THÁNH KINH GIẢI LUẬN / 1Cô-rinh-tô 12: 8

LÀM SAO NHẬN BIẾT ĐỨC THÁNH LINH 2

Kinh thánh: 1Cô-rinh-tô 12: 1-11

Câu gốc: 1CÔ-RINH-TÔ 12: 8 – Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức.

Kính thưa quý Hội thánh, như điều mà tất cả chúng ta đã biết thì một trong những đặc điểm rất quan trọng và cũng là nhu cầu lớn nhất trong đời sống của Cơ-đốc-nhân là việc được có Đức-Thánh-Linh ở cùng. Theo như lời của Chúa mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua trong những năm tháng trước, đặc biệt là phần đầu của Chủ đề nầy, thì chúng ta biết rằng không phải bất cứ Cơ-đốc-nhân nào cũng được Đức-Thánh-Linh ở cùng. Việc được Đức-Thánh-Linh ở cùng và được Đức-Thánh-Linh cảm động là hai điều khác nhau. Người đượcc Đức-Thánh-Linh ở cùng chắc chắn sẽ được Ngài cảm động thường xuyên, nhưng người được Đức-Thánh-Linh cảm động lại có thể sẽ không được Ngài ở cùng, chẳng hạn như trường hợp của Sau-lơ lúc chưa làm vua. Lẽ thật trong Kinh thánh cho biết rằng tất cả những người tin nhận Chúa đều được Đức-Thánh-Linh cảm động theo như lời của Chúa đã được ghi lại trong 1Cô-rinh-tô 12: 3.

1CÔ-RINH-TÔ 12: 3 – Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà nói rằng: Đức Chúa Jêsus đáng nguyền rủa! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!

Như vậy theo ý nghĩa trong câu gốc nầy thì tất cả những người công nhận Đức Chúa Jêsus là Chúa đều được cảm động bởi Đức-Thánh-Linh. Nhưng sự được cảm động như vậy không phải là thường xuyên và cũng không phải là bằng chứng của việc được Đức-Thánh-Linh ở cùng. Thí dụ thực tế điển hình về điều đó là đời sống của Sau-lơ mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua. Sau-lơ được Đức-Thánh-Linh cảm động để nói tiên tri vài lần nhưng Ngài không ở cùng ông luôn luôn, vì vậy mà sau đó Sau-lơ bị ác thần nhập vào. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa cho biết là nhu cầu quan trọng hơn hết trong đời sống của Cơ-đốc-nhân là được Đức-Thánh-Linh ở cùng vì nhờ Ngài mà chúng ta được hướng dẫn để đi đúng đường lối của Chúa, được thêm sức mới và được ấn chứng hầu cho có thể nhận được sự sống đời đời trong tương lai, như lời của Chúa đã có cho biết trong Ê-phê-sô 4: 30.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 30 – Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc.

Câu gốc nầy cho thấy rằng Cơ-đốc-nhân không được làm buồn lòng Đức-Thánh-Linh hầu để được Ngài ngự đến trong đời sống mình và ấn chứng cho. Nhưng vì Đức-Thánh-Linh là Đấng không thấy được cho nên sự hiện diện của Ngài trong đời sống của một người thì không phải là dễ dàng để có thể nhận thấy được. Đối với tất cả những người nói rằng mình tin Chúa hoặc theo đạo thì ai cũng có thể tự nhận rằng mình có Đức-Thánh-Linh. Lời nói như vậy là thông thường và dễ nói lắm, nhất là khi nghĩ rằng không ai có thể kiểm chứng được. Cũng có một số người khác thì dùng việc nói tiếng líu lo như là tiếng lạ để chứng tỏ rằng họ có Đức-Thánh-Linh. Nhưng trong câu gốc nền tảng sáng hôm nay của chúng ta thì lời của Chúa đã có cho thấy về một trong những đặc điểm mà một người được Đức Chúa Trời ở cùng có thể nhận được trong đời sống họ, đó là việc họ có lời nói khôn ngoan và có lời nói tri thức. Hai lời nói như vậy không phải là hai đặc điểm riêng biệt hoàn toàn khác nhau nhưng chỉ là một mà thôi. Lời nói khôn ngoan và lời nói có tri thức đều có nghĩa tương tự như nhau, ấy là bởi vì sự ban cho của Đức-Thánh-Linh thì nhiều nhưng Ngài thì chỉ có một, như lời của Chúa đã khẳng định trong 1Cô-rinh-tô 12: 4.

1CÔ-RINH-TÔ 12: 4 – Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.

Như vậy thì sáng hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm câu gốc nầy để biết xem là lời nói khôn ngoan và lời nói tri thức của một người được Đức Chúa Trời ở cùng là như thế nào, hầu có thể xác định được mức độ thuộc linh của chính mình và giúp tăng cường thêm sự tự tin của cá nhân đang khi theo Chúa giữa trần gian. Sự tự tin như vậy là cần thiết vì yếu tố đó là điểm căn bản quan trọng của một đức tin thật, theo như định nghĩa về đức tin mà chúng ta đã biết, vốn có ghi lại trong Hê-bơ-rơ 11: 1.

HÊ-BƠ-RƠ 11: 1 – Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.

Các chữ Biết Chắc Vững Vàng trong câu gốc nầy có ý nghĩa bao gồm cả sự tự tin trong đời sống của Cơ-đốc-nhân đang khi theo Chúa. Bởi lẽ đó mà việc nhận biết Đức-Thánh-Linh có ở trong chúng ta hay không là điều cần thiết và là lý do để chúng ta cùng nhau suy gẫm câu gốc nền tảng sáng hôm nay.

Theo như cách suy nghĩ thông thường cho thấy thì khi đề cập đến lời nói khôn ngoan thì nhiều người thường cho rằng đó là những lời khéo léo làm vui lòng người khác, hoặc là những lời nói lịch thiệp khiến cho người ta mến mộ, hoặc là những lời nói tế nhị biết né tránh những vấn đề người ta không thích nghe, hoặc là những lời nói động viên khiến cho người nghe được khích lệ, hăng hái. Quan điểm như vậy về lời nói khôn ngoan không phải là sai vì bằng chứng trong thực tế cho thấy rằng có những người có lời nói khôn ngoan đến nỗi họ trở thành những thuyết trình gia nổi tiếng và được giàu có. Chẳng hạn như việc các công ty kinh doanh lớn trên thế giới trả chi phí rất cao, từ hàng trăm ngàn cho đến nữa triệu đô-la để mời những thuyết trình gia như vậy đến để khích lệ công nhân viên chức của họ trong sự làm việc, và sau những buổi thuyết trình ấy thì mức hoạt động và sản phẩm của công ty tăng gắp đôi gấp ba, mẫu mã cũng được cải thiện tốt hơn. Ấy là vì các công nhân viên chức được khích lệ hăng hái trong sự làm việc và cả trong sáng kiến nữa sau những lần nghe các thuyết trình gia ấy. Tôi không đề cập đến tên của những người đó trong bài giảng để tránh việc quản cáo cho họ khi đang suy gẫm lời của Chúa nhưng nếu quý Hội thánh muốn biết thêm thì có thể lên mạng để thử tìm kiếm thì sẽ thấy được những thực tế điển hình đó.

Còn khi đề cập đến lời nói có tri thức thì nhiều người liền nghĩ ngay đến lời nói của những người có bằng cấp cao hoặc có nhiều kiến thức chuyên môn về điều nầy điều kia, chẳng hạn như kỹ sư cơ khí nói về máy móc hoặc các bác sĩ giải thích về bệnh tật. Nhưng xin thưa với quý Hội thánh là quan điểm như vậy hoàn toàn không phù hợp với ý nghĩa trong lời của Chúa. Khi Kinh thánh đề cập đến sự ban cho của Đức-Thánh-Linh thì điều đó có nghĩa là lời của Chúa đang muốn dạy dỗ con dân Ngài về phương diện thuộc linh. Vì vậy mà chúng ta cần phải dùng lời Kinh thánh để nhận biết ý nghĩa thật sự trong câu gốc sáng hôm nay về lời nói khôn ngoan và lời nói có tri thức.

Lời của Chúa cho biết là quan điểm của thế gian về sự khôn ngoan là trái ngược với quan điểm của Đức Chúa Trời, vì sự khôn ngoan của con người chỉ là sự dại dột trong mắt của Chúa mà thôi, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong 1Cô-rinh-tô 3: 19.

1CÔ-RINH-TÔ 3: 19 – Vì sự khôn ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột, như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn ngoan trong mưu kế họ.

Theo như lời của Chúa cho biết thì sự khôn ngoan được phân biệt ra thành 2 loại, đó là sự khôn ngoan theo thế gian và sự khôn ngoan từ trời. Vì sự khôn ngoan của thế gian chỉ là sự dại dột trong mắt Chúa mà thôi nên sự khôn ngoan đó không đẹp lòng Ngài, còn sự khôn ngoan từ trời mới chính là sự khôn ngoan mà Chúa muốn con cái Ngài phải có cùng với những mỹ đức cặp theo. Những mỹ đức ấy đã được lượt kê trong Gia-cơ 3: 17.

GIA-CƠ 3: 17 – Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.

Như vậy thì khi chúng ta căn cứ vào những mỹ đức mà lời của Chúa đã liệt kê trong câu Kinh thánh nầy để xác định thế nào là lời nói khôn ngoan thì chúng ta có thể biết rằng khi một người được Đức-Thánh-Linh ở cùng thì người đó sẽ có lời nói thanh sạch, đem lại sự hòa thuận, người đó cũng sẽ có lời nói tiết độ, nhu mì, là lời nói đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, tức là lời nói trung thực, không giả dối, ích lợi cho người nghe.

Khi suy gẫm đến đây thì chắc quý Hội thánh đã có thể nhớ lại điều mà tôi vẫn thường xuyên đề cập đến, ấy là khi nghiên cứu Kinh thánh thì chúng ta phải dùng chính lời của Chúa để giải thích cho lời của Ngài, tức là dùng Kinh thánh để giải thích Kinh thánh, chớ không phải là dùng ý riêng để giải thích các từ ngữ theo ý nghĩa bề mặt của chữ. Vì nếu dùng theo cách đó thì người ta sẽ giải thích các chữ lời khôn ngoan theo quan điểm thông thường của thế gian, còn nếu dùng Kinh thánh để giải thích cho các chữ ấy thì chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa chính xác trong lời của Chúa về lời nói khôn ngoan là như thế nào. Bởi lẽ đó mà tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm một cách chi tiết hơn nữa về lời nói khôn ngoan theo ý của Đức Chúa Trời bằng cách dùng sự giải thích trong các câu Kinh thánh có liên quan hầu cho chúng ta có thể so sánh được sự khác biệt về ý nghĩa trong lời của Chúa với quan điểm của con người.

Khi người ta cho rằng lời nói khôn ngoan là lời nói khéo léo để làm vui lòng người khác thì những lời nói như vậy có thể làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Ấy là vì quan điểm và ý muốn của Đức Chúa Trời khác với loài người trong thế gian, bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân dùng lời khôn khéo để nói cho vừa lòng người khác thì có thể điều đó trái với ý muốn và đường lối của Chúa. Sự khác biệt như vậy giữa ý tưởng và đường lối của Đức Chúa Trời đối với quan điểm của loài người đã được bày tỏ ra trong Ê-sai 55: 9.

Ê-SAI 55: 9 – Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.

Vì sự khác biệt cách xa như vậy, như là trời cách xa đất nên khi Cơ-đốc-nhân dùng lời khôn khéo theo kiểu của thế gian để nói cho vừa lòng người nghe thì có thể điều đó hoàn toàn không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngoài ra thì chúng ta đều biết rằng mạng lệnh của Chúa đối với con cái Ngài là làm điều gì cũng phải vì vinh hiển của Chúa mà làm, ngay cả trong lời nói cũng vậy, như lời Kinh thánh có chép trong 1Cô-rinh-tô 10: 31.

1CÔ-RINH-TÔ 10: 31 – Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.

Thế thì khi Cơ-đốc-nhân nói với người khác, ngay cả khi rao giảng cho con cái Chúa hoặc làm chứng cho người chưa tin thì cũng phải nói bằng sự khôn ngoan từ trời do Đức-Thánh-Linh ban cho, chớ không phải là xét xem người khác muốn nghe điều gì để nói cho vừa lòng họ. Người đời có thể dùng sự khôn ngoan thế gian để nói lấy lòng người khác cách như vậy, nhưng Cơ-đốc-nhân thì phải dùng sự khôn ngoan của Đức-Thánh-Linh ban cho để nói lời đẹp lòng Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng đáng được ưu tiên hơn hết trong mọi phương diện của đời sống chúng ta, ngay cả trong lời nói và sự rao giảng của Cơ-đốc-nhân cũng vậy. Thế thì chúng ta có thể hiểu rằng một người được Đức-Thánh-Linh ở cùng thì sẽ nói lời khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời để làm đẹp lòng Ngài chớ không phải là nói theo ý thích của con người để làm vừa lòng người nghe. Khi nói về ý muốn của Đức Chúa Trời thì tất cả chúng ta đều đã biết ý muốn của Ngài là gì. Ấy là Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật, như đã được bày tỏ trong 1Ti-mô-thê 2: 4.

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Nhưng đây vẫn chưa phải là ý muốn duy nhất của Chúa, vì nếu như vậy thì khi Cơ-đốc-nhân rao giảng cho người chưa tin thì cũng đã đủ để thỏa mãn ý muốn của Chúa rồi. Trong Kinh thánh còn cho chúng ta biết thêm một ý muốn khác của Chúa nữa, như đã được chép trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 3.

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4: 3 – Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh, tức là phải lánh sự ô uế. Mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời.

Những câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn chưa phải là đề cập hết tất cả ý muốn của Chúa, nhưng nếu chỉ căn cứ vào các câu Kinh thánh nầy không mà thôi thì chúng ta có thể biết rằng khi Cơ-đốc-nhân nói chuyện hoặc rao giảng thì phải nói bằng sự khôn ngoan từ trời mà Đức-Thánh-Linh đã ban cho để trình bày những điều thuộc về ý muốn của Đức Chúa Trời, tức là làm sao cho người ta biết tội lỗi để tránh xa, biết ăn năn để được tha thứ, biết tin Chúa thật lòng để được cứu rỗi, hoặc là để giúp người khác hiểu biết về các lẽ thật quan trọng và không bao giờ thay đổi trong Kinh thánh, hoặc là để nhắc nhở về những mẫu mực mà con cái Chúa cần phải có để được kể là nên thánh trong Chúa cả về phương diện thuộc linh và thuộc thể, hoặc là để cho Cơ-đốc-nhân có thể học tập mà sống một đời sống tình cảm thật quân bình và xứng đáng trong Chúa. Ấy đó là lời nói khôn ngoan được Đức-Thánh-Linh ban cho, căn cứ vào sự giải thích của chính lời của Ngài trong Kinh thánh.

Như điều mà tôi đã có đề cập đến từ ban đầu thì quan điểm của người thế gian về lời nói khôn ngoan khác với sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh. Thông thường thì người ta nghĩ rằng một người có lời nói khôn ngoan là người biết nói làm sao để người ta mến mộ họ. Nhưng trong Kinh thánh thì cho biết rằng lời nói khôn ngoan là lời nói làm cho Đức Chúa Trời ưa thích người ấy. Một lời nói như vậy thì thường lại không làm cho người nghe ưa thích cá nhân của người nói. Theo như thực tế cho thấy thì nhiều Cơ-đốc-nhân tưởng rằng cứ hễ nói với người khác về Chúa thì sẽ được Chúa đẹp lòng và ban thưởng cho. Nhưng thật ra thì khi nói về Chúa hoặc rao giảng về Chúa thì Cơ-đốc-nhân phải nói một cách xứng đáng thì mới có thể làm Chúa ưa thích mình, bằng không thì sẽ mang tội hoặc có khi còn bị trừng phạt nữa. Kinh thánh cho biết là lời nói của con người rất quan trọng và một người có được kể là công bình hay không cũng tùy thuộc vào lời mà họ đã nói ra, như nguyên tắc đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 12: 37.

MA-THI-Ơ 12: 37 – Vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.

Chính vì lời nói của mỗi một người là quan trọng để được Đức Chúa Trời kể là công bình hay không nên Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng không phải bất cứ ai hễ nói về Chúa cho người khác hoặc kêu cầu với Chúa thì đều nhận được sự cứu rỗi, mà chỉ có những người nào làm theo sự dạy dỗ của Ngài, có nghĩa là bao gồm luôn cả việc nói về Ngài một cách xứng hiệp như Kinh thánh đã cho biết, tức là nói theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì mới hưởng được sự sống đời đời mà thôi. Lẽ thật ấy đã được chính Đức Chúa Jêsus khẳng định trong Ma-thi-ơ 7: 21.

MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể biết rằng Cơ-đốc-nhân chỉ có thể nói và rao giảng theo ý muốn của Chúa mà thôi, chớ không thể nào nói theo quan điểm của đám đông được. Ý muốn của Chúa là như thế nào thì chúng ta đã vừa suy gẫm qua khi nãy và đó là những điều mà chúng ta phải nói đến hoặc rao giảng cho người khác. Chỉ có làm như thế thì lời nói của Cơ-đốc-nhân mới được Đức Chúa Trời ưa thích và nhờ đó mà con dân Chúa mới có thể nhận được sự sống đời đời trong tương lai, bởi vì nói cách như vậy là đức tin thể hiện qua hành động làm theo sự dạy dỗ của Chúa, nói cách như vậy là thể hiện được sự ở cùng của Đức-Thánh-Linh trong đời sống mình, nói cách như vậy chứng tỏ rằng mình đã được Ngài ưa thích và đóng ấn cho. Cũng chính bởi lẽ đó mà lời nói như vậy mới được kể là lời nói khôn ngoan của Đức-Thánh-Linh ban cho, vì giúp cho người nói nhận được ân điển của Chúa trong đời nầy và đời sau. Cho dù là lời nói như vậy không thuận theo quan điểm của người nghe thì cũng không sao, bởi vì được Đức Chúa Trời ưa thích thì quan trọng gấp trăm triệu lần hơn là được loài người mến chuộng.

Đế có thể giúp cho quý Hội thánh thấy được rằng lời nói đẹp lòng Đức Chúa Trời thì thường không được người khác ưa thích, ngay cả những người tự xưng là tin Chúa hoặc theo đạo thì chúng ta có thể lấy hai trường hợp điển hình của Đức Chúa Jêsus Christ và của Ê-tiên để suy gẫm thêm. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì Đức Chúa Jêsus là lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người cho nên đời sống Ngài đều được đẹp lòng Đức Chúa Trời trong mọi phương diện, như lời Kinh thánh đã ghi lại trong Ma-thi-ơ 3: 16-17.

MA-THI-Ơ 3: 16-17 – Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.

Khi tiếng phán của Đức Chúa Trời tuyên bố rằng Đức Chúa Jêsus được đẹp lòng Ngài mọi đường thì điều đó bao gồm cả lời nói của Chúa. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng khi Đức Chúa Jêsus rao giảng cho đoàn dân đông và nói một cách trung thực về lẽ thật đời đời không thay đổi, tức là Lẽ thật rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời, thì đoàn dân đông tìm cách ném đá Ngài, như điều đã được tường thuật lại trong Giăng 10: 32-33.

GIĂNG 10: 32-33 – Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta? Người Giu-đa trả lời rằng: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn: Ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời.

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng dân Giu-đa muốn ném đá Đức Chúa Jêsus vì Ngài đã không nói theo quan điểm của họ mà lại nói một cách trung thực về lẽ thật Ba Ngôi của Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà chúng ta cũng có thể hiểu được rằng lời nói đẹp lòng Đức Chúa Trời không hẳn là lời nói được mọi người ưa thích. Ngay cả những người nói rằng mình thuộc về Chúa mà không thông hiểu lẽ thật thì cũng không thích nghe những lời nói đẹp lòng Đức Chúa Trời, mà chỉ muốn nghe điều phù hợp với quan điểm xác thịt của họ, như trong trường hợp của dân Giu-đa đối với sự rao giảng của Đức Chúa Jêsus. Bởi lẽ đó mà từ xưa đến nay thì đã có rất nhiều trường hợp mà trong đó lời nói khôn ngoan của người được Đức-Thánh-Linh ngự cùng không làm đẹp lòng loài người, cũng không đẹp lòng những người tự xưng là tuyển dân của Chúa, chẳng hạn như trong trường hợp của Ê-tiên trước mặt người Giu-đa. Kinh thánh cho biết rằng Ê-tiên là người có đầy đức tin và được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh, như lời tường thuật đã được ghi lại trong Công vụ 6: 5.

CÔNG VỤ 6: 5 – Cả hội đều lấy lời đó làm đẹp lòng, bèn cử Ê-tiên, là người đầy dẫy đức tin và Đức Thánh Linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-no, Ti-môn, Ba-mê-na và Ni-cô-la, là người An-ti-ốt mới theo đạo Giu-đa.

Kinh thánh cho biết rằng Ê-tiên đã được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh để rao giảng cho người Giu-đa về sự cứu rỗi trong Đấng Christ và cáo trách họ về việc giữ luật pháp theo quan điểm của con người nhưng lại không giữ luật pháp theo mẫu mực mà Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh. Chính vì lời nói như vậy mà Ê-tiên bị họ ném đá chết. Nhưng điều đã xãy ra cho Ê-tiên không phải là lần đầu tiên xãy ra đối với những người nói lời đẹp lòng Đức Chúa Trời, mà cũng không phải là lần cuối cùng, vì từ xưa đến nay những lời rao giảng và cáo trách như vậy vẫn không phải là điều mà người ta muốn nghe hoặc muốn làm theo. Chính bởi lẽ đó mà nhiều người cho rằng nói hoặc rao giảng theo quan điểm của đám đông thì dễ hơn và có lợi hơn, vì được người ta ưa chuộng nhiều hơn và đem lại lợi ích lớn cho cá nhân hơn, chẳng hạn như lương bổng, được mến chuộng, được nổi tiếng. Vì vậy mà nhiều Cơ-đốc-nhân thích nói và thích rao giảng theo quan điểm của đám đông hơn là nói và rao giảng để được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Nhưng dầu vậy thì trong Kinh thánh cũng có cho biết là có những lời rao giảng đẹp lòng Đức Chúa Trời mà cũng cảm động được người nghe để họ đến với Chúa, chẳng hạn như là sự rao giảng của Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên. Kinh thánh cho biết là ông đã được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh cũng như những sứ đồ và các môn đồ khác và ông đã đứng ra để rao giảng về sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus tức là Đấng Christ. Sự rao giảng của ông đã làm cho khoảng 3,000 người đồng ý đầu phục Chúa và gia nhập vào Hội thánh. Khi chúng ta đọc kỹ lại các lời mà ông đã rao giảng thì trong đó ông chỉ trình bày về chương trình của Đức Chúa Trời, về sự chết của Đức Chúa Jêsus, sự sống lại của Ngài và quyền phép của Đức-Thánh-Linh mà thôi, chớ ông không hề nói chuyện trong nhà ngoài phố, hoặc chuyện phiếm về người nầy kẻ kia, hoặc chuyện người ta đồn đãi, thêu dệt, ông cũng không hề nêu danh tính của bất cứ một con người nào, dầu cho là người đó được thế gian tôn là bậc vĩ nhân hoặc là triết gia nổi tiếng đến mấy. Phi-e-rơ chỉ nói về Đức Chúa Trời Ba Ngôi và ý muốn cũng như chương trình của Ngài mà thôi. Chính bởi lẽ đó mà người nghe mới được Đức-Thánh-Linh cảm động và trở nên những Cơ-đốc-nhân gương mẫu của Hội thánh đầu tiên.

Lời nói và sự rao giảng như vậy mới được kể là khôn ngoan, tức là sự ban cho của Đức-Thánh-Linh đang ngự trong đời sống của Phi-e-rơ. Còn lời nói làm vừa lòng loài người và chuyển đổi thường xuyên theo quan điểm của thế gian thì dẫu được nhiều người ưa thích nhưng lại không được kể là lời nói khôn ngoan trước mặt Đức Chúa Trời. Các lời nói kiểu ấy chỉ làm vừa lòng người nghe chớ không thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời được, vì Ngài là Đấng yên lặng lắng nghe mọi lời nói ra trong nhà của Ngài, nhất là những lời nhơn danh Ngài mà rao giảng cho người khác. Đức Chúa Trời là Đấng đang lắng nghe mọi lời nói trong thế gian, nhất là lời của Cơ-đốc-nhân nói về Ngài, để xét xem là các lời ấy có được nói một cách xứng đáng hay không. Các bạn của Gióp là thí dụ điển hình về việc nói về Chúa mà lại xen vào đó những tư tưởng cũng như quan điểm của thế gian hoặc của cá nhân. Khi chúng ta đọc lại kỹ lưỡng sách Gióp thì sẽ thấy điều đó. Vì vậy mà Đức Chúa Trời mới cho biết rằng các bạn của Gióp mặc dầu có nói về Chúa nhưng lại không nói một cách xứng đáng và bởi lẽ đó mà họ bị kể là kẻ có tội và phải nhờ Gióp cầu thay cho thì mới được Đức Chúa Trời tha thứ, như lời tường thuật đã được ghi lại trong Gióp 42: 7-8.

GIÓP 42: 7-8 – Sau khi Đức Giê-hô-va đã phán các lời ấy với Gióp, thì Ngài phán cùng Ê-li-pha, người Thê-man, mà rằng: Cơn thạnh nộ ta nổi lên cùng ngươi và hai bạn hữu ngươi, bởi vì các ngươi đã không nói về ta cách xứng đáng, y như Gióp, kẻ tôi tớ ta, đã nói. Vậy bây giờ, hãy bắt bảy con bò đực và bảy con chiên đực đi đến Gióp, kẻ tôi tớ ta, mà vì các ngươi sẽ dâng lên một của lễ thiêu; rồi Gióp, kẻ tôi tớ ta, sẽ cầu nguyện cho các ngươi; vì ta sẽ nhậm lời người, kẻo ta đãi các ngươi tùy theo sự ngu muội của các ngươi; vì các ngươi không có nói về ta cách xứng đáng, như Gióp, kẻ tôi tớ ta, đã nói.

Khi lời Kinh thánh dùng chữ NÓI VỀ TA CÁCH XỨNG ĐÁNG thì điều đó có nghĩa là Ê-li-pha và hai bạn của ông có nói về Chúa khi đến an ủi Gióp, nhưng cách nói và lời nói của họ không hoàn toàn đúng theo ý muốn của Chúa, nên vì vậy mà họ bị kể là kẻ có tội. Đó là điều nhắc nhở Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày hôm nay khi chúng ta nói hoặc rao giảng về Chúa cho người khác, tức là cho cả người chưa tin lẫn người đã tin Chúa rồi. Chính bởi lẽ đó mà chúng ta phải nhớ đến câu Kinh thánh trong Gia-cơ 3: 17 để biết lời nói thế nào thì được kể là khôn ngoan trước mặt Chúa và cũng là bằng chứng của một đời sống được Đức-Thánh-Linh ở cùng. Tôi xin được lại câu Kinh thánh ấy để chúng ta cùng ghi nhớ và sẽ suy nghĩ thêm đề đặc điểm của lời nói khôn ngoan trong những lần tới.

GIA-CƠ 3: 17 – Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời yêu thương tha thứ cho chúng ta những lời nói thiếu xứng hiệp trước đây để từ nay con dân Chúa có thể tập tành nói đúng theo ý muốn của Ngài. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ đường lối và ý muốn của Ngài trong mọi phương diện, ngay cả trong lời nói nữa, để con dân Chúa biết mà làm theo hầu cho có thể được đẹp lòng Ngài luôn luôn. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục ban cho Cơ-đốc-nhân có được những lời nói khôn ngoan và lời nói có tri thức để làm vinh hiển Chúa và làm chứng tốt cho mọi người. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *