SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỨC TIN

Kinh thánh: Hê-bơ-rơ 11: 1-7

Câu gốc: HÊ-BƠ-RƠ 11: 6 – Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.

Như điều mà tôi đã từng đề cập đến trước đây trong những lần chúng ta cùng suy gẫm lời Chúa chung với nhau thì để chuẩn bị cho việc nghiên cứu đến bước thứ ba trong tiến trình theo Chúa của Cơ-đốc-nhân thì tôi đã có trình bày qua nhiều chủ đề có liên quan đến chữ tin. Bởi vì dầu chữ tin chỉ có một chữ mà thôi, nhưng theo các lẽ thật trong Kinh thánh thì chữ ấy lại bao gồm rất nhiều ý nghĩa và rất nhiều vấn đề quan trọng có liên quan đến đời sống của Cơ-đốc-nhân cũng như cách chúng ta bước theo Chúa giữa trần gian nầy. Bởi lẽ đó mà sáng hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến Chủ đề SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỨC TIN để chuẩn bị cho việc nghiên cứu đến bước thứ ba trên con đường theo Chúa.

Khi nói về chữ tin hay niềm tin thì đây là một khía cạnh rất quan trọng không thể thiếu được trong đời sống của con người. Trước hết thì đây là một trong những điểm khác biệt nổi bật nhất để phân biệt giữa con người và các loài động vật. Loài vật thì không có niềm tin. Với bản năng sinh tồn của nó thì nó chỉ nhận biết chớ không có niềm tin, chính bởi lẽ đó mà loài vật cần phải tập thì nó mới có thể thay đổi được bản năng của nó, chẳng hạn như việc người ta tập cho các con thú để trình diễn trong các gánh xiệc. Nó cần phải biết rằng nó sẽ được thưởng một phần ăn thì nó mới chịu làm động tác mà người ta dạy cho nó. Điều đó có nghĩa là phải cho nó ăn trước một vài miếng rồi bảo nó làm theo một hành động nào đó. Cứ cho nó ăn và bảo nó làm như vậy thì lâu ngày nó sẽ làm được. Nhưng đối với con người thì người ta tin trước khi cá nhân họ nhận được hay biết được phần thưởng dành cho điều đó, chẳng hạn như trẻ em đến trường vì tin rằng nhờ học tập mà mai sau sẽ có kiến thức hoặc tay nghề, hoặc như công nhân đến sở làm là vì tin rằng cuối tuần hay cuối tháng mình sẽ được trả lương. Điều đó là bằng chứng của niềm tin mà loài vật không thể có được. Người ta không thể dạy cho một con thú biết làm xiếc mà lại chỉ cho con khác ăn mà không cho chính nó ăn. Còn đối với con người thì chỉ cần nhìn thấy người khác được lãnh lương thì cũng đủ làm cho họ tin rằng nếu họ chịu đi làm thì cũng sẽ được lãnh lương giống như vậy. Đó là niềm tin đã thúc đẩy họ đến sở làm mặc dầu lúc đó thì họ chưa được lãnh một đồng nào hết. Vì vậy việc nhìn thấy mà tin là một trong những đặc tánh quan trọng trong đời sống của con người và tôi sẽ xin được trình bày thêm trong những phần sau.

Vì bộ não và tâm trí của con người có khả năng để tin cho nên ngay từ lúc sơ sinh thì con người đã bày tỏ niềm tin của mình trong đủ mọi phương diện, bao gồm cả việc tin vào những điều thấy được và những điều không thấy được, mà chúng ta có thể gọi một cách tổng quát là tin trong phương diện thuộc thể và tin trong phương diện thuộc linh. Vì niềm tin là một phần không thể thiếu trong đời sống của con người, cũng giống như nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ và hít thở không khí, cho nên khi một người không còn tin vào điều gì cả thì cuộc đời của họ sẽ gặp phải nguy hiểm, giống như trường hợp của những người tuyệt vọng, tức là sớm muộn gì rồi họ cũng tự kết liễu cuộc đời của họ mà thôi. Khi người ta không ăn uống hoặc không ngủ nghỉ trong một thời gian dài thì sẽ chết vì đói, vì khát, vì kiệt sức, và nếu người ta không hít thở được không khí thì cũng chết, thì việc không có niềm tin cũng làm cho người ta chết về thuộc thể và thuộc linh giống như vậy.

Cũng vì niềm tin là nhu cầu giống như ăn uống, ngủ nghỉ và hít thở không khí cho nên ngay cả việc người ta tin không đúng cũng có thể gây nguy hiểm cho bản thân. Chúng ta đều biết rằng khi người ta ăn uống vật không được tươi sạch thì họ có thể bị đau bụng, nôn mửa, ngộ độc hoặc đi đến chỗ tử vong thì cũng một thể ấy khi con người có niềm tin không đúng chỗ hoặc sai lạc thì cũng dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho bản thân cả về thuộc thể lẫn thuộc linh. Nếu so sánh với những nhu cầu khác thì niềm tin cũng có cùng một hiệu quả tương tự, chẳng hạn như khi người ta hít thở không khí trong lành thì được mạnh khỏe mà khi hít thở phải khói dơ bẩn độc hại thì có thể bị đau bệnh hoặc tử vong thì cũng một thể ấy, khi người ta tin đúng thì sẽ được lợi ích cho bản thân mà nếu người ta tin sai thì sẽ bị thiệt hại nhiều, có khi bằng chính cả sinh mạng của họ nữa. Bởi lẽ đó mà trong chữ tin thì được phân biệt ra thành hai loại là tin đúng và tin sai. Vì niềm tin là quan trọng cho đời sống của con người là như vậy cho nên người ta cần phải tin đúng. Bởi thế cho nên trong phương diện thuộc linh thì Cơ-đốc-nhân cần phải tin cho thật đúng vì điều đó có liên quan đến sự sống đời đời của chúng ta trong tương lai.

Theo lời Kinh thánh cho biết thì vì con người được được Đức Chúa Trời tạo dựng nên cho nên các nhu cầu của con người đều được thể hiện ra trong cả hai phương diện thuộc thể và thuộc linh. Các nhu cầu về ăn uống, hít thở và ngủ nghĩ được thể hiện qua phương diện thuộc linh như thế nào thì chắc quý Hội thánh đã biết, nhưng dầu vậy thì chúng ta cũng sẽ có dịp nhắc lại những điều ấy, nhưng vì sáng hôm nay chúng ta đang suy gẫm về chữ tin cho nên tôi chỉ xin để cập đến khía cạnh của niềm tin trong đời sống con người mà thôi.

Trong phương diện thuộc thể thì người ta thể hiện niềm tin ra bằng nhiều cách, trong đó có việc tin nơi loài người, tin nơi vật chất và tin nơi các hiện tượng tự nhiên mà mắt họ thấy được, chẳng hạn như việc người xưa xem mây để đi biển hoặc xem mực thủy triều để chuẩn bị cho vụ mùa. Niềm tin của con người khi đoán xem các hiện tượng tự nhiên như vậy đã được Đức Chúa Jêsus đề cập đến trong Ma-thi-ơ 16: 3.

MA-THI-Ơ 16: 3 – Còn sớm mai, thì các ngươi nói rằng: Hôm nay sẽ có cơn dông, vì trời đỏ và mờ mờ. Các ngươi biết phân biệt rõ sắc trời, mà không phân biệt được dấu chỉ thì giờ ư!

Và cũng đã được ghi lại trong Truyền đạo 11: 4.

TRUYỀN ĐẠO 11: 4 – Ai xem gió sẽ không gieo; ai xem mây sẽ không gặt.

Bởi vì niềm tin là một trong những đặc tánh của đời sống con người và cũng là một nhu cầu không thể thiếu được cho nên người ta luôn luôn muốn tin vào một điều nào đó hoặc cần phải có một người hay một đấng cao cả để họ tôn sùng. Cũng chính biết nhu cầu của con người là như vậy mà ngay từ buổi đầu tiên khi con người có mặt trong trần gian thì ma quỉ đã tìm cách làm cho con người tin sai, có nghĩa là nó dẫn dụ con người để tin vào điều nầy điều kia nhưng lại không tin nơi Đức Chúa Trời. Chúng ta thử nhớ lại sự cám dỗ của ma quỉ về việc ăn trái cấm trong vườn Địa đàng thì sẽ thấy rằng đó là sự cám dỗ để làm cho bà Ê-va thỏa mãn tham muốn cá nhân và không tin nơi Đức Chúa Trời. Đối với cả nhân loại thì nó cũng dùng một cách cám dỗ giống như vậy, tức là làm cho người ta tin nơi thần tượng không hề có hoặc nếu có thì cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi trong khi đó thì lại không tin nơi sự thực hữu của Đức Chúa Trời.

Chính vì niềm tin là nhu cầu cần có trong đời sống của con người nhưng lại bị dẫn dụ sai lầm bởi ma quỉ cho nên từ xưa đến nay thì người ta tin vào mọi điều mà mắt họ thấy được và tin luôn cả những điều mà họ tưởng tượng là có trong cõi vô hình ngoại trừ tin nơi Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà con người bao giờ cũng có tôn giáo và có đủ mọi loại thần tượng không những mang hình ảnh của con người và cả hình ảnh của con vật nữa chẳng hạn như thần bò ở Ấn độ và thần đại bàng của thổ dân người da đỏ tại châu Mỹ. Đến thế kỷ thứ 19 thì người ta lại có thêm một loại tôn giáo mới là đem các lãnh tụ chính trị để thay thế cho thần tượng của các tôn giáo.

Nhưng khi nói về tôn giáo một cách tổng quát thì chúng ta cần phải biết rằng đó là từ ngữ để chỉ về niềm tin của con người theo quan điểm riêng của họ chớ không phải là theo sự bày tỏ của Kinh thánh, như điều mà lời của Chúa đã có đề cập đến trong Giê-rê-mi 10: 3-5.

GIÊ-RÊ-MI 10: 3-5 – Vì thói quen của các dân ấy chỉ là hư không. Người ta đốn cây trong rừng, tay thợ lấy búa mà đẽo, rồi lấy bạc vàng mà trang sức, dùng búa mà đóng đinh vào, đặng khỏi lung lay. Các thần ấy tiện như hình cây chà là, không biết nói, không biết đi, nên phải khiêng. Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước.

Việc dùng quan điểm riêng cũng như sự tưởng tượng của cá nhân để tạo nên thần thánh và tôn giáo cũng đã được đề cập đến trong Ê-sai 44: 12-17.

Ê-SAI 44: 12-17 – Thợ rèn lấy một thỏi sắt nướng trên than lửa, dùng búa mà đập, dùng cánh tay mạnh mà làm, mặc dầu đói và kém sức, không uống nước và kiệt cả người. Thợ mộc giăng dây, dùng phấn mà gạch, đẽo bằng cái chàng, đo bằng cái nhíp, làm nên tượng người, giống hình người tốt đẹp, để ở trong một cái nhà. Lại đi đốn cây bách, lấy cây lật, cây dẽ, mà mình đã chọn trong các thứ cây trên rừng, trồng cây thông, mưa xuống làm cho lớn lên. Gỗ ấy người ta sẽ dùng mà chụm, lấy về mà sưởi. Cũng dùng để đun lửa hấp bánh, lại cũng lấy mà làm một vì thần, rồi thờ lạy nó, làm nó nên một tượng chạm mà quì lạy trước mặt nó. Họ chụm đi phân nửa trong lửa, còn phân nửa thì dùng mà nướng thịt, ăn cho no hoặc sưởi cho ấm, và nói rằng: Hà! Nầy ta sưởi đây; ta thấy ngọn lửa! Đoạn, gỗ còn thừa lại, làm một vì thần, tức là tượng chạm mình, cúi mình trước mặt nó mà thờ lạy, cầu nguyện nó mà rằng: Xin giải cứu tôi, vì ngài là thần của tôi!

Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể thấy được là thần thánh trong các tôn giáo của con người thường có hình dạng và trang phục của thời kỳ mà họ được lập ra và cứ lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Nhưng niềm tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời thì không có hình ảnh hoặc tượng chạm nào cả, vì sự vĩ đại và thực hữu của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết và trí tưởng tượng của con người, như lời phán của Chúa đã được ghi lại trong Ê-sai 66: 1.

Ê-SAI 66: 1 – Đức Giê-hô-va phán như vầy: Trời là ngai ta, đất là bệ chân ta. Các ngươi sẽ xây nhà thể nào cho ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ ngơi cho ta?

Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy bày tỏ một trong những lý do mà Đức Chúa Trời đã ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên và cho cả Cơ-đốc-nhân ngày nay là không được thờ phượng Ngài bằng hình tượng, mà chỉ phải thờ phượng Ngài với tâm thần và lẽ thật mà thôi, như lời phán của Đức Chúa Jêsus đã tuyên bố trong Giăng 4: 23.

GIĂNG 4: 23 – Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.

Các chữ giờ hầu đến và đã đến rồi có nghĩa là thời kỳ cuối cùng và chúng ta đều đã biết là thời kỳ ấy đã bắt đầu kể từ lúc Đức Chúa Jêsus giáng sinh, chính vì vậy mà ngay trong lúc đang thi hành chức vụ của Ngài ở trên đất thì Đức Chúa Jêsus đã phán rằng thời kỳ ấy đã đến rồi. Nhưng mặc dầu Chúa đã cho biết là chỉ có sự thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật là thích hợp và là điều mà Đức Chúa Trời ưa thích thì vẫn có nhiều người không vâng theo, thậm chí còn đi quỳ lạy tượng chạm và cầu nguyện với tượng bằng đá bằng gỗ mà miệng thì cứ tuyên bố là đang theo đạo và đang thờ phượng Đức Chúa Trời.

Ngoài ra khi nói đến tôn giáo thì chúng ta cũng cần nên đề cập một chút đến việc người ta muốn dùng các lãnh tụ đã chết để thay thế hoàn toàn cho các tôn giáo và niềm tin trong đời sống con người. Trong thời kỳ hiện đại khi con người bắt đầu có những niềm tin chính trị khác nhau và nhất là khi người ta bắt đầu tin rằng con người được tiến hóa từ loài khỉ thì xã hội con người nói chung và cá nhân của từng người nói riêng cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi điều đó. Mặc dầu Kinh thánh cho biết là con người chỉ có một lần sống trên đất mà thôi chớ không trở lại thế gian để sống thêm một lần nữa thì ngay cả khi con người còn tin vào việc có cơ hội lần thứ hai để sống trên mặt đất thì ít nữa họ còn biết đầu tư cho lần sau, có nghĩa là còn biết làm lành lánh dữ để đời sau có một đời sống phước hạnh hơn, dầu rằng đó cũng chỉ là sự tưởng tượng của họ. Nhưng khi con người chỉ tin rằng họ có một lần để sống mà thôi, còn sau đó chỉ là hư vô trong cõi chết giống như con vật, nhất là khi không tin rằng có một Đức Chúa Trời và có hình phạt đời sau thì họ sẽ tìm mọi cách để chiếm đoạt và hưởng thụ trong cuộc đời nầy bất kể lương tâm, bất kể đạo đức và họ cũng không quan tâm đến người khác bao nhiêu. Đối với những kẻ ấy thì khi tin rằng chết là hết và không có bất cứ điều gì sau đó nữa thì lúc còn sống trên mặt đất nầy thì họ thấy rằng họ cần phải ra sức giành giật cho bằng được điều mà họ tham muốn. Đối với những kẻ ấy thì họ nghĩ rằng họ không cần phải làm lành lánh dữ và không cần phải nhường nhịn kẻ khác, bởi vì họ quan niệm rằng trước sau gì rồi cũng chết thì làm như vậy mà chi, nhưng phải hưởng thụ cho đã, thỏa mãn cho đã rồi chết có phải hơn không. Chính bởi lẽ đó mà loại tôn giáo sùng bái lãnh tụ và tin rằng không có đời sau là tôn giáo nhẫn tâm và tàn bạo nhất trong tất cả các loại tôn giáo do loài người nghĩ ra.

Chúng ta suy nghĩ sơ lược qua một số điều có liên quan đến niềm tin của con người để từ đó mới có thể thấy được sự cần thiết phải có đức tin trong Chúa là như thế nào. Như điều mà tôi đã có đề cập đến nhiều lần trước đây thì Cơ-đốc-nhân chúng ta là những người may mắn hơn hết trong cuộc đời nầy bởi vì chúng ta đã đặt niềm tin mình nơi Đức Chúa Trời. Mặc dầu Ngài là Đấng mà mắt thường không thể thấy được nhưng chúng ta biết rằng Ngài là Đấng thực hữu bởi vì từ khi tin Chúa đến nay thì chúng ta đều đã kinh nghiệm được những sự thay đổi trong cá nhân và đã sống một đời mẫu mực hơn so với những ngày trước khi tin Chúa. Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi và lời của Ngài trong Kinh thánh đã có hàng ngàn năm cho nên khi Cơ-đốc-nhân có đức tin nơi Ngài và nơi Kinh thánh thì chúng ta thấy đời sống mình có được sự chừng mực, ổn định và tâm thần nhờ đó mà được bình an hơn. Nói như vậy không phải là nói lý thuyết đâu, vì thực tế đã chứng minh cho điều ấy. Theo các con số thống kê và báo cáo của bộ Y tế Hoa-kỳ thì các cựu chiến binh Mỹ thường bị khủng hoảng tinh thần sau các cuộc chiến và họ phải sử dụng nhiều loại thuốc an thần để được điều trị, nhưng trong số đó thì có nhiều loại có những tác dụng phụ rất độc hại làm cho nhiều người bị bệnh tâm thần nặng. Nhưng những cựu chiến binh là Cơ-đốc-nhân và có đức tin trong Chúa thì lại không cần dùng thuốc an thần nhiều, vì vậy mà tránh được các tác dụng phụ độc hại của thuốc. Những cựu binh sĩ là Cơ-đốc-nhân thì thường tham gia vào các buổi cầu nguyện và các buổi điều trị tinh thần bằng lời Kinh thánh nên không phải bị lệ thuộc vào thuốc men nhiều. Tỷ lệ số người hồi phục cũng cao hơn so với các nhóm được điều trị bởi các phương pháp khác. Còn đối với những người không phải là Cơ-đốc-nhân và không có đức tin thì tỷ lệ suy sụp thần kinh nhiều hơn, nặng nề hơn và nhiều người trong số họ phải sử dụng mà túy để giảm thiểu các cơn đau của thể chất và tinh thần. Mức sử dụng ma túy của họ cứ tăng dần theo ngày tháng đến nổi trở thành nghiện ngập, thành người vô gia cư và cuối cùng trở thành tội phạm hình sự. Chỉ có các cựu chiến binh có đức tin thì tình trạng mới khả quan hơn. Đây là điều mà một số các bác sĩ đã làm chứng lại, nhưng các công ty báo chí lớn của Mỹ không bao giờ đưa tin vì họ đã trở thành bộ máy tuyên truyền của những đảng phái chống Cơ-đốc-giáo, chỉ có các tờ báo địa phương của tiểu bang hoặc thành phố mới chịu đăng tải mà thôi.

Đó là một trong những thí dụ điển hình về hiệu quả và lợi ích của đức tin, giống như lời của Chúa đã tuyên bố trong 1Giăng 5: 4.

1GIĂNG 5: 4 – Vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta.

Sự thắng hơn thế gian ở đây có nghĩa là thắng cả về phương diện thuộc linh và thuộc thể, tức là nhờ đức tin mà thắng hơn sự cám dỗ của ma quỉ trong phương diện thuộc linh và thắng hơn những đau khổ, tật bệnh, khủng hoảng tâm lý trong phương diện thuộc thể. Đó là một trong những lý do giúp cho chúng ta hiểu được tại sao con người cần có niềm tin và tại sao Cơ-đốc-nhân được kể là những người may mắn hơn hết trong trần gian nầy, ấy là bởi vì chúng ta có đức tin nơi Đức Chúa Trời.

Nhưng khi chúng ta biết được lợi ích của đức tin nơi Chúa thì Cơ-đốc-nhân cũng phải biết rằng đây là một trong những phương diện mà ma quỉ tấn công chúng ta nhiều nhất. Nó là kẻ chống đối Đức Chúa Trời từ lúc ban đầu cho nên cũng chính vì thế mà Sa-tan luôn cám dỗ loài người để tin vào điều nầy điều kia, tin vào thần tượng nầy thần tượng nọ nhưng đừng tin vào Đức Chúa Trời. Đối với Cơ-đốc-nhân thì nó lại cám dỗ để con dân Chúa khi đã có niềm tin nơi Đức Chúa Trời rồi thì lại tin sai. Sự nham hiểm của ma quỉ là nó không bao giờ cám dỗ Cơ-đốc-nhân đừng tin nơi Đức Chúa Trời nhưng nó lại tìm đủ mọi cách để dẫn dụ con dân Chúa đi sai lạc khỏi đường lối của lẽ thật trong Kinh thánh. Đó là lý do mà chúng thấy rằng mặc dầu có một quyển Kinh thánh mà thôi nhưng lại có hai giáo hội chính là Tin lành và Công giáo. Trong vòng người Công giáo thì cũng có những tín lý khác nhau mặc dầu không lộ liễu hẳn, còn bên phía Tin lành thì lại có nhiều hệ phái, đến nỗi nhiều người trong chúng ta không thể kể tên được hết các hệ phái ấy. Sự đa dạng như vậy dẫn đến một quan điểm nguy hiểm mà đa số những người Tin lành và Công giáo đều ủng hộ là đường nào cũng dẫn đến Thiên đàng, giống như câu ngạn ngữ ngày xưa là đường nào cũng dẫn đến La-mã, với ý muốn nói là đến cuối cùng thì đạo nào cũng được vào Thiên đàng. Chữ đạo cũng có nghĩa là con đường, tức là đường nào cũng dẫn đến Thiên đàng, nhưng trong khi đó thì Đức Chúa Jêsus cho biết là chỉ có một con đường duy nhất mà thôi, là con đường chật dẫn đến cánh cửa hẹp mà có rất it người đi và rất ít người tìm được.

Để minh họa cho việc tin đúng và tin sai thì Cơ-đốc-nhân chúng ta thử suy nghĩ đến thí dụ nầy. Thí dụ như cá nhân chúng ta được vào Thiên đàng, vậy thì thử hỏi là theo ý của chúng ta thì chúng ta sẽ ước ao là những người nào sẽ được vào đó để sống với chúng ta đời đời. Chắc chắn câu trả lời sẽ là những người chúng ta thích và những người thích chúng ta. Không ai muốn sống với những người mà mình không thích, nhất là phải sống đời đời với nhau. Vậy thì Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng phải suy nghĩ đến câu hỏi gợi ý thứ hai, là trong gia đình và trong Hội thánh thì có bao nhiêu người chúng ta thích và bao nhiều người chúng ta không thích. Đối với gia đình thì chắc chắn là nhiều người sẽ trả lời rằng mình thương hết thảy mọi thành viên trong gia đình mình mặc dầu cũng có những anh chị em hoặc con cháu không hạp. Nhưng đối với Hội thánh thì chắc là câu trả lời không được nhanh như là đối với gia đình. Mặc dầu không dám nói ra vì sợ mang tiếng là thiếu tình yêu thương nhưng nhiều Cơ-đốc-nhân biết rằng mình không thể sống chung nhà được với một số người trong Hội thánh. Ở đây là tôi muốn nói đến Hội thánh chung và là người của cả hai bên Tin lành và Công giáo, chớ không phải là chỉ riêng trong một Hội thánh địa phương nào đó mà thôi. Sự không hạp hoặc không thích nhau là bởi tánh tình, thói quen, hành động, cử chỉ, lời nói của người nầy đối với người khác, nếu chưa muốn nói đến việc ghen tỵ, tranh đấu, lợi dụng, hãm hại hoặc bè đảng trong Hội thánh. Vậy thì chúng ta thử hỏi nếu không hạp nhau, không thích nhau hoặc ghét nhau ngay trên đất nầy thì làm sao sống với nhau trên Thiên đàng được? Nếu trên đất nầy mà vài tiếng gặp nhau tại Hội thánh trong ngày Chúa nhật đã là khó thì làm sao sống với nhau trên Thiên đàng đời đời được? Để trả lời cho thắc mắc nầy thì đã có một lý luận được truyền bá trong vòng Cơ-đốc-nhân là khi Đức Chúa Jêsus đến thì Ngài sẽ biến hóa hết thảy Cơ-đốc-nhân cho xứng đáng với Thiên đàng và như vậy thì mọi người sẽ thích nhau và yêu thương nhau. Nhưng thưa với quý Hội thánh là lý luận đó hoàn toàn không có một căn bản nào trong Kinh thánh cả. Mặc dầu điều đó Chúa có quyền năng để làm được, không những trên toàn bộ Cơ-đốc-nhân mà Ngài còn có thể làm cho cả nhân loại hơn 7 tỷ người biết kính sợ Chúa và yêu thương nhau, nhưng Ngài vẫn không làm, bởi vì làm như vậy thì con người sẽ trở thành những người máy hoàn toàn không có ý chí tự do, không có sự lựa chọn và bởi đó cũng không có lòng tự nguyện. Biến hóa loài người để trở nên những người máy mà thờ phượng Chúa và hầu việc Ngài thì không xứng đáng cho sự cao cả vĩ đại tuyệt mỹ của Chúa. Loài người xác thịt thì thích được phục tùng như vậy, nhất là những kẻ độc tài, nhưng Đức Chúa Trời thì muốn sự vâng phục và kính yêu được bày tỏ bằng lòng tự nguyện chớ không phải bằng sự không được tự do chọn lựa của những người máy. Bởi vậy cho nên lời của Chúa cho biết là Cơ-đốc-nhân có được sự tự do để lựa chọn rằng mình có chịu vâng phục Đức Chúa Trời hoàn toàn hay không, như đã được chép trong

1PHI-E-RƠ 2: 16 – Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời.

Các chữ PHẢI COI MÌNH trong câu gốc nầy có ý nói đến việc Cơ-đốc-nhân được tự do lựa chọn là có chịu làm tôi mọi của Đức Chúa Trời hay không. Lịch sử của con người đã cho thấy rằng việc bắt buộc người khác làm tôi mọi là một tội ác, vì nó tước đoạt quyền tự do của người ta, tức là nhân quyền đầu tiên và quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người từ buổi đầu được tạo dựng nên. Vì vậy mà Đức Chúa Trời không bắt buộc ai phải vâng phục Ngài. Chính mỗi nguời chúng ta phải tự nguyện làm điều đó thì mới xứng đáng cho sự vinh hiển của Chúa.

Bởi lẽ đó mà chúng ta biết sự lý giải rằng Chúa sẽ biến hóa tánh tình của tất cả con dân Chúa cho được xứng đáng với Thiên đành trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm là hoàn toàn sai so với các lẽ thật trong Kinh thánh. Ngày đó Chúa chỉ biến hóa thân thể của chúng ta mà thôi để có thể được cất lên không trung mà gặp Chúa. Còn nếu muốn được sống tại Thiên đàng trong tương lai thì tự chính mỗi Cơ-đốc-nhân phải thay đổi tánh tình của mình bởi sự dẫn dắt và giúp sức của Đức-Thánh-Linh. Sự thay đổi như vậy là thay đổi để sống theo tiêu chuẩn của Chúa trong Kinh thánh, bằng không thì Cơ-đốc-nhân không thể chung sống với nhau đời đời trong Thiên đàng được. Nếu Cơ-đốc-nhân vẫn tiếp tục tục giữ tánh tình, lời nói, quan niệm, hành động và thói quen cũ vốn đã tạo nên khoảng cách giữa người nầy với người kia trong Hội thánh thì làm sao với bản chất cũ như vậy mà Cơ-đốc-nhân có thể hòa hiệp được trong Thiên đàng? Bởi thế cho nên sau khi chúng ta đã biết rằng niềm tin là cần thiết cho sự sống của con người thì thí dụ nầy giúp cho chúng ta hiểu thêm được tầm quan trọng của việc tin đúng là như thế nào.

Chúng ta thử suy nghĩ mà xem, ngay cả trong gia đình, mặc dầu có cùng chung huyết thống mà nhiều khi cha mẹ và con cái còn chưa có sự hòa hợp hoàn toàn với nhau, thì nếu Cơ-đốc-nhân chỉ tin Chúa mà không chịu thay đổi theo mẫu mực chung của Kinh thánh thì làm sao có thể sống chung với nhau đời đời trong Thiên đàng được? Chúng ta có thể thấy là cha mẹ nhiều khi không hợp được với con cái, hoặc thương đứa nầy nhiều đứa kia ít vì tánh tình riêng của mỗi đứa, chẳng hạn như việc ông Y-sác thương Ê-sau vì con thích săn bắn mà ông thì thích ăn thịt rừng, còn bà Rê-be-ca thì lại thương Gia-cốp vì con hay ở nhà chuyện trò với bà, như lời Kinh thánh có tường thuật lại trong Sáng thế ký 25: 27 và 28.

SÁNG THẾ KÝ 25: 27-28 – Khi hai đứa trai nầy lớn lên, thì Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường giong ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền lành cứ ở lại trại. Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-be-ca lại yêu Gia-cốp.

Cũng một thể ấy, vì tánh tình khác nhau mà trong các gia đình bao giờ cũng có sự phân biệt, thương người nầy nhiều thương kẻ kia ít, có khi còn đi đến chỗ ghét nhau nữa, chẳng hạn như việc các con của Gia-cốp ghét em của họ là Giô-sép đến nỗi muốn giết đi nhưng sau lại bán Giô-sép làm nô lệ. Trong các gia đình Cơ-đốc thì vẫn có tình trạng tương tự như vậy, nhất là khi con cái lớn lên, trưởng thành và lập gia đình, thì cũng vì tánh tình của con, hoặc của con dâu, con rể mà xa cách, giận hờn, có khi nhiều năm không muốn gặp mặt nhau, mặc dầu tất cả đều đã tin Chúa rồi. Thế thì chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu con dân Chúa không chịu thay đổi bản chất của mình theo tiêu chuẩn chung của Kinh thánh thì làm sao toàn bộ Cơ-đốc-nhân có thể sống chung với nhau đời đời trong Thiên đàng được? Nhưng mà khi nói đến mẫu mực của Kinh thánh thì ít có Cơ-đốc-nhân nào thích nghe lắm. Đó là tâm lý chung mà chúng ta thường thấy, nhưng khi quý Hội thánh hiểu được điều đó và cố gắng cậy ơn sức của Đức-Thánh-Linh để thay đổi thì trong tương lai chúng ta sẽ gặp lại nhau tay bắt mặt mừng và cũng sẽ gặp lại các người thân trong gia đình mình tại nơi vinh hiển phước hạnh của Chúa, là nơi đẹp đẽ tuyệt mỹ nhất trong cả vũ trụ nầy.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ cho chúng ta thấy việc có đức tin và giữ vững đức tin mình trong Chúa theo năm tháng là quan trọng như thế nào để Cơ-đốc-nhân biết cầu nguyện xin Chúa thêm sức cho luôn luôn. Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ cho chúng ta để sau khi có đức tin rồi thì chúng ta biết cần phải tin đúng theo lẽ thật của Chúa là điều cốt yếu như thế nào để nhờ đó giữ mình trên con đường chật cho đến ngày mở được cánh cửa hẹp mà thấy Đức Chúa Jêsus Christ và hưởng được sự sống đời đời. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục giải bày lời của Chúa cho chúng ta được biết rõ ràng rằng mình phải thay đổi làm sao để xứng đáng với tình yêu của Ngài và xứng đáng cho Thiên đàng mai sau. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *