NHÌN LẠI THÁNG NGÀY QUA

NHÌN LẠI THÁNG NGÀY QUA

Kinh thánh: Thi thiên 90: 1-17

Câu gốc: THI THIÊN 90: 12 – Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.

Kính thưa quý Hội thánh, vào tuần lễ cuối cùng của năm 2021 thì chúng ta sẽ cùng nhau ôn lại thời gian đã qua để có thể biết được là trong suốt một năm chúng ta đã học được những điều gì qua lời của Chúa trong Kinh thánh.

Với câu gốc nền tảng sáng họm nay thì chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã chỉ dạy cho con dân Ngài một trong những phương pháp để có thể được kể là khôn ngoan trong đời sống nầy. Phương pháp ấy là biết đếm các ngày của chúng ta đã trãi qua trên đất. Điều đó không có nghĩa là vào những ngày cuối năm chúng ta kiểm điểm lại xem mình đã được gì trong phương diện vật chất, nhưng ý của Chúa muốn là chúng xem xét lại là mình đã nhận được gì trong phương diện thuộc linh. Vật chất trong đời sống nầy chỉ là điều tạm thời mà thôi, có rồi mất, và đó là điều mà nhiều người trong chúng ta đã kinh nghiệm qua. Chẳng hạn như nhiều người trong chúng ta đã từng có một thời tuổi trẻ, nhưng những ngày tháng ấy đã qua đi lâu lắm rồi. Hoặc chẳng hạn như chúng ta đã từng được khỏe mạnh, nhưng sự cường tráng đó cũng đã suy giãm nhiều rồi theo năm tháng. Hoặc chẳng hạn như chúng ta đã từng có của cải tài sản, nhưng đã bị tước đoạt hết rồi bởi những kẻ mạo nhận là phục vụ quần chúng nhân dân.

Chính vì vậy mà lời của Chúa mới cho biết là vật chất chỉ là sự hư không mà thôi. Nhưng những sự đời đời mới là vĩnh cửu và mới là mục tiêu của đời sống chúng ta. Chính bởi lẽ đó mà việc tổng kết của chúng ta vào những ngày cuối năm là xem thử trong suốt một năm qua chúng ta đã học được những gì từ lời của Chúa và biết thêm được bao nhiêu về ý muốn của Ngài. Kiểm điểm lại như vậy thì mới đúng với ý nghĩa của việc đếm ngày tháng mà lời của Chúa đã dạy dỗ trong Thi thiên 90: 12. Chỉ khi nào chúng ta biết đếm các sự thuộc linh mà mình đã học hỏi và kinh nghiệm được cũng như sự nhận biết rõ ràng về đường lối của Đức Chúa Trời thì lúc đó chúng ta mới được kể là người khôn ngoan trong Chúa, theo như lời Kinh thánh đã xác nhận trong Ô-sê 14: 9.

Ô-SÊ 14: 9 – Ai là người khôn ngoan mà hiểu những sự nầy? Ai là người giỏi giang mà biết những sự đó? Vì các đường lối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng. Những kẻ công bình sẽ bước đi trong đó, còn những kẻ phạm phép thì vấp ngã trong đó.

Tất cả chúng ta đều biết là khi đến với Chúa để thờ phượng Ngài thì việc suy gẫm của chúng ta là để biết ý muốn của Chúa mà làm theo, chớ không phải là đến thờ phượng Chúa để nghe chuyện tin tức thời sự. Vì vậy mà chúng ta mới dùng những ngày cuối năm như thế nầy để kiểm điểm lại những điều mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm suốt một năm qua từ trong lời Kinh thánh.

Chủ đề chính của chúng ta trong năm 2021 là CON ĐƯỜNG THEO CHÚA CỦA CƠ-ĐỐC NHÂN, và trên con đường ấy thì chúng ta có tất cả là 10 bước. Bước thứ nhất là nhận biết rằng mình có tội, tức là có sự phạm tội trước khi tin Chúa và ngay cả sau khi đã tin nhận Ngài thì cũng có những lúc yếu đuối lầm lỗi bởi vì bất cẩn, vì bị cám dỗ, vì yếu đức tin hoặc vì chìu theo tư dục của bản ngã. Sự nhận biết như vậy là quan trọng để chúng ta có thể nghe được tiếng kêu gọi của Chúa cũng như nghe được sự dạy dỗ của Ngài, bởi vì Đức Chúa Jêsus đã cho biết là Ngài đến để kêu kẻ có tội chớ không phải đến để kêu kẻ tự cho mình là công bình, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 9: 13.

MA-THI-Ơ 9: 13 – Hãy đi và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.

Và một câu nữa trong Mác 2: 17.

MÁC 2: 17 – Đức Chúa Jêsus nghe vậy, bèn phán cùng họ rằng: Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh. Ta chẳng phải đến để gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội.

Bởi lẽ đó mà sự nhận biết tội lỗi trong đời sống cá nhân là bước đầu tiên trong tiến trình theo Chúa, bởi vì chỉ có sự nhận biết như vậy mới giúp cho một người nghe được tiếng kêu gọi của Chúa để đến với Ngài mà thôi.

Bước thứ hai trên tiến trình theo Chúa là sự ăn năn, bởi vì nếu không có sự ăn năn thì sự nhận biết rằng mình có tội sẽ không giúp ích gì được cho cá nhân của người đó mà chỉ làm cho người đó trở nên chai lì với tội lỗi hơn mà thôi, chẳng hạn như những kẻ tội phạm trong thế gian nầy. Những kẻ đó biết rằng điều họ đã làm là phạm luật pháp của loài người, nhưng họ không hề ăn năn, ngay cả khi bị bắt giữ, bị tuyên án và bị phạt tù. Tù giam đối với những kẻ ấy chỉ là dịp để được nghỉ ngơi, để được trau dồi thêm khả năng phạm tội, để được học hỏi thêm tay nghề từ những tù nhân khác, và đến khi được ra khỏi tù thì những kẻ ấy sẽ phạm tội tinh vi hơn, xảo quyệt hơn, biết cách tránh né cảnh sát giỏi hơn, biết cách qua mặt luật pháp dễ dàng hơn. Thành ra người ta mới nói rằng đàn anh trong giới giang hồ thường là những kẻ vào tù ra khám nhiều lần.

Chính bởi lẽ đó mà trong phương diện thuộc linh thì sau khi đã nhận biết rằng mình có tội thì bước kế tiếp phải là biết ăn năn thật lòng trước mặt Chúa, có nghĩa là cố hết sức để không tái phạm lại tội lỗi cũ lần thứ hai. Những điều đó thì chúng ta đã có cùng nhau suy gẫm qua trong Chủ đề GƯƠNG ĂN NĂN CỦA VUA ĐA-VÍT. Chúng ta đều biết rằng sau khi phạm tội với bà Bát-sê-ba và đã thật lòng ăn năn thì vua Đa-vít không bao giờ tái phạm lại tội lỗi cũ, nghĩa là không bao giờ luyến ái với bất cứ người nữ nào không phải là vợ của ông. Kinh thánh đã cho chúng ta thấy được điều đó khi tường thuật lại câu chuyện của A-bi-sác người Su-nem. Mặc dầu A-bi-sác là một người nữ trẻ tuổi và có nhan sắc đặc biệt, và mặc dầu vua Đa-vít vẫn có khả năng luyến ái và có quyền luyến ái với bất cứ ai vì là một vị vua, nhưng ông vẫn không để cho chuyện đó xãy ra giữa ông với A-bi-sác, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong 1Các Vua 1: 1-4.

1CÁC VUA 1: 1-4 – Vua Đa-vít đã già, tuổi cao; và mặc dầu người ta đắp áo cho người cũng không thể ấm được. Các tôi tớ người nói với người rằng: Xin tìm cho vua chúa tôi một gái trẻ đồng trinh, để hầu hạ vua và săn sóc vua. Nàng sẽ nằm trong lòng vua, thì vua chúa tôi có thể ấm được. Vậy người ta tìm trong khắp địa phận Y-sơ-ra-ên một người gái trẻ đẹp, và gặp được A-bi-sác, người Su-nem, dẫn nàng đến cùng vua. Người gái trẻ nầy rất là lịch sự. Nàng săn sóc và hầu hạ vua; nhưng vua không thân cận nàng.

Có nhiều người biện minh rằng có lẽ vì vua Đa-vít đã quá già yếu rồi cho nên ông không còn có sức luyến ái nữa nên điều đó đã không xãy ra giữa ông và A-bi-sác. Nhưng trong thực tế thì dầu người đàn ông đã già và lớn tuổi thì họ cũng vẫn còn khả năng mặc dầu không giống như thời trai trẻ. Kinh thánh cho biết là sau khi Sa-ra qua đời thì Áp-ra-ham vẫn còn lấy thêm một người vợ khác tên là Kê-tu-ra và sanh được các con trai, như đã được ghi lại trong Sáng thế ký 25: 1-6. Lúc đó thì Áp-ra-ham đã cao tuổi lắm rồi.

Thực tế cũng cho thấy là có nhiều người đã 60, 70 tuổi mà còn về Việt Nam cưới vợ nhỏ hơn họ đến phân nữa tuổi đời, thậm chí còn nhỏ hơn tuổi con út của họ nữa, mà họ lại là người lao động bình thường, thì huống chi là vua Đa-vít. Ông là một chiến sĩ và là một vị vua được chăm sóc sức khỏe tốt. Cho nên chúng ta có thể thấy được là sự ăn năn của Đa-vít là hoàn toàn thật lòng và hết sức là tuyệt đối. Bởi vậy mà ông mới được Chúa thương xót.

Khi đề cập đến thực tế vừa rồi thì tôi không có ý bênh vực hoặc khuyến khích điều đó đâu, vì đó là chuyện của những người chưa tin, còn đối với Cơ-đốc-nhân thì chúng ta phải cẩn thận về vấn đề ấy. Lời của Chúa, là Đấng không bao giờ thay đổi, đã có tuyên phán rõ ràng về việc bỏ vợ cũ để đi lấy vợ mới, như đã có ghi lại trong sách Ma-la-chi 2: 14-16.

MA-LA-CHI 2: 14-16 – Các ngươi lại nói rằng: Vì sao? Ấy là vì Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và là vợ giao ước của ngươi. Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh. Vậy, các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình, chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vậy, hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi cho nên luật pháp của Ngài dành cho người Y-sơ-ra-ên ngày xưa cũng là luật pháp mà Chúa sẽ dùng để đoán xét Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay, ngoại trừ những luật pháp làm hình bóng mà thôi, chẳng hạn như việc giết chiên con để làm lễ Vượt qua. Vì vậy mà trong vấn đề hôn nhân thì con dân Chúa phải cẩn thận, kẻo không có cơ hội sửa đổi lại lầm lỗi của mình. Vấn đề nầy thì tôi sẽ có dịp trình bày một cách chi tiết hơn để trả lời cho những thắc mắc bấy lâu nay có liên quan đến cuộc sống hôn nhân và gia đình của con cái Chúa trong thời kỳ hiện đại. Còn bây giờ thì chúng ta trở lại với Chủ đề chính của chúng ta trong những ngày tháng qua.

Sau khi đã thực hiện được bước thứ nhất và bước thứ hai, là nhận biết rằng mình có tội và ăn năn, thì bước kế tiếp là tin nhận Chúa hay nói một cách chính xác hơn là tin nơi Chúa và tiếp nhận Ngài làm Chủ đời sống mình. Việc tin nơi Chúa và tiếp nhận Ngài được nói ngắn gọn lại là tin nhận Chúa. Vấn đề nầy thì Cơ-đốc-nhân nào cũng biết nhưng để hiểu chữ tin một cách chính xác thì lại là vấn đề khác. Chỉ khi nào tin nơi Chúa một cách hoàn toàn thì sự tiếp nhận Ngài mới có ý nghĩa thật sự, còn bằng không thì sự tiếp nhận Chúa làm Chủ cuộc đời mình chỉ là một hình thức bề ngoài mà thôi, chớ không có chủ tâm hoặc không có sự cố gắng giữ vẹn lời hứa ấy. Điều đó thì đã thấy xãy ra nhiều lắm trong vòng Cơ-đốc-nhân. Chính bởi lẽ đó mà tôi đã cố gắng trình bày nhiều Chủ đề khác nhau có liên quan đến việc tin nơi Chúa để giúp cho Cơ-đốc-nhân có thể gây dựng và phát triển niềm tin nơi Đức Chúa Trời một cách hoàn toàn, bởi vì đó là điều mà Chúa đòi hỏi. Trong Kinh thánh không có chỗ nào cho biết là Chúa chấp nhận người theo Ngài chỉ có đức tin 99% còn 1% kia là nghi ngờ. Trái lại đức tin của chúng ta đặt nơi Chúa phải là đức tin hoàn toàn 100%, như lời Kinh thánh đã có bày tỏ ra trong Hê-bơ-rơ 10: 25.

HÊ-BƠ-RƠ 10: 22 – Cho nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.

Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cho chúng ta thấy rằng Cơ-đốc-nhân phải tìm đến với Ngài bằng đức tin trọn vẹn, nghĩa là đức tin 100%, chớ chẳng phải là đức tin mà có một chút xíu nghi ngờ.

Nhưng có lẽ sẽ có người hỏi rằng làm sao biết được đức tin thế nào mới là trọn vẹn 100%. Với câu hỏi ấy thì tôi xin thưa như thế nầy: Vì Đức Chúa Trời là Đấng không thấy được và vì tấm lòng của con người cũng khó mà lấy thước đo được, cho nên chính việc tin nơi Kinh thánh sẽ bày tỏ ra rằng đức tin của một người có đạt được đến 100% hay không. Khi tôi đề cập đến việc tin Kinh thánh 100% thì điều đó không có nghĩa là chúng ta tin luôn cả những lỗi chính tả thường thấy trong các bản dịch Kinh thánh. Đó là lỗi của người sắp chữ, của hãng in. Còn ý của tôi muốn nói là Cơ-đốc-nhân chúng ta phải tin đến nội dung của Kinh thánh, tức các ý tưởng chung xuyên suốt từ Sáng thế ký đến Khải huyền. Ý tưởng đó, nội dung đó là do sự soi dẫn của Chúa và chúng ta phải nhận biết như vậy để tin theo một cách hoàn toàn, như lời Kinh thánh đã trở nên quen thuộc với chúng ta trong 2Ti-mô-thê 3:16 và 17.

2TI-MÔ-THÊ 3: 16-17 – Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.

Sự soi dẫn của Đức Chúa Trời là làm cho nội dung của Kinh thánh được thống nhất từ đầu đến cuối và không hề có sự mâu thuẫn nào giữa các lẽ thật và các mạng lệnh của Chúa. Đức tin trọn vẹn 100% là tin như vậy, chớ không phải là tin vào phần nầy của Kinh thánh mà lại nghi ngờ phần kia, hoặc là tự mâu thuẫn với các lẽ thật trong lời của Chúa. Chínb bởi lẽ đó mà tôi đã cùng với quý Hội thánh suy gẫm qua về Chủ đề ĐỨC CHÚA JÊSUS VÀ CÁC THÍ DỤ CỦA NGÀI. Vì nếu một người nói rằng tin nơi Đức Chúa Trời và nơi Đức Chúa Jêsus là Đấng Chân Thật mà lại diễn giải rằng các thí dụ của Chúa chỉ là chuyện tưởng tượng mà thôi thì đức tin của những người đó không phải là đức tin thật, tức là không phải là đức tin 100%. Bởi vì Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời và là Đấng Chân Thật cho nên Ngài không thể nào nói chuyện không có được, ngay cả khi dùng thí dụ để dạy dỗ con cái Ngài. Chúng ta là loài người mà khi muốn cho người khác tin đến lời nói của mình mà còn kể ra các thí dụ thực tế trong đời sống thì huống chi là Đức Chúa Jêsus, là Đấng Khôn Ngoan và thông hiểu mọi điều trong cả vũ trụ thì chẳng lẽ Ngài lại dùng một thí dụ không có thật để dạy dỗ loài người chúng ta?

Bởi lẽ đó mà tôi mới thưa trình cùng với quý Hội thánh rằng mặc dầu đức tin không thể đo lường được bằng thước đo của loài người, nhưng nhờ nhìn thấy hành động và nghe được lời nói của người khác mà chúng ta biết được là đức tin của họ đến đâu. Việc nhận biết như vậy đã được lời của Chúa bày tỏ ra trong Gia-cơ 2: 18.

GIA-CƠ 2: 18 – Hoặc có kẻ nói: Ngươi có đức tin, còn ta có việc làm. Hãy chỉ cho ta đức tin của ngươi không có việc làm, rồi ta sẽ chỉ cho ngươi đức tin bởi việc làm của ta.

Trong câu Kinh thánh nầy, khi lời của Chúa đề cập đến việc đức tin mà không có việc làm tương xứng cặp theo thì điều đó ứng với việc người ta nói rằng có đức tin nơi Đức Chúa Jêsus mà lại cho rằng lời nói của Ngài có lúc không chân thật, tức là cho rằng những thí dụ của Ngài là chuyện tưởng tượng hoặc là chuyện không có. Đức tin và lời nói của những người đó hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, tức là đức tin mà không có lời nói tương xứng cặp theo, và đó là những thí dụ mà tôi đã có trình bày qua để quý Hội thánh hiểu được là đức tin 100% nơi Chúa phải là thế nào.

Chính bởi lẽ đó mà các chủ đề mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua trong năm 2021 cốt là để giúp chúng ta xây dựng và phát triển đức tin của chúng ta trong Chúa. Bởi vì nếu nói rằng mình tin nơi Chúa mà lại không tin hoàn toàn nơi Kinh thánh hoặc bỏ qua phần nầy phần kia, hoặc là đưa thêm tư tưởng riêng của mình vào trong lời của Chúa thì những người làm như vậy tự chứng tỏ rằng họ không có đức tin thật nơi Đức Chúa Trời.

Chẳng hạn như việc có người cho rằng không có hỏa ngục và lý lẽ rằng những kẻ tội nhân sau khi qua đời rồi thì chỉ chịu đau đớn một chút rồi sau đó tan biến vào hư vô. Lý lẽ đó là quan niệm của những người chưa tin nhưng mà họ lại du nhập vào trong Hội thánh và có thêm một chút sửa đổi để làm ra vẻ như phù hợp với tình yêu thương của Chúa, nhưng thật ra là họ đã không suy nghĩ đến mỹ đức công bằng của Đức Chúa Trời khi Ngài xử phạt tội lỗi của loài người.

Suy nghĩ và diễn giải như vậy là quan điểm sai lầm của việc không hiểu mỹ đức công bằng của Chúa, không hiểu tính cách đời đời của linh hồn con người mà cũng không biết yêu thương theo Lẽ thật là như thế nào. Những điều ấy thì tôi đã có trình bày qua trong Chủ đề TẠI SAO PHẢI CÓ HỎA NGỤC.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho người ta lầm lẫn về các chân lý quan trọng trong Kinh thánh là vì họ không hiểu sự yêu thương theo Lẽ thật mà Chúa đã có dạy dỗ trong lời của Ngài. Đa số Cơ-đốc-nhân thì đều nhớ đến chữ yêu thương nhưng lại không biết đến các nguyên tắc yêu thương trong Lẽ thật. Như những điều mà chúng ta đã học qua thì tất cả mọi người đều biết yêu thương, nhưng đa số yêu thương là vì tư kỷ, vì lợi riêng cho cá nhân hoặc là yêu thương để lấy tiếng tăm, thậm chí có nhiều lúc họ yêu thương một cách mù quáng đến độ đi đến việc phạm tội sát nhân. Các vụ án mạng vì tình thì xãy ra nhiều lắm trên cả thế giới và báo chí vẫn đưa tin hàng ngày. Nếu muốn kể ra những vụ án mạng như vậy thì chắc một vài người trong vòng quý Hội thánh còn biết nhiều hơn tôi, bởi vì những tin tức như vậy thu hút rất nhiều sự chú ý của mọi người.

Sự yêu thương trong Chúa là yêu theo Lẽ thật của Ngài chớ không phải là yêu theo quan điểm của loài người. Nhưng nhiều Cơ-đốc-nhân vẫn bỏ qua nguyên tắc ấy để làm theo ý riêng. Bởi lẽ đó mà mặc dầu luật pháp của Chúa không cho phép vợ chồng được ly dị nhau ngoại trừ một trong hai người phạm tội ngoại tình thì nhều Cơ-đốc-nhân vẫn cứ cố sức tranh biện để được làm theo luật pháp của loài người, là hễ có tờ giấy ly dị là được quyền cưới người khác. Họ làm như là luật pháp của con người quan trọng hơn là luật pháp đời đời của Chúa dành cho con dân Ngài.

Luật pháp của Chúa về vấn đề nầy đã được chính Đức Chúa Jêsus dạy dỗ và đã có ghi lại trong Ma-thi-ơ 5: 32.

MA-THI-Ơ 5: 32 – Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm. Lại nếu người nào cưới đàn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.

Luật pháp nầy cũng đã được nhắc đến trong nhiều chỗ khác của Kinh thánh nhưng Cơ-đốc-nhân vẫn tiếp tục làm ngơ và biện minh rằng vì luật pháp của loài người cho phép nên họ cứ tự nhiên mà bỏ qua luật pháp của Chúa. Hành động như vậy làm sao được kể là có đức tin 100% nơi Kinh thánh? Vấn đề nầy đã tạo nên một sự tranh luận rất lâu dài trong Hội thánh từ xưa đến nay. Vì vậy mà trong năm mới tới đây thì tôi sẽ xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm một cách chi tiết hơn đến đề tài ấy để chúng ta có thể biết được rõ ràng là luật pháp của Chúa đã dạy dỗ thế nào về cuộc hôn nhân của con dân Chúa khi còn sống giữa thế gian nầy. Ngoài ra việc tìm hiểu chi tiết như vậy cũng giúp cho các em thanh niên biết cẩn thận hơn trước khi quyết định có người yêu hoặc là quyết định đi đến hôn nhân. Chủ đề nầy sẽ rất dài và nhiều anh chị em ở đây đã biết rồi nhưng tôi cũng xin được nhắc lại để giúp đỡ cho những anh chị em khác của chúng ta.

Ngoài ra khi tin đến Kinh thánh 100% thì chúng ta cũng nhờ đó mà biết thêm về cõi tương lai, là thế giới mà mắt thường không thể thấy được. Nhờ tin nơi lời Kinh thánh mà chúng ta biết được tương lai của mình sẽ như thế nào nếu chúng ta cứ mạnh mẽ và trung tín trong đức tin. Chính vì vậy mà chúng ta đã có suy gẫm về mối liên hệ giữa Cơ-đốc-nhân và các thiên sứ hầu có thể chuẩn bị cho ngày gặp mặt nhau trong tiệc cưới Chiên Con khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.

Thông thường thì Cơ-đốc-nhân chúng ta rất thích nghe tiên đoán về những sự kiện sẽ xãy ra trong ngày cuối cùng, trước khi tiếng kèn của Chúa được thổi vang trên không trung báo hiệu sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus Christ. Được biết trước về những điều ấy để chuẩn bị là điều tốt. Ngoài ra thì biết được như vậy cũng thỏa mãn được tánh tò mò của chúng ta, nhưng Cơ-đốc-nhân cần phải biết rằng sự chuẩn bị là quan trọng hơn cả, tức là tâm linh ở bên trong thì quan trọng hơn là sự kiện ở bên ngoài, vì rõ ràng rằng Đức Chúa Jêsus đã cho biết là không ai trong vòng loài người hay thiên sứ biết được chính xác ngày đó là ngày nào, chỉ có một mình Đức Chúa Trời biết mà thôi. Vì vậy sự chuẩn bị tâm linh của chính mình là điều mà Cơ-đốc-nhân có thể làm, còn sự kiện bên ngoài thì chúng ta không điều khiển được cũng không thay đổi gì được, biết nhiều cũng chỉ làm cho lo lắng thêm mà thôi. Bởi vậy cho nên chỉ có tâm linh bên trong mới giữ được cho Cơ-đốc-nhân trung tín và bền đỗ cho đến cuối cùng, như lời của Chúa đã có cho biết trong Công vụ 14: 21 và 22.

CÔNG VỤ 14: 21-22 – Khi hai sứ đồ đã rao truyền Tin lành trong thành đó, và làm cho khá nhiều người trở nên môn đồ, thì trở về thành Lít-trơ, thành Y-cô-ni và thành An-ti-ốt, giục các môn đồ vững lòng, khuyên phải bền đỗ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta để ý các chữ được gạch dưới trong 2 câu gốc nầy thì sẽ thấy rằng lời của Chúa cho biết là Cơ-đốc-nhân phải bền đỗ trong đức tin thì mới vào được nước Đức Chúa Trời.

Còn về sự trung tín thì lời của Chúa cũng đã có nhắc nhở đến trong Khải huyền 2: 10.

KHẢI HUYỀN 2: 10 – Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy, ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách. Các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống.

Theo như lời của Chúa thì sự sống đời đời chỉ được ban cho khi Cơ-đốc-nhân biết giữ sự trung tín trong đức tin cho đến hơi thở cuối cùng, chớ không phải là ban cho sau khi tin nhận Chúa như nhiều người vẫn lầm tưởng. Bởi vì trong thực tế đã có nhiều Cơ-đốc-nhân thối lui và chối bỏ đức tin chỉ sau một thời gian tin nhận Chúa, chẳng hạn như Đê-ma trong thời kỳ của Phao-lô, hoặc là có người đã tiếp nhận Chúa rồi mà vẫn lừa dối Đức-Thánh-Linh, chẳng hạn như trường hợp của vợ chồng A-na-nia vả Sa-phi-ra. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân phải biết giữ sự trung tín và bền đỗ trong đức tin cho đến cuối cùng thì mới nhận được sự sống đời đời.

Sự trung tín và bền đỗ trong đức tin như vậy cũng là điều mà tôi luôn luôn ghi nhớ, vì lời của Chúa có cho biết về phần thưởng tuyệt diệu mà Ngài sẽ ban cho những người biết rao giảng lời Ngài theo ý muốn của Đức Chúa Trời, như đã có ghi lại trong

1TI-MÔ-THÊ 4: 16 – Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con. Phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu.

Phần thưởng đời đời của Chúa dành cho sự rao giảng lời của Ngài một cách chân thật và bền đỗ không những là ban cho người tôi tớ Chúa mà còn là cho người nghe nữa. Vì vậy mà tôi đã cố gắng giảng để đẹp lòng Đức Chúa Trời chớ không phải là đẹp lòng người nghe, theo như gương của Phao-lô mà ông đã có cho biết trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 2: 4.

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2: 4 – Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin lành, cho nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi.

Phao-lô đã xác nhận mục tiêu chính yếu của người rao giảng Tin lành là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng nghe lời người ta nói ra trước mặt Ngài, nhất là khi nhân danh Ngài để rao báo cho loài người và cho Cơ-đốc-nhân, vì vậy mà Phao-lô đã hết sức rao giảng để được đẹp lòng Chúa hầu có thể xứng đáng với địa vị là tôi tớ của Đức Chúa Trời chí cao và của Đấng Christ, như lời của ông đã bày tỏ ra trong Ga-la-ti 1: 10.

GA-LA-TI 1: 10 – Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn làm đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng loài người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

Phao-lô là tấm gương sáng về tâm tình của một người hầu việc Chúa và mặc dầu chính tôi sẽ chẳng bao giờ có thể làm nổi những điều mà Phao-lô đã làm, dầu 1/1000 hoặc 1/10,000 cũng không, nhưng ít nữa thì tôi cũng có thể theo gương của ông trong sự giảng dạy, bởi vì đó là điều mà Phao-lô muốn tất cả các Cơ-đốc-nhân, nhất là những người hầu việc Chúa cần phải noi theo, như lời của ông đã cho biết trong Phi-líp 4: 9.

PHI-LÍP 4: 9 – Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em.

Quả thật là chúng ta muốn được phước trong Chúa, muốn được hưởng sự bình an thật trong Ngài, vì vậy mà chúng ta nên cùng nhau cố gắng tập tành sống theo gương của Phao-lô để có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà việc chúng ta nhìn lại tháng ngày đã qua trong năm 2021 là nhằm để xem xét lại những điều mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm trong lời của Chúa suốt trong một năm dài, tức là suốt trong thời gian căn bệnh dịch xãy ra và làm cho thế giới có nhiều biến động. Dầu hoàn cảnh có khó khăn, việc nhóm lại có bị ngăn trở và hạn chế, nhưng chúng ta đã bày tỏ được tấm lòng trung tín và bền đỗ của mình trước mặt Chúa bằng việc tìm kiếm Ngài, thờ phượng Ngài và suy gẫm lời của Chúa một cách cẩn thận kỹ lưỡng. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời có nhìn thấy sự cố gắng và tấm lòng kiên trì của chúng ta để tưởng thưởng cho thật nhiều trong năm mới nầy.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thương xót và ban cho chúng ta sự bình an lớn cũng như ban cho những ơn phước tuyệt diệu khác vì chúng ta đã trung tín bền đỗ trước mặt Ngài trong suốt một năm. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên đường lối của Ngài trong năm mới 2022 cho đến khi chúng ta được diện kiến dung mạo tuyệt mỹ của Chúa ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng để chúng ta không những hiểu được rõ ràng lời của Ngài mà còn được thêm cho sức lực để có thể làm theo trọn đời sống nầy và suốt cả cõi đời đời mai sau. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *