CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ ĂN NĂN THẬT

CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ ĂN NĂN THẬT

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 3: 1-10

Câu gốc: MA-THI-Ơ 3: 8 – Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

Kính thưa quý Hội thánh, trong cố gắng giúp cho con dân Chúa được biết thêm về những lẽ thật quan trọng trong Kinh thánh thì trong các cơ hội mà chúng ta đã được cùng nhau suy gẫm Kinh thánh thì tôi đã lần lượt trình bày những chủ đề có liên quan đến những khía cạnh trọng yếu của đời sống đức tin của chúng ta trong Chúa. Các chủ đề ấy đều có sự liên hệ với nhau và nhất là được dùng để giải thích thêm về các bước quan trọng trên con đường theo Chúa của Cơ-đốc-nhân, chẳng hạn như sự lợi ích trong việc nhận biết tội lỗi. Lúc mà chúng ta cùng nhau suy gẫm đến gương ăn năn của vua Đa-vít thì đó là Chủ đề liên quan đến bước thứ hai trong tiến trình theo Chúa của Cơ-đốc-nhân, tức là có lòng ăn năn thật. Nhưng mặc dầu chúng ta đã suy gẫn qua hai phần về gương ăn năn của vua Đa-vít thì hai phần ấy vẫn chưa trình bày hết được những yếu tố cần thiết của sự ăn năn, vì vậy mà ngày hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề ấy với phần thứ ba và thứ tư của sự ăn năn thật mà lời của Chúa đã bày tỏ trong Kinh thánh. Nói đến đây thì chắc có lẽ sẽ có một số anh chị em thắc mắc rằng vì sao mà sự ăn năn thật lại đòi hỏi quá nhiều như vậy, thì tôi xin được trả lời rằng bởi vì theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì chỉ có những người thật sự ăn năn mới được tha thứ và mới kinh nghiệm được chính Ngài mà thôi, theo như lời phán của Chúa đã có ghi lại trong Ê-sai 66: 2.

Ê-SAI 66: 2 – Đức Giê-hô-va phán: Mọi sự nầy đều bởi tay ta làm ra, và có như vậy. Nầy là kẻ mà ta đoái đến, tức là kẻ nghèo khó, có lòng ăn năn đau đớn, nghe lời nói ta mà run.

Những chữ TA ĐOÁI ĐẾN mà Kinh thánh đã dùng ở đây có ý muốn nói về việc một người được Đức Chúa Trời quan tâm và chăm sóc cho. Đó là một đặc ân lớn lao bao gồm đủ mọi ân điển và ơn phước của Đức Chúa Trời dành cho chính người được Chúa đoái đến. Vì cớ phần thưởng là lớn lao như vậy cho nên Đức Chúa Trời cũng đòi hỏi kỹ lưỡng hơn, tức là muốn người đó phải có lòng ăn năn thật. Còn về phần con người thì trong câu Kinh thánh nầy còn có những chữ quan trọng khác, chẳng hạn như chữ kẻ nghèo khó và các chữ nghe lời nói ta mà run, nhưng vì sáng hôm nay chúng ta đang cùng nhau nghiên cứu về sự ăn năn thật nên trọng tâm của bài giảng nầy chỉ nhắm đến chủ đề đó mà thôi. Những phần còn lại trong câu gốc nầy thì tôi sẽ cùng với quý Hội thánh nghiên cứu trong một lần khác.

Khi chúng ta để ý đến câu Kinh thánh nầy thì sẽ thấy có chữ đau đớn đi kèm theo chữ ăn năn. Sự đau đớn như vậy là điều mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua trong 2 phần về Gương Ăn Năn Của Đa-vít và tôi xin được nhắc lại để quý Hội thánh có thể nhớ đến điều mà chúng ta đã học biết lúc trước. Hai yếu tố đầu tiên của sự ăn năn thật là nhận biết rằng mình có tội và buồn rầu hay là đau đớn khi nhận thức rằng mình không thể nào đi ngược lại được quá khứ để sửa lại điều sai phạm mà mình đã làm. Trong thí dụ về cuộc đời của vua Đa-vít thì chúng ta đã học biết được điều đó: Ấy là ông không thể nào đi ngược thời gian để tránh nhìn thấy bà Bát-sê-ba đang tắm, hoặc là để tránh phạm tội tà dâm với bà hoặc là để khỏi phải mưu sát U-ri. Sự nhận biết rằng tội lỗi mà mình đã phạm trong quá khứ không thể thay đổi được là nguyên nhân khiến cho người ta có lòng đau đớn khi ăn năn. Nói đến đây thì quý Hội thánh chắc đã có thể nhớ lại được điều đó, hoặc là có thể xem lại bài giảng của ngày hôm ấy. Hai yếu tố còn lại của sự ăn năn thật là không bao giờ phạm lại tội ấy lần nào nữa và phải kết quả xứng đáng với lòng ăn năn. Hai yếu tố nầy đã được lời của Chúa bày tỏ qua các câu Kinh thánh sau đây:

GIĂNG 5: 14 – Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.

Qua lời phán nầy của Đức Chúa Jêsus thì chúng ta có thể hiểu rằng việc người bị bịnh bại phải nằm liệt giường suốt 38 năm là vì cớ tội lỗi mà người ấy đã phạm trong quá khứ. Khi đã được Đức Chúa Jêsus chữa lành rồi thì người ấy không nên phạm lại tội lỗi cũ lần nữa, nếu không thì sẽ bị bịnh khác nặng nề hơn. Qua Chủ đề Con Người và Sự Đau Bệnh thì chúng ta đã biết rằng một trong những lý do mà bệnh tật có mặt trong trần gian là vì Đức Chúa Trời đã dùng điều ấy để trừng phạt con người về tội lỗi. Mặc dầu lời Kinh thánh không cho biết là người bại đã phạm tội gì trong quá khứ nhưng khi người ấy nghe lời nhắc nhở của Đức Chúa Jêsus về việc đừng phạm tội nữa thì chắc chắn là ông ta phải hiểu rằng Chúa đang nói đến tội lỗi nào, bởi vì trong cuộc đời nầy thì không ai biết rõ về tội lỗi của một người ngoại trừ chính Đức Chúa Trời và chính bản thân của người đó. Bởi thế mà câu Kinh thánh nầy mới cho biết rằng người có lòng ăn năn thật thì không được tái phạm lại tội lỗi cũ lần nào nữa, bằng không thì sẽ bị phạt nặng hơn.

Vả lại, việc nói lời ăn năn về một tội lỗi nào đó mà lại tái phạm tội ấy thêm những lần khác thì đó đâu phải là sự ăn năn thật. Thí dụ như một kẻ trộm cướp nói rằng anh ta năn năn về tội lỗi mà anh đã phạm rồi sau đó lại tiếp tục đi trộm cướp nữa thì lời ăn năn đã nói trước kia của anh đâu có giá trị gì. Đối với luật pháp của con người mà sự tái phạm như vậy còn bị trừng phạt nặng nề hơn thì chẳng lẽ Đức Chúa Trời bỏ qua sự lừa dối như vậy đối với Ngài? Vì nếu nói lời ăn năn mà cứ tiếp tục phạm đi phạm lại tội ấy mãi thì sự ăn năn như vậy chỉ là một sự lừa dối trắng trợn mà thôi. Chúng ta thử lấy một thí dụ khác để xem xét thì sẽ thấy yếu tố thứ ba nầy của sự ăn năn thật là quan trọng như thế nào. Thí dụ như có người chồng ra bên ngoài phạm tội ngoại tình rồi sau đó về nhà nói với vợ là ăn năn và xin vợ tha thứ cho, nhưng sau đó thì lại tiếp tục ngoại tình nhiều lần khác nữa. Thế thì sự ăn năn của người đó đâu phải là sự ăn năn thật, mà chỉ lời sự giả dối để tìm cách trì hoãn hoặc để có thể tiếp tục phạm tội nhiều hơn nữa mà thôi. Đối với loài người thì người ta còn không thể chấp nhận được sự ăn năn giả dối như vậy thì chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại chấp nhận cho con người ăn năn theo cách đó đối với Ngài?

Chúng ta thử dùng một thí dụ thứ ba nữa để có thể thấy được việc đừng tái phạm tội lỗi cũ là yếu tố quan trọng như thế nào đối với với sự ăn năn thật. Thí dụ như có một đứa con hư hỏng kia đã từng cạy tủ của cha mẹ để ăn cắp tiền bạc nữ trang mà đi đánh bài. Đến khi bị bắt quả tang thì nó ăn năn xin lỗi, nhưng rồi vài ngày sau đó lại trộm cắp tiền bạc của cha mẹ lần nữa và thêm nhiều lần khác sau đó. Thế thì đối với sự tái đi tái lại tội trộm cắp thì sự ăn năn xin lỗi của nó có được xem là sự ăn năn thật hay không? Sự ăn năn xin lỗi như vậy chỉ là cách mà nó lợi dụng để tránh bị cha mẹ trừng phạt mà thôi hầu cho sau đó nó thể tiếp tục tánh trộm cắp của nó. Nếu người cha người mẹ mà cứ bỏ qua tội lỗi đó mỗi một lần nó xin lỗi thì hoặc là họ bị nó lợi dụng, hoặc là người cha người mẹ ấy thiếu sự suy nghĩ, hoặc là họ gián tiếp dung túng tội lỗi đó để lâu dần sự trộm cắp sẽ trở thành thói quen của đứa con và nó sẽ đi trộm cắp của người khác nữa. Rốt lại việc người cha người mẹ chấp nhận sự xin lỗi thiếu thành thật của đứa con sẽ làm thiệt hại cho nó cả một đời mà còn ảnh hưởng đến những người chung quanh. Bởi lẽ đó mà đối với Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan cao cả thì khi một người đến với Ngài để ăn năn thì người đó phải hứa nguyện là sẽ không bao giờ tái phạm lại tội lỗi cũ thì bấy giờ mới được Chúa tha thứ cho.

Dầu rằng thực tế của đời sống cho thấy là như vậy nhưng vẫn có nhiều Cơ-đốc-nhân phản đối lẽ thật nầy, thậm chí trong số họ còn có nhiều người ở trong chức vụ rao giảng nữa. Họ biện minh rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nên Ngài vẫn sẽ tiếp tục tha thứ cho những kẻ tái phạm lại tội lỗi cũ. Thậm chí họ còn trưng dẫn lời Kinh thánh để nói rằng nếu Đức Chúa Jêsus dạy cho con người tha thứ nhau bảy mươi lần bảy thì chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại không thể tha thứ cho con người nhiều hơn con số đó? Khi lý lẽ như vậy thì những người ấy chỉ suy nghĩ và lạm dụng mỹ đức yêu thương của Đức Chúa Trời mà thôi, chớ không hề có một chút suy nghĩ nào về sự đáng kính cao cả của Ngài. Bởi vì nếu một người cứ phạm đi phạm lại một tội mãi thì tức là người đó đang coi thường luật pháp, coi thường những người đã tha thứ cho mình lúc trước, thậm chí còn khinh miệt tấm lòng bao dung của họ nữa. Luật pháp loài người không bao giờ chịu để cho kẻ phạm pháp khinh thường họ như vậy. Cha mẹ phần xác cũng không thể vì thương con mà để đứa con ngổ nghịch trộm cắp khinh thường họ như vậy, nhưng những kẻ kia thì biện minh rằng vì tình yêu thương mà Đức Chúa Trời cứ phải để cho con người, nhất là Cơ-đốc-nhân khinh thường Ngài một cách trắn trợn như vậy mà vẫn phải tha thứ cho. Sự suy nghĩ của họ như vậy là phạm thượng, là coi rẻ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng ta thử suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người đối với nhau thì sẽ hiểu được sự biện minh của những kẻ kia là phạm thượng như thế nào. Trong quan điểm của con người khi suy nghĩ về nhau thì sự yêu thương mù quáng là ngu dại, dầu là trong bất cứ khía cạnh nào hay là trong bất cứ mối quan hệ nào. Nhưng những kẻ kia thì vì tư dục xác thịt mà lợi dụng mỹ đức yêu thương của Đức Chúa Trời để biện minh rằng Đức Chúa Trời phải tiếp tục tha thứ cho kẻ ăn năn bằng môi miệng nhưng cứ miệt mài mãi trong tội lỗi không chịu dứt. Ý của những người đó là muốn Đức Chúa Trời phải yêu thương một cách mù quáng và cứ phải tha thứ cho kẻ không thật tâm muốn thay đổi hoặc không thật tâm muốn từ bỏ tội lỗi của.

Khi Đức Chúa Jêsus dạy cho các môn đồ phải tha thứ nhau đến bảy mươi lần bảy thì Ngài không có ý nói đến sự tha thứ một người với chỉ một tội, mà là tha thứ 70 lần 7 về những tội lỗi khác nhau mà người nầy người kia đã gây ra cho mình. Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân trở thành người bao dung tha thứ một cách khôn ngoan đối với mọi người chớ không phải Ngài muốn Cơ-đốc-nhân trở thành người dại dột bị một người lừa gạt đến 490 lần mà vẫn tiếp tục tha thứ. Vì nếu một người tha thứ cho người khác cách như vậy, tức là đến 490 lần cho chỉ một tội mà thôi, thì người đó là đang bị lợi dụng, là người ngu si khờ dại, chớ làm sao là con cái sáng láng của Đức Chúa Trời cho được? Chúng ta thử lấy thí dụ nầy để xem xét thì sẽ thấy được sự biện minh của những kẻ kia là vô lý đến chừng nào. Thí dụ như nếu có một người vợ về thú tội với chồng rằng đã ngoại tình và xin người chồng tha thứ. Nhưng sau đó thì cô ta lại đi ngoại tình thêm 489 lần nữa mà người chồng vẫn tiếp tục tha thứ thì người đời sẽ gọi điều ấy như thế nào? Họ sẽ nói rằng người chồng dung túng cho vợ đi làm kỹ nữ! Ai là người trong thế gian mà có đầu óc tỉnh táo bình thường lại làm chuyện tha thứ như vậy bao giờ? Đối với tất cả các tội lớn nhỏ khác thì cũng không được. Vậy mà những kẻ kia lại cho rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho Cơ-đốc-nhân luôn luôn bất kể là phạm tội gì và phạm bao nhiêu lần. Nói như vậy là nói theo cách của ma quỉ để khinh thường Đức Chúa Trời và làm nhục Ngài. Họ nói như vậy là đang dẫn dụ các Cơ-đốc-nhân khác đi đền chỗ hư mất chớ không phải là đi đến Thiên đàng.

Các thí dụ vừa qua cho chúng ta thấy được điều mà tôi vẫn thường thưa trình với quý Hội thánh, ấy là khi suy nghĩ về các lẽ thật và lời dạy dỗ trong Kinh thánh thì chúng ta phải liên hệ đến tất cả các mỹ đức và đặc tánh của Đức Chúa Trời, chớ không phải là chỉ căn cứ vào mỹ đức yêu thương của Đức Chúa Trời không mà thôi. Suy nghĩ Kinh thánh một cách phiến diện như vậy thì chỉ dẫn đến sự sai lầm và mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến tội phạm thượng nữa theo như cách biện minh của những kẻ kia. Khi chúng ta suy nghĩ đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời thì cũng phải suy nghĩ là khi Chúa yêu thương thì có mâu thuẫn với sự thánh khiết của Ngài hay không, hoặc có mâu thuẫn với sự công bình và ngay thẳng của Ngài hay không, chớ không phải chỉ căn cứ vào một mỹ đức yêu thương không mà thôi. Thành ra cách biện minh của những kẻ kia là muốn lợi dụng tình yêu thương của Chúa để tiếp tục phạm tội hoặc để dẫn dẫn Cơ-đốc-nhân đi sai lạc, chớ không phải cách kính trọng Ngài đáng phải có. Người đời còn không tha thứ một cách ngu dại như vậy cho những kẻ cứ cố tình tái phạm lại tội lỗi cũ, vậy mà những kẻ kia thì bảo rằng đó là cách mà Đức Chúa Trời đã dạy Cơ-đốc-nhân phải tha thứ. Họ cắt nghĩa Kinh thánh như vậy hoàn toàn không có một chút lòng kính trọng nào dành cho Chúa. Vì nếu muốn thật tâm dâng tấm lòng kính trong lên cho Chúa thì khi cắt nghĩa Kinh thánh thì họ phải suy nghĩ đến những mỹ đức khác của Ngài, nhất là mỹ đức thánh khiết và công bình của Chúa, chớ không phải chỉ có một mình mỹ đức yêu thương mà thôi. Một trong những lý do đ4 khiến cho những kẻ ấy cắt nghĩa Kinh thánh cách phiến diện như vậy là vì họ biết rằng khi nói đến sự yêu thương và tha thứ thì sẽ thu hút được nhiều người, cho nên họ dùng điều đó để thu hút người ta đến với họ chớ không phải là đến với Đức Chúa Trời.

Ngoài ra thì khi những kẻ kia cho rằng Cơ-đốc-nhân phải tha thứ cho một người khi người ấy phạm chỉ một tội mà đến 490 lần, thì họ không hề nghĩ gì đến những nạn nhân do kẻ phạm tội ấy gây ra. Theo nguyên tắc chung thì tội ác luôn luôn có hai chiều, một bên là người phạm tội và một bên là nạn nhân. Thú dụ như tội trộm cắp thì một bên là kẻ trộm cắp được lợi và một bên là kẻ mất trộm bị thiệt hại. Cũng cùng một cách như vậy thì đối với tội tà dâm thì một bên là kẻ phạm tội được thỏa mãn thèm muốn xạc thịt và một bên là kẻ bị đau buồn, tổn thương, tan nát cõi lòng. Đối với tội nói dối thì một bên là kẻ phạm tội cố tình lừa gạt và một bên là kẻ bị người ta lừa gạt. Khi những kẻ kia cho rằng Đức Chúa Trời và Cơ-đốc-nhân phải tha thứ cho kẻ đã phạm một tội đến 490 lần thì họ hoàn toàn không hề có lòng cảm thương nào đối với những kẻ bị thiệt hại do tội lỗi đó gây ra. Đối với họ thì kẻ phạm tội đáng quan tâm hơn là kẻ bị hại. Như vậy là họ đang gián tiếp bênh vực cho ma quỉ là kẻ cứ tiếp tục phạm tội từ thời kỳ Ê-đen cho đến ngày nay. Sự cắt nghĩa Kinh thánh của họ cách như vậy là bày tỏ sự nhẫn tâm chớ không phải tình yêu thương, chẳng hạn như việc họ bảo phải tha thứ kẻ trộm cắp đến 490 lần nhưng lại không hề nghỉ đến những kẻ bị mất trộm hoặc một người bị trộm đến 490 lần. Vậy mà hễ mở miệng ra thì những kẻ đó luôn luôn nói đến tình yêu thương, noí về sự tha thứ, nhưng thật ra là sự yêu thương nghiêng lệch về phía kẻ phạm tội chớ không hề biết xót thương gì đến những kẻ bị hại do tội lỗi đó gây ra. Vì vậy sự yêu thương của họ là thiếu công bằng, hay nói một cách đúng đắn hơn thì sự cắt nghĩa Kinh thánh của họ là xuất phát từ xác thịt, từ ma quỉ, nghĩa là kẻ có tội thì phải được tha thứ bất kể là tái phạm lại tội lỗi cũ bao nhiều lần, còn số phận của kẻ bị hại thì mặc kệ. Họ cắt nghĩa Kinh thánh mà không hề để ý gì đến nạn nhân. Trong quan điểm của họ thì một người chồng phạm tội tà dâm đáng được tha thứ, còn việc người vợ bị đau khổ cay đắng ở nhà như thế nào thì mặc kệ. Đối với họ thì người vợ phải ngậm cay nuốt đắng để tha thứ cho người chồng ngoại tình và mặc dầu người đó có tái phạm lại đến 490 lần đi nữa thì cũng phải tha thứ. Thử hỏi nếu là trường hợp của họ thì họ sẽ tha thứ cho người phối ngẫu của họ đến bao nhiêu lần? Thực tế cho thấy thì những người cắt nghĩa Kinh thánh như vậy lại là những người mau chóng đổ lỗi cho người phối ngẫu hết chuyện nầy đến chuyện kia để có thể ly dị mà đi lấy người khác trẻ đẹp hơn. Họ cắt nghĩa Kinh thánh về sự tha thứ chỉ cốt là để người ta dung túng cho tội lỗi của chính cá nhân họ, và ngược lại thì họ không tha thứ ai. Họ cắt nghĩa Kinh thánh về sự tha thứ mà hoàn toàn làm ngơ với luật pháp công bình của Chúa về việc bồi thường cho kẻ bị thiệt hại, như lời Kinh thánh đã có chép trong Xuất Ê-díp-tô 22: 1.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ 22: 11 – Ví có ai bắt trộm bò hay chiên, rồi giết hoặc bán đi, thì phải thường năm con bò cho một con, và bốn con chiên cho một con.

Trong câu Kinh thánh nầy thì sự công bình của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra cho cả kẻ trộm cắp và người bị thiệt hại. Và nguyên tắc nầy cũng được dùng để làm nền tảng căn bản cho sự phán xét đối với những tội lỗi khác mà tôi sẽ xin được trình bày thêm với quý Hội thánh khi có cơ hội. Vì vậy, khi trở lại với yếu tố thứ ba của sự ăn năn thật, tức là việc không bao giờ tái phạm lại tội lỗi cũ lần nữa, thì lời của Chúa trong Kinh thánh cho chúng ta biết đó là một trong những yếu tố giúp cho Cơ-đốc-nhân được Đức Chúa Trời tha thứ, cũng giống như việc vua Đa-vít được tha thứ vậy, mặc dầu ông đã phạm phải hai trong số những tội lỗi nặng nề hơn hết, là tội tà dâm và giết người.

Qua hai bài giảng về Chủ đề Gương Ăn Năn Của Đa-vít thì chúng ta đã biết được hai yếu tố căn bản đầu tiên của sự ăn năn thật, là nhận biết rằng mình có tội và có lòng đau thương thống hối về sự phạm tội đó, thì ngày hôm nay chúng lại biết thêm được hai yếu tố quan trọng khác nữa, đó là không bao giờ tái phạm lại tội lỗi cũ và phải kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Lý do để có yêu cầu không được tái phạm lại tội lỗi cũ thì tôi vừa mới trình bày qua, còn yếu tố phải kết quả xứng đáng với lòng ăn năn thì được bày tỏ qua gương ăn năn của vua Đa-vít mà chúng ta sẽ suy gẫm đến trong phần kế tiếp đây. Yếu tố nầy đã được nhắc nhở đến trong lời của Chúa như đã có chép trong

MA-THI-Ơ 3: 8 – Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

Theo như lời Kinh thánh trong câu gốc thì sự ăn năn thật phải có kết quả, bằng không thì sự ăn năn của một người chỉ là hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng thành tâm hối lỗi bên trong. Khi chúng ta suy gẫm đến gương ăn năn của vua Đa-vít thì sẽ thấy rõ được điều đó. Khi đọc lại Kinh thánh thì quý Hội thánh sẽ thấy rằng sau khi vua Đa-vít phạm tội tà dâm với bà Bát-sê-ba thì ông khôny hề phạm tội như vậy với một người phụ nữ có chồng nào khác nữa. Điều đó cho thấy rằng vua Đa-vít không phạm lại tội lỗi cũ lần thứ hai. Đối với tội giết U-ri thì cũng như vậy. Sau lần đó thì vua Đa-vít không hề phạm lại tội giết chồng để cướp vợ của người ta. Bởi điều đó thì Kinh thánh bày tỏ cho chúng ta biết rằng vua Đa-vít đã thực hiện được yếu tố thứ ba của lòng ăn năn thật, là không tái phạm lại tội lỗi cũ. Mặc dầu sau đó vua Đa-vít tiếp tục ăn ở với Bát-sê-ba thì điều đó vẫn không phải là tội, vì bà đã trở thành một người vợ góa. Luật pháp của Chúa dành cho con dân Ngài, tức là bao gồm luôn Cơ-đốc-nhân, là chỉ được phép lập gia đình lần thứ hai khi người phối ngẫu của chúng ta đã qua đời, như lời Kinh thánh đã được chép trong Rô-ma 7: 1-3.

RÔ-MA 7: 1-3 – Hỡi anh em (vì tôi nói với những kẻ biết luật pháp), vậy anh em há chẳng biết rằng luật pháp chỉ cai trị người ta khi còn sống hay sao? Cho nên, đàn bà có chồng, hễ chồng còn sống bao lâu, thì luật pháp buộc phải theo chồng bấy lâu; nhưng nếu chồng chết, thì người vợ được thoát khỏi luật pháp đã buộc mình với chồng. Vậy, nếu đang lúc chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì phải bị kêu là đàn bà ngoại tình; nhưng nếu chồng chết, thì vợ được buông tha khỏi luật pháp, dầu lấy người khác cũng chẳng phải là đàn bà ngoại tình vậy.

Theo nguyên tắc công bình của Chúa thì luật pháp nầy được áp dụng cho cả người nam lẫn người nữ, chớ không phải chỉ cho người nữ không mà thôi. Chúng ta cũng cần phải để ý là luật pháp nầy được ghi lại trong thư của Phao-lô gởi cho Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên, tức là khởi đầu của thời kỳ Ân điển, vì vậy mà nó được áp dụng cho tất cả con dân Chúa cho đến ngày nay, tức là bao gồm tất cả Cơ-đốc-nhân trong thế kỷ thứ 21 nầy cho đến ngày Đức Chúa Jêsus trở lại. Tôi sẽ trình bày thêm luật pháp nầy một cách chi tiết hơn trong một dịp khác, nhưng tại đây thì tôi chỉ xin được tóm tắt là tất cả các Cơ-đốc-nhân, luôn cả người rao giảng nữa, là nếu ly dị vợ hoặc chồng để đi lập gia đình với người khác đang khi người phối ngẫu trước của mình còn đang sống thì đều bị kể là phạm tội tà dâm theo luật pháp nầy. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể thấy rằng đứa con đầu tiên của bà Bát-sê-ba với vua Đa-vít đã bị Đức Chúa Trời cất đi vì đứa bé được hình thành trong bào thai khi U-ri còn sống. Chỉ đến khi U-ri đã chết rồi và bà Bát-sê-ba được kể là đàn bà góa thì đứa con sau của bà với vua Đa-vít mới được Đức Chúa Trời cho sống sót. Nói như vậy không có nghĩa là hễ ai phạm tội tà dâm thì cũng nên phạm tội giết người, bởi vì sự phạm tội của vua Đa-vít là không có dự định trước, nhưng bất cứ ai nghe được luật pháp nầy trong bài giảng hôm nay mà phạm tội như vậy để được giống như trường hợp của vua Đa-vít thì kẻ đó sẽ bị kể là phạm tội một cách cố ý theo nguyên tắc Chưa biết thì chưa có tội mà Đức Chúa Trời đã có ghi lại trong Rô-ma 4: 15.

RÔ-MA 4: 15 – Vì luật pháp sanh ra sự giận. Song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp.

Vì vậy sau khi U-ri đã chết rồi thì bà Bát-sê-ba được kể là vợ chính thức của vua Đa-vít, và Sa-lô-môn mới được sống để sau nầy được làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên. Việc bà Bát-sê-ba trở thành vợ chính thức của vua Đa-vít và việc Sa-lô-môn được kế vị vua là thí dụ điển hình về sự kết quả xứng đáng của một tấm lòng ăn năn thật.

Các chữ kết quả xứng đáng có nghĩa là đền bù một cách đầy đủ dư dật cho tội lỗi mà mình đã phạm. Trong trường hợp của vua Đa-vít thì ông đã kết quả như vậy. Theo như phong tục tập quán ngày xưa thì chỉ có con trai lớn của hoàng hậu mới được làm hoàng thái tử mà thôi, tức là người được thừa kế ngôi vị sau khi vua cha băng hà. Mặc dầu Áp-sa-lôm đã chết nhưng ngai vàng vẫn không thể về tay của Sa-lô-môn vì vẫn còn những hoàng tử khác sanh trước ông. Nhưng vì vua Đa-vít đã bày tỏ sự kết quả xứng đáng với lòng ăn năn, tức là xem bà Bát-sê-ba như là vợ chính thức của ông nên Sa-lô-môn mới được thừa kế ngôi vua sau nầy như là một hoàng thái tử. Chẳng những thế thôi, sự kết quả xứng đáng với lòng ăn năn của vua Đa-vít còn bày tỏ qua việc ông đối xử với A-bi-sác. Bà là một người phụ nữ trẻ đẹp được người ta đưa vào cung để nằm chung giường với vua Đa-vít và giữ cho ông được ấm. Dầu có sự gần guĩ như vậy và dầu vua Đa-vít có quyền để lấy nàng như một người hầu thiếp, nhưng vua vẫn không làm, như lời Kinh thánh đã tường thuật lại trong 1Các Vua 1: 1-4.

1CÁC VUA 1: 1-4 – Vua Đa-vít đã già, tuổi cao, và mặc dầu người ta đắp áo cho người, cũng không thể ấm được. Các tôi tớ người nói với người rằng: Xin tìm cho vua chúa tôi một gái trẻ đồng trinh, để hầu hạ vua và săn sóc vua. Nàng sẽ nằm trong lòng vua, thì vua chúa tôi có thể ấm được. Vậy, người ta tìm trong khắp địa phận Y-sơ-ra-ên một người gái trẻ đẹp, và gặp được A-bi-sác, người Su-nem, dẫn nàng đến cùng vua. Người gái trẻ nầy rất là lịch sự. Nàng săn sóc và hầu hạ vua, nhưng vua không thân cận nàng.

Chúng ta biết rằng nam giới mặc dầu già yếu nhưng vẫn có thể lấy vợ và sinh con, chẳng hạn như trong trường hợp của Áp-ra-ham và Môi-se. Đó là điều mà khoa học cũng đã xác nhận là đúng, nhưng trong trường hợp của vua Đa-vít thì ông lại không làm như vậy đối với A-bi-sác. Khi Kinh thánh cho biết là Đa-vít không thân cận nàng thì điều đó cho biết là ông có khả năng nhưng lại không muốn thực hiện. Lý do là vì ông muốn kết quả xứng đáng với lòng ăn năn sau việc đã xãy ra đối với bà Bát-sê-ba. Lúc đó thì vua Đa-vít chỉ nghỉ đến quyền lợi của ông mà thôi, có nghĩa là làm sao để có thể thỏa mãn được tư dục xác thịt của cá nhân ông chớ không hề nghĩ gì đến sự đàm tiếu mà bà Bát-sê-ba phải chịu hoặc sự đau khổ của U-ri nếu biết vợ ông bị vua ép buộc cách như vậy. Nhưng sau khi đã ăn năn thì vua Đa-vít chỉ nghĩ đến quyền lợi của A-bi-sác chớ không nghĩ đến quyền lợi của cá nhân ông. Đa-vít là vua nên muốn lấy ai cũng được và muốn lấy lúc nào cũng được, nhưng vì A-bi-sác thì trẻ đẹp và còn có tương lai sau nầy nữa cho nên vua Đa-vít đã thân cận với bà để khi ông qua đời thì bà có thể trở về với dân sự, có thể lấy được một người chồng và có một cuộc đời bình thường như bao nhiêu nữ đồng trinh khác. Đó là sự kết quả từ tấm lòng ăn năn thật của vua Đa-vít. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời là Đấng thấy trước được mọi việc trong tương lai nên đã tha thứ cho vua Đa-vít vì biết rằng ông thật sự ăn năn và sẽ hết sức cố gắng để bù đắp lại lỗi lầm của ông trong phương diện tình cảm nam nữ đối với người nầy hoặc người khác, tức là đối với cả bà Bát-sê-ba và A-bi-sác sau nầy. Tấm lòng ăn năn thật của vua Đa-vít đã giúp cho ông nhận được sự tha thứ từ nơi Chúa và đồng thời cũng trở thành tấm gương cho Cơ-đốc-nhân trong các thế hệ sau nầy. Bởi thế cho nên sự phạm tội của Đa-vít được Chúa dùng để dạy dỗ chúng ta về một tấm lòng ăn năn thật chớ không phải để dùng mà biện minh cho sự cố tình phạm tội tà dâm của nhiều người như đã xãy ra từ trước đến nay. Như vậy thì chúng ta đã có thể biết được và hiểu được 4 yếu tố quan trọng cần phải có của một tấm lòng ăn năn thật là nhận biết rằng mình có tội, đau buồn thống hối về tội lỗi đó, hứa nguyện rằng không bao giờ tái phạm lại nữa và kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân hội đủ cả 4 yếu tố ấy thì con dân Chúa mới thật sự kinh nghiệm được sự tha thứ của Chúa là lạ lùng đến chừng nào.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời nhắc nhở cho Cơ-đốc-nhân biết mau chóng ăn năn tội lỗi mỗi một khi lầm lỡ phạm phải hầu nhờ đó có thể được Ngài tha thứ dồi dào. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục dạy dỗ và mở mắt của con dân Chúa hầu cho mỗi một người có thể biết được điều đáng nên làm, điều cần phải tránh trong suốt những ngày còn sống giữa trần gian nầy. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh thêm sức cho Cơ-đốc-nhân trong cố gắng sống đẹp lòng Chúa trong mọi phương diện cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *