CHUẨN BỊ CHO NGÀY ĐƯỢC ĐỒNG TRỊ VỚI CHÚA

CHUẨN BỊ CHO NGÀY ĐƯỢC ĐỒNG TRỊ VỚI CHÚA

Kinh thánh: 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18

Câu gốc: KHẢI HUYỀN 20: 6 – Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm.

Sau khi chúng ta đã đọc đi đọc lại Kinh thánh nhiều lần cùng với nhau thì chắc là quý anh chị em đều có thể nhớ được những lời hứa quý báu của Chúa về ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Ấy là con dân Chúa sẽ được cất lên không trung để được diện kiến với Ngài trong sự vinh hiển và sau đó sẽ cùng với Chúa trở lại trần gian để đồng trị với Ngài trong 1,000 năm bình an ở trên đất. Những lời hứa như vậy đã được ghi lại trong phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay và cũng đã được nhắc đến trong Khải huyền 20: 4.

KHẢI HUYỀN 20: 4 – Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán. Kế đó, tôi thấy linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay. Các người ấy được sống và trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm.

Trong câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa đã cho biết rõ ràng rằng những người sẽ được đồng trị với Chúa trong 1,000 bình an là những người biết bền đỗ giữ vững đức tin của mình trong mọi hoàn cảnh, là những người hy sinh vì làm chứng về Chúa, là những người không thờ lạy thần tượng và là những người không chấp nhận thế lực của ma quỉ trên đời sống mình. Sự sống đời đời là phần thưởng lớn nhất và sự được đồng trị với Chúa là phần thưởng lớn lao thứ hai mà Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ban cho các con cái trung tín của Ngài khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Bởi lẽ đó mà chúng ta dựa vào câu Kinh thánh nầy và những câu Kinh thánh tương tự khác để khích lệ chính mình biết cố gắng bền đỗ trong đức tin cho đến cuối cùng.

Theo như định nghĩa về đức tin mà tất cả chúng ta đều đã thuộc lòng thì Cơ-đốc-nhân cần phải biết chắc về điều mình đang trông mong đang khi theo Chúa giữa đời sống nầy và phải vững vàng trong sự biết chắc ấy cho đến khi được diện kiến Đức Chúa Jêsus trong sự vinh hiển. Tôi xin được đọc lại câu Kinh thánh ấy trong Hê-bơ-rơ 11: 1 để chúng ta một lần nữa được nhắc nhở về định nghĩa của đức tin thật trong Chúa là như thế nào:

HÊ-BƠ-RƠ 11: 1 – Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.

Theo như lời của Chúa trong câu gốc nầy cùng với những lẽ thật khác trong Kinh thánh thì sự trông mong của Cơ-đốc-nhân chúng ta phải là sự trông mong cho được cứu rỗi và được nhìn thấy dung mạo thực hữu của Chúa trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Và như điều mà tôi vừa mới đề cập đến khi nãy thì sự trông mong như vậy cũng phải bao gồm luôn cả việc được đồng trị với Chúa trong 1,000 nâm bình an và cho đến vô cùng. Bởi vì sự được cứu và sự được đồng trị với Chúa là hai điều xãy ra song song với nhau suốt cả cõi đời đời.

Ngay từ ban đầu, tức là trước khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên A-đam thì Ngài đã có ý định là con người sẽ được đồng trị với Chúa và ý định đó đã được bày tỏ ra trong mạng lệnh của Chúa khi phán bảo con người phải quản trị mọi loài mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên. Mạng lệnh ấy đã được ghi lại trong Sáng thế ký 1: 26.

SÁNG THẾ KÝ 1: 26 – Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên muôn vật cho nên quyền quản trị mọi loài mọi vật là đương nhiên thuộc về Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi, nhưng trong câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương cho nên Ngài đã có ý định chia sẻ quyền lực ấy với con người, tức là để cho con người được đồng trị với Chúa trên tất cả các tạo vật khác mà Ngài đã dựng nên. Ý định đó của Ngài đã có trước khi Chúa tạo dựng nên con người, và vì Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi cho nên ý muốn đó của Ngài vẫn tiếp tục tồn tại suốt trong thời gian dài khi con người sa ngã và phạm tội. Bởi lẽ đó mà sau khi con dân Chúa được cứu rỗi và nhận được sự sống đời đời trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm thì ý muốn của Chúa về việc con người được đồng trị với Ngài sẽ được thực hiện trở lại. Lúc bấy giờ thì những người được cứu đều là những người xứng đáng cho nên sự được đồng trị với Chúa sẽ không phải là chỉ trong 1,000 năm trên đất mà thôi mà sẽ là suốt cả cõi đời đời, tức là được đồng trị với Chúa trong cả vũ trụ bao la nầy cho đến vô cùng.

Chúng ta có thể hiểu được về sự được đồng trị như vậy khi suy nghĩ thêm về lý do mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ. Lời của Chúa trong Kinh thánh cho biết là các thiên sứ đã được tạo dựng nên để hầu việc Đức Chúa Trời, như đã có chép trong Hê-bơ-rơ 1: 14.

HÊ-BƠ-RƠ 1: 14 – Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?

Trong phần đầu của câu gốc nầy thì lời của Chúa cho biết rằng các thiên sứ là những linh thần hầu việc Chúa, nhưng sự hầu việc Chúa của họ không phải là cách thức hầu việc thông thường theo như sự suy nghĩ của loài người. Khi suy nghĩ đến chữ hầu việc thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc dọn dẹp, quét tước, bưng thức ăn, giặt giũ, lau chùi và những công việc tương tự khác nhưng lớn lao hơn chẳng hạn như xây dựng, canh gác, tuần tra, bảo vệ. Nhưng vì Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng cho nên những điều đó hoàn toàn không phải là cách thức hầu việc Ngài. Bởi lẽ đó chữ hầu việc Chúa phải được hiểu là được đồng trị với Chúa, tức là thay mặt Ngài để quản trị muôn loài đã được tạo dựng nên.

Để biết chắc về ý nghĩa tương đồng giữa chữ hầu việc và đồng trị thì chúng ta có thể nhớ lại rằng khi một người tin nhận Chúa thì người ấy sẽ được gọi là con cái Đức Chúa Trời nhưng đồng thời cũng được gọi là kẻ tôi tớ hầu việc Ngài, như lời của Chúa đã được bày tỏ ra trong các câu Kinh thánh sau đây:

1GIĂNG 3: 1 – Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài.

Ê-PHÊ-SÔ 6: 6 – Không phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta, nhưng phải như tôi tớ của Đấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.

Thông thuờng thì khi Cơ-đốc-nhân nhắc đến chữ tôi tớ thì hay nghĩ đến chức vụ của những người hầu việc Chúa, nhưng những người ấy thì cũng là con của Đức Chúa Trời chớ đâu có ở trong địa vị nào khác. Chẳng hạn như khi chúng ta gọi chức vụ mục sư là tôi tớ Chúa thì người mục sư cũng vẫn là con cái Chúa như bao nhiêu Cơ-đốc-nhân khác. Chính bởi lẽ đó mà khi Kinh thánh gọi các thiên sứ là tôi tớ của Đức Chúa Trời thì họ cũng là con cái của Ngài, như đã có chép trong thư tín Hê-bơ-rơ và trong sách Gióp:

HÊ-BƠ-RƠ 1: 7 – Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió và tôi tớ Ngài như ngọn lửa.

GIÓP 1: 6 – Vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng.

Rõ ràng là trong 2 câu Kinh thánh nầy và trong nhiều câu Kinh thánh khác nữa thì các thiên sứ vừa được gọi là tôi tớ của Đức Chúa Trời mà cũng là con trai của Ngài. Nhưng vì có nhiều người lầm lẫn cho rằng các thiên sứ chỉ là tôi tớ của Chúa mà thôi chớ không phải là con cái Ngài cho nên tôi đã có trình bày điều nầy trong phần đầu của Chủ đề CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ THIÊN SỨ. Trong thời gian tới thì tôi sẽ trình bày thêm để cho chúng ta có thể biết được rõ ràng hơn địa vị của các thiên sứ và của Cơ-đốc-nhân trong Thiên đàng của Chúa. Nhưng tại đây sáng hôm nay thì tôi chỉ muốn trình bày cho quý Hội thánh được biết là sự hầu việc Chúa của cả Cơ-đốc-nhân và thiên sứ là được đồng trị cùng với Chúa trong cả cõi vũ trụ nầy, hay nói một cách dễ hiểu hơn về chữ đồng trị, là cả thiên sứ và Cơ-đốc-nhân đều được ở trong địa vị là thay mặt Chúa để cai quản mọi điều mọi vật mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên. Sự đồng trị như vậy tức là sự hầu việc Chúa trong cõi thuộc linh, tức là làm tôi tớ của Chúa. Chính vì thế mà một thiên sứ mới cho sứ đồ Giăng biết rằng chức vụ của cả hai đều giống nhau, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Khải huyền 22: 8 và 9.

KHẢI HUYỀN 22: 8-9 – Chính tôi là Giăng đã thấy và nghe những điều đó. Khi nghe và thấy đoạn, tôi sấp mình xuống dưới chân thiên sứ đã tỏ những điều ấy cho tôi để thờ lạy. Song người phán rằng: Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời!

Như chúng ta có thể thấy được trong câu gốc nầy thì lời của thiên sứ ấy cho biết rằng chức vụ là tôi tớ của Chúa được dùng để gọi tất cả những người giữ các lời trong sách của Chúa, có nghĩa là sách Khải huyền và tất cả các sách khác trong Kinh thánh, vì tất cả các sách ấy đều bày tỏ ý muốn của Chúa và đều có ghi lại các lời tiên tri cho cõi tương lai. Bởi lẽ đó mà chức vụ được đồng trị với Chúa là chức vụ dành cho mọi người được cứu, chớ không phải là dành riêng cho một thành phần nào đó trong vòng Cơ-đốc-nhân, cũng không phải là chỉ dành riêng cho những người hầu việc Chúa như trong chức vụ mục sư, truyền đạo hay giáo sĩ như một số người vẫn lầm tưởng. Chính vì vậy mà lời của Chúa trong Khải huyền 20: 4 mà chúng ta đã đọc khi nãy mới cho biết rằng những người sẽ được đồng trị với Chúa trong 1,000 bình an là những người biết giữ vững đức tin của mình trong mọi hoàn cảnh, là những người chịu khổ vì làm chứng cho Chúa, là những người không thờ lạy thần tượng và là những người không chấp nhận thế lực của ma quỉ trên đời sống mình. Lẽ thật nầy là chắc chắn bởi vì lời của Chúa cũng đã cho biết thêm là tất cả những người được dự phần trong sự sống lại lần thứ nhất sẽ được đồng trị với Chúa trong 1,000 bình an, tức là toàn bộ những người được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Sự quả quyết như vậy đã được lời của Chúa bày tỏ một lần nữa trong Khải huyền 20: 6.

KHẢI HUYỀN 20: 6 – Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm.

Để quý Hội thánh có thể nhớ lại những điều mà chúng ta đã học qua thì sự sống lại thứ nhất có đề cập đến trong câu Kinh thánh nầy là sự sống lại của những người được cứu. Lời của Chúa trong Kinh thánh cho biết là Đức Chúa Jêsus Christ sẽ tái lâm trong hai chặng. Chặng thứ nhất là Chúa sẽ đến và dừng lại trên không trung trong một đám mây lớn. Lúc bấy giờ thì những người bền đồ trong đức tin mà đã qua đời rồi thì sẽ được sống lại và được cất lên trước hết để gặp Chúa nơi không trung. Liền ngay sau đó thì những người có đức tin thật mà còn đang sống thì sẽ được biến hóa thân thể để có thể được bay lên mà gặp Chúa tại trong đám mây. Sự gặp gỡ và hội tụ như vậy được Kinh thánh mô tả là tiệc cưới Chiên Con, tức là sự kết hiệp giữa Đức Chúa Jêsus Christ và Hội thánh của Ngài, tức là hội của những người biết sống một đời nên thánh cho Chúa. Sau đó thì chặng thứ hai của sự tái lâm mới xãy ra, tức là Đức Chúa Jêsus sẽ cùng các thiên sứ và toàn bộ những người được cứu giáng xuống thế gian để bắt đầu cuộc cai trị trong 1,000 bình an. Thứ tự của hai chặng tái lâm như vậy đã được mô tả trong phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay và tôi xin được đọc lại trong từ câu 15 cho đến câu 17.

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4: 15-17 – Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: Chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống. Bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết. Kế đến, chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây tại nơi không trung mà gặp Chúa. Như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

Các chữ SẼ Ở CÙNG CHÚA LUÔN LUÔN trong phần cuối của các câu Kinh thánh nầy có ý muốn nói đến việc là sau khi sống lại và được cất lên không trung để gặp Đức Chúa Jêsus thì những người được cứu sẽ được sống với Chúa trong thời gian đồng trị 1,000 trên thế đất và suốt cả cõi đời đời không bao giờ dứt. Như vậy thì quý Hội thánh đã hiểu được về sự sống lại thứ nhất, tức là sự sống lại để được phần thưởng là sự sống đời đời và được đồng trị cùng với Chúa. Còn sự sống lại thứ hai là sự sống lại của những kẻ phạm tội và những người không tin. Sự sống lại như vậy sẽ xãy ra vào cuối thời kỳ 1,000 bình an, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Khải huyền 20: 4-6.

KHẢI HUYỀN 20: 4 – Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán. Kế đó, tôi thấy linh hồn những kẻ đã phải chết chém vì sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus và vì lời Đức Chúa Trời, linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú cùng hình tượng nó, chẳng nhận dấu hiệu nó, hoặc trên trán hoặc trên tay. Các người ấy được sống và trị vì với Đấng Christ trong một ngàn năm. Còn những kẻ chết khác chẳng được sống lại cho đến khi đủ một ngàn năm. Ấy là sự sống lại thứ nhất. Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm.

Như vậy thì lời của Chúa cho biết là sự sống lại cũng có hai chặng. Chặng thứ nhất là sự sống lại của những người được cứu để nhận phần thưởng là sự sống đời đời và được đồng trị với Chúa. Còn chặng thứ hai là sự sống lại của những kẻ không được cứu để bị án phạt đời đời. Sự sống lại trong chặng thứ hai như vậy cũng đã được ghi lại trong Khải huyền 20: 13-14.

KHẢI HUYỀN 20: 13-14 – Biển đem trả những người chết mình chứa. Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai.

Bởi lẽ đó mà hàng ngàn năm trước sách Đa-ni-ên cũng đã có ghi lại lời tiên tri về hai chặng sống lại của con người, như có chép trong Đa-ni-ên 12: 12.

ĐA-NI-ÊN 12: 2 – Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời.

Vì vậy khi chúng ta đã hiểu được và nhớ lại được những điều đã học về hai sự sống lại thì với đức tin thật chúng ta phải trông mong cho chính mình được sống lại trong chặng thứ nhất để có thể nhận được sự sống đời đời và được đồng trị với Chúa. Hai phần thưởng ấy là to lớn và quý giá vô cùng, nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng hai phần thưởng ấy sẽ đi song song với nhau chớ không thể nào tách rời nhau được. Điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân khi được cứu và nhận được sự sống đời đời rồi thì không thể nói rằng: Kính thưa Chúa, vì con là người rất khiêm nhường cho nên xin để người khác đồng trị với Chúa còn con thì chỉ xin làm một người bình thường trong cõi đời đời mà thôi. Lời nói ấy nếu có trong tư tưởng của Cơ-đốc-nhân thì chúng ta phải loại bỏ ngay. Bởi vì trong cả Kinh thánh thì không có chỗ nào lời của Chúa cho biết là Cơ-đốc-nhân được cứu để không làm gì cả trong cõi đời đời. Trong Thiên đàng của Chúa thì không có tình trạng tiêu diêu miền cực lạc như quan điểm của con người về phước hạnh của cõi đời sau. Như điều mà tôi đã trình bày khi nãy thì con dân Chúa nhận được sự sống đời đời là để hầu việc Chúa, tức là được đồng trị với Chúa trong tư cách là con cái của Ngài, cũng giống như các thiên sứ đã làm và sẽ còn làm như vậy nữa suốt cả cõi đời. Cơ-đốc-nhân nhận được sự sống đời đời không phải là để thong dong tự tại chẳng làm gì hết. Trong Thiên đàng của Chúa không có sự lười biếng và ở không, mà là phải ngợi khen Chúa và hầu việc Ngài.

Sự hầu việc Chúa suốt cả cõi đời đời là một Lẽ thật mà Cơ-đốc-nhân cần phải ghi nhớ. Chính Đức Chúa Jêsus là Đấng được gọi là Con của Đức Chúa Trời cũng đã bày tỏ tinh thần hầu việc như vậy, không những khi Ngài thi hành chức vụ ở trên đất mà còn là trước đó nữa và sẽ cứ tiếp tục suốt cả cõi đời đời, như đã có cho biết qua lời tiên tri trong Ê-sai 42: 1-4.

Ê-SAI 42: 1-4 – Nầy, đầy tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ, là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại. Người sẽ chẳng kêu la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình. Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy. Người sẽ lấy lẽ thật mà tỏ ra sự công bình. Người chẳng mòn mỏi, chẳng ngã lòng, cho đến chừng nào lập xong sự công bình trên đất. Các cù lao sẽ trông đợi luật pháp người.

Đây là các lời tiên tri về chức vụ của Đức Chúa Jêsus, là Đấng được gọi là Con Đức Chúa Trời mà cũng được gọi là tôi tớ của Ngài, tức là Đấng hầu việc Đức Chúa Trời. Các chữ CHO ĐẾN CHỪNG NÀO LẬP XONG SỰ CÔNG BÌNH TRÊN ĐẤT cho thấy rằng ngay cả khi Đức Chúa Jêsus đã thăng thiên về trời rồi thì Ngài cũng vẫn tiếp tục thực hiện chức vụ của Ngài cho đến kỳ phát xét chung thẩm, bởi vì hiện nay thì chúng ta vẫn chưa thấy sự công bình trong luật pháp của Chúa được lập ra cho cả thế giới loài người. Người ta vẫn còn phạm tội, vẫn còn bất công, hung ác, tàn bạo, lừa dối và giết hại lẫn nhau ngày hôm nay. Vì vậy mà sự hầu việc Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jêsus Christ vẫn còn tiếp tục, không những là trong cõi hữu hình mà còn là trong cõi vô hình nữa. Thế thì qua các câu Kinh thánh nầy chúng ta có thể hiểu rằng vị trí làm con Đức Chúa Trời cũng là để hầu việc Ngài. Bởi lẽ đó khi Cơ-đốc-nhân được gọi là con cái Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ cứ hầu việc Ngài trong đời nầy và suốt cả cõi đời đời mai sau. Sự được làm con Đức Chúa Trời và hầu việc Ngài đời đời như vậy được Kinh thánh gọi là kế tự chức vụ của Đấng Christ, như đã có đề cập đến trong Rô-ma 8: 17.

RÔ-MA 8: 17 – Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn là chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.

Các chữ ĐỒNG KẾ TỰ VỚI ĐẤNG CHRIST và CŨNG ĐƯỢC VINH HIỂN VỚI NGÀI bày tỏ ý nghĩa rằng những người được cứu sẽ tiếp tục sự hầu việc Đức Chúa Trời mà Đấng Christ đã làm từ trước và địa vị ấy là một vinh hiển lớn cho chúng ta. Tất cả Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng được hầu việc Chúa là một vinh dự và là một đặc ân lớn, như lời Phao-lô đã bày tỏ rằng chức vụ hầu việc Chúa của ông là ân điển của Đức Chúa Trời, như có chép trong Ê-phê-sô 3: 7.

Ê-PHÊ-SÔ 3: 7 – Còn tôi đã trở nên kẻ giúp việc Tin lành ấy theo sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời, là ân điển đã ban cho tôi bởi công hiệu của quyền phép Ngài.

Như vậy đến đây thì chúng ta có thể hiểu rằng được hầu việc Chúa suốt cả cõi đời là một ân điển lớn lao mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho những người được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Sự hầu việc Chúa như vậy có nghĩa là được đồng trị với Chúa hoặc nói một cách dễ hiểu hơn là được thay mặt Chúa để quản trị cả thế gian trong 1,000 bình an và quản trị cả vụ trụ bao la rộng lớn nầy suốt cả cõi đời đời. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân không thể nào từ chối chức vụ được đồng trị với Chúa, vì nếu làm như vậy tức là từ chối ân điển của Chúa và từ chối sự sống đời đời. Cũng vì thế mà ngay khi còn sống trên đất nầy thì chúng ta phải biết chuẩn bị chính mình để trong tương lai có thể thực hiện chức vụ đồng trị với Chúa một cách đẹp lòng Ngài, làm vinh hiển Chúa và làm ích lợi cho loài người trong 1,000 năm bình an.

Trước khi đi vào chi tiết của việc phải chuẩn bị cá nhân mình như thế nào cho chức vụ cao quý ấy thì tôi xin được trình bày một chút về lý do mà chúng ta cần phải chuẩn bị cho ngày được đồng trị với Chúa. Như tôi đã có nhắc đến nhiều lần thì sự được đồng trị với Chúa có nghĩa là chúng ta sẽ thay mặt Chúa để cai trị thế gian và vũ trụ nầy. Sự thay mặt Chúa như vậy còn được gọi là đại diện Chúa để thực hiện mạng lệnh của Ngài. Theo như thực tế trong xã hội loài người cho thấy thì vai trò của người đại diện là rất quan trọng, bởi vì dầu người ta không trực tiếp gặp được chủ nhân nhưng chỉ cần quan sát và đánh giá người đại diện thì người ta cũng đủ biết chủ nhân là người như thế nào. Vì vậy mà những người chủ thường chọn người đại diện cho mình rất cẩn thận và người đại diện cũng phải biết hành xử cho xứng đáng để không làm mất mặt chủ. Trong cõi thuộc linh thì sự đại diện cũng giống như vậy, nhưng tầm quan trọng lại lớn hơn gấp triệu lần, bởi vì Cơ-đốc-nhân phải đại diện cho Chúa, là Đấng vinh hiển tuyệt đối vô cùng, để thay mặt Ngài mà cai trị thế gian. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân cần phải chuẩn bị kỷ lưỡng cho chức vụ nầy để có thể đại diện cho Chúa.

Ngoài ra thì chức vụ của mỗi một Cơ-đốc-nhân được cứu trong thời kỳ 1,000 bình an còn là đem đến cho loài người những ích lợi lớn lao và sự thanh bình thật mà từ khi con người có mặt trên Trái đất nầy chưa bao giờ được hưởng. Theo như thực tế cho thấy thì thế giới nầy chưa bao giờ có được những người cai trị thật sự biết thương yêu và lo lắng cho dân chúng hết lòng. Tất cả những kẻ cầm quyền đời nầy đều nghĩ đến việc làm lợi cho bản thân họ trước tiên chớ không quan tâm gì đến lợi ích của người dân. Điều đó thì chúng ta đã có suy gẫm qua trong Chủ đề CON NGƯỜI VÀ SỰ THAM QUYỀN. Nhưng trong thời kỳ 1,000 bình an thì những người được cứu phải là những người thay mặt Chúa để cai trị một cách công bình và phải biết thương yêu dân chúng nhiều hơn hẳn là những kẻ cầm quyền từ trước đến nay. Chính vì lẽ đó mà lời của Chúa mới cho biết là Cơ-đốc-nhân cần phải làm theo gương của Đức Chúa Jêsus hầu cho có thể cai trị thế giới nầy một cách đẹp lòng Chúa và hữu ích cho tất cả mọi người. Việc theo gương Đức Chúa Trời như vậy đã được nhắc nhở rõ ràng trong 1Giăng 4: 17.

1GIĂNG 4: 17 – Nầy vì sao mà sự yêu thương được nên trọn vẹn trong chúng ta, hầu cho chúng ta được lòng mạnh bạo trong ngày xét đoán, ấy là Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy.

Như kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều đã biết được trong những ngày sống giữa thế gian thì các kẻ cầm quyền từ xưa đến nay đều không hề biết thương yêu dân chúng. Họ chỉ yêu bản thân họ và muốn thỏa mãn tham vọng quyền lực của họ mà thôi. Dầu là môi miệng họ thì lúc nào cũng tuyên truyền là thương yêu quần chúng nhưng các chính sách của họ thì lại làm cho người dân khốn khổ hơn, nghèo thiếu hơn và khó khăn hơn. Yêu thương miệng lưỡi như vậy là sự giả hình. Bởi thế cho nên lời của Chúa mới nhắc nhở trong câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn rằng chúng ta cần phải tập tành sống một đời yêu thương trong Lẽ thật như chính Đức Chúa Jêsus đã yêu thương khi Ngài còn thi hành chức vụ ở trên đất. Vì thế mà các chữ ĐƯỢC LÒNG MẠNH BẠO TRONG NGÀY XÉT ĐOÁN nhắc nhở cho chúng ta về ngày phán xét chung thẩm sau khi chấm dứt thời kỳ 1,000 bình an. Sự nhắc nhở như vậy giúp cho Cơ-đốc-nhân biết rằng khi chúng ta đại diện Chúa để cai trị trong thế giới nầy thì phải biết yêu thương quần chúng hết lòng như Đấng Christ đã yêu hầu cho khi kết thúc thời kỳ ấy và bắt đầu sự đoán xét chung thẩm của Chúa thì chúng ta có thể đứng dạn dĩ trước mặt Ngài để nhận lời khen và phần thưởng vì đã đại diện Chúa để cai trị một cách xứng đáng theo gương mẫu của tình yêu thương và sự công bằng.

Bởi thế cho nên sau khi đã biết được rằng chúng ta phải chấp nhận chức vụ được đồng trị với Chúa như là ân điển song song với sự sống đời đời và biết được lý do mà Cơ-đốc-nhân cần phải chuẩn bị chính mình cho chức vụ ấy thì chúng ta chắc không còn lưỡng lự gì nữa trong việc suy gẫm về những điều cần phải chuẩn bị cho ngày được đồng trị với Chúa. Vì thì giờ có hạn cho nên sáng hôm nay tôi chưa thể trình bày một cách chi tiết với quý Hội thánh về những đặc điểm mà Cơ-đốc-nhân cần phải có để có thể được đồng trị với Chúa nhưng tôi chỉ xin liệt kê tổng quát một chút để quý Hội thánh có khái niệm về sự chuẩn bị ấy là như thế nào, để rồi các tuần lễ sau thì chúng ta sẽ tuần tự nghiên cứu đến từng điều một một cách chi tiết hơn. Nói một cách tổng quát theo sự giải bày trong lời của Chúa thì những người được đồng trị cùng với Chúa trong 1,000 bình an cần phải có các đức tánh sau đây: Phải có sự trung tín, phải biết yêu thương theo Lẽ thật, phải công bình, chân thật, phải hiền lành nhân từ, phải biết tiết độ và phải siêng năng. Tất cả những đức tánh nầy chưa phải là hết, nhưng vẫn còn nhiều điều khác nữa. Để tóm tắt lại cho dễ nhớ thì tất cả mọi điều mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ chúng ta trong Kinh thánh thì đều là những yêu cầu cần thiết để con dân Chúa có thể sống đời đời với Chúa và với nhau, đồng thờ cũng để trang bị cho chúng ta được trở nên những người đồng trị với Chúa một cách xứng đáng trong vũ trụ bao la nầy. Bởi lẽ đó mà tôi mới trình bày nhiều đề tài thuộc linh khác nhau để chúng ta có thể cùng nhau suy gẫm, tập tành làm theo và trang bị chính mình cho thật đầy đủ để làm con Đức Chúa Trời và làm người đại diện cho Ngài để quản trị muôn vật trong tương lai.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời giúp cho con dân Ngài ý thức được tầm quan trọng và cao quý của chức vụ được đồng trị với Chúa để nhờ đó Cơ-đốc-nhân có thể siêng năng học tập và tự huấn luyện đời sống mình ngay khi còn sống những ngày giữa trần gian. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức để con dân Chúa có được sự bền đỗ kiên trì mà theo Chúa một cách hết lòng trên con đường đức tin. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh soi dẫn cho con dân Chúa biết được sự cần thiết của các đức tánh mà Ngài đã có dạy dỗ trong Kinh thánh để Cơ-đốc-nhân có thể đạt đến bậc thành nhân, được trang bị đầy đủ và sẳn sàng cho ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *