SỰ KHÔN NGOAN TỪ TRỜI

SỰ KHÔN NGOAN TỪ TRỜI

Kinh thánh: Gia-cơ 3: 13-18

Câu gốc: GIA-CƠ 3: 17 – Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.

Trong câu gốc nầy thì lời của Chúa đã cho chúng ta biết được rõ ràng rằng một người được Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan thì sẽ có những đặc điểm nào: Đó là một đời sống thanh sạch cả bề trong lẫn bề ngoài, có tánh tình hòa thuận, biết sống chừng mực, nhu mì, có đầy lòng thương xót và luôn luôn thể hiện những đức tánh tốt, nhất là không có sự hâm hẩm nữa đạo nữa đời và tánh giả hình. Tất cả những đặc điểm ấy là yếu tố giúp cho chúng ta nhận biết được sự hiện diện của Đức-Thánh-Linh ở trong đời sống của một người, vì như điều mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua thì việc tự nhận rằng mình có Đức-Thánh-Linh thì dễ nhưng khi so với bằng chứng thực tế thì nhiều khi lại khác hẳn với lời nói. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân cần phải biết đến những đặc điểm vừa kể để có thể tự xét lấy mình và tỉnh thức trong đời sống nầy.

Vì tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài là lớn lao lắm cho nên tất cả những việc làm cũng như sự ban cho của Chúa đều được bày tỏ rõ ràng trong đời sống của Cơ-đốc-nhân hầu để giúp cho chúng ta có được sự tự tin để có thể đạt đến mức độ trọn vẹn của một đức tin biết chắc vững vàng trong Chúa cũng như để làm chứng cho người khác về sự thực hữu của Chúa trong đời sống con người, nhất là trong đời sống của chính chúng ta. Vì vậy mà câu gốc nầy có liên quan mật thiết đến Chủ đề LÀM SAO NHẬN BIẾT ĐỨC THÁNH LINH mà chúng ta đã suy gẫm qua được 2 phần trong thời gian trước. Đức-Thánh-Linh là Đấng vô hình không thể thấy được nhưng công việc của Ngài trong đời sống của Cơ-đốc-nhân thì rất rõ ràng và thường thường bày tỏ ra bên ngoài bằng cả lời nói, hành động, ngay cả trong sự suy nghĩ nữa, tức là bằng cả cuộc đời của những người được Ngài ngự cùng. Bởi lẽ đó mà chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm nội dung chi tiết của câu gốc nầy để có thể nhận biết sự thật về sự hiện diện của Đức-Thánh-Linh giữa vòng Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ cuối cùng nầy. Đối với Cơ-đốc-nhân chúng ta thì sự nhận biết Đức-Thánh-Linh là quan trọng, không những để củng cố đức tin của chính mình mà cũng còn để phân biệt được sự thật giả trong thời kỳ mà Đức Chúa Jêsus đã từng cảnh cáo rằng ma quỉ sẽ đến để lừa gạt cả những người được chọn, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 24: 24.

MA-THI-Ơ 24: 24 – Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.

Lời cảnh cáo và báo trước nầy của Chúa cho chúng ta thấy rằng trong thời kỳ sau rốt, là thời kỳ bắt đầu từ khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh, thì sẽ có nhiều kẻ giả mạo tìm đến để dỗ dành và dẫn dắt con dân Chúa đi theo con đường sai lạc của sự hư mất mà bên ngoài vẫn lầm tưởng là mình đang theo Chúa. Điều nầy đã bắt đầu xãy ra từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên cho mãi đến ngày hôm nay và đã làm cho nhiều người lầm lạc. Bởi lẽ đó mà việc chúng ta nhận biết đâu là sự dẫn dắt và ban ơn của Đức-Thánh-Linh là rất quan trọng cho việc giữ đức tin của chúng ta được đúng đắn trong Chúa. Chính Đức Chúa Trời đã biết trước điều đó nên khi Đức Chúa Jêsus còn thi hành chức vụ của Ngài trên đất thì Chúa đã cho chúng ta một mẫu mực quan trọng để làm thước đo mà nhận định con người hầu cho có thể phân biệt được mưu chước của ma quỉ. Mẫu mực đó là nguyên tắc xem trái để biết cây và đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 7: 15-20.

MA-THI-Ơ 7: 15-20 – Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. Hễ cây nào chẳng sanh trái tốt, thì phải đốn mà chụm đi. Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.

Mặc dầu lời của Chúa cho biết là nguyên tắc nầy được dùng để nhận biết tiên tri giả, nhưng đây cũng là mẫu mực chung để nhận biết mọi người. Theo như lời Kinh thánh cho biết và chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua thì một người thật sự được Đức-Thánh-Linh ở cùng thì sẽ có những đặc điểm mà người khác không thể giả mạo được, ngay cả việc giả mạo trong lời nói. Thực tế nầy đã được Đức Chúa Jêsus cho biết trong Lu-ca 6: 45.

LU-CA 6: 45 – Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.

Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể hiểu rằng dầu người ta có cố gắng che dấu bề trong của họ đến đâu đi nữa thì khi tấm lòng đã đầy dẫy một sự nào đó rồi, dầu là thiện hay ác, thì miệng của họ cũng sẽ có lúc nói ra mà thôi, giống như trường hợp ly nước đã đầy thì sớm muộn gì cũng sẽ phải tràn ra ngoài. Bởi lẽ đó mà chúng ta đều biết rằng khi một người được Đức-Thánh-Linh ngự cùng thì người đó sẽ có lời nói khôn ngoan và lời nói có tri thức, như đã được chép trong 1Cô-rinh-tô 12: 8 mà chúng ta đã có cùng nhau suy gẫm qua một cách tổng quát trong phần thứ hai của Chủ đề LÀM SAO NHẬN BIẾT ĐỨC THÁNH LINH. Sáng hôm nay thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm một cách chi tiết hơn nữa vê lời nói khôn ngoan theo mẫu mực mà lời của Chúa đã bày tỏ qua câu gốc nền tảng trong Gia-cơ 3: 17. Tôi xin được đọc lại câu gốc ấy một lần nữa trước khi chúng ta cùng nhau suy gẫm đến từng đặc điểm của sự khôn ngoan đến từ trời.

GIA-CƠ 3: 17 – Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.

Qua câu gốc nầy thì chúng ta có thể thấy rằng đặc điểm quan trọng trước nhất trong đời sống của một người nhận được sự khôn ngoan từ trời là yếu tố thanh sạch hay còn gọi là thánh khiết. Đức Chúa Jêsus cũng cho biết thêm rằng Đức-Thánh-Linh là Đấng làm cho con dân Chúa được nên thánh, như lời của Ngài đã được ghi lại trong Rô-ma 15: 15 và 16.

RÔ-MA 15: 15-16 – Nếu tôi đã lấy lòng thật dạn dĩ mà viết thơ nói điều nầy điều kia với anh em, ấy là để nhắc lại cho anh em nhớ: Bởi ơn Đức Chúa Trời đã làm cho tôi mà tôi trở nên chức việc của Đức Chúa Jêsus Christ giữa dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin lành Đức Chúa Trời, hầu cho dân ngoại được làm của lễ vừa ý Chúa, và nên thánh bởi Đức Thánh Linh.

Chúng ta có thể thấy được rõ ràng trong hai câu gốc nầy là Cơ-đốc-nhân cần phải được nên thánh bởi Đức-Thánh-Linh để có thể trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Chữ thanh sạch ở đây có nghĩa là thánh khiết trong đời thuộc linh và tinh sạch hay sạch sẽ trong đời thuộc thể. Hai phương diện nầy đều phải có và phải đi song song với nhau trong đời sống của một người được Đức-Thánh-Linh ở cùng. Cơ-đốc-nhân không thể nói rằng mình có một tấm lòng trong sạch trong một thân thể dơ bẩn vì lười biếng tắm gội được. Thân thể của chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời và của Đức-Thánh-Linh, có nghĩa là cả tư tưởng bên trong lẫn hình vóc bên ngoài đều thuộc về Ngài, cho nên sự dơ bẩn thuộc thể là không thể chấp nhận được trong đời sống của con dân Chúa, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Hê-bơ-rơ 10: 22.

HÊ-BƠ-RƠ 10: 22 – Nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.

Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng ý muốn của Chúa là con dân Ngài phải thanh sạch cả bên trong lẫn bên ngoài để có thể đến gần Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện, thờ phượng, ngợi khen và học hỏi lời của Chúa. Cơ-đốc-nhân cũng phải thanh sạch đang khi sống giữa xã hội để làm chứng tốt về Chúa cho mọi người. Nói như vậy không có nghĩa là Cơ-đốc-nhân từ chối làm việc để tránh khỏi bị dơ bẩn, nhưng sự thanh sạch bề ngoài có ý muốn nói là sau khi đã làm xong công việc rồi thì phải tắm rửa sạch sẽ chớ không phải là mặc luôn bộ quần áo làm việc để ngủ nghỉ và sau đó tiếp tục mặc như vậy mà đi đến nhà thờ để thờ phượng Chúa. Vấn đề nầy và những điều tương tự như vậy thì tôi tin rằng quý Hội thánh đều đã biết phải làm thế nào đối với sự thanh sạch phần thân thể và phần tâm linh. Một lần khác thì chúng ta sẽ suy gẫm chi tiết hơn đến những điều ấy, nhưng vì chúng ta đang nghiên cứu lời của Chúa có liên quan đến lời nói khôn ngoan của một người được Đức-Thánh-Linh ở cùng cho nên chúng ta sẽ dùng đặc điểm thanh sạch nầy để làm căn bản mà suy gẫm về lời nói thanh sạch trong sự khôn ngoan là như thế nào.

Khi dùng cả hai câu Kinh thánh trong 1Cô-rinh-tô 12: 8 và Gia-cơ 3: 17 để giải thích và bổ sung cho nhau thì chúng ta có thể hiểu rằng lời nói của một người nhận được sự khôn ngoan từ trời là lời nói thanh sạch từ nội dung cho đến cách dùng từ ngữ. Bởi vì sự ban cho của Đức-Thánh-Linh là trọn vẹn cả bên trong lẫn bên ngoài cho nên lời nói của Cơ-đốc-nhân không thể chỉ khéo léo trong từ ngữ mà lại có ngụ ý dơ bẩn hoặc ngụ ý xấu đàng sau các câu nói. Cũng một thể ấy, lời nói của Cơ-đốc-nhân cũng không thể nào có ngụ ý tốt mà lại dùng những từ ngữ bất xứng, khiếm nhã hoặc thô lỗ để nói chuyện hoặc rao bảo cho người khác. Cả hai trường hợp như vậy đều không thể bày tỏ được đặc điểm thanh sạch của một người nhận được sự khôn ngoan từ trời do Đức-Thánh-Linh ban cho. Nói cho đúng hơn thì nếu Cơ-đốc-nhân nói chuyện hoặc rao bảo với người khác theo hai cách ấy thì người đó chưa thật sự nhận được sự ban cho của Đức-Thánh-Linh, bởi vì hai cách ấy không thể nào làm chứng tốt về Đức Chúa Trời cho người khác được. Chúng ta đều biết rằng Đức-Thánh-Linh tuyệt đối không bao giờ giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân làm gương xấu, ngay cả trong lời nói cũng vậy.

Mạng lệnh của Chúa có ghi trong Kinh thánh cho biết là Cơ-đốc-nhân phải luôn luôn cẩn trọng trong lời nói của mình, từ cách dùng từ ngữ cho đến cử chỉ khi nói và nhất là ngụ ý trong lời nói của mình khi nói chuyện hoặc rao bảo cho mọi người. Các mạng lệnh ấy đã được bày tỏ qua các câu gốc sau đây:

Ê-PHÊ-SÔ 5: 4 – Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn.

CÔ-LÔ-SE 4: 6 – Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào.

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được mạng lệnh của Chúa là Cơ-đốc-nhân không được nói tục, không được nói cà rỡn, cũng không được lấy chuyện bịa đặt để làm cớ chọc cười người khác, mà phải có lời nói đúng đắn, xứng hiệp và chân thật để làm vinh hiển Chúa và để làm chứng tốt về Ngài cho mọi người. Đó là trong sự nói chuyện bình thường, còn trong sự rao giảng thì càng phải hết sức cẩn thận hơn nữa trong lời nói mình. Đây là những điều mà Cơ-đốc-nhân bắt buộc phải ghi nhớ và phải làm theo khi biết tự xưng mình là người kính sợ Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng từ xưa đến nay thì trong Hội thánh chung đã có nhắc nhở thường xuyên về lời nói của Cơ-đốc-nhân và hai câu gốc nầy cũng đã được trưng dẫn rất nhiều lần, nhưng trong thực tế thì Cơ-đốc-nhân ít khi thực hiện lắm, chẳng hạn như có người đã làm chứng với người khác rằng đã từng có lần từng thưa với Chúa là Xin Chúa đừng giỡn chơi với con. Có bao giờ chúng ta thấy trong Kinh thánh ghi lại rằng Đức Chúa Trời giỡn chơi với con cái Ngài? Trong Kinh thánh cũng chưa bao giờ ghi lại rằng Đức Chúa Jêsus cười. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng nghiêm trang tuyệt đối mặc dầu sự vui mừng là đặc điểm của Ngài, của Đức-Thánh-Linh và của những người được đầy dẫy Ngài. Vậy mà lại có người đem danh Chúa ra để chọc cười người khá mà nói rằng xin Chúa đừng giỡn chơi với con, làm như là họ nghiêm trang hơn chính Đức Chúa Trời, và những người nghe thì dẫu xưng mình là Cơ-đốc-nhân thì lại bật cười lên ha hả một cách khoái trá. Lúc đó thì mạng lệnh Đừng lấy danh Chúa ra làm chơi ở đâu trong tư tưởng của những kẻ ấy? Vì vậy chúng ta phải cẩn thận trong lời nói của mình, nhất là khi nhơn danh Chúa để làm chứng hoặc rao giảng cho người khác. Hơn thế nữa thì chúng ta phải nhờ cậy sự giúp đỡ của Đức-Thánh-Linh để lời nói của mình lúc nào cũng xứng hiệp và đẹp lòng Chúa. Như chúng ta đã biết thì các bạn của Gióp đã có nói về Chúa khi đến an ủi ông trong cơn thử thách, nhưng lời nói và cách nói của họ đều không xứng đáng cho nên họ bị Chúa kể là kẻ có tội. Sự phạm tội về lời nói như vậy là một trong những nguyên nhân làm cho Đức Chúa Trời nổi giận với loài người, như lời của Chúa đã cho biết và đã được ghi lại trong Truyền đạo 5: 6.

TRUYỀN ĐẠO 5: 6 – Đừng cho miệng ngươi làm cho xác thịt mình phạm tội, và chớ nói trước mặt sứ giả của Đức Chúa Trời rằng ấy là lầm lỗi. Sao làm cho Đức Chúa Trời nổi giận vì lời nói ngươi, và Ngài làm hư công việc của tay ngươi?

Ý tưởng trong câu Kinh thánh nầy cho biết rằng Cơ-đốc-nhân đừng bao giờ nói chơi về bất cứ điều gì, nhất là nói chơi về danh Chúa và các điều thuộc về cõi thuộc linh rồi sau đó tự biện minh rằng chỉ là lầm lỗi không quan trọng. Đức Chúa Trời nghe hết mọi lời mà con người đã nói, nhất là những lời từ miệng của những người tự xưng là con cái Ngài mà không biết cầm giữ môi miệng mình. Chúa sẽ kể những người ấy là kẻ có tội. Chúng ta thấy mạng lệnh nầy đã có từ ngày xưa và vì Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi cho nên mạng lệnh nầy vẫn còn tiếp tục được áp dụng cho Cơ-đốc-nhân trong thế kỷ thứ 21 và cho đến đời đời.

Theo như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy thì sự thanh sạch trong lời nói của một người được Đức-Thánh-Linh ở cùng và được Ngài ban ơn cho là cả trong phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể, cả trong ngụ ý của câu nói cũng như cách dùng từ khi nói, chớ không phải là chỉ có một mặt mà thôi. Trong trần gian nầy thì có những người ăn nói rất khéo léo và thu hút đến nỗi họ lừa gạt được người khác như chúng ta vẫn thường thấy xãy ra trong xã hội về việc lừa tình, tiền, nhà, đất hoặc trong công việc làm ăn, thậm chí cũng có những người có lời nói rất hùng hồn và có sức thuyết phục đến nỗi dụ dỗ được hàng triệu người chịu chết cho tham vọng quyền lực của họ, chẳng hạn như những kẻ độc tài nổi tiếng trên thế giới dẫn dụ người ta bằng chiêu bài yêu nước, công bằng, ấm no, không giai cấp. Tội ác của họ bằng lời nói là rất lớn và Cơ-đốc-nhân phải tuyệt đối tránh xa sự phạm tội như vậy, nhất là đừng bao giờ giả mạo là nhơn danh Chúa để làm lợi cho cá nhân mình. Lợi dụng danh Chúa để nói cách như vậy là không thanh sạch trong lời nói của mình. Tội lỗi về việc dùng lời nói mà lừa gạt người khác còn không được thế gian chấp nhận, huống chi là mượn danh Đức Chúa Trời để nói chơi hoặc nói theo ý riêng. Vì vậy mà Đức Chúa Jêsus đã cảnh cáo rằng bởi lời nói mà một người có được kể là công bình hay không, tức là có xứng đáng nhận được sự cứu rỗi trong đời sau hay không, bởi vì không có một người không công bình nào được hưởng nước Đức Chúa Trời. Khi kết hiệp hai câu gốc sau đây lại với nhau thì chúng ta sẽ thấy được điều đó.

MA-THI-Ơ 12: 37 – Vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.

1CÔ-RINH-TÔ 6: 9-11 – Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu. Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi.

Chúng ta có thể thấy rằng tất cả những tội lỗi được liệt kê trong câu thứ 10 đều ít nhiều có liên quan đến lời nói, chẳng hạn như kẻ ngoại tình và kẻ phạm tội tà dâm thì biện minh rằng họ cô đơn, vợ hoặc chồng của họ ở nhà không hiểu họ hoặc đó là những giờ phút không kềm chế được bản thân. Còn những kẻ thờ lạy thần tượng thì biện minh rằng đó là truyền thống hoặc vì muốn báo hiếu cho người đã chết, những kẻ đắm nam sắc thì biện minh rằng đó là vì xu hướng của thời đại hoặc vì được sinh ra là như vậy. Khi lời của Chúa cho biết là Cơ-đốc-nhân nhờ Đức-Thánh-Linh mà được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi thì những điều đó có nghĩa là tất cả những tội lỗi ấy cũng như các lời nói có liên quan đều phải được từ bỏ, không bao giờ tái phạm lại nữa, chớ không phải là hiểu theo cách biện mình của những kẻ có lời nói dẫn dụ con dân Chúa là cứ hể tin thì được cứu, không cần phải tái sanh và không cần phải nên thánh. Những kẻ lợi dụng danh Chúa và dùng lời nói bẻ cong lẽ thật trong Kinh thánh cách như vậy thì đã thấy xuất hiện từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên, như lời của Chúa đã có đề cập đến trong 1Ti-mô-thê 6: 3-5.

1TI-MÔ-THÊ 6: 3-5 – Ví thử có người dạy dỗ đạo khác, không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và đạo lý theo sự tin kính, thì người đó là lên mình kiêu ngạo, không biết chi hết; nhưng có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa, cùng những lời cãi lẽ hư không của kẻ có lòng hư xấu, thiếu mất lẽ thật, coi sự tin kính như là nguồn lợi vậy.

Chúng ta có thể thấy được là trong thực tế thì có những người làm ra vẻ như không cãi lẫy hoặc tranh biện với người khác để cho thấy rằng họ là người xứng đáng, nhưng mặt khác thì họ lại bẻ cong lẽ thật trong lời của Chúa để dẫn dụ người khác đến với họ thay vì đến với Chúa. Khi Đức Chúa Jêsus cho biết rằng con đường theo Chúa là chật hẹp và ít người đi, thì những kẻ ấy lại cố gắng giảng dạy để cho thấy rằng con đường theo Chúa là rộng rãi và dễ đi, có nghĩa là cứ tin Chúa thì được cứu, có phạm tội đến bao nhiêu lần cũng được Chúa tha và Cơ-đốc-nhân không cần phải cố gắng nên thánh vì đến ngày Chúa tái lâm thì Ngài sẽ biến hóa tất cả Cơ-đốc-nhân cho được xứng đáng với Thiên đàng. Nói như vậy là nói không thanh sạch và không có lòng chân thành trước mặt Chúa. Vì chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, nếu nói rằng chỉ cần tin Chúa là được cứu mà không cần làm theo ý muốn của Ngài thì lời phán dạy của Đức Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 7: 21 sẽ trở thành sai. Nếu nói rằng dầu phạm tội đến bao nhiêu lần cũng vẫn được tha thì sự dạy dỗ trong lời của Chúa về việc cố tình phạm tội như trong Hê-bơ-rơ 10: 26 cũng sẽ sai. Nếu nói rằng con dân Chúa không cần phải cố gắng sống đạo vì Đức Chúa Trời sẽ biến hóa hết thảy Cơ-đốc-nhân cho xứng đáng với Thiên đàng thì mạng lệnh trong Phi-líp 2: 12 về việc run rẫy làm nên sự cứu chuộc của cá nhân mình cũng như mạng lệnh trong Hê-bơ-rơ 12: 14 về sự nên thánh cũng sẽ là sự dạy dỗ dư thừa hay sao? Tôi xin được đọc lại tất cả các câu câu Kinh thánh ấy để chúng ta cùng ghi nhớ các lẽ thật trong lời của Chúa.

MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

HÊ-BƠ-RƠ 10: 26 – Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa.

PHI-LÍP 2: 12 – Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.

HÊ-BƠ-RƠ 12: 14 – Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

Qua các câu gốc vừa được trưng dẫn cũng như nhiều câu Kinh thánh tương tự khác trong lời của Chúa thì chúng ta có thể biết rằng lời nói thanh sạch của một người được Đức-Thánh-Linh ở cùng và ban ơn cho là nói về Chúa cho người khác một cách đúng đắn theo như sự dạy dỗ của Kinh thánh chớ không bao giờ để cho ý riêng xen vào. Chẳng những thế thôi lời nói khôn ngoan của một người nhận được sự ban cho của Đức-Thánh-Linh là phải thanh sạch cả bên ngoài, nghĩa là phải thanh sạch cả trong cách trình bày và trong cách dùng từ ngữ nữa. Lời Chúa đã dạy dỗ rõ ràng về hình thức bên ngoài của lời nói mà Cơ-đốc-nhân cần phải sử dụng đối với mọi người trong mọi hoàn cảnh, như có chép trong 1Phi-e-rơ 3: 15.

1PHI-E-RƠ 3: 15 – Nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ.

Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng cung cách của Cơ-đốc-nhân khi nói chuyện, làm chứng hoặc rao giảng cho người khác thì phải hiền hòa và cung kính, từ cách dùng từ ngữ cho đến cử chỉ, chớ không phải là cứ chú ý đến nội dung mà không cần hình thức bên ngoài như của một số người mà tôi xin được phép đưa ra lời phê bình của người khác về họ rằng cứ như là đang diễn tuồng trên tòa giảng. Nơi đó là nơi thờ phượng Chúa, là nhà của Đức Chúa Trời, nơi Đức Chúa Trời đang lắng nghe mọi điều mà tôi tớ của Ngài nói về Ngài, nhưng nhiều người rao giảng thì lại không ý thức được điều đó, thậm chí ở tại Mỹ có người lên rao giảng lời của Chúa vào ngày Chúa nhật mà chỉ mặc áo thun và quần short, hoặc cứ như là hyppy đang trình diễn nhạc trẻ, còn người khác thì đến cái áo vest cũng không có, làm cho địa vị của người rao giảng lời Chúa xem còn tầm thường hơn là xướng ngôn viên đọc tin tức trên TV nữa. Hình thức trong lời nói và sự rao giảng của họ như vậy thì sự kính sợ Chúa ở đâu? Họ có thể đi dự tiệc cưới của con người với ao thun và quần cụt hay không? Họ có thể vào gặp một vị nguyên thủ quốc gia với trang phục và đầu tóc như vậy hay không? Vậy mà những kẻ đó thì lại tự xưng mình là người nhơn danh Đức Chúa Trời để rao bảo cho thế gian? Quan lại ngày xưa khi đọc chiếu chỉ của các vị vua trần gian thì mặc trang phục như thế nào mà ngày nay những kẻ tự xưng là đại diện của Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa mà lại ăn mặc như vậy khi trình bày lời của Ngài cho thế gian? Cung cách và lời nói như vậy thì làm sao được kể là có khôn ngoan, có tri thức, có sự kính sợ Đức Chúa Trời một cách xứng đáng được? Nếu họ không thể chịu cực chịu khó được một chút cho Chúa trong cách ăn mặc, nếu họ không thể chịu nóng cho Chúa chỉ trong khoảng thời gian đứng giảng ngày Chúa nhật thì làm sao có thể mỗi ngày vác thập tự giá mà theo Chúa suốt cuộc đời nầy? Qua những thí dụ đó thì chúng ta có thể thấy rằng lời nói và cung cách của nhiều người không thống nhất với nhau, và đó là một trong những hình ảnh của sự thiếu thanh sạch trong lời nói, tức là lời nói và hành động có sự mâu thuẫn với nhau.

Cũng cần phải nói thêm là về việc dùng từ ngữ thì Cơ-đốc-nhân cũng phải cẩn thận. Tôi xin được kể ra một thực tế điển hình như thế nầy: Có một người kia, khi viết bài để trách móc Cơ-đốc-nhân về tình trạng bị hâm hẩm, tức là nửa đạo nửa đời, thì lại dùng từ thiếu xứng hợp để mô tả tình trạng ấy. Thay vì dùng chữ hâm hẩm như Kinh thánh đã dùng, hoặc dùng từ hơi dân gian một chút là đi hai hàng hoặc đi hàng hai thì người đó lại dùng tiêu đề là tình trạng đi chàng hảng. Xin thưa với quý Hội thánh là thật khó cho tôi để dùng hai chữ ấy trong bài giảng ngày Chúa nhật hoặc ngay cả lúc nói chuyện bình thường, nhưng vì muốn kể một thực tế điển hình nên đành phải đề cập đến mà thôi. Vì vậy mà quý Hội thánh có thể thấy được là việc dùng từ ngữ thì cũng rất là quan trọng trong lời nói của Cơ-đốc-nhân, nhất là đối với những người trong chức vụ rao giảng. Bởi lẽ đó mà khi chúng ta suy gẫm đến các đặc điểm về sự khôn ngoan đến từ trời có liên quan đến lời nói thì quý Hội thánh đã có thể nhận biết được thế nào là sự ban cho của Đức-Thánh-Linh. Vì thời giờ có hạn cho nên tôi xin hẹn lại với quý Hội thánh những lần sau nữa để tiếp tục nghiên cứu cho hết những đặc điểm của sự khôn ngoan có đề cập đến trong Gia-cơ 3: 17.

Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục soi sáng cho quý Hội thánh để biết nhu cầu cần được Đức-Thánh-Linh ban ơn trong việc có lời nói khôn ngoan và lời nói có tri thức là quan trọng như thế nào trong nếp sinh hoạt hàng ngày và trong sự rao giảng lời Chúa để chúng ta có thể làm vinh hiển Cha Thiên Thượng của mình và làm chứng tốt về Ngài cho cả thế gian. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thêm sức mới cho quý Hội thánh trong cố gắng học hỏi, nghiên cứu và làm theo lời Ngài trong Kinh thánh. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục giải bày một cách chi tiết cho chúng ta về những đặc điểm thiên thượng mà Chúa đã hứa ban cho những người kính sợ Ngài. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *