đức Giê-hô-va giáng họa cho vua, khiến bị bịnh phung cho đến ngày người chết. Người phải rút ở trong nhà riêng. Giô-tham, con trai vua, cai quản đền vua và xét đoán dân sự của xứ.

Trường hợp của vua Giô-ram thì cũng giống như vậy, tức là ông bị Đức Chúa Trời làm cho bị bệnh đau ruột mà chết, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong 2Sử ký 21: 18.

2SỬ KÝ 21: 18 – Sau các việc ấy, Đức Giê-hô-va hành hại người, khiến cho bị bịnh bất trị trong ruột.

Hai trường hợp bị bệnh của vua A-xa-ria và Giô-ram đều là do Đức Chúa Trời trực tiếp làm ra như là hình phạt về tội thờ lạy thần tượng của họ, nhất là tánh hung bạo của Giô-ram khi ông giết chết các người em để không còn ai tranh giành ngôi vua với ông nữa. Nhưng trong trường hợp bị bệnh của Gióp thì đó lại là điều xãy ra do mưu chước của Sa-tan muốn hãm hại ông. Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan làm như vậy đối với Gióp như là cách để thử thách đức tin của ông hầu cho sau nầy Gióp được xứng đáng để nhận lãnh ơn phước của Chúa nhiều hơn. Câu chuyện ấy đã được tường thuật lại trong Gióp 2: 4-7.

GIÓP 2: 4-7 – Sa-tan thưa lại với Đức Giê-hô-va rằng: Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng sống mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt. Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan rằng: Kìa, người ở trong tay ngươi; nhưng chỉ hãy giữ mạng sống người. Sa-tan bèn lui ra khỏi trước mặt Đức Giê-hô-va, hành hại Gióp một bịnh ung độc, từ bàn chân cho đến chót đầu.

Qua các câu Kinh thánh nầy thì quý Hội thánh đã có thể thấy rằng căn bệnh của Gióp xãy ra là do ý muốn của Sa-tan và do nó trực tiếp thực hiện. Nhưng sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trong trường hợp nầy là nó phải xin phép Chúa trước rồi mới làm cho Gióp mắc bệnh. Nếu Đức Chúa Trời không cho phép thì dẫu Sa-tan có muốn hại Gióp thì nó cũng không làm được. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể thấy rằng khi Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan hành hại Gióp nhưng không được đụng đến mạng sống của ông thì nó chỉ có thể làm cho ông bị bệnh trên toàn cả thân hình chớ không thể nào giết chết ông được. Vì vậy mà vua Đa-vít mới nhận biết rằng sinh mạng của ông hoàn toàn do Chúa quyết định, như lời mà ông đã viết ra trong Thi thiên 31: 15.

THI THIÊN 31: 15 – Kỳ mạng tôi ở nơi tay Chúa. Xin giải cứu tôi khỏi tay kẻ thù nghịch và khỏi tay kẻ bắt bớ tôi.

Câu Kinh thánh nầy cho thấy rằng tất cả sinh mạng của con người, chớ không riêng gì mạng sống của vua Đa-vít, thì đều nằm trong tay của Chúa, tức là được quyết định bởi ý muốn của Ngài, là người ta sẽ được sống bao lâu trên đất và sẽ phải qua đời khi nào. Điều nầy đã được lời của Chúa khẳng định trong các câu Kinh thánh sau đây:

PHỤC TRUYỀN 32: 39 – Bây giờ, hãy xem ta là Đức Chúa Trời. Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác. Ta khiến cho chết và cho sống lại, làm cho bị thương và chữa cho lành. Chẳng có ai giải cứu khỏi tay ta được.

1SA-MU-ÊN 2: 6 – Đức Giê-hô-va khiến cho chết, cho sống. Ngài đem người xuống mồ mả, rồi khiến lại lên khỏi đó.

Lời của Chúa trong hai câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn cho thấy rằng Đức Chúa Trời là Đấng quyết định sự sống của con người rằng sẽ được lâu hay mau trên đất nầy, vì thế mà sự đau bệnh của mỗi người cũng là do quyết định của Chúa, dầu cho căn bệnh đó xãy ra là do tội lỗi của cá nhân hay là cách thức mà Chúa sử dụng để thử thách và tôi luyện đức tin của con cái Ngài. Lẽ thật nầy đáng phải được Cơ-đốc-nhân ghi nhớ một cách cẩn thận, vì chúng ta có thể căn cứ vào đó để hiểu được đường lối và chương trình mà Ngài đã định ra cho cả nhân loại. Dầu vậy thì mỗi trường hợp xãy ra cho con người đều có cách giải thích riêng, nhưng điểm chính yếu vẫn là chân lý trong lời của Chúa rằng sự tể trị của Đức Chúa Trời trong vũ trụ và trên cả nhân loại là điều tuyệt đối. Hầu để giúp cho quý Hội thánh có thể vững tin vào chân lý nầy thì tôi sẽ xin được trình bày lần lượt những sự kiện khác nhau trong lịch sử của nhân loại để từ đó chúng ta có thể thấy được sự tể trị tuyệt đối của Chúa rõ ràng là như thế nào và cũng nhân địp đó để trả lời cho thắc mắc của một số anh chị em ở các nơi xa.

Có người đã đặt câu hỏi như thế nầy: Ấy là nếu Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thiện Mỹ và là Đấng tạo dựng nên mọi điều trong vũ trụ thì tại sao Ngài lại tạo nên ma quỷ làm chi để nó làm khổ cho con người? Đối với câu hỏi ấy thì câu trả lời đã được chúng ta cùng nhau suy gẫm qua trong Chủ đề Xuất Xứ và Sự Phản Nghịch Của Ma Quỉ, nhưng khi liên hệ với lẽ thật về sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời thì chúng ta có thể hiểu thêm thế nầy: Ấy là Đức Chúa Trời đã không tạo dựng nên Sa-tan để làm ma quỉ. Ngài tạo dựng nó như là một thiên sứ, với quyền năng và ý chí tự do mà Chúa đã ban cho. Nhưng Sa-tan đã sinh lòng kiêu ngạo và sử dụng sai sự tự do ấy để chống nghịch lại với Chúa để rồi từ đó nó mới trở thành ma quỉ. Tự nó đã làm cho nó trở nên như vậy. Nhưng sự tể trị của Chúa trong vấn đề nầy là Ngài cứ để cho sự phản nghịch của nó xãy ra và sau đó dùng nó để thử thách đức tin của con người.

Theo như Chủ đề Cơ-đốc-nhân và Thiên sứ mà chúng ta đã suy gẫm qua thì quý Hội thánh đã biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên thiên sứ sau khi Ngài đã tạo dựng nên cả vũ trụ nầy. Các thiên sứ là thần hầu việc Đức Chúa Trời, tức là những đấng thay mặt Ngài để cai quản cả vũ trụ. Nhưng một phần ba trong số họ đã theo Sa-tan để phản nghịch lại với Chúa nên Ngài đã đuổi họ khỏi Thiên đàng. Sau đó thì Đức Chúa Trời tạo dựng nên loài người với ý định là sẽ đưa con người vào Thiên đàng để cùng với các thiên sứ còn lại đồng trị với Ngài trong cả vũ trụ. Để tránh tình trạng phản nghịch như đã xãy ra trước đây bởi Sa-tan và các kẻ theo nó thì loài người cần phải được thử thách trước đã trước khi được Chúa cho vào sống trong Thiên đàng. Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời mới đặt để A-đam vào trong vườn Ê-đen, còn khi tạo dựng nên các thiên sứ thì Chúa đã cho họ được sống tại Thiên đàng ngay.

Cũng chính vì chương trình đời đời của Chúa dành cho con người mà Đức Chúa Trời đã cho phép sự cám dỗ của Sa-tan được xãy ra đối với ông A-đam và bà Ê-va ngay khi hai ông bà còn sống trong vườn Địa đàng. Chắc chắn là Đức Chúa Trời toàn năng biết trước rằng Sa-tan sẽ cám dỗ bà Ê-va và chắc chắn rằng Chúa cũng biết điều gì sẽ xãy ra sau đó. Đức Chúa Trời biết trước được tương lai sẽ như thế nào và dùng mọi sự kiện để làm thành ý định của Ngài. Vì vậy mà sự tể trị tuyệt đối của Chúa là dùng sự phản nghịch của Sa-tan cho chương trình đã định sẳn của Ngài. Khi nghe đến đây thì có lẽ sẽ một số anh chị em sẽ thắc mắc để hỏi rằng: Nếu đã như vậy thì Sa-tan đâu có tội gì, vì sự phản nghịch của nó đã giúp cho chương trình của Chúa được xãy ra. Thắc mắc như vậy không phải là hiếm hoi đâu, vì đã có một số giáo sư Thần học tại Hoa-kỳ cũng tranh luận rằng Sa-tan đáng được ban thưởng vì đã làm công cụ cho chương trình của Chúa.

Nhưng sự lầm lẫn của một số người tại điểm nầy bắt nguồn từ việc họ quên không áp dụng lẽ thật về quyền năng tuyệt đối của Chúa đối với chương trình của Ngài và đối với sự phản nghịch của Sa-tan. Chúng ta cần phải chú ý đến chi tiết nầy: Ấy là Đức Chúa Trời dùng Sa-tan vào trong chương trình của Ngài, chớ không phải là nếu không có sự phản nghịch của nó thì chương trình của Chúa sẽ không thực hiện được. Hai điều ấy hoàn toàn khác nhau. Tôi xin được thí dụ như thế nầy để cho dễ hiểu: Có một người mẹ kia định nấu một món ngon cho gia đình trong ngày hôm ấy thì tình cờ cô con gái lớn đến thăm và lại có mang theo hầu như đầy đủ những thứ mà bà cần dùng. Chúng ta biết rằng tại Hoa-kỳ thì khi những đứa con trưởng thành đã ra riêng mà về lại thăm cha mẹ thì họ thường mua thịt thà bánh trái để vừa làm quà biếu vừa để ăn uống vui vẻ với nhau. Đó là trường hợp đã xãy ra trong thí dụ của tôi. Thế thì người mẹ chỉ cần thêm vào một số vật liệu khác đã có tại nhà thì đã có thể nấu được món ngon mà bà đã định và cả gia đình có thể ngồi lại để ăn uống vui vẻ buổi chiều hôm ấy. Chúng ta có thể thấy rằng ý định nấu một món ngon nào đó là của người mẹ, còn chuyện cô con con gái mua quà đến là hoàn toàn ở trong sự quyết định của cô ta. Người mẹ chỉ nhơn những thứ mà con đem đến để nấu món ngon mà bà đã định. Ngay cả trong trường hợp đứa con gái lớn đến thăm cha mẹ với hai tay không, hoặc là không đến được hôm đó thì người mẹ vẫn có thể ra shop mua sắm những thứ cần thiết để nấu theo ý định của bà.

Sự phản nghịch của Sa-tan đối với chương trình của Chúa dành cho loài người cũng tương tự như vậy. Không phải là nếu Sa-tan không phản nghịch Chúa và không có ý định cám dỗ bà Ê-va thì chương trình của Chúa sẽ không thực hiện được. Trái lại nếu Sa-tan không phản nghịch thì Đức Chúa Trời vẫn có thể dùng quyền năng của Ngài để hoàn thành chương trình mà Chúa đã định cho loài người theo cách khác không cần phải có Sa-tan. Lẽ thật nầy đã được Kinh thánh bày tỏ ra trong câu chuyện Đức Chúa Jêsus vào thành Giê-ru-sa-lem và bằng chính lời phán của Ngài trong các câu Kinh thánh sau đây:

LU-CA 19: 36-40 – Khi Đức Chúa Jêsus đang đi tới, có nhiều kẻ trải áo trên đường. Lúc đến gần dốc núi Ô-li-ve, cả đám môn đồ lấy làm mừng rỡ, và cả tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời về những phép lạ mình đã thấy, mà nói rằng: Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao! Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si ở trong đám dân đông nói cùng Ngài rằng: Thưa thầy, xin quở trách môn đồ thầy! Ngài đáp rằng: Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên.

Qua các câu Kinh thánh nầy và những câu tương tự trong Ma-thi-ơ đoạn 21, Mác đoạn 11 và Giăng đoạn 12 thì chúng ta có thể thấy rằng sự việc xãy ra vào ngày ấy đã làm ứng nghiệm cho lời tiên tri về sự vào thành Giê-ru-sa-lem của Đức Chúa Jêsus. Và lời phán của Chúa cũng cho chúng ta thấy rằng nếu đoàn dân đông và các môn đồ của Ngài không ca hát mừng rỡ thì Đức Chúa Trời vẫn có thể làm cho đá lên tiếng để thay thế họ hầu cho lời tiên tri trong Kinh thánh được ứng nghiệm một cách đầy đủ. Đối với sự phản nghịch của Sa-tan thì cũng như vậy. Nếu nó không phản nghịch thì Đức Chúa Trời vẫn có thể dùng cách khác để hoàn thành chương trình của Ngài dành cho nhân loại. Vì vậy lẽ thật trong quyền năng của Đức Chúa Trời phải được thông hiểu một cách cẩn thận thì mới có thể thấy được sự tể trị của Chúa là tuyệt đối như thế nào trong cả vũ trụ nầy.

Trong một chỗ khác của Kinh thánh thì Đức Chúa Trời cũng đã cho chúng ta thấy được rằng quyền năng của Đức Chúa Trời là yếu tố giúp cho sự tể trị của Chúa một cách tuyệt đối, chẳng hạn như lời phán của Đức Chúa Jêsus đã có chép trong Lu-ca 3: 8.

LU-CA 3: 8 – Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn, và đừng tự nói rằng: Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta. Vì ta nói cùng các ngươi, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được.

Lời phán của Đức Chúa Jêsus giúp cho chúng ta thấy rằng mặc dầu Chúa đã chọn dòng dõi của Áp-ra-ham để làm tuyển dân của Ngài hầu để thực hiện chương trình cứu rỗi cho cả nhân loại, nhưng nếu họ không xứng đáng hoặc kiêu ngạo tự phụ về việc được là dòng dõi của Áp-ra-ham và nghĩ rằng chương trình của Đức Chúa Trời phải phụ thuộc vào họ thì Chúa có thể từ bỏ họ và khiến đá sanh ra một dòng dõi khác để thay thế. Bởi lẽ đó mà chúng ta hiểu được rằng sự tể trị tuyệt đối của Chúa là do quyền năng của Ngài là vô hạn. Đức Chúa Trời có thể làm được mọi điều để hoàn thành ý muốn của Ngài chớ không phải là Ngài phải tùy thuộc vào con người hoặc sự phản nghịch của Sa-tan để chương trình của Ngài có thể hoàn tất.

Nhưng có một số người, trong đó thậm chí có cả Cơ-đốc-nhân, lại không hiểu được chân lý nầy nên đã cho rằng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là người có công lớn trong chức vụ cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Jêsus. Họ ngụy tạo ra câu chuyện rằng Đức Chúa Jêsus và Sa-tan đã bàn luận kín đáo với nhau cách thế nào để cho người La-mã có thể đóng đinh Chúa và những người đó cho rằng Giu-đa đã đồng ý thực hiện khổ nhục kế, tức là làm kẻ phản bội Đức Chúa Jêsus Christ để từ đó Ngài phải bị đóng đinh. Những kẻ đó cho rằng trong vòng các môn đồ của Chúa thì Gia-đa là kẻ có lòng trung thành nhất đối với thầy của mình và là người đã chấp nhận hy sinh như một kẻ ác để chương trình của Chúa được thành tựu. Vì vậy mà họ ngụy tạo ra một sách Tin lành khác, gọi là Tin lành của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và cho rằng quyển sách đó còn có giá trị hơn cả 4 sách Tin lành của Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng cộng lại. Họ đã căn cứ vào chỉ có một câu Kinh thánh mà thôi để ngụy tạo ra câu chuyện ấy. Đó là câu Kinh thánh trong Giăng 13: 27.

GIĂNG 13: 27 – Liền khi Giu-đa đã lấy miếng bánh, thì quỉ Sa-tan vào lòng người. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng người rằng: Sự ngươi làm hãy làm mau đi.

Mặc dầu trong câu gốc nầy thì lời của Chúa đã có ghi lại rõ ràng rằng quỉ Sa-tan nhập vào lòng của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt nhưng vì những kẻ đó cho rằng Sa-tan là thiên sứ giúp Đức Chúa Trời một cách âm thầm trong bóng tối nên họ vẫn dùng câu gốc nầy, nhất là lời phán của Đức Chúa Jêsus cho Giu-đa rằng hãy mau phản bội Ngài để từ đó mà dựng nên câu chuyện là Giu-đa đã đóng khổ nhục kế để giúp đưa Đức Chúa Jêsus lên thập tự giá.

Đáng tiếc là một câu chuyện vớ vẩn và sai lạc như vậy lại được một số Cơ-đốc-nhân tin đến, thậm chí trong số họ còn có nhiều người là giáo sư Thần học nữa. Đây là một trong những thực tế điển hình về việc đã không có đức tin lại không hiểu quyền năng tuyệt đối của Đức Chúa Trời là thế nào. Chúng ta cần phải hiểu rằng nếu Giu-đa Ích-ca-ri-ốt không phản bội Đức Chúa Jêsus thì Đức Chúa Trời vẫn có cách để khiến Ngài phải dâng mình trên thập tự giá mà làm của lễ chuộc tội cho con người. Vả lại, nếu Giu-đa không phản bội Đức Chúa Jêsus mà chỉ là đóng vở kịch khổ nhục kế để giúp Ngài thì chẳng lẽ những lời mà Chúa đã phán về sự phản bội của Giu-đa đều là lời nói dối? Nhưng như Kinh thánh đã cho thấy thì quyền năng và sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu rỗi loài người đã được bày tỏ qua lời phán của Đức Chúa Jêsus có ghi lại trong Ma-thi-ơ 26: 24.

MA-THI-Ơ 26: 24 – Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn!

Qua lời phán của Đức Chúa Jêsus thì chúng ta có thể hiểu rằng việc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá là điều chắc chắn sẽ xãy ra, bất kể là Giu-đa có phản Ngài hay không. Đối với một Đức Chúa Trời toàn năng thì việc cần phải dâng mình làm của lễ hy sinh trên thập tự giá thì là điều dễ thực hiện, nhưng vì Đức Chúa Trời biết rằng Giu-đa sẽ phản bội Đức Chúa Jêsus nên Ngài nhơn điều đó để hoàn thành chương trình của Chúa, chớ không phải là nếu không có sự phản bội của Giu-đa thì chương trình của Chúa sẽ không thể nào xãy ra. Đối với một Cơ-đốc-nhân bình thường thì con dân của Chúa vẫn có thể thấy được sự khác biệt giữa hai điều đó, nhưng vì tánh kiêu ngạo mà một số người mới dựng nên quan điểm sai lạc rằng Sa-tan âm thầm giúp Đức Chúa Trời và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phải đóng vai khổ nhục kế để giúp Đức Chúa Jêsus. Chẳng những thế thôi, quan điểm sai lạc ấy còn là một trong những bằng chứng điển hình về sự nguy hiểm mà tôi đã từng thưa trình cùng với quý Hội thánh về việc dùng chỉ một câu Kinh thánh để giải thích các chân lý trong lời của Đức Chúa Trời. Sự giải thích sai lạc của họ về vai trò của Sa-tan và của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã làm cho Đức Chúa Jêsus trở thành Đấng nói dối, vì phải đóng kịch để che dấu kế khổ nhục của Giu-đa và theo lời của họ thì Đức Chúa Trời phải nhờ cậy Sa-tan để hoàn thành chương trình của Ngài.

Như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng khi người ta không hiểu các lẽ thật trong Kinh thánh mà lại có lòng kiêu ngạo thì họ sẽ đi đến chỗ mâu thuẫn và phạm thượng giống như vậy để khoe mình là họ biết nhiều hơn người khác về Kinh thánh và về đường lối của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải để ý đến điều nầy: Ấy là người có có đức tin thật thì sẽ hiểu biết nhiều về Kinh thánh, nhưng một người có kiến thức nhiều về Kinh thánh chưa chắc là người có đức tin thật. Đây là hai điều hoàn toàn khác nhau và khi suy xét cẩn thận thì chúng ta sẽ thấy cách giải thích của những người thiếu đức tin sẽ rất là mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với các lẽ thật trong Kinh thánh.

Một trong những Lẽ thật quan trọng mà chúng ta suy gẫm ngày hôm nay là sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trong cả vũ trụ và trên đời sống của con người. Lẽ thật nầy đã được bày tỏ ra trong Đa-ni-ên 4: 35.

ĐA-NI-ÊN 4: 35 – Hết thảy dân cư trên đất thảy đều cầm như là không có. Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời và ở giữa cư dân trên đất. Chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?

Trong câu nầy thì lời của Chúa cho thấy rằng Ngài là Đấng có quyền tuyệt đối trên trời và dưới đất, tức là trong cả vũ trụ và đối với sinh mạng của con người. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa đã nhấn mạnh thêm về sự tể trị của Ngài như có chép trong Ê-sai 43: 13.

ÊSAI 43: 13 – Thật, từ khi có ngày ta đã là Đức Chúa Trời, chẳng ai có thể giải cứu khỏi tay ta. Ta làm ra, ai ngăn cấm ta được?

Vì thế trong Chủ đề nầy tôi sẽ xin được lần lượt trình bày thêm với quý Hội thánh về nguyên nhân của những đau khổ mà con người phải đối diện trong thế gian, chẳng hạn như bệnh tật, chiến tranh, tội lỗi và nhiều điều khác nữa để chúng ta có thể rằng mọi điều đã xãy ra cho nhân loại đều nằm trong sự tể trị của Chúa, hoặc là Ngài trực tiếp làm ra điều đó hoặc là Ngài cho phép chúng xãy ra để hoàn tất kế hoạch đời đời của Ngài. Vấn đề quan trọng là khi chúng ta có đức tin và hiểu biết lẽ thật trong Kinh thánh một cách rõ ràng thì đời sống của con người cùng mọi điều xãy ra sẽ không còn khó hiểu nữa. Điều đó đã được Kinh thánh xác nhận một cách quả quyết trong Thi thiên 119: 105.

THI THIÊN 119: 105 – Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.

Qua ý tưởng trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta đều hiểu rằng nhờ lời của Chúa mà Cơ-đốc-nhân sẽ trở nên những người sáng láng và con đường trần gian của chúng ta cũng sẽ trở nên sáng sủa hơn, tức là hiểu được điều mình cần phải làm, điều mình cần phải tránh, hiểu được vì sao mà điều nầy điều kia xãy ra cho con người và thấy được con đường chính đáng của Chúa để đi cho trọn suốt cả đời sống nầy.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục giải bày cho chúng ta được biết về các lẽ thật trong Kinh thánh để chúng ta càng ngày càng giống như con cái sáng láng của Ngài. Cầu xin Đức Chúa Trời dạy dỗ Cơ-đốc-nhân thêm nữa về sự tể trị tuyệt đối của Chúa để chúng ta càng vững vàng trong đức tin để bước theo Ngài cho đến cuối cùng mà không có một chút hồ nghi hoặc băn khoăn nào trong tâm trí. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh thêm sức cho con dân Chúa để biết tin cậy hoàn toàn vào sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời mà sống một đời bình an vui thỏa cho đến ngày Đức Chúa Jêsus trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *