THÁNH KINH GIẢI LUẬN / YÊU THƯƠNG TRONG LẼ THẬT

YÊU THƯƠNG TRONG LẼ THẬT 1

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 15: 21-28

Câu gốc: 2CÔ-RINH-TÔ 5: 15 – Lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình.

Tất cả Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương và vì cảm động về tình yêu của Ngài đối với nhân loại mà chúng ta đã tiếp nhận Chúa, đầu phục Ngài và trung tín giữ đức tin cho đến ngày nay. Như điều mà tôi đã có đề cập đến nhiều lần trong những lúc chúng ta suy gẫm Kinh thánh chung với nhau thì vì Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nên luật pháp của Ngài cũng đặt căn bản trên tình yêu, tức là gồm tóm trong hai điều là yêu Chúa và yêu người, hay nói một cách chính xác hơn theo lời phán của Đức Chúa Jêsus thì đó là hết lòng kính yêu Đức Chúa Trời và yêu người lân cận như mình. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta thường thích nghe và học hỏi về tình yêu thương để nhờ đó có thể tập tành sống một đời xứng hiệp với tiêu chuẩn của Chúa.

Nếu nói về tình yêu thương một cách tổng quát thì cả nhân loại đều biết yêu thương là thế nào, gồm có bao nhiêu phương diện và phải yêu thương ra sao. Nói tóm lại là mọi người sống trong trần gian nầy đều biết yêu và chưa hề có ai nói rằng họ không biết yêu là gì và chẳng yêu ai bao giờ. Còn về việc yêu chính cá nhân của mình thì không cần phải nói đến, vì đó là điều tự nhiên của bản tánh con người. Nhưng chúng ta cần phải để ý là mặc dầu cả nhân loại đều biết yêu thương nhưng thế gian thì đầy sự đau khổ không bao giờ dứt. Nguyên nhân chính yếu cũng là vì con người thường yêu cá nhân mình nhiều hơn là yêu Đức Chúa Trời hoặc yêu người khác. Tôi muốn nhấn mạnh đến hai chữ NHIỀU HƠN, vì đó chính là lý do quan trọng và lớn hơn hết đã làm cho con người đau khổ và phạm tội. Bởi thế cho nên trong luật pháp của Đức Chúa Trời thì chúng ta có thể để ý là Chúa đã dạy dỗ rằng chúng ta phải yêu người khác như yêu chính cá nhân mình. Để có thể thấy rõ ràng được điều đó thì tôi xin đọc lại câu Kinh thánh trong Ma-thi-ơ 22: 37-40 về lời phán của Đức Chúa Jêsus có liên quan đến căn bản nền tảng trong luật pháp của Đức Chúa Trời.

MA-THI-Ơ 22: 37-40 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.

Qua các câu Kinh thánh nầy thì quý Hội thánh có thể thấy rằng việc mỗi người yêu chính mình là điều đương nhiên và Đức Chúa Trời vốn đã thấy điều ấy rồi, vì đó là bản chất chung của con người. Trong cả Kinh thánh không có chỗ nào Đức Chúa Trời bảo chúng ta yêu chính mình ít hơn. Tôi sẽ trình bày thêm để quý Hội thánh thấy được sự khẳng định ấy. Nhưng điểm đặc biệt trong luật pháp của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn là con người phải yêu Đấng Tạo Hóa và người khác nhiều hơn, tức là kính yêu Chúa hết lòng và yêu người khác như mình. Khi mạng lệnh của Chúa dạy dỗ như vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng loài người thường không yêu Đức Chúa Trời và nếu có yêu thì cũng không kính yêu Ngài hết sức, hết lòng. Còn đối với người khác thì con người bao giờ cũng yêu thương ít hơn là yêu chính mình. Sự yêu ít hơn theo tiêu chuẩn của Chúa như vậy chính là nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ và sự phạm tội trong trần gian nầy. Bởi lẽ đó mà nguyên tắc chính yếu trong tiêu chuẩn yêu thương của Đức Chúa Trời là mọi người phải yêu thương nhiều hơn. Đó cũng là nguyên tắc chính yếu và đầu tiên trong việc yêu thương theo Lẽ Thật.

Như vậy thì chúng ta đã hiểu được rằng để cho con người có thể tránh được được mọi sự đau khổ trong đời sống nầy thì mỗi người phải kính yêu Đấng Tạo Hóa hết lòng và phải yêu kẻ lân cận như là mình yêu chính cá nhân mình. Yêu thương như vậy là rất khó thực hiện và đa số nhân loại đều không làm được hoặc là không muốn làm, bởi lẽ đó mà mới có sự đau khổ triền miên trong xã hội loài người. Thế cho nên Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều về tình yêu thương hầu cho có thể làm chứng tốt cho người chưa tin và giúp cho nhân loại bớt đau khổ. Đó chính là một trong những tác dụng quan trọng của đời sống Cơ-đốc-nhân để làm mặn trần gian nầy. Việc nghiên cứu về tình yêu thương cũng giúp cho Cơ-đốc-nhân biết sống thế nào để được đẹp lòng Chúa hầu cho có thể chuẩn bị một cách xứng đáng cho ngày được sống đời đời trong nước Đức Chúa Trời. Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, nếu sống đời đời mà không biết yêu thương cho đúng đắn theo tiêu chuẩn của Chúa thì sự sống lâu dài như vậy chỉ làm cho đau khổ càng lớn, càng nhiều và càng triền miên mà thôi. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân cần phải biết yêu thương trong Lẽ Thật là như thế nào, cho nên đây là chủ đề mà chúng ta sẽ suy gẫm sáng hôm nay và trong nhiều lần tới nữa.

Như điều mà tôi mới vừa đề cập đến khi nãy thì trong thế giới của con người ai cũng biết yêu, nhưng tình yêu thương đó lại là tình yêu thương theo quan điểm của cá nhân hoặc là yêu vì tham lam, có nghĩa là yêu để được lợi cho cá nhân mình mà không để ý hoặc quan tâm đến quyền lợi của người khác. Cách thức yêu thương như vậy thì chúng ta có thể thấy hàng ngàn trường hợp điển hình trong xã hội và ngay trong cả gia đình nữa. Nhưng khi Cơ-đốc-nhân học tập yêu thương theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì chúng ta phải biết yêu như chính Chúa đã yêu, chớ không phải yêu theo quan điểm của cá nhân mình hoặc theo xu hướng của con người.

Khi nói về nguyên tắc đầu tiên của việc yêu thương trong Lẽ Thật là nên yêu thương người khác nhiều hơn thì điều đó ai cũng biết. Ngay cả những người chưa tin cũng biết nữa và vì vậy mà trong xã hội thì người ta đều kêu gọi lẫn nhau phải nên làm như vậy trong mọi lãnh vự, từ chính trị, học đường, thương mại, nghệ thuật, thể thao, tức là cả trong bình diện quốc gia và toàn thế giới. Chính vì vậy mà nhiều nơi nhiều nước mới có các cơ quan từ thiện và hệ thống an sinh xã hội để giúp cho những người kém may mắn hơn người khác. Ý thức như vậy là tốt và việc làm như vậy là rất thiết thực đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng vì loài người bị cám dỗ bởi ma quỉ và vì con người vẫn thường hay xu hướng về tội ác cho nên nhiều khi sự kêu gọi yêu thương nhiều hơn lại chính là phương pháp để người ta lợi dụng lẫn nhau và lừa gạt người khác để trục lợi cho cá nhân, chẳng hạn như việc các chính quyền độc tài kêu gọi dân chúng giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn để chính họ khỏi cần phải làm gì cả, hoặc như các chính trị gia chuyên nghiệp dùng miệng lưỡi để kêu gọi người ta làm từ thiện hầu cho họ được nổi tiếng và được sự ủng hộ cho dân chúng trong khi chính họ thì không tốn gì hết, hoặc nếu có tốn thì chỉ là tốn nước miếng lúc tuyên truyền hoặc một phần nhỏ xíu trong tài sản khổng lồ mà họ đã trục lợi được bấy lâu nay. Trong thực tế thì chúng ta có thể thấy là một vài kẻ cầm quyền chỉ cần ra trước công chúng để cho người dân một hai trăm phần ăn, một vài dụng cụ y tế là đã được dân chúng ca tụng không dứt lời chớ họ đâu có thấy là chính sách của những kẻ ấy đã làm thiệt hại và hủy phá cả một quốc gia trầm trọng đến như nào. Sự lừa dối để làm vinh danh cá nhân trong chính trường là như vậy, cho nên về việc làm từ thiện và bố thí thì Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ con dân Chúa phải thực hiện trong sự thầm lặng và kín dấu, để bày tỏ tánh nhu mì và để làm vinh hiển Chúa, như lời Ngài đã phán và đã có ghi lại trong

MA-THI-Ơ 6: 2-4 – Vậy, khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn kính. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi ngươi bố thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì, hầu cho sự bố thí được kín nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.

Việc làm từ thiện một cách thầm lặng và kín dấu như vậy mới đẹp lòng Đức Chúa Trời và mới được phần thưởng của Ngài, còn việc phô trương của các chính trị gia chuyên nghiệp thì chỉ là hành động của kẻ giả hình mà thôi, tức là ngoài mặt thì giả vờ bố thí yêu thương, nhưng mặt kia thì tham quyền trục lợi và hà hiếp nhân dân. Đó là những thực tế điển hình để cho Cơ-đốc-nhân chúng ta nhận biết và thức tỉnh, hầu cho chính mình biết làm từ thiện như thế nào để được đẹp lòng Chúa và không để người khác lừa gạt dẫn dụ mình bằng những hành động từ thiện giả hình của họ. Bởi lẽ đó mà việc biết yêu thương người khác nhiều hơn như thế nào là nguyên tắc thứ hai của sự Yêu thương theo Lẽ Thật. Vì vậy tôi xin nhắc lại hai nguyên tắc đầu tiên mà chúng ta vừa suy gẫm qua, đó là thứ nhất Phải yêu thương người khác nhiều hơn và thứ hai là Phải biết yêu thương như thế nào cho đúng với tiêu chuẩn của Chúa.

Trong nguyên tắc thứ hai nầy thì chúng ta có thể suy nghĩ đến những cách thức yêu thương theo sự giải bày trong lời của Chúa. Theo các lẽ thật trong Kinh thánh thì các cách thức yêu thương cho đúng đắn có nhiều lắm và chúng ta sẽ lần lượt suy gẫm đến từng cách thức một để có thể phân biệt được đâu là sự yêu thương mà Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân phải thực hiện và đâu là sự yêu thương xuất phát từ ý riêng của con người. Cách thức thứ nhất là phải yêu thương một cách công bằng.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình cho nên tình yêu của Ngài cũng công bình nữa, có nghĩa là đồng đều cho mọi người trong trần gian. Điểm căn bản nầy thì ai cũng có thể hiểu được, chẳng hạn như việc Đức Chúa Trời đã giáng thế thành người và qua Đức Chúa Jêsus thì Ngài đã chịu đóng đinh trên thập tự giá cho tội lỗi của cả nhân loại chớ không phải là chỉ cho riêng tuyển dân Y-sơ-ra-ên không mà thôi. Đây là điều mà tất cả Cơ-đốc-nhân đều đã biết theo như lời của Chúa trong câu Kinh thánh rất quen thuộc với chúng ta trong Giăng 3: 16 và cũng trong các câu gốc sau đây:

2CÔ-RINH-TÔ 5: 15 – Lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình.

HÊ-BƠ-RƠ 2: 9 – Nhưng Đức Chúa Jêsus nầy, mà đã ở dưới các thiên sứ một chút, chúng ta thấy Ngài, vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng. Ấy vậy, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus đã vì mọi người nếm sự chết.

Bời vì lẽ thật trong sự yêu thương của Đức Chúa Trời là như vậy cho nên chúng ta cũng phải yêu thương trong sự công bình, nghĩa là yêu thương đối với mọi người như nhau. Nhưng trước khi trình bày thêm thì tôi xin được nói đến điều nầy một chút. Trước đây thì tôi đã có nhiều lần đề cập với quý Hội thánh và nhiều anh chị em khác không thuộc trong Hội thánh chúng ta về việc cần phải nghiên cứu về việc yêu thương theo Lẽ thật là như thế nào, thì có người thắc mắc và hỏi rằng tại sao lại nói là nghiên cứu về tình yêu thương. Có anh chị em đề nghị với tôi là mình nên nhắc nhở về tình yêu thương hoặc khích lệ về tình yêu thương mà thôi, chớ tình yêu thương thì ai cũng biết cho nên dùng chữ nghiên cứu là không xứng hiệp. Vì vậy nhân tiện đây thì tôi xin thưa là mặc dầu tình yêu thương thì ai cũng biết nhưng sự lầm lẫn trong khi thực hiện tình yêu thương thì không phải là ít. Nói cách khác thì việc yêu thương sai lầm và yêu thương không đúng chỗ thì nhiều lắm, rồi từ đó lại dẫn đến chỗ cay đắng, thù hận, thất vọng, ngã lòng, thậm chí đi đến chỗ oán trách Chúa và tự tử thì cũng đã có xãy ra. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải nghiên cứu về việc Yêu thương theo Lẽ thật là như thế nào để có thể tránh được những trường hợp đó mà có một đời sống vui mừng, thỏa lòng bình an trong Chúa.

Bởi lẽ đó mà khi chúng ta biết cách thức thứ nhất là phải yêu thương công bình, tức là yêu thương đồng đều đối với mọi người thì chúng ta cũng cần phải biết rằng Yêu thương theo Lẽ thật là sự yêu thương có ưu tiên. Hai cách thức yêu thương nầy đều cần phải có, và mặt dầu không giống nhau nhưng lại đi song và bổ sung cho nhau để tình yêu thương của chúng ta được đúng đắn và trọn vẹn. Khi chúng ta suy nghĩ lần hồi đến những phần sau thì sẽ thấy được điều đó và tôi cũng sẽ có lúc nhắc lại để quý Hội thánh cùng ghi nhớ. Khi nói về sự yêu thương một cách công bằng thì chúng ta có thể dùng sự truyền giảng Tin lành để làm thí dụ. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời là công bằng khi Ngài muốn cho mọi người đều được nghe biết về Tin lành và có cơ hội được cứu rỗi trong danh Đức Chúa Jêsus Christ. Tình yêu thương công bằng như vậy của Chúa đã được bày tỏ qua đại mạng lệnh mà Đức Chúa Jêsus đã truyền phán trước khi thăng thiên và đã được ghi lại trong Mác 16: 15.

MÁC 16: 15 – Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.

Trong ân điển cứu rỗi của Chúa thì không miễn trừ một ai, mặc dầu Ngài biết rõ rằng trong thế gian nầy có hai giống là lúa mì và cỏ lùng đang sống lẫn lộn với nhau, tức là dòng giống được Đức Chúa Trời tạo ra và một dòng giống khác do ma quỉ sanh ra. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân cần phải truyền giảng cho mọi người bất kẻ dân tộc, màu da, học thức hoặc địa vị trong xã hội. Nhưng dầu là công bình như vậy nhưng tình yêu thương của Đức Chúa Trời cũng có thứ tự ưu tiên. Đây là điểm mà chúng ta cần phải để ý, nếu không thì chưa thể gọi là yêu thương trong Lẽ Thật được. Vì vậy chúng ta cần phải hiểu sự ưu tiên trong tình yêu thương của Chúa là như thế nầy: Ấy là mặc dầu Đức Chúa Jêsus đã chết thế cho tội lỗi của cả nhân loại nhưng không phải vì thế mà tất cả con người đều được kể là công bình và được tha thứ hết để rồi mai sau tất cả đều được vào hết trong Thiên đàng đâu. Chúng ta phải hiểu rằng dầu Đức Chúa Jêsus chết thế cho cả nhân loại những chỉ có những người xứng đáng mới được vào Thiên đàng mà thôi. Chính vì vậy mà tôi đã nhiều lần thưa trình cùng với quý Hội thánh là Đức Chúa Jêsus đã chịu chết trên thập tự giá không phải là để biến Thiên đàng của Ngài thành trần gian đâu, bởi vì nếu tất cả nhân loại đều được cứu thì tình trạng của Thiên đàng cũng sẽ giống như thế gian ngày hôm nay, với đủ mọi tội ác, gian dối, hà hiếp, bất công và đau khổ. Vì vậy mà chỉ có những người đến đầu phục Chúa và tin nhận Ngài cũng như quyết định sống một đời tái sanh và nên thánh thì mới được vào Thiên đàng trong tương lai mà thôi. Đó là sự minh chứng điển hình cho chương trình cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã thực hiện qua sự chết của Đức Chúa Jêsus, tức là bày tỏ tình yêu thương của Chúa vừa đồng đều bao quát cho mọi người mà cũng theo thứ tự ưu tiên nữa. Tình yêu thương như vậy được gọi là yêu thương trong Lẽ Thật, tức là lẽ thật về chương trình cứu rỗi của Chúa và Cơ-đốc-nhân cần phải nhận biết, ghi nhớ để có thể yêu thương mọi người cách như vậy.

Trước đây tôi đã có lần thưa trình với quý Hội thánh về việc cha mẹ thương con trong gia đình không đồng đều, tức là có đứa thì thương nhiều, có đứa lại thương ít, hoặc là thương đứa nầy mà lại ghét bỏ đứa kia. Cách thức thương con như vậy thì chúng ta có thể thấy nhiều lắm trong xã hội và trong cuộc sống hàng ngày, nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta đừng bao giờ phạm phải điều đó vì nó đi ngược lại tiêu chuẩn yêu thương trong Lẽ thật của Chúa. Trong các gia đình Cơ-đốc thì chúng ta vừa phải thương con một cách đồng đều mà cũng phải biết ưu tiên cho những đứa xứng đáng hơn. Tôi xin trình bày cách thức yêu thương của Đức Chúa Jêsus trong phương diện nầy để giúp quý Hội thánh biết sự yêu thương trong Lẽ thật là thế nào.

Khi Đức Chúa Jêsus giáng sanh vào trong trần gian để thi hành chức vụ cứu chuộc loài người của Ngài thì Chúa đã tuyên bố rằng Ngài đến, trước nhất là để ưu tiên cho tuyển dân của Chúa, như lời Ngài đã phán và đã có ghi lại trong Ma-thi-ơ 15: 24.

MA-THI-Ơ 15: 24 – Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi.

Mặc dầu lời phán của Đức Chúa Jêsus trong câu chuyện nầy là để thử đức tin của người phụ nữ Ca-na-an có con bị quỉ ám, nhưng không phải vì thế mà Chúa nói trớ hoặc nói dối về mục tiêu ưu tiên của Ngài khi đến thế gian. Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ nói dối và vì Đức Chúa Jêsus chính là Lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người cho nên Ngài cũng không hề có một lời dối trá nào trong miệng, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong 2 câu gốc sau đây:

Ê-SAI 53: 9 – Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng.

1PHI-E-RƠ 2: 22 – Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá.

Bởi lẽ đó mà qua lời phán của Chúa thì chúng ta biết rằng mục tiêu ưu tiên của Đức Chúa Jêsus khi đến thế gian là vì dân Y-sơ-ra-ên trước nhất, nhưng khi họ không xứng đáng thì ân điển của Chúa liền được chuyển sang cho dân ngoại, như trong trường hợp của người phụ nữ Ca-na-an và cho người ngoại bang trong thời kỳ của Phao-lô, như có chép trong Công vụ 13: 46.

CÔNG VỤ 13: 46 – Phao-lô và Ba-na-ba bèn nói cùng họ cách dạn dĩ rằng: Ấy cần phải truyền đạo Đức Chúa Trời trước nhất cho các ngươi; nhưng vì các ngươi đã từ chối, và tự xét mình không xứng đáng nhận sự sống đời đời, nên đây nầy, chúng ta mới xây qua người ngoại.

Như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng mặc dầu tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho cả nhân loại là đồng đều như nhau, nhưng sự ưu tiên vẫn là dành cho dân Y-sơ-ra-ên vì tổ phụ của họ là Áp-ra-ham được đẹp lòng Đức Chúa Trời và trong họ có dấu ấn luật pháp của Chúa. Nhưng khi họ bắt bớ Tin lành của Đức Chúa Jêsus và tự chứng tỏ là họ không xứng đáng với Tin lành ấy thì Đức-Thánh-Linh liền sai Phao-lô đi giảng đạo cho dân ngoại. Vì vậy mà qua bài học nầy thì chúng ta có thể biết rằng sự yêu thương trong Lẽ Thật là sự yêu thương có ưu tiên và phải xét xem có xứng đáng hay không. Để có thể nói một cách chi tiết hơn một chút thì chúng ta có thấy sự yêu thương sai với Lẽ thật hoặc thiếu lẽ thật là sự yêu thương không đúng chỗ, chẳng hạn như đi làm việc từ thiện để có tiếng tốt cho cá nhân mà con cái trong gia đình thì bị đói khổ, hoặc là vui vẻ mềm mõng với phụ nữ trẻ ở bên ngoài mà về nhà lại hung hăng với vợ con, hoặc là tiêu phí dễ dãi với bạn bề để được tiếng là hào phóng mà về nhà lại keo kiệt bủn xỉn với con cái, và còn nhiều trường hợp khác nữa. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta từ nay phải làm ngược lại là mềm mòng với người nhà nhưng hung hăng với người lạ. Vấn đề mà chúng ta cần phải hiểu để có thể yêu thương theo Lẽ Thật trong phương diện ưu tiên và xứng đáng là nếu chúng ta mềm mõng lịch sự ở bên ngoài thì tại nhà riêng cũng phải làm giống như vậy hoặc hơn nữa, bởi vì gia đình vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Ngay cả trong việc truyền giảng cũng vậy, gia đình cũng phải là nơi chúng ta sống mẫu mực để làm chứng về Chúa trước rồi mới tới người khác ở bên ngoài xã hội, chớ không phải là đi nơi nầy nơi kia để làm chứng mà bỏ quên người nhà và không bao giờ trình bày với họ về niềm tin trong Đức Chúa Jêsus. Đó là sự mâu thuẫn của loại tình yêu thương đặt không đúng chỗ, chớ không phải là sự yêu thương theo Lẽ thật của Đức Chúa Trời.

Tôi xin trình bày thêm một thí dụ điển hình nữa để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể nhận biết tình yêu thương theo Lẽ thật của Chúa trong cuộc sống hàng ngày là như thế nào. Bởi vì khi chúng ta biết dùng căn bản Kinh thánh để đoán định về những điều xãy ra trong xã hội thì nhờ đó thấy rõ được cuộc đời hơn. Chính lời của Chúa trong Thi thiên 119: 105 khích lệ chúng ta về điều đó. Vì vậy mà tôi xin đơn cử một thí dụ như thế nầy: Hiện nay tại Hoa-kỳ thì chính phủ đương thời đang áp dụng chính sách bỏ ngõ các đường biên giới và lại còn khích lệ cho dân nhập cư bất hợp pháp để tràn vào nội địa nhiều hơn, chẳng hạn như riêng trong tháng Bảy vừa qua thì có hơn 121 ngàn di dân bất hợp pháp đã vượt biên vào Hoa-kỳ và bị bắt lại tại ngay biên giới, nhưng chính phủ đã ra lệnh là thả họ cho được tự do cư ngụ trong nước. Những kẻ ủng hộ chính sách bỏ ngõ đường biên giới lý luận rằng làm như vậy là tỏ bày lòng yêu thương đối với di dân nghèo từ các nước trên thế giới, nhất là từ các quốc gia vùng Trung và Nam Mỹ. Nhiều người đã bị luận điệu tuyên truyền đó mê hoặc nên đi đến chỗ ủng hộ cho chính sách bỏ ngõ các đường biên giới, thậm chí họ còn lên án những người chống đối là thiếu lòng nhân đạo hoặc tàn ác đối với di dân. Trong số những người ủng hộ cho chính sách ấy có rất nhiều Hội thánh của người Mỹ. Nhưng khi chúng ta thử sử dụng nguyên tắc yêu thương theo Lẽ thật trong phương diện ưu tiên và xứng đáng thì sẽ thấy được vấn đề hiện tại đúng sai như thế nào.

Theo như hiến pháp của các quốc gia và lịch sử của thế giới cho biết thì bất cứ một đất nước nào không bảo vệ được đường biên giới của mình thì đất nước đó không thể tồn tại được. Thử hỏi nếu đường biên giới phía Bắc của Việt Nam bỏ ngõ để người Trung hoa cứ tràn sang tự do vì nạn nhân mãn thì Việt Nam tồn tại thêm được bao lâu? Ngày xưa khi đế quốc La-mã không giữ nổi đường biên giới phía Bắc mà lại để cho các bộ lạc Bắc Âu tràn xuống đến tận thủ đô Rô-ma thì chẳng bao lâu đế quốc La-mã bị sụp đổ hoàn toàn. Nếu chính phủ hiện tại của Hoa-kỳ nói rằng vì tình yêu thương mà họ bỏ ngõ đường biên giới để cho di dân lậu cứ việc nhập cư bất hợp pháp thì tình yêu thương của họ đối với đất nước nầy và với các công dân Hoa-kỳ thì ở đâu? Trước đây thì số di dân bất hợp pháp đang cư ngụ tại Mỹ được ước tính là trên 24 triệu người, nhưng kể từ khi chính phủ hiện thời của Hoa-kỳ lên cầm quyền vào đầu năm 2020 đến nay thì mỗi tháng có hơn 100,000 di dân bất hợp pháp được bắt giữ tại biên giới phía Nam. Nhưng sau đó thì chính phủ Hoa-kỳ ra lệnh thả hết, không những vậy lại còn thuê mướn máy bay và xe bus để chở họ đi sâu vào trong nội địa Hoa-kỳ và bắt buộc các địa phương phải đón tiếp. Điều ấy làm cho nhiều nơi bị khủng hoảng vì số lượng di dân bất hợp pháp quá đông, phải lo cho họ chỗ ân ở, cư ngụ, phải lo cho họ học tiếng Anh mà nhiều người thì từ chối không học để vẫn nói tiếng riêng của xứ sở họ. Ngoài ra các địa phương còn phải cung cấp tiền bạc cho họ chi tiêu và phương tiện đi lại nữa. Đó mới chỉ là vấn đề đón tiếp di dân bất hợp pháp mà thôi, chớ chưa nói đến vấn đề an ninh quốc gia và sự phát triển của các tổ chức buôn ma túy, buôn người, bắt cóc trẻ em và đưa người nhập cư trái phép. Theo các báo cáo của lực lượng biên phòng thì từ thời kỳ cựu tổng thống da đen của Mỹ cho đến ngày nay họ đã bắt giữ rất nhiều những thành viên của các tổ chức khủng phố Hồi giáo vốn trà trộn vào số di dân bất hợp pháp để vượt biên vào trong đất Mỹ. Ngoài ta thì tình trạng bỏ ngõ biên giới của Hoa-kỳ còn làm thiệt hại rất lớn đến trẻ em tại các quốc gia vùng Trung và Nam Mỹ. Theo luật pháp hiện hành của Hoa-kỳ thì tất cả các trẻ em dưới 18 tuổi nhập cư vào đất Mỹ mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đều được phép ở lại và được bảo lãnh cha mẹ sang để chăm sóc các em. Chính vì chính sách nhân đạo như vậy mà giới buôn người và các tổ chức buôn lậu ma túy đã mở rộng mạng lưới bắt cóc trẻ em tại các vùng hẻo lánh của Trung và Nam Mỹ. Cha mẹ của các em là các nông dân nghèo không có cơ hội cũng như không có kiến thức để tìm lại con cái, mà các lực lượng an ninh địa phương lại tham nhũng hoặc bị mua chuộc bởi các băng đảng mà túy nên cũng làm ngơ với sự mất tích của các em. Sau đó bọn buôn người liền làm giấy tờ giả để bán các em cho các gia đình muốn nhập cư vào Hoa-kỳ và các em được đưa đến biên giới của Mỹ. Trên đường đi thì nhiều em bị chết vì đói, vì khát và vì sự hành hung của bọn buôn người. Nhiều em bé gái bị hãm hiếp suốt trên chặng đường dài từ khu tập trung cho đến biên giới Mỹ hoặc bị cho thuê mướn như kỹ nữ dọc đường đi. Lời khai của các em còn sống và của các nhân chứng đã làm cho nhiều cảnh sát biên phòng bị khủng hoảng tâm thần, nhưng các công ty truyền thông lớn của Mỹ đều im lặng hoặc bưng bít để bảo vệ chính phủ hiện hành. Các mạn xã hội cũng cấm đăng tin hoặc là dùng phương phpá khóa sổ để bịt miệng những thông tin ấy. Nếu chính phủ Hoa-kỳ chỉ cho phép di dân nhập cư chính thức với thủ tục giấy tờ hẳn hoi thì các em đâu phải trãi qua những nỗi kinh hoàng như vậy mà có thể đã đến Mỹ bình an với gia đình. Chẳng những thế thôi vì tình trạng bỏ ngõ biên giới và nhập cư bất hợp pháp quá nhiều nên Quốc hội Mỹ chuẩn bị ra quyết định là tất cả các hồ sơ di trú nộp thero diện chính thức và hợp pháp sẽ phải bị đình chỉ trong vòng 10 năm tới. Như vậy thì với chính sách nhân đạo không đúng chỗ thì chính phủ hiện thời của Hoa-kỳ đã tiếp tay làm giàu cho bọn buôn người và các băng đảng buôn bán ma túy, trong khi đó thì lại làm hại và hủy diệt hàng trăm ngàn sinh mạng thường dân, trong đó có hàng chục ngàn trẻ em, làm cho các gia đình nông dân bị mất con, bị chia lìa, làm cho tệ nạn xã hội tăng cao, làm cho tội phạm hình sự và khủng bố xuất hiện nhiều hơn trong nội địa, làm cho công dân Hoa-kỳ bị thất nghiệp nhiều hơn, làm cạn kiệt ngân sách của các địa phương và làm cho những người di dân chính thức hợp pháp bị thiệt thòi, bị trì hoãn. Đó là một trong những thí dụ điển hình về tình yêu thương sai lầm, thiếu sự ưu tiên đã làm thiệt hại nhiều hơn thay vì là mang lại lợi ích cho người khác.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân biết tầm quan trọng của sự Yêu thương theo Lẽ thật là như thế nào để con dân Chúa có thể thực hiện sự yêu thương một cách đúng để hữu ích cho người, lợi ích cho mình và làm vinh hiển Chúa càng hơn. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục giải bày Lẽ thật trong Kinh thánh cho con dân Chúa hầu cho chúng ta biết yêu thương người khác nhiều hơn và yêu thương theo đường lối của Chúa như Kinh thánh đã bày tỏ. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh soi sáng cho Cơ-đốc-nhân biết nhìn thấy lợi ích của người cũng quan trọng như lợi ích của chính mình để chúng ta tiếp tục làm mặn đời sống nầy hầu cho nhân loại bớt đau khổ. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *