LÝ DO LỚN NHẤT ĐỂ CẢM TẠ CHÚA

Kinh thánh: 3Giăng 1: 1-8

Câu gốc: 3GIĂNG 1: 4 – Tôi nghe con cái tôi làm theo Lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.

Trong mùa Lễ Cảm Tạ mỗi năm thì chúng ta đều có nhiều điều để tạ ơn Chúa. Nếu phải kể hết ra từng điều một thì chắc chúng ta không có đủ thì giờ, vì giống như lời bài Thánh ca HÃY ĐẾM CÁC ƠN PHƯỚC CHÚA BAN mà chúng ta vẫn thường hát thì thật là không có bút mực nào mô tả hết được tất cả những điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho con dân Ngài. Chúng ta đều biết rằng Cơ-đốc-nhân phải tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, dầu thuận hay nghịch, dầu được thời hay không được thời, vì mọi điều đã xãy ra cho chúng ta đều là nằm trong ý tốt của Chúa để cho Cơ-đốc-nhân được tôi luyện, được trưởng thành hầu có thể xứng đáng với Thiên đàng mai sau. Tất cả chúng ta đều có thể nhớ được lời của Chúa đã ghi lại trong Rô-ma 8: 28 là mọi sự Chúa cho phép xãy ra đều là vì ích lợi cho đời sống của chúng ta trong những ngày trên đất, vì vậy mà Cơ-đốc-nhân nên luôn luôn tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh và tạ ơn Chúa nhiều hơn khi một năm nữa sắp sửa trôi qua vì đã được bình an trong năm cũ và được có thêm một năm mới nữa trên đất nầy. Bởi lẽ đó mà tôi xin được đọc lại lần nữa lời khẳng định của Chúa trong Rô-ma 8: 28 để ý tưởng trong câu gốc ấy cứ hiện diện luôn trong tấm lòng của chúng ta và nhờ đó mà chúng ta có thể tạ ơn Chúa suốt đời khi trãi qua mọi thăng trầm của thế gian.

RÔ-MA 8: 28 – Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.

Theo như câu gốc nầy thì chúng ta có thể hiểu rằng hễ Cơ-đốc-nhân càng yêu mến Chúa chừng nào thì mọi hoàn cảnh trong đời sống mình càng làm cho chính mình được lợi ích chừng nấy, cho nên chúng ta cứ hết lòng kính yêu Chúa thì sẽ được ích lợi trăm bề trong mọi hoàn cảnh đã và đang xãy ra và cũng bởi đó mà sự tạ ơn Chúa của chúng ta sẽ cứ phong phú và càng nhiều thêm mãi.

Ngoài ra theo như lời của Chúa trong Kinh thánh và theo kinh nghiệm của đời sống cho thấy thì Cơ-đốc-nhân phải có sự vui mừng trong lòng thì sự cảm tạ Chúa của chúng ta mới có hiệu quả, tức là mới có thể làm đẹp lòng Chúa và làm chứng tốt cũng như khích lệ được nhiều người. Bởi lẽ đó mà đức tin là yếu tố hàng đầu để giúp cho Cơ-đốc-nhân có thể tạ ơn Chúa một cách hiệu quả. Vì nhờ đức tin mà chúng ta nhận biết rằng hoàn cảnh bất như ý mà chúng ta đang phải đối diện chỉ là tạm thời mà thôi và nó xãy ra cũng là vì ý tốt của Chúa muốn cho con dân Ngài được lợi ích trong phương diện thuộc linh. Bởi lẽ đó mà tuần trước chúng ta đã có cùng nhau suy gẫm qua Chủ đề LÀM SAO CẢM TẠ CHÚA LÚC KHÓ KHĂN. Chúng ta biết rằng sự cảm tạ Chúa là tùy thuộc vào đức tin và tùy thuộc vào tấm lòng ở bên trong của mỗi người chớ không phải là phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài như thế nào. Nhưng sáng hôm nay thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm thêm đến một khía cạnh khác nữa của sự cảm tạ, đó là nhận biết những lý do mà mình muốn cảm tạ Chúa.

Như điều mà tôi vừa mới đề cập đến khi nãy thì Cơ-đốc-nhân phải nên cảm tạ Chúa với tấm lòng vui mừng chớ không phải là cố gắng để cảm tạ Chúa bằng bề mặt bên ngoài nhưng trong lòng thì thờ ơ, thiếu sự hết lòng hoặc là cảm tạ Chúa mà lòng cứ đang còn buồn rầu, bất an. Ngoài ra với tính cách song phương thì sự vui mừng trong lòng cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho một người có thể hết lòng tạ ơn Chúa. Bởi lẽ đó mà việc nhận biết lý do để chính mình có thể vui mừng mà hết lòng cảm tạ Chúa là điều kiện cần phải có để chúng ta có thể tạ ơn Ngài một cách hiệu quả. Trong câu gốc nền tảng sáng hôm nay thì sứ đồ Giăng đã cho chúng ta biết một trong những lý do lớn nhất làm cho ông vui mừng và bởi đó mà sự cảm tạ Chúa của ông chắc chắn phải là mạnh mẽ lắm. Lý do làm cho sứ đồ Giăng vui mừng là việc nhìn thấy con dân Chúa làm theo Lẽ thật của Ngài trong Kinh thánh. Tôi xin được đọc lại câu gốc trong 3Giăng 1: 4 để quý Hội thánh có thể thấy được điều đó.

3GIĂNG 1: 4 – Tôi nghe con cái tôi làm theo Lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.

Trong câu gốc nầy thì chúng ta thấy rằng Giăng đã cho biết là sự vui mừng lớn hơn hết của ông là nhìn thấy con cái Chúa làm theo Lẽ thật trong Kinh thánh. Khi sứ đồ Giăng dùng chữ con cái tôi trong câu gốc nầy thì ông có ý muốn nói đến những người đã được ông hướng dẫn trở lại với Chúa và cũng vì lúc đó thì sứ đồ Giăng đã lớn tuổi lắm rồi và ông là một trong những trưởng lão được tôn trọng nhất trong vòng Hội thánh đầu tiên vì đã từng ở cùng với Đức Chúa Jêsus Christ.

Chúng ta có thể dễ dàng đọc thấy rằng nỗi vui mừng lớn nhất của sứ đồ Giăng là việc các Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ biết làm theo Lẽ thật. Khi ông dùng chữ không còn có sự gì vui mừng hơn nữa đối với ông thì điều đó có nghĩa là ngoài sự vui mừng chính ông được cứu rỗi trong Đấng Christ thì việc nhìn thấy các Cơ-đốc-nhân làm theo Lẽ thật là sự vui mừng lớn hơn hết. Trước khi đi vào chi tiết của câu gốc nầy thì tôi thấy rằng chúng ta cần phải phân biệt giữa hai sự vui mừng mà tôi vừa mới đề cập đến, đó là sự vui mừng được cứu rỗi và sự vui mừng khi thấy người khác làm theo Lẽ thật.

Sự vui mừng về việc chính mình nhận được sự cứu rỗi trong Chúa là sự vui mừng về phương diện cá nhân và là điều đương nhiên phải có trong mỗi một đời sống sau khi đã được tái sanh và đang trên tiến trình nên thánh, còn sự vui mừng về việc nhìn thấy người khác làm theo Lẽ thật của Chúa là sự vui mừng về phương diện liên quan đến đoàn thể Cơ-đốc-nhân trong cùng một đức tin. Điều đó giống như khi chúng ta nói rằng thập tự giá có hai chiều: Chiều dọc là chiều giữa chính mình với Đức Chúa Trời và chiều ngang là chiều giữa mình với người khác, thì sự vui mừng của sứ đồ Giăng cũng như vậy. Chắc chắn rằng cá nhân ông đã rất vui mừng vì biết rằng ông được cứu rỗi trong danh Đấng Christ, nhưng mặt khác thì sứ đồ Giăng cũng vui mừng về việc người khác được cứu rỗi nữa. Và đó chính là phần chi tiết mà tôi muốn được cùng với quý Hội thánh suy gẫm trong thì giờ nầy.

Chúng ta biết rằng Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời, tức là lời của Đức-Thánh-Linh. Đó là lý do mà chúng ta trân trọng quyển Kinh thánh, bởi vì là quyển sách chứa đựng lời của Đấng Toàn Năng. Hơn thế nữa thì chúng ta cũng biết rằng Cơ-đốc-nhân cần phải học hỏi, tìm hiểu, suy gẫm và làm theo lời của Chúa đã có truyền phán trong Kinh thánh. Đây là điều mà tất cả Cơ-đốc-nhân đều biết và đều được nhắc nhở thường xuyên trong vòng Hội thánh chung. Lý do mà con dân Chúa cần phải học hỏi và suy gẫm Kinh thánh là để bày tỏ lòng kính trọng đối với lời của Chúa và cũng vì những lợi ích thiết thực mà Kinh thánh đem lại cả trong cả phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể. Nhưng muốn được ích lợi như vậy và muốn được đẹp lòng Chúa thì chúng ta phải biết phân biệt đâu là lẽ thật trong Kinh thánh và đâu là lẽ giả theo sự lý giải của tư tưởng con người. Đây là điều mà tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại và vẫn thường nhấn mạnh với quý Hội thánh, bởi vì việc hiểu sai Kinh thánh là một trong những điều nguy hiểm bậc nhất làm cho người ta có thể mất linh hồn.

Tôi xin đơn cử một thí dụ như thế nầy để minh họa cho sự nguy hiểm của việc hiểu sai Kinh thánh: Trong thời đại ngày nay thì thuốc men công hiệu hơn các loại dược phẩm ngày xưa rất nhiều, bởi vì các loại thuốc ngày nay có thể trị được vi trùng, chẳng hạn như penniciline. Các loại thuốc ngày xưa mà chúng ta hay gọi là thuốc Nam, thuốc Bắc thì chỉ giúp cho cơ thể được hồi phục, được mạnh khỏe mà thôi chớ không có loại nào trị được vi trùng hết, bởi vì cường độ của các vị thuốc ấy từ trong lá cây, rau cải, củ quả không đủ mạnh để tiêu diệt vi trùng. Chỉ có các loại hóa chất cùng công hiệu nhưng với cường dộ mạnh hơn mới tạo được hiệu quả đó. Chính vì vậy mà thuốc men ngày nay mới giúp cho sự phòng chống bệnh được tốt hơn. Nhưng thuốc men thì phải uống đúng liều lượng, còn nếu uống quá liều thì có thể sẽ mang lại phản tác dụng, có nghĩa là không những không chữa được bệnh mà còn gây hại cho cơ thể, thậm chí có thể đi đến chỗ tử vong. Chính bởi lẽ đó mà trên nhãn chai của tất cả các loại thuốc thì đều có ghi lại mức độ mà người ta có thể uống trong một ngày, chẳng hạn như thuốc Tylenol là loại thuốc rất thông thường thì chỉ được uống 1 viên trong vòng 8 tiếng mà thôi và chỉ được uống liên tục trong một tuần lễ. Nếu uống lâu hơn nữa và nhiều hơn mức độ cho phép thì sẽ dẫn đến việc thận bị ảnh hưởng vì phải làm việc quá sức để sàng lọc những loại hóa chất trong thuốc men. Còn nếu uống nguyên cả chai cùng một lúc thì có thể dẫn đến tử vong.

Bởi lẽ đó mà tôi mới đề cập đến khi nãy là Kinh thánh cũng giống như thuốc men vậy, khi hiểu đúng lẽ thật và làm theo thì tốt cho đời thuộc linh, mà nếu hiểu sai và sử dụng sai Kinh thánh thì sẽ rất là nguy hiểm cho linh hồn. Cũng chính vì thế mà chúng ta thấy rằng ma quỉ đã trưng dẫn Kinh thánh và dùng lời Kinh thánh một cách sai lầm để cám dỗ Đức Chúa Jêsus. Từ xưa đến nay thì ma quỉ cũng dùng một cách như vậy để cám dỗ con dân Chúa và dẫn dắt vào những con đường lầm lạc, khiến cho Cơ-đốc-nhân lần hồi chỉ còn theo Chúa bằng hình thức và trên bề mặt mà thôi và từ đó làm cho Cơ-đốc-giáo mất dần ảnh hưởng trong xã hội, giống như trường hợp muối mắt mặn, để trên danh nghĩa thì vẫn còn là đang theo Chúa mà thật ra thì không còn có ảnh hưởng bao nhiêu trên đời sống của nhân loại nữa. Đó là điều mà chúng ta có thể thấy được trong thực tế hàng ngày. Tôi sẽ trình bày thêm về một số chứng cớ cho thấy sự mất dần ảnh hưởng của Cơ-đốc-nhân là như thế nào trong một dịp khác nhưng bây giờ thì chúng ta tiếp tục với tầm quan trọng của Lẽ thật trong Kinh thánh để có thể hiểu được vì sao khi nhìn thấy con cái Chúa biết làm theo Lẽ thật thì đó là sự vui mừng lớn hơn hết của sứ đồ Giăng.

Nhờ lời Kinh thánh mà chúng ta biết rằng sứ đồ Giăng là người rất gần gũi với Đức Chúa Jêsus và được Ngài yêu thương nhất trong vòng các sứ đồ. Chính ông là người đã dựa trên ngực của Chúa trong bữa ăn cuối cùng trước khi Đức Chúa Jêsus chịu thương khó. Chính ông cũng là người được Ngài giao phó lại bà Ma-ri khi Chúa sắp sửa trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá. Và ông cũng là người duy nhất trong vòng các sứ đồ không bị chết vì tuận đạo mà chết vì già yếu. Trong sách tin lành Giăng và trong các thư tín của ông thì chữ yêu là được nhắc đến nhiều nhất, chính bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta hay gọi ông là sứ đồ của Tình Yêu. Vì tấm lòng yêu thương như vậy, tức là hết lòng yêu Chúa và yêu người mà Giăng rất vui mừng khi thấy con cái Chúa biết làm theo Lẽ thật, vì khi một người biết làm theo Lẽ thật thì người đó đang đến gần với Đức Chúa Trời, được ở trong sự sáng của Ngài và hiểu được ý muốn của Chúa. Điều đó đã được chính Đức Chúa Jêsus khẳng định trong Giăng 3: 21.

GIĂNG 3: 21 – Nhưng kẻ nào làm theo Lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời.

Một người mà không ngần ngại để cho công việc của mình được bày tỏ ra trong sự sáng thì người đó phải là người công bình, còn kẻ có tội thì không muốn đến với sự sáng, vì sợ việc làm của họ bị lộ ra, giống như lời của Chúa đã có đề cập đến điều ấy và đã được ghi lại trong 2 câu Kinh thánh trước đó, tức là câu 19 và 20 cũng ở trong đoạn 3 của sách Tin lành Giăng.

GIĂNG 3: 19-20 – Vả, sự đoán xét đó là như vầy: Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa. Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải bị trách móc chăng.

Thế thì theo như lời của Chúa đã bày tỏ qua các câu gốc vừa được trưng dẫn thì những Cơ-đốc-nhân biết làm theo Lẽ thật là những người đã chịu từ bỏ tội lỗi và nếp sống cũ để sống theo gương mẫu của Kinh thánh, tức là những người đã được tái sanh và đang trong tiến trình nên thánh, nghĩa là họ sẽ được cứu trong tương lai. Chính vì lẽ đó mà họ không ngần ngại gì để đến gần sự sáng của Chúa, bước trong đường lối của Ngài vì biết rằng họ đang cố gắng sống một đời đẹp lòng Chúa. Chính vì sứ đồ Giăng hiểu được như vậy cho nên khi ông thấy các con cái Chúa biết làm theo Lẽ thật thì ông mới tuyên bố rằng đó là sự vui mừng lớn hơn hết của ông. Sứ đồ của Tình Yêu thì chắc chắn là phải vui mừng lắm khi nhìn thấy nhiều linh hồn sẽ được cứu trong tương lai. Chúng ta cũng nên theo gương như vậy của sứ đồ Giăng. Chắn chắn là chúng ta ai nấy đều vui mừng khi nhìn thấy một người đến tin nhận Chúa, nhưng chúng ta cần phải vui mừng hơn nữa khi thấy anh chị em của chúng ta trong đức tin biết sốt sắng học hỏi lời của Chúa, biết tìm hiểu và suy gẫm để phân biệt đâu là lẽ thật và đâu là lẽ giả từ sự suy diễn của con người, và chắc rằng chúng ta cũng sẽ vui mừng lắm khi biết được có thêm nhiều anh chị em cùng với chúng ta cố gắng sống theo Lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh.

Chính Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng không phải là bất cứ Cơ-đốc-nhân nào cũng được cứu vào Thiên đàng. Sẽ có những người mặc dầu miệng nói rằng lạy Chúa, lạy Chúa nhưng cuối cùng rồi cũng bị bỏ ra ngoài để phải chịu hình phạt đời đời. Vì vậy chỉ có những người biết làm theo ý muốn của Chúa mới được cứu rỗi mà thôi, tức là những người hiểu Lẽ thật và biết làm theo Lẽ thật trong Kinh thánh. Cũng chính vì vậy mà điều đó trở thành sự vui mừng lớn nhất của sứ đồ Giăng khi ông nhìn thấy một số các Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ biết làm theo Lẽ thật. Lời của Chúa cho biết là chỉ có những người cố gắng sống một đời nên thánh mới được thấy Đức Chúa Trời, tức là được cứu rỗi, và chỉ có Lẽ thật của Chúa mới giúp cho Cơ-đốc-nhân được nên thánh mà thôi, theo như sự tổng hợp của 3 câu Kinh thánh sau đây:

HÊ-BƠ-RƠ 12: 14 – Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

Và hai câu nữa, cũng chính là lời cầu nguyện của Đức Chúa Jêsus, đó là câu 17 và 19 trong tin lành Giăng đoạn 17:

GIĂNG 17: 17, 19 – Xin Cha lấy Lẽ thật khiến họ nên thánh. Lời Cha tức là Lẽ thật… Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ Lẽ thật mà được nên thánh vậy.

Chúng ta cần phải biết rằng Lẽ thật trong Kinh thánh là những điều phù hợp với ý tưởng chung của cả quyển Kinh thánh, chớ không phải là những điều được diễn giải bởi loài người và có đầy sự mâu thuẫn với phần nầy hoặc phần kia trong lời của Chúa. Đó là nguyên tắc quan trọng đầu tiên mà tôi đã có trình bày trước đây với quý Hội thánh về việc phân biệt đâu là lẽ thật và lẽ giả trong Chủ đề CÁC NGUYÊN TẮC CĂN BẢN TRONG KINH THÁNH. Vì vậy mà khi chúng ta suy gẫm lời của Chúa thì phải dùng phương pháp lấy Kinh thánh giải thích cho Kinh thánh chớ không phải là bóc chụp một đoạn một câu nào đó rồi cứ diễn giải theo sự suy tưởng của cá nhân hoặc theo khả năng học thức của mình. Điều đó thì có nhiều người thực hiện lắm, chẳng hạn như việc dùng cả nữa tiếng đồng hồ để nói về chuyện người nầy người kia hoặc là chuyện thời sự năm châu bốn bể hoặc là để bài tỏ học thức uyên bác của cá nhân rồi cuối cùng mới chêm vào một câu Kinh thánh để cho thấy rằng sự suy diễn dài dòng như vậy là ý tưởng trong lời của Chúa. Diễn giải như vậy không làm cho Cơ-đốc-nhân lớn lên được. Vì vậy mà chúng ta cần phải biết phân biệt đâu là Lẽ thật và đâu là sự suy diễn của cá nhân, cần phải biết điều nào là chân lý trong lời của Chúa và điều nào chỉ là kiến thức của sách vở mà thôi.

Trở lại với sự vui mừng của sứ đồ Giăng thì khi chúng ta chịu khó suy gẫm thêm một chút nữa về lời của ông trong câu gốc nền tảng thì sẽ thấy rằng điều thứ hai mà đã làm cho sứ đồ Giăng vui mừng hơn hết khi nhìn thấy nhiều Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ biết làm theo Lẽ thật là ông hiểu rằng Hội thánh của họ cũng sẽ trở thành những trung tâm làm vinh hiển Đức Chúa Trời giữa thế gian. Đối với một người hết lòng kính yêu Chúa như sứ đồ Giăng thì không còn có điều nào làm cho ông vui mừng lớn hơn nữa khi thấy danh của Chúa được bày tỏ và được vinh hiển giữa xã hội loài người. Sự vinh hiển như vậy đã được đề cập đến trong 1Ti-mô-thê 3: 15.

1TI-MÔ-THÊ 3: 15 – Phòng ta có chậm đến, thì con biết làm thể nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của Lẽ thật vậy.

Trong câu gốc nầy thì xin quý Hội thánh để ý đến các chữ được gạch dưới. Các chữ ấy cho biết rằng Hội thánh của Chúa phải là trụ và nền của Lẽ thật ở giữa thế gian. Bởi vì trần gian nầy thì đầy những tăm tối do tội lỗi của con người gây ra cho nên Hội thánh của Chúa, tức là bao gồm cả Hội thánh vô hình của những người được biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va và mỗi một Hội thánh hữu hình ở tại các địa phương thì phải là trung tâm của ánh sáng để soi rọi cho những kẻ còn sống trong tăm tối. Mà một Hội thánh hữu hình, thí dụ như một Hội thánh địa phương, nếu muốn trở thành ánh sáng, trở thành trụ và nền của Lẽ thật của Chúa giữa thế gian nầy thì Hội thánh đó phải có nhiều người hiểu và biết làm theo Lẽ thật của Kinh thánh. Một Hội thánh địa phương không thể trở nên một trung tâm ánh sánh được nếu trong cả Hội thánh ấy chỉ có một hai người biết sống theo Lẽ thật của Chúa. Còn nếu cả một Hội thánh mà không ai biết Lẽ thật là cái gì giống như câu hỏi của Phi-lát ngày xưa hoặc không có ai làm theo Lẽ thật thì Hội thánh đó sẽ không thể chiếu sáng được trong nơi tối tăm, trái lại còn có thể trở thành một phần của thế gian nữa. Vì vậy mà khi sứ đồ Giăng nhìn thấy nhiều Cơ-đốc-nhân trong một Hội thánh biết làm theo Lẽ thật của Chúa thì ông biết rằng Hội thánh đó sẽ chiếu sáng, mặc dầu có thể là Hội thánh nhỏ và ít người, và danh Chúa sẽ được vinh hiển qua một Hội thánh như vậy. Cho nên bởi thế mà sứ đồ Giăng đã vui mừng hơn hết, tức là không có nỗi vui nào bằng hoặc là không có nỗi vui nào có thể so sánh được.

Trong thời kỳ hiện tại thì Cơ-đốc-nhân thường nghĩ rằng Hội thánh là nơi để nhóm họp thờ phượng và sinh hoạt, là nơi để các tín hữu thông công với nhau, là nơi để làm chứng và truyền giảng, là nơi mà người ta có thể tìm đến để được an ủi, cảm thông hoặc để được giúp đỡ. Suy nghĩ về Hội thánh như vậy thì không có gì sai, nhưng nếu Cơ-đốc-nhân quên rằng Hội thánh phải là trụ và nền của Lẽ thật của Chúa ở giữa thế gian nầy thì dễ lắm mà từ đó có thể biến Hội thánh trở thành một nơi giống như các cơ sở của loài người. Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, các cơ sở và đoàn thể của loài người thì cũng nhiều khi mang các tính cách của một Hội thánh nhưng chỉ thiếu có Lẽ thật mà thôi, chẳng hạn như bệnh viện là nơi mà người ta đến để được điều trị, để được chữa lành, để được chăm sóc, cho nên ngày xưa người ta mới gọi đó là nhà thương, tức là nhà đến để được yêu thương, chớ không phải chỉ là nhà để người bị thương tích tìm đến không mà thôi. Còn nói về tính cách sinh hoạt và thông công thì các câu lạc bộ của người thế gian cũng có cùng một tính cách như vậy. Còn nếu nói về sự thờ phượng thì các chùa miễu và đền đài của người thế gian cũng có hình thức như vậy, chỉ có khác hơn là chúng ta thì thờ phượng Chúa còn họ thì thờ lạy thần tượng mà thôi. Chính bởi lẽ đó mà sự khác biệt lớn nhất giữa một Hội thánh địa phương và các cơ sở khác của người thế gian là việc có Lẽ thật của Chúa để hướng dẫn tất cả các sinh hoạt và làm mục tiêu cho sự nhóm họp của Cơ-đốc-nhân. Khi lời của Chúa chỉ định rằng Hội thánh phải là trụ và nền của Lẽ thật thì điều đó có nghĩa là các thành viên trong Hội thánh ấy phải biết Lẽ thật và phải đồng một lòng hiệp một ý mà sống theo Lẽ thật thì Hội thánh đó mới đạt đến được tiêu chuẩn mà Chúa đã định, vì nếu một Hội thánh mà không biết rõ về Lẽ thật của Chúa hoặc có quá ít người sống theo Lẽ thật của Chúa thì Hội thánh ấy cũng chỉ là một building, một cơ sở, một chỗ nhóm lại như bao nhiêu cơ sở hội họp khác của người thế gian mà thôi, mặc dầu hình thức có khác, danh nghĩa có khác nhưng tựu chung cũng chỉ là một cơ sở trần gian mà thôi. Bởi vậy cho nên Hội thánh phải là nơi để con dân Chúa tìm hiểu, suy gẫm, trau dồi, rao giảng, quảng bá Lẽ thật của Chúa cho mọi người, cũng như Hội thánh phải là nơi bảo vệ và tôn cao Lẽ thật của Chúa, như một ngọn hải đăng soi trong nơi tối tăm cho đến ngày Đấng Christ trở lại. Đó là định nghĩa và là mục tiêu của Hội thánh mà Chúa đã có chỉ định trong lời của Ngài và đó cũng chính là lý do đã làm cho sứ đồ Giăng vui mừng hơn hết khi thấy có thêm những Cơ-đốc-nhân khác trong một Hội thánh biết sống và làm theo Lẽ thật của Kinh thánh, như điều đã được ghi lại trong hai câu gốc sau đây:

2Giăng 1: 4 – Tôi có lòng vui mừng lắm mà thấy trong con cái bà có mấy kẻ làm theo Lẽ thật, theo điều răn mà chúng ta đã nhận lãnh nơi Đức Chúa Cha.

3GIĂNG 1: 3 – Vì tôi rất lấy làm vui vẻ mà thấy mấy anh em đến đây, làm chứng về anh yêu mến Lẽ thật, và về cách anh làm theo Lẽ thật ấy là thể nào.

Sự vui mừng đặc biệt của sứ đồ Giăng là như vậy khi thấy có thêm người nầy người kia yêu mến Lẽ thật và làm theo Lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh. Bởi lẽ đó mà chúng ta cần phải để ý đến các chữ KHÔNG CÓ SỰ GÌ VUI MỪNG HƠN NỮA mà sứ đồ Giăng đã dùng để nói lên tấm lòng của ông trong câu gốc nền tảng sáng hôm nay. Thường thì Cơ-đốc-nhân chúng ta vui vì được Chúa ban phước cho, vui vì được bình an trong Chúa, vui vì được may mắn trong công việc làm, vui vì được chữa lành, vui vì được hạnh phúc, vui vì có mái ấm gia đình, vui vì được xuất ngoại, vui vì con cái học hành đổ đạt, vui vì có xe mới, nhà mới. Những niềm vui của chúng ta thì có nhiều lắm và nếu phải kể hết ra thì không bao giờ đủ, nhưng chúng ta thấy rằng trong tất cả những niềm vui mà con dân Chúa được hưởng trên đất nầy vì niềm vui lớn nhất đối với sứ đồ Giăng là được nhìn thấy Cơ-đốc-nhân biết sống và làm theo Lẽ thật. Vì sứ đồ Giăng là người đã được Đức-Thánh-Linh soi dẫn và cảm động để viết ra một phần của Kinh thánh cho nên điều ông bày tỏ cũng chính là ý muốn của Chúa. Nói như vậy có nghĩa là Đức Chúa Trời muốn mỗi một con dân Ngài phải học theo gương của Giăng mà có niềm vui lớn nhất là thấy anh chị em mình trong đức tin biết học hỏi và sống theo Lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh. Chúng ta vì thế nên lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự vui mừng của chúng ta không những trong mùa lễ năm nay mà là cho cả những năm tháng còn lại trên đất để nhờ đó có thể cảm tạ Chúa một cách dư dật và làm đẹp lòng Ngài luôn luôn. Khi tôi nhắc đến chữ mùa lễ là có ý nói đến mùa lễ Cảm tạ và cả mùa lễ Giáng sinh sắp đến nữa trong những ngày cuối năm. Theo truyền thống của gia đình chúng tôi từ những ngày còn ở tại Việt Nam thì chúng tôi thường thắp đèn cây Giáng sinh vào tuần lễ trước ngày 24 tháng Chạp cho đến ngày đầu năm mới Dương lịch. Sang sống tại Hoa-kỳ thì mùa lễ của chúng tôi được đánh dấu bằng việc thắp đèn cây Giáng sinh bắt đầu từ Chúa nhật trước lễ Cảm Tạ vào tháng Mười Một và cứ để đèn cháy sáng luôn cho đến ngày thứ hai của tháng Giêng mới tắt. Mùa lễ của chúng tôi là như vậy để đánh dấu niềm vui trong Chúa vào những ngày cuối năm và cũng để làm chứng với hàng xóm chung quanh về đức tin của chúng tôi nơi Đức Chúa Jêsus Christ.

Vì vậy chúng tôi ước ao rằng trong mùa lễ năm nay Đức Chúa Trời sẽ thăm viếng con dân Ngài một cách đặc biệt để an ủi, thêm sức, chữa lành và ban phước cho Cơ-đốc-nhân thật nhiều sau gần hai năm chúng ta phải gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với cơn bệnh dịch của thế kỷ cả về phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể, cả về sự nhóm lại tại Hội thánh và các sinh hoạt khác tại nhà riêng, công sở, trường học.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng giúp cho con dân Chúa được vui mừng trọn vẹn trong mùa lễ năm nay cho đến khi bắt đầu một năm mới hầu cho chúng ta được khích lệ, thỏa lòng và có thêm sự hăng hái để theo Chúa thêm một năm nữa trên con đường đức tin. Cầu xin Đức Chúa Trời nhìn thấy sự cố gắng của chúng ta trong việc sống theo Lẽ thật của Chúa để ban phước cho càng dư dật hơn nữa trong những năm tháng tới. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh cảm động con dân Chúa càng hơn để sự vui mừng của chúng ta cứ tăng thêm mãi mỗi một khi nghe biết và được nhìn thấy có thêm nhiều anh chị em trong đức tin biết cố gắng hết sức để sống theo Lẽ thật của Chúa từ nay cho đến ngày Đức Chúa Jêsus trở lại và cứ tiếp tục sống theo như vậy suốt cả cõi đời đời. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *