THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Ma-thi-ơ 3: 8

TÌNH YÊU THƯƠNG TRONG LUẬT PHÁP 2

TẠI SAO PHẢI KẾT QUẢ SAU KHI ĂN NĂN?

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 3: 1-12

Câu gốc: MA-THI-Ơ 3: 8 – Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

Chủ đề ngày hôm nay nằm trong Chủ đề chính là TÌNH YÊU THƯƠNG TRONG LUẬT PHÁP cho nên chúng ta cũng có thể gọi là phần thứ 2 của Chủ đề ấy.

Như chúng ta đã biết thì trọng tâm căn bản trong luật pháp của Chúa là tình yêu thương.

RÔ-MA 13: 9 – Vả, những điều răn nầy: Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam, và mọi điều răn khác nữa, bất luận điều nào, đều tóm lại trong một lời nầy: Ngươi phải yêu kẻ lân cận mình như mình.

GA-LA-TI 5: 14 – Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.

Vì vậy khi Cơ-đốc-nhân nói rằng vì mình đang sống trong thời kỳ Ân điển nên không cần làm theo luật pháp của Chúa thì người đó chưa hiểu được Kinh thánh bao nhiêu. Theo lời của Chúa cho biết thì tình yêu thương tức là làm theo luật pháp.

RÔ-MA 13: 8 – Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình ấy là đã làm trọn luật pháp.

RÔ-MA 13: 10 – Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận; vậy yêu thương là sự làm trọn luật pháp.

Nhưng khi đọc đến các câu Kinh thánh nầy thì nhiều Cơ-đốc-nhân lại làm ngược lại điều Chúa muốn.

Họ nói rằng khi họ yêu thương thì đã làm theo luật pháp rồi, nhưng sự yêu thương của họ thì nhiều khi trong thực tế lại là sự yêu thương theo quan niệm riêng hoặc yêu thương để được lợi ích cho cá nhân, chẳng hạn như được nổi tiếng, được khen là người hào phóng, rộng rãi, tin kính, hoặc là họ chỉ yêu thương khi nào được thuận lợi, dễ dàng, dư dật mà thôi, chẳng hạn như sự dâng hiến của người Pha-ri-si và người đàn bà góa.

Vì vậy điều mà Chúa muốn là Cơ-đốc-nhân phải làm theo luật pháp để bày tỏ tình yêu thương, bởi vì nền tảng căn bản trong tất cả luật pháp của Chúa là tình yêu thương. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân cần phải phân biệt giữa sự yêu thương là làm trọn luật pháp và sự làm theo luật pháp để bày tỏ tình yêu thương.

Sự khác biệt giữa hai điều đó chính là một trong những lý do khích lệ chúng ta tìm hiểu từng luật pháp một mà Chúa đã có cho ghi lại trong Kinh thánh, tức là các mạng lệnh được bắt đầu bằng các chữ HÃY, ĐỪNG, PHẢI, CHỚ.

Nhưng trước hết thì tôi xin được tóm tắt như thế nầy để cho quý Hội thánh có thể dùng làm căn bản cho việc chúng ta nghiên cứu về luật pháp của sự yêu thương: Người ta có thể yêu thương mà không thật lòng, bởi lẽ đó mà họ cố tình không muốn làm theo luật pháp nhưng lại biện minh rằng chỉ cần yêu thương là đã làm theo luật pháp rồi. Nhưng khi một người có lòng yêu thương thật thì người đó sẽ vâng giữ luật pháp một cách trọn vẹn vì biết rằng đó là cách bày tỏ tình yêu thương đẹp lòng Chúa nhất, vì luật pháp của Ngài đặt căn bản trên tình yêu thương.

Bởi lẽ đó mà hôm nay chúng ta nghiên cứu câu gốc trong Ma-thi-ơ 3: 8 để thấy tình yêu thương trong luật pháp của Chúa là thế nào.

MA-THI-Ơ 3: 8 – Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

Khi lời của Chúa có ghi lại mạng lệnh nầy thì chúng ta biết rằng có những người ăn năn mà không hề có kết quả gì hết. Vì nếu tất cả những người ăn năn tội lỗi mình trở về với Chúa mà đều có một đời sống kết quả thì câu Kinh thánh nầy không cần được ghi lại trong lời của Chúa.

Vậy thì sự kết quả của một tấm lòng ăn năn là như thế nào?

Tất cả chúng ta đã biết là sự ăn năn thật tức là không bao giờ tái phạm lại tội lỗi cũ, căn cứ vào lời phán của Đức Chúa Jêsus trong

GIĂNG 5: 14 – Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.

2PHI-E-RƠ 2: 20-22 – Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.

Chúng ta có thể thấy rằng lời thư của Phi-e-rơ thì được viết đúng theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus, ấy là nếu sau khi ăn năn và được chữa lành rồi mà còn tái phạm lại tội lỗi cũ thì số phận sau đó còn xấu hơn là lúc chưa tin nữa.

Vì vậy một người ăn năn thật là người không còn tái phạm lại tội lỗi cũ sau khi tin Chúa. Cũng bởi lẽ đó mà theo mạng lệnh mà Kinh thánh có ghi lại trong Ma-thi-ơ 3: 8 thì chúng ta có thể hiểu rằng một người có lòng ăn năn thật thì đời sống sau đó sẽ có kết quả như Chúa đã chỉ định, còn người không có kết quả thì tức là sự ăn năn của người đó chỉ là bề ngoài mà thôi.

Như vậy điểm thứ nhất mà lời của Chúa trong Ma-thi-ơ 3: 8 cho biết là Cơ-đốc-nhân phải có lòng ăn thật để được kết quả trong Chúa.

Điểm thứ hai mà chúng ta cần phải suy nghĩ là tình yêu thương được bày tỏ như thế nào qua mạng lệnh nầy.

Ấy là vì chúng ta biết rằng luật pháp của Chúa là để bày tỏ tình yêu thương, vậy thì sự kết quả sau khi đã ăn năn thật bày tỏ tình yêu thương với người khác như thế nào?

Thứ nhất là giúp cho người khác nhận biết về Chúa hầu cho họ có cơ hội tin nhận Chúa sau nầy.

1PHI-E-RƠ 2: 12 – Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời.

Như vậy sự kết quả xứng đáng bởi lòng ăn năn thật là bày tỏ tình yêu thương đối với linh hồn của người khác.

Công vụ 2: 42-47. Chú ý các chữ Giữ lời dạy của các sứ đồ và các chữ Được đẹp lòng cả dân chúng, cho nên có thêm nhiều người tin Chúa sau đó.

Nhưng nếu sau khi tin Chúa mà đời sống của Cơ-đốc-nhân không tốt hơn, thiện lành hơn thì người ta đâu có tin vào quyền năng biến đổi con người của Đức Chúa Trời, trái lại họ nhiều khi còn cười chê niềm tin trong Chúa nữa.

RÔ-MA 2: 24 – Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại, như lời đã chép.

Bởi lẽ đó mà sự kết quả của lòng ăn năn thật thì trước nhất là bày tỏ tình yêu thương đối với linh hồn của người khác. Thứ hai là để cho người thân đỡ buồn khổ về mình, hoặc là để người thân có thể hãnh diện vì mình có một đời sống tốt hơn trước.

Thí dụ như chuyện người con trai hoang đàng trở về.

Người có kết quả sau khi ăn thật chắc chắn sẽ được phước của Chúa nhiều hơn, như vậy thì sẽ làm cho người thân cũng được vui hơn.

Trái lại, nếu một người không thể kết quả được vì ăn năn không thật lòng thì sẽ làm cho người thân buồn khổ hơn, vì theo như lời của Chúa thì tình trạng của người không thật lòng ăn năn, tức là tái phạm lại tội lỗi cũ thì số phận của người đó sẽ xấu hơn trước khi tin, thì như vậy sau khi tin Chúa rồi còn làm cho người thân khổ sở hơn. Như thế thì làm sao họ tin Chúa được.

Tình trạng xấu hơn vì không kết quả sẽ làm cho người thân khổ hơn không những về mặt thể chất mà về phương diện thuộc linh họ cũng không thể nào được cảm động để tin nhận Chúa.

Như vậy thì kết quả xứng đáng bởi lòng ăn năn thật bày tỏ tình yêu thương với mọi người, còn không kết quả tức là không có tình yêu thương.

Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân không kết quả thường hay biện minh rằng họ đã có tình yêu thương để từ đó không làm theo luật pháp. Nhưng thật ra là họ không có tình yêu thương với ai cả, ngay với bản thân cũng không có.

RÔ-MA 13: 10 – Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận; vậy yêu thương là sự làm trọn luật pháp.

Câu Kinh thánh nầy là định nghĩa của tình yêu thương, mà đa số Cơ-đốc-nhân thì lại hiểu lầm là sự kết luận của tình yêu thương

Khi hỏi tình yêu thương là gì thì định nghĩa của tình yêu thương là làm trọn luật pháp.

Nhưng kết luận thì lại có nghĩa khác: Tình yêu thương tức là đã làm trọn luật pháp.

Vì vậy chúng ta phải hiểu như thế nầy: Yêu thương là phải làm trọn luật pháp. Và khi ăn năn thì Cơ-đốc-nhân phải ăn năn thật lòng để được kết quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *