KHẢI HUYỀN 12 – phần 1

Kính thưa quý Hội thánh, sau khi chúng ta đã cùng nhau học biết qua về SỰ PHẢN NGHỊCH TẠI THIÊN ĐÀNG thì phần Kinh thánh tiếp theo mà lời của Chúa đã có cho biết về những sự kiện xãy ra sau đó là những phần còn lại trong sách Khải huyền đoạn 12. Vì vậy mà chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt suy gẫm suốt cả đoạn Kinh thánh nầy để hiểu được lời báo trước của Chúa cho con dân của Ngài trong thời kỳ sau rốt.

Phần Kinh thánh Chủ đề của chúng ta là trong…

Khải huyền 12: 1-6

Và câu gốc nền tảng của chúng ta trong phần thứ nhất nầy là…

LU-CA 8: 10 – Ngài đáp rằng: Đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời. Song đối với kẻ khác thì dùng thí dụ mà nói, để họ xem mà không thấy, nghe mà không hiểu.

Kính thưa quý Hội thánh, để có thể hiểu biết được phần Kinh thánh nầy trong Khải huyền đoạn 12 một cách cặn kẽ kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ phải lần lượt suy gẫm từng câu một và cứ như thế mà cho đến hết đoạn. Vì vậy mà có lẽ là sẽ phải mất nhiều thì giờ lắm, cho nên xin quý Hội thánh cứ tiếp tục kiên nhẫn.

Bây giờ thì xin chúng ta cùng nhau xem đến câu thứ nhất của Khải huyền đoạn 12. Câu ấy được ghi lại như thế nầy:

KHẢI HUYỀN 12: 1 – Đoạn, trên trời hiện ra một dấu lớn: Một người đàn bà có mặt trời bao bọc, dưới chân có mặt trăng, và trên đầu có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao.

Trước hết thì chúng ta cần phải hiểu rằng đoạn thứ 12 nầy không phải là phần tiếp nối của đoạn thứ 11. Tôi phải đính chánh trước như vậy vì từ xưa đến nay thì đã có nhiều người cứ tưởng lầm rằng các sự kiện trong đoạn 11 và đoạn 12 đã được xãy ra liên tiếp với nhau.

Chúng ta nhận biết được sự thật nầy là vì một số câu trong đoạn 11 và đoạn 12, chẳng hạn như trong…

KHẢI HUYỀN 11: 8 – Thây hai người sẽ còn lại trên đường cái của thành lớn, gọi bóng là Sô-đôm và Ê-díp-tô, tức là nơi mà Chúa của hai người cũng đã bị đóng đinh trên thập tự giá.

Với câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa cho biết rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã bị đóng đinh rồi và vì vậy mà hai người làm chứng của Chúa khi nói tiên tri là nói trong thời kỳ sau rốt.

Ngoài ra còn một câu nữa, là trong…

KHẢI HUYỀN 11: 15 – Vị thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng lớn vang ra trên trời rằng: Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời.

Các chữ được gạch dưới trong câu gốc nầy cho thấy đó là thời điểm mà thế gian thuộc về Đức Chúa Trời và thuộc về Đấng Christ, vì các chữ TỪ NAY có nghĩa là trước đó thì thế gian vẫn còn thuộc dưới quyền của ma quỉ, như lời của Chúa đã có cho biết trong…

1GIĂNG 5: 19 – Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ.

Và một câu nữa trong…

Ê-PHÊ-SÔ 6: 12 – Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.

Thế thì nhờ câu thứ 8 và câu thứ 15 trong Khải huyền đoạn 11 mà chúng ta biết rằng đó là các lời tiên tri nói về những sự việc sẽ xãy ra trong thời kỳ sau rốt và về thời kỳ sau khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.

Còn trong Khải huyền đoạn 12 thì lại nói về thời kỳ trước khi Đức Chúa Jêsus Christ giáng sinh, như các câu Kinh thánh trong…

KHẢI HUYỀN 12: 2 – Người có thai, kêu la vì nhọc nhằn và đau đẻ.

Nhờ câu Kinh thánh nầy mà chúng ta biết được rằng hài nhi của người đàn bà ấy chưa được sinh ra. Và rồi tiếp theo là một câu nữa trong…

KHẢI HUYỀN 12: 5 – Người sanh một con trai, con trai ấy sẽ dùng gậy sắt mà cai trị mọi dân tộc. Đứa trẻ ấy được tiếp lên tới Đức Chúa Trời và nơi ngôi Ngài.

Nhờ câu Kinh thánh nầy mà chúng ta biết được rằng hài nhi ấy chính là Đức Chúa Jêsus, bởi vì Ngài là Đấng mà lời của Chúa đã có cho biết rằng sẽ cai trị thế gian bằng một cây gậy sắt, như đã có chép trong…

KHẢI HUYỀN 19: 15 – Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân, và cai trị họ bằng một cây gậy sắt. Ngài giày đạp thùng rượu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời toàn năng.

Và một câu Kinh thánh khác nữa đã nói tiên tri về sự cai trị bằng cây gậy sắt của Đấng Mê-si, như đã có chép trong…

THI THIÊN 2: 9 – Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó. Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm.

Chính Đức Chúa Jêsus Christ, khi cho sứ đồ Giăng được sự hiện thấy về Ngài, thì cũng đã tuyên bố về quyền cai trị bằng một cây gậy sắt mà chính Ngài và những người được cứu cũng sẽ nhận được quyền đó từ nơi Đức Chúa Cha, như có chép trong…

KHẢI HUYỀN 2: 27 – Kẻ đó sẽ cai trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm, khác nào chính ta đã nhận quyền cai trị đó nơi Cha ta.

Như vậy thì sự hiện thấy về người đàn bà đau đẻ là nói về những sự kiện xãy ra trước khi Đức Chúa Jêsus Christ giáng sanh.

Thêm nữa, khi lời của Chúa trong Khải huyền 12: 5 cho biết là đứa trẻ ấy được tiếp lên tới Đức Chúa Trời và nơi ngôi Ngài, thì đó là hình bóng để nói về Đức Chúa Jêsus Christ và sự thăng thiên của Ngài, vì sự thăng thiên như vậy đã được chép trong…

MÁC 16: 19 – Đức Chúa Jêsus phán như vậy rồi, thì được đem lên trời, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.

Và một câu nữa trong…

HÊ-BƠ-RƠ 1: 3 – Con là sự chói sáng của vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật. Sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao.

Bởi lẽ đó mà chúng ta nhận biết rằng Khải huyền đoạn 11 và đoạn 12 không phải là nối kết liên tục với nhau, có nghĩa là đoạn 11 tiên tri về những sự kiện xãy ra trong thời kỳ sau rốt và khi Đức Chúa Jêsus Christ đã tái lâm. Còn Khải huyền đoạn 12 là tường thuật về những sự kiện xãy ra trước khi Đức Chúa Jêsus Christ giáng sinh, vì cho thấy trước hết là việc người đàn bà bị đau đẻ mà chưa sanh con ra.

Vì vậy mà trong các bài giảng trước thì tôi đã có thưa trình cùng với quý Hội thánh là Đức Chúa Trời đã có bày tỏ cho chúng ta biết những sự kiện xãy ra từ lúc ban đầu khi mà con người chưa được tạo dựng nên. Cũng một thể ấy, sự mầu nhiệm trong lời của Chúa là bày tỏ những sự kiện ấy trong sách cuối cùng của Kinh thánh chớ không phải là trong các đoạn đầu của sách Sáng thế ký như là một thứ tự xãy ra theo thời gian. Vì vậy mà chúng ta cần phải nhờ cậy nơi sự soi dẫn của Đức-Thánh-Linh để có thể hiểu được sự mầu nhiệm trong lời của Chúa.

Bây giờ thì chúng ta cùng nhau xem xét đến hình ảnh của người đàn bà để cho biết là lời của Chúa đã dùng người đàn bà ấy để làm hình bóng cho ai.

KHẢI HUYỀN 12: 1 – Đoạn, trên trời hiện ra một dấu lớn: Một người đàn bà có mặt trời bao bọc, dưới chân có mặt trăng, và trên đầu có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao.

Trước hết thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hình ảnh thứ nhất có liên quan đến người đàn bà mà lời của Chúa đã có cho biết, đó là việc người đàn bà được bao bọc bởi mặt trời. Hình ảnh nầy cho thấy rằng người đàn bà đó có một sự sáng láng lạ lùng, sự sáng đó chói lọi như là sự sáng của mặt trời.

Để giúp cho Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của sự sáng giống như mặt trời thì lời của Chúa đã có cho biết là chính Đức Chúa Trời đã được ví sánh như là mặt trời, như đã có chép trong…

THI THIÊN 84: 11 – Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là mặt trời và là cái khiên. Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh hiển. Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành cho ai ăn ở ngay thẳng.

Khi dùng mặt trời để làm hình bóng thì điều đó có nghĩa là nơi Đức Chúa Trời có sự sáng láng lạ lùng mà chỉ có sự sáng của mặt trời mới giúp cho con người hiểu được về sự vinh hiển chói lọi như vậy.

Một câu Kinh thánh khác nữa cũng đã dùng mặt trời để mô tả về sự sáng của Đức Chúa Trời khi Ngài hiện ra, như đã được chép trong…

Ô-SÊ 6: 3 – Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va, chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai. Ngài sẽ đến cùng chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất.

Sự sáng của mặt trời lúc sớm mai là chói lọi và rực rỡ, vì ánh sáng ấy xua tan bóng tối và chiếu thẳng vào tầm nhìn trước mặt của con người.

Mặt trời buổi trưa thì cũng chói sáng nhưng mà lại chiếu rọi vào đỉnh đầu cho nên con người phải ngửa mặt lên mới thấy sự chói sáng ấy, còn đối với mặt trời sớm mai thì người ta chỉ cần nhìn thẳng về phía Đông vào buổi sáng sớm là đã thấy được ngay.

Vì vậy sự sáng mặt trời được lời Kinh thánh dùng để mô tả về ánh sáng vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Jêsus Christ, khi hóa hình thì cũng có sự sáng rực rỡ vinh hiển ấy, như đã được ghi lại trong…

MA-THI-Ơ 17: 2 – Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng.

Như vậy khi so sánh câu gốc nầy và câu gốc trong Khải huyền 12: 5 thì chúng ta thấy hình ảnh về Đức Chúa Jêsus Christ và về người đàn bà có sự giống nhau, đó là áo của Ngài thì sáng như ánh sáng mặt trời mà người đàn bà thì cũng được ánh sáng mặt trời bao bọc như là một cái áo phủ che bên ngoài.

Ngoài ra thì lời của Chúa trong Kinh thánh cũng cho chúng ta thấy rằng diện mạo và hình dáng của các thiên sứ thì cũng giống như diện mạo và hình dáng của Đức Chúa Jêsus Christ và của người đàn bà đã được mô tả trong Khải huyền 12: 1.

Chúng ta cùng nhau đọc qua các câu Kinh thánh sau đây thì sẽ thấy được điều đó. Câu thứ nhất là mô tả về Đức Chúa Jêsus, như đã có chép trong…

KHẢI HUYỀN 1: 16 – Tay hữu người cầm bảy ngôi sao, miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức.

Gương mặt của các thiên sứ thì cũng sáng láng và chói lọi như mặt của Đức Chúa Jêsus Christ, như lời Kinh thánh đã có mô tả trong…

KHẢI HUYỀN 10: 1 – Đoạn, tôi lại thấy một vị thiên sứ khác sức mạnh lắm, ở từ trời xuống, có đám mây bao bọc lấy. Trên đầu người có mống, mặt người giống như mặt trời và chân như trụ lửa.

Vì là con của Đức Chúa Trời cho nên thiên sứ cũng có diện mạo và hình dạng giống như hình dạng của Đức Chúa Jêsus Christ. Điều nầy thì tôi đã có suy gẫm qua cùng với quý Hội thánh trong Chủ đề ĐỨC CHÚA TRỜI BÀY TỎ TÌNH YÊU NGÀI, chắc quý Hội thánh còn nhớ. Chính bởi lẽ ấy cho nên những người nhận được sự cứu rỗi trong tương lai thì cũng sẽ được biến hóa và chói lọi như mặt trời, vì đều là con của Đức Chúa Trời và sẽ giống như các thiên sứ. Lời của Chúa đã khẳng định về đặc điểm đó, như đã có chép trong…

MA-THI-Ơ 13: 43 – Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy nghe!

Thêm nữa thì chúng ta cũng có thể thấy rằng hình ảnh của người đàn bà được mặt trời bao bọc thì cũng giống như là đứng trong mặt trời. Cũng một thể ấy lời của Chúa cũng có cho biết là thiên sứ cũng đứng trong mặt trời nữa, như đã có ghi lại trong…

KHẢI HUYỀN 19: 17 – Tôi thấy một vị thiên sứ đứng trong mặt trời. Người cất tiếng lớn kêu các chim chóc bay giữa không trung của trời, mà rằng: Hãy đến, bay hãy nhóm hiệp lại để dự tiệc lớn của Đức Chúa Trời.

Như vậy đến đây thì chúng ta có thể hiểu rằng hình ảnh của người đàn bà trong Khải huyền đoạn 12 là nói về một người hay một Đấng thuộc về Đức Chúa Trời, cũng có sự vinh hiển như sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và như sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ.

Nhưng để cho chắc chắn hơn thì chúng ta cùng nhau xem xét đến đặc điểm thứ hai của người đàn bà ấy, cũng được đề cập đến trong câu gốc nầy, đó là dưới chân người có mặt trăng…

KHẢI HUYỀN 12: 1 – Đoạn, trên trời hiện ra một dấu lớn: Một người đàn bà có mặt trời bao bọc, dưới chân có mặt trăng, và trên đầu có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao.

Theo như sự giải thích trong lời của Chúa thì chữ mặt trăng có hai ý nghĩa chính. Thứ nhất là mô tả vẽ đẹp của người phụ nữ, như đã có chép trong…

NHÃ CA 6: 10 – Người nữ nầy là ai, hiện ra như rạng đông, đẹp như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời, đáng sợ khác nào đạo quân giương cờ xí?

Như vậy, theo sự giải thích trong câu Kinh thánh nầy thì người đàn bà ấy không những có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời cũng như có sự tinh sạch ví như của mặt trời, mà còn có vẽ đẹp hơn hẳn tất cả nét đẹp của mọi người nữ. Chúng ta hiểu được như vậy là nhờ vào hình ảnh của mặt trăng nằm ở dưới chân người, tức là vẽ đẹp của mặt trăng còn thua rất xa nét đẹp của người đàn bà ấy.

Ý nghĩa thứ hai của chữ MẶT TRĂNG là chỉ về một trong những điều mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên, như đã có chép trong…

THI THIÊN 8: 3 – Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt.

Như vậy khi lời của Chúa mô tả về việc mặt trăng nằm ở dưới chân người đàn bà thì điều đó cho biết là người có quyền trên mặt trăng hay nói một cách khác là có quyền trên các tạo vật mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên, giống như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong…

THI THIÊN 74: 16 – Ngày thuộc về Chúa, đêm cũng vậy. Chúa đã sắm sửa mặt trăng và mặt trời.

Thế thì đến đây chúng ta có thể tóm gọn như thế nầy: Người đàn bà được mô tả trong Khải huyền đoạn 12 câu 1 là người hay là Đấng có sự vinh hiển chói sáng của Đức Chúa Trời, có sự tinh sạch ví như sự tinh sạch của mặt trời, có nét đẹp hơn hẳn mọi nhan sắc trong trời đất và đặc biệt là có quyền lớn trên các tạo vật mà Đức Chúa Trời đã dựng nên.

Bởi lẽ đó mà hình ảnh của người đàn bà ấy chính là hình bóng của Đức-Thánh-Linh. Chúa đã dùng những đặt điểm được kể ra trong Khải huyền 12: 1 và các câu gốc kế sau để cho chúng ta biết rằng người đàn bà ấy là hình bóng của chính Đức-Thánh-Linh. Khi xem xét đến lời của Chúa trong những phần kế tiếp sau trong Khải huyền đoạn 12 nầy thì quý Hội thánh sẽ thấy được chắc chắn và rõ ràng hơn nữa về hình bóng của Ngài.

Bây giờ thì chúng ta xem xét đến phần kế tiếp trong lời của Chúa khi mô tả về hình bóng của Đức-Thánh-Linh, đó là người đàn bà ấy có đội mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao.

KHẢI HUYỀN 12: 1 – Đoạn, trên trời hiện ra một dấu lớn: Một người đàn bà có mặt trời bao bọc, dưới chân có mặt trăng, và trên đầu có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao.

Theo sự giải thích trong lời của Chúa thì chữ MÃO TRIỀU THIÊN là có ý nói đến sự vinh hiển của cá nhân.

CHÂM NGÔN 4: 9 – Sự khôn ngoan sẽ đội trên đầu con một dây hoa mỹ và ban cho con một mão triều thiên vinh quang.

Các chữ MÃO TRIỀU THIÊN vinh quang trong câu gốc nầy là có ý nói đến sự vinh hiển mà một người có được bởi sự khôn ngoan mình.

Như vậy thì chúng ta cũng có thể hiểu là sự vinh hiển của người đàn bà trong Khải huyền 12: 1 đã được tôn cao bởi các ngôi sao ở trên mão triều thiên ấy. Ý nghĩa như vậy là tương tự với ý nghĩa trong lời của Chúa được chép trong…

CHÂM NGÔN 12: 4 – Người đàn bà nhân đức là mão triều thiên cho chồng nàng. Còn vợ làm xấu hổ khác nào sự mục trong xương cốt người.

Lời của Chúa trong câu gốc nầy cho biết rằng mão triều thiên của người chồng là việc có một người vợ nhân đức, thì cũng một thể ấy trong Khải huyền 12: 1 lời của Chúa có ý nói rằng sự vinh hiển của Đức-Thánh-Linh đã được tôn cao bởi 12 ngôi sao ở trên mão triều thiên, mà 12 ngôi sao đó tức là 12 thiên sứ.

Chúng ta đều biết rằng số lượng của các thiên sứ không phải chỉ là có 12 người, nhưng số 12 ngôi sao ở đây là muốn nói về 12 thiên sứ trưởng, là những đấng đứng đầu các thiên sứ khác trong Thiên đàng.

Về chữ NGÔI SAO được dùng làm hình bóng để mô tả về các thiên sứ thì chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua trong Chủ đề CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ THIÊN SỨ, nhưng ở đây thì tôi chỉ xin được đề cập ngắn gọn đến hình bóng ấy một lần nữa để quý Hội thánh có thể nhớ lại những điều chúng ta đã học qua.

Lời Kinh thánh đã nhiều lần dùng chữ ngôi sao để chỉ về các thiên sứ và cho biết rằng họ là con trai của Đức Chúa Trời, như đã có chép trong…

KHẢI HUYỀN 1: 20 – Tức là sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay hữu ta, và của bảy chân đèn vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội thánh, còn bảy chân đèn là bảy Hội thánh vậy.

Và một câu nữa trong…

GIÓP 38: 7 – Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai của Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng.

Trong câu gốc nầy thì lời của Chúa đã cho biết là các thiên sứ được ví như là sao mai của Chúa mà Đức Chúa Jêsus Christ là Sao Mai lớn nhất, là anh cả, như đã có chép trong…

KHẢI HUYỀN 22: 16 – Ta là Jêsus, đã sai thiên sứ ta đến làm chứng về những sự đó cho các ngươi trước mặt các Hội thánh. Ta là chồi và hậu tự của Đa-vít, là Sao Mai sáng chói.

Và một câu nữa trong…

RÔ-MA 8: 29 – Vì những kẻ Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con Cả ở giữa nhiều anh em.

Như vậy đến đây thì chúng ta đều biết được rằng mười hai ngôi sao trên mão triều thiên của Đức-Thánh-Linh là 12 thiên sứ trưởng của Chúa.

Kinh thánh có cho biết là số lượng của các thiên sứ thì nhiều lắm nhưng lại không hề xác định là nhiều đến bao nhiêu. Dầu vậy thì chính Đức Chúa Jêsus đã có cho biết là trong Thiên đàng thì có chia ra các thứ bậc lớn nhỏ và các thiên sứ của Chúa thì được chia ra làm 12 đạo hay là 12 đội ngũ, như đã có chép trong…

MA-THI-Ơ 5: 19 – Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước Thiên đàng. Còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước Thiên đàng.

Và một câu nữa trong…

MA-THI-Ơ 26: 53 – Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?

Khi lời của Chúa cho biết là trong Thiên đàng có 12 đạo thiên sứ thì chắc chắn rằng cũng phải có 12 thiên sứ trưởng để chỉ huy hoặc để hướng dẫn họ.

Tất cả chúng ta đều đã biết rằng con số 12 thường được đề cập đến trong Kinh thánh. Ngay tại Thiên đàng thì cũng có 12 cửa mang tên của 12 chi phái Y-sơ-ra-ên, như đã có chép trong…

KHẢI HUYỀN 21: 12 – Thành có một bức tường cao lớn, với mười hai cửa, trên những cửa có mười hai vị thiên sứ, cùng những danh đề, là danh mười hai chi phái của con cháu Y-sơ-ra-ên.

Tên của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên được ghi tại 12 cánh cửa của Thiên đàng là để tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đấng đã cứu vớt họ, thì cũng một thể ấy 12 ngôi sao trên mão triều thiên của người đàn bà làm hình bóng cho Đức-Thánh-Linh là cũng để tôn vinh hiển cho Đấng đã tạo dựng nên họ, bởi vì ngay từ ban đầu thì Đức Chúa Trời đã dùng Thánh Linh Ngài, tức là sự khôn ngoan và năng lực của Chúa để tạo dựng nên muôn vật, như lời Kinh thánh đã có đề cập đến trong…

CHÂM NGÔN 8: 22 và 27-30 – Trong buổi Đức Giê-hô-va khởi cuộc tạo hóa, về thời thái cổ, trước khi chưa dựng nên muôn vật thì Ngài đã có ta… Khi Đức Chúa Trời lập các từng trời và đặt cái vòng trên mặt vực sâu, thì có ta ở đó. Khi Ngài làm cho kiên cố các từng mây trên cao, khiến các nguồn vực sâu vững chắc, định bờ cõi cho biển để nước không tràn phạm điều răn của Ngài, và khi Ngài lập nên trái đất, thì ta ở bên Ngài làm thợ cái. Hằng ngày ta là sự khoái lạc Ngài và thường thường vui vẻ trước mặt Ngài.

Như vậy đến đây thì nhờ lời của Chúa có ghi trong Kinh thánh mà chúng ta xác định được rằng người đàn bà trong Khải huyền 12: 1 là hình bóng của Đức-Thánh-Linh. Khi nghiên cứu tiếp tục đến các câu Kinh thánh kế sau cũng ở trong đoạn 12 nầy thì chúng ta sẽ biết được chắc chắn hơn về Ngài và về các hoạt động mà Ngài đã thực hiện trong câu chuyện nầy.

Bây giờ thì chúng ta cùng nhau suy gẫm đến câu thứ 2.

KHẢI HUYỀN 12: 2 – Người có thai, và kêu la vì nhọc nhằn và đau đẻ.

Khi lời Kinh thánh cho biết rằng người đàn bà làm hình bóng cho Đức-Thánh-Linh có thai thì điều đó tương ứng với sự kiện Đức Chúa Jêsus được hoài thai bởi Đức-Thánh-Linh và cũng tương ứng với chương trình cứu rỗi loài người mà Đức Chúa Trời đã dự định qua sự giáng sanh của Đấng Christ.

Trước nhất thì chúng ta cùng nhau xem xét đến lời của Chúa đã cho biết về việc Đức Chúa Jêsus được hoài thai bởi Đức-Thánh-Linh và điều đó đã được bày tỏ qua các câu Kinh thánh sau đây:

MA-THI-Ơ 1: 18 – Vả, sự giáng sanh của Đức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh.

MA-THI-Ơ 1: 20 – Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh.

Hai câu Kinh thánh nầy thì rất là quen thuộc với mọi Cơ-đốc-nhân, vì chúng ta vẫn thường đọc đi đọc lại vào mỗi một mùa Giáng Sinh.

Nhưng có lẽ sẽ có người thắc mắc rằng nếu Đức Chúa Jêsus được hoài thai bởi Đức-Thánh-Linh thì tại sao lời của Chúa trong sách Khải huyền lại mô tả Ngài là một người đàn bà.

Câu trả lời cho thắc mắc ấy là như thế nầy: Chắc chắn là tất cả chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ thường được mô tả bằng hình ảnh của người nam, nhưng Đức-Thánh-Linh, vì là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và là năng lực của Ngài, cho nên đã được mô tả như là một người nữ.

Chúng ta có thể hiểu được điều đó khi so sánh các câu Kinh thánh sau đây:

CHÂM NGÔN 9: 1 – Sự khôn ngoan đã xây dựng nhà mình, tạc thành bảy cây trụ của người.

Và một câu khác trong…

CHÂM NGÔN 14: 1 – Người nữ khôn ngoan xây cất nhà mình, song kẻ ngu dại lấy tay mình mà phá hủy nó đi.

Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy rằng khi đề cập đến sự khôn ngoan thì lời Kinh thánh thường dùng hình ảnh của một người nữ để làm hình bóng.

Chúng ta cần phải phân biệt được điều nầy bởi vì người khôn ngoan và sự khôn ngoan là hai điều khác nhau. Người khôn ngoan thì có thể là một người nam, chẳng hạn như vua Sô-lô-môn, hoặc cũng có khi là một người nữ, chẳng hạn như người nữ khôn ngoan ở tại thành A-bên-Bết-ma-ca mà đã có chép trong 2Sa-mu-ên đoạn 20. Nhưng khi lời của Chúa đề cập đến sự khôn ngoan thì thường lại dùng hình ảnh của một người phụ nữ để làm hình bóng, chẳng hạn như trong Châm ngôn đoạn 9 và trong Khải huyền đoạn 12.

Chúng ta cũng cần nên biết thêm một lý do nữa mà lời của Chúa đã dùng hình ảnh của một người phụ nữ để làm hình bóng cho Đức-Thánh-Linh. Ấy là để tránh cho những kẻ chống đối niềm tin trong Chúa không có cơ hội để đả kích câu chuyện bà Ma-ri có thai Đức Chúa Jêsus bởi Đức-Thánh-Linh.

Chúng ta đều biết rằng trong Thiên đàng không có sự luyến ái và các thiên sứ không có nhu cầu để lấy vợ lấy chồng. Chỉ có những thiên sứ phạm tội phản nghịch lại với Đức Chúa Trời mới thực hiện sự luyến ái nam nữ mà thôi. Chúng ta cùng đọc lại một số các câu Kinh thánh đã được trưng dẫn trước đây thì sẽ nhớ lại điều ấy.

Câu thứ nhất là lời của Đức Chúa Jêsus phán về những người sẽ nhận được sự cứu rỗi trong tương lai, như đã có chép trong…

MA-THI-Ơ 22: 30 – Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.

Còn những câu Kinh thánh sau đây là mô tả về các thiên sứ phạm tội, như đã có chép trong…

SÁNG THẾ KÝ 6: 1-2 – Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng các thiên sứ và những người được cứu thì không có sự luyến ái, cho nên nếu lời của Chúa mô tả về Đức-Thánh-Linh như là một người nam thì việc bà Ma-ri có thai bởi Đức-Thánh-Linh sẽ trở thành một cái cớ để cho kẻ thù nghịch có thể nói xấu hoặc mỉa mai đến niềm tin trong Chúa, hoặc là có thể hiểu lầm về vai trò của bà Ma-ri trong cõi vô hình, chẳng hạn như sự hiểu lầm của người Công giáo khi họ cho rằng bà Ma-ri là nữ vương trên trời và là mẹ thật sự về phần linh hồn của Đức Chúa Jêsus.

Bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới mô tả về Đức-Thánh-Linh như là một người đàn bà và trong Khải huyền đoạn 12 thì cho biết rằng người phụ nữ đó đang có thai.

Như tôi đã có đề cập đến khi nãy thì hình ảnh người của phụ nữ có thai trước nhất là tượng trưng cho việc Đức Chúa Jêsus được hoài thai bởi Đức-Thánh-Linh và thứ hai là tượng trưng cho kế hoạch cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời mà đã được hình thành, hay còn gọi là được thai dựng từ lúc ban đầu.

Chúng ta đều biết rằng một trong những thần tánh của Đức Chúa Trời là vô sở bất tri, nghĩa là Ngài biết trước hết được mọi điều. Như vậy có nghĩa là ngay từ ban đầu khi Đức Chúa Trời dự định tạo dựng nên các thiên sứ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài thì Chúa đã biết trước được rằng một phần ba trong số họ sẽ theo Sa-tan mà phản nghịch lại với Chúa. Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời cũng đã có chương trình tạo dựng nên loài người để chịu thử thách hầu có thể chọn lựa được những người xứng đáng mà bù vào cho đủ số một phần ba thiên sứ đã phản nghịch và sẽ chịu giam giữ đời đời trong hỏa ngục.

Vì chương trình của Chúa là tạo dựng nên con người để chịu thử thách cho nên Chúa đã đặt A-đam vào trong vườn Địa đàng và trồng cây biết điều thiện điều ác để thử thách ông để xem ông có hết lòng vâng lời Chúa hay không. Đức Chúa Trời cũng biết trước là Sa-tan sẽ đến để cám dỗ A-đam và ông sẽ sa ngã, sẽ phạm tội cho nên Ngài cũng đã có chương trình để cứu rỗi loài người qua sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus Christ.

Điều đó có nghĩa là ngay trước khi Sa-tan phạm tội phản nghịch Chúa thì Đức Chúa Trời đã có chương trình cứu rỗi loài người mặc dầu khi ấy A-đam còn chưa được dựng nên. Kế hoạch và dự định cứu rỗi loài người như vậy đã được mô tả bằng hình ảnh của người đàn bà đang có thai. Đó là hình bóng của việc Đức-Thánh-Linh sẽ hoài thai ra Đức Chúa Jêsus Christ để cứu chuộc loài người sau nầy.

Cũng trong câu thứ hai của Khải huyền đoạn 12 thì chúng ta thấy lời của Chúa còn cho biết thêm là người đàn bà làm hình bóng cho Đức-Thánh-Linh đang kêu la vì nhọc nhằn và đau đẻ.

Sự kêu la như vậy là hình bóng bày tỏ tấm lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người mặc dầu họ chưa được tạo dựng nên. Ấy là bởi vì Chúa biết trước được rằng trong tương lai thì con người sẽ phải chịu nhiều đau khổ dưới gánh nặng của tội lỗi.

Sự kêu la như vậy cũng là hình bóng để mô tả sự buồn rầu của Đức Chúa Trời và của Đức-Thánh-Linh vì cớ sự phản nghịch của các thiên sứ và của loài người đối với Đấng đã tạo dựng nên họ. Sự buồn rầu của Chúa như vậy đã được đề cập đến trong…

Ê-SAI 43: 10 – Song họ đã bội nghịch, đã làm cho Thần thánh Ngài buồn rầu. Ngài bèn trở làm cừu thù với họ, và chính mình Ngài chinh chiến cùng họ.

Sự kêu la như vậy cũng bày tỏ sự giận, sự tranh chiến mà Đức Chúa Trời sẽ làm ra bởi Đức Chúa Jêsus Christ để chống cự lại đường lối phản nghịch của Sa-tan, của các thiên sứ đã sa ngã và sự phạm tội của loài người. Sự kêu la như vậy của Chúa đã có đề cập đến trong…

Ê-SAI 42: 13 – Đức Giê-hô-va sẽ ra như người mạnh dạn, giục lòng sốt sắng như người lính chiến, kêu la quát tháo, ra sức cự lại kẻ thù nghịch mình.

Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng hình ảnh của người đàn bà kêu la vì đau đẻ là hình bóng của việc Đức Chúa Trời đang kêu la quát tháo khi đối phó với sự phản nghịch của ma quỉ và sự phạm tội của loài người bằng chương trình cứu rỗi sẽ được thực hiện qua Đức Chúa Jêsus Christ.

Cũng chính bởi lý do đó mà chúng ta biết rằng trong đêm Thương khó tại vườn Ghết-sê-ma-nê thì Đức Chúa Jêsus cũng đã nhọc nhằn, đau đớn cùng một cách như vậy khi đối diện với cả gánh nặng tội lỗi của loài người, như lời đã có tường thuật lại trong…

MA-THI-Ơ 26: 37-38 – Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. Ngài bèn phán: Linh hồn ta buồn bực cho đến chết, các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta.

Và một câu khác trong…

LU-CA 22: 44 – Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.

Ngoài ra sự kêu la của người đàn bà đang có thai cũng tương ứng với sự kêu la của sự khôn ngoan đối với những kẻ ngu muội phạm tội, như có chép trong…

CHÂM NGÔN 1: 20 – Sự khôn ngoan hô lên ngoài đường, cất tiếng dội ra nơi phố chợ. Khôn ngoan kêu la ở đầu đường dộn dực ồn ào. Tại cửa thành và nội trong thành, người phán lời mình ra mà rằng: Hỡi kẻ ngu dốt, các ngươi sẽ mến sự ngu dại cho đến bao giờ? Kẻ nhạo báng sẽ ưa sự nhạo báng và kẻ dại dột sẽ ghét sự tri thức cho đến chừng nào?

Sự nhọc nhằn kêu la như vậy của Đức-Thánh-Linh là vì tình yêu của Chúa đối với những kẻ phạm tội. Ngài muốn họ ăn năn để trở lại, nhưng ma quỉ lúc bấy giờ và loài người sau nầy vẫn cứ tiếp tục ghì mài trong tội lỗi, cho nên Đức Chúa Trời mới phải thực hiện chương trình cứu rỗi qua Đức Chúa Jêsus Christ và bởi quyền phép của Thánh Linh Ngài. Đó là ý nghĩa thật sự của hình ảnh người đàn bà đang có thai trong Khải huyền đoạn 12.

Như vậy đến đây thì quý Hội thánh đã có thể hiểu được hình bóng mầu nhiệm mà lời của Chúa đã có bày tỏ trong hai câu đầu tiên của phần Kinh thánh nầy. Đó là hình ảnh của Đức-Thánh-Linh đang cưu mang chương trình cứu rỗi loài người qua sự giáng sinh và sự chết của Đức Chúa Jêsus Christ. Sự cưu mang đó đã có từ trước khi loài người được dựng nên và bắt đầu ngay trước khi Sa-tan sinh lòng phản nghịch Chúa.

Lần tới thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm tiếp tục đến những câu Kinh thánh sau đó để có thể thấy hết được sự mầu nhiệm trong lời của Chúa và để có thể biết thêm được về tình yêu của Ngài khi Chúa bày tỏ cho chúng ta biết về những điều đã xãy ra tại Thiên đàng trước khi loài người được tạo dựng nên cũng như những sự kiện quan trọng sẽ xãy ra trên đất trong thời kỳ sau rốt.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục ban phước cho chúng ta đang khi chúng ta hết lòng tìm hiểu về Ngài và về chương trình của Chúa dành cho cả thế gian. Cầu xin Đức Chúa Jêsus Christ dẫn dắt chúng ta trong Lẽ thật của Ngài một cách dư dật hầu cho chúng ta không đi trật khỏi con đường mà Chúa đã định. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng cho chúng ta về tất cả những sự mầu nhiệm trong Kinh thánh trước ngày Đấng Christ tái lâm. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *