TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LUẬT PHÁP CỦA CHÚA

Kinh thánh: 2Giăng 1: 1-6

Câu gốc: 2GIĂNG 1: 6 – Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo.

Trước đây chúng ta đã học qua về một trong những lầm lẫn của Cơ-đốc-nhân trong sự hiểu biết về tình yêu thương, đó là việc nghĩ rằng vì tình yêu thương mà mình cần phải che đậy tội lỗi của người khác.

Sự hiểu lầm như vậy xãy ra khi Cơ-đốc-nhân đọc đến câu gốc trong…

1PHI-E-RƠ 4: 8 – Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng, vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi.

Sự lầm lẫn như vậy làm cho Cơ-đốc-nhân trở thành những người đồng lõa với tội lỗi, có nghĩa là dung túng cho tội lỗi để người ta tiếp tục phạm tội.

Một lầm lẫn khác nữa của Cơ-đốc-nhân với hậu quả nặng nề hơn, là tưởng rằng chỉ cần biết yêu thương thì xem như là đã làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời rồi. Sự lầm lẫn như vậy bắt nguồn từ việc hiểu sai ý nghĩa của lời Chúa trong…

RÔ-MA 13: 10 – Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận. Vậy, yêu thương là sự làm trọn luật pháp.

Đây là một trong những câu gốc định nghĩa về tình yêu thương, nhưng lại bị nhiều Cơ-đốc-nhân hiểu sai.

Ấy là khi đọc đến câu gốc nầy thì Cơ-đốc-nhân tưởng rằng nếu mình đối xử với người khác bằng tình yêu thương thì điều đó được xem như là đã thực hiện trọn vẹn cả luật pháp của Chúa.

Nhưng thật ra thì câu Kinh thánh trong Rô-ma 13: 10 cần phải được hiểu theo chiều ngược lại. Điều đó có nghĩa là chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân làm theo luật pháp của Chúa một cách đầy đủ cẩn thận thì lúc bấy giờ mới được kể là người có tình yêu thương thật.

Nói một cách ngắn gọn hơn thì ý nghĩa của Rô-ma 13: 10 là như thế nầy: Lòng yêu thương thật là biết hết lòng cố gắng làm theo luật pháp của Chúa.

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Ấy là bởi vì lời của Chúa trong Kinh thánh đã định nghĩa về tình yêu thương một cách rõ ràng, như đã có chép trong…

2GIĂNG 1: 6 – Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo.

Khi nói rằng Cơ-đốc-nhân thường hay hiểu sai về tình yêu thương thì chắc rằng sẽ có nhiều người không đồng ý, thậm chí là còn phản đối lời tuyên bố ấy nữa.

Nhưng nếu nói rằng Cơ-đốc-nhân cần phải vâng giữ trọn vẹn luật pháp của Đức Chúa Trời thì mới được kể là có tình yêu thương thật, thì lời tuyên bố như vậy sẽ càng có nhiều người chống đối dữ dội hơn.

Nhưng như lời của Chúa trong 2Giăng 1: 6 đã khẳng định thì sự yêu thương thật chỉ có thể thấy được trong đời sống của một người biết làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời mà thôi.

Lý do mà lời của Chúa đã khẳng định như vậy được tóm tắt lại trong hai điều nầy:

– Khi người ta yêu thương thì thường là yêu thương theo cảm tính hoặc quan điểm của cá nhân họ. Nói một cách khác là cả nhân loại đều biết yêu thương, nhưng là yêu thương không công bằng hoặc là yêu thương mà thiếu Lẽ thật của Chúa.

Những thí dụ điển hình trong cuộc sống là việc người ta thường yêu thương những người mà họ thích, những người hợp với tánh ý của họ, hoặc là yêu thương những người biết nói ngọt, ve vuốt, nịnh bợ họ, hoặc là yêu thương những người biết tặng quà, mua sắm, biếu xén cho họ.

Yêu thương cách như vậy là yêu thương theo tư dục, yêu thương vì có lợi cho cá nhân.

Nếu yêu thương cách như vậy mà lại cho rằng đã làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời rồi thì đó là cả một sự lừa dối trắng trợn, tức là dám lừa dối Đức Chúa Trời và lừa dối luôn chính cá nhân họ nữa.

Kinh thánh đã cho chúng ta biết là ngay cả các tổ phụ đức tin cũng đã có sự yêu thương thiếu công bằng giống như vậy, chẳng hạn như việc ông Y-sác và bà Rê-be-ca yêu con, như có chép trong…

SÁNG THẾ KÝ 25: 28 – Khi hai đứa trai nầy lớn lên, thì Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường giong ruổi nơi đồng ruộng, còn Gia-cốp là người hiền lành, cứ ở lại trại. Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-be-ca lại yêu Gia-cốp.

Như vậy thì Kinh thánh đã cho chúng ta biết rằng cả Y-sác và Rê-be-ca đều yêu thương theo ý thích của họ.

Còn sự thương theo Lẽ thật của Chúa mới là sự yêu thương công bằng, nghĩa là hễ là con thì cha mẹ phải yêu thương chúng như nhau, không phân biệt gì hết, vì đó là bổn phận và là trách nhiệm của người làm cha làm mẹ.

Không phải là vô tình hoặc ngẫu nhiên mà lời của Chúa cho chúng ta biết câu chuyện về gia đình của Y-sác và của Gia-cốp, để từ đó chúng ta có thể hiểu rằng nếu muốn cho trong nhà có loạn thì cứ thương con không đều, chẳng hạn như việc Gia-cốp thương Giô-sép hơn những người con khác đến nỗi các người anh đều muốn giết Giô-sép đi.

Hai gia đình ấy cũng giúp cho chúng ta hiểu được rằng nếu các tổ phụ đức tin mà còn yêu thương không công bằng thì huống chi là loài người ngày hôm nay, trong đó có cả Cơ-đốc-nhân. Nhưng nếu yêu thương không công bằng mà lại cho rằng như vậy là đã làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời rồi thì quan niệm ấy là vô lý biết là bao nhiêu.

Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình cho nên luật pháp của Chúa cũng là luật pháp công bình, như đã có chép trong…

THI THIÊN 119: 172 – Nguyện lưỡi tôi hát xướng về lời Chúa, vì hết thảy điều răn Chúa là công bình.

Thế thì chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, nếu loài người lấy sự yêu thương không công bình của họ mà xem như đã làm trọn luật pháp công bình của Đức Chúa Trời rồi, thì còn có điều nào vô lý cho bằng.

Chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại đi chấp nhận sự yêu thương không công bình của loài người để bỏ qua luật pháp công bình đời đời của Ngài hay sao? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại dùng điều sai để thay thế cho điều đúng? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời chấp nhận sự yêu thương bất toàn của loài người để thay thế cho luật pháp hoàn hảo trọn vẹn đời đời của Ngài?

Hỏi như vậy là vì luật pháp của Chúa là trọn vẹn và còn lại đến đời đời, như đã có chép trong…

THI THIÊN 19: 7 – Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại. Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.

THI THIÊN 119: 160 – Sự tổng cộng lời của Chúa là chân thật, các mạng lịnh công bình của Chúa còn đời đời.

Bởi lẽ ấy mà chúng ta hiểu được rằng khi loài người và Cơ-đốc-nhân yêu thương một cách phiến diện, thiếu công bằng, yêu thương theo cảm tính và tư dục của cá nhân thì điều đó không thể được xem như là đã thay thế cho việc vâng giữ cẩn thận luật pháp trọn vẹn và công bình của Đức Chúa Trời.

– Lý do thứ hai của việc cần phải làm theo luật pháp của Chúa để có thể được kể như là người có tình yêu thương thật là vì luật pháp của Chúa là luật pháp yêu thương, bắt nguồn từ lòng yêu thương nhân từ tuyệt đối của Chúa.

Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương, cho nên luật pháp của Chúa cũng là luật pháp yêu thương, như lời của Đức Chúa Jêsus Christ đã tóm gọn lại trong…

MA-THI-Ơ 22: 37-40 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà YÊU mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy YÊU kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.

Như vậy thì luật pháp của Chúa được tóm lại chỉ bằng một chữ mà thôi. Đó là chữ YÊU. Chính bởi lẽ đó mà người nào cẩn thận vâng giữ và làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời thì mới được kể là người có tình yêu thương thật, tức là yêu thương theo sự hướng dẫn của Chúa qua luật pháp của Ngài, chớ không phải là yêu thương theo quan điểm riêng của cá nhân, của diễn giả, của giáo hội hoặc là của xu hướng loài người.

Chúng ta cùng đọc lại hai câu gốc định nghĩa về tình yêu thương thì sẽ thấy rõ ràng ý nghĩa mà chúng ta đã cùng nhau xem xét qua ở trên.

2GIĂNG 1: 6 – Vả, sự yêu thương LÀ tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo.

RÔ-MA 13: 10 – Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận. Vậy, yêu thương LÀ sự làm trọn luật pháp.

Như vậy, để nhấn mạnh về ý nghĩa thật của tình yêu thương thì chúng ta phải hiểu như thế nầy: Sự yêu thương thật được thể hiện qua việc làm theo một cách cẩn thận các điều răn của Đức Chúa Trời.

Thêm nữa, để chúng ta có thể biết được là tại sao lại có sự lầm lẫn trong việc hiểu sai lời của Chúa trong Kinh thánh khi đề cập đến tình yêu thương thì chúng ta cần phải để ý đến hai nguyên nhân nầy:

Thứ nhất, ấy là từ trước đến nay thì Cơ-đốc-nhân thường nghĩ rằng tình yêu thương là quan trọng hơn đức tin, theo như lời của Chúa trong…

1CÔ-RINH-TÔ 13: 13 – Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương. Nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

Thứ hai, ấy là vì nhiều người tưởng rằng đức tin quan trọng hơn luật pháp, như lời của Chúa đã có ghi lại trong…

RÔ-MA 3: 28 – Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp.

Chính vì hai câu gốc nầy mà nhiều người đã suy diễn rằng: Nếu đức tin quan trọng hơn việc làm theo luật pháp, mà tình yêu thương lại quan trọng hơn đức tin, thì điều đó có nghĩa là nếu một người đã có tình yêu thương thì không cần phải làm theo luật pháp của Chúa. Nhưng suy diễn như vậy là sai.

Chúng tôi thấy cần phải hết sức nhấn mạnh ở đây là lời của Chúa trong 1Cô-rinh-tô 13: 13 và Rô-ma 3: 28 đều là lời chân thật, đúng đắn hoàn toàn, không hề có một chút sai lầm nào, nhưng vấn đề ở chỗ là có nhiều Cơ-đốc-nhân lại hiểu sai ý nghĩa của hai câu Kinh thánh ấy.

Sự hiểu sai đó là như thế nầy:

Nhiều người tưởng lầm rằng các chữ LÀM THEO LUẬT PHÁP trong Rô-ma 3: 28 là có ý nói về tất cả luật pháp mà Kinh thánh đã dạy dỗ.

Nhưng thật ra thì chữ LÀM THEO LUẬT PHÁP trong Rô-ma 3: 28 là có ý muốn nói đến việc LÀM THEO LUẬT PHÁP CỦA SỰ CẮT BÌ, chớ không phải là nói chung về tất cả các luật pháp của Chúa trong Kinh thánh.

Cho nên Rô-ma 3: 28 cần phải được hiểu như thế nầy: Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo LUẬT CẮT BÌ.

Phao-lô viết như vậy là vì lúc bấy giờ có nhiều người Giu-đa, mặc dầu đã theo đạo Đấng Christ, nhưng vẫn cứ nhấn mạnh đến việc phải giữ theo luật pháp của sự cắt bì, như có chép trong…

CÔNG VỤ 15: 1 – Vả, có mấy người từ xứ Giu-đê đến, dạy các anh em rằng: Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt bì theo lễ Môi-se, thì không thể được cứu rỗi.

Bởi thế cho nên Phao-lô mới viết cho các Cơ-đốc-nhân thời bấy giờ rằng nếu họ vâng giữ theo luật pháp của sự cắt bì thì đức tin trong Đấng Christ chẳng giúp ích gì cho họ được hết. Những lời đó đã được ghi lại trong…

GA-LA-TI 5: 2 – Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết.

Chính vì vậy mà Phao-lô mới nhấn mạnh rằng người ta được cứu bởi đức tin chớ không phải bởi việc giữ theo luật pháp của sự cắt bì.

RÔ-MA 3: 28 – Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp.

Thêm vào đó nữa thì chúng ta biết được các chữ LÀM THEO LUẬT PHÁP có nghĩa là LÀM THEO LUẬT PHÁP CỦA SỰ CẮT BÌ cũng là nhờ vào các câu Kinh thánh sau đây:

RÔ-MA 2: 27 – Kẻ vốn không chịu cắt bì, mà làm trọn luật pháp sẽ đoán xét ngươi, là kẻ dẫu có chữ của luật pháp và phép cắt bì, lại phạm luật pháp.

và trong…

1CÔ-RINH-TÔ 7: 19 – Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là GIỮ CÁC ĐIỀU RĂN của Đức Chúa Trời.

Rõ ràng là trong các câu Kinh thánh nầy thì Phao-lô hết sức nhấn mạnh đến các chữ LÀM TRỌN LUẬT PHÁP và GIỮ CÁC ĐIỀU RĂN của Đức Chúa Trời.

Như vậy thì chẳng lẽ Phao-lô lại mâu thuẫn trong các thư tín của ông hay sao? Tức là có lúc thì ông viết là không cần phải làm theo luật pháp, rồi có lúc lại viết là cần phải làm theo luật pháp? Chẳng lẽ Phao-lô, là người được Đức-Thánh-Linh soi dẫn để viết các thư tín ấy, mà lại mâu thuẫn nặng nề như vậy hay sao?

Chắc chắn là không.

Phao-lô không hề mâu thuẫn với những điều mà ông đã được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết ra. Đức Chúa Trời cũng không hề tự mâu thuẫn trong lời của Ngài.

Bởi lẽ đó mà việc Phao-lô viết rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp là ông có ý muốn nói đến LUẬT PHÁP CỦA SỰ CẮT BÌ chớ không phải là nói đến luật pháp để sống mẫu mực theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Nhưng mà đa số Cơ-đốc-nhân thì lại tưởng lầm rằng mình được cứu bởi đức tin chớ không cần phải vâng theo các mạng lệnh và mẫu mực mà Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ đã phán dạy trong Kinh thánh, tức là họ nghĩ rằng cứ hễ tin Chúa là được cứu mà không cần phải sống đạo, không cần phải tái sanh, không cần phải nên thánh.

Cơ-đốc-nhân có sự hiểu lầm như vậy là vì bị các tín lý sai lạc và giả mạo của ma quỉ dẫn dụ từ xưa đến nay.

Điều đó đã xãy ra để cho ứng nghiệm lời của Đức Chúa Jêsus đã phán rằng ngày mà Đấng Christ tái lâm thì chỉ có một số ít người được kể là có đức tin thật trong Chúa mà thôi, như đã có chép trong…

LU-CA 18: 8 – Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, HÁ SẼ THẤY ĐỨC TIN TRÊN MẶT ĐẤT CHĂNG?

Chúng ta cần phải biết rằng khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm thì ấy là khi Tin lành được giảng ra khắp đất, tức là số người tin Chúa và theo đạo sẽ đông lắm, nhưng lời của Chúa thì lại cho biết là lúc ấy thì những người được kể là có đức tin thật thì ít lắm, ít đến nỗi nếu so với hơn 2 tỷ người nói rằng mình tin Chúa và theo đạo thì kể như là không có.

Thành ra vấn đề là như thế nầy:

– Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân sống theo tiêu chuẩn của Chúa trong Kinh thánh, tức là các mạng lệnh và luật pháp của Ngài, để nhờ đó có thể trở nên những người có tình yêu thương thật giống như Chúa, tức là biết yêu thương theo Lẽ thật chớ không phải là yêu thương mù quáng, yêu thương theo cảm tính, theo tư dục hoặc yêu thương vì được lợi cho cá nhân.

– Còn Cơ-đốc-nhân thì lại nghĩ rằng hễ mình có tình yêu thương thì không cần phải sống theo luật pháp của Chúa. Tệ hơn nữa là khi có ai nhắc nhở cho Cơ-đốc-nhân biết rằng họ cần phải sống theo các mẫu mực mà luật pháp của Chúa đã dạy dỗ thì họ liền gọi người đó là kẻ giả hình.

Sự lầm lẫn như vậy đã xãy ra là vì người ta không chịu suy gẫm lời của Chúa một cách cẩn thận.

Sự lầm lẫn như vậy đã xãy ra để cho ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jêsus Christ đã phán trong Lu-ca 18: 8.

Kế đến nữa, nhiều Cơ-đốc-nhân không chỉ hiểu lầm về ý nghĩa của Rô-ma 3: 28 mà còn hiểu lầm luôn ý nghĩa của 1Cô-rinh-tô 13: 13.

1CÔ-RINH-TÔ 13: 13 – Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương. Nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

Bởi hiểu lầm câu gốc nầy mà nhiều người cho rằng vì tình yêu thương quan trọng hơn đức tin, mà đức tin thì lại quan trọng hơn việc làm theo luật pháp, vì thế cho nên hễ có tình yêu thương thì là đã đủ để được cứu rỗi rồi.

Nhưng thật ra thì chữ TÌNH YÊU THƯƠNG trong 1Cô-rinh-tô 13: 13 là có ý muốn nhấn mạnh đến việc Cơ-đốc-nhân phải có HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG THEO LẼ THẬT CỦA CHÚA.

Chúng ta có thể hiểu được điểm quan trọng nầy khi so sánh hai phần Kinh thánh trong đoạn 13 của 1Cô-rinh-tô.

Phần thứ nhất là câu thứ 3:

1CÔ-RINH-TÔ 13: 3 – Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.

Dầu rằng đây là hành động cho thấy có tình yêu thương, vì phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nhưng đó cũng chỉ là hành động đối với vật ngoại thân, là tiền bạc, tài sản. Nhiều người có thể làm được điều đó để cầu danh, để được nổi tiếng.

Trong thực tế thì chúng ta cũng có thể biết được hoặc thấy được những trường hợp mà người ta phát quà, phát đồ ăn cho người nghèo nhưng lại có thái độ hống hách, trịch thượng, khinh dễ kẻ bần cùng. Việc bố thí như vậy không phải xuất phát từ tình yêu thương thật.

Phần thứ hai mà chúng ta cần phải để ý đến là từ câu thứ 4 cho đến câu thứ 7:

1CÔ-RINH-TÔ 13: 4-7 – Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.

Các câu Kinh thánh nầy cho chúng ta thấy nội tâm của một người có tình yêu thương thật. Đây mới chính là trọng tâm đáng chú ý của vấn đề: Đó là HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG của một người đã được tái sanh. Còn hành động phân phát gia tài, bố thí, chịu tử hình thì người thế gian vẫn có thể làm được vì danh tiếng hoặc là vì lý tưởng hoặc vì quyền lợi của đảng phái chính trị của họ.

Chắc hẳn chúng ta đã có nghe về những trường hợp người ta tự thiêu, ôm bom tự sát, chịu tử hình hầu cho lý tưởng chính trị hoặc tôn giáo của họ được nổi danh, được có quyền lực.

Nhưng Đức Chúa Trời thì lại muốn Cơ-đốc-nhân có HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG xuất phát từ một đời sống đã tái sanh, mà chỉ có một mình Đức-Thánh-Linh mới làm cho người ta thật sự sanh lại mà thôi, như lời của Chúa đã khẳng định trong…

GA-LA-TI 5: 22 – Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.

Chúng ta cần phải hiểu thế nầy: Nếu nói về sự yêu thương thì người thế gian hay Cơ-đốc-nhân đều có thể thực hiện được, mà nhiều khi người thế gian lại còn thực hiện sự yêu thương hơn hẳn cả Cơ-đốc-nhân nữa, chẳng hạn như bố thí, giúp đỡ kẻ nghèo, cứu trợ nạn nhân bão lụt…

Nhưng hành động yêu thương đó không được thực hiện bởi một đời sống đã tái sanh và biết bước theo Lẽ thật. Bởi thế cho nên lời của Chúa mới nhấn mạnh đến HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG được đặt căn bản trên Lẽ thật của Chúa, tức là ý nghĩa của 1Cô-rinh-tô 13: 13. Bởi vì chỉ có như vậy thì mới có thể làm đẹp lòng Chúa và nhận được sự cứu rỗi mà thôi, như lời của Chúa đã khẳng định trong…

2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2: 10 – Dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh SỰ YÊU THƯƠNG CỦA LẼ THẬT để được cứu rỗi.

SỰ YÊU THƯƠNG CỦA LẼ THẬT tức là sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá. Cơ-đốc-nhân cần phải nhận lãnh tình yêu ấy và đồng thời cũng phải yêu thương bằng tình yêu ấy thì mới nhận được sự cứu rỗi.

Ấy là bởi vì tình yêu thương trong Lẽ thật là TÌNH YÊU THƯƠNG HÀNH ĐỘNG THEO LẼ THẬT CỦA CHÚA chớ không phải là theo quan điểm của cá nhân, theo xu hướng của thời đại hay là theo sự thúc đẩy của xã hội loài người. Tình yêu thương bằng hành động đã được lời của Chúa nhấn mạnh đến trong…

1GIĂNG 3: 18 – Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.

Chính vì tình yêu thương phải có việc làm (theo mẫu mực của Lẽ thật) cặp theo cho nên lời của Chúa mới cho biết rằng việc làm là quan trọng hơn đức tin suông, tức là đức tin chỉ bằng lời nói mà không có hành động nào cặp theo, như lời của Chúa đã có đề cập đến trong…

GIA-CƠ 2: 14 – Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng?

GIA-CƠ 2: 22 – Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn.

GIA-CƠ 2: 16 – Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy.

So sánh các câu Kinh thánh nầy với 1Cô-rinh-tô 13: 13 thì chúng ta mới có thể thấy được rằng chữ VIỆC LÀM là có ý nói đền HÀNH ĐỘNG CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG.

1CÔ-RINH-TÔ 13: 13 – Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương. Nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

Như vậy chữ VIỆC LÀM trong Gia-cơ 2 là có ý nói đến HÀNH ĐỘNG CỦA LÒNG YÊU THƯƠNG THẬT của một đời sống mới, một đời sống đã được tái sanh, như lời của Phao-lô, qua sự hướng dẫn của Đức-Thánh-Linh, đã đề cập đến trong…

GA-LA-TI 6: 15 – Vì điều yếu cần, chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới.

Thế thì lời của Chúa đã cho biết chắc chắn rằng đức tin suông không cứu được người ta, chỉ có đức tin mà có HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG của một đời sống tái sanh cặp theo thì đức tin đó mới dẫn đến sự sống đời đời.

Ý nghĩa đó chính là ý nghĩa thật sự của 1Cô-rinh-tô 13: 13, chớ không phải là sự hiểu sai như nhiều người đã suy diễn từ trước đến nay.

Để tóm tắt lại thì qua các câu Kinh thánh đã trưng dẫn chúng ta cần phải hiểu Lẽ thật trong lời của Chúa là thế nầy:

– Người ta được cứu bởi ĐỨC TIN chớ không phải bởi việc LÀM THEO LUẬT CẮT BÌ, nhưng ĐỨC TIN ấy phải có HÀNH ĐỘNG CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG THẬT cặp theo, bằng không thì đức tin ấy là ĐỨC TIN SUÔNG, không có giá trị gì hết và không thể giúp cho người ta nhận được cứu rỗi.

RÔ-MA 3: 28 – Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp.

1CÔ-RINH-TÔ 13: 13 – Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương. Nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

– Nhưng muốn có được HÀNH ĐỘNG CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG THẬT thì Cơ-đốc-nhân phải làm theo luật pháp của Chúa, vì luật pháp ấy bắt nguồn từ ĐẤNG YÊU THƯƠNG và được gồm tóm trong chỉ một chữ mà thôi, đó là chữ YÊU, tức là YÊU CHÚA và YÊU NGƯỜI.

2GIĂNG 1: 6 – Vả, sự yêu thương LÀ tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo.

RÔ-MA 13: 10 – Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận. Vậy, yêu thương LÀ sự làm trọn luật pháp.

(Lần tới chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến Chủ đề TÌNH YÊU THƯƠNG TRONG LUẬT PHÁP CỦA CHÚA)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *