ĐẤNG ĐỜI ĐỜI ĐÃ GIÁNG SINH

ĐẤNG ĐỜI ĐỜI ĐÃ GIÁNG SINH

Kinh thánh: Giăng 1: 1-18

Câu gốc: 1GIĂNG 5: 20 – Nhưng chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân thật, và chúng ta ở trong Đấng chân thật, là ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời.

Mỗi năm vào mùa Giáng sinh thì khắp nơi trên thế giới người ta đều chưng bày cảnh tượng của đêm mà Đức Chúa Jêsus ra đời. Đó là cảnh chuồng chiên máng cỏ có Ma-ri, Giô-sép và hài nhi Jêsus. Nếu cần phải so sánh thì chúng ta thấy rằng hình ảnh của Đức Chúa Jêsus lúc còn là hài nhi thì được người ta biết đến và liên tưởng đến nhiều hơn là hình ảnh của Ngài khi thi hành chức vụ, chẳng hạn như hình ảnh lúc Chúa rao giảng Bài giảng trên núi cho đoàn dân đông.

Hình ảnh của Đức Chúa Jêsus lúc còn là hài nhi cũng được ghi nhớ đến nhiều hơn là hình ảnh lúc Chúa chịu thương khó trên thập tự giá, vì hình ảnh ấy đau buồn và thương tâm quá. Còn hình ảnh của một em bé sơ sinh nằm ngủ bình yên trong máng rơm khô làm cho người ta cản thấy dễ dàng để yêu mến hơn. Ấy là vì trong tâm lý và ký ức của con người thì trẻ em là ngây thơ vô tội và không đối lập với ai, nên mọi người đều dễ dàng có cảm tình hơn. Còn khi Đức Chúa Jêsus đi rao giảng thì lúc đó Ngài tuyên phán về tội lỗi, về những điều mà con người phải thực hiện hoặc phải từ bỏ, về những điều đúng và sai. Bởi vậy cho nên chúng ta có thể thấy rằng những hình ảnh mà người ta dùng để thờ phượng Đức Chúa Jêsus thì đều hoặc là mô tả lúc Ngài còn là hài nhi hoặc như là một em bé nhỏ nhoi yếu đuối trong vòng tay của mẹ, hoặc là hình ảnh của một người đã bị đóng đinh chết trên thập tự giá. Sự ngây thơ vô tư hoặc sự chết dễ làm cho người ta xúc động mà đến với Chúa hơn là đến với Đấng được mô tả như là đang tuyên phán với loài người về tội ác và hình phạt trong tương lai.

Chính vì tâm lý đó của con người mà ngày Giáng sinh năm tôi tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về Chủ đề ĐẤNG ĐỜI ĐỜI ĐÃ GIÁNG SINH để chúng ta có thể được nhắc nhở rằng chúng ta đang hướng lòng về Đấng tự hữu hằng hữu và sự giáng sinh của Ngài vào trong trần gian chỉ là giai đoạn tạm thời hết sức là ngắn ngủi so với cõi đời đời mà thôi.

Tất cả Cơ-đốc-nhân đều biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng đời đời và chúng ta cũng phải luôn nhớ rằng Đức Chúa Jêsus cũng là Đấng đời đời như vậy, vì Ngài và Đức Chúa Trời là một, như lời của chính Đức Chúa Jêsus đã phán và đã có ghi lại trong tin lành Giăng 10: 30.

Có thể khi nghe đến đây thì một vài người trong vòng quý Hội thánh sẽ ngạc nhiên vì thấy rằng việc nhắc nhở cần phải nhớ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng đời đời thì dường như là dư thừa quá, bởi vì điều đó thì ai mà chẳng biết. Nhưng chúng ta cần phải cẩn thận, bởi vì trong thế gian nầy mặc dầu có hơn 2 tỷ người nói rằng mình tin Chúa hoặc theo đạo, nhưng số người hình dung về Đức Chúa Jêsus như là một hài nhi mới sanh hoặc là một em bé còn nằm trong tay mẹ không phải là ít. Chính vì hình dung về Đức Chúa Jêsus cách như vậy mà người ta thấy rằng việc cầu nguyện với bà Ma-ri dường như là hợp lý hơn là cầu nguyện với Đức Chúa Jêsus. Tâm lý ấy đã xuất phát từ hàng ngàn năm trước và lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay. Ấy là mặc dầu người ta nghĩ rằng họ đang theo Chúa, nhưng vì Ngài bao giờ cũng là một hài nhi dễ thương trong tay mẹ cho nên thay vì cầu nguyện với Ngài thì họ nghĩ rằng cầu nguyện với người mẹ dễ hơn, bởi vì bà là một người trưởng thành, chắc sẽ dễ hiểu thấu tấm lòng của họ hơn và sau đó thì bà sẽ nói lại với Đức Chúa Jêsus thì chắc Ngài sẽ nhậm lời. Bởi vì tấm lòng hiếu thảo của Ngài đối với mẹ cho nên Đức Chúa Jêsus không thể nào từ chối lời yêu cầu của bà Ma-ri khi bà nhân danh người khác mà trình bày với Ngài. Chính vì vậy mà họ thường trưng dẫn câu chuyện xãy ra trong tiệc cưới Ca-na như một bằng chứng rằng Đức Chúa Jêsus luôn luôn nghe lời của mẹ, tức là nghe lời của bà Ma-ri.

Điều nầy là một thực tế và nếu quý Hội thánh còn chưa tin về điều đó thì có thể gặp những người cầu nguyện với bà Ma-ri để hỏi thăm họ vì sao mà họ lại cầu nguyện với bà thường xuyên hơn là cầu nguyện với Đức Chúa Jêsus.

Mặc dầu Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người và Ngài sẽ cầu thay cho con người trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng những người kia thì lại cho rằng bà Ma-ri là đấng trung bảo giữa Đức Chúa Jêsus và con người cho nên nếu họ cầu nguyện với bà thì điều cầu xin của họ sẽ được Chúa chấp nhận dễ dàng hơn.

Lời khẳng định rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người thì đã có đề cập đến trong 1Ti-mô-thê 2: 5.

1TI-MÔ-THÊ 2: 5 – Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người.

Trong câu gốc nầy thì lời Kinh thánh có dùng chữ CHỈ CÓ MỘT tức là chỉ có một mình Đức Chúa Jêsus là Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người mà thôi, nhưng những người cầu nguyện với bà Ma-ri thì đã bỏ qua những chữ ấy để hầu có thể thêm bà Ma-ri vào như là đấng trung bảo thứ hai.

Còn về việc Đức Chúa Jêsus cầu thay cho con người trước mặt Đức Chúa Trời thì lời Kinh thánh cũng đã có đề cập đến trong Hê-bơ-rơ 7: 25.

HÊ-BƠ-RƠ 7: 25 – Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy.

Trong cả Kinh thánh không có chỗ nào ghi rằng bà Ma-ri sẽ cầu thay cho con người trước mặt Đức Chúa Trời hay trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ, nhưng người ta vẫn cố tình thêm thắt tín lý nầy vào niềm tin trong Chúa, với lập luận rằng Đức Chúa Jêsus không thể nào từ khước bất cứ lời yêu cầu nào của bà Ma-ri, bởi vì Ngài không thể là một người con bất hiếu. Mà hễ là Đấng hiếu thảo thì Ngài phải vâng lời bà Ma-ri mà làm theo tất cả những lời bà yêu cầu. Với lý luận ấy mà người ta đã cầu nguyện với bà Ma-ri nhiều hơn là với Đức Chúa Jêsus hay là với Đức Chúa Trời, vì nghĩ rằng lời nói của bà sẽ rất là quan trọng trong Thiên đàng.

Nếu nói thêm về quan niệm nầy thì còn nhiều lắm, bởi vì nó đã được xây dựng và bồi đắp từ hai ngàn năm qua, nhưng dầu tôi chỉ trình bày ngắn gọn như vậy thì quý Hội thánh cũng có thể thấy rằng tâm lý và quan điểm của con người thì rất là quan trọng trong việc ảnh hưởng đến niềm tin trong Chúa. Mà theo tâm lý học cho biết thì quan điểm của con người thường được tạo thành và được xây dựng bởi mắt nhìn cũng như bởi khuynh hướng văn hóa mà người ta có. Chúng ta biết rằng cảm giác gần gũi với người mẹ là khuynh hướng mà đa số nhân loại trong mọi nền văn hóa đều có, bởi vì tất cả mọi người đều được sanh ra từ lòng mẹ, được mẹ bồng ẳm, nuôi dưỡng đến lớn khôn. Nếu khuynh hướng ấy được cộng thêm với hình ảnh và những lời thuyết phục phù hợp với tâm lý chung thì sẽ trở thành nhận thức và rồi trở thành niềm tin khó có thể tẩy xóa được. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể nhận biết rằng những người cầu nguyện với bà Ma-ri đã bị ảnh hưởng bởi hai điều đó, tức là bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng gần gũi với người mẹ và bởi những hình ảnh mô tả Đức Chúa Jêsus như là một hài nhi.

Hình ảnh của bà Ma-ri bồng hài nhi Jêsus trên tay không chỉ được mô tả qua tranh ảnh mà còn được dùng để thờ phượng và chưng bày trong nhà thờ và những chỗ thờ tự khác. Hình ảnh đó được nhìn thấy thường xuyên như vậy lâu ngày sẽ ghi khắc vào tâm khảm của người ta và họ sẽ cứ nhớ về Đức Chúa Jêsus như là một hài nhi non nớt dễ thương còn phụ thuộc vào sự bồng ẳm chở che của mẹ. Cộng vào với hình ảnh ấy thì người ta sẽ thấy tượng hình của Ngài bị đóng đinh chết trên thập tự giá.

Mặc dầu Đức Chúa Jêsus đã sống lại và ngày nay thập tự giá chỉ còn là một biểu hiện của tình yêu, nhưng đối với nhiều người thì Chúa vẫn còn bị đóng đinh trên đó. Hình ảnh ấy được bày biện khắp nơi trong nhà thờ và tại nhà riêng, ngay cả trên đồ trang sức nữa. Bởi lẽ đó mà khi mắt nhìn cứ ghi nhận hình ảnh của Đức Chúa Jêsus như là một hài nhi bé bỏng trong tay mẹ hoặc là một người đã bị đóng đinh chết trên thập tự giá thì tâm lý chung của người ta là sẽ có khuynh hướng cầu nguyện với bà Ma-ri, bởi vì trong hai tình huống đó thì bà vẫn là mẹ và vẫn là người đang sống, tức là có khả năng để làm việc nọ việc kia, còn Đức Chúa Jêsus thì không. Hài nhi thì không thể làm được gì mà người đã chết thì còn bất lực hơn nữa. Bởi lẽ đó mà người ta thấy việc cầu nguyện với bà Ma-ri là thuận lý hơn là cầu nguyện với Chúa hài đồng hoặc là Đấng đã chết trên thập tự giá.

Vì vậy mà chúng ta thấy rằng mặc dầu người ta cho đó là niềm tin trong Chúa nhưng mà ẩn sâu bên trong thì lại là khuynh hướng của con người bị ảnh hưởng bởi tâm lý và bởi mắt nhìn. Và đó chính là một trong những thí dụ giúp cho chúng ta hiểu được tại sao từ ban đầu Đức Chúa Trời đã ngăn cấm con dân Ngài không được thờ lạy thần tượng, ngay cả việc dùng ảnh tượng để mô tả về Ngài, như lời phán của Chúa đã có ghi lại trong Ê-sai 40: 18.

Ê-SAI 40: 18 – Vậy thì các ngươi có thể ví Đức Chúa Trời với ai, lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được?

Bởi lẽ đó mà đối với Cơ-đốc-nhân thì chúng ta thờ phượng Ngài bằng tâm thần và Lẽ thật, chớ không dùng bất cứ một ảnh tượng nào hết. Cũng bởi lẽ đó mà dẫu chúng ta dùng thập tự giá để làm biểu tượng niềm tin của chúng ta trong Chúa thì đó cũng phải là một thập tự giá trống, vì Đức Chúa Jêsus đã sống lại rồi và đã thăng thiên về trời. Thập tự giá ngày hôm nay chỉ còn là biểu tượng tận cùng của tình yêu Chúa chớ không còn có hình ảnh của Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên đó nữa.

Vì vậy mà trong ngày lễ Giáng sinh năm nay thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh nhắc nhở nhau rằng sự giáng sinh của Chúa chỉ là giai đoạn rất ngắn ngủi của việc Đấng đời đời đã giáng thế làm người để cứu chuộc nhân loại mà thôi, còn chính Ngài thì là Đấng tự hữu hằng hữu, là Đấng đã có từ ban đầu và sẽ còn tồn tại đến đời đời, vô cùng vô tận. Đức Chúa Trời là Đấng như vậy và Đức Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời hiện thân thành người, đã giáng sinh vào trong trần gian từ hơn 2,000 năm trước. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì Đức Chúa Jêsus chính là lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người, như đã có ghi lại trong tin lành Giăng 1: 14.

GIĂNG 1: 14 – Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật. Chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.

Chữ NGÔI LỜI trong câu Kinh thánh nầy là có ý mô tả về Đức Chúa Jêsus, rằng Ngài lời nói của Đức Chúa Trời, nhưng để tôn trọng Ngài và vì Đức Chúa Jêsus là Ngôi Hai trong ba ngôi của Đức Chúa Trời, cho nên lời nói của Đức Chúa Trời phải được mô tả bằng chữ Ngôi Lời, như Kinh thánh đã có đề cập đến trong tin lành Giăng 1: 1.

GIĂNG 1: 1 – Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.

Chính Đức Chúa Jêsus cũng đã xác nhận sự đời đời của Ngài khi tuyên bố rằng Ngài đã có trước cả Áp-ra-ham, như có chép trong Giăng 8: 58.

GIĂNG 8: 58 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta.

Vì Đức Chúa Jêsus là Đấng đời đời như vậy cho nên sự giáng sinh của Ngài chỉ là phương thức mà Chúa đã dùng để vào trần gian làm người mà thôi. Với cách thức đó thì bà Ma-ri chỉ là một phụ nữ tin kính được Chúa sử dụng cho sự giáng sinh của Ngài và mối liên hệ của bà với Đức Chúa Jêsus cũng chỉ giới hạn trong trần gian nầy mà thôi. Khi Đức Chúa Jêsus trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá thì giai đoạn làm người của Chúa cũng chấm dứt và mối liên hệ giữa Ngài với bà Ma-ri như là mẹ phần xác của Ngài cũng chấm dứt luôn. Bởi vậy mà khi Đức Chúa Jêsus sống lại thì Ngài không có hiện ra cho bà Ma-ri mà cũng không đi gặp bà, theo như tính cách thông thường của một người con hiếu thảo, mà Ngài lại hiện ra cho bà Ma-ri Ma-đơ-len và sau đó là hiện ra cho các môn đồ. Kinh thánh cũng không hề ghi lại bất cứ sự dặn dò nào có liên quan với bà Ma-ri sau khi Đức Chúa Jêsus sống lại, mặc dầu là bà cũng có mặt tròng vòng các môn đồ của Chúa. Trong vòng các tín đồ đầu tiên của Hội thánh được thành lập sau ngày Đức-Thánh-Linh giáng lâm thì cũng không ai nhắc nhở đến tên của bà. Tất cả mọi người theo Chúa trong thời kỳ ấy đều biết rằng vai trò của bà Ma-ri như là mẹ phần xác của Đức Chúa Jêsus đã chấm dứt và khi Ngài trở lại với vị trí đời đời của Ngài thì bà cũng được xem như bao nhiêu phụ nữ tin kính khác trong Hội thánh mà thôi. Đức tin của bà thì chắc chắn là lớn lao và mạnh mẽ hơn mọi người và tôi không hề có ý định làm giảm giá trị đức tin của một người phụ nữ được ơn nhất thế gian như vậy, vì đã được chính Đức Chúa Trời chọn lựa để đưa lời nói của Ngài vào thế gian thành người. Nhưng khi chúng ta căn cứ vào Kinh thánh thì sẽ thấy rằng ý của Chúa vẫn muốn là bà Ma-ri được tôn trọng như những phụ nữ tin kính khác trong lịch sử của con dân Chúa, chớ không phải là được đặt lên hàng tối cao đến nỗi xem như là mẹ của Đức Chúa Jêsus đến đời đời.

Khi tôi nói rằng căn cứ vào Kinh thánh thì điều đó có nghĩa là chúng ta đọc lại những gương đức tin mà thư Hê-bơ-rơ đã có đề cập đến, trong đó lời của Chúa có nhắc đến tên của các người phụ nữ khác, nhưng lại không có tên của bà Ma-ri. Giáo hội nghị đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem cũng không có nhắc đến tên của bà. Trong sự khải thị mà Đức Chúa Trời cho sứ đồ Giăng thấy về thời kỳ cuối cùng và sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus thì cũng không nhắc đến tên của bà Ma-ri. Và hình ảnh của Thiên đàng trong cõi tương lai cũng không hề có một lời nào nói riêng về bà. Nếu biện luận theo quan niệm của người Công giáo về bà Ma-ri như là mẹ của Đức Chúa Jêsus đến đời đời và Ngài là Đấng hiếu thảo thì Chúa cũng phải nhắc đến tên của bà ít nữa là một lần để sứ đồ Giăng có thể tỏ bày cho các thế hệ sau. Nhưng những điều đó hoàn toàn không có trong Kinh thánh. Không có chỗ nào đề cập một cách tỏ tường rằng phải thờ phượng bà Ma-ri, một chữ cũng không có, hoặc là phải cầu nguyện với bà, hoặc cho biết bà là đấng trung bảo giữa Đức Chúa Jêsus và loài người. Những điều đó hoàn toàn không có trong Kinh thánh.

Những điều ấy thì tất cả chúng ta đều đã biết, nhưng đối với người Công giáo thì họ vẫn khăng khăng biện luận rằng mà Ma-ri vẫn còn là mẹ của Đức Chúa Jêsus cho đến đời đời. Vì vậy mà họ mới cầu nguyện với bà nhiều hơn là cầu nguyện với Đức Chúa Jêsus hoặc là với Đức Chúa Trời.

Bởi vậy cho nên Cơ-đốc-nhân phải luôn luôn nhớ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng đời đời hầu cho không ai trong chúng ta bị cám dỗ mà sa vào khuynh hướng thế gian và quan điểm của con người trong vấn đề nầy. Nhưng ghi nhớ không thì vẫn chưa đủ mà chúng ta phải bày tỏ sự ghi nhớ ấy ra bằng hành động để chứng tỏ đức tin của mình trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Và đó là điều mà chúng ta sẽ suy gẫm đến kế tiếp sau đây.

Vì Đức Chúa Jêsus là một với Đức Chúa Trời, và Ngài là lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người, cho nên khi chúng ta ghi nhớ về sự hiện hữu đời đời của Đức Chúa Jêsus thì đó cũng chính là sự tự hữu đời đời của Đức Chúa Trời. Và tôi xin được thưa trình cùng với quý Hội thánh như thế nầy:

Có một thực tế mà nhiều người đã thấy và chính tôi cũng thấy nữa, đó là sự nhận biết của chúng ta về Đức Chúa Trời khi cầu nguyện với Ngài.

Khi còn thơ bé thì các em thiếu nhi cầu nguyện với Chúa một cách rất là đơn giản, nhiều khi rất là dễ thương. Ấy là các em muốn gì hoặc cần điều gì thì xin với Chúa một cách ngắn gọn về điều ấy, tức đi thẳng vào vấn đề chớ không có nói quanh co. Khi đã là thanh niên và đã trưởng thành rồi thì Cơ-đốc-nhân cầu nguyện với Chúa dài hơn, khéo léo hơn, tức là biết xưng tội, biết tạ ơn rồi mới cầu xin. Khi đã lớn tuổi thì chúng ta cầu nguyện với Chúa ngập ngừng hơn vì đã từng trãi đời sống nhiều rồi và hiểu chính cá nhân mình hơn là thời tuổi trẻ, cho nên khi chúng ta cầu nguyện với Chúa thì rất cẩn thận, dè giữ và rất cung kính. Tôi trình bày điều nầy như là một thí dụ để quý Hội thánh có thể liên hệ đến việc chúng ta ghi nhớ sự đời đời của Chúa và bày tỏ sự ghi nhớ ấy cách như thế nào mà thôi.

Sự cầu nguyện của các hạng tuổi mà tôi vừa đề cập qua là rất tốt và không có gì sai, nhưng khi chúng ta nhớ đến sự đời đời của Chúa thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ thiết thực và rõ ràng hơn, vì dầu trong đời sống nầy chúng ta có từng trãi cách mấy, dầu tuổi tác của chúng ta có cao hơn nhiều người khác đi nữa, thì trước mắt Đức Chúa Trời chúng ta cũng vẫn là một em bé mà thôi. Làm sao loài người chúng ta có thể lấy tuổi tác của mình mà so với sự đời đời vô cùng vô tận của Đức Chúa Trời được, bởi lẽ đó mà Chúa mới cho biết rằng Ngài sẽ bồng ẳm chúng ta suốt trong đời sống nầy và cho đến đời đời trong tương lai, như lời của Chúa đã có ghi lại trong Ê-sai 46: 3 và 4.

Ê-SAI 46: 3-4 – Hỡi nhà Gia-cốp, và hết thảy các ngươi là dân sót của nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe ta, ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng-ẵm các ngươi từ trong lòng mẹ. Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng ẵm và giải cứu các ngươi.

Mặc dầu đây là lời mà Đức Giê-hô-va phán với dân sót lại của Y-sơ-ra-ên, nhưng những lời nầy vẫn dành cho chúng ta, là Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển, bởi vì chúng ta được gọi là tuyển dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh và Áp-ra-ham cũng là tổ phụ của chúng ta trong đức tin.

Khi lời của Chúa cho biết là Ngài gánh vác con cái Ngài từ khi mới sanh và bồng ẳm chúng ta từ khi mới lọt lòng mẹ thì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được. Nhưng khi lời của Chúa cho biết là Ngài tiếp tục bồng ẳm chúng ta ngay cả khi chúng ta đã đầu râu tóc bạc thì điều đó có nghĩa là Chúa muốn nhắc nhở chúng ta nhớ đến sự đời đời của Ngài. Vĩnh viễn chúng ta vẫn là những trẻ thơ trong tay Chúa, và dẫu là trong tương lai có sống đời đời với Ngài thì chúng ta vẫn là con thơ của Chúa, sự khôn ngoan, sự thông hiểu của chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể so sánh được với Ngài, cũng như một trẻ em sơ sinh không thể có từng trãi kinh nghiệm đời sống bằng cha mẹ đã sanh ra em.

Những người cầu nguyện với bà Ma-ri đã làm ngược lại với chân lý ấy. Vì tâm lý của con người và vì hình ảnh của Đức Chúa Jêsus như là một hài nhi mà họ mới nghĩ rằng cầu nguyện với bà Ma-ri là tốt hơn, cũng như việc chuyện trò với người trưởng thành thì dễ được cảm thông hơn. Những người đó đã quên rằng Đức Chúa Jêsus mới là Đấng đời đời mà bà Ma-ri chỉ là con người mà thôi, là một phụ nữ được ơn hơn những phụ nữ khác, nhưng vẫn là một trong những tạo vật của Đức Chúa Trời và của Đức Chúa Jêsus. Chính bà cũng đã nhận biết như vậy như lời mà bà thưa trình với thiên sứ và đã được ghi lại trong Lu-ca 1: 38.

LU-CA 1: 38 – Ma-ri thưa rằng: Tôi đây là tôi tớ Chúa. Xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! Đoạn thiên sứ lìa khỏi Ma-ri.

Sau đó bà còn khẳng định thêm vị trí của bà trước mặt Đức Chúa Trời, tức là cũng trong Đức Chúa Jêsus nữa, vì Ngài chính là Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của cả thế gian. Sự khẳng định vị trí của bà cũng đã được ghi lại trong Lu-ca 1: 46-49.

LU-CA 1: 46-49 – Ma-ri bèn nói rằng: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi, vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước, bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh.

Mặc dầu bà Ma-ri đã bày tỏ vị trí của bà là như vậy nhưng nhiều người vẫn tôn sùng và thờ phượng bà theo khuynh hướng và tâm lý của thế gian.

Còn khi Cơ-đốc-nhân thờ phượng Chúa theo tâm thần và lẽ thật thì chúng ta không làm như vậy, mà cứ nhớ rằng Ngài là Đấng đời đời, là Đấng mới thật sự bồng ẳm chúng ta qua những thăng trần của đời sống và mỗi người chúng ta chỉ là con trẻ trong tay Ngài mà thôi.

Khi chúng ta ghi nhớ như vậy thì sự cầu nguyện của chúng ta sẽ như là của con trẻ tìm đến với Cha thiên thượng để nài xin, để thỏ thẻ tâm sự với Ngài, để lắng nghe lời Ngài dạy bảo. Ghi nhớ sự đời đời của Chúa như vậy sẽ giúp cho Cơ-đốc-nhân nhận biết mình chỉ là con trẻ trước mặt Chúa và bởi đó sẽ được đẹp lòng Ngài, như lời của chính Đức Chúa Jêsus đã phán và đã có ghi lại trong Ma-thi-ơ 19: 14.

MA-THI-Ơ 19: 14 – Song Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước Thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.

Theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus trong câu gốc nầy thì tâm tình giống như con trẻ không những giúp cho Cơ-đốc-nhân được đẹp lòng Chúa mà còn được hưởng phước trong Thiên đàng mai sau. Chẳng những thế thôi, nhờ nhớ đến tính cách đời đời của Chúa mà ngay trong đời nầy chúng ta cũng được vui mừng hơn, bình an ơn, thỏa lòng hơn, bởi vì biết rằng mọi điều xãy đến cho mình chỉ là tạm thời, còn sự đời đời mới là quan trọng, mới là sự sống thật của chúng ta. Nhờ nhận biết sự đời đời của Chúa mà những đau buồn, nhưng tai ương bệnh tật và sự chết đối với chúng ta đều là tạm thời. Trong tương lai Đấng đời đời sẽ lau hết nước mắt của chúng ta và sẽ không còn lo buồn, đau bệnh hoặc sự chết nữa. Đó là lời mà chính Đức Chúa Jêsus đã khẳng định với Giăng khi cho ông nhìn thấy sự khải thị của cõi tương lai, như lời tường thuật lại của ông trong Khải huyền 21: 4.

KHẢI HUYỀN 21: 4 – Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.

Bởi lẽ đó mà việc ý thức sự đời đời của Chúa là điều quan trọng và Cơ-đốc-nhân chúng ta đừng để cho quan niệm của thế gian làm ảnh hưởng đến sự nhận thức đó của chúng ta. Đối với nhiều anh chị em trong Chúa thì lời nhắc nhở nầy có vẻ như là dư thừa, vì đa số con dân Chúa đều biết rằng chúng ta đang tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống và Đức Chúa Jêsus là Đấng đời đời, chớ không phải lúc nào cũng là hài nhi như trong các tranh vẽ và như hình tượng mà người ta đang dùng để thờ lạy. Đa số Cơ-đốc-nhân đều nhận biết Chúa là Đấng đời đời nhưng thật ra thì không phải tất cả các Cơ-đốc-nhân đều có chung sự nhận biết như vậy. Nếu Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng mình đang theo một tôn giáo giống như mọi người trong thế gian thì có thể sẽ gặp nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xu hướng và quan niệm của đám đông, giống như trường hợp của những người bênh vực cho việc cầu nguyện với bà Ma-ri. Chúng ta biết rằng niềm tin trong Đức Chúa Jêsus là một thực tế của đời sống, là một sự thực rõ ràng, rõ ràng như việc tất cả chúng ta đều biết rằng mình có mẹ có cha. Niềm tin trong Chúa không phải là tin theo một tôn giáo với những huyền thoại do con người đặt ra. Thực tế của niềm tin chúng ta được bày tỏ khi chúng ta cảm nhận được sự làm việc của Đức-Thánh-Linh bên trong đời sống mình và thấy được sự sống động một cách chính xác trong lời của Chúa.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thương xót và bày tỏ chính Ngài càng nhiều thêm nữa cho những người biết hết lòng kính sợ Chúa. Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi con dân Chúa đều đặt mục tiêu đời đời làm kim chỉ nam cho chính mình những ngày còn sống trên đất nầy. Và cầu xin sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus Christ làm đầy dẫy tấm lòng của Cơ-đốc-nhân với ân điển dư dật, sự vui mừng, bình an, hớn hở và sốt sắng để chuẩn bị cho năm mới trước mặt mà hầu việc và thêm lên lòng kính yêu Ngài. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *